Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2012/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG GIÁO DỤC MẦM NON, GIÁO DỤC PHỔ THÔNG, GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN, GIÁO DỤC CHUYÊN NGHIỆP THỦ ĐÔ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030; QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI TRƯỜNG HỌC THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 4

(Từ ngày 03/4/2012 đến ngày 05/4/2012)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Xét Tờ trình số 24/TTr-UBND ngày 29/3/2012 của UBND thành phố Hà Nội về việc thông qua Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội, ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND Thành phố.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu chung

Xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội cả về quy mô và chất lượng, giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước, tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; xây dựng xã hội học tập, tạo tiền đề phát triển kinh tế tri thức, phục vụ thiết thực yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô và đất nước.

Đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp đảm bảo cơ cấu hợp lý theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Thành phố; xác định và bố trí quỹ đất dành cho mạng lưới trường học theo cơ cấu và loại hình đào tạo.

2. Chỉ tiêu cụ thể của Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

a. Giáo dục mầm non

- Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi học: đến năm 2015, số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đi học đạt ít nhất 35%; trẻ mẫu giáo đạt 90%, trong đó trẻ 5 tuổi đạt 100%; đến năm 2020, trẻ nhà trẻ đạt trên 60%; trẻ mẫu giáo đạt 95%; duy trì 100% trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo.

- Đến năm 2015 có 100% trường mầm non thực hiện chương trình đổi mới giáo dục mầm non, 80% cơ sở giáo dục mầm non ứng dụng tin học trong quản lý và giáo dục trẻ.

- Tỷ lệ trẻ đạt chuẩn phát triển năm 2020 đạt 90% trở lên.

- Giảm tỷ lệ trẻ mầm non suy dinh dưỡng năm 2015 xuống dưới 7%, năm 2020 xuống 3%.

- Tỷ lệ trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia đến năm 2015 là 50%-55%, năm 2020 là 65-70%, đến năm 2030 là 75-80%.

b. Giáo dục phổ thông

* Giáo dục tiểu học

- Duy trì và giữ vững phổ cập giáo dục. Tỷ lệ huy động trẻ đi học đúng độ tuổi (6-10 tuổi) đạt 100%.

- Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt trên 90% vào năm 2015 và trên 95% vào năm 2020. Tỷ lệ trường tiểu học công lập đạt chuẩn quốc gia năm 2015 là 50%-55%, năm 2020 là 65-70%, đến năm 2030 là đạt 75-80%.

- Giảm sĩ số bình quân từ 35 học sinh/lớp vào năm 2010 xuống 30 học sinh/lớp vào năm 2020.

- Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản các trường học được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt kiên cố hoá, hiện đại hoá. Xây dựng mô hình trường dịch vụ chất lượng cao.

* Giáo dục trung học cơ sở

- Tỷ lệ thiếu niên đi học đúng độ tuổi (11-14 tuổi) đạt 100% vào năm 2015 và giữ vững trong các năm tiếp theo. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt trên 50% vào năm 2015 và trên 90% vào năm 2020.

- Tỷ lệ trường trung học cơ sở công lập đạt chuẩn quốc gia năm 2015 đạt 50%-55%, năm 2020 đạt 65-70%, đến năm 2030 đạt 75-80%.

- Giảm sĩ số bình quân từ 36 học sinh/lớp năm 2010 xuống 30 học sinh/lớp vào năm 2020.

- Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản các trường học được đầu tư cơ sở vật chất kiên cố và trang thiết bị dạy học hiện đại. Xây dựng mô hình trường dịch vụ chất lượng cao. Thực hiện chương trình phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo trong toàn ngành.

* Giáo dục trung học phổ thông

- Tỷ lệ huy động thanh, thiếu niên đi học đúng độ tuổi (15-17 tuổi) đạt 90% vào năm 2015 và trên 95% vào năm 2020;

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông công lập đạt chuẩn quyết định năm 2010 là 50%-55%, năm 2020 là 65-70%, đến năm 2030 là 75-80%.

- Giảm sĩ số bình quân từ 45 học sinh/lớp năm 2010 xuống 40 học sinh/lớp vào năm 2020.

- Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản các trường học được đầu tư cơ sở vật chất kiên cố và trang thiết bị dạy học hiện đại. Đầu tư xây dựng mô hình trường trung học phổ thông Thủ đô đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

c. Giáo dục thường xuyên

- Huy động trên 95% trẻ khuyết tật đi học các lớp phổ cập, trường chuyên biệt. Huy động trên 99% số người mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi ra học lớp xóa mù chữ. 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng và hoạt động tốt.

- Thu hút 99,5% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chưa học trung học phổ thông vào học chương trình giáo dục thường xuyên.

d. Giáo dục chuyên nghiệp

Nâng tỷ lệ người lao động qua đào tạo lên 55% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020. Thu hút 25 - 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp.

đ. Nguồn nhân lực thực hiện Quy hoạch

Đảm bảo 100% đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn nghề nghiệp; 100% cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn về lý luận chính trị và có trình độ đào tạo trên chuẩn. Đến năm 2015, có 100 - 150 giáo viên dạy các môn học khoa học tự nhiên ở bậc trung học phổ thông có thể giảng dạy bằng tiếng nước ngoài.

Định hướng đến năm 2030

Tất cả các chỉ tiêu được nâng cao hơn, phù hợp với tình hình và yêu cầu cụ thể của giai đoạn.

3. Chỉ tiêu cụ thể của Quy hoạch mạng lưới trung học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

a. Giáo dục mầm non

- Mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới có ít nhất 01 trường mầm non công lập kiên cố.

- Quy mô trường không quá 20 nhóm lớp/trường, số trẻ trung bình từ 30 - 35 trẻ/nhóm lớp. Diện tích đất tối thiểu cho 01 học sinh: Khu vực nội thành 8 m2/học sinh. Khu vực ngoại thành 12 m2/học sinh; đối với trường xây mới thực hiện theo tiêu chuẩn xây dựng tối thiểu là 15 m2/học sinh.

- Toàn thành phố cần cải tạo và xây mới 724 trường mầm non giai đoạn 2011 - 2030 (công lập 500 trường, ngoài công lập 224 trường, trong đó giai đoạn 2011-2020 là 402 trường (công lập 300 trường, ngoài công lập 102 trường); giai đoạn 2021-2030 là 322 trường (công lập 200 trường, ngoài công lập 122 trường).

b. Giáo dục tiểu học

- Mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới có ít nhất 01 trường tiểu học công lập.

- Quy mô trường không quá 30 lớp/trường, số học sinh trung bình 30 học sinh/lớp. Diện tích đất tối thiểu cho 01 học sinh: khu vực nội thành 6 m2/học sinh; khu vực ngoại thành 10 m2/học sinh; đối với trường xây mới thực hiện theo tiêu chuẩn xây dựng tối thiểu là 15 m2/học sinh.

- Toàn thành phố cải tạo và xây mới 234 trường tiểu học giai đoạn 2011- 2030 trong đó: giai đoạn 2011-2020 là 114 trường (công lập 74 trường, ngoài công lập 40 trường); giai đoạn 2021-2030 là 120 trường (công lập 70 trường, ngoài công lập 50 trường).

c. Giáo dục trung học cơ sở

- Mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới có ít nhất 01 trường trung học cơ sở công lập.

- Quy mô trường không quá: 45 lớp/trường; số học sinh trung bình 30 học sinh/lớp; diện tích đất tối thiểu cho 1 học sinh: khu vực nội thành 6 m2/học sinh; khu vực ngoại thành 10 m2/học sinh; đối với trường xây mới thực hiện theo tiêu chuẩn xây dựng tối thiểu là 15 m2/học sinh.

- Toàn thành phố cải tạo và xây mới 108 trường trung học cơ sở giai đoạn 2011-2030 trong đó: giai đoạn 2011-2020 là 50 trường (công lập 35 trường, ngoài công lập 15 trường); giai đoạn 2020-2030 là 58 trường (công lập 35 trường, ngoài công lập 23 trường).

d. Giáo dục trung học phổ thông

- Đảm bảo khu vực có từ 3 - 5 vạn dân có 01 trường trung học phổ thông công lập.

- Quy mô trường không quá 45 lớp/trường; số học sinh trung bình 40 học sinh/lớp; diện tích đất tối thiểu cho 1 học sinh: khu vực nội thành 6 m2/học sinh khu vực ngoại thành 10 m2/học sinh; đối với trường xây mới thực hiện theo tiêu chuẩn xây dựng tối thiểu là 15 m2/học sinh.

- Giai đoạn 2011-2030, toàn Thành phố cải tạo và xây dựng 112 trường trung học phổ thông, trong đó: giai đoạn 2011-2020 là 50 trường (công lập 20 trường, ngoài công lập 30 trường), giai đoạn 2021-2030 là 62 trường (công lập 20 trường, ngoài công lập 42 trường).

đ. Giáo dục thường xuyên: Đảm bảo mỗi quận, huyện có từ 1 đến 2 trung tâm giáo dục thường xuyên. Diện tích đất cho Trung tâm giáo dục thường xuyên xây mới hoặc có điều kiện mở rộng tương đương trường trung học phổ thông.

- Hệ thống mạng lưới trung tâm giáo dục thường xuyên đã phân bố đều ở các quận, huyện. Diện tích đất cần để xây dựng, mở rộng trung tâm giáo dục thường xuyên giai đoạn 2010-2030 là 421.745 m2, trong đó: giai đoạn 2010-2020: 350.99 m2; giai đoạn 2020-2030: 70.746 m2.

- Phấn đấu xây dựng cơ sở vật chất cho 8 trung tâm giáo dục thường xuyên (trong đó có 2 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp Thành phố).

- Bố trí quỹ đất để xây dựng ít nhất 01 trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật, trẻ em tự kỷ tại các quận, huyện, thị xã; ưu tiên bố trí quỹ đất để xây dựng lại trường tiểu học Bình Minh và phổ thông cơ sở Xã Đàn.

e. Giáo dục chuyên nghiệp: Chuyển một số trường trung cấp chuyên nghiệp ở khu vực nội thành ra ngoại thành để diện tích đất đảm bảo đủ chuẩn, dành cơ sở cũ xây dựng trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Tiếp tục xây dựng cụm trường trung cấp chuyên nghiệp tại một số khu vực theo quy hoạch chung của Thành phố.

- Xây dựng mới các trường trung cấp chuyên nghiệp với tiêu chuẩn quy định tối thiểu 15 m2/học sinh.

- Phấn đấu đến năm 2015 xây dựng mới 02 trường trung cấp chuyên nghiệp ở Ứng Hoà và Sơn Tây. Di chuyển và xây dựng 02 trường trung cấp chuyên nghiệp hiện có ở ngoài đê (trường Trung cấp kinh tế Hà Nội, trường Trung cấp xây dựng Hà Nội) và 02 trường trong khu vực nội thành (trường Trung cấp sư phạm mẫu giáo - nhà trẻ Hà Nội, trường Trung cấp kỹ thuật tin học) về cụm trường trung cấp chuyên nghiệp theo quy hoạch.

- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho 29 trường trung cấp chuyên nghiệp hiện có, cụ thể: giai đoạn 2011-2020: 14 trường (công lập 5 trường, ngoài công lập 9 trường); giai đoạn 2021-2030: 15 trường (công lập 3 trường, ngoài công lập 12 trường).

4. Các nhóm giải pháp thực hiện:

a. Xây dựng mạng lưới trường, lớp hợp lý. Đảm bảo đủ trường lớp học cho tất cả học sinh các cấp học, bậc học. Đầu tư xây dựng trường học theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, đạt chuẩn quốc gia. Khuyến khích xây dựng các trường học theo mô hình cung ứng dịch vụ trình độ, chất lượng cao ở các quận, huyện, thị xã.

b. Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hoá, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Từng bước nâng cao chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý và giáo viên.

c. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Mở rộng và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học và các cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo. Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất hạ tầng công nghệ thông tin; đầu tư các phần mềm ứng dụng trong quản lý. Bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực sử dụng công nghệ thông tin.

d. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo. Phát hiện, khai thác triệt để các nguồn học bổng để gửi các giáo viên, giảng viên, cán bộ nghiên cứu, sinh viên đi đào tạo, thực tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Có chính sách thu hút nhà giáo, nhà khoa học trong nước và quốc tế đến giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các trường học của Thủ đô. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các trường quốc tế.

đ. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, tăng cường thực hiện phân cấp quản lý, cải cách hành chính và cơ chế phối hợp, phát huy tính năng động, tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kết quả giáo dục của địa phương, và các cơ sở giáo dục.

g. Tiếp tục tăng cường nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo. Đảm bảo tỷ lệ đầu tư cho giáo dục - đào tạo trong tổng chi ngân sách địa phương ổn định và ngày càng tăng. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục. Quản lý chặt chẽ chất lượng các trường ngoài công lập đồng thời có chính sách hỗ trợ các trường ngoài công lập để đảm bảo phát triển giáo dục bền vững và công bằng xã hội. Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực để phát triển giáo dục.

h. Xác định quỹ đất để xây dựng trường học:

- Ưu tiên dành quỹ đất 5% phục vụ công cộng của các xã và tận dụng quỹ đất còn trống chưa khai thác để xây dựng trường học.

- Đối với từng dự án cụ thể về cải tạo, mở rộng diện tích của các trường học hiện có trong khu vực nội thành, thực hiện xin ý kiến cấp có thẩm quyền về phương án nâng thêm tầng, bố trí học sinh học các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao.

- Ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng trường học khi di chuyển các cơ quan, đơn vị thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô. Hạn chế xây dựng các nhà chung cư cao tầng tại khu vực nội thành để giảm tải học sinh do tăng dân số cơ học.

- Bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học.

5. Lộ trình thực hiện:

Đến năm 2030 cần cải tạo và xây mới 1.215 trường học với 17.940.531 m2 đất, kinh phí 71.395 tỷ đồng (trong đó, 29.665 tỷ đồng từ nguồn xã hội hoá), cụ thể:

a. Giai đoạn 2012 - 2020: cần 12.384.277 m2 đất để xây mới 633 trường học với 31.205 tỷ đồng (công lập 439 trường với 19.830 tỷ đồng; ngoài công lập 196 trường với 11.375 tỷ đồng), trong đó: mầm non 402 trường (công lập 300 trường, ngoài công lập 102 trường); tiểu học 114 trường (công lập 74 trường, ngoài công lập 40 trường); trung học cơ sở 50 trường (công lập 35 trường, ngoài công lập 15 trường); trung học phổ thông 50 trường (công lập 20 trường, ngoài công lập 30 trường), 3 trung tâm giáo dục thường xuyên (trong đó có 1 trung tâm cấp Thành phố); xây dựng cơ sở vật chất cho 14 trường trung cấp chuyên nghiệp (công lập 5 trường, ngoài công lập 9 trường).

b. Giai đoạn 2021 - 2030: cần 5.556.254 m2 đất để xây mới 582 trường học với 40.190 tỷ đồng (công lập 331 trường với 21.900 tỷ. đồng; ngoài công lập 249 trường với 18.290 tỷ đồng), trong đó: mầm non 322 trường (công lập 200 trường, ngoài công lập 122 trường); tiểu học 120 trường (công lập 70 trường, ngoài công lập 50 trường); trung học cơ sở 58 trường (công lập 35 trường, ngoài công lập 23 trường); trung học phổ thông 62 trường (công lập 20 trường, ngoài công lập 42 trường); 5 trung tâm giáo dục thường xuyên (trong đó có 1 trung tâm cấp Thành phố); xây dựng cơ sở vật chất cho 15 trường trung cấp chuyên nghiệp (công lập 3 trường, ngoài công lập 12 trường).

Điều 2.

1. Giao UBND Thành phố nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội nêu tại Báo cáo số 12/BC-VHXH ngày 30/3/2012; ý kiến của các đại biểu HĐND Thành phố thảo luận tại kỳ họp để bổ sung, hoàn chỉnh bản quy hoạch trước khi phê duyệt; tập trung vào một số nội dung sau:

- Đảm bảo sự thống nhất giữa các chỉ tiêu trong hai bản quy hoạch với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội đến năm, 2020, định hướng đến năm 2030, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thành phố Hà Nội.

- Nghiên cứu dự báo việc điều chỉnh địa giới hành chính cấp xã để chủ động bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học.

- Xây dựng cụ thể lộ trình, thứ tự ưu tiên đầu tư thực hiện các dự án trường học.

- Quy định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền trong tổ chức thực hiện quy hoạch, đặc biệt là việc dành quỹ đất và đầu tư xây dựng mạng lưới trường học trên địa bàn. Tiếp tục quan tâm đến phát triển giáo dục mầm non ở khu vực nông thôn.

- Bổ sung và cụ thể hóa 7 nhóm giải pháp nêu tại Điều 1 khoản 4 Nghị quyết này để đảm bảo tổ chức thực hiện quy hoạch hiệu quả, đặc biệt quan tâm đến giải pháp thực hiện xã hội hóa.

2. Giao UBND Thành phố phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật. Trước khi phê duyệt, thực hiện lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng theo quy định tại Quy chế kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng trong khu vực phòng thủ ban hành kèm theo Quyết định số 13/2012/QĐ-TTg ngày 23/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Giao Thường trực HĐND Thành phố, các Ban HĐND Thành phố, các tổ đại biểu và các đại biểu HĐND Thành phố giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được HĐND Thành phố Hà Nội khoá XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc Hội;
- Chính phủ;
- UB VHGD TTN và NĐ của QH;
- Ban công tác đại biểu - UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư;
- Thường trực Thành uỷ;
- Đoàn ĐB Quốc hội Hà Nội;
- Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ TP;
- Đại biểu HĐND Thành phố;
- Văn phòng TU, các Ban Đảng Thành ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND, VPUBNDTP;
- Các sở, ban, ngành Thành phố;
- TT HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã;
- Công báo thành phố Hà Nội;
- Cổng GTĐT Thành phố, Báo HNM, Báo KTĐT;
- Lưu: VT, Ban VHXH.

CHỦ TỊCH




Ngô Thị Doãn Thanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 05/2012/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 05/04/2012
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Ngô Thị Doãn Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/04/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản