Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1870/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 28 tháng 08 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG, DỰ TOÁN DỰ ÁN QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;

Căn cứ Quyết định số 1462/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Thông tư số 01/2012/TT-BKHĐT ngày 09/02/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Văn bản số 655/TCMT-BTĐDSH ngày 04/5/2013 của Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố thực thuộc Trung ương;

Căn cứ Quyết định số 2249/QĐ-UBND ngày 30/10/2014 của UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Lâm Đồng giai đoạn từ năm 2015 - 2020;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề cương, dự toán dự án quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên dự án: Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

2. Chủ đầu tư: Sở Tài nguyên và Môi trường.

3. Mục tiêu của quy hoạch

Nghiên cứu, đề xuất các định hướng, mục tiêu, giải pháp và cơ chế chính sách nhằm bảo đảm các hệ sinh thái tự nhiên, quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh được bảo tồn và phát triển bền vững; duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm thúc đẩy phát triển địa phương một cách bền vững.

4. Phạm vi thực hiện: trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng.

5. Nội dung chủ yếu của dự án

5.1. Đánh giá hiện trạng bảo tồn ĐDSH tỉnh Lâm Đồng

a) Đánh giá điều kiện tự nhiên có liên quan đến bảo tồn ĐDSH của tỉnh: vị trí địa lý; địa hình; đất đai; tài nguyên đất và rừng; đặc điểm khí hậu - thủy văn.

b) Đánh giá đặc điểm kinh tế - xã hội liên quan đến bảo tồn ĐDSH; bao gồm:

- Phân tích đặc điểm kinh tế, văn hóa và xã hội ảnh hưởng đến bảo tồn ĐDSH: dân số, dân tộc, trình độ văn hóa, tỷ lệ nghèo đói, thu nhập bình quân, sinh kế,...;

- Đánh giá, phân tích hiệu quả đầu tư công tác đầu tư cho bảo tồn ĐDSH năm 2010-2015 (hạng mục đầu tư, nguồn vốn đầu tư, thời kỳ đầu tư); hiệu quả của việc đầu tư đối với công tác quản lý, bảo tồn ĐDSH;

- Đánh giá nhận thức, sự tham gia, quyền lợi và những tác động của cộng đồng dân cư đối với tài nguyên ĐDSH trong vùng quy hoạch;

- Phân tích đánh giá vị trí, vai trò của công tác bảo tồn ĐDSH trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

c) Đánh giá hiện trạng các hệ sinh thái và các vấn đề ưu tiên đối với bảo tồn ĐDSH của tỉnh: tổng hợp, thống kê được các kiểu loại, diện tích, phân bố các hệ sinh thái tự nhiên điển hình của địa phương; mô tả đặc điểm, cấu trúc các kiểu hệ sinh thái, đánh giá chất lượng đa dạng của hệ sinh thái, diễn biến của hệ sinh thái; đánh giá được hiện trạng và các ưu tiên bảo tồn ĐDSH của tỉnh.

d) Điều tra, thống kê và đánh giá hệ thực vật, động vật của tỉnh: tổng hợp, thống kê thành phần loài, phân bố của các loài; đánh giá vùng phân bố và các đặc trưng của khu hệ động, thực vật; đánh giá về thành phần, phân bố, số lượng, diễn biến, tình hình quản lý, bảo vệ ... đối với các loài đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm.

đ) Đánh giá, phân tích thực trạng quản lý ĐDSH: các chủ trương, chính sách có liên quan đến bảo tồn ĐDSH của tỉnh; phân tích hệ thống quản lý ĐDSH của tỉnh (tổ chức quản lý, lực lượng quản lý, những điểm mạnh, điểm yếu, nguy cơ thách thức); phân tích vai trò của các bên liên quan trong quản lý ĐDSH; đánh giá các tác động của các chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng, tỉnh và quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đối với công tác quy hoạch bảo tồn ĐDSH của tỉnh.

e) Dự báo về diễn biến ĐDSH của địa phương và các yếu tố ảnh hưởng đến công tác bảo tồn ĐDSH của tỉnh trong giai đoạn triển khai thực hiện quy hoạch: dự báo ảnh hưởng của các phương án phát triển kinh tế - xã hội toàn quốc, vùng và tỉnh đối với bảo tồn ĐDSH của tỉnh trong kỳ quy hoạch; dự báo các tác động của biến đổi khí hậu đối với bảo tồn ĐDSH của tỉnh; dự báo sự thay đổi sinh cảnh, thay đổi loài, xác định loài chủ chốt của sinh cảnh,...

f) Xây dựng hồ sơ hiện trạng bảo tồn ĐDSH: tổng hợp, đánh giá bảo tồn ĐDSH theo các nội dung trên; xây dựng bản đồ hiện trạng bảo tồn ĐDSH của tỉnh, tỷ lệ 1/100.000.

5.2. Xây dựng quy hoạch bảo tồn ĐDSH đến năm 2020, định hướng đến năm 2030:

a) Xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các phương án bảo tồn ĐDSH trong thời kỳ quy hoạch và lựa chọn phương án tối ưu.

b) Xây dựng chỉ tiêu kế hoạch bảo tồn ĐDSH trong kỳ kế hoạch 5 năm và xác định rõ tiến độ hàng năm; bao gồm:

- Quy hoạch hành lang ĐDSH theo các phương án được chọn: rà soát các hành lang ĐDSH; xác định số lượng, diện tích các khu bảo tồn, khu bảo vệ các hệ sinh thái, loài và nguồn gen; các khu, cơ sở bảo tồn chuyển chỗ (hệ sinh thái, loài, nguồn gen); các biện pháp quản lý, bảo vệ hành lang ĐDSH;

- Quy hoạch bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái đặc thù của địa phương;

- Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn, gồm: khu bảo tồn cấp quốc gia; khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh; khu bảo tồn loài, sinh cảnh cấp tỉnh; khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh;

- Quy hoạch khu bảo tồn chuyển chỗ, gồm: các vườn thực vật, động vật; trung tâm cứu hộ; bảo tàng thiên nhiên; vườn sưu tập cây thuốc; ngân hàng gen; cơ sở bảo tồn ĐDSH.

c) Xây dựng danh mục các dự án ưu tiên đầu tư.

d) Lồng ghép hoạt động của kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, các chương trình, dự án liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp vào quy hoạch, kế hoạch bảo tồn ĐDSH.

đ) Các giải pháp, cơ chế chính sách để thực hiện quy hoạch:

- Về vốn thực hiện quy hoạch;

- Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong bảo tồn ĐDSH;

- Về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong công tác bảo tồn ĐDSH;

- Về cơ chế, chính sách trong công tác bảo tồn ĐDSH;

- Về hợp tác quốc tế;

- Về tổ chức thực hiện và trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong bảo tồn ĐDSH.

6. Sản phẩm giao nộp (sau khi dự án được UBND tỉnh phê duyệt):

Sản phẩm giao nộp quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; bao gồm:

- Báo cáo quy hoạch bảo tồn ĐDSH: 04 bộ;

- Các báo cáo chuyên đề: 04 bộ;

- Báo cáo tóm tắt quy hoạch: 04 bộ;

- Hệ thống bản đồ kèm theo báo cáo quy hoạch (02 bộ):

+ Bản đồ địa mạo tỉnh Lâm Đồng, tỷ lệ 1/100.000;

+ Bản đồ sinh khí hậu tỉnh Lâm Đồng, tỷ lệ 1/100.000;

+ Bản đồ hiện trạng bảo tồn ĐDSH tỉnh Lâm Đồng, tỷ lệ 1/100.000;

+ Bản đồ quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Lâm Đồng, tỷ lệ 1/100.000.

- Đĩa CD ghi lại toàn bộ các thông tin trên (04 đĩa).

7. Dự toán chi phí và nguồn vốn:

a) Dự toán chi phí: 913.024.000 đồng (Chín trăm mười ba triệu không trăm hai mươi bốn ngàn đồng chẵn).

(Chi tiết theo bản thẩm định dự toán kinh phí quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đính kèm theo Tờ trình số 14/TTr-KHĐT-TH ngày 12/01/2015 và Tờ trình số 188/TTr-KHĐT-TH ngày 11/8/2015 của Sở Kế hoạch và Đầu tư)

b) Nguồn vốn: Sự nghiệp kinh tế thực hiện các nhiệm vụ, dự án quy hoạch năm 2015, 2016.

8. Thời gian thực hiện: năm 2015 đến hết tháng 6/2016.

Điều 2.

1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện những nội dung tại Điều 1 nêu trên theo đúng quy định hiện hành.

2. Giao Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn, cấp kinh phí và quyết toán kinh phí cho cơ quan chủ đầu tư theo đúng các thủ tục và quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- LĐVP; CV: TC, KH;
- Lưu: VT, LN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm S

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1870/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt đề cương, dự toán dự án quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 1870/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/08/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Phạm S
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản