Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3074/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 12 tháng 07 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG GIÁO DỤC MẦM NON, GIÁO DỤC PHỔ THÔNG, GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN, GIÁO DỤC CHUYÊN NGHIỆP THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Giáo dục năm 2005; Luật giáo dục sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/6/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 22/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1081/QĐ-TTg ngày 06/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 05/4/2012 của Hội đồng nhân dân Thành phố về việc thông qua Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới trường học Thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại văn bản số 5415/TTr-SGD&ĐT ngày 25/6/2012 và đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 543/BC-KH&ĐT ngày 9 tháng 7 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển giáo dục và đào tạo gắn kết chặt chẽ với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô văn minh, văn hiến. Quy hoạch phát triển hệ thống GD&ĐT phù hợp với Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực của Trung ương, thành phố. Xác định giáo dục và đào tạo là khâu đột phá trong việc tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tiềm lực khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, đặc biệt nhân lực phục vụ phát triển một số ngành công nghiệp có giá trị gia tăng lớn, sử dụng công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao của vùng, cả nước và khu vực.

2. Hiện đại hóa hệ thống giáo dục và đào tạo trên cơ sở bảo đảm nền tảng giáo dục cơ bản, kế thừa những thành quả giáo dục đào tạo của Thủ đô Hà Nội và của đất nước. Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao hàng đầu trong cả nước, có uy tín ở khu vực và quốc tế.

3. Phát triển giáo dục toàn diện: Tri thức - Thể chất - Nhân cách người Hà Nội thanh lịch - văn minh. Bảo đảm tính thực tiễn, cơ bản, hiệu quả và đồng bộ, phù hợp với đặc điểm các vùng dân cư, đảm bảo công bằng trong giáo dục và đào tạo, quan tâm phát triển giáo dục cơ bản cho các đối tượng khó khăn, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo, người khuyết tật được thụ hưởng thành quả giáo dục và đào tạo ở mức độ ngày càng cao.

4. Chủ động tiếp cận xu thế phát triển giáo dục tiên tiến của thế giới. Có chính sách hợp lý trong quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế và khu vực trong lĩnh vực giáo dục đào tạo của Thủ đô Hà Nội nhằm khuyến khích và huy động sự đầu tư về trí tuệ, khoa học công nghệ và các nguồn lực của các tổ chức cá nhân ở nước ngoài. Xây dựng mỗi cấp học, ngành học đều có các trường học tiên tiến chất lượng cao theo hướng hiện đại, tiến tới hội nhập khu vực và trên thế giới.

5. Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển giáo dục đào tạo Thủ đô. Tiên phong trong việc thực hiện đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, phương thức đánh giá kết quả học tập; gắn kết giữa các hình thức, các cấp học và các trình độ đào tạo. Phát huy tính tích cực và chủ động của các cơ sở giáo dục đào tạo, tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục trong phát triển đội ngũ, huy động mọi nguồn lực phát triển giáo dục đào tạo.

6. Huy động toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô. Phối hợp chặt chẽ nhà trường - gia đình - xã hội xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, kỷ cương, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của học sinh. Tăng cường đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho giáo dục và đào tạo đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách để các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô. Phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo; Xây dựng xã hội học tập, phát triển giáo dục cộng đồng, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục xã hội góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp cả về quy mô và chất lượng, giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước, tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; xây dựng xã hội học tập, tạo tiền đề phát triển kinh tế tri thức, phục vụ thiết thực yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.

Đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp đảm bảo cơ cấu hợp lý theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Thành phố; xác định và bố trí quỹ đất dành cho mạng lưới trường học theo cơ cấu và loại hình đào tạo.

2. Mục tiêu phát trỉển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

2.1. Giáo dục mầm non

- Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi học: Đến năm 2015, số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đi học đạt ít nhất 35%; trẻ mẫu giáo đạt 90%, trong đó trẻ 5 tuổi đạt 100%; đến năm 2020, trẻ nhà trẻ đạt trên 60%; trẻ mẫu giáo đạt 95%; duy trì 100% trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo.

- Đến năm 2015 có 100% trường mầm non thực hiện chương trình đổi mới giáo dục mầm non, 80% cơ sở giáo dục mầm non ứng dụng tin học trong quản lý và giáo dục trẻ.

- Tỷ lệ trẻ đạt chuẩn phát triển năm 2020 đạt 90% trở lên.

- Giảm tỷ lệ trẻ mầm non suy dinh dưỡng năm 2015 xuống dưới 7%, năm 2020 xuống 3%.

- Tỷ lệ trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia đến năm 2015 đạt 50%-55%, năm 2020 đạt 65-70%, đến năm 2030 đạt 75-80%.

2.2. Giáo dục tiểu học

- Duy trì và giữ vững phổ cập giáo dục. Tỷ lệ huy động trẻ đi học đúng độ tuổi (6-10 tuổi) đạt 100%.

- Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt trên 90% vào năm 2015 và trên 95% vào năm 2020. Tỷ lệ trường tiểu học công lập đạt chuẩn quốc gia năm 2015 đạt 50%-55%, năm 2020 đạt 65-70%, đến năm 2030 đạt 75-80%.

- Giảm sĩ số bình quân từ 35 học sinh/lớp vào năm 2010 xuống 30 học sinh/lớp vào năm 2020.

- Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản các trường học được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt kiên cố hóa, hiện đại hóa. Xây dựng mô hình trường dịch vụ chất lượng cao.

2.3. Giáo dục trung học cơ sở

- Tỷ lệ thiếu niên đi học đúng độ tuổi (11-14 tuổi) đạt 100% vào năm 2015 và giữ vững trong các năm tiếp theo. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt trên 50% vào năm 2015 và trên 90% vào năm 2020.

- Tỷ lệ trường trung học cơ sở công lập đạt chuẩn quốc gia năm 2015 đạt 50%-55%; năm 2020 đạt 65-70%, đến năm 2030 đạt 75-80%.

- Giảm sĩ số bình quân từ 36 học sinh/lớp năm 2010 xuống 30 học sinh/lớp vào năm 2020.

- Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản các trường học được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt kiên cố hóa, hiện đại hóa. Xây dựng mô hình trường dịch vụ chất lượng cao. Thực hiện chương trình phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo trong toàn ngành.

2.4. Giáo dục trung học phổ thông

- Tỷ lệ huy động thanh, thiếu niên đi học đúng độ tuổi (15-17 tuổi) đạt 90% vào năm 2015 và trên 95% vào năm 2020;

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia năm 2015 đạt 50%-55%, năm 2020 đạt 65-70%, đến năm 2030 đạt 75-80%.

- Giảm sĩ số bình quân từ 45 học sinh/lớp năm 2010 xuống 40 học sinh/lớp vào năm 2020.

- Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản các trường học được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt kiên cố hóa, hiện đại hóa. Đầu tư xây dựng mô hình trường trung học phổ thông Thủ đô đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

2.5. Giáo dục thường xuyên

- Đến năm 2020, huy động trên 95% trẻ khuyết tật đi học các lớp phổ cập, trường chuyên biệt. Huy động trên 99% số người mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi ra học lớp xóa mù chữ. 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng và hoạt động tốt.

- Thu hút 99,5% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chưa học trung học phổ thông vào học chương trình giáo dục thường xuyên.

2.6. Giáo dục chuyên nghiệp

Nâng tỷ lệ người lao động qua đào tạo lên 55% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020. Thu hút 25 - 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp.

2.7. Nguồn nhân lực thực hiện Quy hoạch

Đảm bảo 100% đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn nghề nghiệp; 100% cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn về lý luận chính trị và có trình độ đào tạo trên chuẩn. Đến năm 2015, có 100 - 150 giáo viên dạy các môn học khoa học tự nhiên ở bậc trung học phổ thông có thể giảng dạy bằng tiếng nước ngoài.

III. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP, CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Các nhóm giải pháp thực hiện

- Xây dựng mạng lưới trường, lớp hợp lý. Đảm bảo đủ trường lớp học cho tất cả học sinh các cấp học, bậc học. Đầu tư xây dựng trường học theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, đạt chuẩn quốc gia. Khuyến khích xây dựng các trường học theo mô hình cung ứng dịch vụ trình độ, chất lượng cao ở các quận, huyện, thị xã.

- Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Từng bước nâng cao chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý và giáo viên. Có chính sách thu hút, tuyển dụng giáo viên giỏi về giảng dạy tại thành phố Hà Nội.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Mở rộng và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học và các cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo. Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất hạ tầng công nghệ thông tin; đầu tư các phần mềm ứng dụng trong quản lý. Bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực sử dụng công nghệ thông tin.

- Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo. Phát hiện, khai thác triệt để các nguồn học bổng để gửi các giáo viên, giảng viên, cán bộ nghiên cứu, sinh viên đi đào tạo, thực tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Có chính sách thu hút nhà giáo, nhà khoa học trong nước và quốc tế đến giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các trường học của Thủ đô. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các trường quốc tế.

- Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, tăng cường thực hiện phân cấp quản lý, cải cách hành chính và cơ chế phối hợp, phát huy tính năng động, tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kết quả giáo dục của địa phương và các cơ sở giáo dục.

- Tiếp tục tăng cường nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo. Đảm bảo tỷ lệ đầu tư cho giáo dục - đào tạo trong tổng chi ngân sách địa phương ổn định và ngày càng tăng. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực để phát triển giáo dục.

- Xác định quỹ đất để xây dựng trường học:

+ Ưu tiên dành quỹ đất 5% phục vụ công cộng của các xã và tận dụng quỹ đất còn trống chưa khai thác để xây dựng trường học.

+ Đối với từng dự án cụ thể về cải tạo, mở rộng diện tích của các trường học hiện có trong khu vực nội thành, thực hiện xin ý kiến cấp có thẩm quyền về phương án nâng thêm tầng, bố trí học sinh học các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao.

+ Ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng trường học khi di chuyển các cơ quan, đơn vị thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô. Hạn chế xây dựng các nhà chung cư cao tầng tại khu vực nội thành để giảm học sinh do tăng dân số cơ học.

+ Bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học.

2. Các chương trình thực hiện quy hoạch

- Chương trình 1: Xây dựng quy hoạch mạng lưới trường, lớp, đảm bảo có đủ chỗ học đạt chuẩn cho học sinh mầm non, phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên ở tất cả các địa bàn.

- Chương trình 2: Xây dựng trường chuẩn quốc gia và mô hình trường dịch vụ chất lượng cao

- Chương trình 3: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đào tạo các thế hệ công dân Thủ đô phát triển toàn diện trí tuệ, thể chất, nhân cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

- Chương trình 4: Sắp xếp, sử dụng, bổ sung, luân chuyển gắn với đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

- Chương trình 5: Xây dựng chính sách khuyến khích, tiếp tục bổ sung và hoàn thiện một số chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

- Chương trình 6: Ứng dụng Công nghệ thông tin trong giảng dạy, quản lý giáo dục; Phổ cập tin học và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin trình độ cao trong ngành giáo dục đào tạo.

- Chương trình 7: Tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục trong khu vực và các nước tiên tiến trên thế giới

- Chương trình 8: Đổi mới quản lý cơ sở giáo dục, thực hiện triệt để phân cấp quản lý giáo dục. Quản lý các cơ sở giáo dục trên cơ sở “quản lý theo mục tiêu chất lượng”: Nhà trường phải “quản lý theo hướng dân chủ hóa. Quản lý tài chính của các trường/cơ sở giáo dục theo tinh thần “công khai minh bạch”, gắn với chịu trách nhiệm về kết quả đầu ra của nhà trường

- Chương trình 10: Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục và đào tạo, thực hiện chương trình giáo dục toàn diện với việc xây dựng mạng lưới hỗ trợ phát triển giáo dục giữa cộng đồng với nhà trường và giữa các nhà trường.

- Chương trình 11: Tăng cường các nguồn lực hỗ trợ đối với các đối tượng khó khăn.

3. Lộ trình thực hiện

3.1. Giai đoạn 1 (2011 - 2015)

- Triển khai thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và Đề án phổ cập giáo dục mầm non của Thành phố Hà Nội đến năm 2015.

- Triển khai Đề án phát triển các trường trung học phổ thông chuyên.

- Triển khai giai đoạn II (2011 - 2015) của Đề án “Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015.

- Xây dựng trường mầm non phổ thông đạt chuẩn Quốc gia. Xây dựng các trường phổ thông, mầm non (mỗi cấp học 03 trường) và 1 trường TCCN chất lượng cao ngang tầm khu vực. Xây dựng các khu trung tâm đào tạo Ngoại ngữ, Tin học đạt tiêu chuẩn quốc tế. Xây dựng một số trường dịch vụ chất lượng cao cấp Thành phố, trường khuyết tật, trường năng khiếu.

- Triển khai thực hiện cơ chế học bổng, học phí, tín dụng cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số và thuộc diện chính sách xã hội; hỗ trợ giáo dục đặc biệt cho người khuyết tật, trẻ em các dân tộc rất ít người, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV và trẻ em lang thang đường phố; cấp học bổng cho các học sinh, sinh viên xuất sắc.

- Triển khai Đề án “đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo của thành phố Hà Nội (2009-2015).     

- Khái toán kinh phí xây mới 278 trường học với 7.900 tỷ đồng, trong đó:

+ Công lập xây mới 208 trường học với 5.740 tỷ đồng.

+ Ngoài công lập xây mới 70 trường học với 2.160 tỷ đồng.

3.2. Giai đoạn 2 (2016 - 2020)

Trên cơ sở các kết quả đã đạt được ở giai đoạn 1, tập trung củng cố và nâng cao chất lượng để giáo dục đào tạo Thủ đô dẫn đầu cả nước về chất lượng, đưa GD&ĐT Thủ đô trở thành một trung tâm đào tạo có uy tín ở khu vực và thế giới. Các chương trình, dự án, đề án được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2, bao gồm:

- Triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới

- Triển khai giai đoạn III (2016 - 2020) của Đề án “Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”.

- Tiếp tục tăng đầu tư cơ sở vật chất kĩ thuật cho giáo dục; Phát triển công nghệ thông tin, hạ tầng công nghệ thông tin cho giáo dục và đào tạo. Đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020.

- Xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động và đào tạo theo nhu cầu xã hội.

- Triển khai chương trình xã hội hóa giáo dục và đào tạo của thành phố Hà Nội (2016-2020)

- Chương trình xây dựng trường dịch vụ chất lượng cao cấp quận huyện.

Khái toán kinh phí xây mới 357 trường học với 22.330 tỷ đồng, trong đó:

+ Công lập xây mới 231 trường học với 14.090 tỷ đồng.

+ Ngoài công lập xây mới 126 trường học với 8.240 tỷ đồng.

3.3. Giai đoạn 3 (2021-2030)

- Tiếp tục giữ vững và phát triển giáo dục và đào tạo ở trình độ cao, hội nhập đầy đủ với giáo dục khu vực và quốc tế.

- Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020.

- Khái toán kinh phí xây mới 580 trường học với 40.360 tỷ đồng, trong đó:

+ Công lập xây mới 331 trường học với 31.560 tỷ đồng.

+ Ngoài công lập xây mới 249 trường học với 18.060 tỷ đồng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Giáo dục - Đào tạo

- Tổ chức công bố công khai Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp của Thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tổ chức xây dựng kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm, các chương trình, đề án, dự án đầu tư phù hợp, đồng thời đề ra các giải pháp đồng bộ nhằm phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển quy hoạch mạng lưới trường lớp học của Thủ đô.

- Nghiên cứu và đề xuất kiến nghị với Thành phố ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp các quy định của Nhà nước để thực hiện quy hoạch.

- Thực hiện đổi mới tổ chức quản lý và cải cách hành chính tạo môi trường thuận lợi khuyến khích thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, chủ động khai thác các tiềm năng, nguồn lực để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển và định hướng của quy hoạch này.

- Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình và chỉ đạo thực hiện quy hoạch, định kỳ tổ chức đánh giá và đề xuất điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của Thành phố và cả nước.

2. Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Lao động và Thương binh - Xã hội, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để b/c)
- TTTU (để b/c);
- TT HĐND (để b/c);
- Đ/c Chủ tịch UBND TP;
- Các PCT UBND thành phố;
- CVP, các PVP UBND;
- Các phòng CV
- Lưu: VT, (KHĐT).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Bích Ngọc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3074/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, chuyên nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 3074/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/07/2012
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Thị Bích Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/07/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản