Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 1447/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 09 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG NAM THANH BẮC NGHỆ ĐẾN NĂM 2025 VÀ TẦM NHÌN SAU NĂM 2025

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Xét đề nghị của Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh Bắc Nghệ đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2025 với những nội dung chính như sau:

1. Phạm vi nghiên cứu

Vùng Nam Thanh Bắc Nghệ bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính các huyện: Tĩnh Gia, Nông Cống, Như Thanh, Như Xuân của tỉnh Thanh Hóa; các huyện: Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa của tỉnh Nghệ An. Diện tích tự nhiên của cả vùng là 3.413,4 km2.

2. Tính chất

- Là vùng kinh tế tổng hợp đóng vai trò động lực của khu vực Bắc Trung Bộ với các ngành kinh tế chủ đạo gắn liền với kinh tế biển như: công nghiệp lọc hóa dầu, vật liệu xây dựng, cảng nước sâu, dịch vụ du lịch, phát triển nông lâm ngư nghiệp, có vai trò quan trọng về an ninh, quốc phòng;

- Là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại du lịch của vùng Bắc Trung Bộ và quốc gia, kết nối hiệu quả với các thị trường quốc tế lân cận;

- Là vùng có vườn quốc gia và khu vực đa dạng sinh học cần được bảo tồn; hệ thống các hồ chức cung cấp nước cho sản xuất nông lâm ngư nghiệp và nước sinh hoạt cho dân cư và cho các khu vực phát triển công nghiệp và dịch vụ cần được bảo vệ;

- Là vùng có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, cảnh quan, nghỉ dưỡng cấp quốc gia, quốc tế gắn liền với các cảnh quan thiên nhiên và các di tích lịch sử văn hóa.

3. Các dự báo phát triển vùng

- Dự báo dân số toàn vùng năm 2015 khoảng 1,382 triệu người; năm 2025 khoảng 1,781 triệu người.

- Dự báo lao động toàn vùng năm 2015 khoảng 690.000 người; năm 2025: 818.000 người;

- Dân số đô thị năm 2015 khoảng 384.400 người; năm 2025 khoảng 851.000 người;

- Tỉ lệ đô thị hóa năm 2015: khoảng 34%; năm 2025: khoảng 53%.

- Quy mô đất xây dựng đô thị năm 2015 khoảng 10.820 ha, năm 2025 khoảng 21.300 ha.

- Mật độ đô thị dự báo năm 2015 là 5,6 đô thị/1000 km2, năm 2025 là 6,5 đô thị/1000 km2.

4. Tầm nhìn sau năm 2025

Vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ sẽ là một vùng kinh tế quan trọng tầm quốc gia và quốc tế, có vị thế ảnh hưởng đặc biệt với Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung Bộ và các nước trong khu vực, là một vùng trọng điểm của chiến lược biển Việt Nam. Vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ sẽ là khu vực phát triển năng động, có môi trường đầu tư thuận lợi, khả năng cạnh tranh cao trong khu vực.

5. Định hướng phát triển không gian

a) Các trục không gian phát triển chính:

- Các trục phát triển theo hướng Bắc Nam bao gồm:

Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam, tuyến đường Duyên hải nối liền các tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, đường sắt và đường bộ cao tốc Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh.

- Các trục phát triển theo hướng Đông Tây bao gồm:

+ Trục Đông Tây Nam Thanh 1 (quốc lộ 45): nối kết các đô thị: Yên Thái, thị trấn Nông Cống, Bến Sung, Yên Cát nối với quốc lộ 48 tại Đồng Mới - Quế Phong – Nghệ An.

+ Tỉnh lộ 512: Tân Dân – cầu Trạp – Nông Cống.

+ Xây dựng tuyến mới từ thị trấn Bến Sung đi Xuân Phúc – Phúc Đường và nối với đường Nghi Sơn – Bãi Trành tại Thanh Quang.

+ Trục Đông Tây Nam Thanh 2 (đường Nghi Sơn – Bãi Trành): nối kết các đô thị Nghi Sơn – Thanh Tân – Bãi Trành.

+ Trục Đông Tây trung tâm vùng: Nghi Sơn – Nghĩa Bình – Thái Hòa.

+ Trục Bắc Nghệ 1: nối kết các đô thị Đông Hồi – Hoàng Mai – Nghĩa Bình – Thái Hòa.

+ Trục Bắc Nghệ 2 (tỉnh lộ 537): nối kết Cầu Giát – Tuần – Nghĩa Bình – Thái Hòa.

b) Phân vùng tổ chức không gian và định hướng phát triển hệ thống đô thị:

- Vùng kinh tế đồng bằng ven biển: bao gồm các huyện Tĩnh Gia, Nông Cống và Quỳnh Lưu, lấy Khu kinh tế Nghi Sơn và khu đô thị - công nghiệp Hoàng Mai làm trung tâm và động lực phát triển với các ngành kinh tế chính là cảng nước sâu, công nghiệp lọc hóa dầu, cơ khí chế tạo, vật liệu xây dựng, gang thép, nhiệt điện, chế biến thủy hải sản, ngư nghiệp, nông nghiệp áp dụng công nghệ sinh học …;

- Vùng kinh tế trung du miền núi: bao gồm các huyện Như Thanh, Như Xuân, Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa. Trung tâm và cực tăng trưởng của khu vực này là các đô thị Bãi Trành và Thái Hòa. Các ngành kinh tế chủ đạo là khai khoáng luyện kim, chế biến nông lâm sản, dịch vụ du lịch … đặc biệt quan tâm kiểm soát có hiệu quả công tác khai thác tài nguyên khoáng sản.

c) Phát triển hệ thống dân cư, đô thị và dịch vụ hạ tầng xã hội:

- Tổ chức mạng lưới đô thị:

Dự báo đến năm 2025 sẽ hình thành 22 đô thị với tổng dân số khoảng 851.000 người chiếm 53% dân số toàn vùng.

Hệ thống đô thị động lực của vùng gồm hai thành phố và hai thị xã:

+ Thành phố Nghi Sơn: đô thị loại II với dân số đến năm 2025 là 400.000 người với diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 15.000 ha, là đô thị động lực trung tâm vùng với tính chất chủ yếu là công nghiệp – thương mại dịch vụ - du lịch;

+ Thành phố Thái Hòa: đô thị loại III với dân số đến năm 2025 là 100.000 người, quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 2.000 ha, là đô thị động lực của vùng, tính chất đô thị là công nghiệp – thương mại dịch vụ - du lịch;

+ Thị xã Hoàng Mai: đô thị loại III với dân số đến năm 2025 là 100.000 người với diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 2.000 ha, là đô thị động lực của vùng, tính chất đô thị là công nghiệp – thương mại, dịch vụ - du lịch;

+ Thị xã Bãi Trành: đô thị loại IV với dân số đến năm 2025 là 50.000 người, quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 1.000 ha, là đô thị động lực của vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ, tính chất đô thị là công nghiệp – thương mại, dịch vụ - du lịch;

Hệ thống đô thị vệ tinh dự kiến phát triển đến năm 2025 tại các huyện trong vùng bao gồm:

+ Các đô thị loại IV: đô thị Bến Sung (huyện Như Thanh), đô thị Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu) là các đô thị có quy mô dân số khoảng 30.000 người với diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 450 ha, tính chất là đô thị huyện lỵ trung tâm hành chính – thương mại dịch vụ của các huyện trong khu vực;

+ Các đô thị loại V: thị trấn Nông Cống, Yên Thái, Yên Mỹ, Trường Sơn (huyện Nông Cống); Yên Cát, Thượng Ninh, Hóa Quỳ, Xuân Quỳ (huyện Như Xuân), Thanh Tân (huyện Như Thanh); Hải Ninh, Tân Dân (huyện Tĩnh Gia), Tuần, Ngò (huyện Quỳnh Lưu); Nghĩa Bình, Nghĩa Sơn, Nghĩa Long (huyện Nghĩa Đàn). Các thị trấn này được phát triển như các đô thị vệ tinh hỗ trợ nằm trong vùng ảnh hưởng và có tác động tương hỗ với các đô thị trung tâm động lực của vùng. Dự kiến quy mô dân số mỗi đô thị khoảng 5.000 ¸ 10.000 người, diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 100 ¸ 200 ha.

- Định hướng phát triển hệ thống các điểm dân cư nông thôn:

+ Hệ thống các điểm dân cư nông thôn được bố trí trên cơ sở các định hướng về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế toàn vùng cũng như hiện trạng phân bố dân cư.

+ Địa điểm xây dựng các điểm dân cư nông thôn phải thuận tiện trong kết nối giao thông với các tuyến đường liên xã, liên vùng phù hợp tập quán sinh hoạt và sản xuất, đáp ứng yêu cầu sinh sống và sản xuất của người dân theo Bộ Tiêu chí nông thôn mới được quy định tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tổ chức không gian công nghiệp:

+ Khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn là trọng tâm phát triển công nghiệp của vùng với cảng nước sâu Nghi Sơn – Hòn Mê; các loại hình công nghiệp chính là lọc hóa dầu, sản xuất vật liệu xây dựng, luyện kim, cơ khí chế tạo, nhiệt điện…;

+ Khu vực công nghiệp Hoàng Mai: tập trung phát triển các ngành công nghiệp vật liệu, luyện kim, cơ khí…;

+ Khu vực công nghiệp Tây Nam Thanh Hóa: phát triển công nghiệp đa ngành bao gồm: khai khoáng, luyện kim, chế biến nông lâm sản…;

+ Khu vực công nghiệp Bắc Nghệ: phát triển công nghiệp đa ngành: chế biến nông lâm sản, công nghiệp điện tử…

- Tổ chức hệ thống du lịch vùng:

+ Hình thành các vùng bảo vệ cảnh quan gắn liền với các khu vực bảo tồn sinh thái tự nhiên với trọng tâm là vườn quốc gia Bến En, các nguồn nước và hệ thống các hồ lớn như hồ Sông Mực, hồ Yên Mỹ, hồ Hao Hao, hồ Sông Sào, hồ Vực Mấu, hồ Sông Lại…

Tổ chức các tuyến du lịch kết nối các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng với các khu bảo tồn sinh thái, các điểm di tích lịch sử, văn hóa của vùng và quốc gia. Hình thành hai loại hình du lịch gắn liền với hai vùng du lịch lớn:

. Vùng du lịch biển đảo từ Hải Ninh, Tân Dân, Hải Hòa, Hòn Mê – Tĩnh Gia đến Quỳnh Lập, biển Quỳnh – Quỳnh Lưu sẽ phát triển các khu du lịch cao cấp kết hợp nghỉ dưỡng với dịch vụ giải trí casino, lặn biển, tham quan sinh thái biển..;

. Vùng du lịch sinh thái hồ rừng: phát triển các trung tâm nghỉ dưỡng với các tuyến du lịch tham quan rừng quốc gia, thể thao mặt nước gắn với các hồ lớn của vùng.

- Tổ chức hệ thống hạ tầng xã hội:

+ Tại các đô thị trung tâm vùng như Nghi Sơn, Thái Hòa sẽ bố trí các trường đại học, cao đẳng dạy nghề đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và dịch vụ tại chỗ;

+ Phát triển hệ thống bệnh viện cấp vùng tại các đô thị hạt nhân như Nghi Sơn, Hoàng Mai, Thái Hòa, Chuối (huyện Nông Cống)… Các trung tâm y tế tại các thị trấn vệ tinh phục vụ chăm sóc y tế cho dân cư khu vực lân cận…;

+ Phát triển hệ thống công trình văn hóa thể dục thể thao trong toàn vùng. Tại các đô thị trung tâm vùng ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình văn hóa thể thao cấp vùng theo tiêu chuẩn quốc gia;

+ Hình thành các trung tâm thương mại và dịch vụ lớn ven biển tại Nghi Sơn, Cầu Giát; các trung tâm thương mại phục vụ khu vực miền tây tại Yên Cát – Như Xuân, Thái Hòa – Nghĩa Bình.

6. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng (diện rộng)

a) Chuẩn bị kỹ thuật:

- Xây dựng cải tạo hệ thống các hồ đầu nguồn để cung cấp nước cho dân cư và các hoạt động sản xuất, cắt lũ vào mùa mưa. Xây dựng các đê ngăn mặn kết hợp cho lũ tràn qua tại một số sông thuộc các huyện Tĩnh Gia và Quỳnh Lưu. Khơi thông dòng chảy đảm bảo thoát lũ cho hệ thống các sông trong vùng;

- Tại những khu vực có độ dốc lớn, giải pháp chính là san lấp cục bộ cho từng hạng mục công trình, từng khu vực xây dựng có tính chất đặc biệt, bảo đảm việc cân bằng đào đắp. Các khu vực có độ dốc lớn thì không san nền, giữ nguyên địa hình tự nhiên để tránh sạt lở;

- Các vùng đất thấp, trũng, tương đối bằng phẳng, cần xác định cao độ san nền cho từng đô thị, điểm dân cư với mục tiêu bảo đảm không bị ngập úng, ngập lũ, thuận tiện giao thông và tiêu thoát nước mưa. Các vị trí dọc bờ sông có nguy cơ bị xói lở cao: có giải pháp về kết cấu công trình kè đá phù hợp. Không xây dựng công trình tại những khu vực chịu ảnh hưởng của lũ lụt và triều dâng. Trồng rừng phòng hộ giữ đất và chống bão ven biển.

b) Giao thông:

- Đường bộ:

+ Hệ thống trục đường theo hướng Bắc Nam:

Các tuyến giao thông quốc gia: đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua vùng quy hoạch có tổng chiều dài khoảng 79,8 km, dự kiến nâng cấp thành đường cao tốc loại đường cấp I đồng bằng, với vận tốc thiết kế 80 ¸ 100km/h. Đường ven biển chạy dọc từ Hải Châu – Nghi Sơn – Hoàng Mai – Biển Quỳnh – Ngò có chiều dài khoảng 65 km đường cấp II. Đường quốc lộ 1A với tổng chiều dài đi qua vùng khoảng 68 km dự kiến nâng cấp thành đường cấp I đồng bằng. Đường bộ cao tốc Bắc Nam với chiều dài qua vùng khoảng 75 km sẽ là đường cấp I.

+ Hệ thống trục đường chính theo hướng Đông Tây:

. Trục Đông Tây Nam Thanh 1 được nâng cấp từ quốc lộ 45 hiện hữu thành đường cấp III. Mở tuyến mới từ Yên Cát nối với quốc lộ 48 tại Đồng Mới, chiều dài tuyến khoảng 56 km, đường cấp IV;

. Nâng cấp tỉnh lộ 512 thành đường cấp III, điều chỉnh nắn tuyến;

. Xây dựng tuyến đường mới từ thị trấn Như Thanh đi Xuân Phúc – Phúc Đường nối với đường Nghi Sơn – Bãi Trành tại Thanh Quang với chiều dài tuyến 22 km, đường cấp IV với 2 làn xe;

. Nâng cấp trục Đông Tây Nam Thanh 2 là đường Nghi Sơn – Bãi Trành với chiều dài 50 km, đường cấp III;

. Trục Đông Tây – Nghi Sơn – Nghĩa Bình – Thái Hòa với chiều dài tuyến khoảng 50 km đường cấp III;

. Trục đường Thái Hòa – Đông Hồi có chiều dài khoảng 45 km đường cấp III với 2 làn xe;

. Các tuyến giao thông vùng: nâng cấp các tuyến giao thông tỉnh lộ (tuyến 505, 506, 598, 537, 514, 545, Hải Vân – Xuân Du) thành đường cấp IV với 2 làn xe;

+ Bến xe: xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới bến xe đối ngoại trong vùng theo cấp vùng, cấp tỉnh và mạng lưới bến xe cấp huyện:

. Hệ thống bến xe đối ngoại: bố trí tại các đô thị lớn, đầu mối giao thông quan trọng của vùng. Quy mô dự kiến 4,5 ¸ 5 ha cho một bến;

. Hệ thống bến xe liên, nội tỉnh: bố trí tại các đô thị huyện lỵ, các đầu mối giao thông lớn của huyện. Quy mô dự kiến khoảng 2¸3 ha cho một bến.

- Đường sắt:

+ Nâng cấp cải tạo: tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu chiều dài đoạn đi qua vùng quy hoạch khoảng 84 km chiều rộng được ray 1 m và các quyến đường sắt nội vùng như tuyến đường sắt Giát – Tuần – Thái Hòa, tổng chiều dài các tuyến này khoảng 30 km;

+ Xây dựng mới: tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam đi về phía tây của đường quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam hiện hữu, chiều dài khoảng 69 km, khổ rộng đường ray là 1,435 m. Tuyến nối từ đường sắt Bắc Nam hiện hữu đi cảng nước sâu Nghi Sơn chiều dài tuyến khoảng 11 km, chiều rộng đường ray 1m. Tuyến nối tiếp từ Thái Hòa đi Tân Kỳ với chiều dài khoảng 30 km, chiều rộng đường ray 1m;

+ Hệ thống ga đường sắt: cải tạo nâng cấp điều kiện vận hành của hệ thống ga dân dụng hiện có (8 ga) với số lượng tuyến có trong ga từ 2 đến 4 tuyến. Nâng cấp 4 gia chuyên dụng khai thác mỏ và chuyên chở hành khách nhỏ;

+ Dự kiến xây dựng mới 2 ga chuyên dụng phục vụ cho tập kết và vận chuyển hàng hóa từ cảng Nghi Sơn đi hệ thống đường sắt quốc gia và ga Tân Kỳ nằm trên tuyến mới từ Thái Hòa đi Tân Kỳ.

- Đường thủy:

+ Hệ thống cảng: cảng nước sâu Nghi Sơn – Hòn Mê có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế cho khu vực Nam Thanh Bắc Nghệ, là cảng đa chức năng phục vụ hoạt động của Khu kinh tế Nghi Sơn, vùng Bắc Trung Bộ, miền Bắc Việt Nam và vùng Bắc Lào có công suất tiềm năng từ 100¸150 triệu tấn/năm với cỡ tàu 30.000 DWT¸50.000 DWT, riêng cảng của nhà máy lọc dầu có khả năng tiếp nhận tàu dầu 80.000 DWT¸200.000 DWT. Cảng Đông Hồi (Quỳnh Lưu, Nghệ An) có công suất dự kiến 10 triệu tấn/năm. Các cảng cá và âu trú bão của Vùng tại Lạch Bạng – Tĩnh Gia và hệ thống cảng cá tại các cửa Lạch: Lạch Ghép, Lạch Cờn, Lạch Quèn…;

+ Các tuyến giao thông đường thủy: toàn bộ khu vực quy hoạch có 8 tuyến giao thông đường thủy (6 tuyến thuộc Nông Cống và Tĩnh Gia của Thanh Hóa, 2 tuyến thuộc huyện Quỳnh Lưu của Nghệ An), dự kiến sẽ được nâng cấp cải tạo hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng bến bãi luồng lạch. Xây mới 5 tuyến đường thủy trong Vùng.

c) Cấp nước:

- Nguồn nước: vùng trung du và miền núi (khu vực Như Thanh, Như Xuân, Nghĩa Đàn) cần điều tra khảo sát từ nguồn nước ngầm để khai thác phục vụ sản xuất và sinh hoạt. nguồn nước mặt của vùng rất phong phú (hệ thống các sông và hồ tự nhiên, hồ thủy lợi: Hồ sông Mực, hồ Yên Mỹ, hồ Sông Sào, hồ Vực Mấu, hồ sông Lài, hồ Hao Hao…) với tổng dung tích hữu ích của các hồ có thể cung cấp nước thô cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trong vùng khoảng 420 triệu m3;

- Giải pháp cấp nước sạch cho đô thị và nông thôn: cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước hiện có. Từng bước xây dựng các trạm cấp nước tập trung cấp nước sạch cho các đô thị và khu vực công nghiệp dịch vụ, các điểm dân cư nông thôn, đầu tư đồng bộ mạng lưới cấp nước sạch đến từng hộ tiêu thụ. Đảm bảo 85¸90% dân cư trong vùng được sử dụng nước sạch vào năm 2015;

- Kết hợp xây dựng hệ thống thủy lợi dẫn nước biển phục vụ nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối. Đảm bảo hiệu quả nuôi trồng thủy sản và chống ô nhiễm môi trường.

d) Cấp điện:

- Nguồn cấp điện trong vùng được lấy từ mạng lưới điện quốc gia và các nhà máy nhiệt điện khu vực (nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, nhiệt điện Công Thanh, nhiệt điện Đông Hồi). Cụ thể như sau: Vùng Nam Thanh Hóa gồm các huyện Tĩnh Gia, Nông Cống, Như Thanh, Như Xuân được cấp điện từ 16 trạm trung gian 220/110KV và 110/35/22KV. Khu vực Nghệ An sẽ được cấp điện từ 7 trạm trung gian 220/110 và 110/35/22KV;

- Đường dây truyền tải điện: phát triển lưới điện cao thế 220KV, 110KV cùng với xây dựng mới, nâng cấp các trạm 220KV, 110KV trên toàn vùng;

- Phát triển việc xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời, năng lượng gió, khí biôga và các dạng năng lượng khác tại các vùng xa, vùng sâu, các điểm dân cư nông thôn không tập trung;

d) Thoát nước thải, thu gom, xử lý chất thải rắn và nghĩa trang:

- Thoát nước thải:

+ Tổng lượng nước thải cần xử lý cho toàn vùng đến năm 2025 khoảng 497.500 m3/ngày đêm;

+ Nước thải sinh hoạt được xử lý cục bộ tại các công trình trước khi xả vào hệ thống thu gom chung của đô thị hoặc khu công nghiệp và được xử lý tại các trạm xử lý tập trung. Các đô thị loại II sẽ đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước riêng, các đô thị loại III, IV, V sẽ áp dụng hệ thống nửa riêng (mạng lưới cống chung nhưng có cống bao thu gom nước bẩn về trạm xử lý);

+ Các điểm dân cư nông thôn được xây dựng hệ thống thoát nước chung. Nước thải được xử lý qua bể tự hoại, sau đó xả vào hệ thống cống chung dẫn đến trạm xử lý tập trung hoặc ra ao hồ theo các tiêu chuẩn quy định.

- Thu gom xử lý chất thải rắn (CTR):

+ Tổng lượng rác thải toàn vùng sẽ khoảng 315.000 tấn/năm. Đến năm 2025 dự kiến thu gom đạt 90% chất thải rắn phải được xử lý theo quy định;

+ Quy hoạch các khu xử lý CTR cấp vùng tỉnh, cấp đô thị với cự ly vận chuyển 20¸30 km, dùng chung cho các khu vực. Quy mô trung bình của các bãi chôn lấp là khoảng 7¸10 ha/100.000 dân. Các bãi chôn lấp cần áp dụng công nghệ xử lý hiện đại kết hợp chế biến (làm phân bón hoặc tái sử dụng), đốt (lấy năng lượng).

e) Nghĩa trang:

Tại các đô thị độc lập có thể xây dựng 1 khu nghĩa trang nhân dân, quy mô xác định theo từng thời kỳ phát triển dân số. Xác định vị trí và quy mô các khu hỏa táng và địa táng mang tính chất chức năng vùng tỉnh, với hình thức hỗn hợp đa năng, nhiều loại trong một khu, có thể coi là công viên nghĩa trang, với khoảng cách < 50 km, quy mô tối đa khoảng 50 ha dùng chung cho các khu vực.

g) Định hướng về bảo vệ môi trường: xây dựng hệ thống quản lý môi trường vùng, gắn với việc quản lý, phòng tránh ô nhiễm nguồn nước ở các lưu vực sông, các hồ chứa nước trong vùng và các vùng lân cận khác. Bảo vệ môi trường nguyên sinh tại các khu rừng cấm quốc gia, khu bảo tồn, các khu rừng ngập mặn ở cửa sông ven biển. Bảo vệ đa dạng sinh học: hệ sinh thái biển, sinh thái rừng và sinh thái vùng đồng bằng ven biển. Có kế hoạch và biện pháp đối phó với tai biến, thảm họa và rủi ro về môi trường.

7. Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư

a) Các dự án công nghiệp động lực phát triển vùng:

- Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn: 10 triệu tấn/năm. Giai đoạn II: 20 triệu tấn/năm;

- Nhà máy đóng mới sửa chữa tầu thủy Nghi Sơn với tải trọng tầu lên đến 50 nghìn tấn;

- Nhà máy xi măng Công Thanh – Tĩnh Gia: 4,5 triệu tấn/năm;

- Tổ hợp nhà máy xi măng – khu công nghiệp Tân Thắng 2 – Quỳnh Lưu: 5 triệu tấn/năm;

- Nhà máy xi măng Hoàng Sơn – Nông Cống: 1,5 triệu tấn/năm.

b) Các dự án phát triển hạ tầng khung vùng:

- Cảng Nghi Sơn – Hòn Mê mở rộng: 100¸150 triệu tấn/năm.

- Cảng Đông Hồi: 10 triệu tấn hàng/năm;

- Nâng cấp quốc lộ 1A: tổng chiều dài 68 km;

- Tuyến đường cao tốc Bắc Nam: tổng chiều dài 60 km;

- Đường Hồ Chí Minh giai đoạn II: tổng chiều dài 80km;

- Tuyến đường ven biển: tổng chiều dài 65 km;

- Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn: giai đoạn 1: 600 MW, giai đoạn 2: 1800MW, giai đoạn 3: 3000MW;

- Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập: giai đoạn 1: 600 MW, giai đoạn 2: 1800 MW;

- Nhà máy nhiệt điện Công Thanh: 300 MW;

- Xây dựng mới các nhà máy nước phục vụ công nghiệp, sinh hoạt tại các đô thị, các khu công nghiệp trong vùng: Nghi Sơn, Hoàng Mai…;

- Xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn vùng;

- Xây dựng mới các trường dạy nghề;

- Xây dựng hạ tầng các khu du lịch: Bến En, Yên Mỹ, Hòn Mê, biển Hải Hòa, biển Quỳnh, hồ Sông Sào, hồ Vực Mấu…;

Điều 2.

- Giao Bộ Xây dựng tổ chức công bố Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2025; tổ chức việc thực hiện quy hoạch theo các quy định của pháp luật hiện hành.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng tiến hành rà soát điều chỉnh hoặc triển khai lập quy hoạch chung đô thị và các quy hoạch khác theo các nội dung của Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng vùng Nam Thanh Bắc Nghệ được phê duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Tỉnh Ủy, HĐND, UBND các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, NC, ĐP;
- Lưu Văn thư, KTN (6b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải   

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1447/QĐ-TTg năm 2009 về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh Bắc Nghệ đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1447/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/09/2009
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Hoàng Trung Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/09/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản