Hệ thống pháp luật

Điều 22 Thông báo 17/2020/TB-LPQT hiệu lực của Công ước Bưu chính Thế giới 2019 (Universal Postal Convention) do Bộ Ngoại giao ban hành

Điều 22

Trách nhiệm của nhà khai thác được chỉ định. Bồi thường

1 Quy định chung

1.1 Trừ các trường hợp quy định tại Điều 23, nhà khai thác được chỉ định phải chịu trách nhiệm đối với:

1.1.1 trường hợp mất, mất cắp hoặc hư hại bưu phẩm bảo đảm, bưu kiện thường (trừ các bưu kiện thương mại điện tử (“bưu kiện ECOMPRO”) với các đặc điểm được quy định trong Thể lệ) và bưu gửi khai giá;

1.1.2 trường hợp chuyển hoàn bưu phẩm bảo đảm, bưu gửi khai giá và bưu kiện thường mà không ghi lý do không phát được.

1.2 Nhà khai thác được chỉ định không phải chịu trách nhiệm đối với những bưu gửi không được quy định tại các khoản 1.1.1 và 1.1.2 cũng không chịu trách nhiệm đối với các bưu kiện ECOMPRO.

1.3 Nhà khai thác được chỉ định không phải chịu trách nhiệm trong mọi trường hợp mà Công ước này không quy định.

1.4 Khi bưu phẩm bảo đảm, bưu kiện thường và bưu gửi khai giá bị mất hoặc bị hư hại hoàn toàn do trường hợp bất khả kháng mà không có bồi thường thì người gửi được trả lại các khoản cước đã thanh toán khi gửi bưu gửi, trừ cước khai giá.

1.5 Tiền bồi thường được trả không vượt quá số tiền quy định trong Thể lệ.

1.6 Trong trường hợp phải chịu trách nhiệm thì những thiệt hại gián tiếp hoặc những nguồn lợi hoặc tổn thất về tinh thần không thực hiện được không được tính vào khoản tiền bồi thường phải trả.

1.7 Tất cả các quy định liên quan đến trách nhiệm của nhà khai thác được chỉ định đều là những quy định bắt buộc thực hiện, không có trường hợp ngoại lệ và phải thực hiện đầy đủ. Trong mọi trường hợp, kể cả trường hợp phạm lỗi nghiêm trọng, nhà khai thác được chỉ định không phải chịu trách nhiệm cao hơn mức giới hạn trách nhiệm quy định trong Công ước và các Thể lệ,

2 Bưu phẩm bảo đảm

2.1 Nếu bưu phẩm bảo đảm bị mất, bị mất cắp hoặc bị hư hỏng hoàn toàn, người gửi được bồi thường một khoản tiền theo quy định trong Thể lệ. Nếu người gửi đòi một số tiền ít hơn khoản tiền quy định trong Thể lệ, nhà khai thác được chỉ định có thể trả số tiền thấp hơn này và trên cơ sở đó, nhận lại số tiền này từ các nhà khai thác được chỉ định khác có liên quan.

2.2 Nếu bưu phẩm bảo đảm bị mất cắp một phần hoặc bị hư hỏng một phần, người gửi được bồi thường một khoản tiền, về nguyên tắc, tương ứng với giá trị thực tế của phần bị mất cắp hoặc hư hại.

3 Bưu kiện thường

3.1 Nếu một bưu kiện bị mất, bị mất cắp hoàn toàn hoặc hư hại hoàn toàn, người gửi được bồi thường một khoản tiền theo quy định trong Thể lệ. Nếu người gửi đòi một số tiền ít hơn khoản tiền quy định trong Thể lệ, các nhà khai thác được chỉ định có thể trả số tiền thấp hơn này và trên cơ sở đó, nhận lại số tiền này từ các nhà khai thác được chỉ định liên quan.

3.2 Nếu bưu kiện bị mất cắp một phần hoặc bị hư hỏng một phần, người gửi được bồi thường một khoản tiền, về nguyên tắc, tương ứng với giá trị thực tế của phần bị mất cắp hoặc bị hư hại.

3.3 Nhà khai thác được chỉ định có thể thỏa thuận, trong các quan hệ qua lại với nhau, để áp dụng mức tiền bồi thường theo từng bưu kiện như quy định tại Thể lệ mà không tính đến khối lượng.

4 Bưu gửi khai giá

4.1 Nếu bưu gửi khai giá bị mất, bị mất cắp hoàn toàn hoặc bị hư hỏng hoàn toàn, người gửi sẽ được bồi thường một khoản tiền, về nguyên tắc, tương ứng với giá trị đã khai, tính bằng đơn vị Quyền rút vốn đặc biệt (SDR).

4.2 Nếu bưu gửi khai giá bị mất một phần hoặc bị hư hỏng một phần, người gửi sẽ được bồi thường một khoản tiền, về nguyên tắc, tương ứng với giá trị thực tế của phần bị mất cắp hoặc bị hư hỏng. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, số tiền này không được vượt quá giá trị đã khai, tính bằng SDR.

5 Trường hợp bưu phẩm bảo đảm hoặc bưu phẩm khai giá bị chuyển hoàn mà không ghi rõ lý do không phát được, người gửi sẽ chỉ được hoàn lại các khoản cước đã trả khi gửi bưu gửi này.

6 Trường hợp bưu kiện bị chuyển hoàn mà không ghi rõ lý do không phát được, người gửi sẽ được hoàn lại các khoản cước đã thanh toán khi gửi bưu kiện tại nước gốc và các khoản chi phí phát sinh do chuyển hoàn bưu kiện này về từ nước nhận.

7 Trong các trường hợp nêu tại các khoản 2, 3 và 4, tiền bồi thường sẽ được tính theo giá hiện hành, quy đổi ra SDR, của vật phẩm, hàng hóa cùng loại tại địa điểm và thời điểm mà bưu gửi đó được chấp nhận để chuyển đi. Nếu không tính được theo giá hiện hành đó, tiền bồi thường sẽ được tính theo giá trị thông thường của vật phẩm hoặc hàng hóa, giá trị này được định giá trên cùng một cơ sở.

8 Đối với trường hợp bồi thường do bị mất, bị mất cắp hoàn toàn hoặc bị hư hỏng hoàn toàn đối với bưu phẩm bảo đảm, bưu kiện thường hoặc bưu gửi khai giá, tùy từng trường hợp, người gửi hoặc người nhận được hoàn trả các loại cước và phí đã thanh toán khi gửi bưu gửi trừ cước bảo đảm và cước khai giá. Quy định này cũng được áp dụng đối với bưu phẩm bảo đảm, bưu kiện thường hoặc bưu gửi khai giá mà người nhận từ chối không nhận do tình trạng xấu của bưu gửi khi trách nhiệm của nhà khai thác được chỉ định có liên quan.

9 Không ảnh hưởng tới quy định tại các khoản 2, 3 và 4, người nhận được quyền đòi bồi thường đối với bưu phẩm bảo đảm, bưu kiện thường và bưu gửi khai giá bị mất cắp hoặc bị hư hỏng nếu người gửi từ chối quyền này cho người nhận được hưởng. Quyền từ chối này sẽ không cần thiết nếu người nhận đồng thời là người gửi.

10 Nhà khai thác được chỉ định của nước gốc có quyền lựa chọn để trả cho người gửi tại nước này các khoản tiền bồi thường theo quy định của pháp luật quốc gia đối với bưu phẩm bảo đảm và bưu kiện không khai giá với điều kiện các khoản tiền bồi thường này không thấp hơn mức bồi thường quy định tại các khoản 2.1 và 3.1. Quy định này cũng được áp dụng đối với nhà khai thác được chỉ định của nước nhận khi tiền bồi thường được trả cho người nhận. Tuy nhiên, các mức bồi thường quy định tại các khoản 2.1 và 3.1 vẫn được áp dụng:

10.1 trường hợp truy thu nhà khai thác được chỉ định có trách nhiệm; hoặc

10.2 nếu người gửi từ bỏ quyền nhận bồi thường để người nhận được hưởng.

11 Bảo lưu liên quan đến quá thời hiệu khiếu nại và việc trả tiền bồi thường cho các nhà khai thác được chỉ định, bao gồm thời hạn và các điều kiện quy định trong Thể lệ sẽ không được chấp thuận, trừ trường hợp có thỏa thuận song phương.

Thông báo 17/2020/TB-LPQT hiệu lực của Công ước Bưu chính Thế giới 2019 (Universal Postal Convention) do Bộ Ngoại giao ban hành

  • Số hiệu: 17/2020/TB-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 26/09/2019
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn Ngự
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 297 đến số 298
  • Ngày hiệu lực: 23/01/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH