Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4514/QĐ-UBND

 Nghệ An, ngày 25 tháng 11 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ ĐÔNG NAM THÀNH ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CỦA TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025;

Căn cứ Chương trình số 03-CTr/TU ngày 25/12/2020 của Tỉnh ủy về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 69/QĐ-UBND ngày 13/01/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX;

Căn cứ Thông báo số 386-TB/TU ngày 01/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam tại Công văn số 1449/KKT-KHĐT ngày 19/10/2021 và Tờ trình số 65/TTr-KKT ngày 22/9/2021 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” (có Đề án chi tiết kèm theo).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam là cơ quan thường trực, chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành và các địa phương liên quan xây dựng kế hoạch triển khai Đề án, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp, kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền. Hàng năm, đánh giá kết quả thực hiện Đề án báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tổng kết 05 năm thực hiện Đề án.

2. Các Sở, ban, ngành căn cứ nhiệm vụ được giao trong Đề án để tổ chức thực hiện, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện gửi Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Ban Thường vụ huyện, thành, thị ủy (có địa bàn thuộc Khu kinh tế Đông Nam) tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; hàng năm, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

4. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cơ chế chính sách về phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Ngọc Hoa

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ ĐÔNG NAM THÀNH ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CỦA TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 4514/QĐ-UBND ngày 25 tháng 11 năm 2021 của UBND tỉnh)

PHẦN MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Mô hình khu chế xuất, khu công nghiệp (sau đây gọi chung là KCN), khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu (sau đây gọi chung là KKT) được hình thành và phát triển trên cơ sở đường lối "Đổi Mới" đề ra tại Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986, nhằm thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, mở cửa, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Theo đó, chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển KCN, KKT liên tục được hoàn thiện và gắn bó mật thiết với bối cảnh, yêu cầu trong các thời kỳ thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của đất nước từ năm 1991 đến nay.

Sau 30 năm xây dựng và phát triển, các khu kinh tế, khu công nghiệp đã có những đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, thông qua việc thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, bổ sung nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội; gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu; đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách và tạo việc làm.

Bên cạnh những đóng góp trực tiếp nêu trên, việc hình thành khu công nghiệp, khu kinh tế đã có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế, trong đó có việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp, góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, phát triển đô thị, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng; bảo vệ môi trường sinh thái; mở rộng quan hệ đối ngoại,…

Đối với tỉnh Nghệ An, sau hơn 13 năm thành lập, Khu kinh tế Đông Nam đã và đang khẳng định rõ vị trí, vai trò động lực trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, công tác quy hoạch, phát triển không gian, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông thiết yếu, hạ tầng cảng biển, hạ tầng các khu chức năng, khu công nghiệp từng bước được thực hiện theo hướng đồng bộ hiện đại; công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ đầu tư ngày càng được quan tâm thực hiện và đạt hiệu quả cao, bước đầu thu hút một số dự án có quy mô lớn, có tính động lực phát triển; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp hằng năm đóng góp từ 10÷12% tổng thu ngân sách tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 23 nghìn lao động địa phương; thực hiện tốt các vấn đề bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập quốc tế, sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 và sự cạnh tranh gay gắt giữa các nền kinh tế lớn trong giai đoạn hiện nay, mô hình phát triển của Khu kinh tế Đông Nam đã bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, quy hoạch chưa theo sát được nhu cầu đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, một số khu chức năng không còn phù hợp; hiệu quả thu hút đầu tư và hiệu quả sử dụng đất chưa cao, chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong và ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế còn thấp so với nhu cầu.

Trước tình hình đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An là: "Khai thác bền vững tiềm năng, lợi thế nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế biển và vùng ven biển. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Đẩy nhanh xây dựng, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, dịch vụ logistics, khu đô thị ven biển theo hướng tiếp cận mô hình sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư.

Tiếp tục bổ sung cơ chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực phát triển 03 vùng kinh tế trọng điểm: Phát triển thành phố Vinh - thị xã Cửa Lò, các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; phát triển vùng Hoàng Mai gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An; phát triển vùng miền Tây Nghệ An, trọng tâm là Thái Hòa - Nghĩa Đàn - Đô Lương - Tân Kỳ - Con Cuông - Quỳ Hợp."

Từ thực tiễn xây dựng và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, nhất là các khu kinh tế ven biển trong cả nước thời gian qua đã cho thấy sự thành công bước đầu của các khu kinh tế ven biển này xuất phát từ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng trong hoạch định chủ trương, chính sách, định hướng phát triển quy hoạch; trên cơ sở đó các cấp chính quyền cụ thể hóa bằng chương trình hành động, kế hoạch, đề án, dự án cụ thể để tổ chức thực hiện; kết hợp với sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong vận động tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua trong đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng và phát triển các khu kinh tế ven biển.

Vì vậy, để triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 26-NQ/TW và Thông báo số 55-TB/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An, yêu cầu đặt ra là phải có sự định hướng, tập trung chỉ đạo, lựa chọn để xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam (KKT Đông Nam), các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An (các KCN Nghệ An) thành khu vực phát triển kinh tế năng động, bền vững, thực sự trở thành động lực tăng trưởng mới về kinh tế - xã hội cho tỉnh Nghệ An, cần thiết phải xây dựng Đề án "Phát triển Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

- Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

- Thông báo số 55-TB/TW ngày 20/4/2019 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

- Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

- Quyết định số 1353/QĐ-TTg ngày 23/9/2008 của Chính phủ về phê duyệt Đề án quy hoạch các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020.

- Quyết định số 85/2007/QĐ-TTg ngày 11/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An.

- Quyết định số 21/2010/QĐ-TTg ngày 03/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế hoạt động của Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An; sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 67/2014/QĐ-TTg ngày 04/12/2014; số 10/2015/QĐ-TTg ngày 03/4/2015.

- Quyết định số 1534/QĐ-TTg ngày 21/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An; điều chỉnh cục bộ tại Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 04/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

- Quyết định số 301/QĐ-TTg ngày 26/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An đến năm 2040.

- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

- Chương trình số 03-CTr/TU ngày 25/12/2020 của Tỉnh ủy về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

- Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 tỉnh Nghệ An.

- Quyết định số 4696/QĐ-UBND ngày 21/12/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 tỉnh Nghệ An.

- Quyết định số 69/QĐ-UBND ngày 13/01/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

- Kế hoạch số 490/KH-UBND ngày 31/8/2020 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.

- Kết quả khảo sát, thu thập thông tin, số liệu của các Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (thành phố Hải Phòng), Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa), Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa).

III. MỤC ĐÍCH, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục đích nghiên cứu

Đánh giá toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh sau 13 năm thành lập (2007-2020). Phân tích, so sánh, đánh giá kết quả đạt được, các hạn chế, tồn tại và nguyên nhân.

Đề ra các giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong hoạch định chủ trương, chính sách, định hướng phát triển Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trên cơ sở đó các cấp chính quyền cụ thể hóa bằng chương trình hành động, kế hoạch, đề án, dự án, xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể để tổ chức thực hiện; kết hợp với sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong vận động, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

2. Đối tượng nghiên cứu

- Hệ thống các chủ trương, đường lối, chính sách, định hướng của Đảng, văn bản pháp luật, cơ chế chính sách của Nhà nước trong xây dựng và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp của cả nước nói chung và Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An nói riêng.

- Tình hình kinh tế - xã hội thế giới, khu vực, trong nước và của tỉnh Nghệ An.

- Tình hình xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An.

- Xu thế hội nhập phát triển toàn cầu, cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, chuyển đổi số, công nghiệp hiện đại, công nghiệp cộng sinh,...

3. Phạm vi nghiên cứu

- Phạm vi thời gian: Đánh giá thực trạng phát triển giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2020, định hướng phát triển giai đoạn 2021-2025, có tính đến năm 2030.

- Phạm vi không gian: Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An; Một số khu kinh tế ven biển có điều kiện phát triển tương tự trong nước như KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, KKT Đình Vũ - Cát Hải, thành phố Hải Phòng, KKT Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa,…

IV. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA ĐỀ ÁN

Đề án bao gồm 3 phần, cụ thể như sau:

Phần 1: Thực trạng phát triển Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An giai đoạn 2007-2020.

Phần 2: Quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Phần 3: Tổ chức thực hiện

PHẦN 1:

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ ĐÔNG NAM, CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2007-2020

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KKT, KCN TRÊN ĐỊA BÀN CẢ NƯỚC

1. Hệ thống các KKT, KCN cả nước

a) Về khu công nghiệp

Hiện nay, trên phạm vi cả nước có 575 KCN trong quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 219,5 ngàn ha (chiếm 0,66% tổng diện tích đất cả nước). Trong đó, có 392 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 120 nghìn ha1. Các KCN được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng.

Trong số 392 KCN được thành lập có 286 KCN đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 85,2 nghìn ha2 và 106 KCN đang xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 34,7 nghìn ha3. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN đạt khoảng 43,1 nghìn ha (đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,8% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê).

b) Về khu kinh tế

Cả nước hiện có 19 KKT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với tổng diện tích tự nhiên khoảng 871,5 nghìn ha4. Trong đó, 18 KKT đã được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853 nghìn ha5, trong đó có khoảng 100 nghìn ha được quy hoạch phát triển các khu chức năng (khu phi thuế quan khoảng 9 nghìn ha, khu công nghiệp khoảng 43 nghìn ha, khu chức năng sản xuất thương mại, dịch vụ, du lịch khoảng 48 nghìn ha).

Tổng diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất trong các KKT ven biển đạt trên 30 nghìn ha, chiếm khoảng 40% tổng diện tích đất dành cho sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ trong KKT ven biển.

Bên cạnh đó, có 26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đất liền, với tổng diện tích 766 nghìn ha. Đa số các KKT cửa khẩu hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

c) Đóng góp của KCN, KKT trong phát triển kinh tế - xã hội cả nước

Thời gian qua, các KCN, KKT đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, cung cấp nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lũy kế đến cuối tháng 4 năm 2021, các KCN, KKT đã thu hút được 10.148 dự án trong nước và 10.921 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 2,52 triệu tỷ đồng và 230,2 tỷ USD.

Việc phát triển kết cấu hạ tầng KCN, phát triển các khu chức năng trong KKT của các nhà đầu tư hạ tầng có tác động lan tỏa, thu hút các nhà đầu tư khác tham gia đầu tư vào kết cấu hạ tầng kết nối và dịch vụ tiện ích phục vụ KCN, KKT, tạo nguồn thu NSNN để tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng của các địa phương, từng bước thúc đẩy quá trình đô thị hóa theo hướng chuyển đổi nông nghiệp lạc hậu thành khu đô thị - công nghiệp phát triển. Đồng thời, KCN, KKT là mô hình sản xuất công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ môi trường và thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững6.

2. Tình hình phát triển KKT ven biển

Kể từ khi Khu kinh tế ven biển đầu tiên là KKT mở Chu Lai được thành lập vào năm 2003, đến nay cả nước đã có 18 KKT ven biển được thành lập, gồm: 04 KKT ở vùng Đồng bằng sông Hồng, gồm: Vân Đồn và Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh), Đình Vũ - Cát Hải (thành phố Hải Phòng), Thái Bình (tỉnh Thái Bình); 11 KKT ở vùng Duyên hải miền Trung, gồm: Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa), Đông Nam Nghệ An (tỉnh Nghệ An), Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh), Hòn La (tỉnh Quảng Bình), Chân Mây - Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế), Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), Nhơn Hội (tỉnh Bình Định), Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), Nam Phú Yên (tỉnh Phú Yên) và Đông Nam Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị); 03 KKT ở miền Nam, gồm: KKT đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới (tỉnh Kiên Giang), Định An (tỉnh Trà Vinh), Năm Căn (Cà Mau).

Các khu kinh tế được thành lập với mục tiêu khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương, tập trung thu hút các dự án động lực, hình thành các khu sản xuất tập trung có quy mô lớn nhằm tạo nên cực tăng trưởng làm động lực phát triển cho địa phương và khu vực. Điểm thuận lợi của mô hình phát triển này là có thể phát huy được các tiềm năng nội lực của từng vùng để phát triển kinh tế, xã hội, tạo thành các khu vực kinh tế tổng hợp năng động có sức lan tỏa rộng sang các vùng khác. Mô hình này sẽ phát huy hiệu quả cao khi các lợi thế về địa kinh tế được hiện thực hóa bằng các dự án, công trình kết cấu hạ tầng quan trọng.

Về ngành nghề phát triển, nhìn chung các KKT ở nước ta hiện nay đều đang phát triển theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó trọng tâm là công nghiệp, dịch vụ, điển hình là các KKT: Dung Quất, Nghi Sơn, Vũng Áng, Đình Vũ - Cát Hải. Một số ít KKT khác định hướng phát triển dựa vào du lịch, dịch vụ như KKT Vân Đồn, đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới. Sự phát triển KKT được thực hiện chủ yếu thông qua phát huy các thế mạnh về vị trí địa kinh tế như cảng biển, sân bay, hệ thống giao thông đường bộ liên kết với các vùng kinh tế trọng điểm thuận lợi, có điều kiện thuận lợi để thu hút và triển khai các dự án có quy mô lớn, dự án kinh tế động lực phát triển.

Thực tế cho thấy, trong 18 KKT ven biển đã thành lập, phần lớn đều thuộc các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Do đó, việc phát triển kết cấu hạ tầng chủ yếu phải dựa vào nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương7, chưa huy động được nhiều các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Những năm gần đây, do tình hình kinh tế khó khăn chung, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương ngày càng giảm, nên mức vốn hỗ trợ chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của các địa phương. Chỉ có một số KKT ven biển được thành lập ở các địa phương có ưu thế về vị trí địa kinh tế, được tập trung vốn đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng và sớm xác định các ngành nghề, lĩnh vực phát triển trọng tâm như Hải Phòng, Nghi Sơn, Dung Quất, Chu Lai là có tốc độ phát triển tốt hơn các khu kinh tế còn lại.

Bảng 1: So sánh các chỉ tiêu chủ yếu của một số KKT ven biển

 Địa phương

Chỉ số

Đơn vị tính

Hải Phòng

Thanh Hóa

Khánh Hòa

Nghệ An

1. Diện tích Khu kinh tế

ha

22.540

106.000

150.000

20.776

- Số KCN trong KKT

KCN

12

25

2

5

- Diện tích quy hoạch

ha

6.448

9.058

400

4.532

2. Số KCN ngoài KKT

KCN

12

8

2

6

- Diện tích quy hoạch

ha

4.512

2.250

500

1.660

3. Số KCN đã được cấp Giấy CNĐKĐT

KCN

12

9

2

5

- Diện tích

ha

4.943

1.291

350

1.518

4. Số dự án cấp phép đầu tư

Dự án

574

642

153

257

- Dự án trong nước

Dự án

168

580

122

205

- Vốn đầu tư đăng ký

Tỷ đồng

145.853

160.047

18.993

44.816

- Dự án FDI

Dự án

406

62

31

52

- Vốn đầu tư đăng ký

Tỷ USD

17,16

13,45

3,14

1,09

5. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các KCN đã hoạt động

%

62

51

64

41

6. Lũy kế vốn bố trí ĐTXD hạ tầng từ NSNN đến năm 2020

Tỷ đồng

1.660

8.126

1.8968

2.350

Nguồn vốn NSTW

Tỷ đồng

1.420

3.677

1.537

1.737

Nguồn vốn NSĐP

Tỷ đồng

240

4.449

3.59

614

7. Nộp ngân sách giai đoạn 2016-2020

Tỷ đồng

31.769

54.644

20.950

7.176

8. Số lao động hiện tại

Lao động

154.100

96.000

18.112

23.614

3. Các yếu tố tác động đến sự phát triển của KKT, KCN

Qua khảo sát và đánh giá một số mô hình phát triển KKT, KCN trong nước như KKT Đình Vũ - Cát Hải, KKT Nghi Sơn, KKT Vân Phong có thể nhận thấy sự thành công của các KCN, KKT đều gắn với các yếu tố chính như:

- Về vị trí địa kinh tế: Vị trí địa lý, tự nhiên thuận lợi, gần các trục giao thông quan trọng, kết nối dễ dàng với khu vực và quốc tế, gần các khu vực kinh tế phát triển, có khả năng thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài và nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra lợi thế so sánh trong mối tương quan so với các vùng, miền, địa phương xung quanh9.

- Về xây dựng thể chế: Thể chế phải đủ mạnh, có cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư theo đối tác, ngành nghề ưu tiên phát triển10.

- Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải đồng bộ, quyết liệt, đường lối chính sách nhất quán. Chiến lược và mục tiêu phát triển rõ ràng, hướng tới những ngành nghề ưu tiên phát triển và có lợi thế so sánh11.

- Về công tác tổ chức, bộ máy: Bộ máy quản lý hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; được phân cấp, ủy quyền, giao quyền tự chủ mạnh; đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn; kịp thời chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, quyết định những vấn đề lớn, liên ngành.

- Về xây dựng và triển khai quy hoạch: Quy hoạch hiện đại, đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch tổng thể với quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch chung khu kinh tế, quy hoạch phát triển khu công nghiệp, quy hoạch sử dụng đất...

- Về cơ sở hạ tầng: Hạ tầng phải cơ bản đáp ứng và có sự hỗ trợ đầu tư ban đầu của Nhà nước để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, thiết yếu, có những chính sách, cơ chế hỗ trợ hợp lý trong quá trình thu hút các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng12.

- Về nguồn nhân lực: Nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và triển vọng phát triển trong tương lai, nguồn lao động đáp ứng cả về số lượng và chất lượng, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và sự thành công của các KKT, KCN.

- Về môi trường đầu tư kinh doanh: Môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và chính sách ưu đãi đầu tư cạnh tranh quốc tế, được áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt, mang tính vượt trội, hấp dẫn, cạnh tranh, ổn định, đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tục hành chính thường xuyên được cải cách mạnh mẽ, xóa bỏ rào cản, đẩy nhanh tiến độ đưa nhà đầu tư đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm chi phí đầu tư và tăng giá trị sản xuất, lợi nhuận kinh doanh.

II. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH NGHỆ AN

1. Vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên

Nghệ An là tỉnh nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, với diện tích 16.490,25 km2, lớn nhất cả nước; dân số 3.327.791 người, đứng thứ tư cả nước; là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nghệ An giáp tỉnh Thanh Hóa ở phía Bắc, tỉnh Hà Tĩnh ở phía Nam, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ở phía Tây với 468 km đường biên giới trên bộ; bờ biển ở phía Đông dài 82 km. Nghệ An có 21 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm 01 thành phố trực thuộc, 03 thị xã, và 17 huyện.

Trên địa bàn tỉnh hội tụ đầy đủ các tuyến đường giao thông từ đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa với các tuyến đường giao thông quốc gia chạy qua địa bàn tỉnh như: Quốc lộ 1A dài 84 km, đường Hồ Chí Minh dài 133 km, đường cao tốc Bắc - Nam dài 87,84 km, tuyến đường xuyên Á từ nước Lào qua cửa khẩu Thanh Thủy đến cảng Cửa Lò, tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 95,5km; cảng hàng không quốc tế Vinh quy mô từ 2,5 ÷ 3 triệu hành khách/năm và cảng biển quốc gia đầu mối khu vực loại I Cửa Lò, Đông Hồi.

Với điều kiện địa lý, kinh tế đa dạng, nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và nguồn nhân lực dồi dào, Nghệ An có nhiều tiềm năng và lợi thế để thu hút đầu tư, xây dựng phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển, kinh tế đối ngoại và mở rộng hợp tác quốc tế, khẳng định vai trò quan trọng không chỉ trong mối giao lưu kinh tế xã hội Bắc - Nam mà còn giữa Việt Nam và thị trường quốc tế.

2. Đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh

2.1. Thuận lợi

Giai đoạn 2007-2020, quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An diễn ra trong bối cảnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước đạt được nhiều kết quả quan trọng; Việt Nam đẩy mạnh hội nhập kinh tế thế giới, chính thức gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO); Tác động mạnh mẽ, sâu rộng của cuôc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4; Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp, tạo điều kiện giúp Nghệ An triển khai nhiều quy hoạch, chương trình, đề án quan trọng13.

Với sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các Ban, bộ, ngành Trung ương và kế thừa những thành tựu, kinh nghiệm từ các nhiệm kỳ trước. Để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, XVII và XVIII, Tỉnh ủy đã xây dựng ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động trọng tâm và kế hoạch cho từng lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Đảng bộ tỉnh đã quyết tâm, quyết liệt đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung thu hút các nguồn lực khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Chỉ đạo tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế chính sách, kết cấu hạ tầng giao thông, môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực... Huy động hiệu quả nguồn lực để thực hiện các đột phá chiến lược về phát triển kinh tế theo hướng nhanh, bền vững như: phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao; phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển du lịch, dịch vụ, trọng tâm là du lịch biển theo hướng bền vững; ưu tiên nguồn lực cho 3 vùng kinh tế trọng điểm14 để tạo thành các cực tăng trưởng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An trong giai đoạn vừa qua đã có bước phát triển khá toàn diện, theo hướng bền vững, tạo nền tảng thuận lợi cho giai đoạn tới. Cụ thể, GRDP bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 7,89%, GRDP bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 29 triệu đồng, tăng gần 2 lần so với năm 2010. GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 7,2%, GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 44,01 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2015. Quy mô GRDP của tỉnh hiện đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2.2. Khó khăn

Tình hình thế giới và khu vực thường xuyên có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu và lạm phát diễn ra từ năm 2007 - 2008; kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn; rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng; nhiều nước tăng cường bảo hộ thương mại trong những năm gần đây. Ở trong nước, nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, lạm phát cao, nợ công tăng nhanh, tỷ lệ nợ xấu cao; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài tăng, cạnh tranh ngày càng gay gắt, trong khi độ mở của nền kinh tế cao, sức chống chịu còn hạn chế. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.

Vị trí địa lý của Nghệ An xa các trung tâm lớn của cả nước, đường biên giới dài; khả năng liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa thực sự thuận lợi, sức hấp dẫn đầu tư còn hạn chế, nhất là việc thu hút các dự án động lực có tác động ảnh hưởng lan tỏa mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Vùng miền Tây rộng lớn, địa bàn hiểm trở, môi trường khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

Thực lực kinh tế của tỉnh chưa mạnh; huy động nguồn lực đầu tư gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Các điều kiện về kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật của tỉnh chưa đồng bộ, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các dự án lớn, tạo bước đột phá phát triển kinh tế xã hội trong khi nhiều dự án trọng điểm không đạt tiến độ đề ra, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

III. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ ĐÔNG NAM VÀ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2007 - 2020

1. Tổng quan về Khu kinh tế Đông Nam

Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 85/2007/QĐ-TTg ngày 11/6/2007, với diện tích 18.826,47 ha; điều chỉnh ranh giới tại các Quyết định số 67/2014/QĐ-TTg ngày 04/12/2014 (bổ sung các KCN Hoàng Mai, KCN Đông Hồi, tổng diện tích 1.200ha) và Quyết định số 10/2015/QĐ-TTg ngày 03/4/2015 (bổ sung Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, diện tích 750ha). Đến nay, KKT Đông Nam Nghệ An được mở rộng diện tích lên 20.776,47 ha nằm trên địa bàn 26 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện: Nghi Lộc, Diễn Châu, Hưng Nguyên; thị xã Hoàng Mai, Cửa Lò và thành phố Vinh.

Khu kinh tế Đông Nam cách Thủ đô Hà Nội 278 km; cách đường Hồ Chí Minh 45km theo Quốc lộ 7; cách Cửa khẩu Thanh Thủy 80km, sang Viên Chăn (Lào) khoảng 350km; tiếp giáp với Thị xã Cửa Lò và khu vực mở rộng thành phố Vinh, có Quốc lộ 1A, đường bộ cao tốc Bắc Nam đi qua suốt chiều dài khu kinh tế, sân bay quốc tế Vinh và cảng Cửa Lò (cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại I). Với vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị lớn, Khu kinh tế Đông Nam hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế để hình thành nên một khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng.

Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An được thành lập với mục tiêu:

(1) Trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng; một địa bàn có tính đột phá của tỉnh Nghệ An; cực phát triển quan trọng của vùng Trung Bộ; trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại, cảng biển lớn của vùng Bắc Trung Bộ; trung tâm đô thị lớn của Nghệ An; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đô thị văn minh, kiến trúc tiên tiến.

(2) Hình thành được các phân ngành, sản phẩm mũi nhọn chủ lực có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao trong các ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ và nông nghiệp nhằm tạo ra thế và lực cho sự phát triển lâu dài của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ.

(3) Khai thác có hiệu quả nhất các lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý kinh tế và chính trị trong giao thương quốc tế và trong nước của Khu kinh tế và tỉnh Nghệ An.

(4) Tạo nhiều việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; góp phần quyết định vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh Nghệ An theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp trong những năm tới.

(5) Thành lập một khu vực có cơ chế, chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất, bộ máy quản lý được tổ chức, hoạt động hiệu quả để bảo đảm một môi trường đầu tư, kinh doanh đặc biệt thuận lợi để thu hút đầu tư.

Ngoài Khu kinh tế Đông Nam, tỉnh Nghệ An còn có 06 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào danh mục các khu công nghiệp cả nước tại văn bản số 2244/TTg-KTN ngày 22/12/2008, tổng diện tích 1.660ha. Bao gồm các KCN: Nghĩa Đàn (200ha), Sông Dinh (300ha), Tân Kỳ (600ha), Tri Lễ (200ha), Phủ Quỳ (300ha) và Bắc Vinh (60ha), thuộc địa bàn các huyện: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn; thị xã Thái Hòa và thành phố Vinh.

2. Kết quả đạt được

2.1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành cơ chế, chính sách

2.1.1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Mục tiêu xây dựng Khu kinh tế Đông Nam thành khu vực có tính đột phá về cơ chế chính sách, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt 13 năm xây dựng và phát triển. Cụ thể:

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Tỉnh ủy đã lãnh đạo thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp về quy hoạch, cơ chế chính sách, nguồn nhân lực để thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Đông Nam nhằm khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đặc biệt chú trọng đẩy mạnh thu hút đầu tư, tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ từ Trung ương để huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển hạ tầng KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An15.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định một trong những nhiệm vụ chủ yếu để phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An là "Làm tốt công tác GPMB tạo nguồn đất sạch để thu hút các nhà đầu tư, trong đó chú trọng xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An thành khu kinh tế đa ngành, đa chức năng, trở thành một trong những vùng phát triển có tính đột phá của tỉnh, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hạ tầng Khu công nghiệp Hoàng Mai, Khu công nghiệp Đông Hồi theo quy hoạch được duyệt."

Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phát triển KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2011-201516 để tổ chức triển khai thực hiện.

Năm 2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, đã khẳng định nhiệm vụ "Xây dựng Khu kinh tế Đông Nam thành khu kinh tế trọng điểm, đa ngành, đa chức năng, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, chế tạo ô tô, thiết bị công nghệ cao, dược phẩm, chế biến nông - lâm - hải sản. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng và tạo cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp trong Khu kinh tế."

Trên cơ sở Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 08/10/2013 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh ranh giới Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An (750ha) và các KCN Hoàng Mai, Đông Hồi (1.200ha) vào Khu kinh tế Đông Nam để các KCN này được hưởng cơ chế chính sách của khu kinh tế17.

Giai đoạn 2015-2020, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII tiếp tục xác định: "Xây dựng Khu kinh tế Đông Nam thành khu kinh tế đa ngành, đa chức năng. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp. Tập trung thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp, dịch vụ và đô thị VSIP Nghệ An, Khu công nghiệp Nam Cấm, Khu công nghiệp Hoàng Mai I, Khu công nghiệp Đông Hồi."

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 18/12/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng (đường, điện, nước thải, nhà ở xã hội…) trong khu kinh tế, khu công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao và bảo vệ môi trường giai đoạn 2017-202018 để tổ chức triển khai thực hiện.

Đến năm 2020, Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp đã đạt được một số kết quả quan trọng. Hệ thống hạ tầng thiết yếu khu kinh tế từng bước được đầu tư, xây dựng theo hướng đồng bộ; công tác xúc tiến, thu hút đầu tư đã có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút được một số nhà đầu tư lớn vào đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, tạo tiền đề để thu hút các dự án thứ cấp. Hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và lấp đầy diện tích Khu công nghiệp Bắc Vinh; từng bước hoàn thành hạ tầng Khu công nghiệp Nam Cấm, VSIP, WHA giai đoạn 1, Hoàng Mai I.

Bước vào giai đoạn 2021-2025, việc phát triển Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp gắn với các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 là phải xây dựng Khu kinh tế Đông Nam thành khu vực phát triển kinh tế năng động, bền vững; phát triển khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi với các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp điện tử và các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ cho các dự án lớn tại Khu kinh tế Đông Nam gắn với phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Hiện UBND tỉnh đang chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 203019 để triển khai trong thời gian tới.

2.1.2. Ban hành các cơ chế, chính sách

Thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, XVIII đề ra, tỉnh Nghệ An đã ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư như sau:

- Nghị quyết số 182/2007/NQ-HĐND ngày 25/07/2007 về một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An (đã hết hiệu lực).

- Nghị quyết số 262/2009/NQ-HĐND ngày 23/7/2009 về sửa đổi, bổ sung một số một số điều của Quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An ban hành kèm theo Nghị quyết số 182/2007/NQ-HĐND ngày 25/07/2007 (đã hết hiệu lực).

- Nghị quyết số 304/2009/NQ-HĐND ngày 23/12/2009 về một số chính sách ưu đãi đầu tư trong Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An (đã hết hiệu lực).

- Nghị quyết số 26/2016/NQ-HĐND ngày 04/8/2016 về một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An (đã hết hiệu lực).

- Nghị quyết số 51/2016/NQ-HĐND ngày 16/12/2016 về một số chính sách hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An (còn hiệu lực).

- Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 57/2018/NQ-CP trên địa bàn tỉnh Nghệ An (còn hiệu lực).

- Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 về một số chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Nghệ An (còn hiệu lực).

- Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 19/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 thông qua bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn từ 01/01/2020 đến 31/12/2024 (còn hiệu lực).

- Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 13/6/2021 về một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 (còn hiệu lực).

2.2. Công tác quy hoạch, tổ chức không gian phát triển

2.2.1. Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam

Triển khai Quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1534/QĐ-TTg ngày 21/10/2008, phê duyệt điều chỉnh cục bộ tại Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 04/11/2019; điều chỉnh ranh giới tại các Quyết định số 67/2014/QĐ-TTg ngày 04/12/2014 và Quyết định số 10/2015/QĐ-TTg ngày 03/4/2015 với tổng diện tích là 20.776,4ha. Đến nay, tỉnh Nghệ An đã cơ bản hoàn thành quy hoạch phân khu chức năng trong KKT Đông Nam, cụ thể:

- 05 Khu công nghiệp (Nam Cấm, Thọ Lộc, Hoàng Mai, Đông Hồi, VSIP), diện tích quy hoạch 4.532,09ha20 và 01 Khu công nghệ cao, diện tích quy hoạch 94ha.

- 06 Khu đô thị (Khu đô thị số 1, 2, 3, 4, 5, VSIP), diện tích quy hoạch 4.461,83ha.

- Khu bến cảng Cửa Lò, diện tích quy hoạch 5.125 ha21.

- Khu trường chuyên nghiệp, diện tích quy hoạch 225 ha.

Các khu chức năng khác, gồm: Khu phi thuế quan (650ha), khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển (1.107ha), khu du lịch Hồ Xuân Dương (196ha), khu du lịch Hồ Ồ Ồ (114ha) chưa lập quy hoạch.

Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang triển khai điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam đến năm 2040 theo nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 301/QĐ-TTg ngày 26/02/2020.

2.2.2. Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Nghệ An

Triển khai Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 2244/TTg-KTN ngày 22/12/2008. Đến nay, tỉnh Nghệ An đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng 05 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.314,33ha, gồm: KCN Bắc Vinh (60,16ha); KCN Nghĩa Đàn (245,68ha); KCN Sông Dinh (301,65ha); KCN Tân Kỳ (600ha); KCN Tri Lễ (106,95ha). Hiện KCN Phủ Quỳ (300ha) chưa triển khai quy hoạch.

(Chi tiết tại Phụ lục 01)

2.3. Đầu tư xây dựng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng

2.3.1. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu KKT

a) Hạ tầng giao thông đường bộ

Giai đoạn 2007-2020, ngoài hệ thống giao thông đối ngoại như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 46, Quốc lộ 48D, Quốc lộ 7C tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng, nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng trong Khu kinh tế Đông Nam được triển khai đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước.

Đến nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng (giai đoạn 1) một số tuyến đường trục chính của KKT như: Đường D4 nối cảng Cửa Lò với Quốc Lộ 1A; đường N5 đoạn 2 nối Quốc lộ 1A với Hòa Sơn, Đô Lương; đường N2 nối KCN Thọ Lộc với Quốc lộ 1A, hình thành hệ thống giao thông kết nối giữa Khu kinh tế Đông Nam với các trục giao thông quốc gia (Quốc lộ 1A, Quốc lộ 7, đường bộ cao tốc Bắc Nam) góp phần thúc đẩy công tác xúc tiến thu hút đầu tư, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Hiện đang tiếp tục triển khai các công trình, dự án dở dang như: đường N5, N2, D4 vào cảng DKC, đường vào KCN Tri Lễ, đường cứu nạn và TĐC Đông Hồi22. Một số dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thể bố trí vốn để triển khai như: đường D1, D3, D4, N1, N3, N4.

b) Hạ tầng cảng biển

Hiện nay, tỉnh Nghệ An đã thu hút được 04 nhà đầu tư hạ tầng cảng biển đầu tư, khai thác tại Khu bến cảng Cửa Lò, gồm: Công ty CP xi măng Sông Lam, Công ty TNHH cảng Cửa Lò, Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức và Công ty CP đầu tư phát triển vận tải quốc tế, bước đầu đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:

- Khu bến cảng Cửa Lò: Ngoài các bến số 1, 2, 3, 4 cảng Cửa Lò được Nhà nước đầu tư xây dựng từ trước23, giai đoạn 2007-2020, tỉnh Nghệ An đã kêu gọi thành công một số nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng biển. Đến nay, đã đưa vào khai thác thêm bến số 5 cảng Cửa Lò cho tàu 30.000 tấn (tháng 5/2018); 02 bến khu bến quốc tế cảng xi măng Vissai cho tàu 70.000 tấn (tháng 10/2017) và 04 bến nội địa cho tàu 30.000 tấn (tháng 7/2020); bến cảng xăng dầu DKC cho tàu 49.000 tấn (tháng 2/2019)24. Năm 2020, tổng lượng hàng hóa thông qua Khu bến cảng Cửa Lò là khoảng 11,587 triệu tấn hàng hóa25 và 335.900m3 xăng dầu, khí hóa lỏng.

Hiện Công ty TNHH cảng Cửa Lò đang triển khai bến số 6 cảng Cửa Lò; Công ty CP xi măng Sông Lam tiếp tục đầu tư 03 bến tổng hợp còn lại cảng Vissai; Công ty CP đầu tư phát triển vận tải quốc tế đang xây dựng kế hoạch triển khai cảng nước sâu Cửa Lò dự kiến hoàn thành vào Quý IV/2025 và Công ty CP tập đoàn Thiên Minh Đức đang đề xuất đầu tư bến số 7, 8 cảng Cửa Lò.

- Khu bến cảng chuyên dùng Đông Hồi: Đã hoàn thành Quy hoạch chi tiết cảng biển Đông Hồi 19 bến phục vụ vận chuyển hàng hóa Khu công nghiệp Đông Hồi và các vùng phụ cận được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Quyết định số 838/QĐ-BGTVT ngày 28/04/2011. Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh sang khu bến cảng tổng hợp theo Thông báo số 55-TB/TW ngày 20/4/2019 của Bộ Chính trị về sơ kết 05 thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị.

c) Hạ tầng cấp điện

Căn cứ nhu cầu đầu tư trong Khu kinh tế Đông Nam, ngành điện chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, cải tạo hệ thống điện đáp ứng nhu cầu điện năng, cũng như ưu tiên cấp điện ổn định phục vụ nhu cầu xây dựng, sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong KKT, KCN.

Giai đoạn 2007 - 2020, một số công trình cấp điện đã được đầu tư như: đường dây NR 110KV về Trạm nghiền xi măng Sông Lam tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc; Đường dây 110KV về KCN Đông Hồi phục vụ dự án Nhà máy Hoa Sen Nghệ An; Trạm biến áp 110KV Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An. Hiện đang đầu tư Trạm biến áp 110KV cấp điện cho KCN WHA; Trạm biến áp 110kV Hoàng Mai 1; Chấp thuận quy hoạch và chuẩn bị đầu tư trạm biến áp 220KV Nam Cấm phục vụ cấp điện chủ yếu cho phụ tải KCN.

d) Hạ tầng cấp nước

Hệ thống cấp nước được các nhà đầu tư (Công ty CP cấp nước Nghệ An, Công ty CP cấp nước Cửa Lò, Công ty TNHH nhà máy nước sạch Diễn Thọ, Công ty TNHH cấp nước Hoàng Mai) trực tiếp đầu tư cung cấp đến hàng rào khu công nghiệp, các khu chức năng của khu kinh tế hoặc cấp trực tiếp nhà đầu tư thứ cấp, cơ bản đáp ứng hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong KKT, KCN.

Một số công trình cấp nước đã đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2007-2020 như: Nhà máy nước xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu (2.500m3/ngđ) cấp nước cho người dân xã Diễn Thọ và KCN Thọ Lộc; Nhà máy nước Hoàng Mai giai đoạn 1 (30.000m3/ngđ) cấp nước cho đô thị Hoàng Mai và các KCN Hoàng Mai, Đông Hồi; Tuyến đường ống từ Nhà máy nước Cửa Lò về Khu B, C - KCN Nam Cấm; Tuyến đường ống cấp nước dài 28km từ Nhà máy nước Cầu Bạch về đến đường N5 - KKT Đông Nam; Tuyến đường ống cấp nước đến KCN Đông Hồi phục vụ Nhà máy Hoa Sen Nghệ An. Hiện đang triển khai thủ tục đầu tư Tuyến đường ống từ Nhà máy nước Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc về KCN WHA.

e) Thu gom và xử lý chất thải rắn

Chất thải rắn trong KKT Đông Nam và các địa phương vùng phụ cận (Nghi Lộc, Diễn Châu, thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò) được thu gom và xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (diện tích quy hoạch 50,36ha). Cụ thể:

Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên do Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Nghệ An làm chủ đầu tư hoạt động từ năm 2012, công suất 300 tấn/ngày với diện tích 40,9ha với 08 ô chôn lấp, phục vụ tiêu hủy rác sinh hoạt cho khu vực thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu.

Dự án Khu liên hợp tái chế và xử lý chất thải rắn Ecovi do Công ty CP Galax làm chủ đầu tư hoạt động từ năm 2013, công suất 300 tấn/ngày với diện tích 7,2ha bằng công nghệ đốt tiêu hủy. Từ tháng 3/2020, Nhà máy đang tạm dừng hoạt động do ô nhiễm môi trường. Hiện Công ty CP Galax đang điều chỉnh công nghệ sang đốt rác phát điện với công suất xử lý rác 650 tấn/ngày và công suất phát điện 10MW điện.

2.3.2. Hạ tầng các khu công nghiệp

Ngoài KCN Bắc Vinh (60,16ha) KCN Nam Cấm cũ (327,83ha) được đầu tư trước khi thành lập Khu kinh tế Đông Nam. Giai đoạn 2007-2020, đã kêu gọi 03 nhà đầu tư hạ tầng các KCN VSIP, WHA, Hoàng Mai I với tổng diện 1.130,37ha26.

a) Khu công nghiệp trong KKT Đông Nam

- Khu công nghiệp Nam Cấm cũ (327,83ha): Do Ngân sách nhà nước đầu tư hoàn thành hạ tầng Khu B, Khu C và giao cho Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng Nghệ An quản lý, sử dụng. Hiện đang triển khai đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông tại Khu A. Lũy kế vốn thực hiện đến nay đạt khoảng 369,345 tỷ đồng

Công ty TNHH MTV ĐTXDPT hạ tầng Nghệ An (trước đây là Công ty phát triển KCN Nghệ An, đơn vị sự nghiệp có thu) đầu tư các hạng mục: Bồi thường GPMB 71,6 tỷ đồng; rà phá bom mìn 7,96 tỷ đồng; cơ bản hoàn chỉnh hạ tầng Khu C 91,613 tỷ đồng. Tổng kinh phí thực hiện là 171,173 tỷ đồng.

Ban quản lý KKT Đông Nam đầu tư xây dựng các hạng mục: Khu xử lý nước thải tập trung công suất 2500 m3/ngđ, vốn đầu tư 66,844 tỷ đồng; đường giao thông Khu B giai đoạn 1 dài 0,9km rộng 20m, vốn đầu tư 32,424 tỷ đồng; tuyến giao thông Khu A, tổng mức đầu tư 98,904 tỷ đồng. Tổng kinh phí thực hiện là 198,172 tỷ đồng.

- Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP (750ha): Do Công ty TNHH VSIP Nghệ An làm chủ đầu tư, đến nay đã hoàn thành hạ tầng KCN giai đoạn 1 (226ha)27, Khu đô thị giai đoạn 1A (43ha)28. Hiện đang tiếp tục triển khai KCN giai đoạn 2 (142ha) và san lấp mặt bằng Khu đô thị giai đoạn 1B (43,26ha), giai đoạn 2A.1 (18,34ha). Lũy kế vốn thực hiện đến nay đạt khoảng 1.735,1 tỷ đồng, đạt 49,4% tổng vốn đăng ký (trong đó chi phí GPMB 751,9 tỷ đồng).

- Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 Nghệ An (498ha): Do Công ty CP WHA Industrial Zone Nghệ An làm chủ đầu tư, đến nay đã hoàn thành hạ tầng KCN giai đoạn 1 (143,5ha), đang triển khai GPMB KCN giai đoạn 2 (354,5ha) dự kiến hoàn thành vào Quý IV/2025. Lũy kế vốn thực hiện đến nay ước đạt 824,01 tỷ đồng, đạt 40% tổng vốn đầu tư đăng ký (trong đó chi phí GPMB 267,58 tỷ đồng).

- Khu công nghiệp Hoàng Mai I (264,77ha): Do Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt làm chủ đầu tư, hiện đang triển khai san lấp mặt bằng, hoàn thiện các công trình hạ tầng KCN đã được chủ đầu tư cũ Công ty CP đầu tư KCN Hoàng Mai đầu tư (gồm: hoàn thành một số hạng mục như san nền, hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp thoát nước, nhà điều hành, cổng, hàng rào, cây xanh với giá trị đầu tư xây dựng hạ tầng 303 tỷ đồng).

- Khu công nghiệp Đông Hồi (457,07ha): Hiện chưa có nhà đầu tư hạ tầng, Ngân sách nhà nước đầu tư một số công trình như: tuyến đường cứu nạn và tái định cư các khu dân cư ven biển Đông Hồi (hoàn thành 1,6km/3,35km); Tuyến đường nối từ tuyến Nghĩa Đàn - Đông Hồi theo BT dài 450m. Hiện đang triển khai Hệ thống xử lý nước thải giai đoạn 1 công suất 2.500m3/ngđ. Lũy kế vốn NSNN thực hiện đến nay ước đạt 66,2 tỷ đồng và nguồn BT khoảng 19,68 tỷ đồng.

- Khu công nghiệp Thọ Lộc (600ha): Hiện Công ty TNHH VSIP Nghệ An đề xuất đầu tư với tổng vốn đầu tư 3.997 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào Quý IV/2024.

- Khu công nghiệp Hoàng Mai II (330,43ha): Hiện Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt đề xuất đầu tư với tổng vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào Quý IV/2023.

b) Khu công nghiệp ngoài KKT Đông Nam

- Khu công nghiệp Bắc Vinh (60,16ha): Do Công ty đầu tư phát triển KCN Bắc Vinh làm chủ đầu tư, đến nay đã hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp. Lũy kế vốn thực hiện đạt khoảng 78,8 tỷ đồng.

- Khu công nghiệp Nghĩa Đàn (245,68ha): Phê duyệt quy hoạch từ tháng 11/2012. Hiện chưa có nhà đầu tư hạ tầng, Ngân sách nhà nước đã đầu tư tuyến đường trục chính vào KCN và Nhà máy gỗ MDF (tổng mức đầu tư khoản 40 tỷ, do UBND huyện Nghĩa Đàn làm chủ đầu tư).

- Khu công nghiệp Tri Lễ (106,95ha): Phê duyệt quy hoạch tháng 10/2019. Hiện chưa có nhà đầu tư hạ tầng, Ngân sách nhà nước đang đầu tư tuyến đường nối QL7 vào KCN và Nhà máy gỗ MDF Nghệ An (tổng vốn đầu tư 30,5 tỷ đồng, do Ban quản lý KKT Đông Nam làm chủ đầu tư).

- Khu công nghiệp Tân Kỳ (600ha): Phê duyệt quy hoạch từ tháng 10/2010. Hiện chưa có nhà đầu tư hạ tầng và chưa triển khai xây dựng hạ tầng KCN.

- Khu công nghiệp Sông Dinh (301,65ha): Phê duyệt quy hoạch từ tháng 5/2011. Hiện chưa có nhà đầu tư hạ tầng và chưa triển khai hạ tầng KCN.

- Khu công nghiệp Phủ Quỳ (300ha): Chưa lập quy hoạch phân khu KCN.

2.3.3. Hạ tầng các khu chức năng

a) Khu đô thị và dịch vụ: Hiện đang triển khai Khu đô thị, dịch vụ VSIP Nghệ An (382,6ha)29, trong đó giai đoạn 1 (37,38ha) đã hoàn thành xây dựng với 12 tuyến đường nội bộ, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, chiếu sáng, thông tin liên lạc. Đang kêu gọi đầu tư các khu đô thị còn lại (số 1, 2, 3, 4, 5).

b) Khu du lịch, nghỉ dưỡng: Đã thu hút được 03 dự án khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển với diện tích 89,2ha30, bao gồm: Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Lữ (52,7ha); Dự án khu resort Bắc Đảo Lan Châu (9,5ha); Dự án khu du lịch Royal Estate (28ha).

c) Các khu chức năng khác: Khu công nghệ cao (94ha), khu trường chuyên nghiệp (225ha), khu phi thuế quan (650ha), khu công viên giải trí chưa triển khai đầu tư xây dựng.

2.3.4. Nhà ở công nhân gắn với quy hoạch khu công nghiệp

a) Về quy hoạch khu nhà ở công nhân

Đến nay, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt quy hoạch 03 khu nhà ở công nhân trong KKT Đông Nam với tổng diện tích khoảng 6,97ha, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho 2.830 người, chiếm 12% tổng số công nhân làm việc trong KKT, KCN (gồm: Khu nhà ở cho công nhân tại KCN Nam Cấm quy mô 4.960,2 m2 và đáp ứng nhà ở cho 480 công nhân31; Khu nhà ở công nhân tại xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, quy mô 34.789,5 m2 và đáp ứng nhà ở cho 1.500 công nhân; Khu nhà ở công nhân tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc quy mô 29.994,2 m2 và đáp ứng nhà ở cho 850 công nhân).

Hiện đang tiếp tục triển khai lập quy hoạch Khu nhà ở công nhân KCN WHA (18ha); Khu nhà ở công nhân KCN Hoàng Mai I (30ha); Khu nhà ở phục vụ chuyên gia KCN Hoàng Mai I (50ha).

b) Về kết quả triển khai thực hiện:

Hiện nay, chỉ mới có Dự án Khu nhà ở công nhân tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc do Công ty CP xi măng Sông Lam đang triển khai đầu tư xây dựng32. Các dự án còn lại đều đang trong quá trình lựa chọn, thu hút đầu tư.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu cho công nhân làm việc tại các nhà máy, một số doanh nghiệp xây dựng các khu ký túc xá cho công nhân, gồm:

- Khu ký túc xá của Công ty TNHH Luxshare - ICT, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 6.500 công nhân. Hiện đã có 1.521 công nhân lưu trú ở ký túc xá.

- Khu ký túc xá của Công ty TNHH công nghệ Everwin Precision, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 12.000 công nhân. Hiện đang triển khai đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đã tổ chức bố trí xe đưa đón công nhân đi về trong ngày như Công ty CP may Minh Anh Kim Liên tại KCN Bắc Vinh, Công ty CP điện tử BSE tại KCN Nam Cấm. Còn lại phần lớn người lao động hiện đang thuê nhà trọ của người dân xung quanh khu công nghiệp.

c) Về xây dựng công trình văn hóa, giáo dục, y tế

Hiện nay, chưa có công trình văn hóa, thể thao, nhà trẻ, y tế riêng phục vụ nhu cầu của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong KKT, KCN33. Phần lớn người lao động đang sử dụng các công trình văn hóa, giáo dục, y tế của địa phương nơi doanh nghiệp đóng trên địa bàn các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Hưng Nguyên, thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò và thành phố Vinh.

2.3.5. Kết quả huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng KKT, KCN

a) Đầu tư xây dựng hạ tầng từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước

Giai đoạn 2007-2020, tổng nguồn vốn NSNN đã đầu tư xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp Nghệ An là 2.350 tỷ đồng (công tác quy hoạch xây dựng 53,3 tỷ đồng; đầu tư hạ tầng thiết yếu 2.297 tỷ đồng) so với nhu cầu vốn gần 8.927 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 26,3%.

Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật, có tổng số 35 dự án được phê duyệt đầu tư từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước với tổng mức đầu tư gần 8.861 tỷ đồng, tổng vốn đã bố trí 2.297 tỷ đồng. Bao gồm:

- 11 dự án và công trình phụ trợ đã hoàn thành, với tổng mức đầu tư 149 tỷ đồng/tổng vốn đã bố trí 136 tỷ.

- 08 dự án đang thực hiện có tổng mức đầu tư 3.139 tỷ đồng/tổng vốn bố trí hơn 2.097 tỷ đồng.

- 12 dự án đã phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 5.217 tỷ đồng nhưng chưa có vốn để triển khai thực hiện (đã được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư hơn 17 tỷ đồng) và 04 dự án dừng thực hiện để quyết toán với tổng mức đầu tư hơn 335 tỷ đồng (vốn đã bố trí hơn 46 tỷ đồng).

Bảng 2: Kết quả bố trí vốn đầu tư xây dựng hạ tầng từ nguồn NSNN

ĐVT: Tỷ đồng

TT

Kế hoạch vốn đã được phân bổ

Tổng số
(tất cả các nguồn vốn)

Trong đó

NSTW

NSĐP

TỔNG CỘNG

2.350,306

1.736,789

613,517

1

Giai đoạn từ khi thành lập đến năm 2010
(giai đoạn 2007-2010)

280,673

251,861

28,812

2

Giai đoạn 2011-2015

1.243,572

879,560

364,012

3

Giai đoạn 2016-2020

826,061

605,368

220,693

b) Đầu tư xây dựng hạ tầng từ nguồn vốn doanh nghiệp

Giai đoạn 2007-2020, KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An đã thu hút được 13 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng (khu công nghiệp, cảng biển, cấp nước, xử lý rác thải, nhà ở xã hội...) với tổng vốn đăng ký là 14.305,34 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, vốn thực hiện của các dự án ước đạt 4.869,83 tỷ đồng.

c) Đầu tư xây dựng từ nguồn vốn PPP

Dự án tuyến đường nối từ đường Nghĩa Đàn - Đông Hồi vào cảng Đông Hồi dài 480m, tổng mức đầu tư 33,67 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Đến nay, đã hoàn thành 450m với giá trị đầu tư 19,684 tỷ đồng.

d) Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng KKT, KCN đến nay.

Lũy kế đến tháng 12/2020, tổng nguồn vốn đã huy động để đầu tư xây dựng hạ tầng KKT Đông Nam, các KCN ước đạt 7.239,31 tỷ đồng. Trong đó:

Nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước: 2.350,30 tỷ đồng.

Nguồn vốn từ doanh nghiệp hạ tầng: 4.869,83 tỷ đồng.

Nguồn vốn PPP: 19,68 tỷ đồng.

(Chi tiết tại Phụ lục 02 và 03)

2.4. Thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp

2.4.1. Kết quả thu hút đầu tư

Lũy kế đến tháng 7/2021, KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An có 257 dự án34 còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư 70.189,2 tỷ đồng (tương đương 3,03 tỷ USD). Trong đó, có 52 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 1,09 tỷ USD35; 205 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký 44.816,8 tỷ đồng (tương đương 1,94 tỷ USD). Bình quân mỗi năm thu hút từ 19 ÷ 20 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 5.563 tỷ đồng (trong đó vốn FDI đạt khoảng 80 triệu USD). Suất vốn đầu tư trung bình của 01 dự án thứ cấp vào các KCN đạt khoảng 60 tỷ đồng/ha.

Trong những năm gần đây, trước sự dịch chuyển làn sóng đầu tư trên thế giới, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực, tập trung vào các lĩnh vực như kinh doanh hạ tầng KCN, sản xuất thiết bị điện tử, hàng may mặc, thực phẩm tiêu dùng. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, KKT Đông Nam và các KCN thu hút được 123 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 30.676,2 tỷ đồng, chiếm 38% tổng vốn đăng ký đầu tư của cả tỉnh36, trong đó có 93 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký 12.868 tỷ đồng, 30 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 17.808,1 tỷ đồng (tương đương 770,9 triệu USD).

Xét về cơ cấu đối tác đầu tư, đã thu hút được 52 dự án FDI đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó: Hồng Kông xếp thứ 1 về quy mô vốn đầu tư, xếp thứ 2 và thứ 3 lần lượt là Thái Lan và Singapore, như sau:

Bảng 3: Kết quả thu hút vốn đầu tư FDI

TT

Quốc gia, vùng lãnh thổ

Số dự án

Vốn đầu tư đăng ký (triệu USD)

Ghi chú

1

Hồng Kông

08

487,84

 

2

Thái Lan

10

182,56

 

3

Singapore

03

174,37

 

4

Nhật Bản

06

72,58

 

5

Hàn Quốc

06

66,85

 

6

Ấn Độ

03

33,71

 

7

Trung Quốc

08

29,06

 

8

Malaisia

02

17,09

 

9

Australia

01

15,00

 

10

Đài Loan

02

12,50

 

11

Mỹ

01

5,00

 

12

Thụy Điển

01

1,35

 

13

Cộng hòa Seychelles

01

0,43

 

Tổng cộng

52

1.098

 

(Chi tiết tại Phụ lục 04)

2.4.2. Tình hình triển khai thực hiện các dự án

Đến nay, KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An có 150 dự án đã đầu tư xây dựng hoàn thành, tổng vốn thực hiện đạt 34.203,7 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 48,7%. Một số dự án lớn đi vào hoạt động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết nhiều việc làm, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của tỉnh như: Nhà máy Hoa Sen Nghệ An Đông Hồi, Trung tâm công nghiệp thực phẩm Masan MB, Nhà máy gỗ MDF Nghĩa Đàn, Tổng kho và Bến cảng xăng dầu DKC, Trạm nghiền và Bến cảng xi măng Vissai, Bến số 5 cảng Cửa Lò, Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử Luxshare-ICT, Nhà máy sản xuất cá hộp Frescol-Tuna.

Đặc biệt, giai đoạn 2016-2020, đã thu hút được các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp như VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt, giải quyết được “điểm nghẽn” về mặt bằng sạch, tạo tiền đề thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn từ các công ty, tập đoàn kinh tế trên thế giới như: Luxshare-ICT, Goertek, Everwin, Juteng,…

Bảng 4: Tình hình triển khai thực hiện các dự án

Đơn vị tính: Tỷ đồng

TT

Địa điểm

Số dự án đăng ký đầu tư

Số dự án hoàn thành

Tổng vốn đăng ký (tỷ đồng)

Tổng vốn thực hiện (tỷ đồng)

Tỷ lệ giải ngân

I. Các KCN trong KKT

150

80

42.009

22.358

53,2%

1

KCN Nam Cấm

85

56

16.545

9.871

60%

2

KCN VSIP

28

14

11.687

3.915

34%

3

KCN WHA

10

1

2.976

748

25%

4

KCN Hoàng Mai I

4

3

303

159

53%

5

KCN Đông Hồi

17

4

9.847

7.525

76%

6

KCN Thọ Lộc

4

2

346

140

40%

7

KCN Hoàng Mai II

2

0

305

0

0%

II. Các KCN ngoài KKT

29

25

6.991

3.391

48,5%

1

KCN Bắc Vinh

26

24

1.795

1.444

80%

2

KCN Nghĩa Đàn

2

1

2.197

1.897

86%

3

KCN Tri Lễ

1

0

2.998

50

2%

4

KCN Tân Kỳ

 

 

 

 

 

5

KCN Sông Dinh

 

 

 

 

 

6

KCN Phủ Quỳ

 

 

 

 

 

III. Các Khu chức năng khác

78

45

21.190

8.455

40%

 

Tổng (I II III)

257

150

70.189

34.204

48,7%

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, nhìn chung số lượng dự án đi vào hoạt động trong thời gian qua là chưa nhiều, tỷ lệ giải ngân vốn tương đối thấp, hiệu quả sử dụng đất chưa cao37. Một số dự án lớn, có tính động lực chưa thể triển khai theo kế hoạch38 hoặc không thể triển khai, phải chấm dứt hoạt động39 đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư vào tỉnh Nghệ An.

(Chi tiết tại Phụ lục 05)

2.4.3. Về tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp

Ngoài KCN Bắc Vinh và KCN Nam Cấm cũ (Khu A, B, C) đã cơ bản lấp đầy, các KCN còn lại đang tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thu hút các dự án đầu tư thứ cấp. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các KCN đã thành lập4041,9%. Chi tiết tỷ lệ lấp đầy các KCN như sau:

Bảng 5: Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp

STT

Tên KCN

Diện tích QH
(ha)

Diện tích đất CN (ha)

Diện tích đã cấp phép đầu tư

Tỷ lệ lấp đầy
(%)

I

Khu công nghiệp trong Khu kinh tế

1

Nam Cấm cũ (khu A, B và C)

327,83

238,49

229,08

96,05

2

Đông Hồi

457,07

457,07

375,00

82,04

3

VSIP Nghệ An

367,6

263,55

122,40

46,44

4

WHA Industrial Zone - 1 Nghệ An

498,00

373,15

55,69

14,88

5

Hoàng Mai 141

264,77

186,42

13,42

7,36

6

Hoàng Mai 2

343,69

258,01

13,25

5,14

7

Thọ Lộc

1.159,46

922,93

13,96

1,50

II

Khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế

1

Bắc Vinh

60,16

42,39

42,39

100,00

2

Tri Lễ

106,95

79,91

35,00

43,80

3

Nghĩa Đàn

245,68

192,66

57,03

29,6

4

Sông Dinh

301,65

174,65

-

-

5

Tân Kỳ

600,00

485,25

-

-

6

Phủ Quỳ

300,00

Chưa lập QH chi tiết

(Chi tiết tại Phụ lục 06)

2.4.4. Đóng góp của các doanh nghiệp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

a) Về nộp ngân sách nhà nước

Giai đoạn 2007-2020, các doanh nghiệp hoạt động trong KKT Đông Nam và các KCN đã đóng góp vào nguồn ngân sách nhà nước khoảng 10.605 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 7.176 tỷ đồng, cao gấp 2,34 lần so với giai đoạn 2011-2015. Bình quân mỗi năm các doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 815,6 tỷ đồng.

Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch covid -19, tuy nhiên, các doanh nghiệp đã đóng góp 1.811 tỷ vào nguồn ngân sách nhà nước, chiếm tỷ lệ khoảng 10,4% thu ngân sách của tỉnh42.

Một số doanh nghiệp có mức đóng góp ngân sách cao trên 100 tỷ đồng/năm là: Công ty CP tập đoàn Thiên Minh Đức (600 tỷ đồng), Công ty CP xi măng Sông Lam (216,9 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An (172 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Masan MB (193,8 tỷ đồng), Công ty TNHH điện tử BSE Việt Nam (151,8 tỷ đồng), Công ty CP bia Hà Nội - Nghệ An (310,6 tỷ đồng).

b) Về giải quyết việc làm

Theo báo cáo cuối kỳ năm 2020, tổng số lao động đang làm việc tại KKT Đông Nam và các KCN là 23.614 người. Trong đó: 23.185 lao động Việt Nam, 429 lao động nước ngoài. Thu nhập bình quân lao động đạt 6.281.000 đồng/tháng/người.

Xét về cơ cấu trình độ, có 4.631 lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên (chiếm 20%); có 10.157 lao động là công nhân kỹ thuật, trung cấp nghề (chiếm 43%); có 8.826 lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề (chiếm 37%).

Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc, sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử như: Công ty TNHH điện tử BSE Việt Nam (3.354 lao động), Công ty cổ phần may Minh Anh Kim Liên (3.040 lao động), Công ty TNHH Matrix Vinh (1.040 lao động), Công ty TNHH Sangwoo Việt Nam (1.490 lao động), Công ty TNHH Luxshare Việt Nam (2.254 lao động)... Ngoài ra còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động gián tiếp trong các lĩnh vực vận tải, dịch vụ cho thuê nhà trọ, phục vụ ăn uống...

(Chi tiết tại Phụ lục 07)

2.5. Công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường

2.5.1. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư

Giai đoạn 2007-2020, đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho nhiều dự án trọng điểm, có quy mô lớn, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư các dự án và phát triển hệ thống hạ tầng KKT, KCN như: KCN Nam Cấm, KCN VSIP Nghệ An43, KCN WHA (giai đoạn 1)44, Dự án Nhà máy Hoa sen Nghệ An, Dự án Trạm nghiền xi măng và Bến cảng Vissai, Dự án Tổng kho và Bến cảng xăng dầu DKC, Dự án Đường N5, D4, N5 đoạn 2, N2...

Tuy nhiên, phần lớn các dự án trong KKT Đông Nam thuộc diện Nhà nước thu hồi đất, diện tích thu hồi lớn, hiện trạng chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp nên trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, như: tiến độ bồi thường, GPMB còn chậm; việc giải quyết yêu cầu tái định cư chưa đồng bộ, bất cập; tình trạng khiếu nại tập trung, cản trở thi công liên quan đến GPMB vẫn diễn biến phức tạp; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân có lúc, có dự án chưa thực hiện sâu rộng. Một số dự án phải thực hiện bảo vệ thi công, cưỡng chế thu hồi đất, gây ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút đầu tư của KKT Đông Nam cũng như môi trường kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.45

2.5.2. Công tác giao đất, cho thuê đất

Từ năm 2007 đến nay, Ban Quản lý KKT Đông Nam đã thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất cho 72 doanh nghiệp với tổng diện tích 1.693,3ha để sử dụng vào mục đích xây dựng các khu chức năng trong Khu kinh tế Đông Nam46.

Trong đó, 04 doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng thuê đất với diện tích là 827,3ha47; 23 doanh nghiệp thuê đất trực tiếp để thực hiện dự án tại các KCN chưa có nhà đầu tư hạ tầng bao gồm: Khu B - KCN Nam Cấm, KCN Đông Hồi, KCN Thọ Lộc và KCN Hoàng Mai II, với diện tích là 126,69ha48; 03 doanh nghiệp cảng biển thuê đất thực hiện dự án tại Khu bến cảng Cửa Lò với diện tích 480,44ha49; 41 doanh nghiệp doanh nghiệp thuê đất để thực hiện dự án tại các khu chức năng khác với diện tích 295ha; giao lại đất cho đơn vị quốc phòng đầu tư xây dựng công trình an ninh, quốc phòng với diện tích 3,99ha.

Tổng diện tích đất khu công nghiệp đã được cho thuê và đưa vào sử dụng đến nay là 1.002,8ha50, đạt tỷ lệ 24,4% so với chỉ tiêu quy hoạch đất khu công nghiệp của tỉnh được Chính phủ phê duyệt đến năm 2020 là 4.110ha51.

(Chi tiết tại Phụ lục 08)

2.5.3. Công tác bảo vệ môi trường

a) Việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp

Thời gian qua, các doanh nghiệp trong KKT Đông Nam và các KCN chấp hành tốt các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ môi trường, thực hiện nghiêm túc các cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Kế hoạch bảo vệ môi trường được duyệt52. Chỉ có số lượng nhỏ các doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu sót chưa lập lại hồ sơ môi trường khi thay đổi quy mô, công suất; diện tích trồng cây xanh chưa đảm bảo; thực hiện giám sát môi trường định kỳ chưa đủ thông số, tần suất theo quy định. Tỷ lệ cơ sở sản xuất đã thực hiện cấp giấy phép bảo vệ môi trường (ĐTM hoặc Cam kết BVMT) đạt 85%.

Về công tác thu gom, xử lý chất thải rắn thông thường, 100% các cơ sở ký hợp đồng dịch vụ với đơn vị có chức năng vận chuyển xử lý. Tuy nhiên, với một số dự án sản xuất công nghiệp có tính đặc thù như: sản xuất bột đá, kho xăng dầu, sản xuất gỗ ván ép, sản xuất clinker, xi măng, cảng biển thì nguy cơ xảy ra sự cố môi trường hoặc gây ô nhiễm trở lại tại các khu vực đông dân cư, khu vực nội thành, khu vực hoạt động dịch vụ du lịch là khá cao.

Về công tác xử lý nước thải, hầu hết các cơ sở thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường đều được đưa vào KCN hoặc di dời vào các KCN đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung nên công tác thu gom, xử lý nước thải được kiểm soát.

b) Tình hình xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung

Đến nay, đã có 4/5 KCN đang hoạt động hoàn thành Nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 11.950m3/ngđ (VSIP 6.000m3/ngđ; Bắc Vinh 250m3/ngđ; Nam Cấm 2.500m3/ngđ; WHA GĐI 3.200m3/ngđ). Hiện đang triển khai Hệ thống xử lý nước thải KCN Đông Hồi GĐI (2.000m3/ngđ). Trong đó, các nhà máy xử lý nước thải KCN VSIP, WHA, Bắc Vinh đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, đảm bảo các quy chuẩn Việt Nam. Tỷ lệ các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường đến năm 2020 đạt 80%.

Các KCN còn lại chưa chưa triển khai đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung bao gồm các KCN: Thọ Lộc, Hoàng Mai I, II, WHA giai đoạn 2 (354,5ha) Tri Lễ, Nghĩa Đàn, Sông Dinh, Tân Kỳ.

(Chi tiết tại Phụ lục 09)

2.6. Công tác quản lý lao động và đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ

Công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại KKT Đông Nam và các KCN trong thời gian qua luôn được các cấp chính quyền, các ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Theo đó, các cấp, ngành, địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý KKT Đông Nam trong xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp, biện pháp tăng cường công tác bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, quản lý người nước ngoài làm việc, lưu trú, tạm trú trong KKT, các KCN, góp phần tạo môi trường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Phần lớn các doanh nghiệp trong KKT Đông Nam và các KCN trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt pháp luật lao động, thể hiện qua số lượng lao động của các doanh nghiệp ổn định, ít biến động; các vụ việc ngừng việc tập thể ít, quy mô nhỏ, chủ yếu xoay quanh việc thưởng cuối năm/thưởng tết nguyên đán đều được Ban Quản lý KKT Đông Nam phối hợp với Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam và cơ quan liên quan hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời vướng mắc của cả người lao động và người sử dụng lao động, giúp người lao động yên tâm kịp thời trở lại sản xuất luôn trong thời gian ngắn53. Tại các doanh nghiệp trong KCN, KKT hiện có 75 tổ chức công đoàn cơ sở được thành lập, góp phần quan trọng vào việc tạo lập môi trường quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng một số dự án vẫn còn phát sinh một số điểm phức tạp về an ninh trật tự, đặc biệt là liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất và các hoạt động sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.54

2.7. Về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và thực hiện công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

2.7.1. Về thực trạng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức

Ban Quản lý KKT Đông Nam Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 1150/QĐ-TTg ngày 30/8/2007, là cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Nghệ An; có chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, phát triển KKT Đông Nam và các KCN trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức quy định tại các Quyết định: Số 04/2008/QĐ-UBND ngày 09/01/2008; Số 110/2009/QĐ-UBND ngày 11/12/2009; Số 29/2012/QĐ-UBND ngày 09/5/2012 và nay là Quyết định số 91/2014/QĐ-UBND ngày 15/12/2014 của UBND tỉnh. Theo đó, cơ cấu tổ chức bộ máy của Ban hiện nay gồm: Trưởng Ban và các Phó Trưởng ban; 05 phòng chuyên môn55, và 01 đơn vị trực thuộc56.

Thực trạng biên chế: Hiện nay, tổng biên chế được giao của Ban Quản lý KKT Đông Nam là 36 biên chế (gồm 33 công chức, 03 hợp đồng theo Nghị định 68/CP), giảm 04 biên chế so với giai đoạn 2015-202057. Nhân sự bố trí tại các phòng chuyên môn chỉ có từ 3 đến 7 công chức, cụ thể: Văn phòng (04 công chức, 03 hợp đồng theo Nghị định 68); Phòng Kế hoạch và Đầu tư (06 công chức); Quy hoạch xây dựng (07 công chức); Tài nguyên và Môi trường (05 công chức); Quản lý Doanh nghiệp và Lao động (04 công chức);

Ban Quản lý KKT Đông Nam có 01 đơn vị trực thuộc là Ban quản lý các dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng KKT và các KCN bao gồm 03 công chức và 17 hợp đồng lao động, thực hiện chức năng quản lý, giám sát các dự án đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng trong KKT Đông Nam và các KCN đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và trực tiếp quản lý, vận hành, khai thác sử dụng công trình khi được cơ quan có thẩm quyền giao.

2.7.2. Về thực hiện công tác cải cách hành chính, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An

a) Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Công tác cải cách hành chính trong thời gian qua đã được tập trung chỉ đạo thực hiện và ngày càng được các nhà đầu tư, doanh nghiệp đánh giá cao, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính58; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính. Các nhà đầu tư khi đến KKT Đông Nam và các KCN trên địa bàn tỉnh luôn được tạo điều kiện thuận lợi nhất, kể từ giai đoạn bắt đầu tìm hiểu, giới thiệu địa điểm, cấp giấy phép đầu tư cho đến quá trình triển khai xây dựng và hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Hàng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch rà soát các thủ tục hành chính, giảm bớt các giấy tờ, thủ tục không cần thiết, nhiều thủ tục hành chính đã được rút ngắn thời gian giải quyết xuống từ 20% đến 30% so với thời gian quy định của pháp luật, các hồ sơ giải quyết đều đảm bảo chất lượng, thời gian và ít có hồ sơ quá hạn.

Song song với việc cải cách hành chính, UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý KKT Đông Nam thường xuyên đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, xác định yếu tố con người quyết định chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc cho doanh nghiệp. Nhiều giải pháp đã được triển khai như: tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử cho công chức tham gia tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết TTHC tại các bộ phận tham mưu; thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, giờ giấc làm việc và văn hóa ứng xử nơi công sở.

b) Công tác phối hợp giữa Ban Quản lý KKT Đông Nam và các Sở, ngành và chính quyền địa phương

Quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý, đầu tư, xây dựng, phát triển KKT Đông Nam và các KCN trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 96/2010/QĐ-UBND ngày 26/11/2010. Trong đó, việc phối hợp dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý KKT Đông Nam, các Sở, ngành, địa phương và quy định hiện hành của pháp luật nhằm đảm bảo sự thống nhất trong công tác quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, xây dựng, sản xuất kinh doanh trong địa bàn khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp, đẩy nhanh quá trình xây dựng, phát triển khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp theo đúng quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt.

Nhìn chung, sau hơn 10 năm triển khai quy chế, công tác phối hợp giữa Ban Quản lý KKT Đông Nam và các Sở, ngành và địa phương được thực hiện khá tốt, các nội dung phối hợp được phân công rõ ràng, thuận lợi trong triển khai thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm hiểu, đầu tư vào KKT Đông Nam và các KCN trên địa bàn tỉnh, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, bước đầu đem lại sự hài lòng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Kết quả đạt được

Trải qua hơn 13 năm xây dựng và phát triển, Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước khẳng định vị trí, vai trò động lực trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An59, đạt được một số kết quả nổi bật, như sau:

- Cơ bản hoàn thành các chương trình, kế hoạch, đề án được giao thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, XVIII, trong đó trọng tâm là bổ sung phạm vi ranh giới các khu công nghiệp VSIP, Hoàng Mai, Đông Hồi vào Khu kinh tế Đông Nam và xây dựng một số cơ chế, chính sách phát triển Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp.

- Trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam, Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay đã cơ bản hoàn thành việc lập quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng, khu công nghiệp để triển khai thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng.

- Hệ thống hạ tầng thiết yếu Khu kinh tế Đông Nam từng bước được đầu tư xây dựng, hoàn thiện bước đầu đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Hệ thống kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào một số khu công nghiệp đã được quan tâm đầu tư xây dựng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển hạ tầng công nghiệp của tỉnh.

- Ngoài các khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động từ trước như KCN Bắc Vinh, KCN Nam Cấm, thời gian vừa qua đã định hình và phát triển hệ thống các khu công nghiệp mới với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại như KCN VSIP Nghệ An, KCN WHA Industrial Zone Nghệ An, KCN Hoàng Mai I đáp ứng quỹ đất sạch phục vụ thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

- Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp đã thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư đáng kể cả trong nước và nước ngoài, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế của tỉnh60, đặc biệt giai đoạn 2015-2020, đã thu hút một số dự án có vốn đầu tư lớn của các tập đoàn, công ty nổi tiếng trong nước và trên thế giới như: VSIP, WHA, Luxshare-ICT, Everwin Precision, Goertek, Juteng, Tập đoàn Tôn Hoa Sen, Tập đoàn xi măng The Vissai, Tập đoàn Masan, Tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt...

- Đa số các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước và giải quyết thêm nhiều việc làm cho người lao động61.

 - Việc phát triển Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố: Nghi Lộc, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Hoàng Mai, Cửa Lò, Vinh với hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng cảng biển và hạ tầng khu công nghiệp được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, từng bước hình thành các khu đô thị, dịch vụ mới, tạo diện mạo mới cho địa phương; từng bước tác động tới quá trình đô thị hóa theo hướng chuyển đổi vùng nông nghiệp thành các khu công nghiệp, khu đô thị và dịch vụ tương ứng, đồng bộ62.

- Công tác cải cách hành chính, rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam được quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực; đặc biệt giai đoạn 2016-2020 môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện rõ nét63, thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến, tăng nhanh cả về số lượng, quy mô và chất lượng dự án, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu, uy tín đã đến khảo sát và đầu tư tại tỉnh.

2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

2.1. Tồn tại, hạn chế

Sau 13 năm thành lập, việc thực hiện mục tiêu “xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng; một địa bàn có tính đột phá của tỉnh Nghệ An; cực phát triển quan trọng của vùng Trung Bộ; trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại, cảng biển lớn của vùng Bắc Trung Bộ; trung tâm đô thị lớn của Nghệ An; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đô thị văn minh, kiến trúc tiên tiến64 còn hạn chế. Thể hiện trên một số lĩnh vực như sau:

- Công tác quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam và quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn một số bất cập, khó triển khai65 do chưa bám sát yêu cầu thực tiễn, định hướng phát triển và khả năng huy động bố trí nguồn lực, khả năng thu hút đầu tư, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương và hiệu quả sử dụng nguồn lực (đất đai, tài nguyên, nhân lực...)66; Quy hoạch hạ tầng khu công nghiệp chưa gắn với quy hoạch hạ tầng xã hội (nhà ở công nhân, trường mầm non, thiết chế văn hóa, thể thao, phúc lợi phục vụ người lao động).

- Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam từ nguồn ngân sách Nhà nước chưa được quan tâm, bố trí nguồn vốn đáp ứng yêu cầu thi công hoàn thành các dự án67; Các nguồn vốn từ ngân sách tỉnh bố trí để thực hiện một số dự án chưa kịp thời. Ban Quản lý KKT Đông Nam chưa chủ động, sáng tạo trong tham mưu các cơ chế, chính sách đặc thù để nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng. Tiến độ thi công các dự án hạ tầng giao thông kết nối chính như: N2, N5, N5 (đoạn 2), D4 còn chậm, kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án hạ tầng xã hội, nhà ở công nhân chậm được triển khai, chưa đảm bảo cho người lao động gắn bó làm việc lâu dài tại các khu công nghiệp.

- Chất lượng, hiệu quả xúc tiến, thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, mang tính động lực phát triển, các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại và bảo vệ môi trường. Tiến độ triển khai các dự án sau cấp phép còn chậm, hiệu quả sử dụng đất chưa cao, một số dự án động lực không thể triển khai theo tiến độ, ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch thu hút đầu tư, phát triển của nhiều địa phương68.

Năng lực của một số nhà đầu tư còn hạn chế, nhất là về năng lực tài chính dẫn đến một số dự án trọng điểm, có quy mô lớn không thể triển khai theo tiến độ đăng ký, gây lãng phí quỹ đất, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như đời sống nhân dân trong vùng dự án69.

- Công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giao đất thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án hạ tầng khu công nghiệp như VSIP, WHA, Hoàng Mai I, KCN Nam Cấm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách. Quản lý quy hoạch và đất đai sau GPMB chưa tốt, một số khu vực đã được GPMB tại Khu A - KCN Nam Cấm bị nhân dân tái lấn chiếm, canh tác nhưng chậm được xử lý, kéo dài.

- Công tác cải cách hành chính chưa có nhiều đột phá, đổi mới tích cực, đặc biệt là trong việc giám sát, kiểm tra thực hiện thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Việc giải quyết thủ tục hành chính chưa phát huy tốt vị trí, chức năng của Ban Quản lý KKT Đông Nam trong việc thực hiện cơ chế “một cửa tại chỗ, một đầu mối”.

- Công tác phối hợp giữa Ban Quản lý KKT Đông Nam và các Sở, ngành, địa phương trên một số lĩnh vực như: quản lý, giám sát đầu tư, quản lý quy hoạch, xây dựng, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường chưa thường xuyên, kịp thời và hiệu quả chưa cao. Công tác phối hợp cho ý kiến thẩm định dự án đầu tư còn chậm, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

2.2. Nguyên nhân

a) Nguyên nhân khách quan

- Tỉnh Nghệ An nằm cách xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hệ thống hạ tầng giao thông măc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là hạ tầng cảng biển, sân bay, hạ tầng dịch vụ logistics. Địa bàn khu kinh tế có diện tích tự nhiên tương đối lớn, nhưng phần lớn quỹ đất gặp khó khăn để quy hoạch các khu chức năng cho khu kinh tế (có nhiều khu dân cư tập trung, khu vực đồi núi, rừng phòng hộ, sông ngòi, nghĩa trang...).

- Các văn bản pháp luật về phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp chưa đồng bộ, còn nhiều chồng chéo, bất cập, thiếu ổn định và chưa tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư và phát triển KKT, KCN70.

- Phần lớn các doanh nghiệp đều đang trong giai đoạn được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp dẫn đến đóng góp của các doanh nghiệp trong KKT Đông Nam và các KCN thời gian qua còn thấp.

b) Nguyên nhân chủ quan

- Việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KKT Đông Nam và các khu công nghiệp chưa có được sự quan tâm đúng mức71; Nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành ở một số nội dung chưa thật sự thống nhất và coi trọng đúng mức vị trí, vai trò của KKT, KCN trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt thông tin và xử lý một số vấn đề phát sinh, nổi cộm có lúc, có nơi thiếu kịp thời. Việc tham mưu xử lý các kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và có liên quan... của các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhìn chung còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án của Nhà đầu tư cũng như hiệu quả thu hút đầu tư của KKT Đông Nam.

- Định hướng phát triển các ngành công nghiệp trong KKT Đông Nam và KCN chưa thực sự rõ ràng, mô hình phát triển chậm được đổi mới theo xu thế chuyên môn hóa, chủ yếu vẫn phát triển theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực; chính sách thu hút đầu tư còn phân tán đến nhiều đối tượng, chưa có trọng tâm, trọng điểm; chưa phát huy, khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, nhất là khai thác tiềm năng về kinh tế biển. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư còn bị động, chưa xây dựng và ban hành các cơ chế, tiêu chí sàng lọc, lựa chọn các dự án đầu tư, tiêu chí thu hút ngành, nghề ưu tiên gắn với lợi thế và điều kiện phát triển thực tế của KKT, KCN.

- Tổ chức, bộ máy của Ban Quản lý KKT Đông Nam chậm được đổi mới, kiện toàn đáp ứng yêu cầu về tham mưu xây dựng cơ chế chính sách phát triển và thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp trên tất cả các lĩnh vực: đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp và lao động…

- Việc triển khai thực hiện quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý KKT Đông Nam và các Sở, ban, ngành, địa phương chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng; giám sát, kiểm tra dự án đầu tư; sử dụng đất đai và bảo vệ môi trường. Công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát, đánh giá trách nhiệm thực hiện quy chế phối hợp chưa thường xuyên, kịp thời.

- Chưa có giải pháp hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương liên quan, tạo đồng thuận trong xã hội về việc phát triển Khu kinh tế Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An làm động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

IV. BÀI HỌC KINH NGHIỆM

1. Để đạt được những thành công trong quá trình phát triển Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp Nghệ An, yếu tố quyết định là sự quan tâm, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; sự chủ động, quyết tâm đổi mới sáng tạo trong tổ chức thực hiện của Ban Quản lý KKT Đông Nam; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Sở, ban, ngành và địa phương trong quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

2. Xây dựng cơ chế chính sách, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh là một trong những yếu tố quyết định, tạo bước đột phá để tăng cường thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp Nghệ An. Trong đó, chính sách ưu đãi đầu tư vào KKT, KCN, phải đủ sức hấp dẫn và ổn định, tạo niềm tin để thu hút các nhà đầu tư.

3. Công tác xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển không gian phải mang tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, bám sát yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của khu vực, hạn chế di dời dân cư, tái định cư. Quy hoạch phân khu phải đảm bảo kết nối hợp lý, đồng bộ với hạ tầng giao thông quốc gia, hạ tầng quan trọng của tỉnh, bố trí quỹ đất tập trung cho phát triển các khu công nghiệp, các khu chức năng của khu kinh tế. Thực hiện quản lý tốt quy hoạch, thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch để đề ra nhiệm vụ giải pháp kịp thời và hiệu quả.

4. Phát triển hệ thống hạ tầng thiết yếu trong Khu kinh tế Đông Nam và hạ tầng các khu công nghiệp phải đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn lực, đồng bộ với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Trong đó, cần nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để tranh thủ, huy động tổng hợp các nguồn vốn như Ngân sách nhà nước, ODA, PPP và nguồn vốn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp thông qua hình thức đầu tư trực tiếp đầu tư và đầu tư gián tiếp để tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, quan trọng để tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển hạ tầng khu chức năng, khu công nghiệp.

5. Công tác thu hút đầu tư cần phải xác định đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm, từng bước chuyển đổi từ thu hút đầu tư theo diện rộng sang chiều sâu, thu hút có chọn lọc theo tiêu chí ưu tiên các dự án có quy mô lớn, có tính dẫn dắt, kết nối các ngành nghề phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Công tác thẩm định dự án đầu tư, thẩm định năng lực tài chính của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp cần phải đảm bảo các tiêu chí cơ bản về năng lực tài chính, khả năng xúc tiến đầu tư, kỹ năng quản trị, chăm sóc nhà đầu tư thứ cấp. Nhà đầu tư cơ sở hạ tầng là nhân tố cơ bản quyết định quy mô, tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, quản lý vận hành khu công nghiệp đảm bảo điều kiện sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp.

6. Để Ban Quản lý KKT Đông Nam thực hiện có hiệu quả cao chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các KKT, KCN cần được đảm bảo các điều kiện: Cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy, chế độ chính sách; phân cấp, ủy quyền tối đa để thực hiện đủ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, đồng thời luôn cải cách thủ tục hành chính phục vụ, gắn bó, đồng hành với nhà đầu tư, chăm lo, hỗ trợ, giải quyết khó khăn, là địa chỉ tin cậy của nhà đầu tư.

7. Ban Quản lý KKT Đông Nam phải thực sự làm tốt vai trò đầu mối, chủ trì và phối hợp có hiệu quả với các sở, ngành, địa phương trong việc tiếp nhận, xử lý thủ tục đầu tư kinh doanh cũng như những vướng mắc hoặc khó khăn, phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh.

PHẦN 2

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ ĐÔNG NAM GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

I. DỰ BÁO TÌNH HÌNH

1. Thuận lợi

- Đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng; các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA, EVIPA, UKVFTA...) tạo điều kiện thuận lợi, mở ra cơ hội lớn trong hợp tác đầu tư, kinh doanh, nhất là việc tận dụng, khai thác các tiềm năng, lợi thế sẵn có về đất đai, nguồn nhân lực, đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ cao, công nghệ nguồn từ nước ngoài vào Việt Nam.

- Tỉnh Nghệ An tiếp tục được Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 55-TB/TW ngày 20/4/2019 sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

- Xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam diễn ra mạnh mẽ, rõ rệt nhất là các địa phương có lợi thế về quỹ đất, nguồn lao động dồi dào và chi phí nhân công thấp như tỉnh Nghệ An, cùng với hạ tầng các khu công nghiệp VSIP, WHA, Hoàng Mai I đang đẩy nhanh tiến độ, xây dựng đồng bộ, hiện đại, tạo quỹ đất sạch phục vụ nhu cầu thu hút các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài.

- Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh không ngừng được cải thiện, đặc biệt thủ tục đầu tư thực hiện “một cửa, tại chỗ” trong Khu kinh tế Đông Nam; công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư tiếp tục được triển khai quyết liệt, nhất là tháo gỡ “điểm nghẽn” về giá đất khu công nghiệp72 và chính sách hỗ trợ đầu tư73 đã và đang phát huy hiệu quả.

2. Khó khăn

- Dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, sẽ tác động không nhỏ đến nước ta. Kinh tế toàn cầu gặp khó khăn do đại dịch Covid 19 kéo dài, chiến tranh thương mại vừa là cơ hội, vừa là thách thức trong thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

- Trải qua hơn 30 năm kể từ khi Khu chế xuất Tân Thuận đầu tiên của cả nước được thành lập, mô hình quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp chỉ được điều chỉnh bằng Nghị định74, chưa có Luật về quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp.

- Tỉnh Nghệ An vẫn đang là tỉnh còn nhiều khó khăn, xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, quy mô và tiềm lực kinh tế còn hạn chế, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh thấp, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kết nối cảng biển, sân bay, logistics,… chưa đáp ứng yêu cầu.

- Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An không thuộc nhóm các khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước75, nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng còn thấp so với nhu cầu đầu tư.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm cao của chính quyền và các cơ quan chuyên môn; huy động sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng phát triển Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

- Xác định xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, sự đồng hành của nhà đầu tư, doanh nghiệp và sự đồng thuận của nhân dân trong vùng dự án.

- Công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp phải kết nối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật của địa phương và khu vực; kết hợp hài hòa mục tiêu phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội và chăm lo đời sống cho người lao động.

- Thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ưu tiên dự án có quy mô vốn lớn, công nghệ hiện đại, sử dụng hiệu quả tài nguyên và nguồn nhân lực có chất lượng gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành khu vực phát triển kinh tế năng động, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao trong khu vực Bắc Trung Bộ, trọng tâm phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại gắn liền với xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Cửa Lò, Đông Hồi. Tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ, tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết nhiều việc làm và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2021 - 2025

- Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế Đông Nam lên 80.000ha (bao gồm 70.000ha76 đất liền và 10.000ha mặt nước biển) trong đó, diện tích khu công nghiệp khoảng 15.000ha, đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An; Quy hoạch phát triển 10 ÷ 12 Khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế với diện tích tự nhiên khoảng 4.500ha77.

- Vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế, khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đạt 19.912,7 tỷ đồng78, trong đó: nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng 1.050 tỷ đồng; nguồn vốn từ doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển khoảng 17.838,0 tỷ đồng; nguồn vốn khác (ODA, PPP, quỹ đất, nguồn vượt thu hàng năm và thu NS trên địa bàn khu kinh tế để lại,...) khoảng 1.024,7 tỷ đồng.

- Thu hút đầu tư 100 ÷ 120 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 75.000 - 90.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài khoảng 2,26 tỷ USD79. Vốn đầu tư thực hiện ước đạt trên 60% so với vốn đầu tư đăng ký. Trong đó: thu hút 2 - 4 dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu chức năng; 1 - 2 tập đoàn FDI lĩnh vực sản xuất cơ khí, điện tử, lắp ráp ô tô và phụ tùng xe ô tô các loại; 1 - 3 dự án đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng có quy mô lớn, đẳng cấp, chất lượng cao.

- Thu ngân sách trong Khu kinh tế Đông Nam, các Khu công nghiệp đến năm 2025 chiếm khoảng 20 ÷ 25% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh80.

- Giải quyết việc làm cho người lao động đến năm 2025 khoảng 80.000 ÷ 100.000 người81.

- Tỷ lệ các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường đến năm 2025 đạt 100%; đảm bảo 100% các cơ sở sản xuất trong khu kinh tế được cấp giấy phép môi trường, các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp xử lý chất thải (nước thải, chất thải) đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường, không để tình trạng khiếu kiện về ô nhiễm môi trường xảy ra.

- Đáp ứng khoảng 25 ÷ 30% nhà ở cho công nhân làm việc tại KKT, KCN.

b) Giai đoạn 2026 - 2030:

- Phát triển kết cấu hạ tầng 3 ÷ 5 khu công nghiệp mới, với diện tích khoảng 1.800 ÷ 2.000 ha.

- Thu hút đầu tư 130 ÷ 150 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 100.000 ÷ 120.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài khoảng 3,67 tỷ USD.

- Phấn đấu đến năm 2030, thu ngân sách trong Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp chiếm khoảng 45 ÷ 50% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh; giải quyết việc làm cho người lao động khoảng 150.000 ÷ 180.000 người.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2021-2025, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2030

1. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân về vai trò, vị trí của Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An. Tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương có địa bàn khu kinh tế trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp.

2. Phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành 03 khu vực chính với trung tâm của khu kinh tế là địa bàn các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu và thị xã Cửa Lò; phía Nam là Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An thuộc địa bàn thành phố Vinh và huyện Hưng Nguyên và phía Bắc là Khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi thuộc địa bàn thị xã Hoàng Mai. Năm 2022, nghiên cứu điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế Đông Nam theo các trục giao thông đối ngoại kết nối với khu kinh tế như Quốc lộ 7A, 7C, Quốc lộ 1A (đoạn tránh thành phố Vinh), Quốc lộ 48D và một phần khu vực biển để đảm bảo quỹ đất phát triển lâu dài (đến năm 2050) của Khu kinh tế Đông Nam.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung mới một số khu công nghiệp ngoài khu kinh tế trong Quy hoạch tỉnh để đảm bảo quỹ đất phát triển công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Không phát triển khu công nghiệp mới trong đô thị thành phố Vinh, hạn chế phát triển ở các khu vực có đất trồng lúa 02 vụ với năng suất cao hơn năng suất bình quân của tỉnh, các khu vực có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

3. Sử dụng nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kết nối Khu kinh tế từ nguồn NSNN có trọng tâm, trọng điểm, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư hợp lý để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn, trước mắt tập trung hoàn thành các công trình, dự án chuyển tiếp của giai đoạn 2016-2020, khởi công mới một số dự án quan trọng của giai đoạn 2021-2025; huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển, khu xử lý chất thải, nhà ở công nhân; nghiên cứu đề xuất cơ chế huy động các nguồn vốn khác (ODA, PPP, quỹ đất, nguồn vượt thu hàng năm hoặc nguồn thu ngân sách trên địa bàn KKT, các KCN được để lại) để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong Khu kinh tế Đông Nam.

4. Tiếp tục xác định các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt) là đối tác quan trọng phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp - đô thị phân bổ địa bàn theo 03 khu vực chính của khu kinh tế, đồng thời chú trọng thu hút thêm các nhà đầu tư khác phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp ngoài khu kinh tế, nhất là các khu công nghiệp Nghĩa Đàn, Tri Lễ, Sông Dinh, Tân Kỳ, Phủ Quỳ gắn với phát triển miền Tây Nghệ An.

Ưu tiên, khuyến khích thu hút các dự án đầu tư thứ cấp có công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách vào các khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng, hạn chế đầu tư ngoài các khu chức năng của khu kinh tế hoặc khu công nghiệp chưa có nhà đầu tư hạ tầng; hạn chế hoặc không thu hút đầu tư các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; xây dựng tiêu chí, điều kiện để sàng lọc, lựa chọn dự án nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư và bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, trong đó xác định ưu tiên xúc tiến, thu hút từ các đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và thị trường tiếng Trung (Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc) với các ngành, nghề chính như: công nghiệp cơ khí chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp sản xuất thực phẩm tiêu dùng; công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế, dược liệu, dược phẩm; công nghiệp hóa chất tiên tiến, thân thiện với môi trường; công nghiệp sạch, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao,… Giai đoạn đầu tập trung thu hút các công ty, tập đoàn công nghệ FDI tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện điện tử để thúc đẩy phát triển kinh tế, gia tăng giá trị xuất khẩu, tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm, tạo tiền đề dịch chuyển các dự án công nghiệp hỗ trợ đi kèm từ nước ngoài vào Nghệ An.

5. Kết hợp hài hòa mục tiêu phát triển Khu kinh tế Đông Nam và các Khu công nghiệp với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường của các huyện, thành, thị có khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn. Gắn việc thu hồi đất với đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất, có cơ chế bồi thường giải phóng mặt bằng thỏa đáng, hỗ trợ người dân ổn định đời sống gắn với phát triển các ngành dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp.

6. Kiện toàn cơ cấu bộ máy tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam theo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ. Ban hành cơ chế đặc thù về sử dụng biên chế, chế độ chính sách cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Khu kinh tế Đông Nam. Phân cấp, ủy quyền toàn diện để thực hiện chức năng quản lý nhà nước “một đầu mối, tại chỗ” và giải quyết thủ tục hành chính “một cửa liên thông” trong khu kinh tế, khu công nghiệp.

IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nhóm giải pháp về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Định kỳ, UBND tỉnh có đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tổng kết 05 năm thực hiện Đề án.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của Khu kinh tế Đông Nam trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của địa phương có địa bàn Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp.

- Chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tập trung giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh do tác động của đại dịch covid 19.

2. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách của khu kinh tế, khu công nghiệp

- Xây dựng và ban hành cơ chế đặc thù về bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư đối với các khu chức năng thuộc khu kinh tế, khu công nghiệp để thúc đẩy nhanh quy trình thu hồi đất, bàn giao đất cho nhà đầu tư triển khai dự án82.

- Cơ chế, chính sách kêu gọi nhà đầu tư tư nhân đầu tư kinh doanh khu bến cảng Cửa Lò (bao gồm nạo vét luồng khu bến Nam Cửa Lò và đê chắn sóng)83.

- Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển hành hóa đi quốc tế và dịch vụ logistics qua cảng Cửa Lò và cảng Đông Hồi84.

3. Nhóm giải pháp về quy hoạch phát triển không gian khu kinh tế, khu công nghiệp

- Phát triển Khu kinh tế Đông Nam theo hướng mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, thích ứng với môi trường hợp tác và cạnh tranh phù hợp, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phù hợp với quy hoạch phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và hành lang kinh tế Đông - Tây, đảm bảo liên kết, hợp tác với các trung tâm kinh tế trong khu vực.

Năm 2021, hoàn thành phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam, tỉnh Nghệ An đến năm 2040. Rà soát, xây dựng phương án phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó mở rộng không gian Khu kinh tế Đông Nam lên khoảng 80.000ha; điều chỉnh giảm diện tích hoặc đưa ra khỏi quy hoạch các khu công nghiệp ngoài khu kinh tế của thời kỳ quy hoạch trước khó thực hiện, đồng thời bổ sung quy hoạch mới một số khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025 từ 10 ÷ 12 khu công nghiệp với diện tích khoảng 4.500ha.

Năm 2022 và năm 2023, đề xuất điều chỉnh mở rộng ranh giới Khu kinh tế Đông Nam về phía Tây lên khoảng 80.000ha (70.000 ha đất liền và 10.000ha mặt nước biển) theo trục đường N5 nối Hòa Sơn - Đô Lương, trục đường N2 nối Quốc lộ 7A, trục Quốc lộ 48D nối thị xã Hoàng Mai với huyện Nghĩa Đàn, tuyến Quốc Lộ 1A (đoạn tránh thành phố Vinh) và khu vực ven biển để phát triển cảng biển, du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ đổi tên Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An thành Khu kinh tế Nghệ An.

Thành lập mới 02 khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Nam Cấm (685ha), Thọ Lộc (850ha); nghiên cứu phát triển khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Tân Thắng (650ha), khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiêp chuyên sâu phục vụ các ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành công nghiệp hóa chất cơ bản đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

- Việc mở rộng Khu kinh tế Đông Nam phải đảm bảo các điều kiện không tác động tiêu cực đến các khu bảo tồn thiên nhiên, không gây ảnh hưởng xấu và làm tổn hại các di sản văn hóa vật thể, danh lam thắng cảnh, các quần thể kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học; phù hợp với bố trí quốc phòng, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, phòng, chống thiên tai, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Hoàn thành điều chỉnh quy hoạch khu bến cảng chuyên dùng Đông Hồi thành khu bến cảng tổng hợp theo Thông báo số 55-TB/TW ngày 20/4/2019 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị85.

- Rà soát bố trí quỹ đất phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của pháp luật về nhà ở, đất đai, đầu tư86.

4. Nhóm giải pháp huy động nguồn vốn phát triển kết cấu hạ tầng

- Tập trung nguồn vốn cho đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong khu kinh tế từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn, nguồn vốn ngân sách địa phương và nguồn vốn khác.

- Trình Chính phủ bổ sung Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An vào nhóm các khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 theo Thông báo số 55-TB/TW ngày 20/4/2019 của Bộ Chính trị.

- Sử dụng nguồn vốn NSNN có trọng tâm, trọng điểm, xác định thứ tự ưu tiên hợp lý để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 202587, cụ thể đầu tư hoàn thành 07 công trình, dự án chuyển tiếp của giai đoạn 2016-2020, gồm: Đường N2, đường N5, đường N5 (đoạn 2), đường D4, đường cứu nạn và TĐC ven biển Đông Hồi (giai đoạn 1), đường nối KCN Tri Lễ đến Quốc lộ 7 (giai đoạn 1), hệ thống xử lý nước thải KCN Đông Hồi (giai đoạn 1) và hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp ngoài khu kinh tế.

Khởi công mới 08 công trình, dự án gồm: Cầu vượt đường sắt và Quốc lộ 1A (giai đoạn 1) tại nút N5, N1, N4, đường N3 vào KCN Hoàng Mai I, đường vào KCN Hoàng Mai II, cầu sông Cấm nối đường N5 với cảng nước sâu Cửa Lò, cầu vượt đường sắt tại đường N2, Kênh thoát nước dọc đường N5.

- Huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp để đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển và nhà ở công nhân, xử lý chất thải88. Giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục đầu tư hoàn thành các KCN: VSIP giai đoạn 2 (141ha); WHA giai đoạn 2 (354,5ha); Hoàng Mai I (264,77ha); bến số 6 cảng Cửa Lò; 03 bến tổng hợp container cảng Vissai89. Triển khai đầu tư mới các KCN Thọ Lộc (600ha); Hoàng Mai II (330ha); WHA giai đoạn 2 mở rộng (250ha); Nghĩa Đàn (200ha); cảng nước sâu Cửa Lò, bến 7, 8 cảng Cửa Lò và 12 bến tại cảng Đông Hồi,.. Thu hút đầu tư xây dựng Trung tâm logistics hạng II (quy mô 20 ÷ 40ha) tại Khu kinh tế Đông Nam theo Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015.

- Nghiên cứu đề xuất cơ chế huy động các nguồn vốn khác (ODA, PPP, quỹ đất, nguồn vượt thu hàng năm và thu ngân sách trên địa bàn khu kinh tế để lại) để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của khu kinh tế, khu công nghiệp (công trình luồng và đê chắn sóng cảng Cửa Lò90, cảng Đông Hồi, đường giao thông kết nối, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, nhà ở xã hội...).

- Tiếp tục triển khai Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng (đường, điện, nước thải, nhà ở xã hội...) trong khu kinh tế, khu công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao và bảo vệ môi trường được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3410/QĐ-UBND ngày 28/7/2017.

- Tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng từ công tác chuẩn bị đầu tư, tiến độ thực hiện, tiêu chuẩn định mức, đơn giá, quy trình quy phạm,.. hạn chế mức thấp nhất các chi phí phát sinh trong quá trình đầu tư.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng công trình và thực hiện nghiệm thu, thanh quyết toán theo quy định.

5. Nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả xúc tiến, thu hút đầu tư

- Xây dựng kế hoạch xúc tiến, thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm với những đối tác, ngành nghề, dự án ưu tiên đầu tư hợp lý, phù hợp quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, trong đó tiếp tục tập trung hỗ trợ, tham mưu giải quyết các khó khăn vướng mắc cho các dự án trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

- Tiếp tục xác định các nhà đầu tư VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt là đối tác chiến lược để phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam; đồng thời kêu gọi nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. Giai đoạn 2021-2025, dự kiến phát triển quỹ đất công nghiệp phục vụ thu hút đầu tư khoảng 1.830ha91 (KCN WHA giai đoạn 2 mở rộng: 250ha; KCN Thọ Lộc: 600ha; KCN Hoàng Mai II: 330ha; KCN Nghĩa Đàn: 200ha; KCN và dịch vụ logistics Yên Quang: 450ha).

- Đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, trong đó xác định ưu tiên xúc tiến, thu hút đầu tư từ các đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và thị trường tiếng Trung (Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc) với các ngành, nghề chính như: công nghiệp cơ khí chế tạo; điện tử; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp sản xuất thực phẩm tiêu dùng; công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế, dược liệu, dược phẩm; công nghiệp hóa chất cơ bản; công nghiệp sạch, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Xây dựng các tiêu chí về đầu tư trong khu công nghiệp (về suất đầu tư trên 1 diện tích đất, số lượng lao động sử dụng) để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam, quy hoạch các khu công nghiệp và định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn và yêu cầu phát triển của tỉnh92.

- Ưu tiên, khuyến khích thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp sẵn có hạ tầng, hạn chế đầu tư ngoài các khu chức năng của khu kinh tế hoặc khu công nghiệp chưa có nhà đầu tư hạ tầng; hạn chế hoặc xem xét không thu hút đầu tư các dự án có tác động xấu đến môi trường. Không cấp mới, mở rộng hoặc gia hạn thời gian hoạt động dự án công nghệ lạc hậu, các dự án nhà máy chế biến bột sắn, bột giấy, dăm gỗ93.

- Thực hiện nghiêm công tác giám sát, đánh giá đầu tư, chấm dứt hoạt động dự án chậm tiến độ kéo dài hoặc không triển khai trong khu kinh tế, khu công nghiệp.

6. Nhóm giải pháp về quản lý đất đai, bảo vệ môi trường

- Lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất khu chức năng, khu công nghiệp để thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và giao đất cho Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam thực hiện xây dựng Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp theo quy hoạch được phê duyệt.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu đúng, đầy đủ quy định, chính sách của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Các địa phương có khu kinh tế, khu công nghiệp cần xác định nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương để triển khai thực hiện. Kịp thời ngăn chặn những yếu tố có thể phát sinh phức tạp, không để xẩy ra “điểm nóng” liên quan đến giải phóng mặt bằng trong khu kinh tế, khu công nghiệp.

- Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Hạn chế tác động các khu vực có đất lúa 2 vụ với năng suất cao hơn năng suất bình quân của tỉnh, các khu vực có rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất liên quan đến quốc phòng, an ninh.

- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, trong đó, bổ sung quy định giao đất cho Ban Quản lý KKT Đông Nam để thực hiện cho thuê lại đất đối với khu công nghiệp ngoài khu kinh tế; bổ sung Ban Quản lý KKT Đông Nam là thành viên Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng của huyện, thành, thị đối với các dự án đầu tư trong khu kinh tế, khu công nghiệp; sửa đổi chính sách miễn tiền thuê đất để phù hợp với Luật Đầu tư, các Luật thuế,…

- Thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai; thu hồi đất những dự án không đưa đất vào sử dụng theo tiến độ sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích, sử dụng đất không đúng theo nhu cầu đăng ký,…

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và thực hiện đầy đủ, có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020; triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030, trong đó, ưu tiên đầu tư hoàn thành Nhà máy xử lý nước thải KCN Đông Hồi giai đoạn 1 (2.000 m3/ngđ); KCN WHA giai đoạn 2 (8.000 m3/ngđ); KCN Hoàng Mai I giai đoạn 1 (9.750 m3/ngđ), KCN Nam Cấm giai đoạn 2 (2.500 m3/ngđ), KCN Thọ Lộc (28.000m3/năm), KCN Hoàng Mai II (19.500m3/năm).

- Thường xuyên giám sát môi trường, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về môi trường đối với khu công nghiệp, khu chức năng và các dự án đầu tư thứ cấp, nhất là quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp, kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại của các cơ sở sản xuất, xử lý nghiêm khắc, kịp thời đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

- Nâng cao năng lực quản lý và kỹ thuật về môi trường cho Ban Quản lý KKT Đông Nam để đảm bảo có đầy đủ nguồn lực thực hiện nhiệm vụ về bảo vệ môi trường trong khu kinh tế, khu công nghiệp.

7. Nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ lao động, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự xây dựng và phòng chống cháy nổ

- Thực hiện có hiệu quả Đề án giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; đề án đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề giai đoạn 2021-2025.

- Rà soát, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo; thông tin việc làm và nhu cầu sử dụng lao động cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có lộ trình đào tạo phù hợp; chú trọng công tác đào tạo cán bộ khoa học, quản lý, người lao động theo yêu cầu của vị trí việc làm gắn với đào tạo ngoại ngữ (tiếng Nhật, Hàn, Trung) để dần thay thế chuyên gia, lao động nước ngoài làm việc tại khu kinh tế, khu công nghiệp.

- Tăng cường liên kết, hợp tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng, đặt hàng đào tạo, sử dụng lao động; rà soát bổ sung từ nguồn lao động đang làm việc ngoại tỉnh trở về địa phương do tác động của dịch covid 19, lao động hết hạn hợp đồng xuất khẩu lao động, bộ đội, công an xuất ngũ để tư vấn, hướng nghiệp, học nghề, giới thiệu việc làm cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong khu kinh tế, khu công nghiệp.

- Thực hiện tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh sau THCS và THPT trên địa bàn tỉnh; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng hướng nghiệp và dạy nghề cho học sinh phổ thông thích ứng và hòa nhập thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động Sàn giao dịch việc làm, các trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh; xây dựng chuyên mục “việc làm” trên Đài PTTH Nghệ An; báo Nghệ An và cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Nghệ An, Sở LĐTBXH, Ban Quản lý KKT Đông Nam.

- Thường xuyên rà soát quy hoạch nhà ở công nhân, công trình dịch vụ, tiện công cộng phục vụ người lao động làm việc tại khu kinh tế, khu công nghiệp; khuyến khích nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp thứ cấp xây dựng nhà ở cho người lao động do mình quản lý, sử dụng.

- Kết hợp chặt chẽ quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng theo Nghị định số 164/2018/NĐ-CP ngày 21/12/2018 của Chính phủ. Tuân thủ việc lấy ý kiến các Bộ, ngành Trung ương đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới đất liền và biên giới biển, khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

- Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, phòng chống cháy nổ, đình công, tranh chấp lao động, ô nhiễm môi trường trên địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp. Triển khai việc thành lập các trạm phòng cháy chữa cháy chuyên ngành của khu công nghiệp, xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở sản xuất công nghiệp đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.

8. Nhóm giải pháp về tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin

- Điều chỉnh đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Ban Quản lý KKT Đông Nam được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2462/QĐ-UBND ngày 02/7/2020 đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Ban hành quy định thay thế Quyết định số 91/2014/QĐ-UBND ngày 15/12/2014 của UBND tỉnh quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đáp ứng chức năng, nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ; Thông tư số 12/2020/TT-BKHĐT ngày 28/12/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Sửa đổi Quyết định số 96/2010/QĐ-UBND ngày 26/11/2010 của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý, đầu tư, xây dựng phát triển Khu kinh tế Đông Nam và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Nghiên cứu, ban hành cơ chế đặc thù về sử dụng biên chế, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Ban Quản lý KKT Đông Nam.

- Tăng cường phân cấp, ủy quyền toàn diện cho Ban Quản lý KKT Đông Nam trong công tác quản lý nhà nước đối với Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp khi đáp ứng điều kiện theo quy định để thực hiện tốt cơ chế “một cửa tại chỗ” trong giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

- Rà soát, sửa đổi quy trình thủ tục đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp theo các văn bản pháp luật mới ban hành của pháp luật về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường,… Đến năm 2025, có trên 80% TTCH ở mức độ 3, 494.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư; công khai thông tin về quy hoạch, đầu tư, đất đai trong khu kinh tế, khu công nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của Ban Quản lý KKT Đông Nam (www.dongnam.gov.vn).

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, công chức tại Ban Quản lý KKT Đông Nam; thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước gắn với hoạt động hỗ trợ, phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; số hóa cơ sở dữ liệu về quy hoạch, đầu tư, đất đai, môi trường, lao động trong khu kinh tế, khu công nghiệp phục vụ hoạt động quản lý và cung cấp thông tin.

PHẦN 3: TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. NGUỒN LỰC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Đơn vị tính: Tỷ đồng

STT

Danh mục công trình dự án

Tổng mức đầu tư

Nhu cầu vốn giai đoạn 2021-2025

Tỷ lệ (%)

1

Hạ tầng kỹ thuật thiết yếu (giao thông, thoát nước,..)

4.207,35

2.074,7

10,4

2

Hạ tầng khu công nghiệp

15.231,0

8.445,0

42,4

3

Hạ tầng cảng biển, logictic

11.125,0

5.317,0

26,7

4

Nhà ở công nhân

6.606,0

2.351,0

11,8

5

Vệ sinh môi trường

1.725,0

1.725,0

8,7

Tổng cộng

38.708,6

19.912,7

100

(Đối với cấp điện, cấp nước do các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tiếp đầu tư, kinh doanh theo nhu cầu của các dự án đầu tư)

Trong đó:

- Nguồn vốn Ngân sách nhà nước

 1.050 tỷ đồng

- Nguồn vốn Doanh nghiệp/Nhà đầu tư

17.838 tỷ đồng

- Nguồn vốn khác (ODA, PPP, quỹ đất, nguồn vượt thu ngân sách hàng năm,..)

1.024,7 tỷ đồng

(Chi tiết tại Phụ lục 10 và 11)

II. PHÂN CÔNG NGHIỆM VỤ

1. Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam

- Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam là cơ quan thường trực, chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành và các địa phương liên quan xây dựng kế hoạch triển khai Đề án, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp, kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền. Hàng năm, đánh giá kết quả thực hiện Đề án báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tổng kết 05 năm thực hiện Đề án.

- Tham mưu UBND tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ đưa Khu kinh tế Đông Nam vào nhóm các khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

- Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, địa phương, đơn vị xây dựng chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển hàng hóa đi quốc tế và dịch vụ logistics qua cảng Cửa Lò và cảng Đông Hồi.

- Kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy, biên chế, chức năng, nhiệm vụ và quan hệ phối hợp của Ban Quản lý KKT Đông Nam đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Tham mưu UBND tỉnh ban hành sửa đổi Quyết định số 91/2014/QĐ-UBND ngày ngày 15/12/2014 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam; Quyết định số 96/2010/QĐ-UBND ngày 26/11/2010 về quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý, đầu tư, xây dựng phát triển Khu kinh tế Đông Nam và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 2462/QĐ-UBND ngày 02/7/2020 về đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Ban Quản lý KKT Đông Nam.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng và các nhà đầu tư hạ tầng VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút, hỗ trợ đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp Ban Quản lý KKT Đông Nam tổng hợp các công trình dự án đầu tư trong khu kinh tế, khu công nghiệp vào Kế hoạch đầu tư công hàng năm và trung hạn.

- Chủ trì, phối hợp Ban Quản lý KKT Đông Nam và đơn vị tư vấn xây dựng Quy hoạch tỉnh, trong đó xây dựng nội dung đề xuất phương án phát triển khu kinh tế, các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành liên quan thực hiện các chính sách nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) phục vụ công tác thu hút đầu tư vào tỉnh Nghệ An.

3. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn ngân sách hằng năm để đầu tư các công trình hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam theo đúng tiến độ, thanh toán, quyết toán theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý KKT Đông Nam cân đối, bố trí các nguồn kinh phí thực hiện một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 13/6/2021 của HĐND tỉnh.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành bảng giá đất các khu công nghiệp (ngoài khu kinh tế) đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ chế đặc thù về bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư đối với khu chức năng, khu công nghiệp.

- Phối hợp với Ban Quản lý KKT Đông Nam trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển, hải đảo tại địa bàn Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp.

5. Sở Công thương

- Tham mưu UBND tỉnh về quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành nghề, lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh, phục vụ thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp.

- Tham mưu UBND tỉnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng điện cung cấp kịp thời, ổn định, đáp ứng đủ công suất để phục vụ nhu cầu phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp.

- Tham mưu UBND tỉnh về quy hoạch, kế hoạch phát triển dịch vụ Logistcs trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Phối hợp với Ban Quản lý KKT Đông Nam kêu gọi đầu tư xây dựng Trung tâm Logistics hạng II tại Khu kinh tế Đông Nam.

6. Sở Xây dựng

- Tham mưu UBND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội cho công nhân trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp.

- Phối hợp với Ban Quản lý KKT Đông Nam thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động xây dựng trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp.

7. Sở Giao thông vận tải

- Tham mưu UBND tỉnh lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp với các khu vực, hình thành mạng lưới giao thông (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không) thuận tiện, phục vụ lưu thông hàng hóa và xuất nhập khẩu, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp và tăng lợi thế cạnh tranh để thu hút các dự án đầu tư.

- Tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Giao thông vận tải cơ chế, chính sách kêu gọi nhà đầu tư tư nhân đầu tư Khu bến cảng phía Bắc Cửa Lò (bao gồm nạo vét luồng khu bến Nam Cửa Lò và đê chắn sóng); điều chỉnh khu bến cảng chuyên dùng Đông Hồi thành khu bến cảng tổng hợp.

- Làm việc với các Bộ, ngành về công tác duy tu, nạo vét, nâng cấp luồng vào cảng phía Nam Cửa Lò và các công trình hạ tầng giao thông có liên quan trong Khu kinh tế Đông Nam.

8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Tham mưu UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả Đề án giải quyết việc làm và đề án đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề giai đoạn 2021-2025; chú trọng công tác đào tạo cán bộ khoa học, quản lý, người lao động theo yêu cầu vị trí việc làm gắn với đào tạo ngoại ngữ (tiếng Nhật, Hàn, Trung) dần thay thế chuyên gia, lao động nước ngoài.

- Phối hợp với Ban quản lý KKT Đông Nam rà soát, dự báo nhu cầu lao động trong khu kinh tế, khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo để kết nối cung - cầu lao động; liên kết, hợp tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đơn vị dịch vụ việc làm với các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

- Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý KKT Đông Nam rà soát bổ sung nguồn lao động đang làm việc ngoại tỉnh trở về địa phương do tác động của dịch Covid - 19, lao động hết hạn hợp đồng xuất khẩu lao động, bộ đội, công an xuất ngũ để tư vấn, đào tạo, hỗ trợ tìm kiếm việc làm tại khu kinh tế, khu công nghiệp.

- Chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành sàn giao dịch việc làm, các trung tâm giới thiệu việc làm hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp tuyển dụng lao động.

9. Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý KKT Đông Nam nghiên cứu, điều chỉnh Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Ban Quản lý KKT Đông Nam để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

10. Sở Ngoại vụ

- Chủ trì tiếp xúc, vận động thu hút đầu tư theo chương trình của Bộ Ngoại giao; tiếp xúc, làm việc với Đại sứ, Trưởng của các cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế và Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; tăng cường hợp tác với các đối tác truyền thống, mở rộng hợp tác với đối tác mới nhằm đẩy mạnh các hoạt động đầu tư vào tỉnh Nghệ An.

- Tham mưu lồng ghép và tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hoạt động xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam trong kế hoạch đối ngoại, kế hoạch đoàn ra, đoàn vào hàng năm của tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp Ban Quản lý KKT kinh tế Đông Nam trong công tác bảo hộ lãnh sự, hỗ trợ nhập cảnh đối với công dân nước ngoài làm việc tại khu kinh tế, khu công nghiệp.

- Phối hợp, hỗ trợ Ban Quản lý KKT Đông Nam triển khai các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam, các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

11. Sở Thông tin và truyền thông

- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền kết quả thực hiện Đề án; định hướng dự luận các vấn đề có tính cấp thiết trên địa bàn Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp.

- Phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ Ban Quản lý KKT Đông Nam về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính.

12. Công an tỉnh

- Thực hiện công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường trên địa bàn KKT Đông Nam và các KCN.

- Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý KKT Đông Nam thực hiện công tác quản lý xuất nhập cảnh và hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài cư trú, làm việc tại Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp.

13. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Phối hợp với Ban Quản lý KKT Đông Nam tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt việc kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng theo Nghị định số 164/2018/NĐ-CP ngày 21/12/2018 của Chính phủ.

14. Báo Nghệ An; Đài phát thanh truyền hình Nghệ An

- Xây dựng chuyên mục tuyên truyền về Khu kinh tế Đông Nam và các Khu công nghiệp tỉnh; kịp thời phản ánh, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác hoạt động đầu tư, kinh doanh, các vấn đề bức xúc, nổi cộm trên địa bàn Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư quảng cáo sản phẩm, quảng bá thương hiệu, hình ảnh và tuyển dụng lao động.

15. Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An

Chủ trì, phối hợp Ban Quản lý KKT Đông Nam triển khai Chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm của tỉnh; hỗ trợ thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp.

16. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Chủ trì thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ ổn định đời sống của nhân dân bị thu hồi đất trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp. Tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu đúng, đầy đủ quy định, chính sách của nhà nước về bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp.

- Phối hợp với Ban Quản lý KKT Đông Nam trong việc quản lý các quy hoạch đã được phê duyệt, công bố, công khai, cắm mốc và bàn giao theo quy định. Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để có cơ sở triển khai, thu hút các dự án đầu tư.

- Phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý KKT Đông Nam và các Sở, ngành trong việc quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng, môi trường trên địa bàn.

17. Các Nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng

- Thực hiện đúng quy hoạch xây dựng KKT Đông Nam và các Khu công nghiệp đã được phê duyệt.

- Triển khai kế hoạch đầu tư hạ tầng gắn với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án.

- Huy động các nguồn vốn và thực hiện đúng tiến độ dự án, tích cực kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho người lao động và tăng thu ngân sách cho địa phương.

18. Ủy ban mặt trận tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh

Phối hợp với Ban Quản lý KKT Đông Nam thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cơ chế chính sách về phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

 



1 Trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê khoảng 80,3 nghìn ha, chiếm 67% diện tích đất tự nhiên.

2 Trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt khoảng 56,4 nghìn ha.

3 Trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt khoảng 18,2 nghìn ha.

4 Gồm: 582,3 nghìn ha diện tích mặt đất, chiếm 1,17% diện tích đất cả nước và 289,2 nghìn ha diện tích mặt biển.

5 01 KKT chưa được thành lập là KKT Ninh Cơ, tỉnh Nam Định.

6 Theo số liệu thống kê đến tháng 4/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư kèm theo Công văn số 3493/BKHĐT-QLKKT ngày 7/6/2021:

- Trung bình hàng năm, vốn đầu tư nước ngoài trong KCN, KKT chiếm khoảng 35 – 40% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng thêm của cả nước; nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn đầu tư nước ngoài trong KCN, KKT chiếm 70 – 80% tổng vốn đăng ký cả nước.

- Tỷ trọng vốn đầu tư thực hiện trong KCN, KKT trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 9,79% (giai đoạn 1996-2000); 11,56%  (giai đoạn 2001-2005); 11,83%  (giai đoạn 2006-2010); 33,19% (giai đoạn 2011-2015); 29,49% (giai đoạn 2016 -2018)

- Tỷ suất vốn đầu tư đăng ký/ha đất công nghiệp trong KCN có xu hướng tăng đạt khoảng 23,6 tỷ đồng/ha (1995); 23,17 tỷ đồng/ha (2005); 35,17 tỷ đồng/ha (2019).

- Gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu (giai đoạn 2016-2019, giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm chiếm khoảng trên 55% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước)

- Đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách (trong giai đoạn 2016-2019, nộp ngân sách nhà nước trên 400.000 tỷ đồng. Một số địa phương, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn KCN, KKT chiếm khoảng trên 60% tổng thu ngân sách của địa phương, như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hải Phòng..

- Tạo việc làm cho hơn 3,8 triệu lao động trực tiếp, chiếm khoảng 7% lực lượng lao động của cả nước.

- Tỷ lệ KCN đang hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường tăng lên từng năm, tính đến cuối Quý I/2021 đã đạt 89,5%  = 256/286 KCN đang hoạt động (tăng 02 lần so với năm 2010). Tổng công suất tối đa đạt 1,2 triệu m3 nước thải/ngày đêm.

- Hình thành nhiều khu đô thị gắn với sự phát triển của các KCN, KKT, điển hình như: Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một (Bình Dương), Quận 7, Bình Chánh, Thủ Đức (Hồ Chí Minh), Yên Phong, Quế Võ (Bắc Ninh), Phố Yên (Thái Nguyên), Bình Xuyên (Vĩnh Phúc),..

7 Theo Quyết định số 183/2004/QĐ-TTg ngày 19/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ vốn NSTW để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, được sửa đổi để phù hợp với mục tiêu, chiến lược, định hướng của từng giai đoạn phát triển (2010-2015 và 2016-2020) tại các Quyết định số 43/2009/QĐ-TTg ngày 19/03/2009, số 126/2009/QĐ-TTg ngày 26/10/2009 và số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 và số 351/QĐ-TTg ngày 29/3/2018. Theo đó, giai đoạn 2011-2019, vốn NSTW đã bố trí khoảng 29.313,3 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các KCN, KCX, KKT ven biển, KKT cửa khẩu.

8 Số liệu thống kê giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020.

9 Điển hình như KKT Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là một trọng điểm trong tam giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có sân bay quốc tế Cát Bi, cảng quốc tế Lạch Huyện là cửa ngõ của khu vực phía Bắc, thông thương với các nước trong khu vực và thế giới.

10 Ngoài các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật, trong thời gian qua thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa đều đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư đặc thù nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và đạt được nhiều kết quả rất tích cực.

11 Thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Khánh Hòa đều đã sớm ban hành các Nghị Quyết, Chương trình, Kế hoạch chuyên đề về phát triển KKT, KCN để tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, thành phố Hải Phòng hướng đến  mô hình phát triển với trọng tâm là hệ thống hạ tầng các KCN gắn với thu hút đầu tư FDI, phát triển khu vực hàng hóa xuất khẩu làm động lực chủ yếu để phát triển kinh tế; tỉnh Thanh Hóa hướng đến mô hình phát triển gắn với các tổ hợp công nghiệp mũi nhọn như: nhiệt điện, lọc hóa dầu, sản xuất xi măng, luyện cán thép cao cấp, cơ khí chế tạo, tạo động lực chính để thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tỉnh Khánh hòa hướng tới mô hình phát triển với trọng tâm là các ngành dịch vụ, du lịch, đô thị và thương mại tự do quốc tế để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đặc biệt của khu vực.

12 Thực tế cho thấy ngoài các cơ chế, chính sách ưu đãi theo pháp luật về đầu tư thì các KKT thuộc nhóm KKT ven biển trọng điểm được ưu tiên đầu tư hạ tầng từ nguồn ngân sách nhà nước như KKT Đình Vũ - Cát Hải và KKT Nghi Sơn đều có tốc độ phát triển nhanh hơn hẳn so với các KKT còn lại.

13 Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2355/QĐ-TTg ngày 04/12/2013; Đề án phát triển thành phố Vinh tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 12/6/2020; Quy hoạch xây dựng vùng Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh đến năm 2025 tại Quyết định số 2028/QĐ-TTg ngày 21/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh Bắc Nghệ đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2025 tại Quyêt định số 1447/QĐ-TTg ngày 16/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ,..

14 Bao gồm: Khu vực Vinh - Thị xã Cửa Lò - Các huyện Đông - Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ - Bắc Hà; Khu vực Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ; Khu vực miền Tây Nghệ An.

15 Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo số 433-TB/TU ngày 26/10/2007 cho ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ phát triển KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An.

16 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Kết luận số 26-KL/TU ngày 18/3/2010 và Thông báo số 323-TB/TU ngày 06/9/2011; UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2652/QĐ-UBND.ĐTXD ngày 16/7/2012.

17 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 67/2014/QĐ-TTg ngày 04/12/2014; số 10/2015/QĐ-TTg ngày 03/4/2015.

18 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua tại Thông báo số 706-TB/TU ngày 11/7/2017 và UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3410/QĐ-UBND ngày 28/7/2017.

19 Theo Chương trình số 03-CTr/TU ngày 25/12/2020 của Tỉnh ủy về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; Quyết định số 69/QĐ-UBND ngày 13/01/2021 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX

20 KCN Nam Cấm (1.914,6ha); KCN Thọ Lộc (1.159,46ha);  KCN Hoàng Mai (633,36ha) KCN Đông Hồi (457,07ha); KCN VSIP (367,6ha).

21 Trong đó, phạm vi quy hoạch vùng đất cảng khoảng 782,3ha, phạm vi quy hoạch vùng nước khoảng 4.342,7ha.

22 Tình hình triển khai cụ thể:

- Đường D4, tổng chiều dài gần 7,1 Km, tổng mức đầu tư 847 tỷ đồng, đã hoàn thành khoảng 85% khối lượng, trong đó giai đoạn 1 đã đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2018.

- Đường ngang N5 (đoạn 2), tổng chiều dài 4,985 Km, tổng mức đầu tư hơn 750 tỷ đồng, đã hoàn thành khoảng 93% khối lượng.

- Đường ngang N5, tổng diều dài 6,97 Km, tổng mức đầu tư hơn 760 tỷ đồng, đã hoàn thành khoảng 43% khối lượng.

- Đường ngang N2, tổng chiều dài 6,7 Km, tổng mức đầu tư 405 tỷ đồng, đã hoàn thành khoảng 76% khối lượng.

- Tuyến số 2, đường giao thông khu A - KCN Nam Cấm, tổng chiều dài 2,3 Km, tổng mức đầu tư 109 tỷ đồng. Hiện đã thi công hoàn thành đưa vào sử dụng tuyến D4, dài 1,15km); cơ bản hoàn thành cầu tuyến NB. Tổng khối lượng đạt khoảng 67%.[1] 

- Đường cứu nạn và TĐC các Khu dân cư ven biển Đông Hồi, tổng chiều dài 2,53 Km, tổng vốn đầu tư 117 tỷ đồng, đã hoàn thành khoảng 13% khối lượng.

- Đường D4 tuyến vào cảng xăng dầu DKC, tổng chiều dài 1,0 Km, đã hoàn thành cơ bản công tác GPMB, hiện đang triển khai xây dựng.

- Đường giao thông kết nối từ KCN Tri Lễ, huyện Anh Sơn đến đường QL7, tổng chiều dài 0,95 Km, tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng, đã thi công hoàn thành 40% khối lượng.

23 Các bến số 1, 2, 3, 4 do Công ty CP cảng Nghệ Tĩnh quản lý, khai thác có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 15.000 ÷ 25.000 tấn.

24 Tình hình triển khai cụ thể:

- Bến số 5, số 6 Cảng Cửa Lò: Công ty TNHH Cảng Cửa Lò đã hoàn thành và đưa vào khai thác Bến số 5 cho tàu 30.000 tấn. Hiện nhà đầu tư đang thi công xây dựng Bến số 6.

- Bến cảng xi măng Vissai: Công ty CP xi măng Sông Lam đã hoàn thành và đưa vào khai thác 02 Bến cảng quốc tế cho tàu 70.000 tấn, hoàn thành 04 bến nội địa cho tàu 30.000 tấn.

- Bến cảng xăng dầu DKC: Công ty cổ phần TĐ Thiên Minh Đức đã hoàn thành 01 bến cho tàu 49.000 tấn và 01 bến cho tàu 10.000 tấn.

- Cảng nước sâu Cửa Lò: Đã được chấp thuận chủ trương từ năm 2010, tuy nhiên đến nay vẫn chưa triển khai đầu tư xây dựng.

25 Năm 2020: Bến cảng Cửa Lò (1,2,3,4) khoảng 4,287 triệu tấn/năm; Bến số 5 khoảng 1,2 triệu tấn/năm; Bến cảng xi măng Vissai khoảng 6,1 triệu tấn/năm.

26 Đến năm 2020, đã cấp phép đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, gồm: Bắc Vinh (60,16ha), Nam Cấm cũ (327,83ha), VSIP (367,6ha), WHA (498ha), Hoàng Mai I (264,77ha), với tổng diện tích 1.518,36ha/tổng diện tích quy hoạch khu công nghiệp 5.846,53ha, đạt tỷ lệ 25,9%. Riêng KCN ngoài KKT Đông Nam, đạt tỷ lệ 4,6% so với diện tích quy hoạch khu công nghiệp (KCN Bắc Vinh 60,16ha).

27 Hoàn thành 09 tuyến đường nội bộ, điện chiếu sáng, cấp nước, thoát nước, viễn thông, nhà máy xử lý nước thải, trạm PCCC,..

28 Hoàn thành 12 tuyến đường nội bộ cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, viễn thông.

29 So với quy hoạch khu đô thị đến nay đạt 8,6% (382,6ha/4.461,8ha), thu hút đầu tư được 1/6 khu đô thị.

30 So với quy hoạch chung đến nay đạt khoảng 8,06% (89,2ha/1.107ha).

31 Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2669/QĐ.UBND-ĐT ngày 27/6/2013. Tuy nhiên do khó khăn trong bố trí nguồn vốn nên đã tạm dừng triển khai.

32 UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án tại Quyết định số 4545/QĐ-UBND ngày 14/12/2020.

33 Theo kết quả khảo sát của Công đoàn KKT Đông Nam năm 2018, có đến 75% NLĐ làm việc tại KCN dưới 35 tuổi; có 63% lao động có con nhỏ bậc học mầm non.

34 Trong đó, lĩnh vực công nghiệp có 162 dự án, chiếm tỷ lệ 63%; lĩnh vực thương mại dịch vụ 74 dự án, chiếm tỷ lệ 28,8%; lĩnh vực kinh hoanh hạ tầng 16 dự án, chiếm tỷ lệ 6,3%; lĩnh vực khai thác khoáng sản 4 dự án, chiếm tỷ lệ 1,5%; lĩnh vực chăn nuôi 01 dự án, chiếm tỷ lệ 0,31%;

35 Chiếm 52% số lượng dự án và chiếm 76% tổng vốn đầu tư FDI cả tỉnh (100 dự án; vốn đầu tư đăng ký 1,447 tỷ USD).

36 Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Nghệ An đã thu hút được 628 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 81.510,4 tỷ đồng.

37 Lũy kế đến tháng 12/2020, Ban Quản lý KKT Đông Nam đã thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của 47 Dự án.

38 Dự án cảng nước sâu Cửa Lò, Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1, Quỳnh Lập 2

39 Dự án KCN Đông Hồi, Dự án KCN Hoàng Mai I, Dự án Nhà máy sắt xốp Kobe Nhật Bản.

40 Bao gồm các KCN đã được cấp Giấy CNĐKĐT và thành lập: Nam Cấm, VSIP, WHA, Hoàng Mai I, Bắc Vinh.

41 KCN Hoàng Mai: Hiện đã thu hồi dự án gang Kế Đạt, di dời Nhà máy dăm gỗ Quỳnh Thiện, chấm dứt hoạt động trước thời hạn dự án Nhà máy gạch Trung Đô để thực hiện Dự án KCN Hoàng Mai 1.

42 Tổng thu ngân sách tỉnh năm 2020 đạt 17.367 tỷ đồng; Giai đoạn 2011-2015, thu ngân sách trong KKT, KCN đạt 3.060 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng thu Ngân sách tỉnh (35.230 tỷ đồng); Giai đoạn 2016-2020, thu ngân sách trong KKT, KCN đạt 7.176 tỷ đồng, chiếm 10% tổng thu Ngân sách tỉnh (71.852 tỷ đồng)

43 Tính đến tháng 7/2021, đã hoàn thành GPMB 553,07/750ha.

44 Tính đến tháng 7/2021, đã hoàn thành GPMB 142,9/143,5ha.

45 Một số dự án phải thực hiện bảo vệ thi công, cưỡng chế thu hồi đất như: Dự án Trạm nghiền xi măng Vissai (2016); Dự án đường D4 (năm 2017); Dự án đường N5 đoạn 2 (năm 2017); Dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc Mareep (2021).

46 Các dự án đầu tư không thuộc các khu chức năng trong Khu kinh tế Đông Nam thuộc thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại khoản 3 điều 53 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013.

48 Bao gồm: Khu B - KCN Nam Cấm, diện tích 70,48ha ; KCN Đông Hồi, diện tích 44,38ha; KCN Hoàng Mai II, diện tích 4,82ha; KCN Thọ Lộc, diện tích 6,99ha.

49 Bao gồm: Bến số 5, 6 Cảng Cửa Lò, diện tích 20,09ha; Bến cảng xi măng Vissai, diện tích 403,71ha; Bến cảng xăng dầu DKC, diện tích 56,64ha.

50 Bao gồm cả các KCN ngoài KKT Đông Nam đã được UBND tỉnh cho thuê đất, gồm: Bắc Vinh, Nghĩa Đàn, Tri Lễ

51 Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 9/5/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh Nghệ An. Điều chỉnh tại văn bản số 1004/TTg-NN ngày 30/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

52 Đến nay, Ban quản lý KKT Đông Nam đã thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho 87 dự án; Thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung cho 01 dự án; Thẩm định và phê duyệt phương án cải tạo phục hồi môi trường cho 07 dự án; Thẩm định và phê duyệt 06 đề án bảo vệ môi trường chi tiết và xác nhận/đăng ký xác nhận cam kết bảo vệ môi trường/Kế hoạch bảo vệ môi trường cho 121 dự án đầu tư trong KKT Đông Nam và các KCN Nghệ An.

53 Năm 2016, tại Công ty TNHH điện tử BSE Việt Nam và Công ty TNHH Matrix Vinh; Năm 2018, tại Công ty TNHH điện tử BSE Việt Nam; Năm 2020, tại Công ty cổ phần xi măng Sông Lam.

54 Năm 2016, một số người dân tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc do không có sự đồng thuận đã nhiều lần tập trung, cản trở thi công Dự án Trạm nghiền xi măng Vissai; Năm 2020, một số người dân tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu thường xuyên tập trung, cản trở thi công Dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc Mareep tại KCN Thọ Lộc.

55 Văn phòng, Phòng Quy hoạch Xây dựng, Phòng Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Doanh nghiệp và Lao động.

56 Ban Quản lý các dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng

57 Từ tháng 8/2019 đến nay (Thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế và cơ cấu lại dội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2462/QĐ-UBND ngày 02/7/2019): Ban đã sáp nhập phòng Thẩm định và Quản lý xây dựng vào phòng Quy hoạch xây dựng. Theo đó, tổ chức bộ máy gồm: Lãnh đạo (Trưởng Ban và 03 Phó Trưởng Ban); 05 phòng và đơn vị trực thuộc, giảm 01 phòng và 04 biên chế.

58 Tất cả thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý KKT Đông Nam hiện nay đều thực hiện qua cơ chế dịch vụ công một cửa điện tử tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An, đáp ứng về ứng dụng công nghệ thông tin và đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Tổng số thủ tục hành chính của Ban đã được công bố, công khai theo quy định là 34 thủ tục, trong đó có 21 thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, 12 thủ tục dịch vụ trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4.

59 Giai đoạn 2007-2010:  Triển khai lập, phê duyệt cơ bản quy hoạch phân khu các khu công nghiệp, khu chức năng theo Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đông Nam; Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

Giai đoạn 2011-2015: Đầu tư xây dựng  hạ tầng thiết yếu của Khu kinh tế Đông Nam (đường N2, N5, D4,..) và triển khai thu hút đầu tư, nhất là sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW  đã điều chỉnh ranh giới KCN, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An (750ha); KCN Hoàng Mai (600ha); KCN Đông Hồi (600ha) vào Khu kinh tế Đông Nam;

Giai đoạn 2016-2020: Tập trung đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp (VSIP, WHA, Hoàng Mai I) để thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).

60 Sau hơn 13 năm, KKT Đông Nam và các KCN đã thu hút được 257 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 70.189,2 tỷ đồng (tương đương 3,03 tỷ USD). Trong đó, vốn đầu tư trong nước là 44.816,8 tỷ đồng, vốn đầu tư nước ngoài là 1,09 tỷ USD.

61 Trong 13 năm, các doanh nghiệp trong KKT Đông Nam và các KCN đóng góp vào NSNN khoảng 10.605 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 23.614 lao động.

62 Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2016-2020): Thị xã Hoàng Mai đạt 14,32%; Thị xã Cửa Lò 12-15%; Thành phố Vinh 8,62%; Huyện Nghi Lộc 12,53%; Huyện Hưng Nguyên 8,12%; Huyện Diễn Châu 9,97% .

63 Chỉ số PCI của tỉnh liên tục tăng, cụ thể năm 2016 xếp hạng thứ 25; năm 2017 tăng 04 bậc, xếp hạng thứ 21; năm 2018 tăng 02 bậc, xếp hạng thứ 19; năm 2019 và năm 2020 tăng 01 bậc,xếp hạng thứ 18. So với khu vực Bắc Trung Bộ, chỉ số PCI của tỉnh luôn nằm trong top đầu khu vực.

64 Theo Quyết định số 85/2007/QĐ-TTg ngày 11/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập và ban hành quy chế hoạt động của KKT Đông Nam Nghệ An.

65 Ngoài KCN Bắc Vinh và KCN Nam Cấm đã thành lập từ trước, trong 13 năm chỉ thu hút thêm được 03 KCN để triển khai đầu tư xây dựng và thu hút đầu tư các dự án thứ cấp là VSIP, WHA và Hoàng Mai I.

66 Để thực hiện xây dựng các khu công nghiệp, khu chức năng trong KKT Đông Nam theo quy hoạch phải di dời, tái định cư cho nhiều hộ dân (quy hoạch KCN Nam Cấm di dời 1.500 hộ dân, quy hoạch KCN Thọ Lộc di dời 750 hộ dân, quy hoạch khu phi thuế quan di dời 5.000 hộ dân); diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi lớn, trong khi một số khu vực có năng suất cao; Một số khu công nghiệp ở các huyện miền Tây Nghệ An gặp khó khăn trong thu hút đầu tư do hạn chế về hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng kỹ thuật.

67 Lũy kế vốn bố trí trong 13 năm mới đạt 26% nhu cầu; Kế hoạch trung hạn nguồn vốn NSĐP giai đoạn 2016-2020 chỉ được bố trí 52,9 tỷ đồng;

68 Dự án KCN Hoàng Mai I; Dự án Nhà máy sắt xốp Kobelco, vốn đầu tư 1 tỷ USD; 02 Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1, Quỳnh Lập 2, tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD; Dự án cảng nước sâu Cửa Lò, vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng.

69 Dự án kinh doanh hạ tầng KCN Hoàng Mai I do Công ty cổ phần KCN Hoàng Mai làm chủ đầu tư; Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I do Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản làm chủ đầu tư; Dự án cảng nước sâu Cửa Lò do Công ty cổ phần đầu tư phát triển vận tải quốc tế làm Chủ đầu tư;

70 - Thể chế, chính sách về phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp chưa thực sự hoàn thiện, chậm được sửa đổi, bổ sung; Chưa có Luật về KKT, KCN tạo hành lang pháp lý vững chắc để phát huy vai trò đóng góp của các khu kinh tế, khu công nghiệp. Các quy định của pháp luật chuyên ngành như đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, sắp xếp, xử lý tài sản công vẫn còn bất cập, chồng chéo, thường xuyên thay đổi, gây khó khăn trong quá trình thực hiện thu hút đầu tư và phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp.

- Cơ chế chính sách về ưu đãi đầu tư không đồng bộ, thiếu nhất quán và thiếu ổn định; Đặc biệt là các chính sách về ưu đãi thuế, miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất lúa bị điều chỉnh, thay đổi trong thời gian ngắn, ảnh hưởng rất lớn đến thu hút đầu tư, phát triển của địa phương, nhất là đối với các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang có ý định đầu tư các dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; chính sách hỗ trợ đầu tư đến năm 2020 chưa phù hợp để giải quyết có hiệu quả yêu cầu thực tiễn cũng như các vấn đề trọng tâm cho phát triển.

- Cơ chế chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư chưa tạo được sự đồng thuận cao của người bị thu hồi đất, nhất là ở các khu vực đô thị và vùng lân cận. Quy định của pháp luật về hỗ trợ việc làm và ổn định đời sống chưa phát huy hiệu quả; công tác đào tạo nghề, bố trí việc làm cho người có đất bị thu hồi chưa được quan tâm thực hiện, chưa đạt hiệu quả cao.

71 Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và phát triển các KCN, KKT nói riêng trong thời gian qua đã cho thấy, sự thành công của các KKT, KCN trên cả nước đều xuất phát từ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng trong hoạch định chủ trương, chính sách, định hướng phát triển quy hoạch; trên cơ sở đó các cấp chính quyền cụ thể hóa bằng chương trình hành động, kế hoạch, đề án, dự án cụ thể để tổ chức thực hiện; kết hợp với sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong vận động tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua trong đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng và phát triển các khu kinh tế ven biển. Qua khảo sát thực tế, một số địa phương như địa phương như Hải Phòng, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Trị… đều đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định chuyên đề của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển KKT, KCN.

72 Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

73 Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

74 Nghị định số 322/HĐBT ngày 18/10/1991; Nghị định số 192/CP ngày 28/12/1994; Nghị định số 36-CP ngày 24/4/1997; Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013; Nghị định số 114/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015; Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018.

75 Giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ đồng ý lựa chọn 08 nhóm KKT ven biển trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tại Văn bản số 2021/TTg-KTN ngày 9/11/2015, gồm: Nhóm KKT Chu Lai, tỉnh Quảng Nam - Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi; KKT Đình Vũ - Cát Hải, thành phố Hải Phòng;  KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; KKT Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; KKT Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh; KKT Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên; KKT Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh;  KKT Định An, tỉnh Trà Vinh;

76 Đến năm 2020, tổng diện tích tự nhiên Khu kinh tế Đông Nam là 20.776,47ha

77 Đến năm 2020, tổng diện tích tự nhiên quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ngoài khu kinh tế là 1.660ha

78 Chiếm 3,98% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025 khoảng 500 nghìn tỷ đồng.

79 Kế hoạch 490/KH-UBND ngày 31/8/2020 của UBND tỉnh, thu hút FDI giai đoạn 2021-2025 trong KKT Đông Nam, các KCN khoảng 2,26 tỷ USD.

80 Đến năm 2020, KKT, các KCN nộp NSNN 1.811 tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng thu ngân sách tỉnh (bình quân giai đoạn 2016-2018, KCN, KKT ven biển nộp ngân sách chiếm 11,7% tổng thu NSNN cả nước); Chỉ tiêu thu ngân sách cả tỉnh đến năm 2025 đạt 26.000 – 30.000 tỷ đồng.

81 Kết quả rà soát, đánh giá nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025, có tính đến năm 2030 tại Văn bản số 34/BC-KKT ngày 04/5/2021.

82 Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 58/2015/QĐ-UBND ngày 13/10/2015 của UBND tỉnh quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

83 Thông báo số 53/TB-VPCP ngày 23/3/2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An.

84 Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 200 triệu đồng/chuyến qua cảng Nghi Sơn theo Nghị quyết số 166/2019/NQ-HĐND ngày 04/4/2019; Tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ 200 triệu đồng/chuyến vào, ra cảng; hỗ trợ hàng hóa vận chuyển bằng container  700.000 đồng/container (đối với container 20 feet), 1.000.000 đồng/container (đối với container 40 feet trở lên) qua cảng Vũng Áng theo Nghị quyết số 276/2021/NQ-HĐND ngày 20/5/2021.

85 Kế hoạch số 199-KH/TU ngày 17/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Thông báo số 55-TB/TW ngày 20/4/2019 của Bộ Chính trị sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 26-CT/TW. Hiện Sở Giao thông vận tải đang triển khai.

86 Phát triển 04 khu nhà ở công nhân tại xã Nghi Thuận, Nghi Long, huyện Nghi Lộc khoảng 20ha, đáp ứng nhà ở cho khoảng 23.500 công nhân; Quy hoạch các: Khu nhà ở chuyên gia Khu công nghiệp Hoàng Mai I; Khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Thọ Lộc, Hoàng Mai II.

87 Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 khoảng 1.050 tỷ đồng, (NSTW: 1.000 tỷ đồng; NSĐP 50 tỷ đồng), gồm: dự án chuyển tiếp: 800 tỷ đồng; dự án khởi công mới: 250 tỷ đồng.

88 Kế hoạch giai đoạn 2021-2025 triển khai 16 dự án hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển, nhà ở công nhân, xử lý rác thải khoảng 17.838 tỷ đồng.

89 Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương bến số 4, 5, 6 tiếp nhận hàng tổng hợp, hàng rời, container cho tàu 50.000 tấn tại văn bản số 6453/BGTVT-KHĐT ngày 05/7/2021.

90 UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư Khu bến cảng Cửa Lò (bao gồm nạo vét luồng khu bến Nam Cửa Lò và đê chắn sóng) tại văn bản số 1673/UBND-TH ngày 29/3/2021.

91 Đến năm 2020, quỹ đất phát triển công nghiệp có hạ tầng trên địa bàn KKT, các KCN đạt 1.554,37ha (VSIP: 367,6ha; WHA: 143,5ha; Nam Cấm cũ A, B, C: 327,83ha; Hoàng Mai I: 264,77ha; Đông Hồi: 450,67ha; Bắc Vinh: 60.16ha; KCN và dịch vụ logistics Yên Quang: 450ha)

92 Kế hoạch số 490/KH-UBND ngày 31/8/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/CP ngày 27/4/2020 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.

93 Kết luận số 02-KL/TU ngày 13/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An giai đoạn 2011-2015.

94 Đến năm 2020, Ban quản lý KKT Đông Nam có 13/34 TTHC ở mức độ 3, 4 (đạt 38%).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4514/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 4514/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/11/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Lê Ngọc Hoa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/11/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản