BỘ TÀI NGUYÊN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 655/TCMT-BTĐDSH | Hà Nội, ngày 04 tháng 05 năm 2013 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Theo Luật Đa dạng sinh học năm 2008 tại khoản 1 Điều 14 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập, thẩm định, điều chỉnh quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua.
Thời gian qua, do nhu cầu cấp bách về bảo tồn đa dạng sinh học, một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là cấp tỉnh) đã tiến hành lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, nhiều địa phương đang nghiên cứu chuẩn bị• xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của địa phương. Tuy nhiên, do quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học là lĩnh vực mới, lần đầu được triển khai, nên nhiều địa phương đã có văn bản đề nghị Tổng cục Môi trường hướng dẫn lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu của thực tế, cũng như đảm bảo sự phù hợp, thống nhất về cấu trúc, định hướng, nội dung với quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến 2020 và định hướng đến 2030 đang được Tổng cục Môi trường xây dựng. Tổng cục Môi trường trân trọng gửi tới Quý Ủy ban bản Hướng dẫn quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đề nghị các địa phương nghiên cứu áp dụng trong quá trình lập quy hoạch bảo tồn đa đạng sinh học của địa phương mình.
Trong quá trình triển khai thực tế, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị có văn bản phản hồi về Tổng cục Môi trường để nghiên cứu, điều chỉnh.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Ủy ban./.
Nơi nhận: | TỔNG CỤC TRƯỞNG |
LẬP QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
(Ban hành kèm theo Công văn số 655/TCMT-ĐDSH, ngày 04 tháng 5 năm 2013 của Tổng Cục Môi trường)
1. Phạm vi điều chỉnh
Tài liệu này hướng dẫn các nội dung, phương pháp, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) theo quy định tại Mục 2 (Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15) của Luật Đa dạng sinh học (2008).
2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng của bản hướng dẫn này bao gồm:
1. Cơ quan nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.
2. Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có chức năng hoặc liên quan đến tư vấn, xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam.
3. Giải thích từ ngữ
Trong hướng dẫn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Đa dạng sinh học là sự phong phú về gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên.
2. Bảo tồn đa dạng sinh học là việc bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện; bảo vệ môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của loài hoang dã, cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên; nuôi, trồng, chăm sóc loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ và bảo quản lâu dài các mẫu vật di truyền.
3. Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh là luận chứng, lựa chọn phương án bảo tồn đa dạng sinh học bền vững trong thời kỳ dài hạn trên phạm vi lãnh thổ của địa phương.
4. Bảo tồn tại chỗ là bảo tồn loài hoang đã trong môi trường sống tự nhiên của chúng; bảo tồn loài cây trồng, vật nuôi đặc hữu, có giá trị trong môi trường sống, nơi hình thành và phát triển các đặc điểm đặc trưng của chúng;
5. Bảo tồn chuyển chỗ là bảo tồn loài hoang dã ngoài môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của chúng; bảo tồn loài cây trồng, vật nuôi đặc hữu, có giá trị ngoài môi trường sống, nơi hình thành và phát triển các đặc điểm đặc trưng của chúng; lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền trong các cơ sở khoa học và công nghệ hoặc cơ sở lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền.
6. Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học là cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, cứu hộ, nhân giống loài hoang dã, cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu có giá trị; lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền phục vụ mục đích bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.
7. Hành lang đa dạng sinh học là khu vực nối liền các vùng sinh thái tự nhiên cho phép các loài sinh vật sống trong các vùng sinh thái đó có thể liên hệ với nhau.
4. Thời kỳ lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh
Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh lập cho thời kỳ 10 năm, có tầm nhìn từ 15 - 20 năm, thể hiện cho từng thời kỳ 5 năm và được rà soát, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và quy hoạch tổng thể bảo tồn đã dạng sinh học của cả nước.
Thời gian xây dựng và trình duyệt quy hoạch phổ biến là 1 năm (kể từ khi đề cương và dự toán nhiệm vụ được phê duyệt), nếu phải kéo dài do các nguyên nhân khác nhau thì cũng không quá 2 năm.
5. Căn cứ lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh
1. Quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương còn hiệu lực trong kỳ quy hoạch.
2. Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước còn hiệu lực trong kỳ quy hoạch.
3. Quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn hiệu lực trong kỳ quy hoạch.
4. Kết quả thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của địa phương kỳ trước đó.
5. Hiện trạng đa dạng sinh học, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương nơi dự kiến thành lập khu bảo tồn.
6. Nhu cầu bảo tồn, khai thác tài nguyên đa dạng sinh học của địa phương.
7. Nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
6. Thủ tục lập, thẩm định, thông qua và phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm lập, trình thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thủ tục lập, thẩm định và thông qua quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh theo trình tự, thủ tục sau đây:
a) Thu thập tài liệu đã có, tổ chức điều tra bổ sung, xác định nhu cầu bảo tồn đa dạng sinh học và lập hồ sơ quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
b) Lấy ý kiến của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan;
c) Tổ chức tham vấn cộng đồng địa phương có liên quan trong khu vực quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, ví dụ như tổ chức hội nghị, hội thảo để tham vấn cộng đồng hoặc đưa lên website của Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc UBND tỉnh;
d) Thẩm định dự án quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh (theo hướng dẫn quy định tại nội dung 2 mục 6);
e) Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua dự án quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành và chủ trì việc thẩm định. Hội đồng thẩm định liên ngành chịu trách nhiệm thẩm định về nội dung, tính khả thi của dự án quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh.
Thành phần của Hội đồng thẩm định liên ngành gồm tối thiểu 9 thành viên: Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; các thành viên là lãnh đạo của các sở, ban, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế; đại diện cấp Vụ của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường và chuyên gia trong lĩnh vực đa dạng sinh học.
Hội đồng thẩm định liên ngành tổ chức họp thẩm định khi có từ 2/3 số thành viên hội đồng có mặt và quyết định theo đa số.
3. Hồ sơ trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh gồm có:
a) Tờ trình xin thông qua quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh;
b) Các báo cáo dự án quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh (có kèm theo hệ thống bản đồ hiện trạng và quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học);
c) Văn bản của Hội đồng thẩm định liên ngành, bao gồm:
- Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành của Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Biên bản cuộc họp thẩm định của Hội đồng liên ngành;
d) Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với dự án quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh đã được thẩm định (nếu có);
e) Ý kiến của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan.
4. Phê duyệt và thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh
Sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua, Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch.
Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh gồm có:
a) Tờ trình xin phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh;
b) Các báo cáo dự án quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh (có kèm theo hệ thống bản đồ hiện trạng và quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học);
c) Nghị quyết thông qua quy hoạch của Hội đồng nhân dân cùng cấp;
d) Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với dự án quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh đã được thẩm định (nếu có);
e) Ý kiến của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan.
7. Trình tự lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh
Việc lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh thực hiện theo các bước chính như sau:
Bước 1. Đánh giá các điều kiện phục vụ lập quy hoạch: bao gồm các hoạt động như: thu thập, xử lý các kết quả điều tra cơ bản đã có, các tài liệu và chiến lược, quy hoạch có liên quan; tổ chức điều tra, khảo sát bổ sung ngoài hiện trường để cập nhật tư liệu, số liệu liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương; nghiên cứu tác động của các yếu tố bên ngoài; tác động của các chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng, tỉnh và quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đối với quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh. Chi tiết của bước này được trình bày trong Phần II.I.1. và II.I.2.
Bước 2. Phân tích số liệu, xây dựng hồ sơ hiện trạng về bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: bao gồm các hoạt động xử lý và phân tích số liệu để xây dựng các nội dung chuyên môn phục vụ quy hoạch. Chi tiết của bước này được trình bày trong Phần II.I.3.
Bước 3. Nghiên cứu các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu được xác định trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương và quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước để làm cơ sở cho việc xây dựng các quan điểm, mục tiêu và tầm nhìn bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chi tiết của bước này được trình bày trong Phần II.II.2.1; Phần II.II.2.2 va Phần II.II.2.3;
Bước 4. Xây dựng các phương án quy hoạch và lựa chọn phương án tối ưu. Chi tiết của bước này được trình bày trong Phần II.II.2.4;
Bước 5. Thiết kế quy hoạch theo phương án chọn: Bao gồm các hoạt động: xây dựng định hướng tổ chức không gian cho công tác bảo tồn; danh mục các dự án ưu tiên và các giải pháp thực hiện quy hoạch. Chi tiết của bước này được trình bày trong Phần II.II.2.5; Phần II.II.2.6; Phần II.II.2.7 và Phần II.II.2.8.
8. Trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh
1. Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh được điều chỉnh một trong các trường hợp sau đây:
a) Yêu cầu điều chỉnh mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, ngành, địa phương; quốc phòng, an ninh;
b) Khi có sự điều chỉnh của một trong các quy hoạch sau: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học cả nước, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước;
c) Cần thiết phải thực hiện các dự án quan trọng quốc gia sau khi đã xem xét các phương án khác nhưng không thể thay thế được;
d) Các trường hợp đặc biệt khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Cơ quan lập, thẩm định, thông qua và phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học có trách nhiệm lập, thẩm định, thông qua và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.
3. Trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh được thực hiện theo quy định về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh quy định tại Mục 6 và Mục 7 phần I của tài liệu Hướng dẫn này.
4. Các nội dung điều chỉnh của quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh phải được công bố công khai.
9. Định mức kinh phí cho việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh
Định mức kinh phí cho việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh được xây dựng theo quy định hiện hành của Nhà nước (Thông tư số 01/2012/TT-BKHĐT ngày 9/02/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu).
LẬP QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
I. Đánh giá các điều kiện phục vụ lập quy hoạch
1. Thu thập và phân tích các tài liệu, số liệu và bản đồ có liên quan
1.1. Tài liệu và số liệu thứ cấp:
- Các chính sách có liên quan đến bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học quốc gia và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Các quy hoạch, kế hoạch về phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương; quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước; quy hoạch và kế hoạch quản lý các khu bảo tồn;
- Các quy hoạch, kế hoạch của các ngành liên quan (nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, y tế, đất đai, giao thông, thủy lợi, thủy điện, biển và hải đảo,...);
- Kết quả thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học (kỳ trước nếu có) của địa phương.
- Số liệu và hiện trạng đa dạng sinh học, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của địa phương.
- Các tài liệu điều tra cơ bản về hệ sinh thái và các loài động thực vật hoang dã của địa phương;
- Các niên giám thống kê hàng năm của địa phương.
1.2. Các bản đồ
- Bản đồ quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước;
- Bản đồ quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của địa phương (kỳ trước nếu có);
- Bản đồ phân bố các loài động thực vật quý hiếm của địa phương;
- Bản đồ thảm thực vật của địa phương;
- Bản đồ phân bố các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học của địa phương.
- Các bản đồ khác như: bản đồ hiện trạng và quy hoạch sử dụng đất/sử dụng biển của địa phương, bản đồ thổ nhưỡng, bản đồ địa hình, bản đồ sinh khí hậu của địa phương, bản đồ hiện trạng và quy hoạch 3 loại rừng...
2. Tổ chức điều tra, khảo sát bổ sung số liệu
Dựa trên kết quả phân tích các tài liệu, số liệu và bản đồ thứ cấp, tổ chức điều tra, khảo sát bổ sung các thông tin, số liệu còn thiếu hoặc đã cũ (với những thông tin quá 5 năm về trước đối với các tài liệu, thông tin về điều kiện tự nhiên và đa dạng sinh học; quá 1 năm đối với các tài liệu và thông tin về kinh tế-xã hội). Việc cập nhật và bổ sung số liệu chủ yếu dựa trên phương pháp chuyên gia và khảo sát bổ sung trên thực địa. Đặc biệt, đối với trường hợp một số khu bảo tồn đã được đề xuất hoặc đề xuất mới trong quy hoạch nhưng chưa có số liệu điều tra cơ bản thì phải lập kế hoạch tổ chức điều tra đa dạng sinh học và lập bản đồ hiện trạng đa dạng sinh học.
3. Phân tích số liệu, xây dựng hồ sơ hiện trạng về bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
3.1. Xử lý và phân tích số liệu
Các số liệu được phân tích và đánh giá dựa trên các chủ đề chính, bao gồm:
- Số liệu và thông tin tổng hợp về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học của địa phương;
- Số liệu về hiện trạng đa dạng sinh học; các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học;
- Thông tin về tình hình quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học của địa phương;
- Các vấn đề ưu tiên đối với bảo tồn đa dạng sinh học ở địa phương.
3.2. Xây dựng các nội dung chuyên môn phục vụ quy hoạch
Để phục vụ xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, cần thực hiện đánh giá tổng thể về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, hiện trạng và nhu cầu bảo tồn đa dạng sinh học của địa phương. Các nội dung đánh giá được xây dựng dựa trên kết quả xử lý và phân tích số liệu ở trên, bao gồm các nội dung và sản phẩm kèm theo như sau:
(1). Nội dung 1: Đánh giá điều kiện tự nhiên có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học của địa phương.
* Yêu cầu về nội dung
Nội dung đánh giá phải bao quát được các vấn đề sau:
- Vị trí địa lý: Phân tích tầm quan trọng và những đặc điểm thuận lợi, khó khăn về vị trí địa lý của địa phương trong công tác bảo tồn ĐDSH;
- Địa hình: Phân tích các dạng địa hình, độ cao, độ dốc ảnh hưởng tới đa dạng sinh học;
- Đất đai: Phân tích đặc điểm và hiện trạng, định hướng sử dụng đất có ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học;
- Tài nguyên biển: Phân tích đặc điểm và hiện trạng, định hướng sử dụng tài nguyên biển có ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học;
- Đặc điểm khí hậu - thủy văn: Phân tích về nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm, chế độ thủy văn, hải văn có ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.
* Sản phẩm
Báo cáo tổng quan về điều kiện tự nhiên có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học của địa phương.
(2). Nội dung 2: Đánh giá đặc điểm kinh tế - xã hội có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học của địa phương
* Yêu cầu về nội dung
Nội dung đánh giá phải bao quát được các vấn đề sau:
- Phân tích các đặc điểm kinh tế, văn hóa và xã hội có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học như: dân số, dân tộc, trình độ văn hóa, tỷ lệ nghèo đói, thu nhập bình quân, sinh kế,...
- Đánh giá công tác đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học: Thống kê các hạng mục đầu tư cho công tác quản lý, bảo tồn, khai thác, sử dụng tài nguyên đa dạng sinh học ở địa phương trong 5 năm gần đây (theo hạng mục đầu tư, nguồn vốn đầu tư, thời kỳ đầu tư); Phân tích, đánh giá hiệu quả của việc đầu tư đối với công tác quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học;
- Đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện mức đầu tư, quản lý và sử dụng vốn đầu tư và phát huy hiệu quả đầu tư cho quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học;
- Đánh giá sự phụ thuộc sinh kế vào nguồn lợi đa dạng sinh học của cộng đồng dân cư trong vùng quy hoạch; Những lợi ích mà các cộng đồng dân cư được hưởng từ việc khai thác, sử dụng tài nguyên đa dạng sinh học; Những tác động (tích cực và tiêu cực) của các cộng đồng dân cư này đối với tài nguyên đa dạng sinh học.
- Đánh giá kiến thức bản địa trong quản lý đa dạng sinh học: Bảo vệ, khai thác, sử dụng và khả năng ứng dụng những kiến thức này trong công tác quản lý đa dạng sinh học; Sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học;
- Đề xuất các giải pháp thu hút sự tham gia của các cộng đồng dân cư trong bảo tồn và sử dụng bền vững các tài nguyên đa dạng sinh học.
- Đánh giá vị trí, vai trò của công tác bảo tồn đa dạng sinh học đối với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
* Sản phẩm
- Báo cáo đánh giá hiện trạng kinh tế-xã hội có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh;
- Báo cáo đánh giá sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh.
(3) Nội dung 3: Đánh giá hiện trạng các hệ sinh thái và các vấn đề ưu tiên đối với bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh
* Yêu cầu về nội dung
Nội dung đánh giá phải bao quát được các vấn đề sau:
- Tổng hợp, thống kê được các kiểu loại, diện tích, phân bố các hệ sinh thái tự nhiên điển hình của địa phương, gồm các hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái đất ngập nước và hệ sinh thái biển;
- Mô tả đặc điểm cấu trúc các kiểu hệ sinh thái, đánh giá chất lượng đa dạng sinh học của hệ sinh thái, diễn biến và xu hướng của hệ sinh thái về diện tích và chất lượng;
- Đánh giá được hiện trạng và các ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh (hành lang đa dạng sinh học, khu bảo tồn,...).
* Sản phẩm
- Báo cáo tổng quan về hiện trạng các hệ sinh thái tự nhiên và phân vùng sinh thái;
- Báo cáo đánh giá hiện trạng và nhu cầu xây dựng và bảo vệ hành lang ĐDSH;
- Báo cáo đánh giá hiện trạng và nhu cầu xây dựng các khu bảo tồn trong tỉnh;
- Báo cáo đánh giá hiện trạng và nhu cầu bảo tồn chuyển chỗ (loại hình, số lượng, phân bố);
- Hồ sơ chi tiết các hệ sinh thái tự nhiên điển hình của tỉnh.
(4). Nội dung 4: Điều tra, thống kê và đánh giá hệ thực vật của tỉnh
* Yêu cầu về nội dung
Nội dung đánh giá phải bao quát được các vấn đề sau:
- Tổng hợp, thống kê thành phần loài, phân bố các loài thực vật có mạch;
- Phân tích tính đặc trưng của khu hệ thực vật;
- Đánh giá các loài thực vật đặc hữu, nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (thành phần, phân bố, số lượng, diễn biến, tình trạng quản lý, bảo vệ…);
- Đánh giá giá trị tài nguyên của khu hệ thực vật.
* Sản phẩm
- Báo cáo chuyên đề về khu hệ thực vật;
- Danh lục và Bản đồ hoặc sơ đồ phân bố các loài thực vật đặc hữu, nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.
(5). Nội dung 5: Điều tra, thống kê và đánh giá khu hệ động vật của tỉnh
* Yêu cầu về nội dung
Nội dung đánh giá phải bao quát được các vấn đề sau:
- Tổng hợp, thống kê khu hệ động vật bao gồm các lớp: thú, chim, bò sát, lưỡng cư và cá; và động vật không xương sống (nếu có);
- Đánh giá vùng phân bố các loài động vật;
- Phân tích tính đặc trưng của khu hệ động vật;
- Đánh giá các loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm (về các mặt: thành phần, phân bố, số lượng, diễn biến, tình hình quản lý, bảo vệ...).
* Sản phẩm
- Báo cáo chuyên đề khu hệ động vật của tỉnh.
- Danh lục và Bản đồ hoặc sơ đồ phân bố các loài động vật nguy cấp quý hiếm của tỉnh
(6). Nội dung 6: Đánh giá hiện trạng quản lý đa dạng sinh học của tỉnh
* Yêu cầu về nội dung
Nội dung đánh giá phải bao quát được các vấn đề sau:
- Đánh giá các chủ trương, chính sách có liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh;
- Phân tích hệ thống quản lý đa dạng sinh học của địa phương về tổ chức quản lý, lực lượng quản lý, những điểm mạnh, điểm yếu và nguy cơ thách thức.
- Phân tích các bên liên quan và vai trò của các bên trong quản lý đa dạng sinh học.
- Đánh giá tác động (hay chi phối) của các chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng, tỉnh và quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đối với công tác quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh;
* Sản phẩm
- Báo cáo đánh giá hiện trạng quản lý đa dạng sinh học của tỉnh;
- Báo cáo đánh giá tổng quan về tác động của các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch có liên quan đến quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh.
(7). Nội dung 7: Tổng quan các phương pháp bảo tồn chuyển chỗ và bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho tỉnh quy hoạch
* Yêu cầu về nội dung
Nội dung đánh giá phải bao quát được các vấn đề sau:
- Phải tổng quan được hiện trạng và các phương pháp bảo tồn chuyển chỗ đang áp dụng trên thế giới;
- Tổng quan về hiện trạng tổ chức bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên trên thế giới;
- Đề xuất các bài học kinh nghiệm cho công tác bảo tồn của địa phương và đưa ra các khuyến nghị áp dụng trong xây dựng và thực hiện quy hoạch.
* Sản phẩm
- Báo cáo chuyên đề Tổng quan hiện trạng và các phương pháp bảo tồn chuyển chỗ và bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho tỉnh quy hoạch.
(8). Nội dung 8: Dự báo về diễn biến đa dạng sinh học của địa phương và các yếu tố ảnh hưởng đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh trong giai đoạn quy hoạch
* Yêu cầu về nội dung
Nội dung dự báo phải bao quát được các vấn đề sau:
- Dự báo diễn biến đa dạng sinh học của địa phương trong thời kỳ quy hoạch: Việc dự báo được xây dựng dựa vào các chỉ số như các nhóm loài quý hiếm (gắn với sinh cảnh), dự báo thay đổi của sinh cảnh, thay đổi loài, xác định loài chủ chốt của sinh cảnh...
- Dự báo được ảnh hưởng của các phương án phát triển kinh tế-xã hội toàn quốc, vùng và tỉnh đối với bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch;
- Dự báo được các tác động của biến đổi khí hậu (theo các kịch bản biến đổi khí hậu) đối với bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch;
* Sản phẩm
- Các Báo cáo về diễn biến đa dạng sinh học của địa phương trong thời kỳ quy hoạch;
- Báo cáo dự báo ảnh hưởng của các phương án phát triển kinh tế xã hội toàn quốc, vùng và tỉnh đối với bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch;
- Báo cáo dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch.
(9). Nội dung 9: Xây dựng bản đồ hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học
* Yêu cầu về nội dung
Bản đồ hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học phải bao quát được các vấn đề sau:
- Thể hiện được sự phân bố về mặt không gian của các hệ sinh thái, các khu bảo tồn, các loài động thực vật quý hiếm, thảm thực vật và các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học của địa phương.
* Sản phẩm
- Bản đồ tổng hợp hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, tỷ lệ 1/100.000;
- Báo cáo thuyết minh bản đồ kèm theo.
3.3. Xây dựng hồ sơ hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh
Hồ sơ hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh bao gồm:
- Báo cáo tổng hợp đánh giá hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh (tổng hợp các nội dung từ 1-6);
- Bản đồ và báo cáo thuyết minh bản đồ hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, tỷ lệ 1/100.000.
II. Xây dựng nội dung quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học
2.1. Luận chứng quan điểm bảo tồn đa dạng sinh học
Dựa trên kết quả đánh giá hiện trạng về bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh (ở phần trên), dự báo về các yếu tố ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học trong thời kỳ quy hoạch; các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu được xác định trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương và quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước để xây dựng quan điểm bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh.
Các quan điểm này thể hiện tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt, mà theo đó các phương án quy hoạch bảo tồn sẽ được xây dựng trong nội dung quy hoạch. Các quan điểm quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh thường được xây dựng như “Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với khai thác, sử dụng hợp lý đa dạng sinh học phục vụ phát triển; giữa bảo tồn, khai thác, sử dụng hợp lý đa dạng sinh học với việc xóa đói, giảm nghèo”; “Tổ chức, cá nhân hưởng lợi từ việc khai thác, sử dụng đa dạng sinh học phải chia sẻ lợi ích với các bên có liên quan; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân”...
2.2. Xây dựng mục tiêu quy hoạch đa dạng sinh học
- Mục tiêu chung:
Thể hiện “bức tranh tổng thể” về bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh tại cuối thời kỳ quy hoạch. Bởi vậy, mục tiêu chung phải thể hiện rõ trong khoảng 10 năm tới (thời kỳ quy hoạch), “bức tranh tổng thể” về đa dạng sinh học của tỉnh sẽ như thế nào.
- Mục tiêu cụ thể:
Cần xác định rõ với bản quy hoạch bảo tồn đa đạng sinh học, trong vòng 5 và 10 năm tới, tỉnh sẽ đạt những chỉ tiêu cụ thể gì về: (1) hành lang đa dạng sinh học; (2) số lượng, diện tích các khu bảo tồn, các khu bảo vệ các hệ sinh thái, loài và nguồn gen; (3) các khu/cơ sở bảo tồn chuyển chỗ.
2.3. Xây dựng tầm nhìn cho bảo tồn đa dạng sinh học của địa phương
Tầm nhìn 15-20 năm trong bản quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của địa phương sẽ được xác định cụ thể theo các chỉ tiêu bảo tồn được đề cập ở phần mục tiêu cụ thể ở trên.
2.4. Xây dựng các phương án quy hoạch và lựa chọn phương án tối ưu
Từ quan điểm, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và tầm nhìn dài hạn của quy hoạch và kết quả đánh giá các điều kiện phục vụ lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh ở phần trên (bao gồm cả kết quả dự báo các yếu tố ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học), tiến hành xác định các phương án/kịch bản quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh. Các nhà quy hoạch thường xây dựng 3 phương án để lựa chọn với các yếu tố giả định khác nhau. Sau đó luận chứng để chọn phương án tối ưu nhất, có tính khả thi nhất và thiết kế quy hoạch theo phương án chọn, bao gồm cả danh mục các chương trình/dự án ưu tiên bảo tồn và giải pháp để thực hiện quy hoạch.
Việc lựa chọn phương án quy hoạch thường dựa trên các tiêu chí như: (1) tính khả thi của phương án quy hoạch về kinh tế, xã hội và môi trường; (2) sự phù hợp của phương án quy hoạch với các quan điểm và mục tiêu bảo tồn đã được xây dựng; (3) sự cân đối trong phương án quy hoạch để thỏa mãn ba mục đích: Bảo tồn, sử dụng, phát triển bền vững và chia sẻ công bằng (về trách nhiệm và lợi ích) đối với nguồn tài nguyên đa dạng sinh học; (4) hài hòa được các mục tiêu bảo tồn với mục tiêu phát triển khác của xã hội đảm bảo huy động tối đa sự tham gia của các bên liên quan; (5) sự cân bằng trong quyền lợi của các bên, bảo đảm quyền lợi quốc gia và địa phương, đồng thời chú trọng thỏa đáng tới lợi ích các ngành và đặc biệt là lợi ích cộng đồng và người dân địa phương.
2.5. Thiết kế quy hoạch theo phương án chọn
Việc thiết kế quy hoạch theo phương án tối ưu được lựa chọn ở phần 2.4 ở trên cần bao quát đầy đủ các mục tiêu và chỉ tiêu bảo tồn được xây dựng trong phần Mục tiêu cụ thể ở trên. Bao gồm nội dung quy hoạch về: (1) hành lang đa dạng sinh học; (2) số lượng, diện tích các khu bảo tồn, các khu bảo vệ các hệ sinh thái, loài và nguồn gen; (3) các khu/cơ sở bảo tồn chuyển chỗ (hệ sinh thái, loài và nguồn gen).
2.5.1. Quy hoạch hành lang ĐDSH
Dựa trên phương án quy hoạch được lựa chọn, tiến hành rà soát các hành lang đa dạng sinh học đã có và quy hoạch mới các hành lang đa dạng sinh học của địa phương theo các nội dung sau đây:
· Số lượng
· Diện tích
· Vị trí địa lý
· Giới hạn
· Các biện pháp tổ chức, quản lý, bảo vệ hành lang ĐDSH
2.5.2. Quy hoạch bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái đặc thù của địa phương
Dựa trên phương án quy hoạch được lựa chọn, tiến hành rà soát các khu bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên đã có và quy hoạch mới các khu bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên đặc thù của địa phương theo các loại sau đây:
· Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng tự nhiên đặc thù của tỉnh (Vị trí địa lý, diện tích, chức năng sinh thái, các biện pháp chính về tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng tự nhiên, hệ thống các bản đồ và biểu bảng liên quan);
· Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái biển tự nhiên (Vị trí địa lý, diện tích, chức năng sinh thái, các biện pháp chính về tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên trên biển, hệ thống các bản đồ và biểu bảng liên quan);
· Bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên trên các vùng đất ngập nước tự nhiên, vùng núi đá vôi, vùng đất chưa sử dụng không thuộc hệ sinh thái rừng (Vị trí địa lý, diện tích, chức năng sinh thái, các biện pháp chính về tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững, hệ thống các bản đồ và biểu bảng liên quan)
2.5.3. Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn
* Dựa trên phương án quy hoạch được lựa chọn, tiến hành rà soát các khu bảo tồn đã có và quy hoạch mới hệ thống khu bảo tồn của tỉnh theo các loại và tiêu chí sau đây:
a) Khu bảo tồn cấp quốc gia:
Khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan cấp quốc gia được quy hoạch theo các tiêu chí quy định tại Điều 17, khoản 2 Điều 18, khoản 2 Điều 19, khoản 2 Điều 20 của Luật Đa dạng sinh học.
b) Khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh
Khu vực được quy hoạch thành khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh khi thỏa mãn các tiêu chí sau:
- Có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đối với địa phương, hệ sinh thái đặc thù hoặc đại diện cho các hệ sinh thái của địa phương đó;
- Có giá trị đặc biệt về sinh thái, môi trường phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch, nghỉ dưỡng;
- Chưa được đưa vào danh mục Khu dự trữ thiên nhiên cấp quốc gia.
c) Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp tỉnh
Khu vực được quy hoạch thành khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp tỉnh khi thỏa mãn các tiêu chí sau:
- Là nơi sinh sống thường xuyên hoặc theo mùa của các loài hoang dã thuộc Danh mục cấm khai thác ngoài tự nhiên, nơi sinh sản, tránh rét của các loài di cư;
- Có giá trị đặc biệt về sinh thái, môi trường phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch, nghỉ dưỡng;
- Chưa được đưa vào danh mục Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp quốc gia.
d) Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh
Khu vực được quy hoạch thành khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh khi thỏa mãn các tiêu chí sau:
- Có cảnh quan môi trường, nét đẹp, độc đáo của thiên nhiên nhưng không đáp ứng các tiêu chí thành lập khu bảo vệ cảnh quan cấp quốc gia;
- Có giá trị đặc biệt về sinh thái, môi trường phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch, nghỉ dưỡng.
* Khi quy hoạch các khu bảo tồn, cần thực hiện thống kê, kiểm kê diện tích; xác lập vị trí trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất hoặc xác định tọa độ trên mặt nước biển. Quy hoạch về diện tích và ranh giới khu bảo tồn được thực hiện theo các bước:
+ Bước 1. Xác định “Hạt nhân hay diện tích tối thiểu khu bảo tồn”:
Căn cứ vào khu phân bố của các hệ sinh thái và các loài động thực vật nguy cấp quý hiếm cần bảo vệ trong khu vực điều tra, chồng ghép các lớp bản đồ phân bố và tỷ lệ phân bố của các đối tượng đó để xác định khu vực cần bảo tồn. Các khu phân bố của các đối tượng cần bảo vệ chính là hạt nhân của khu bảo tồn hoặc diện tích tối thiểu của khu bảo tồn.
+ Bước 2. Xác định ranh giới khu bảo tồn:
Căn cứ vào địa hình của khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn và đặc tính sinh thái của các đối tượng cần bảo vệ, nhà quy hoạch sẽ xác định ranh giới, diện tích khu bảo tồn tương lai.
Với mỗi khu bảo tồn cần lập một hồ sơ để nắm được các thông tin về đa dạng sinh học và tình hình quản lý bảo vệ qua các năm của khu bảo tồn.
2.5.4. Quy hoạch bảo tồn chuyển chỗ
Dựa trên kết quả đánh giá các điều kiện phục vụ cho lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh ở phần trên và các thông tin về tình hình quản lý, bảo vệ và buôn bán các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các quan điểm và phương pháp mới trên thế giới trong phương pháp bảo tồn chuyển chỗ tiến hành rà soát các khu bảo tồn chuyển chỗ đã có và quy hoạch các khu bảo tồn chuyển chỗ của tỉnh theo các loại như sau:
- Các vườn thực vật;
- Các vườn động vật;
- Các trung tâm cứu hộ;
- Các nhà bảo tàng thiên nhiên;
- Các vườn sưu tập cây thuốc;
- Các ngân hàng gen;
- Các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học khác.
Tuy nhiên, việc quy hoạch các cơ sở bảo tồn chuyển chỗ khá phức tạp phụ thuộc vào đối tượng cần bảo tồn chuyển chỗ. Trong khi đó, đối tượng quy hoạch bảo tồn chuyển chỗ rất đa dạng, nhu cầu/nguyên nhân về bảo tồn chuyển chỗ và đặc điểm sinh học của các đối tượng này cũng rất đa dạng... Do vậy khi tiến hành quy hoạch nội dung này nên mời chuyên gia về các lĩnh vực chuyên ngành để xác định phương pháp cụ thể và cần tổ chức nhiều cuộc hội thảo để trao đổi và đi đến thống nhất ý kiến về quy hoạch bảo tồn chuyển chỗ.
2.6. Xây dựng danh mục các dự án ưu tiên
Để quy hoạch mang tính khả thi và được thực hiện sau khi phê duyệt, cần xây dựng danh mục các dự án ưu tiên bảo tồn, dự án nghiên cứu về đa dạng sinh học, dự án về phát triển nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn và các dự án liên quan khác. Mỗi dự án được xây dựng cần có mô tả tóm tắt về sự cần thiết, mục tiêu, hoạt động, kết quả dự kiến, thời gian thực hiện và ước tính kinh phí cho từng chương trình, dự án.
2.7. Xây dựng bản đồ quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh
Ngoài các bản đồ hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học được xây dựng ở phần trên, cần xây dựng bản đồ quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh thể hiện toàn bộ các khu vực được quy hoạch bảo tồn bao gồm: các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, hành lang đa dạng sinh học.
Bản đồ được xây dựng cần đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Bản đồ nền được sử dụng phải là bản đồ VN2000 với tỷ lệ như sau:
- Tỷ lệ 1/100.000 cho quy mô toàn tỉnh;
- Tỷ lệ 1/50.000 đối với các khu bảo tồn có diện tích, trên 30.000 ha;
- Tỷ lệ 1/25.000 đối với các khu bảo tồn có diện tích từ 10.000 ha đến 30.000 ha;
- Tỷ lệ 1/10.000 đối với các khu bảo tồn có diện tích dưới 10.000 ha.
Số lượng các loại bản đồ ở trên tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương, ngoại trừ bản đồ quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh tỷ lệ 1/100.000 cho quy mô toàn tỉnh là loại bản đồ bắt buộc phải có.
b) Sử dụng các ký hiệu, màu sắc, mã số, phương pháp trình bày các yếu tố nội dung chuyên môn phải tuân thủ và phù hợp với các quy định kỹ thuật hiện hành của ngành đo đạc bản đồ và những chuyên ngành khác. Các ký hiệu này phải sử dụng một cách thống nhất cho các bản đồ cùng loại, tỷ lệ.
2.8. Xây dựng các giải pháp thực hiện quy hoạch
a) Giải pháp về vốn thực hiện quy hoạch
Cần xác định rõ các nguồn vốn và nhu cầu vốn cho việc thực hiện quy hoạch. Nhu cầu vốn cần thiết để thực hiện quy hoạch sẽ được tính toán dựa trên phương án quy hoạch được lựa chọn và thiết kế trong nội dung quy hoạch và được phân rõ theo các nguồn cũng như lộ trình đầu tư cho từng giai đoạn 5 năm trong kỳ quy hoạch. Thông thường, vốn để thực hiện quy hoạch bảo tồn cấp tỉnh thường được xác định từ 3 nguồn chủ yếu: (1) vốn ngân sách (trung ương hoặc/và địa phương); (2) vốn huy động từ các nhà đầu tư và cộng đồng; (3) vốn tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế (bao gồm cả nguồn tài trợ từ các quỹ bảo vệ môi trường, quỹ bảo tồn...) và các nguồn vốn hợp pháp khác.
b) Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực
Cần tính toán nhu cầu về nguồn nhân lực và nhu cầu đào tạo để phục vụ cho việc thực hiện quy hoạch. Căn cứ vào số lượng và quy mô của các khu bảo tồn cũng như các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được quy hoạch trong tỉnh để tính toán được nhu cầu về nguồn nhân lực cũng như nhu cầu đào tạo. Xác định rõ nhu cầu nhân lực và nhu cầu đào tạo, nâng cao nhận thức theo các cấp độ quản lý bảo tồn trong tỉnh: cán bộ quản lý cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; cán bộ quản lý trong các khu bảo tồn, cán bộ nghiên cứu trong các cơ sở bảo tồn, các kỹ thuật viên, công nhân và các cộng đồng sống trong và xung quanh các khu bảo tồn.
c) Giải pháp về khoa học - công nghệ
Đề xuất các hướng nghiên cứu về khoa học - công nghệ liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học trong tỉnh nhằm phục vụ cho việc xây dựng và quản lý các khu bảo tồn và các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được quy hoạch.
d) Giải pháp về cơ chế, chính sách
Xác định các chính sách mà tỉnh cần ban hành để thực hiện Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học sau khi được phê duyệt, như: Quy chế quản lý các khu bảo tồn cấp tỉnh, hướng dẫn công tác cứu hộ động vật hoang dã; chính sách hỗ trợ cộng đồng sống trong và quanh khu bảo tồn…
đ) Giải pháp về hợp tác quốc tế
Đề xuất các khu bảo tồn có tiềm năng hợp tác quốc tế. Đặc biệt cần xác định các khu sẽ đăng ký các danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới, Vườn Di sản ASEAN, Khu Ramsar, khu Dự trữ sinh quyển, các khu bảo tồn xuyên biên giới. Đề xuất cơ chế hợp tác quốc tế đối với các khu bảo tồn có tiềm năng.
e) Giải pháp về tổ chức thực hiện
Theo quy định của Luật Đa dạng sinh học 2008, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh. Để thực hiện quy hoạch, đề xuất thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện quy hoạch bảo tồn, trong đó Trưởng Ban chỉ đạo là đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân tỉnh, Phó Ban chỉ đạo thường trực là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và các thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện của các Sở Ban ngành liên quan. Ủy ban nhân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch, báo cáo Ban Chỉ đạo và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Ban Chỉ đạo sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch trình Ủy ban nhân tỉnh thông qua và tổ chức thực hiện kế hoạch, đồng thời đề xuất việc điều chỉnh quy hoạch khi cần thiết.
CÔNG BỐ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Công bố quy hoạch
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được Hội đồng nhân dân thông qua và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định phê duyệt quy hoạch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ công bố quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và tại trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp có liên quan.
2. Tổ chức thực hiện quy hoạch
Căn cứ vào giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch được xây dựng trong phần 2.8, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện quy hoạch và giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch, báo cáo Ban Chỉ đạo và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
MẪU BÁO CÁO TỔNG HỢP QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC CẤP TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
LỜI NÓI ĐẦU
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
MỤC LỤC
DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU
DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ
DANH MỤC CÁC BẢN ĐỒ
Phần thứ nhất.
ĐÁNH GIÁ CÁC ĐIỀU KIỆN PHỤC VỤ LẬP QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC CỦA TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
I. Tổng quan về các Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội liên quan đến công tác bảo tồn ĐDSH của tỉnh
1. Điều kiện tự nhiên
2. Điều kiện kinh tế
3. Điều kiện xã hội
II. Đánh giá tổng quan về hiện trạng ĐDSH
1. Hiện trạng các hệ sinh thái tự nhiên và phân vùng sinh thái
2. Hiện trạng và nhu cầu xây dựng, bảo vệ hành lang ĐDSH
3. Hiện trạng và nhu cầu xây dựng các khu bảo tồn trong tỉnh
4. Hiện trạng và nhu cầu bảo tồn chuyển chỗ của địa phương
5. Các khó khăn, thách thức về bảo tồn ĐDSH
III. Hiện trạng quản lý đa dạng sinh học của tỉnh
1. Hệ thống quản lý bảo tồn ĐDSH tại địa phương
2. Tác động của các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch có liên quan đến quy hoạch bảo tồn ĐDSH của tỉnh
3. Đánh giá các thuận lợi và khó khăn trong công tác quản lý bảo tồn đa dạng sinh học
IV. Tổng quan các phương pháp bảo tồn chuyển chỗ, bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho địa phương
1. Tổng quan các phương pháp bảo tồn chuyển chỗ trên thế giới
2. Tổng quan về hiện trạng tổ chức bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên trên thế giới
3. Bài học kinh nghiệm cho công tác quy hoạch bảo tồn ĐDSH tại địa phương
V. Dự báo về diễn biến đa dạng sinh học của địa phương và các yếu tố ảnh hưởng đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh trong giai đoạn quy hoạch
1. Diễn biến đa dạng sinh học của địa phương trong giai đoạn quy hoạch
2. Dự báo ảnh hưởng của các phương án phát triển kinh tế xã hội toàn quốc, vùng và tỉnh đối với bảo tồn da dạng sinh học của tỉnh
3. Dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh
Phần thứ hai.
QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐDSH CỦA TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
I. Quan điểm bảo tồn ĐDSH
II. Mục tiêu bảo tồn ĐDSH
1. Mục tiêu chung
2. Mục tiêu cụ thể
III. Tầm nhìn bảo tồn ĐDSH (15-20 năm)
IV. Xây dựng các phương án quy hoạch và lựa chọn phương án tối ưu
V. Thiết kế quy hoạch
V.1. Quy hoạch hành lang ĐDSH
1. Rà soát và xây dựng quy hoạch bảo vệ hành lang ĐDSH tại địa phương
2. Thông tin về các hành lang ĐDSH của quy hoạch
- Vị trí địa lý
- Giới hạn
3. Các biện pháp tổ chức, quản lý, bảo vệ hành lang ĐDSH
4. Hệ thống bản đồ và biểu bảng liên quan về các hành lang ĐDSH
V.2. Quy hoạch bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái đặc thù của địa phương
V.2.1. Quy hoạch bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng tự nhiên đặc thù của tỉnh
1. Rà soát và xây dựng quy hoạch bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng tự nhiên đặc thù của địa phương
2. Thông tin về các hệ sinh thái rừng tự nhiên đặc thù của địa phương trong quy hoạch
- Vị trí địa lý
- Giới hạn
- Chức năng sinh thái
3. Các biện pháp tổ chức, quản lý, bảo vệ
4. Hệ thống bản đồ và biểu bảng liên quan
V.2.2. Quy hoạch bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên trên biển
1. Rà soát và xây dựng quy hoạch bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên trên biển
2. Thông tin về các hệ sinh thái tự nhiên trên biển được quy hoạch
- Vị trí địa lý
- Giới hạn
- Chức năng sinh thái
3. Các biện pháp tổ chức, quản lý, bảo vệ
4. Hệ thống bản đồ và biểu bảng liên quan
V.2.3. Quy hoạch bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên trên các vùng đất ngập nước tự nhiên, vùng núi đá vôi, vùng đất chưa sử dụng không thuộc hệ sinh thái rừng
1. Rà soát và xây dựng quy hoạch bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên trên các vùng đất ngập nước...
2. Thông tin về các hệ sinh thái tự nhiên được quy hoạch
- Vị trí địa lý
- Giới hạn
- Chức năng sinh thái
3. Các biện pháp tổ chức, quản lý, bảo vệ
4. Hệ thống bản đồ và biểu bảng liên quan
VI. Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn
1. Khu bảo tồn cấp quốc gia
- Vị trí địa lý, diện tích, ranh giới, bản đồ
- Các biện pháp tổ chức quản lý
- Các giải pháp ổn định cuộc sống người dân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn
2. Khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh
- Vị trí địa lý, diện tích, ranh giới, bản đồ
- Các biện pháp tổ chức quản lý
- Các giải pháp ổn định cuộc sống người dân sinh sống hợp pháp trong khu dự trữ thiên nhiên
3. Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp tỉnh
- Vị trí địa lý, diện tích, ranh giới, bản đồ
- Các biện pháp tổ chức quản lý
- Các giải pháp ổn định cuộc sống người dân sinh sống trong khu bảo tồn loài - sinh cảnh
4. Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh
- Vị trí địa lý, diện tích, ranh giới, bản đồ
- Các biện pháp tổ chức quản lý
- Các giải pháp ổn định cuộc sống người dân sinh sống hợp pháp trong khu bảo vệ cảnh quan
VI. Quy hoạch bảo tồn chuyển chỗ
1. Quy hoạch hệ thống vườn thực vật
2. Quy hoạch hệ thống vườn thú
3. Quy hoạch hệ thống trung tâm cứu hộ
4. Quy hoạch các nhà bảo tàng thiên nhiên
5. Quy hoạch hệ thống vườn sưu tập cây thuốc
6. Quy hoạch hệ thống ngân hàng gen
7. Quy hoạch bảo tồn các giống cây trồng, vật nuôi bản địa có giá trị khoa học, kinh tế đặc biệt
8. Quy hoạch các vùng được ưu tiên kiểm soát và phòng chống loài ngoại lai xâm hại
VII. Danh mục các dự án ưu tiên bảo tồn
VIII. Các giải pháp thực hiện quy hoạch
a) Giải pháp về vốn thực hiện quy hoạch
b) Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực
c) Giải pháp về khoa học công nghệ
d) Giải pháp về cơ chế, chính sách
đ) Giải pháp về hợp tác quốc tế
e) Giải pháp về tổ chức thực hiện
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
TÀI LIỆU THAM KHẢO
CÁC PHỤ LỤC
- 1Công văn 8336/VPCP-QHQT về đàm phán Hiệp định vay cho Dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Công mở rộng, giai đoạn 2 với Ngân hàng Phát triển Châu Á do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 1122/TTg-QHQT phê chuẩn Hiệp định vay dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học - giai đoạn 2 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 4198/VPCP-QHQT phê duyệt danh mục dự án "Lồng ghép phương pháp tiếp cận dựa vào hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu vào công tác quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam" do Thụy Điển tài trợ của Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 5009/BTNMT-TCMT cung cấp thông tin phục vụ xây dựng Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020 và định hướng đến 2030 do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 5Công văn 1457/BNN-KHCN cho ý kiến về Báo cáo tình hình triển khai rà soát các khu bảo tồn theo quy định của Luật Đa dạng sinh học và các văn bản hướng dẫn dưới Luật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6Quyết định 45/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Công văn 1789/BTNMT-TCMT hưởng ứng Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2014 do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 8Dự thảo Thông tư quy trình và định mức kinh tế - kỹ thuật lập, điều chỉnh quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 9Công văn 89/BTNMT-TCMT năm 2016 hướng dẫn lồng ghép nội dung bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 1Luật đa dạng sinh học 2008
- 2Công văn 8336/VPCP-QHQT về đàm phán Hiệp định vay cho Dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Công mở rộng, giai đoạn 2 với Ngân hàng Phát triển Châu Á do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 1122/TTg-QHQT phê chuẩn Hiệp định vay dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học - giai đoạn 2 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Thông tư 01/2012/TT-BKHĐT hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 5Công văn 4198/VPCP-QHQT phê duyệt danh mục dự án "Lồng ghép phương pháp tiếp cận dựa vào hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu vào công tác quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam" do Thụy Điển tài trợ của Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Công văn 5009/BTNMT-TCMT cung cấp thông tin phục vụ xây dựng Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020 và định hướng đến 2030 do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 7Công văn 1457/BNN-KHCN cho ý kiến về Báo cáo tình hình triển khai rà soát các khu bảo tồn theo quy định của Luật Đa dạng sinh học và các văn bản hướng dẫn dưới Luật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 8Quyết định 45/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Công văn 1789/BTNMT-TCMT hưởng ứng Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2014 do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 10Dự thảo Thông tư quy trình và định mức kinh tế - kỹ thuật lập, điều chỉnh quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 11Công văn 89/BTNMT-TCMT năm 2016 hướng dẫn lồng ghép nội dung bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Công văn 655/TCMT-BTĐDSH năm 2013 hướng dẫn lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Tổng cục Môi trường ban hành
- Số hiệu: 655/TCMT-BTĐDSH
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 04/05/2013
- Nơi ban hành: Tổng cục Môi trường
- Người ký: Bùi Cách Tuyến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 04/05/2013
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực