Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1240/QĐ-UBND | Long An, ngày 13 tháng 04 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13/11/2008;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;
Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;
Căn cứ Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 05/02/2015 của UBND tỉnh v/v phân bổ danh mục sự nghiệp môi trường năm 2015 cho Sở Tài nguyên và Môi trường;
Xét Tờ trình số 289/TTr-STNMT ngày 2/4/2015 của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt đề cương Dự án Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Các nội dung chính của đề cương Dự án đính kèm).
Điều 2. Căn cứ vào nội dung đề cương được phê duyệt tại
1. Làm việc với Sở Tài chính để thống nhất dự toán kinh phí trước khi thực hiện.
2. Lập thủ tục hợp đồng với đơn vị tư vấn thực hiện công tác lập dự án Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo đúng quy định.
3. Triển khai Dự án Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc Nhà nước tỉnh và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
MỤC LỤC
MỤC LỤC
THÔNG TIN CHUNG
PHẦN I. MÔ TẢ NHIỆM VỤ
1.1. Sự cần thiết, tính cấp bách và ý nghĩa thực tiễn của Nhiệm vụ
1.2. Căn cứ pháp lý lập quy hoạch
1.3. Quan điểm, nguyên tắc và mục tiêu quy hoạch
1.3.1. Quan điểm quy hoạch
1.3.2. Nguyên tắc quy hoạch
1.3.3. Mục tiêu tổng quy hoạch
1.3.4. Các mục tiêu cụ thể
1.4. Các nội dung chính của nhiệm vụ lập quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Long An
1.5. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch
1.6. Phương pháp thực hiện
1.6.1. Phương pháp luận
1.6.2. Các phương pháp cụ thể
1.7. Sản phẩm của nhiệm vụ
1.8. Thời gian thực hiện
1.9. Kinh phí thực hiện
PHẦN II. NỘI DUNG QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
CHƯƠNG I. ĐÁNH GIÁ CÁC ĐIỀU KIỆN PHỤC VỤ LẬP QUY HOẠCH
1.1. THU THẬP VÀ PHÂN TÍCH CÁC TÀI LIỆU, SỐ LIỆU VÀ BẢN ĐỒ CÓ LIÊN QUAN
1.1.1. Tài liệu và số liệu thứ cấp
1.1.2. Các bản đồ
1.2. TỔ CHỨC ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT BỔ SUNG NGUỒN SỐ LIỆU
1.3. PHÂN TÍCH SỐ LIỆU, XÂY DỰNG HỒ SƠ HIỆN TRẠNG VỀ BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC CỦA TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
1.3.1. Xử lý và phân tích số liệu
1.3.2. Xây dựng các nội dung chuyên môn phục vụ quy hoạch
1.3.3. Xây dựng hồ sơ hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh
CHƯƠNG 2. XÂY DỰNG NỘI DUNG QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
2.1. LUẬN CHỨNG QUAN ĐIỂM BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC
2.2. MỤC TIÊU QUY HOẠCH ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH LONG AN
2.2.1. Mục tiêu chung
2.2.2. Mục tiêu cụ thể
2.3. TẦM NHÌN CHO BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH LONG AN
2.4. CÁC PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH VÀ ĐỀ XUẤT LỰA CHỌN PHƯƠNG ÁN TỐI ƯU
2.5. THIẾT KẾ QUY HOẠCH THEO PHƯƠNG ÁN CHỌN
2.5.1. Quy hoạch hành lang đa dạng sinh học
2.5.2. Quy hoạch bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái đặc thù của tỉnh
2.5.3. Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn (bảo tồn nguyên vị)
2.5.4. Quy hoạch bảo tồn chuyển chỗ
2.6. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN
2.7. BẢN ĐỒ QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
CHƯƠNG 3. CÁC GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
3.1. CÁC GIẢI PHÁP
3.1.1. Giải pháp về vốn thực hiện quy hoạch
3.1.2. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực
3.1.3. Giải pháp về khoa học – công nghệ
3.1.4. Giải pháp về cơ chế, chính sách
3.1.5. Giải pháp về hợp tác quốc tế
3.1.6. Giải pháp về tuyên truyền vận động
3.2. CÔNG BỐ QUY HOẠCH
3.3. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
3.3.1. Kế hoạch thực hiện
3.3.2. Kiến nghị về phân công thực hiện
CHƯƠNG 4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
PHẦN III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ CƯƠNG QUY HOẠCH
1. Tổ chức thực hiện quy hoạch
1.1. Tổ chức thực hiện quy hoạch
1.2. Quản lý thực hiện Đề cương quy hoạch
1.3. Tiến độ thực hiện quy hoạch
1.4. Mối quan hệ và trách nhiệm của các đơn vị có liên quan
2. Đấu thầu tư vấn thực hiện
2.1. Các quy định về đấu thầu, chỉ định thầu
2.2. Thực hiện đấu thầu
PHẦN IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. KẾT LUẬN
2. KIẾN NGHỊ
PHỤ LỤC 1. DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC NHIỆM VỤ
PHỤ LỤC 2. ĐƠN GIÁ NGÀY CÔNG LAO ĐỘNG KỸ THUẬT
Phụ lục 3. ĐỊNH MỨC CÔNG THÀNH LẬP BẢN ĐỒ MÔI TRƯỜNG
THÔNG TIN CHUNG
TÊN NHIỆM VỤ: QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030.
Địa điểm: Tỉnh Long An.
Cơ quan quản lý: UBND tỉnh Long An
Chủ đầu tư: Sở Tài nguyên và Môi trường Long An
Địa chỉ: 137 Quốc Lộ 1A phường 4 thành phố Tân An tỉnh Long An.
Điện thoại: (072) 3826260 Fax: (072) 3823264
Email. stnmt@longan.gov.vn
Đơn vị tư vấn xây dựng đề cương: Viện nước và Công nghệ Môi trường
Địa chỉ: C17 Cư xá Lam Sơn, Phường 17, Quận Gò vấp, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 08.39844443; email: weti0102@yahoo.com
1.1. Sự cần thiết, tính cấp bách và ý nghĩa thực tiễn của Nhiệm vụ
Sự cần thiết
Hiện nay, vấn đề bảo tồn sự đa dạng sinh học (ĐDSH) là vấn đề chung của toàn cầu. Theo Công ước về Đa dạng sinh học năm 1992 tại hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và phát triển bền vững, đa dạng sinh học được định nghĩa là toàn bộ sự phong phú của các thế giới sống và các tổ hợp sinh thái mà chúng là thành viên, bao gồm sự đa dạng bên trong và giữa các loài và sự đa dạng của các hệ sinh thái. Đa dạng về loài là - tính đa dạng của các loài trong một vùng. Đa dạng di truyền - là sự đa dạng về gien trong một loài. Đa dạng hệ sinh thái - là sự đa dạng về môi trường sống của các sinh vật thích nghi với Điều kiện tự nhiên của chúng. ĐDSH luôn thay đổi cùng sự tiến hóa của sinh vật trong quá trình xuất hiện đột biến gen và từ đó hình thành loài mới. Nguyên nhân gây ra các biến đổi đó là do sự biến đổi bất thường của tự nhiên, sự khắc nghiệt của môi trường sống (ví dụ như ô nhiễm môi trường quá mức) hoặc do tác động của con người.
Những nguyên nhân chính chủ yếu dẫn đến sự suy giảm ĐDSH là: môi trường sống đang bị hủy hoại nghiêm trọng; sự gia tăng dân số cùng với những nhu cầu ngày càng cao của con người; sức ép nặng nề của phát triển kinh tế đến việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên quá mức... Theo thống kê hiện nay trên trái đất có khoảng 30 - 40 triệu loài thực vật và động vật, song người ta mới chỉ kiểm kê được 1,7 triệu loài. Trong khi đó tỷ lệ diệt vong gây ra do con người lớn gấp 1.000 lần so với tỷ lệ diệt vong tự nhiên. Con người đã tác động hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp làm tuyệt chủng khoảng 120 loài động vật có vú, 187 loài chim, 13 loài bò sát, 8 loài lưỡng cư và khoảng 30 ngàn loài cá. Bên cạnh đó, sự chăn thả, săn bắn quá mức và sự du nhập vào địa phương những loài động vật ăn thịt cũng là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của không ít các loài sinh vật trên trái đất. Việc mất đi một mắc xích trong chuỗi thức ăn, sự hủy diệt loài sinh vật đều ảnh hưởng sâu sắc đến sự tồn tại của những loài khác.
Riêng ở Việt Nam sự đa dạng về động vật cũng hết sức phong phú. Hiện nay đã thống kê được 175 loài thú, 826 loài chim, 180 loài bò sát, 80 loài lưỡng cư, 471 loài cá nước ngọt, khoảng trên 2.000 loài cá biển, khoảng 7.000 loài côn trùng thêm vào đó có hàng chục ngàn loài động vật không xương sống ở cạn, ở nước ngọt và ở biển và có nhiều loài động vật đặc hữu. Hơn một trăm loài và phân loài chim, 78 loài và phân loài thú là loài đặc hữu. Nhiều loài động vật có giá trị cao cần được bảo vệ như voi, bò rừng, bò tót, hổ, báo, voọc đầu xám, voọc mũi hếch, sếu cổ đỏ , nhiều loài trăn, rắn và rùa biển,... Trong vùng phụ Đông Dương (phân vùng theo địa lý động vật) có 21 loài khỉ thì ở Việt Nam đã có 15 loài, trong đó có 7 loài là loài đặc hữu. Có 49 loài chim đặc hữu trong vùng phụ cận thì ở Việt Nam có 33 loài, trong đó có 11 loài là những loài đặc hữu. Ở Việt Nam phát hiện nhiều loài sinh vật mới và quý hiếm của thế giới. Từ những phát hiện trên, Việt Nam được thế giới công nhận là một nước có giá trị bảo tồn cao. Như vậy có thể nói rừng Việt Nam là “cái nôi đa dạng sinh học” của đất nước và là một trong những trung tâm Đa dạng sinh học của thế giới. Tuy nhiên hiện nay có một số lớn những loài thú, chim và bò sát đang bị đe dọa hoặc nguy cấp được liệt kê trong sách đỏ Việt Nam (2007) là một vấn đề được quan tâm. Nhiều loài động vật như trâu rừng, hươu Eld, tê giác sumatra, tê giác một sừng và trĩ Edwards bị tuyệt chủng ở Việt Nam, và nếu không có hành động bảo vệ khẩn cấp thì nhiều loài khác như voi Châu Á, cả loài sao la mới phát hiện cũng có nguy cơ bị tuyệt chủng. Mặt khác, việc mua bán, tiêu thụ các loại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm; các bộ phận và dẫn xuất của chúng vẫn diễn ra ở nhiều nơi đe dọa nghiêm trọng đến sự đa dạng sinh học.
Nhận thức được tầm quan trọng của tính đa dạng sinh học, ở Việt Nam đã tiến hành nhiều biện pháp tích cực để bảo vệ và quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên của mình. Trong đó, có mục tiêu ngăn chặn hiệu quả nạn buôn bán tiêu thụ bất hợp pháp các loài động thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm; các bộ phận và dẫn xuất của chúng góp phần bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học. Đến năm 2008, Quốc hội đã thông qua Luật Đa dạng sinh học, và kể từ đó đến nay Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện Luật Bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 của Thủ Tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, theo đó các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải tiến hành lập Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh/thành.
Long An, có tính đa dạng sinh học cao ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên do tác động của con người nên số loài và số lượng cá thể của các loài động vật, thực vật đặc sản, quý hiếm cũng đã bị suy giảm nghiêm trọng, các giống bản địa bị mất dần do sự du nhập của các giống mới hay các động, thực vật ngoại lai. Thực tế các giống bản địa có nhiều ưu điểm hơn hẳn các giống mới như: có phẩm chất tốt, khả năng chống chịu với sâu, bệnh hại, đây chính là nguồn nguyên liệu quý để lai tạo và cải tiến các giống. Như vậy việc khôi phục bảo vệ các hệ sinh thái, sự đa dạng loài và đa dạng di truyền để bảo tồn đa dạng sinh học là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách. Trong nhiều năm qua, tỉnh cũng đã có đã có nhiều nghiên cứu bảo vệ các hệ sinh thái, bảo vệ tài nguyên rừng, sự đa dạng loài và đa dạng di truyền để bảo tồn đa dạng sinh học, tìm kiếm các biện pháp ngăn chặn sự diệt vong của các loài đặc sản, quý hiếm, tập trung tại một số khu vực tiêu biểu như khu vực Láng Sen, Tân Lập. Tuy nhiên, các nghiên cứu còn đang ở quy mô nhỏ lẻ, trên các đối tượng cụ thể mà chưa có nghiên cứu một cách hệ thống về đa dạng sinh học và bảo tồn nguồn gen.
Tính cấp bách của nhiệm vụ
Long An được biết đến là một tình giàu về có Tài nguyên thiên nhiên và rất phong phú về đa dạng sinh học. Ngay từ rất sớm, UBND tỉnh và các cơ quan ban ngành bảo tồn trong tỉnh đã tập trung nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười thuộc Khu BTTN Láng Sen. Bên cạnh đó các khu vực khác còn giàu tính đa dạng sinh học thuộc tỉnh Long An cũng đã được quan tâm lưu giữ và phát triển theo hướng phát triển bền vững, hoạt động theo cơ chế chung của quốc gia về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Việc xâm phạm tài nguyên đã được xử lý theo pháp chế và ngày càng tỏ ra hữu hiệu. Hiện nay, vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học ở tỉnh Long An đã được quan tâm nhiều hơn. Khu BTTN Láng Sen đã hoạt động có hiệu quả. Các vấn đề về đa dạng sinh học như sinh vật ngoại lai đã bước đầu được Tỉnh Long An quan tâm và tìm giải pháp phòng trừ.
Mặc dù vậy, trong những năm vừa qua sự phát triển dân số, vấn đề di dân đến các khu vực đa dạng sinh học cao đã phát sinh những thách thức mới trong quá trình phục hồi và phát triển. Thêm vào đó, sự phát triển về kinh tế - xã hội dẫn đến sự phát triển của các khu dân cư, đô thị, công nghiệp... là những phát sinh mới tạo nên những thách thức lớn. Việc chuyển đổi một phần diện tích rừng Tràm nghèo kiệt sang đất nông nghiệp và trồng cây công nghiệp đã làm suy giảm đáng kể diện tích đất ngập nước và thảm thực vật giàu tính đa dạng sinh học rừng tự nhiên của tỉnh Long An và kèm theo đó là mất mát một số lượng lớn các loài động, thực vật, trong đó có thể có nhiều loài mà khoa học vẫn chưa biết đến.
Cho đến nay, mới chỉ có những dẫn liệu đa dạng sinh học đáng tin cậy từ khu BTTN Láng Sen (được thành lập từ năm 1993), quản lý 2.100 ha trong đó có 1.500 ha rừng tràm và 600 ha trảng cỏ năng và đồng lúa ma với chức năng là bảo tồn sinh cảnh đất ngập nước hạ lưu vùng Đồng tháp mười.
Tuy nhiên, trong những năm qua, đời sống kinh tế người dân tại các vùng đất ngập nước giàu tiềm năng đa dạng sinh học của tỉnh Long An còn nhiều khó khăn do vậy đời sống của người dân vẫn sống dựa vào tài nguyên rừng là phổ biến, việc vào rừng trái phép để đánh bắt thủy sản, săn bắt động vật hoang dã, đốt ong lấy mật và thậm chí thu hái một số loài lâm sản ngoài gỗ rất phổ biến. Những việc làm trên đã góp phần đáng kể làm thay đổi sinh cảnh đất ngập nước, mất môi trường sống của một số loài động vật hoang dã và giảm tính đa dạng sinh học trong khu vực được bảo tồn.
Ngoài ra, những thông tin mang tính hệ thống về tính đa dạng khu hệ động, thực vật của tỉnh Long An hiện tại còn ít. Mặc khác, nhiều loài, nhất là các loài đặc hữu, các loài bị đe dọa toàn cầu hay có tầm quan trọng quốc tế và quốc gia về bảo tồn có phân bố ở địa bàn tỉnh Long An cũng cần được khẳng định sự hiện diện và vùng phân bố cụ thể nhằm tạo cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn. Hiện nay, Long An vẫn chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học cho toàn tỉnh, đây cũng là những thách thức trong công tác bảo tồn ĐDSH của Long An, các số liệu hiện tại vẫn cần các nghiên cứu điều tra cơ bản với các bằng chứng khoa học như hình ảnh, tọa độ,... để xác nhận và bổ sung nhằm phục vụ cho việc xây dựng một cơ sở dữ liệu tin cậy có thể kiểm chứng, theo dõi, cập nhật và chỉnh lý khi cần. Các dữ liệu tin cậy này luôn là nền tảng cơ bản và có tính khoa học để tiến hành các chiến lược bảo tồn, quan trắc về đa dạng sinh học và phát triển nguồn tài nguyên động, thực vật một cách hiệu quả và lâu dài.
Các khu vực đa dạng sinh học quan trọng ở Long An bao gồm các hệ sinh thái rừng, đất ngập nước điển hình như Láng Sen,... còn ít được quan tâm, tính đa dạng sinh học còn chưa được hiểu biết nhiều. Vì vậy điều tra đánh giá tài nguyên thiên nhiên và quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của Tỉnh Long An là rất cần thiết để làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng các chương trình phát triển kinh tế xã hội và bảo tồn thiên nhiên trong đó hướng đến những hoạt động giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Ý nghĩa thực tiễn
Các hoạt động điều tra, khảo sát, đánh giá và xây dựng kế hoạch bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học tại tỉnh Long An có ý nghĩa thực tiễn cao. Kết quả nghiên cứu và hoạt động bảo tồn ĐDSH không những đóng góp các lợi ích cho địa phương mà còn góp phần vào việc bảo tồn ĐDSH của quốc gia.
Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Long An một số loài và nguồn gien đã được chú trọng và thực hiện phục hồi như: Lúa Nàng Thơm Chợ Đào, Huyết Rồng, Trắng Tép. Lúa Ma (Oriza rufipogons),... các loài thủy sản như cá Hô, cá Tra Dầu,... Tuy nhiên các loài được đưa vào bảo tồn chỉ mới tập trung vào loài có giá trị kinh tế hiện hữu, mà chưa tính đến các loài có giá trị tiềm năng, bởi thực tế chúng ta chưa hiểu biết nhiều về giá trị sử dụng của các loài mà chúng ta đang sở hữu, do vậy giá trị sử dụng của các loài tự nhiên hoang dã ở góc độ dược liệu, hay ở các góc độ khác còn chưa nhiều. Do đó, nếu chỉ tập trung vào bảo tồn các loài có giá trị kinh tế cao trong điều kiện hiện nay, có thể sẽ khiến chúng ta đánh mất các loài quý có giá trị lớn mà chúng ta chưa phát hiện được.
Vì vậy, việc thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng 2030 là một trong những vấn đề cấp thiết. Quy hoạch này cung cấp các luận chứng, sự lựa chọn các phương án bảo tồn ĐDSH bền vững trong thời kỳ quy hoạch trên phạm vi lãnh thổ của tỉnh Long An.
1.2. Căn cứ pháp lý lập quy hoạch
Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng 2030 được thực hiện dựa trên các căn cứ pháp lý sau:
Văn bản Luật
● Luật Thủy sản năm 2003.
● Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004.
● Luật Đa dạng Sinh học năm 2008.
● Luật Đất đai năm 2013.
● Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014.
Văn bản dưới Luật
- Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2003 của Chính phủ về bảo tồn và khai thác bền vững các vùng đất ngập nước.
- Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về việc hướng dẫn lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
- Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về việc hướng dẫn lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
- Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học.
- Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
- Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2003 của Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
- Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Định hướng Chiến lược Phát triển bền vững ở Việt Nam.
- Quyết định số 79/2007/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thực hiện Công ước Đa dạng sinh học và nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học”.
- Quyết định số 1250/2013/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 của Thủ Tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
- Thông tư số 01/2012/TT-BKHĐT, ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn xác định mức chi cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu.
- Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT, ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu.
- Thông tư số 28/2004/TT-BTNMT ngày 25 tháng 8 năm 2004 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2003 của Chính phủ về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước.
- Công văn số 655/TCMT-BTĐDSH ngày 04/5/2013 của Tổng Cục Môi trường về Hướng dẫn lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Các bộ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường, các tiêu chuẩn môi trường cấp ngành đã ban hành.
- Hướng dẫn thực hiện Kế hoạch hành động Quốc gia về đa dạng sinh học cho các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.
Văn bản của tỉnh Long An về bảo tồn đa dạng sinh học
- Công văn số 1249/UBND-KT- ngày 22/04/2014 của UBND tỉnh Long An về thực hiện Dự Án “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Long An”.
Một số văn bản quốc tế có liên quan đến Việt Nam
- Công ước Đa dạng sinh học 1993 “Phân phối công bằng hợp lý lợi ích từ việc khai thác và sử dụng nguồn gene, bằng việc tiếp cận hợp lý nguồn gen, bằng việc công nhận các quyền sở hữu về nguồn gene và công nghệ đó và bằng các tài trợ thích đáng”.
- IUCN, 1998, Hướng dẫn xây dựng khung pháp lý để xác định quyền sử dụng nguồn gene.
- Hướng dẫn Born, 2001 về khai thác các nguồn gen và chia sẻ công bằng, bình đẳng các lợi ích từ việc sử dụng các nguồn gene.
- Hiệp định khung ASEAN (1997-2004) về tiếp cận và chia sẻ công bằng hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gene và tài nguyên sinh học, Luongbrabang, Lào, 3- 5/8/2004.
1.3. Quan điểm, nguyên tắc và mục tiêu quy hoạch
1.3.1. Quan điểm quy hoạch
- Phù hợp với với quy hoạch tổng thể bảo tồn quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành có liên quan.
- Mang tính hệ thống, bao gồm bảo tồn đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái, bảo tồn loài và sinh cảnh, bảo tồn nguồn gien; chú trọng duy trì, bảo vệ, phát triển chức năng và năng lực đồng hóa của hệ sinh thái; ưu tiên chú trọng các hệ sinh thái đặc trưng, dễ bị tổn thương, nhạy cảm, đã bị suy thoái hoặc có nguy cơ suy thoái.
- Quy hoạch được xây dựng một cách khoa học, khách quan, tôn trọng các quy luật phát triển của tự nhiên, kết hợp các phương pháp hiện đại và truyền thống. Khuyến khích áp dụng tri thức bản địa nhằm sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên sinh học.
- Áp dụng các phương pháp quy hoạch, khoa học công nghệ tiên tiến, thích hợp. Kế thừa các quy hoạch liên quan về sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; vận dụng được các kết quả điều tra cơ bản về đa dạng sinh học, về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của Tỉnh.
- Đảm bảo trong quy hoạch đã tính đến khả năng thích ứng được với biến đổi khí hậu trong tương lai.
- Có sự gắn kết hòa nhập với bảo tồn đa dạng sinh học trong phạm vi cả nước, với các tỉnh/thành phố có chung ranh giới.
- Dựa trên cơ sở phát huy tối đa vai trò của cộng đồng, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Quy hoạch bảo tồn ĐDSH cần phải hướng đến mục tiêu “vì con người”, đặt con người vào vị trí trung tâm của bảo tồn ĐDSH. Chỉ ra mối liên quan giữa lợi ích của việc bảo tồn ĐDSH với lợi ích của con người và xã hội.
- Thiết thực, khả thi trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng và nhu cầu khai thác sử dụng tài nguyên ĐDSH và các sản phẩm của ĐDSH, kể cả nhu cầu trên phạm vi cả nước và nước ngoài, đồng thời có thể thích nghi với các biến động về kinh tế, xã hội và môi trường.
- Chú trọng thỏa đáng lợi ích các ngành, các địa phương, đặc biệt là lợi ích cộng đồng và người dân bản địa.
1.3.2. Nguyên tắc quy hoạch
- Đảm bảo ba mục tiêu: bảo tồn, sử dụng bền vững và chia sẻ công bằng (về trách nhiệm và lợi ích) đối với nguồn tài nguyên đa dạng sinh học.
- Ưu tiên cho việc Bảo tồn tại chỗ, song cũng cần quy hoạch các khu, trung tâm cứu hộ hoặc nuôi trồng, nhân giống bên ngoài trong các vườn ươm ....
- Chú trọng đến việc đảm bảo dịch vụ hệ sinh thái, cần phải bảo tồn cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái để chúng tiếp tục cung cấp các lợi ích lâu dài.
- Đạt được sự hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn với các mục tiêu phát triển khác của xã hội, đảm bảo huy động tối đa sự tham gia của các bên liên quan.
1.3.3. Mục tiêu tổng quát
Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Long An đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, nhằm bảo tồn và bảo vệ sinh cảnh cũng như các loài động thực vật sống trong tự nhiên có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn;
1.3.4. Các mục tiêu cụ thể
1.3.4.1. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
Xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng và quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Long An, làm cơ sở phân chia các vùng sinh thái, các khu bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học góp phần vào việc quy hoạch bảo tồn tổng thể cả nước, khai thác bền vững đa dạng sinh học dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An như sau:
- Đánh giá toàn diện hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Long An.
- Phát hiện các nguy cơ gây suy giảm đa dạng sinh học.
- Hoàn thành quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường của tỉnh. Ưu tiên bảo tồn nguyên vị các hệ sinh thái đặc thù, các loài thực vật quý hiếm, đặc hữu của hệ thống các khu bảo tồn, tạo các sinh cảnh ổn định cho các loài động vật hoang dã sinh trưởng.
- Lập kế hoạch tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư; Bổ sung và hoàn thiện cơ chế xử lý nghiêm các vụ vi phạm, thu giữ các phương tiện săn bắt động vật.
- Kiểm soát việc khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên sinh vật; xây dựng và thực hiện phương án phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu tác hại của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại và loài có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học.
- Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo tồn và giám sát đa dạng sinh học cho các khu bảo tồn. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; xây dựng và thực hiện các kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của cộng đồng trong quản lý, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.
Các chỉ tiêu cụ thể:
- Chỉ tiêu 1: Hầu hết các loài đặc hữu của địa phương được đưa vào quy hoạch bảo tồn một cách hiệu quả tại các khu vực hệ sinh thái đặc trưng khác nhau.
- Chỉ tiêu 2: Phần lớn các vùng đất ngập nước chưa được canh tác nông nghiệp sẽ được xem xét đưa vào chiến lược khai thác và bảo tồn ở các cấp độ khác nhau.
- Chỉ tiêu 3: Ban hành danh mục các loài địa phương cần được ưu tiên bảo tồn (theo tiêu chí IUCN mới nhất và theo danh lục mới cập nhật sách đỏ Việt Nam) theo 4 mức độ:
+ Nguy cơ tuyệt chủng - giá trị kinh tế cao (giá trị phổ biến).
+ Nguy cơ tuyệt chủng - có giá trị sử dụng làm dược liệu, thực thẩm (giá trị bản địa).
+ Hiếm, giá trị chưa được biết.
+ Đang bị khai thác quá mức trong tự nhiên, chưa được thuần hóa, nuôi trồng.
- Chỉ tiêu 4: Bảo tồn được hầu hết các hệ sinh thái đặc trưng trên toàn tỉnh.
- Chỉ tiêu 5: Có 90% người dân tỉnh Long An được phổ biến, tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học.
1.3.4.2. Mục tiêu định hướng đến năm 2030
- Hoàn thiện hệ thống các khu bảo tồn đa dạng sinh học và hình thành hệ thống hành lang đa dạng sinh học kết nối các hệ sinh thái.
- Triển khai phương thức bảo tồn chuyển chỗ, hình thành hệ thống vườn thực vật, vườn ươm, vườn động vật để bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng đã xác định được của từng khu bảo tồn của tỉnh.
- Giảm tuyệt đối các vụ khai thác, săn bắn trái phép.
- Giải quyết từng bước sinh kế ổn định cho người dân vùng đệm các khu bảo tồn thông qua biện pháp khai thác nuôi trồng các giống vật nuôi có giá trị đang được bảo tồn, tham gia quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
- Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học, làm cho người dân thấy và được hưởng lợi ích của việc bảo tồn đa dạng sinh học đối với đời sống của thế hệ họ và con cháu.
- Khai thác tiềm năng du lịch của các khu bảo tồn nhằm phát triển du lịch sinh thái gắn với sinh kế của người dân vùng đệm, nâng cao đời sống cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn đa dạng sinh học.
- Hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách bảo tồn đa dạng sinh học ở Long An phù hợp với kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học và các chiến lược quốc gia.
1.4. Các nội dung chính của nhiệm vụ lập quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Long An
Việc lập quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng 2030 được thực hiện theo các bước chính như sau (Theo Công văn số 655/TCMT- BTĐDSH ngày 04/5/2013 của Tổng Cục Môi trường về Hướng dẫn lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương):
Bước 1: Đánh giá các điều kiện phục vụ lập quy hoạch: bao gồm các hoạt động như: thu thập, xử lý các kết quả điều tra cơ bản đã có, các tài liệu và chiến lược, quy hoạch có liên quan; tổ chức điều tra, khảo sát bổ sung ngoài hiện trường để cập nhật tư liệu, số liệu liên quan đến bảo tồn ĐDSH của tỉnh; nghiên cứu tác động của các yếu tố bên ngoài; tác động của các chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc phòng, an ninh của vùng, tỉnh và quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đối với quy hoạch bảo tồn ĐDSH cấp tỉnh, từ đây định hướng các tiêu chí bảo tồn. (Chi tiết ở phần II).
Bước 2: Phân tích số liệu, xây dựng hồ sơ hiện trạng về bảo tồn ĐDSH của tỉnh Long An: bao gồm các hoạt động xử lý và phân tích số liệu để xây dựng các nội dung chuyên môn phục vụ quy hoạch (Chi tiết ở phần II).
Bước 3: Xây dựng các phương án quy hoạch và lựa chọn phương án tối ưu.
Bước 4: Thiết kế quy hoạch theo phương án chọn: bao gồm các hoạt động như: xây dựng định hướng tổ chức không gian cho công tác bảo tồn; danh mục các dự án ưu tiên và các giải pháp thực hiện quy hoạch.
Sơ đồ tóm tắt nội dung thực hiện
1.5. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch
- Phạm vi không gian nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích rừng và đất ngập nước tự nhiên của tỉnh Long An, trong đó tập trung vào các khu vực có tính đa dạng sinh học cao như khu đất ngập nước Láng Sen, Làng nổi Tân Lập, khu dược liệu Đồng Tháp Mười, các khu đất ngập nước ven sông Vàm Cỏ Đông - Vàm Cỏ Tây và vùng cửa sông ven sông Vàm Cỏ.
- Phạm vi thời gian nghiên cứu lập quy hoạch: đến năm 2020, định hướng 2030.
- Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch bảo tồn bao gồm: các hệ sinh thái dưới nước và trên cạn, các loài sinh vật đặc hữu và/hoặc có giá trị sử dụng cao theo bảng theo dõi như sau:
Danh sách các khu vực được khảo sát
STT | Khu vực nghiên cứu điển hình | Địa điểm thuộc khu vực nghiên cứu | Đối tượng cần bảo tồn |
1 | Khu BTTN và đất ngập nước Láng Sen. | Vạch tuyến cụ thể theo ảnh vệ tinh. | Ưu tiên loài đặc hữu quý hiếm. |
2 | Làng nổi Tân Lập | Vạch tuyến cụ thể theo ảnh vệ tinh. | Ưu tiên loài đặc hữu quý hiếm |
3 | Khu dược liệu Đồng Tháp Mười | Toàn khu | Ưu tiên loài đặc hữu quý hiếm |
4 | Các khu đất ngập nước ven sông Vàm Cỏ Đông - Vàm Cỏ Tây | Vạch tuyến cụ thể theo ảnh vệ tinh. | Ưu tiên loài đặc hữu quý hiếm |
Quan điểm bảo tồn là toàn bộ các loài theo hệ sinh thái, để đảm bảo tính bền vững, tránh mất cân bằng sinh thái, từ đó công tác bảo tồn cũng giảm sự can thiệp kỹ thuật của các nhà bảo tồn.
1.6. Phương pháp thực hiện
1.6.1. Phương pháp luận
Để xác định mức độ đa dạng sinh học thường sử dụng các thông tin viễn thám và công cụ GIS kết hợp với kiểm tra trên mặt đất để phân lập các đơn vị bản đồ (hệ sinh thái) của toàn tỉnh Long An. Dựa vào các tiêu chí về ĐDSH để phân loại mức độ ĐDSH của các đơn vị bản đồ này. Chọn lựa các đơn vị bản đồ có khả năng xuất hiện ĐDSH cao để tiến hành khảo sát sự phong phú của các loài.
Dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An, vùng ĐBSCL và các nước khác trong lưu vực sông Cửu Long để phân tích rủi ro và mối đe dọa đến ĐDSH của tỉnh do thay đổi phương thức sử dụng đất, khai thác tài nguyên quá mức, ô nhiễm môi trường, loài ngoại lai xâm hại và biến đổi khí hậu.
Từ những kết quả phân tích về sự phong phú ĐDSH trên, có thể xác định được những điểm quan trọng (hệ sinh thái) nào, loài nào và nguồn gen nào cần được quản lý, khai thác, phát triển hay bảo tồn. Và từ những phân tích về rủi ro và đe dọa có thể xây dựng các biện pháp giảm thiểu, phòng tránh hay bảo tồn.
Với cách tiếp cận hệ sinh thái, có thể xây dựng kế hoạch quản lý và phát triển ĐDSH cho toàn tỉnh. Trong đó sẽ xem xét phần nào sẽ phải đầu tư nghiên cứu và khảo sát thêm, phần nào có thể xây dựng dự án phát triển và nhu cầu kinh phí cho từng giai đoạn. Và việc xã hội hóa trong quản lý ĐDSH cho phép mọi thành phần trong xã hội có thể tham gia dưới sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan chức năng, theo khuôn khổ pháp lý cao nhất là luật ĐDSH.
Tóm tắt các phương pháp thực hiện như sau:
1.6.2. Các phương pháp cụ thể
* Phương pháp kế thừa:
Sự kế thừa các tài liệu đang có liên quan đến địa bàn tỉnh Long An là bước đi đầu tiên. Ưu tiên là bản đồ địa hình, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, bản đồ phân bố dân cư, công nghiệp, cơ sở hạ tầng, ranh giới hành chánh, các điểm du lịch - văn hóa - lịch sử.
Các thông tin cụ thể:
- Các yếu tố về địa chất - trầm tích, địa mạo, phân bố nhóm đất, tài nguyên nước, môi trường của tỉnh Long An;
- Lĩnh vực về hệ sinh thái, đa dạng sinh học của các loài động, thực vật dự kiến hiện diện trong vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và chú trọng đến khu vực tỉnh Long An;
- Các tài liệu về các hệ sinh thái, đa dạng sinh học, các loài động - thực vật hoang dã và cây trồng, vật nuôi trong tỉnh.
- Một số đơn vị tại địa phương dự kiến sẽ được tham vấn và thu thập dữ liệu thứ cấp bao gồm: Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Bệnh viện Y học dân tộc, Sở Công thương, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, Khu Dược liệu Đồng Tháp Mười.
* Khảo sát thực địa:
Trên cơ sở phân chia các đơn vị bản đồ và mức độ ĐDSH của chúng, các phương pháp khảo sát phù hợp sẽ được chọn lựa bao gồm: trực tiếp quan sát, thu mẫu, phỏng vấn người địa phương, người khai thác chuyên nghiệp... cho các nhóm chỉ tiêu khảo sát, đánh giá sẽ dựa vào số liệu thực và số liệu có trước đây để xem xu hướng tăng - giảm và tìm hiểu nguyên nhân gây ra.
Nội dung công việc khảo sát bao gồm:
Khảo sát thu thập dữ liệu gián tiếp
Nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành thu thập dữ liệu bằng các cách sau đây:
- Một số loài động và thực vật sẽ được khảo sát nghi nhận từ các chợ ở các huyện, xã và từ các đại lý thu mua thủy sản;
- Sử dụng phiếu khảo sát để thu thập thông tin bổ sung dữ liệu về các loài động - thực vật hoang dã, cây làm thuốc. Đối tượng thu thập dữ liệu là những lão nông và người địa phương sống lâu năm trong khu vực khảo sát. Dự kiến mỗi vùng sinh thái sẽ có 4 vị trí khảo sát. Khoảng 50 phiếu cho mỗi vị trí khảo sát;
- Tham khảo dữ liệu về nguồn cây thuốc Nam tại một số chùa và tổ chức sản xuất thuốc Nam, thuốc cổ truyền trong và ngoài tỉnh.
Khảo sát thu thập dữ liệu trực tiếp
Phương pháp nghiên cứu thực vật
Nhằm đáp ứng được cho công tác nghiên cứu khoa học quá trình khảo sát điều tra đánh giá đa dạng sinh học trên thực địa theo các tuyến điều tra áp dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
Điều tra phát hiện thành phần thực vật: theo các tuyến khảo sát điển hình (transect). Sử dụng bản đồ nền của thảm thực vật và GPS, các tuyến điều tra được thiết kế qua các kiểu thảm thực vật rừng đặc trưng và qua các điều kiện tự nhiên phân hóa khác nhau như dạng địa hình, độ cao để phát hiện thành phần loài. Số lượng tuyến điều tra theo từng phân vùng sinh thái đã dự kiến như trên. Thông tin tổng quát về tuyến điều tra: Số hiệu tuyến điều tra; Hướng tuyến; Toạ độ UTM các điểm đo định vị trên tuyến;... Thu thập mẫu tiêu bản thực vật: Dự án chỉ thu thập và lưu giữ một số mẫu thực vật tiêu biểu mang tính đặc trưng và bao hàm đầy đủ yếu tố nguồn gốc địa lý của tỉnh trên các tuyến khảo sát nếu mẫu vật đạt tiêu chuẩn quy định. Việc thu thập mẫu phục vụ cho nghiên cứu là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của các nhà thực vật học và người làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Ghi chép ngoài thực địa: Trên thực địa các mẫu vật được định danh sơ bộ, có mã số và xử lý bước đầu. Việc định danh và giám định mẫu vật được thực hiện bởi các chuyên gia có chuyên ngành và uy tín bảo tàng thực vật. Tiêu bản ảnh: ảnh chụp ở thực địa sau khi được định danh và giám định chính xác tên loài, sử dụng các phần mềm đồ họa xử lý ảnh và in ảnh. Thành lập danh sách mẫu: Danh lục thực vật là một Bảng thống kê toàn bộ các loài thực vật đã gặp hoặc thu được tiêu bản trong khu vực điều tra. Lập danh lục thực vật và có đối chứng qua tiêu bản ảnh là một trong các mục tiêu quan trọng nhất của công tác điều tra thực vật của các khu rừng đặc dụng và cảnh quan tự nhiên trong tỉnh. Mức độ quí hiếm ghi theo phân hạng của Sách Đỏ Việt Nam lần xuất bản mới nhất với các cấp đánh giá: Đang nguy cấp E. (Đang bị đe dọa diệt chủng); Vulnerable (V) Sẽ nguy cấp (Có thể bị đe dọa diệt chủng); Rare (R) Hiếm (Có thể sẽ nguy cấp); Threatened (T) Bị đe dọa; Insufficiently know (K)-Biết không chính xác.
Phương pháp nghiên cứu động vật
Quan sát thực địa và thu mẫu: Sử dụng bản đồ thảm thực vật và công cụ GPS, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ các cơ quan ban ngành có liên quan trong tỉnh, các tuyến điều tra được thiết lập sao cho đường nghiên cứu đi xuyên qua các kiểu rừng tự nhiên và các hệ sinh thái khác nhau.
Điều tra phỏng vấn trong nhân dân: nhằm nắm bắt các thông tin như sự xuất hiện các loài, các mối đe dọa đến các loài động vật để từ đó xây dựng chiến lược bảo tồn, kế hoạch bảo tồn, và đưa ra các biện pháp bảo tồn. Tiến hành những cuộc điều tra phỏng vấn những người cao tuổi, những người thường xuyên ra vào các khu bảo tồn và khu rừng khoanh lại bảo vệ... Mẫu biểu điều tra được thiết kế theo mẫu câu hỏi bán cấu trúc.
Lớp thú: Khảo sát theo tuyến để trực tiếp quan sát thú hoặc các dấu vết hoạt động của chúng. Ngoài ra, tại các điểm quan trọng, các bẫy bắt thú nhỏ (bẫy lồng, bẫy kẹp, bẫy hố) hoặc lưới dơi (lưới mờ) đã được cài đặt. Các loài thú sau khi được đo đếm và định danh đều được thả lại rừng. Chỉ có những loài nghi ngờ mới được thu mẫu và đem về định danh sau.
Lớp chim: Các dụng cụ sử dụng bao gồm: Lưới mờ được dùng để bắt những loài chim nhỏ di chuyển nhanh, khó phát hiện ở trong các bụi cây rậm rạp; Ống nhòm: Để xác định loài qua các đặc điểm về hình thái ngoài; Máy thu phát... Dùng máy ảnh chụp các hoạt động sinh học, sinh thái trong quá trình quan sát; Ảnh và sách có hình vẽ mầu: Dùng để phỏng vấn bổ sung cho quá trình nhận dạng chim; Dụng cụ nghiên cứu khác: Bản đồ, GPS, la bàn, máy đo độ cao dùng để phục vụ cho việc xác định vị trí địa lý của khu vực nghiên cứu...
Lớp bò sát và lớp ếch nhái: Phỏng vấn nhân dân địa phương hoặc các cán bộ sống lâu năm trong vùng về các loài, tình trạng quần thể, phân bố và tình trạng săn bắt bò sát trong khu vực; Điều tra theo đường mòn, dọc suối ven các hố nước: Quan sát trực tiếp hoặc thu bắt mẫu;
Lớp côn trùng: Ngoài việc sử dụng vợt, bẫy đèn đã được sử dụng để bắt các loài côn trùng ăn đêm. Toạ độ phân bố của các loài động vật quý hiếm cùng môi trường sống của chúng được ghi nhận nhằm xây dựng bản đồ phân bố các loài quan trọng.
Xử lý mẫu và định danh: Chim và thú chủ yếu được định danh ngay trên thực địa bằng cách sử dụng các tài liệu định danh như Preliminary Identification Manual for Mammals of South Vietnam (Van Peenen và cộng sự, 1967); A Photographic Guide to Mammals of South-East Asia (Francis, 2008); Chim Việt Nam (Nguyễn Cử và cộng sự, 2001), A Guide to the Birds of Southeast Asia (Robson 2008). Các loài động vật nhỏ được thu mẫu, và ngâm vào bình thủy tinh hoặc xô nhựa có nắp kín chứa dung dịch cồn 70° hoặc foocmon 10% (1 phần foóc môn với 4 phần nước). Đối với mẫu côn trùng được phơi hoặc sấy khô và tẩm hóa chất. Mẫu bò sát và ếch nhái được thực hiện dựa vào các tài liệu của Bourret (1939, 1941, 1942), Đào Văn Tiến (1977, 1979, 1981), Campbell (1970). Nguyễn Văn Sáng và cộng sự (2005, 2009) và các tài liệu chuyên môn khác. Côn trùng được định loại dựa theo các tài liệu Butterflies of Thailand (Ek-Amnuay, 2006), Beetles of Thailand (Ek-Amnuay, 2008), Bướm Việt Nam (Bùi Hữu Mạnh, 2007), How to know the Beetles (Arnett và cộng sự, 1980), How to know the Insects (Bland và Jaques, 1978).
Phương pháp nghiên cứu sinh vật thủy sinh, thu mẫu cá:
Các phương pháp sử dụng chính bao gồm: quan sát tại các chợ trong khu vực, phỏng vấn những người đánh cá và thu mua, khảo sát trực tiếp trên các sông, suối trong khu vực. Lưới cá được sử dụng để đánh bắt cá ở các suối. Đối với nhóm cá bám đá sử dụng xung điện với công suất nhỏ để thu mẫu. Mẫu phiêu sinh và Động Vật Không Xương Sống cỡ lớn ở sông rạch Tại mỗi điểm khảo sát, các mẫu định tính và định lượng được thu bằng lưới vớt Phiếu sinh kiểu Juday (hình nón) với kích thước mắt lưới là 25mm. Mẫu định lượng được thu bằng cách lọc qua lưới 10 lít nước. Các mẫu thu được cố định ngay tại hiện trường thu mẫu bằng dung dịch formol và được đánh dấu, ghi chú trên nhãn. Việc nhận dạng các loài cá cũng được bổ sung qua công tác phỏng vấn ngư dân và người dân trong vùng và xung quanh vùng nghiên cứu về sự xuất hiện các loài cá cũng như mức độ đa dạng và phong phú, hay có nguy cơ hoặc tiệt chủng của một số loài cá.
Nhóm khảo sát sẽ tiến hành khảo sát và thu thập dữ liệu tại các khu vực xác định trước dựa vào các hệ sinh thái, quần xã tự nhiên và các hệ sinh thái nông nghiệp.
- Ghi nhận và đánh giá hệ sinh thái, quần xã động thực vật tự nhiên, sự đa dạng sinh học, các hệ sinh thái nông nghiệp và các loài vật nuôi, cây trồng;
- Thu thập số liệu về các loài thực vật nhằm đánh giá chỉ số đa dạng sinh học, độ phong phú các loài tại các hệ sinh thái điển hình;
- Thu mẫu các động vật và thực vật điển hình ở các hệ sinh thái tiêu biểu để phân tích loài và nguồn gene: kiểm nghiệm vi phẫu, kiểm nghiệm hóa thực vật các thành phần hoạt chất. Các biểu mẫu điều tra, thu thập, đánh giá ban đầu các nguồn gene thực vật được dựa vào tài liệu của Viện Tài nguyên Di truyền thực vật Quốc tế (IPGRI). Thông tin thu thập cùng với mẫu nguồn gene là những thông tin cần thiết cho những nghiên cứu và hoạt động tiếp theo của nghiên cứu nguồn gene như: đánh giá, phân loại, bảo tồn và sử dụng. Do đó, việc ghi chép thông tin tại điểm thu thập nguồn gene được thực hiện chi tiết theo mẫu chung của IPGRI. Số lượng thông tin theo quy định cho mỗi loài sinh vật.
Tần suất và cỡ mẫu thu thập nguồn gene: Tần suất lấy mẫu (số mẫu trên một điểm) và cỡ mẫu sẽ khống chế bằng mức đa dạng di truyền và dòng gene trong một quần xã/quần thể và sinh thái của điểm thu thập. Phương pháp tiếp cận thực tế, quan sát tại chỗ để đưa ra kỹ thuật lấy mẫu phù hợp nhất. Cỡ mẫu cũng như số mẫu tối ưu trên một điểm bảo đảm chứa 95% tất cả các gene tại địa điểm ngẫu nhiên trong quần thể với mức độ tin cậy lớn hơn 0.05 (Hawkes, 1976 và Marshall và Brown, 1975).
* Phương pháp thống kê và đánh giá dữ liệu
Phương pháp này được sử dụng trong quá trình phân tích, tổng hợp các tài liệu nghiên cứu về số lượng, thành phần loài, qui luật phân bố, hiện trạng và các xu thế biến đổi trên các chỉ số đa dạng, tương đồng, độ phong phú và các mối tương quan với các yếu tố môi trường tự nhiên.
Phân tích đánh giá dữ liệu
Các dữ liệu thu thập từ nhiều nguồn sẽ được các nhóm chuyên gia tổng hợp, phân tích và đánh giá theo yêu cầu mà mục tiêu và nội dung nghiên cứu đề ra.
- Phân tích, phân vùng và đánh giá các hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học và độ phong phú của các loài của từng: hệ sinh thái. Việc đánh giá các hệ sinh thái và đa dạng sinh học được dựa vào tiêu chí của IUCN và chỉ số Shannon.
- Phân tích và đánh giá nguồn gene theo một số tiêu chuẩn đặc biệt của các tổ chức thế giới. Đánh giá nguồn gene của các giống lúa được áp dụng theo Tiêu chuẩn đánh giá của IRRI (1997). Đánh giá đa dạng nguồn gene các tập đoàn trên đồng ruộng dựa trên tài liệu hướng dẫn “Thiết lập và quản lý ngân hàng gene đồng ruộng của IPGR (2001)”.
Phiếu mô tả, đánh giá ban đầu nguồn gene của các loại thực vật được xây dựng theo cấu trúc gồm 3 mục lớn: a) Thông tin chung; b) Dữ liệu các chỉ tiêu về sinh trưởng và phát triển; và c) Dữ liệu các chỉ tiêu đánh giá về chất lượng, đặc tính chống chịu với tác nhân sinh học và phi sinh học.
- Xác định đa dạng di truyền các loài động và thực vật thu thập được dựa trên kiểu hình đã được nghiên cứu trước đây. Phương pháp này áp dụng việc xác định mức độ đa dạng của quần thể của loài dựa trên kiểu hình cần theo dõi, đánh giá tất cả các tính trạng, bộ số liệu thu được từ đánh giá kiểu hình được phân tích bằng các mô hình toán thống kê để xác định mức độ đa dạng.
- Phân loại và xác định danh mục các loài sinh vật dựa vào hệ thống phân loại động thực vật trong nước và quốc tế.
- Đánh giá và đề xuất những loài động thực vật và nguồn gen đang bị đe dọa tuyệt chủng, những nguồn gen quý, đặc hữu của mỗi vùng, thu thập thông tin về tình trạng của nguồn gene và mức độ đe dọa tuyệt chủng của chúng tại địa phương. Phương pháp áp dụng dựa vào tiêu chí đánh giá dựa vào cấp đánh giá mức độ đe dọa mà IUCN đưa ra năm 2001 và 2008, ngoài ra còn tham khảo đánh giá của Sách đỏ Việt Nam, phần thực vật (1996 và 2007).
1.7. Sản phẩm của nhiệm vụ
- Báo cáo tổng hợp “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”: theo bố cục hướng dẫn tại Phụ lục 1 đính kèm Công văn số 655/TCMT-BTĐDSH ngày 04/5/2013 của Tổng Cục Môi trường về Hướng dẫn lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Số lượng 20 bản.
- Báo cáo tóm tắt dự án “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”: 20 bản.
- Bản đồ tổng hợp hiện trạng bảo tồn …………
- Bản đồ quy hoạch bảo tồn đa dạng ………… hướng 2030 (tỷ lệ 1/100.000);
- Phụ lục số liệu điều tra khảo sát, hình …………
- Đĩa CD ghi toàn bộ các kết quả …………
1.8. Thời gian thực hiện
Thời gian thực hiện nhiệm vụ: dự kiến …………
1.9. Kinh phí thực hiện
Tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ: 1.054.157.000 đồng (Chi tiết ở Phụ lục 1).
Kinh phí thực hiện nhiệm vụ được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước dành cho sự nghiệp bảo vệ môi trường tỉnh Long An năm 2015 -2016.
NỘI DUNG QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
ĐÁNH GIÁ CÁC ĐIỀU KIỆN PHỤC VỤ LẬP QUY HOẠCH
1.1. THU THẬP VÀ PHÂN TÍCH CÁC TÀI LIỆU, SỐ LIỆU VÀ BẢN ĐỒ CÓ LIÊN QUAN
1.1.1. Tài liệu và số liệu thứ cấp
- Các chính sách có liên quan đến bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học của quốc gia và của tỉnh Long An;
- Các quy hoạch, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh; quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước; quy hoạch và kế hoạch quản lý các khu bảo tồn;
- Các quy hoạch, kế hoạch của các ngành liên quan như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, y tế, đất đai, giao thông, thủy lợi,...;
- Số liệu về hiện trạng ĐDSH, Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Các tài liệu điều tra cơ bản về hệ sinh thái và các loài động thực vật hoang dã của tỉnh;
- Các niên giám thống kê hàng năm của tỉnh.
1.1.2. Các bản đồ
- Bản đồ quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước;
- Bản đồ phân bố các loài động thực vật quý hiếm của tỉnh;
- Bản đồ thảm thực vật của tỉnh;
- Bản đồ phân bố các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh.
- Các bản đồ khác như: bản đồ hiện trạng và quy hoạch sử dụng đất, bản đồ thổ nhưỡng, bản đồ địa hình, bản đồ sinh khí hậu, bản đồ hiện trạng và quy hoạch 3 loại rừng...
1.2. TỔ CHỨC ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT BỔ SUNG NGUỒN SỐ LIỆU
Dựa trên kết quả phân tích các tài liệu, số liệu và bản đồ thứ cấp, tổ chức Điều tra, khảo sát bổ sung các thông tin, số liệu còn thiếu hoặc đã cũ (với những thông tin quá 5 năm về trước đối với các tài liệu, thông tin về điều kiện tự nhiên và đa dạng sinh học; quá 1 năm đối với các tài liệu và thông tin về kinh tế - xã hội). Việc cập nhật và bổ sung số liệu chủ yếu dựa trên phương pháp chuyên gia và khảo sát bổ sung trên thực địa. Đặc biệt, đối với trường hợp một số khu bảo tồn đã được đề xuất hoặc đề xuất mới trong quy hoạch nhưng chưa có số liệu điều tra cơ bản thì phải lập kế hoạch tổ chức điều tra đa dạng sinh học và lập bản đồ hiện trạng đa dạng sinh học.
1.3. PHÂN TÍCH SỐ LIỆU, XÂY DỰNG HỒ SƠ HIỆN TRẠNG VỀ BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC CỦA TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
1.3.1. Xử lý và phân tích số liệu
Các số liệu được phân tích và đánh giá dựa trên các chủ đề chính gồm:
- Số liệu và thông tin tổng hợp về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội có liên quan đến bảo tồn ĐDSH của tỉnh;
- Số liệu về hiện trạng ĐDSH; các mối đe dọa đối với ĐDSH;
- Thông tin về tình hình quản lý, bảo vệ ĐDSH của tỉnh;
- Các vấn đề ưu tiên đối với bảo tồn ĐDSH ở tỉnh.
1.3.2. Xây dựng các nội dung chuyên môn phục vụ quy hoạch
Xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cần thực hiện đánh giá tổng thể về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, hiện trạng và nhu cầu bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh. Các nội dung đánh giá được xây dựng dựa trên kết quả xử lý và phân tích số liệu ở trên, bao gồm các nội dung và sản phẩm kèm theo như sau:
Nội dung 1: Đánh giá điều kiện tự nhiên có liên quan đến bảo tồn ĐDSH của tỉnh.
Nội dung đánh giá phải bao quát được các vấn đề sau:
- Vị trí địa lý: Phân tích tầm quan trọng và những đặc điểm thuận lợi, khó khăn về vị trí địa lý của tỉnh trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học;
- Địa hình: Phân tích các dạng địa hình, độ cao, độ dốc ảnh hưởng tới ĐDSH;
- Đất đai: Phân tích đặc điểm và hiện trạng, định hướng sử dụng đất có ảnh hưởng đến bảo tồn ĐDSH;
- Đặc điểm khí hậu - thủy văn: Phân tích về nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm, chế độ thủy văn, hải văn có ảnh hưởng đến ĐDSH.
Sản phẩm: Báo cáo tổng quan về điều kiện tự nhiên có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh Long An.
Nội dung 2: Đánh giá đặc điểm kinh tế - xã hội có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh
Nội dung đánh giá phải bao quát được các vấn đề sau:
- Phân tích các đặc điểm kinh tế, văn hóa và xã hội có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học như: dân số, dân tộc, trình độ văn hóa, tỷ lệ nghèo đói, thu nhập bình quân, sinh kế,...
- Đánh giá công tác đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học: Thống kê các hạng mục đầu tư cho công tác quản lý, bảo tồn, khai thác, sử dụng tài nguyên đa dạng sinh học ở tỉnh trong 5 năm gần đây (theo hạng mục đầu tư, nguồn vốn đầu tư, thời kỳ đầu tư); Phân tích, đánh giá hiệu quả của việc đầu tư đối với công tác quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học;
- Đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện mức đầu tư, quản lý và sử dụng vốn đầu tư và phát huy hiệu quả đầu tư cho quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học;
- Đánh giá sự phụ thuộc sinh kế vào nguồn lợi đa dạng sinh học của cộng đồng dân cư trong vùng quy hoạch; Những lợi ích mà các cộng đồng dân cư được hưởng từ việc khai thác, sử dụng tài nguyên đa dạng sinh học; Những tác động (tích cực và tiêu cực) của các cộng đồng dân cư này đối với tài nguyên đa dạng sinh học.
- Đánh giá kiến thức bản địa trong quản lý đa dạng sinh học: Bảo vệ, khai thác, sử dụng và khả năng ứng dụng những kiến thức này trong công tác quản lý đa dạng sinh học; Sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học;
- Đề xuất các giải pháp thu hút sự tham gia của các cộng đồng dân cư trong bảo tồn và sử dụng bền vững các tài nguyên đa dạng sinh học.
- Đánh giá vị trí, vai trò của công tác bảo tồn đa dạng sinh học đối với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Mô hình sử dụng tài nguyên và khai thác bền vững có sự tham gia của người dân
Sản phẩm:
- Báo cáo đánh giá hiện trạng kinh tế - xã hội có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh Long An;
- Báo cáo đánh giá sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh Long An.
Nội dung 3: Đánh giá hiện trạng các hệ sinh thái và các vấn đề ưu tiên đối với bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh
Nội dung đánh giá phải bao quát được các vấn đề sau:
- Tổng hợp, thống kê được các kiểu loại, diện tích, phân bố các hệ sinh thái tự nhiên điển hình của tỉnh, gồm: các hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái vùng cửa sông;
- Mô tả đặc điểm cấu trúc các kiểu hệ sinh thái, đánh giá chất lượng ĐDSH của hệ sinh thái, diễn biến và xu hướng của hệ sinh thái về diện tích và chất lượng;
- Đánh giá được hiện trạng và các ưu tiên bảo tồn ĐDSH của tỉnh (hành lang đa dạng sinh học, khu bảo tồn,...).
Sản phẩm:
- Báo cáo tổng quan về hiện trạng các hệ sinh thái tự nhiên và phân vùng sinh thái;
- Báo cáo đánh giá hiện trạng và nhu cầu xây dựng và bảo vệ hành lang ĐDSH;
- Báo cáo đánh giá hiện trạng và nhu cầu xây dựng các khu bảo tồn trong tỉnh;
- Báo cáo đánh giá hiện trạng và nhu cầu bảo tồn chuyển chỗ (loại hình, số lượng, phân bố);
- Hồ sơ chi tiết các hệ sinh thái tự nhiên điển hình của tỉnh.
Nội dung 4: Điều tra, thống kê và đánh giá hệ thực vật của tỉnh.
Phạm vi điều tra thống kê: Tất cả ngành thực vật.
Nội dung đánh giá phải bao quát được các vấn đề sau
- Tổng hợp, thống kê thành phần loài, phân bố các loài thực vật, hình ảnh về các loài thực vật;
- Phân tích tính đặc trưng của khu hệ thực vật;
- Đánh giá các loài thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ (thành phần, phân bố, số lượng, diễn biến, tình trạng quản lý, bảo vệ...);
- Đánh giá giá trị tài nguyên của khu hệ thực vật.
- Đánh giá loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại
Sản phẩm:
- Báo cáo chuyên đề về khu hệ thực vật; (bao gồm cả loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại)
- Danh lục và Bản đồ hoặc sơ đồ phân bố các loài thực vật đặc hữu, nguy cấp quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ, hình ảnh tương ứng tên khoa học phân loại.
Nội dung 5: Điều tra, thống kê và đánh giá hệ động vật của tỉnh
Phạm vi điều tra thống kê: Lớp thú, lớp chim, lớp bò sát, lớp lưỡng thê (ếch nhái), lớp cá, giáp xác (tôm, cua), ốc, nhuyễn thể (2 mảnh vỏ), ong.
Nội dung đánh giá phải bao quát được các vấn đề sau:
- Tổng hợp, thống kê hệ động vật bao gồm các lớp: Lớp thú, lớp chim, lớp bò sát, lớp lưỡng thê (ếch nhái), lớp cá, giáp xác (tôm, cua), ốc, nhuyễn thể (2 mảnh vỏ), ong; hình ảnh đính kèm;
- Đánh giá vùng phân bố các loài động vật;
- Phân tích tính đặc trưng của hệ động vật;
- Đánh giá các loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm (về các mặt: thành phần, phân bố, số lượng, diễn biến, tình hình quản lý, bảo vệ...).
- Đánh giá loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại.
Sản phẩm:
- Báo cáo chuyên đề khu hệ động vật của tỉnh. (bao gồm cả loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại)
- Danh lục và Bản đồ hoặc sơ đồ phân bố các loài động vật nguy cấp quý hiếm của tỉnh.
Nội dung 6: Đánh giá hiện trạng quản lý đa dạng sinh học của tỉnh
Nội dung đánh giá phải bao quát được các vấn đề sau:
- Đánh giá các chủ trương, chính sách có liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh;
- Phân tích hệ thống quản lý đa dạng sinh học của tỉnh về tổ chức quản lý, lực lượng quản lý, những điểm mạnh, điểm yếu và nguy cơ thách thức.
- Phân tích các bên liên quan và vai trò của các bên trong quản lý ĐDSH.
- Đánh giá tác động (hay chi phối) của các chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng, tỉnh và quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đối với công tác quy hoạch bảo tồn ĐDSH của tỉnh;
Sản phẩm:
- Báo cáo đánh giá hiện trạng quản lý đa dạng sinh học của tỉnh;
- Báo cáo đánh giá tổng quan về tác động của các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch có liên quan đến quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh. Danh mục vùng ưu tiên chiến lược.
Nội dung 7: Tổng quan các phương pháp bảo tồn chuyển chỗ và bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho tỉnh
Nội dung đánh giá phải bao quát được các vấn đề sau:
- Phải tổng quan được hiện trạng và các phương pháp bảo tồn chuyển chỗ đang áp dụng trên thế giới;
- Tổng quan về hiện trạng tổ chức bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên trên thế giới;
- Đề xuất các bài học kinh nghiệm cho công tác bảo tồn của địa phương và đưa ra các khuyến nghị áp dụng trong xây dựng và thực hiện quy hoạch.
Sản phẩm:
- Báo cáo chuyên đề “Tổng quan hiện trạng và các phương pháp bảo tồn chuyển chỗ và bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho tỉnh Long An”.
Nội dung 8: Dự báo về diễn biến đa dạng sinh học của tỉnh Long An và các yếu tố ảnh hưởng đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
Nội dung dự báo phải bao quát được các vấn đề sau:
- Dự báo diễn biến đa dạng sinh học của tỉnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030: Việc dự báo được xây dựng dựa vào các chỉ số như các nhóm loài quý hiếm (gắn với sinh cảnh), dự báo thay đổi của sinh cảnh, thay đổi loài, xác định loài chủ chốt của sinh cảnh...
- Dự báo được ảnh hưởng của các phương án phát triển kinh tế - xã hội toàn quốc, vùng và tỉnh đối với bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
- Dự báo được các tác động của biến đổi khí hậu (theo các kịch bản biến đổi khí hậu) đối với bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Sản phẩm:
- Các Báo cáo về diễn biến đa dạng sinh học của tỉnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
- Báo cáo dự báo ảnh hưởng của các phương án phát triển kinh tế - xã hội toàn quốc, vùng và tỉnh đối với bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
- Báo cáo dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh trong thời giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Nội dung 9: Xây dựng bản đồ hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học
Bản đồ hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học phải thể hiện được sự phân bố về mặt không gian của các hệ sinh thái, các khu bảo tồn, các loài động thực vật quý hiếm, thảm thực vật và các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh.
Sản phẩm:
- Bản đồ tổng hợp hiện trạng bảo tồn ĐDSH tỉnh Long An, tỷ lệ 1/100.000;
- Báo cáo thuyết minh bản đồ kèm theo.
1.3.3. Xây dựng hồ sơ hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh
Hồ sơ hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh bao gồm:
- Báo cáo tổng hợp đánh giá hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh (tổng hợp các nội dung từ 1-6);
- Bản đồ và báo cáo thuyết minh bản đồ hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, tỷ lệ 1/100.000.
2.1. LUẬN CHỨNG QUAN ĐIỂM BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC
Từ kết quả đánh giá hiện trạng về bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, dự báo về các yếu tố ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu được xác định trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh và quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước để xây dựng quan điểm bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh.
Nằm trong vùng chuyển tiếp từ Đông Nam bộ xuống miền Tây Nam Bộ Long An có điều kiện địa hình, địa mạo và thủy văn đa dạng, hỗ trợ cho sự hình thành và phát triển nhiều hệ sinh thái đặc sắc cũng như số lượng loài thực vật và động vật hết sức phong phú và đa dạng. Trên địa bàn tỉnh Long An hiện có Khu BTTN Láng Sen là phần còn sót lại của vùng Đồng Tháp Mười đặc trưng cho vùng thấp lưu vực Mê Kông có sự đa dạng sinh học rất cao, Hệ thống thủy văn đa dạng đã hình thành nên những khu đất ngập nước cả tự nhiên và nhân tạo với nhiều loài chim nước đặc sắc và khu hệ sinh vật thủy sinh đa dạng. Các hệ sinh thái tiêu biểu Rừng tràm và các hệ sinh thái thủy sinh là những khu vực quan trọng trong chiến lược bảo tồn và phát triển về đa dạng sinh học và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ các giống loài động thực vật trước nguy cơ tuyệt chủng.
Trong những năm vừa qua, Lãnh đạo tỉnh và các sở ban ngành liên quan của Long An đã khẳng định vai trò và tầm quan trọng của đa dạng sinh học nên đã thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học, không chỉ trong Khu BTTN Láng Sen mà cả những nghiên cứu trong những khu vực đất ngập nước còn lại của tỉnh. Nhờ vậy, mặc dù chịu nhiều áp lực phát triển kinh tế nhưng các khu rừng Tràm và đất ngập nước còn lại của tỉnh vẫn lưu giữ được những giá trị đặc biệt.
2.2. MỤC TIÊU QUY HOẠCH ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH LONG AN
2.2.1. Mục tiêu chung
Thể hiện “bức tranh tổng thể” về bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh trong khoảng 10 -20 năm tới.
2.2.2. Mục tiêu cụ thể
Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
Xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng và quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Long An, làm cơ sở phân chia các vùng sinh thái, các khu bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học góp phần vào việc quy hoạch bảo tồn tổng thể cả nước, khai thác bền vững đa dạng sinh học dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An như sau:
- Đánh giá toàn diện hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Long An.
- Phát hiện các nguy cơ gây suy giảm đa dạng sinh học.
- Hoàn thành quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường của tỉnh. Ưu tiên bảo tồn nguyên vị các hệ sinh thái đặc thù, các loài thực vật quý hiếm, đặc hữu của hệ thống các khu bảo tồn, tạo các sinh cảnh ổn định cho các loài động vật hoang dã sinh trưởng.
- Lập kế hoạch tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư; Bổ sung và hoàn thiện cơ chế xử lý nghiêm các vụ vi phạm, thu giữ các phương tiện săn bắt động vật.
- Kiểm soát việc khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên sinh vật; xây dựng và thực hiện phương án phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu tác hại của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại và loài có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học.
- Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo tồn và giám sát đa dạng sinh học cho các khu bảo tồn. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; xây dựng và thực hiện các kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của cộng đồng trong quản lý, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.
Các chỉ tiêu cụ thể:
- Chỉ tiêu 1: Hầu hết các loài đặc hữu của địa phương được đưa vào quy hoạch bảo tồn một cách hiệu quả tại các khu vực hệ sinh thái đặc trưng khác nhau.
- Chỉ tiêu 2: Phần lớn các vùng đất ngập nước chưa được canh tác nông nghiệp sẽ được xem xét đưa vào chiến lược khai thác và bảo tồn ở các cấp độ khác nhau.
- Chỉ tiêu 3: Ban hành danh mục các loài địa phương cần được ưu tiên bảo tồn (theo tiêu chí IUCN mới nhất và theo danh lục mới cập nhật sách đỏ Việt Nam) theo 4 mức độ:
+ Nguy cơ tuyệt chủng - giá trị kinh tế cao (giá trị phổ biến).
+ Nguy cơ tuyệt chủng - có giá trị sử dụng làm dược liệu, thực thẩm (giá trị bản địa).
+ Hiếm, giá trị chưa được biết.
+ Đang bị khai thác quá mức trong tự nhiên, chưa được thuần hóa, nuôi trồng.
- Chỉ tiêu 4: Bảo tồn được hầu hết các hệ sinh thái đặc trưng trên toàn tỉnh.
- Chỉ tiêu 5: Có 90% người dân tỉnh Long An được phổ biến, tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học.
Mục tiêu định hướng đến năm 2030
- Hoàn thiện hệ thống các khu bảo tồn đa dạng sinh học và hình thành hệ thống hành lang đa dạng sinh học kết nối các hệ sinh thái.
- Triển khai phương thức bảo tồn chuyển chỗ, hình thành hệ thống vườn thực vật, vườn ươm, vườn động vật để bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng đã xác định được của từng khu bảo tồn của tỉnh.
- Giảm tuyệt đối các vụ khai thác, săn bắn trái phép.
- Giải quyết từng bước sinh kế ổn định cho người dân vùng đệm các khu bảo tồn thông qua biện pháp khai thác nuôi trồng các giống vật nuôi có giá trị đang được bảo tồn, tham gia quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
- Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học, làm cho người dân thấy và được hưởng lợi ích của việc bảo tồn đa dạng sinh học đối với đời sống của thế hệ họ và con cháu.
- Khai thác tiềm năng du lịch của các khu bảo tồn nhằm phát triển du lịch sinh thái gắn với sinh kế của người dân vùng đệm, nâng cao đời sống cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn đa dạng sinh học.
- Hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách bảo tồn đa dạng sinh học ở Long An phù hợp với kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học và các chiến lược quốc gia.
2.3. TẦM NHÌN CHO BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH LONG AN
Định hướng bảo tồn đa dạng sinh học từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Long An sẽ được xác định cụ thể theo các chỉ tiêu bảo tồn được đề cập ở phần mục tiêu cụ thể ở trên.
2.4. CÁC PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH VÀ ĐỀ XUẤT LỰA CHỌN PHƯƠNG ÁN TỐI ƯU
Việc lựa chọn phương án quy hoạch trên các tiêu chí như: (1) tính khả thi của phương án quy hoạch về kinh tế, xã hội và môi trường; (2) sự phù hợp của phương án quy hoạch với các quan điểm và mục tiêu bảo tồn đã được xây dựng; (3) sự cân đối trong phương án quy hoạch để thỏa mãn ba mục đích: Bảo tồn, sử dụng, phát triển bền vững và chia sẻ công bằng (về trách nhiệm và lợi ích) đối với nguồn tài nguyên đa dạng sinh học; (4) hài hòa được các mục tiêu bảo tồn với mục tiêu phát triển khác của xã hội đảm bảo huy động tối đa sự tham gia của các bên liên quan; (5) sự cân bằng trong quyền lợi của các bên, bảo đảm quyền lợi quốc gia và tỉnh, đồng thời chú trọng thỏa đáng tới lợi ích các ngành và đặc biệt là lợi ích cộng đồng và người dân địa phương.
2.5. THIẾT KẾ QUY HOẠCH THEO PHƯƠNG ÁN CHỌN
Dựa trên phương án lựa chọn nêu trên, thiết kế quy hoạch theo các mục tiêu đề ra, bao gồm:
(1) Hành lang đa dạng sinh học;
(2) Số lượng, diện tích các khu bảo tồn, các khu bảo vệ các hệ sinh thái, loài và nguồn gen;
(3) Các khu/cơ sở bảo tồn chuyển chỗ (hệ sinh thái, loài và nguồn gen).
2.5.1. Quy hoạch hành lang đa dạng sinh học
Dựa trên phương án quy hoạch được lựa chọn, tiến hành rà soát các hành lang ĐDSH đã có và quy hoạch mới các hành lang ĐDSH của tỉnh theo các nội dung sau:
- Số lượng
- Diện tích
- Vị trí địa lý
- Giới hạn
- Các biện pháp tổ chức, quản lý, bảo vệ hành lang đa dạng sinh học
2.5.2. Quy hoạch bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái đặc thù của tỉnh
Dựa trên phương án quy hoạch được lựa chọn, tiến hành rà soát các khu bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên đã có và quy hoạch mới các khu bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên đặc thù của tỉnh theo các loại sau đây:
- Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng tự nhiên đặc thù của tỉnh (vị trí địa lý, diện tích, chức năng sinh thái, các biện pháp chính về tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng tự nhiên, hệ thống các bản đồ và biểu bảng liên quan);
- Bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên trên các vùng đất ngập nước tự nhiên, vùng đất chưa sử dụng không thuộc hệ sinh thái rừng (vị trí địa lý, diện tích, chức năng sinh thái, các biện pháp chính về tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững, hệ thống các bản đồ và biểu bảng liên quan)
2.5.3. Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn (bảo tồn nguyên vị)
Dựa trên phương án quy hoạch được lựa chọn, tiến hành rà soát các khu bảo tồn đã có và quy hoạch mới hệ thống khu bảo tồn của tỉnh theo các loại và tiêu chí sau:
a) Khu bảo tồn cấp quốc gia:
Khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan cấp quốc gia được quy hoạch theo các tiêu chí quy định tại Điều 17, khoản 2 Điều 18, khoản 2 Điều 19, khoản 2 Điều 20 của Luật Đa dạng sinh học.
b) Khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh
Khu vực được quy hoạch thành khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh khi thỏa mãn các tiêu chí sau:
- Có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đối với tỉnh, hệ sinh thái đặc thù hoặc đại diện cho các hệ sinh thái của tỉnh;
- Có giá trị đặc biệt về sinh thái, môi trường phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch, nghỉ dưỡng;
- Chưa được đưa vào danh mục Khu dự trữ thiên nhiên cấp quốc gia.
c) Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp tỉnh
Khu vực được quy hoạch thành khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp tỉnh khi thỏa mãn các tiêu chí sau:
- Là nơi sinh sống thường xuyên hoặc theo mùa của các loài hoang dã thuộc danh mục cấm khai thác ngoài tự nhiên; nơi sinh sản, tránh rét của các loài di cư;
- Có giá trị đặc biệt về sinh thái, môi trường phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch, nghỉ dưỡng;
- Chưa được đưa vào danh mục Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp quốc gia.
d) Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh
Khu vực được quy hoạch thành khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh khi thỏa mãn các tiêu chí sau:
- Có cảnh quan môi trường, nét đẹp, độc đáo của thiên nhiên nhưng không đáp ứng các tiêu chí thành lập khu bảo vệ cảnh quan cấp quốc gia;
- Có giá trị đặc biệt về sinh thái, môi trường phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch, nghỉ dưỡng.
Khi quy hoạch các khu bảo tồn, cần thực hiện thống kê, kiểm kê diện tích; xác lập vị trí trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất hoặc xác định tọa độ trên mặt nước biển. Quy hoạch về diện tích và ranh giới khu bảo tồn được thực hiện theo các bước:
+ Bước 1. Xác định “Hạt nhân hay diện tích tối thiểu khu bảo tồn”:
Căn cứ vào khu phân bố của các hệ sinh thái và các loài động thực vật nguy cấp quý hiếm cần bảo vệ trong khu vực điều tra, chồng ghép các lớp bản đồ phân bố và tỷ lệ phân bố của các đối tượng đó để xác định khu vực cần bảo tồn. Các khu phân bố của các đối tượng cần bảo vệ chính là hạt nhân của khu bảo tồn hoặc diện tích tối thiểu của khu bảo tồn.
+ Bước 2. Xác định ranh giới khu bảo tồn:
Căn cứ vào địa hình của khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn và đặc tính sinh thái của các đối tượng cần bảo vệ, nhà quy hoạch sẽ xác định ranh giới, diện tích khu bảo tồn tương lai.
Với mỗi khu bảo tồn cần lập một hồ sơ để nắm được các thông tin về đa dạng sinh học và tình hình quản lý bảo vệ qua các năm của khu bảo tồn.
2.5.4. Quy hoạch bảo tồn chuyển chỗ
Dựa trên kết quả đánh giá các điều kiện phục vụ cho lập quy hoạch bảo tồn ĐDSH của tỉnh ở phần trên và các thông tin về tình hình quản lý, bảo vệ và buôn bán các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các quan điểm và phương pháp mới trên thế giới trong việc bảo tồn chuyển chỗ, tiến hành rà soát các khu bảo tồn chuyển chỗ đã có và quy hoạch các khu bảo tồn chuyển chỗ của tỉnh theo các loại như sau:
- Vườn thực vật;
- Vườn động vật;
- Trung tâm cứu hộ;
- Nhà bảo tàng thiên nhiên;
- Vườn sưu tập cây thuốc;
- Ngân hàng gen;
- Và các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học khác.
2.6. DANH MỤC CÁC DỤ ÁN ƯU TIÊN
Lập danh mục các dự án ưu tiên bảo tồn, dự án nghiên cứu về đa dạng sinh học, dự án về phát triển nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn và các dự án liên quan khác.
Mỗi dự án được xây dựng có mô tả tóm tắt về sự cần thiết, mục tiêu, hoạt động, kết quả dự kiến, thời gian thực hiện và ước tính kinh phí cho từng chương trình, dự án.
2.7. BẢN ĐỒ QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
Ngoài các bản đồ hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học được xây dựng ở phần trên, dự án sẽ xây dựng bản đồ quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh thể hiện toàn bộ các khu vực được quy hoạch bảo tồn bao gồm: các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, hành lang đa dạng sinh học.
Bản đồ được xây dựng cần đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Bản đồ nền được sử dụng phải là bản đồ VN-2000 với tỷ lệ như sau:
- Tỷ lệ 1/100.000 cho quy mô toàn tỉnh;
- Tỷ lệ 1/50.000 đối với các khu bảo tồn có diện tích trên 30.000 ha;
- Tỷ lệ 1/25.000 đối với các khu bảo tồn có diện tích từ 10.000 ha đến 30.000 ha;
- Tỷ lệ 1/10.000 đối với các khu bảo tồn có diện tích dưới 10.000 ha.
Số lượng các loại bản đồ ở trên tùy thuộc vào điều kiện thực tế của tỉnh, ngoại trừ bản đồ quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh tỷ lệ 1/100.000 cho quy mô toàn tỉnh là loại bản đồ bắt buộc phải có.
b) Sử dụng các ký hiệu, màu sắc, mã số, phương pháp trình bày các yếu tố nội dung chuyên môn phải tuân thủ và phù hợp với các quy định kỹ thuật hiện hành của ngành đo đạc bản đồ và những chuyên ngành khác. Các ký hiệu này phải sử dụng một cách thống nhất cho các bản đồ cùng loại, tỷ lệ.
CÁC GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
3.1. CÁC GIẢI PHÁP
3.1.1. Giải pháp về vốn thực hiện quy hoạch
Nhu cầu vốn cần thiết để thực hiện quy hoạch sẽ được tính toán dựa trên phương án quy hoạch được lựa chọn và thiết kế trong nội dung quy hoạch và được phân theo lộ trình đầu tư cho từng giai đoạn 5 năm.
Nguồn vốn để thực hiện quy hoạch bảo tồn được xác định từ 3 nguồn chủ yếu: (1) vốn ngân sách (trung ương hoặc/và địa phương); (2) vốn huy động từ các nhà đầu tư và cộng đồng; (3) vốn tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế (bao gồm cả nguồn tài trợ từ các quỹ bảo vệ môi trường, quỹ bảo tồn...) và các nguồn vốn hợp pháp khác.
3.1.2. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực
Căn cứ vào số lượng và quy mô của các khu bảo tồn cũng như các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được quy hoạch trong tỉnh để tính toán được nhu cầu về nguồn nhân lực cũng như nhu cầu đào tạo.
Nhu cầu nhân lực và nhu cầu đào tạo, nâng cao nhận thức theo các cấp độ quản lý bảo tồn trong tỉnh: cán bộ quản lý cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; cán bộ quản lý trong các khu bảo tồn, cán bộ nghiên cứu trong các cơ sở bảo tồn, các kỹ thuật viên, công nhân và các cộng đồng sống trong và xung quanh các khu bảo tồn.
3.1.3. Giải pháp về khoa học - công nghệ
Đề xuất các hướng nghiên cứu về khoa học - công nghệ liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học trong tỉnh nhằm phục vụ cho việc xây dựng và quản lý các khu bảo tồn và các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được quy hoạch.
3.1.4. Giải pháp về cơ chế, chính sách
Xác định các chính sách mà tỉnh cần ban hành để thực hiện Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học sau khi được phê duyệt, như: Quy chế quản lý các khu bảo tồn cấp tỉnh, hướng dẫn công tác cứu hộ động vật hoang dã; chính sách hỗ trợ cộng đồng sống trong và quanh khu bảo tồn...
3.1.5. Giải pháp về hợp tác quốc tế
Đề xuất các khu bảo tồn có tiềm năng hợp tác quốc tế. Đặc biệt cần xác định các khu sẽ đăng ký các danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới, Vườn Di sản ASEAN, Khu Ramsar, khu Dự trữ sinh quyển, các khu bảo tồn xuyên biên giới. Đề xuất cơ chế hợp tác quốc tế đối với các khu bảo tồn có tiềm năng.
3.1.6. Giải pháp về tuyên truyền vận động
Đề xuất các biện pháp tuyên truyền vận động đến từng xã, từng thôn và từng người dân. Phương pháp tốt nhất để người dân có được thông tin về quy hoạch, hiểu được nội dung, mục đích của quy hoạch, và từ đó ủng hộ và tham gia tích cực vào công tác bảo tồn ĐDSH.
3.2. CÔNG BỐ QUY HOẠCH
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được Hội đồng nhân dân Tỉnh thông qua và Ủy ban nhân dân Tỉnh ra quyết định phê duyệt quy hoạch, Ủy ban nhân dân Tỉnh sẽ công bố quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh Long An trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân Tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và tại trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp có liên quan.
3.3. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
Để thực hiện quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng kế hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch trình Ủy ban nhân tỉnh thông qua và tổ chức thực hiện kế hoạch, đồng thời đề xuất việc điều chỉnh quy hoạch khi cần thiết.
3.3.1. Kế hoạch thực hiện
3.3.2. Kiến nghị về phân công thực hiện
- Phổ biến và hướng dẫn thực hiện quy hoạch
- Kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch
- Trách nhiệm của các Sở, Ban ngành và UBND các cấp có liên quan.
(Nội dung Báo cáo tổng hợp Quy hoạch theo bố cục hướng dẫn tại Phụ lục 1 đính kèm Công văn số 655/TCMT-BTĐDSH ngày 04/5/2013 của Tổng Cục Môi trường về Hướng dẫn lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương)
TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ CƯƠNG QUY HOẠCH
1. Tổ chức thực hiện quy hoạch
1.1 Tổ chức thực hiện quy hoạch
Quy hoạch phải được tổ chức thực hiện đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về hướng dẫn lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 92/2006/NĐ-CP; Thông tư số 15/2009/TT-BTNMT ngày 05/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định về Định mức kinh tế - kỹ thuật lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.
1.2. Quản lý thực hiện Đề cương quy hoạch
- Chủ đầu tư: Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Long An.
- Cơ quan lập Đề cương và dự toán kinh phí: Viện Nước và Công nghệ Môi trường - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
- Hình thức quản lý thực hiện: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý việc thực hiện các nội dung Đề cương được duyệt.
- Cơ quan phê duyệt Đề cương: Ủy ban nhân dân tỉnh Long An.
- Cơ quan phê duyệt Quy hoạch: Ủy ban nhân dân tỉnh Long An.
1.3. Tiến độ thực hiện quy hoạch
Tiến độ lập quy hoạch dự kiến như sau:
- Tháng 04/2015: Trình phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí thực hiện.
- Từ tháng 5/2015 đến tháng 7/2016: Triển khai tổ chức thực hiện và hoàn chỉnh báo cáo (15 tháng kể từ ngày ký hợp đồng).
- Tháng 8/2016: Tổ chức thẩm định và hoàn chỉnh tài liệu quy hoạch và nghiệm thu bàn giao sản phẩm.
- Tháng 9/2016 đến tháng 12/2016: Thông quan Hội đồng nhân dân tỉnh và trình UBND tỉnh phê duyệt tài liệu quy hoạch; Bàn giao sản phẩm,
Tổng thời gian thực hiện quy hoạch dự kiến khoảng: 15 tháng kể từ khi ký hợp đồng.
1.4. Mối quan hệ và trách nhiệm của các đơn vị có liên quan
a) Trách nhiệm của Chủ đầu tư
- Tổ chức lập và đề nghị cơ quan chức năng thẩm định, trình phê duyệt Đề cương, dự toán kinh phí.
- Ký kết và thực hiện hợp đồng với đơn vị thực hiện.
- Phối hợp với các sở ban ngành và chính quyền địa phương có liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị tư vấn thực hiện các hạng mục lập quy hoạch theo Đề cương được duyệt.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán theo quy định.
b) Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan
Để việc lập quy hoạch được triển khai đúng kế hoạch cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành có liên quan từ tỉnh đến huyện, xã trong toàn bộ quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện và đưa kết quả dự án vào sử dụng. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường xét duyệt nội dung, Sở tài chính xét duyệt dự toán, trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí và thẩm định Quy hoạch Bảo tồn Đa dạng sinh học tỉnh Long An đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
2. Đấu thầu tư vấn thực hiện
2.1. Các quy định về đấu thầu, chỉ định thầu
- Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013.
- Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 06 năm 2014 hướng dẫn thực hiện luật đấu thầu.
- Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học công nghệ.
2.2. Thực hiện đấu thầu
- Căn cứ kết quả Đề cương được phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành lập các thủ tục đấu thầu hoặc chỉ định thầu theo quy định tại Nghị định số Nghị định 63/2014/NĐ-CP, Hướng dẫn thực hiện luật đấu thầu, ngày 26 tháng 06 năm 2014.
- Căn cứ kết quả đấu thầu được duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thương thảo hợp đồng với đơn vị được trúng thầu và tổ chức thực hiện các hạng mục công trình theo kế hoạch đặt ra.
1. KẾT LUẬN
Quy hoạch bảo tồn ĐDSH của tỉnh Long An là hết sức cần thiết và rất cấp bách trong điều kiện hiện nay. Để có một sản phẩm quy hoạch tốt, có ảnh hưởng tích cực đối với sự phát triển bền vững cho nhiều thế hệ, thì nhà quy hoạch nhà quản lý cần thực hiện tuân thủ theo cách tiếp cận khoa học và tuân theo đầy đủ các nội dung như đã đề cập.
Trên cơ sở sự phân chia ranh giới, khu vực, sự lựa chọn giống loài để bảo vệ một cách khoa học, chọn khu BTTN Láng Sen làm trung tâm cốt lõi từ đó có cái nhìn tổng hợp về mối quan hệ mắt lưới có ảnh hưởng qua lại trong việc điều tiết nước và chuỗi thức ăn, sự cân bằng của quần thể, quần xã, hệ sinh thái đất ngập nước bên cạnh sự tham gia tác động của các chương trình phát triển kinh tế xã hội trong tỉnh.
Nội dung của dự án cũng bao hàm định hướng bảo tồn và khai thác bền vững các giá trị kinh tế của các vùng sinh thái, các khu bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học góp phần vào việc bảo tồn và bảo vệ sinh cảnh cũng như các loài động thực vật hoang dã. Cần chú ý kết hợp hài hòa với biến đổi khí hậu sẽ tác động đến vùng ven biển và cửa sông của tỉnh Long An.
Sản phẩm của dự án sẽ là rất cần thiết và hữu dụng cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức khoa học, các nhà khoa học, và công chúng quan tâm.
2. KIẾN NGHỊ
Để dự án được triển khai đúng tiến độ và kế hoạch đề ra, kính đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An sớm xem xét, phê duyệt Đề cương nhiệm vụ Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Trong quá trình lập quy hoạch, đề nghị các sở ban ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố quan tâm, hỗ trợ đơn vị tư vấn trong công tác thu thập số liệu, dữ liệu liên quan đến quy hoạch của từng ngành, nghề, từng huyện, thị xã, thị trấn thuộc tỉnh Long An để việc lập quy hoạch được hoàn thành đúng tiến độ đề ra và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà./.
DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC NHIỆM VỤ
Căn cứ lập dự toán kinh phí:
● Thông tư liên tịch số 160/2014/TTLT-BTC-BTNMT ngày 29/10/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ, dự án theo Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
● Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-BTNMT-BTC ngày 29/4/2008 của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn lập dự toán công tác bảo vệ môi trường thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường (sau đây gọi tắt là TT 01).
● Thông tư liên tịch số 45/2010/TTLT-BTC-BTNMT ngày 30/3/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn việc quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường (sau đây gọi tắt là TT 45).
● Thông tư số 18/2011/TT-BTNMT ngày 08 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về Ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật thành lập bản đồ môi trường (không khí, nước mặt lục địa, nước biển) xây dựng bằng phương pháp sử dụng bản đồ nền địa lý cơ sở kết hợp với đo đạc, quan trắc bổ sung số liệu ngoài thực địa (sau đây gọi tắt là TT 18);
Bảng dự toán kinh phí thực hiện Nhiệm vụ
Đơn vị tính: 1000 đồng
TT | Hạng mục | ĐVT | Số lượng | Đơn giá | Thành tiền | Căn cứ |
I | CHI PHÍ TRỰC TIẾP |
|
|
| 798.604 |
|
1 | Xây dựng đề cương Nhiệm vụ | N/vụ | 01 | 1.500 | 1.500 | TT 45 |
2 | Họp Hội đồng xét duyệt đề cương: |
|
|
| 4.800 |
|
2.1 | Chủ tịch Hội đồng | người | 01 | 300 | 300 | TT 45 |
2.2 | Thành viên, thư ký | người | 08 | 200 | 1.600 | TT 45 |
2.3 | Đại biểu được mời tham dự | người | 05 | 70 | 350 | TT 45 |
2.4 | Nhận xét đánh giá của UV phản biện | Bài viết | 02 | 400 | 800 | TT 45 |
2.5 | Nhận xét đánh giá của UV hội đồng | Bài viết | 07 | 250 | 1.750 | TT 45 |
3 | Thu thập dữ liệu sẵn có |
|
|
| 7.590 |
|
3.1 | Thu thập tài liệu, số liệu thứ cấp |
|
|
|
|
|
3.1.1 | Các chính sách có liên quan đến bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học của quốc gia và của tỉnh Long An | Công (KS3) | 4 | 172,5 | 690 | TT01 Phụ lục 2 |
3.1.2 | Các quy hoạch, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh; quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước; quy hoạch và kế hoạch quản lý các khu bảo tồn | Công (KS3) | 6 | 172,5 | 1.035 | TT01 Phụ lục 2 |
3.1.3 | Các quy hoạch, kế hoạch của các ngành liên quan như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, y tế, đất đai, giao thông, thủy lợi,... | Công (KS3) | 6 | 172,5 | 1.035 | TT01 Phụ lục 2 |
3.1.4 | Số liệu về hiện trạng ĐDSH, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh | Công (KS3) | 4 | 172,5 | 690 | TT01 Phụ lục 2 |
3.1.5 | Các tài liệu điều tra cơ bản về hệ sinh thái và các loài động thực vật hoang dã của tỉnh | Công (KS3) | 4 | 172,5 | 690 | TT01 Phụ lục 2 |
3.1.6 | Các niên giám thống kê hàng năm của tỉnh Long An | Công (KS3) | 4 | 172,5 | 690 | TT01 Phụ lục 2 |
3.2 | Thu thập các bản đồ: |
|
|
|
|
|
3.2.1 | Bản đồ quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước | Công (KS3) | 4 | 172,5 | 690 | TT01 Phụ lục 2 |
3.2.2 | Bản đồ phân bố các loài động thực vật quý hiếm của tỉnh | Công (KS3) | 4 | 172,5 | 690 | TT01 Phụ lục 2 |
3.2.3 | Bản đồ thảm thực vật của tỉnh | Công (KS3) | 4 | 172,5 | 690 | TT01 Phụ lục 2 |
3.2.3 | Bản đồ phân bố các cơ sở bảo tồn ĐDSH của tỉnh | Công (KS3) | 4 | 172,5 | 690 | TT01 Phụ lục 2 |
3.2.4 | Các bản đồ khác như: bản đồ hiện trạng và quy hoạch sử dụng đất, bản đồ thổ nhưỡng, bản đồ địa hình, bản đồ hành chính, bản đồ hiện trạng và quy hoạch 3 loại rừng | Đề nghị UBND Tỉnh chỉ đạo các Sở ban ngành có liên quan cung cấp miễn phí cho đơn vị tư vấn lập quy hoạch | ||||
4 | Điều tra, khảo sát bổ sung |
|
|
| 90.500 |
|
4.1 | Điều tra, khảo sát bổ sung khu hệ thực vật (tất cả các ngành thực vật): |
|
|
|
|
|
4.1.1 | Lập mẫu phiếu điều tra | Mẫu phiếu | 01 | 500 | 500 | TT45 |
4.1.2 | Chi cho đối tượng cung cấp thông tin |
|
|
|
|
|
| - Cá nhân | Phiếu | 200 | 30 | 6.000 | TT45 |
| - Tổ chức | Phiếu | 40 | 70 | 2.800 | TT45 |
4.1.3 | Chi cho điều tra viên: 0,5 công/phiếu x 240 phiếu | Công (KS3) | 120 | 172,5 | 20.700 | TT01 Phụ lục 2 |
4.2 | Điều tra, khảo sát bổ sung khu hệ động vật [Lớp thú, lớp chim, lớp bò sát, lớp lưỡng thê (ếch nhái), lớp cá, lớp giáp xác (tôm, cua), lớp ốc, lớp nhuyễn thể (2 mảnh vỏ), lớp ong]: |
|
|
|
|
|
4.2.1 | Lập mẫu phiếu điều tra | Mẫu phiếu | 01 | 500 | 500 | TT45 |
4.2.2 | Chi cho đối tượng cung cấp thông tin |
|
|
|
|
|
| - Cá nhân | Phiếu | 200 | 30 | 6.000 | TT45 |
| - Tổ chức | Phiếu | 40 | 70 | 2.800 | TT45 |
4.2.3 | Chi cho điều tra viên: 0,5 công/phiếu x 240 phiếu | Công (KS3) | 120 | 172,5 | 20.700 | TT01 Phụ lục 2 |
4.3 | Điều tra, khảo sát hiện trạng khai thác sử dụng và quản lý, bảo vệ tài nguyên ĐDSH |
|
|
|
|
|
4.3.1 | Lập mẫu phiếu điều tra | Mẫu phiếu | 02 | 500 | 1.000 | TT45 |
4.3.2 | Chi cho đối tượng cung cấp thông tin |
|
|
|
|
|
| - Cá nhân | Phiếu | 200 | 30 | 6.000 | TT45 |
| - Tổ chức | Phiếu | 40 | 70 | 2.800 | TT45 |
4.3.3 | Chi cho điều tra viên: 0,5 công/phiếu x 240 phiếu | Công (KS3) | 120 | 172,5 | 20.700 | TT01 Phụ lục 2 |
5 | Xử lý, phân tích số liệu |
|
|
| 32.000 |
|
5.1 | Số liệu và thông tin tổng hợp về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội có liên quan đến bảo tồn ĐDSH của tỉnh | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
5.2 | Số liệu về hiện trạng ĐDSH, các mối đe dọa đối với ĐDSH | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
5.3 | Thông tin về tình hình quản lý, bảo vệ ĐDSH của tỉnh | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
5.4 | Các vấn đề ưu tiên đối với bảo tồn ĐDSH ở tỉnh | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6 | Xây dựng các nội dung chuyên môn phục vụ quy hoạch |
|
|
| 290.532 |
|
6.1 | Đánh giá điều kiện tự nhiên có liên quan đến bảo tồn ĐDSH của tỉnh: |
|
|
|
|
|
6.1.1 | Phân tích tầm quan trọng và những đặc điểm thuận lợi, khó khăn về vị trí địa lý của tỉnh trong công tác bảo tồn ĐDSH | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.1.2 | Phân tích các dạng địa hình, độ cao, độ dốc ảnh hưởng tới ĐDSH | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.1.3 | Phân tích đặc điểm và hiện trạng, định hướng sử dụng đất có ảnh hưởng đến bảo tồn ĐDSH | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.1.3 | Phân tích về nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm, chế độ thủy văn, hải văn có ảnh hưởng đến ĐDSH | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.2 | Đánh giá đặc điểm kinh tế - xã hội có liên quan đến bảo tồn ĐDSH của tỉnh |
|
|
|
|
|
6.2.1 | Phân tích các đặc điểm kinh tế, văn hóa và xã hội có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học như: dân số, dân tộc, trình độ văn hóa, tỷ lệ nghèo đói, thu nhập bình quân, sinh kế,... | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.2.2 | Đánh giá công tác đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học: | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
| Thống kê các hạng mục đầu tư cho công tác quản lý, bảo tồn, khai thác, sử dụng tài nguyên ĐDSH ở tỉnh trong 5 năm gần đây |
|
|
|
|
|
| Phân tích, đánh giá hiệu quả của việc đầu tư đối với công tác quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học |
|
|
|
|
|
| Đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện mức đầu tư, quản lý và sử dụng vốn đầu tư và phát huy hiệu quả đầu tư cho quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học |
|
|
|
|
|
6.2.3 | Đánh giá sự phụ thuộc sinh kế vào nguồn lợi ĐDSH của cộng đồng dân cư trong vùng quy hoạch; Những lợi ích mà các cộng đồng dân cư được hưởng từ việc khai thác, sử dụng tài nguyên ĐDSH; Những tác động (tích cực và tiêu cực) của các cộng đồng dân cư này đối với tài nguyên ĐDSH | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.2.4 | Đánh giá kiến thức bản địa trong quản lý ĐDSH: Bảo vệ, khai thác, sử dụng và khả năng ứng dụng những kiến thức này trong công tác quản lý ĐDSH; Sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn ĐDSH | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.2.5 | Đề xuất các giải pháp thu hút sự tham gia của các cộng đồng dân cư trong bảo tồn và sử dụng bền vững các tài nguyên đa dạng sinh học | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.2.6 | Đánh giá vị trí, vai trò của công tác bảo tồn ĐDSH đối với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.3 | Đánh giá hiện trạng các hệ sinh thái và các vấn đề ưu tiên đối với bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh |
|
|
|
|
|
6.3.1 | Tổng hợp, thống kê các kiểu loại, diện tích, phân bố các hệ sinh thái tự nhiên điển hình của tỉnh, gồm: các hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái vùng cửa sông | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.3.2 | Mô tả đặc điểm cấu trúc các kiểu hệ sinh thái, đánh giá chất lượng ĐDSH của HST, diễn biến và xu hướng của HST về diện tích và chất lượng | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.3.3 | Đánh giá hiện trạng và các ưu tiên bảo tồn ĐDSH của tỉnh (hành lang đa dạng sinh học, khu bảo tồn,...) | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.4 | Thống kê và đánh giá khu hệ thực vật |
|
|
|
|
|
6.4.1 | Tổng hợp, thống kê thành phần loài, phân bố các loài thực vật, hình ảnh về các loài thực vật | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.4.2 | Phân tích tính đặc trưng của khu hệ thực vật | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.4.3 | Đánh giá các loài thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ (thành phần, phân bố, số lượng, diễn biến, tình trạng quản lý, bảo vệ...) | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.4.4 | Đánh giá giá trị tài nguyên của khu hệ thực vật | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.5 | Thống kê và đánh giá khu hệ động vật |
|
|
|
|
|
6.5.1 | Tổng hợp, thống kê hệ động vật bao gồm các lớp: Lớp thú, lớp chim, lớp bò sát, lớp lưỡng thê, lớp cá, giáp xác, ốc, nhuyễn thể, ong | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.5.2 | Đánh giá vùng phân bố các loài động vật trên địa bàn tỉnh Long An | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.5.3 | Phân tích tính đặc trưng của khu hệ động vật tỉnh Long An | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.5.4 | Đánh giá các loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm (về các mặt: thành phần, phân bố, số lượng, diễn biến, tình hình quản lý, bảo vệ...) | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.6 | Đánh giá hiện trạng quản lý đa dạng sinh học của tỉnh |
|
|
|
|
|
6.6.1 | Đánh giá các chủ trương, chính sách có liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.6.2 | Phân tích hệ thống quản lý đa dạng sinh học của tỉnh về tổ chức quản lý, lực lượng quản lý, những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ thách thức | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.6.3 | Phân tích các bên liên quan và vai trò của các bên trong quản lý ĐDSH | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.6.4 | Đánh giá tác động của các chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng, tỉnh và quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đối với công tác quy hoạch bảo tồn ĐDSH của tỉnh Long An | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.7 | Tổng quan các phương pháp bảo tồn chuyển chỗ và bảo vệ và phát triển bền vững HST tự nhiên trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho tỉnh Long An |
|
|
|
|
|
6.7.1 | Tổng quan hiện trạng và các phương pháp bảo tồn chuyển chỗ đang áp dụng trên thế giới | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.7.2 | Tổng quan về hiện trạng tổ chức bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên trên thế giới | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.7.3 | Đề xuất các bài học kinh nghiệm cho công tác bảo tồn của tỉnh và đưa ra các khuyến nghị áp dụng trong xây dựng và thực hiện quy hoạch | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.8 | Dự báo về diễn biến ĐDSH của tỉnh Long An và các yếu tố ảnh hưởng đến công tác bảo tồn ĐDSH của tỉnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 |
|
|
|
|
|
6.8.1 | Dự báo diễn biến ĐDSH của tỉnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030: dựa vào các chỉ số như các nhóm loài quý hiếm (gắn với sinh cảnh), dự báo thay đổi của sinh cảnh, thay đổi loài, xác định loài chủ chốt của sinh cảnh... | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.8.2 | Dự báo ảnh hưởng của các phương án phát triển kinh tế - xã hội toàn quốc, vùng và tỉnh đối với bảo tồn ĐDSH của tỉnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.8.3 | Dự báo các tác động của biến đổi khí hậu (theo các kịch bản biến đổi khí hậu) đối với bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
6.9 | Xây dựng bản đồ hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Long An |
|
|
|
|
|
| - Biên tập khoa học (KS5) | Công | 16,9 | 210,5 | 3.554 | TT18 + TT01 (Định mức công xem Phụ lục 3) |
| - Công tác chuẩn bị (KS3) | Công | 17,3 | 172,5 | 2.986 | |
| - Công tác tổng hợp, phân tích và làm giàu dữ liệu (KS5) | Công | 13,5 | 210,5 | 2.842 | |
| - Biên tập bản đồ gốc tác giả (KS3) | Công | 118,2 | 172,5 | 20.386 | |
| - Biên tập phục vụ chế in (KS4) | Công | 43,9 | 191,5 | 8.405 | |
| - Chế in và in bản đồ (CN5) | Công | 19,3 | 210,5 | 4.054 | |
| - Tạo lập metadata (KS4) | Công | 1,6 | 191,5 | 305 | |
7 | Xây dựng nội dung quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Long An |
|
|
| 272.532 |
|
7.1 | Xây dựng luận chứng quan điểm bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Long An | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
7.2 | Xây dựng các mục tiêu, tầm nhìn cho công tác bảo tồn ĐDSH tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến 2030 | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
7.3 | Xây dựng các phương án quy hoạch và đề xuất lựa chọn phương án tối ưu: |
|
|
|
|
|
7.3.1 | Xác định các phương án/kịch bản quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh và luận chứng để lựa chọn phương án tối ưu nhất | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
7.3.2 | Đánh giá tính khả thi của phương án quy hoạch về kinh tế, xã hội và MT | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
7.3.3 | Đánh giá sự phù hợp của phương án quy hoạch với các quan điểm và mục tiêu bảo tồn đã được xây dựng | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
7.3.4 | Đánh giá sự cân đối trong phương án quy hoạch để thỏa mãn ba mục đích: Bảo tồn, sử dụng, phát triển bền vững và chia sẻ công bằng (về trách nhiệm và lợi ích) đối với nguồn tài nguyên ĐDSH | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
7.3.5 | Đánh giá mức độ hài hòa giữa các mục tiêu bảo tồn với các mục tiêu phát triển khác của xã hội đảm bảo huy động tối đa sự tham gia của các bên liên quan | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
7.3.6 | Đánh giá sự cân bằng trong quyền lợi của các bên, bảo đảm quyền lợi quốc gia và tỉnh, đồng thời chú trọng thỏa đáng tới lợi ích các ngành và đặc biệt là lợi ích cộng đồng và người dân bản địa | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
7.4 | Thiết kế quy hoạch theo phương án tối ưu được chọn: |
|
|
|
|
|
7.4.1 | Quy hoạch hành lang ĐDSH (Số lượng, diện tích, vị trí địa lý, giới hạn, các biện pháp tổ chức, quản lý, bảo vệ hành lang đa dạng sinh học) | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
7.4.2 | Quy hoạch bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái đặc thù của tỉnh: rừng tự nhiên, các khu đất ngập nước, các vùng đất chưa sử dụng,... | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
7.4.3 | Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn tại vị (in-situ): | Chuyên đề | 04 | 8.000 | 32.000 | TT45 |
| - Khu bảo tồn cấp quốc gia |
|
|
|
|
|
| - Khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh |
|
|
|
|
|
| - Khu bảo tồn loài, sinh cảnh cấp tỉnh |
|
|
|
|
|
| - Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh |
|
|
|
|
|
7.4.4 | Quy hoạch bảo tồn chuyển chỗ: Các vườn thực vật, các vườn động vật, các trung tâm cứu hộ, các nhà bảo tàng thiên nhiên, các vườn sưu tập cây thuốc, các ngân hàng gen, các cơ sở bảo tồn ĐDSH khác | Chuyên đề | 07 | 8.000 | 56.000 | TT45 |
7.5 | Xây dựng bản đồ quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 |
|
|
|
|
|
| - Biên tập khoa học (KS5) | Công | 16,9 | 210,5 | 3.554 | TT18 + TT01 (Định mức công xem Phụ lục 3) |
| - Công tác chuẩn bị (KS3) | Công | 17,3 | 172,5 | 2.986 | |
| - Công tác tổng hợp, phân tích và làm giàu dữ liệu (KS5) | Công | 13,5 | 210,5 | 2.842 | |
| - Biên tập bản đồ gốc tác giả (KS3) | Công | 118,2 | 172,5 | 20.386 | |
| - Biên tập phục vụ chế in (KS4) | Công | 43,9 | 191,5 | 8.405 | |
| - Chế in và in bản đồ (CN5) | Công | 19,3 | 210,5 | 4.054 | |
| - Tạo lập metadata (KS4) | Công | 1,6 | 191,5 | 305 | |
7.6 | Xây dựng các dự án ưu tiên cho công tác bảo tồn ĐDSH tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến 2030 | Chuyên đề | 01 | 8.000 | 8.000 | TT45 |
7.7 | Xây dựng các giải pháp và tổ chức thực hiện quy hoạch: | Chuyên đề | 09 | 6.000 | 54.000 | TT45 |
| - Giải pháp về vốn thực hiện QH |
|
|
|
|
|
| - Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực |
|
|
|
|
|
| - Giải pháp về khoa học - công nghệ |
|
|
|
|
|
| - Giải pháp về cơ chế, chính sách |
|
|
|
|
|
| - Giải pháp về hợp tác quốc tế |
|
|
|
|
|
| - Giải pháp về tuyên truyền vận động |
|
|
|
|
|
| - Tổ chức thực hiện quy hoạch |
|
|
|
|
|
| - Kế hoạch thực hiện quy hoạch |
|
|
|
|
|
| - Phân công thực hiện quy hoạch |
|
|
|
|
|
8 | Viết báo cáo tổng hợp Nhiệm vụ | Báo cáo | 01 | 12.000 | 12.000 | TT 45 |
9 | Chi hội thảo, tổng kết nghiệm thu Nhiệm vụ |
|
|
| 10.150 |
|
9.1 | Hội thảo góp ý quy hoạch: |
|
|
|
|
|
| Chủ trì Hôi thảo: | Người | 01 | 300 | 300 | TT 45 |
| Thư ký Hội thảo: | Người | 03 | 100 | 300 | TT 45 |
| Báo cáo tham luận theo đơn đặt hàng: | Báo cáo | 04 | 300 | 1.200 | TT 45 |
| Đại biểu được mời tham dự: | Người | 30 | 70 | 2.100 | TT 45 |
9.2 | Họp Hội đồng nghiệm thu Nhiệm vụ |
|
|
|
|
|
| Chủ tịch Hội đồng | Người | 01 | 400 | 400 | TT 45 |
| Thành viên, thư ký: | Người | 08 | 300 | 2.400 | TT 45 |
| Đại biểu được mời tham dự: | Người | 05 | 70 | 350 | TT 45 |
| Nhận xét đánh giá của UV phản biện: | Bài viết | 02 | 500 | 1.000 | TT 45 |
| Nhận xét đánh giá của UV hội đồng: | Bài viết | 07 | 300 | 2.100 | TT 45 |
10 | Chi phí khác |
|
|
| 77.000 |
|
10.1 | Thuê ô tô điều tra khảo sát (lộ trình TPHCM - Long An) | Ngày | 20 | 1.800 | 36.000 | Thực tế |
10.2 | Hỗ trợ tiền xăng xe, công tác phí cho cán bộ điều tra khảo sát | Người/ ngày | 360 | 100 | 36.000 | Thực tế |
10.3 | In ấn, photocopy tài liệu, sản phẩm của Nhiệm vụ |
|
|
| 5.000 | Thực tế |
II | CHI PHÍ QUẢN LÝ CHUNG (20% chi phí trực tiếp) |
|
|
| 159.721 | TT01 |
| Tổng dự toán trước thuế |
|
|
| 958.325 |
|
| Thuế VAT 10% |
|
|
| 95.832 |
|
| Tổng dự toán bao gồm cả thuế VAT |
|
|
| 1.054.157 |
|
ĐƠN GIÁ NGÀY CÔNG LAO ĐỘNG KỸ THUẬT
(Theo Thông tư Liên tịch số 01/2008/TTLT-BTNMT-BTC ngày 29/4/2008 giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính)
Công thức tính:
Đơn giá ngày công lao động kỹ thuật | = | Tiền lương 1 tháng theo cấp bậc kỹ thuật trong định mức | + | Các quản khoản phụ cấp trong 1 tháng theo chế độ |
26 ngày |
Trong đó:
● Tiền lương 1 tháng theo cấp bậc kỹ thuật quy định trong định mức thực hiện theo hệ số lương ban hành tại Nghị định 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ và mức lương tối thiểu theo quy định hiện hành (1.150.000 đồng/hệ số/tháng)
● Các khoản phụ cấp trong 1 tháng bao gồm:
- Lương phụ: tính bằng 11% lương cấp bậc kỹ thuật;
- Các khoản đóng góp (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn): tính bằng 19% lương cấp bậc kỹ thuật.
BẢNG TÍNH LƯƠNG NGÀY CÔNG LAO ĐỘNG KỸ THUẬT CỦA NHIỆM VỤ
(Mức lương tối thiểu áp dụng: 1.150.000 đồng/hệ số/tháng)
Bậc lương | Hệ số | Lương tháng theo cấp bậc | Lương phụ (0.11 lương tháng) | Các khoản đóng góp (0.19 lương tháng) | Tổng lương tháng | Lương ngày công |
(1) | (2) | (3) = (2)x 1.050.000 | (4) = (3)x0,11 | (5) = (3)x0,19 | (6) = (3) + (4)+ (5) | (7) = (6)/26 |
Kỹ sư bậc 1 | 2,34 | 2.691.000 | 296.010 | 511.290 | 3.498.300 | 134.550 |
Kỹ sư bậc 2 | 2,67 | 3.070.500 | 337.755 | 583.395 | 3.991.650 | 153.525 |
Kỹ sư bậc 3 | 3,00 | 3.450.000 | 379.500 | 655.500 | 4.485.000 | 172.500 |
Kỹ sư bậc 4 | 3,33 | 3.829.500 | 421.245 | 727.605 | 4.978.350 | 191.475 |
Kỹ sư bậc 5 | 3,66 | 4.209.000 | 462.990 | 799.710 | 5.471.700 | 210.450 |
Kỹ sư bậc 6 | 3,99 | 4.588.500 | 504.735 | 871.815 | 5.965.050 | 229.425 |
Kỹ sư bậc 7 | 4,32 | 4.968.000 | 546.480 | 943.920 | 6.458.400 | 248.400 |
Kỹ sư bậc 8 | 4,65 | 5.347.500 | 588.225 | 1.016.025 | 6.951.750 | 267.375 |
Kỹ sư bậc 9 | 4,98 | 5.727.000 | 629.970 | 1.088.130 | 7.445.100 | 286.350 |
ĐỊNH MỨC CÔNG THÀNH LẬP BẢN ĐỒ MÔI TRƯỜNG
Bản đồ GIS về hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Long An
(Tham khảo theo Định mức xây dựng bản đồ môi trường nước mặt lục địa theo Thông tư số 18/2011/TT-BTNMT ngày 08 tháng 6 năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Định mức: Công/mảnh: khổ A1 (54 x 78) cm.
Tỷ lệ bản đồ: 1/100.000 (Tỷ lệ nhóm 2)
Số mảnh bản đồ: tương đương 1,07 mảnh (toàn tỉnh Long An rộng 4492 km2)
TT | Công việc | Định biên | Mức độ khó khăn | Tỷ lệ 2 (công/mảnh) | Số mảnh bản đồ | Tổng số công |
01 | Biên tập khoa học | KS5 | 2 | 15,78 | 1,07 | 16.9 |
02 | Công tác chuẩn bị | KS3 | 1 | 16,18 | 1,07 | 17.3 |
03 | Công tác tổng hợp, phân tích và làm giàu dữ liệu | KS5 | 2 | 12,62 | 1,07 | 13.5 |
04 | Biên tập bản đồ gốc tác giả | KS3 | 2 | 110,45 | 1,07 | 118.2 |
05 | Biên tập phục vụ chế in | KS4 | 2 | 41,02 | 1,07 | 43.9 |
06 | Chế in và in bản đồ | CN5 | - | 18,00 | 1,07 | 19.3 |
07 | Tạo lập metadata | KS4 | - | 1,49 | 1,07 | 1.6 |
- 1Quyết định 2223/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 2Quyết định 128/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề cương nhiệm vụ Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bình Định giai đoạn 2015 - 2025 và định hướng đến năm 2030
- 3Nghị quyết 187/NQ-HĐND năm 2015 thông qua Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 4Quyết định 1870/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt đề cương, dự toán dự án quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 5Quyết định 1417/QĐ-UBND năm 2016 về điều chỉnh nguồn vốn và giao vốn thực hiện dự án quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Thanh Hóa đến 2025, định hướng 2030
- 6Quyết định 273/QĐ-UBND phê duyệt Đề án tổ chức Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia - Quảng Nam 2024
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Nghị định 205/2004/NĐ-CP quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước
- 3Thông tư 28/2004/TT-BTNMT hướng dẫn thống kê, kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 4Quyết định 79/2007/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thực hiện Công ước Đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành.
- 5Nghị định 109/2003/NĐ-CP về việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước
- 6Quyết định 256/2003/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Luật Thủy sản 2003
- 8Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 9Quyết định 153/2004/QĐ-TTg ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004
- 11Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 12Thông tư liên tịch 01/2008/TTLT-BTNMT-BTC hướng dẫn lập dự toán công tác bảo vệ môi trường thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài chính ban hành
- 13Luật đa dạng sinh học 2008
- 14Thông tư 15/2009/TT-BTNMT về định mức kinh tế - kỹ thuật lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tài nguyên nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 15Thông tư liên tịch 45/2010/TTLT-BTC-BTNMT hướng dẫn việc quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường do Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 16Nghị định 65/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đa dạng sinh học
- 17Thông tư 18/2011/TT-BTNMT quy định về Định mức kinh tế - kỹ thuật thành lập bản đồ môi trường (không khí, nước mặt lục địa, nước biển) xây dựng bằng phương pháp sử dụng bản đồ nền cơ sở địa lý kết hợp với đo đạc, quan trắc bổ sung số liệu ngoài thực địa do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 18Thông tư 01/2012/TT-BKHĐT hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 19Quyết định 1250/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 20Công văn 655/TCMT-BTĐDSH năm 2013 hướng dẫn lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Tổng cục Môi trường ban hành
- 21Thông tư 05/2013/TT-BKHĐT hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 22Nghị định 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ
- 23Luật đất đai 2013
- 24Luật đấu thầu 2013
- 25Quyết định 45/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 26Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu
- 27Luật bảo vệ môi trường 2014
- 28Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính hoạt động khoa học và công nghệ
- 29Thông tư liên tịch 160/2014/TTLT-BTC-BTNMT hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ, dự án theo Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 30Quyết định 2223/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 31Quyết định 128/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề cương nhiệm vụ Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bình Định giai đoạn 2015 - 2025 và định hướng đến năm 2030
- 32Nghị quyết 187/NQ-HĐND năm 2015 thông qua Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 33Quyết định 1870/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt đề cương, dự toán dự án quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 34Quyết định 1417/QĐ-UBND năm 2016 về điều chỉnh nguồn vốn và giao vốn thực hiện dự án quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Thanh Hóa đến 2025, định hướng 2030
- 35Quyết định 273/QĐ-UBND phê duyệt Đề án tổ chức Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia - Quảng Nam 2024
Quyết định 1240/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt đề cương Dự án Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- Số hiệu: 1240/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 13/04/2015
- Nơi ban hành: Tỉnh Long An
- Người ký: Nguyễn Thanh Nguyên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/04/2015
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra