Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 596/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 28 tháng 04 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG, NHIỆM VỤ VÀ DỰ TOÁN DỰ ÁN QUY HOẠCH TIÊU THOÁT LŨ KHU VỰC LÒNG CHẢO ĐIỆN BIÊN ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2035

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 01/2012/TT-BKHĐT ngày 09/02/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu; Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 513/TTr-SNN ngày 04/4/2016; Văn bản thẩm định số 427/SKHĐT-NN ngày 28/3/2016 của Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán dự án Quy hoạch tiêu thoát lũ khu vực lòng chảo Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên dự án quy hoạch: Quy hoạch tiêu thoát lũ khu vực lòng chảo Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

2. Cơ quan lập quy hoạch: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên.

3. Mục tiêu, yêu cầu của dự án quy hoạch

3.1. Mục tiêu:

- Đảm bảo ổn định dòng chảy; làm rõ tính đặc thù của lưu vực sông Nậm Rốm (trọng tâm vùng úng ngập lòng chảo Điện Biên) để phân tích nguyên nhân hình thành và diễn biến ngập lụt và úng ngập;

- Nghiên cứu các biện pháp để giảm thiểu và khắc phục tác hại lũ lụt để phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

3.2. Yêu cầu: Đề xuất giải pháp tiêu úng thoát lũ vùng lòng chảo phục vụ phòng lũ và giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái; đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản, an sinh xã hội của người dân khu vực lòng chảo tỉnh Điện Biên, có xét cho các kịch bản biến đổi khí hậu.

4. Phạm vi, thời kỳ lập quy hoạch

- Phạm vi nghiên cứu là vùng lòng chảo Điện Biên bao gồm: Thành phố Điện Biên Phủ (gồm các phường Tân Thanh, Mường Thanh ở khu vực trung tâm thành phố, Him Lam, Nam Thanh, Noong Bua, Thanh Bình); Huyện Điện Biên (gồm 9 xã: Thanh Xương, Thanh An, Noong Luống, Thanh Yên, Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Nưa thuộc khu vực lòng chảo).

- Thời kỳ lập quy hoạch: Đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

5. Nhiệm vụ của dự án quy hoạch

- Xác định nguyên nhân gây ra ngập lụt;

- Đề xuất giải pháp công trình và phi công trình nhằm giảm nhẹ và chống ngập lụt;

- Đưa ra các cảnh báo về vùng ngập lụt: Như diện tích ngập, phạm vi ngập, kế hoạch thông tin dự báo lũ cho người dân và di dân trong trường hợp khẩn cấp;

- Lập quy hoạch tiêu thoát lũ cho vùng lòng chảo Điện Biên.

6. Sản phẩm của dự án quy hoạch

- Sản phẩm gồm báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt, bản đồ, các báo cáo chuyên đề (10 bộ) và đĩa CD lưu lại toàn bộ hồ sơ của dự án quy hoạch.

7. Dự toán kinh phí thực hiện: 2.881.795.000 đồng (bằng chữ: Hai tỷ, tám trăm tám mốt triệu, bảy trăm chín lăm nghìn đồng), trong đó:

7.1

Chi phí thiết kế, lập đề cương quy hoạch và dự toán

342.548.361

đồng

-

Chi phí thiết kế quy hoạch

273.130.000

đồng

-

Chi phí xây dựng đề cương, nhiệm vụ

41.651.017

đồng

-

Chi phí lập dự toán theo đề cương, nhiệm vụ

27.767.344

đồng

7.2

Chi phí khác

288.073.576

đồng

-

Chi phí thẩm định đề cương, nhiệm vụ và dự toán

37.864.561

đồng

-

Chi phí thẩm định quy hoạch

113.593.682

đồng

-

Chi phí quản lý dự án quy hoạch

68.307.667

đồng

-

Chi phí công bố quy hoạch

68.307.667

đồng

7.3

Thu thập số liệu và khảo sát thủy văn, địa hình, điều tra lũ

1.234.272.159

đồng

7.4

Thiết lập bộ công cụ mô hình thủy lực tính toán, mô phỏng các kịch bản tiêu thoát lũ và xây dựng bộ bản đồ ngập lụt

1.016.901.876

đồng

 

Tổng cộng

2.881.795.972

đồng

 

Làm tròn

2.881.795.000

đồng

8. Nguồn vốn: Vốn sự nghiệp theo kế hoạch hàng năm của UBND tỉnh.

9. Thời gian thực hiện: 10 tháng kể từ ngày ký hợp đồng.

Điều 2. Căn cứ Quyết định này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan lập quy hoạch theo đúng các quy định hiện hành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- L/đ UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TM1, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lò Văn Tiến

 

Phần I

ĐỀ CƯƠNG, NHIỆM VỤ QUY HOẠCH

Chương I

MỞ ĐẦU

- Tên dự án: Quy hoạch tiêu thoát lũ khu vực lòng chảo Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

- Thời kỳ lập quy hoạch: Đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

- Cơ quan lập quy hoạch: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên.

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI LẬP QUY HOẠCH

Khu vực lòng chảo Điện Biên là khu trung tâm kinh tế chính trị của tỉnh Điện Biên, gồm thành phố Điện Biên Phủ, huyện lỵ huyện Điện Biên và các xã vùng thấp của huyện Điện Biên. Đây là khu vực có dân cư đông đúc, bao gồm cả dân cư thành thị và nông thôn, có cánh đồng Mường Thanh là vùng sản xuất lúa tập trung của tỉnh với đặc sản gạo thơm nổi tiếng trong cả nước. Nơi đây còn tập trung nhiều công trình quan trọng như các di tích lịch sử, văn hóa quốc gia; các trụ sở cơ quan của tỉnh và huyện Điện Biên.

Vùng lòng chảo Điện Biên có dãy núi cao bao bọc xung quanh, ở giữa là cánh đồng Mường Thanh tương đối bằng phẳng. Địa hình có dạng lòng chảo nên nước mưa trên sườn đồi, nước sinh hoạt ở các khu dân cư và nước ở các khe suối đều đổ vào sông Nậm Rốm. Đây là sông chính duy nhất chảy qua khu vực lòng chảo Điện Biên, có vai trò là trục tiêu nước chính cho khu vực lòng chảo Điện Biên. Những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng chặt phá rừng làm cho mưa lũ diễn biến thất thường, mưa lũ có xu hướng tăng về cường độ, thời gian tập trung lũ nhanh; bồi lắng, xói lở trên sông làm biến đổi dòng chảy càng làm cho lũ lụt ngập úng, xói lở diễn ra trầm trọng, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của nhân dân.

Riêng trận mưa lũ cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 2015, trên địa bàn lòng chảo Điện Biên chủ yếu là thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, mưa lớn đã gây úng lụt khoảng 60 hộ (thuộc 6 tổ dân phố 6, 23, 24, 25, 26 và 29) của phường Mường Thanh, tại phường Tân Thanh nhiều nơi ngập sâu 0,5-0,6m, và gây thiệt hại 15,5 ha lúa mùa cùng 14,2 ha ao cá, làm hư hỏng trên 5km đường dân sinh tại các phường (Thanh Trường, Thanh Minh, Noong Bua, Nam Thanh) và sạt lở bờ sông tại Thanh Trường. Ước tổng giá trị thiệt hại là 13,2 tỷ đồng trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ (Báo cáo số 189-BC-BCH ngày 04/8/2015 của Ban chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Điện Biên Phủ; huyện Điện Biên thiệt hại 22,642 tỷ đồng (Báo cáo số 220/BC-UBND huyện Điện Biên ngày 03/08/2015);

Để có giải pháp đồng bộ cho việc tiêu úng thoát lũ vùng lòng chảo, phục vụ phòng lũ và giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái; đảm bảo dòng chảy ổn định, giảm thiểu và khắc phục tác hại lũ lụt, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân trong vùng lòng chảo Điện Biên, củng cố an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế cho địa bàn vùng lòng chảo tỉnh Điện Biên thì việc quy hoạch tiêu thoát lũ khu vực lòng chảo Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 là thực sự cần thiết và cấp bách.

II. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ

1. Mục tiêu

- Đảm bảo ổn định dòng chảy, giảm thiểu và khắc phục tác hại lũ lụt để đảm bảo ổn định cuộc sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội.

- Làm rõ tính đặc thù của lưu vực sông Nậm Rốm (trọng tâm vùng úng ngập lòng chảo Điện Biên) để phân tích nguyên nhân hình thành và diễn biến ngập lụt và úng ngập.

- Đề xuất giải pháp tiêu úng thoát lũ vùng lòng chảo phục vụ phòng lũ và giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái; Đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân, phát triển kinh tế cho địa bàn khu vực lòng chảo tỉnh Điện Biên, có xét cho các kịch bản biến đổi khí hậu.

2. Nhiệm vụ

- Xác định nguyên nhân gây ra ngập lụt.

- Đề xuất giải pháp công trình và phi công trình nhằm giảm nhẹ và chống ngập lụt.

- Đưa ra các cảnh báo về vùng ngập lụt: như diện tích ngập, phạm vi ngập, kế hoạch thông tin dự báo lũ cho người dân và di dân trong trường hợp khẩn cấp.

- Lập quy hoạch tiêu thoát lũ cho vùng lòng chảo Điện Biên.

III. CÁC CĂN CỨ ĐỂ LẬP QUY HOẠCH

1. Căn cứ pháp lý

- Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

- Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

- Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

- Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2025”;

- Quyết định số 87/QĐ-UBND ngày 15/01/2016 của UBND tỉnh Điện Biên v/v ban hành Chương trình giải pháp chỉ đạo điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và dự toán ngân sách năm 2016;

2. Các tài liệu, tiêu chuẩn, quy phạm phục vụ quy hoạch

- Các tài liệu về hiện trạng dân sinh, kinh tế - xã hội cập nhật tại thời điểm gần nhất. Các mục tiêu định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cập nhật đến thời điểm 31/12/2015.

- Các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội dựa trên định hướng phát triển của tỉnh và lấy theo các thời đoạn 2006-2011, 2012-2015, 2016-2025;

- Các quy hoạch của các ngành liên quan đến việc sử dụng nước đã được phê duyệt như: Quy hoạch thủy lợi giai đoạn 2006-2025; Quy hoạch thủy điện; Quy hoạch rà soát cấp nước sinh hoạt và VSMT nông thôn;

- Tài liệu về khí tượng, thủy văn trong vùng những năm gần đây.

- Bản đồ 1/10.000 vùng lòng chảo Điện Biên.

- Các quy trình, quy phạm phục vụ cho tính toán nghiên cứu:

+ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia Công trình Thủy lợi - Các quy định chủ yếu về thiết kế QCVN 04-05:2012/BNNPTNT.

+ TCVN 8302: 2009 Quy hoạch phát triển thủy lợi - Quy định chủ yếu về thiết kế.

+ TCVN 8478: 2010 Công trình thủy lợi - Yêu cầu về thành phần, khối lượng khảo sát địa hình trong các giai đoạn lập dự án thiết kế.

+ TCVN 7957: 2008- Thoát nước- Mạng lưới và công trình bên ngoài.

+ Quy trình lập sơ đồ và đồ án quy hoạch vùng.

+ Quy phạm tính toán đặc trưng thủy văn C.6-77.

+ Các tiêu chuẩn hiện hành khác có liên quan.

IV. PHẠM VI NGHIÊN CỨU

Vùng nghiên cứu là vùng lòng chảo Điện Biên bao gồm:

- Thành phố Điện Biên Phủ: Phạm vi gồm: Xã Thanh Minh; các phường: Thanh Trường, Tân Thanh, Mường Thanh, Him Lam, Nam Thanh, Noong Bua, Thanh Bình.

- Huyện Điện Biên gồm các xã: Pom Lót, Sam Mứn, Thanh Xương, Thanh An, Noong Luống, Thanh Yên, Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Nưa thuộc khu vực lòng chảo.

Chương II

ĐẶC ĐIỂM ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ XÃ HỘI VÀ HIỆN TRẠNG CÔNG TRÌNH TIÊU THOÁT NƯỚC

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

Tổng hợp số liệu, phân tích, đánh giá đặc điểm về:

- Vị trí địa lý;

- Điều kiện địa hình;

- Khí hậu, thời tiết;

- Nguồn nước;

- Đất đai, khoáng sản và các điều kiện khác có liên quan ảnh hưởng đến quy hoạch.

II. KINH TẾ XÃ HỘI

Phân tích hiện trạng về kinh tế - xã hội:

- Về tình hình dân số, đời sống dân cư;

- Các công trình hạ tầng cơ sở trên địa bàn liên quan đến Quy hoạch: Giao thông, trụ sở, di tích,...

- Các công trình về giáo dục, y tế, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản,...

- Tình hình phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản.

III. HIỆN TRẠNG CÁC CÔNG TRÌNH TIÊU THOÁT NƯỚC TRONG VÙNG DỰ ÁN

- Hiện trạng hệ thống các công trình tiêu úng và chống lũ. Khả năng chống lũ thực tế. Những vấn đề cơ bản cần giải quyết để giảm nhẹ thiệt hại do lũ lụt.

- Các chương trình và dự án phòng chống lụt bão đã được nghiên cứu, triển khai.

- Nguyên nhân, tồn tại trong công tác tiêu thoát lũ, rà soát các quy hoạch liên quan như: Quy hoạch Thủy lợi, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch trồng rừng...

Chương III

QUY HOẠCH TIÊU THOÁT LŨ VÙNG LÒNG CHẢO ĐIỆN BIÊN ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2035

I. QUAN ĐIỂM QUY HOẠCH

- Quy hoạch tiêu thoát lũ phải đảm bảo phù hợp với qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các quy hoạch ngành đã có như: Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch thủy lợi,...

- Các công trình trong phạm vi dự án phải đảm bảo tiêu thoát lũ thiết kế.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ

1. Mục tiêu

Nêu cụ thể các mục tiêu của dự án.

2. Nhiệm vụ

Đưa ra các nhiệm vụ cần phải thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra.

3. Tiêu chuẩn, quy phạm thiết kế

Các tiêu chuẩn, quy phạm thiết kế cần tuân thủ theo đúng quy định hiện hành.

III. QUY HOẠCH TIÊU THOÁT LŨ

1. Phân tích các đặc tính lũ

- Các hình thái gây mưa lũ

- Những trận lũ lớn đã xảy ra trên lưu vực và quá trình diễn biến các hình thế thời tiết.

- Đặc điểm mưa gây lũ

- Diễn biến dòng chảy lũ, chế độ lũ, cường suất lũ, tốc độ truyền lũ...

- Phân tích tổ hợp lũ trên sông, suối: Thời gian xuất hiện, tần suất xuất hiện.

2. Phạm vi và mức độ ảnh hưởng của lũ lụt

Phân tích số liệu điều tra, thống kê, đánh giá tình trạng mưa lũ, bão hàng năm, phạm vi và mức độ ảnh hưởng, tổn thất về tài sản và tính mạng do từng loại thiên tai gây ra.

3. Quá trình phát triển công tác phòng chống lũ

- Các nghiên cứu về quy hoạch phòng, chống lũ trong vùng.

- Đánh giá diễn biến các đoạn sông trong vùng nghiên cứu.

- Công tác quản lý các công trình phòng chống lũ.

- Những tồn tại cần giải quyết trong công tác phòng chống lũ.

4. Xác định phương hướng, quy chuẩn kỹ thuật về phòng, chống lũ của khu vực để lập và thực hiện quy hoạch tiêu thoát lũ

5. Xác định lũ thiết kế của các suối gồm lưu lượng và mực nước lũ thiết kế

- Tình hình tiêu thoát lũ với các công trình hiện trạng.

- Phương hướng tiêu thoát lũ với các công trình quy hoạch và kết quả tính toán.

6. Xác định các giải pháp kỹ thuật

a) Giải pháp công trình

- Hồ chứa: Các loại mực nước và dung tích hồ chứa, dung tích phòng chống lũ hạ du, chế độ cắt lũ, tác dụng cắt lũ cho hạ du, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cơ bản khác của công trình;

- Vùng chậm lũ: Giới hạn vùng chậm lũ, dung tích vùng chậm lũ, chế độ chậm lũ, tác dụng cắt lũ, một số chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chính của vùng chậm lũ và công trình trong vùng chậm lũ;

- Đường phân lũ: Bố trí đường phân lũ và các công trình trên đường phân lũ. Lưu lượng phân lũ, chế độ phân lũ, tác dụng giảm lũ cho dòng chính, một số chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chính của công trình trên đường phân lũ;

- Đê điều: Bố trí tuyến đê (đối với khu vực chưa có đê), hành lang thoát lũ. Chọn chỉ tiêu thiết kế phòng chống lũ bão gồm tần suất, mực nước thiết kế đê sông. Mặt cắt thiết kế đê, bố trí các công trình dưới đê và công trình bảo vệ đê. Các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật chính của hệ thống đê điều;

- Chỉnh trị sông: Các đoạn sông, bờ cần nạo vét, nắn dòng, gia cố, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của các công trình chỉnh trị, tác dụng thoát lũ và bảo vệ lòng, bờ của các công trình chỉnh trị;

- Tường kè: Bố trí ở những vùng dễ bị sạt lở để bảo vệ các khu dân cư, hạ tầng cơ sở ở vùng dễ xảy ra lũ quét;

- Giải pháp kỹ thuật đối với hệ thống thoát nước bị bồi lắng hoặc hư hỏng chưa được sửa chữa, nâng cấp.

- Các giải pháp khác.

b) Giải pháp phi công trình

- Đề xuất định hướng nghiên cứu bố trí sản xuất thích nghi với điều kiện mưa lũ khi các giải pháp công trình không có tính khả thi hoặc không đủ đáp ứng;

- Nghiên cứu đề xuất bố trí lại các khu dân cư: cơ sở hạ tầng ở những nơi có nguy cơ xảy ra ngập lụt hoặc xảy ra lũ quét và sạt lở đất theo bản đồ cảnh báo.

- Bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn: các vùng đầu nguồn cần bảo vệ và phát triển rừng, loại rừng và mức độ che phủ cần đảm bảo;

- Công tác chỉ đạo phòng chống lụt, bão: bộ máy điều hành, mạng lưới trạm quan trắc, trang thiết bị cần thiết cho bộ máy điều hành và công tác dự báo, mô hình dự báo lũ...

- Giải pháp tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân.

7. Khái toán vốn đầu tư thực hiện các giải pháp tiêu thoát lũ

- Tổng nguồn vốn đầu tư;

- Phân khai các nguồn vốn đầu tư;

- Phân kỳ nguồn vốn đầu tư.

8. Đề xuất thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình

9. Đánh giá sơ bộ tác dụng của tổ hợp các giải pháp tiêu thoát lũ và hiệu quả tiêu thoát theo quy hoạch

- Khả năng cắt giảm mực nước, lưu lượng lũ cho hạ du tại những vị trí đặc trưng đối với mô hình lũ thiết kế;

- Số dân cư, các cơ sở hạ tầng và sản xuất được bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái...

10. Đánh giá môi trường chiến lược

- Hiện trạng môi trường sinh thái.

- Dự báo tác động xấu đối với môi trường khi thực hiện quy hoạch.

- Giải pháp tổng thể giải quyết các vấn đề về môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Phân công quản lý;

- Phân công nhiệm vụ;

- Trình tự tổ chức thực hiện.

V. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

- Kết luận:

- Kiến nghị:

Chương IV

KHỐI LƯỢNG CÔNG VIỆC, SẢN PHẨM GIAO NỘP VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN QUY HOẠCH

I. KHỐI LƯỢNG CÔNG VIỆC

1. Thu thập tài liệu cơ bản:

Bảng 1: Tổng hợp khối lượng thu thập tài liệu sẵn có

TT

Nội dung công việc

Đơn vị

Khối lượng

1

Mua các loại bản đồ, ảnh

 

 

 

- Bản đồ địa hình (bản giấy) tỷ lệ 1/50.000

tờ

4

 

- Bản đồ địa chính file số, tỷ lệ 1/10.000

mảnh

8

2

Mua, điều tra thu thập số liệu thủy văn

 

 

 

- Cập nhật số liệu khí tượng (mưa ngày, mưa giờ)

biểu

15

 

- Số liệu thủy văn (trích lũ, lưu lượng ngày,)

biểu

20

3

Thu thập, tổng kết và xử lý số liệu

 

 

a

Công tác ngoại nghiệp

 

30

 

- Tài liệu về điều kiện tự nhiên

công

2

 

- Tài liệu về dân sinh, kinh tế, xã hội và môi trường

công

8

 

- Tài liệu hiện trạng công trình thủy lợi, giao thông, công trình phòng chống lũ, ..

công

4

 

- Điều tra vết lũ lịch sử

công

5

 

- Khảo sát kiểm kê hạ tầng kinh tế xã hội

công

5

b

Công tác nội nghiệp

 

6

 

Nghiên cứu, phân tích, so sánh và đánh giá sự hợp lý của các tài liệu đã có liên quan đến việc quy hoạch, thiết kế xây dựng trong khu vực.

công

6

2. Khảo sát thủy văn

- Lập trạm quan trắc thủy văn tạm thời trong mùa mưa lũ phục vụ công bài toán thủy văn thủy lực hệ thống mạng sông suối trong vùng tiêu thoát, các trạm được đo đạc đồng thời;

- Khảo sát thủy văn lũ phục vụ cho mô phỏng lũ xác định bộ thông số mô hình phục vụ bài toán thủy lực tính toán cho phương án tiêu thoát lũ; cung cấp số liệu lưu lượng (Q) và mực nước (H) để phục vụ hiệu chỉnh và kiểm định mô hình toán thủy văn thủy lực.

- Đo lưu lượng mực nước giờ lũ trong 5 ngày tại các nhánh suối lớn chảy vào sông Nậm Rốm;

- Vị trí 7 điểm đo đạc đồng thời (03 vị trí trên sông chính và 04 điểm trên sông nhánh).

- Thời gian quan trắc 5ngày/điểm đo;

- 1 trạm đo mực nước và 6 trạm đo đồng thời lưu lượng và mực nước

- Thiết bị: Máy đo vận tốc và thước đọc mực nước;

Bảng 2: Tổng hợp khối lượng thủy văn

TT

Hạng mục - Công việc

Đơn vị

Số lượng

Ghi chú

1

Đo mực nước (8 ốp/ngày)

Lần đo

8x7x5 = 280

 

2

Đo lưu lượng (4 ốp/ngày)

Lần đo

4x6x5 = 120

 

- Nội dung (1) đo 8 lần mỗi ngày.

- Nội dung (2) đo 4 lần mỗi ngày.

3. Khảo sát địa hình

3.1. Phạm vi đo đạc:

a) Sông Nậm Rốm:

- Phạm vi từ đập thủy nông Nậm Rốm đến ngã 3 sông Nậm Rốm - Nậm Núa, chiều dài tuyến dự ước L=29 km.

- Đo trắc ngang sông: Bình quân 500m đo 1 mặt cắt; chiều rộng đo hết vùng ảnh hưởng ngập của sông, chiều rộng mặt cắt ngang đo bình quân 150 m; tổng mặt cắt ngang đo 58m/c x 150m = 8700m.

b) Sông Nậm Núa đoạn từ ngã 3 sông Nậm Rốm về thượng lưu:

- Phạm vi từ ngã 3 Nậm Rốm đến trạm thủy văn, bình quân 500m một điểm đo; chiều dài đo dự ước L=7 km.

- Đo trắc ngang sông: Bình quân 500m đo 1 mặt cắt; chiều rộng đo hết vùng ảnh hưởng ngập của sông, chiều rộng mặt cắt ngang đo bình quân 150 m; tổng mặt cắt ngang đo 14m/c x 150m = 2.100m.

c) Sông Nậm Rốm đoạn từ ngã 3 sông Nậm Núa về hạ lưu:

- Phạm vi từ ngã 3 sông Nậm Rốm đến Cảnh Ngói, bình quân 500m một điểm đo; chiều dài đo dự ước L=6,6 km.

- Đo trắc ngang sông: Bình quân 500m đo 1 mặt cắt; chiều rộng đo hết vùng ảnh hưởng ngập của sông, chiều rộng mặt cắt ngang đo bình quân 150 m; tổng mặt cắt ngang đo 13m/c x 150m = 1950m.

d) Tuyến suối nhánh (cấp 2):

- Phạm vi từ cửa ra sông Nậm Rốm đến phạm vi hết khu dân cư và cánh đồng; chiều dài đo từng tuyến như sau:

- Bên hữu: 37,3 km.

- Suối Hoong Lệnh: (Thanh Nưa): 3 km

- Suối Tông Khao (Huổi Ma Nao): 5,4 km

- Suối Nậm Pe: (Thanh Luông): 7,2 km

- Suối Hoong Khếnh: 6 km

- Suối Hồng Lếch: 5,5 km

- Suối Na Ngum: 6,7 km

- Suối Huổi Phúc, Bản On (Noong Luống): 3,5 km

- Bên Tả: 32,2km.

- Suối Noong Bua (TP): 3,6 km

- Suối Bo Hoong: 3,6km

- Suối Pú Tửu: 4,8km

- Suối Duôi Ta: 4,4 km

- Suối Huổi Cánh: 4,9 km

- Suối Huổi Lé: 6,3 km

- Suối Huổi Pha Nem: 4,6 km

Tổng chiều dài các tuyến nhánh dự ước L = 69,5 km. Đo trắc ngang suối: Bình quân 500m đo 1 mặt cắt; chiều rộng đo hết vùng ảnh hưởng ngập của suối, chiều rộng mặt cắt ngang đo bình quân 100 m; tổng mặt cắt ngang đo 153m/c x 100m = 15300 m.

3.2. Khối lượng đo đạc dự kiến:

Bảng 3: Tổng hợp khối lượng khảo sát địa hình

STT

Hạng mục - Công việc

Diễn toán

Đơn vị

Khối lượng

1

Xây dựng lưới đường chuyền cấp 2, phục vụ công tác xây dựng hệ thống mốc thủy trí, địa hình cấp III

Dọc hai bên bờ sông khoảng 2km/điểm, 112điểm/bờ*2 bên

Điểm

112

2

Đo vẽ mặt cắt thủy văn

 

 

 

 

- Đo vẽ cắt ngang trên cạn

30,45km*75%

100m

228,4

 

- Đo vẽ cắt ngang dưới nước

30,45km*25%

100m

76,1

4. Thiết kế quy hoạch chi tiết:

- Tính toán thủy văn:

+ Xác định lưu vực thủy văn.

+ Tính toán mưa theo các tần suất.

+ Tính toán lưu lượng lũ từ mưa

+ Xác định lưu lượng tiêu Qmax

- Tính toán thủy lực:

+ Tính toán mực nước sông, suối theo các cấp lưu lượng và tần suất khác nhau.

+ Tính toán mô phỏng trận lũ lớn lịch sử theo kết quả điều tra.

+ Tính toán mô phỏng lũ theo tần suất thiết kế.

+ Tính toán mô phỏng cắt lũ, giảm lũ theo các giải pháp công trình: hồ chứa, kênh tiêu, cống tiêu.

+ Tính toán mô phỏng ngập lụt theo các kịch bản hiện trạng và quy hoạch.

- Tính toán thủy công:

+ Tính toán thủy lực dòng chảy, mặt cắt sông, suối.

+ Tính toán thiết kế sơ bộ các công trình.

+ Tính toán khối lượng các công trình thủy lợi dự kiến.

+ Tính toán giá thành đầu tư.

- Viết báo cáo tổng hợp theo các mục tiêu và yêu cầu của dự án.

II. SẢN PHẨM GIAO NỘP

10 bộ in giấy và 1 USB ghi lại toàn bộ hồ sơ quy hoạch gồm:

1. Các loại báo cáo

- Báo cáo tóm tắt;

- Báo cáo tổng hợp;

- Báo cáo tính toán thủy văn;

- Báo cáo tính toán thủy lực;

- Báo cáo tính toán thủy công;

- Báo cáo kết quả khảo sát địa hình.

2. Các loại bản vẽ

- Bình đồ tuyến kênh, vùng ngập lụt.

- Bản vẽ thủy công các công trình kiến nghị xây dựng đợt đầu.

- Bản đồ atlat vùng ngập lụt theo các phương án tính toán.

III. THỜI GIAN THỰC HIỆN

Thực hiện dự án trong 10 tháng kể từ ngày ký kết hợp đồng.

Phần II

DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN

I. CƠ SỞ LẬP DỰ TOÁN

1. Căn cứ nội dung công việc trong đề cương nghiên cứu;

2. Thông tư 01/2012/TT-BKHĐT ngày 09/02/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

3. Thông tư số 07/2006/TT-BXD ngày 10/11/2006 của Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh dự toán xây dựng;

4. Thông tư số 05/2009/TT-BXD ngày 15/2009/TT-BXD hướng dẫn điều chỉnh dự toán xây dựng;

5. Thông tư số 49/2013/TT-BTC ngày 26/04/2013 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng kinh phí khai thác và sử dụng tư liệu đo đạc bản đồ;

6. Giá thiết kế quy hoạch xây dựng thủy lợi theo Quyết định số 1699/QĐ-BNN-KHCN ban hành ngày 20/7/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc công bố định mức, đơn giá trong thiết kế quy hoạch xây dựng Thủy lợi và Quyết định số 949/BXDKTXD ngày 12/06/2012 của Bộ Xây dựng về việc thỏa thuận định mức, đơn giá giá thiết kế quy hoạch xây dựng thủy lợi; Quyết định số 4536/BKHĐT-QLQH ngày 21/06/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn phạm vi áp dụng Thông tư số 01/2012/TT-BKHĐT về việc hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch sản phẩm chủ yếu;

7. Đơn giá khảo sát xây dựng theo Công bố số 136/SXD-CB ngày 05 tháng 04 năm 2012 về việc Công bố các tập đơn giá: Xây dựng, lắp đặt, khảo sát xây dựng sửa chữa trong xây dựng trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

8. Đơn giá mua tài liệu căn cứ theo Thông tư số 23/2009/TT-BTC ngày 05/02/2009 của Bộ Tài chính quy định về mức thu, chế độ thu và sử dụng tài liệu khí tượng thủy văn.

9. Thông tư số 10/2010/TT-BTNMT ngày 01/7/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

10. Quyết định số 957/QĐ-BXD ngày 29/09/2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình.

11. Quyết định số 165/QĐ-BNN-KHCN ngày 28/01/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về định mức trong xây dựng dự toán kinh phí đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu mô hình tính toán thủy lực, hình thái sông ngòi.

II. DỰ TOÁN: 2.881.795.000 đồng.

1. Quy mô diện tích vùng quy hoạch: Diện tích vùng thiết kế quy hoạch khoảng 7.000 ha.

2. Các hệ số phi chuẩn

Căn cứ vào định mức, đơn giá trong thiết kế quy hoạch xây dựng Thủy lợi số 1699/QĐ-BNN-KHCN ban hành ngày 20/7/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các hệ số phi chuẩn xác định như sau:

- Mạng lưới sông ngòi trong vùng phức tạp K2 = 0,15.

- Mạng sông trong vùng gắn với mạng sông bên ngoài K3 = 0,15.

∑K = 0,30.

3. Gia thiết kế quy hoạch chi tiết

Căn cứ vào Công bố số 1699/QĐ-BNN-KHCN ban hành ngày 20/7/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT nội suy theo bảng số 3 (Vùng miền núi), phần Định mức chi phí thiết kế quy hoạch phòng chống lũ, có giá thiết kế quy hoạch:

- Giá thiết kế quy hoạch được tính theo công thức sau:

GX = Gmax +

Gmax - Gmax-1

x (Fx - Fmax).

Fmax - Fmax-1

Trong đó: Gmax = 189.106đ, Gmax-1 = 187.106đ

Fmax = 6.000ha, Fmax-1 = 5.000ha

Fx = 7.000ha.

GX = 189.106 đ +

(189 - 187). 106đ

x (7.000 ha - 6.000 ha).

(6.000 - 5.000) ha

Gx = 191.000.000 đồng.

- Chi phí quản lý quy hoạch và chi phí công bố quy hoạch nội suy theo bảng 4 Quyết định số 1699/QĐ-BNN-KHCN.

- Chi phí lập đề cương quy hoạch và dự toán chi tiết, chi phí thẩm định đề cương và đồ án quy hoạch căn cứ Thông tư 01/2012/TT-BKHĐT ngày 09/2/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (phụ lục IX, Định mức các khoản mục chi phí của dự án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu của tỉnh) và quyết định theo như bảng sau:


III. PHỤ LỤC TÍNH TOÁN

PHỤ LỤC 1: BẢNG TỔNG HỢP GIÁ TRỊ DỰ TOÁN

TT

HẠNG MỤC

Đơn vị tính

Khối lượng

Định mức

Tỷ lệ %

Hệ số

Giá trị trước thuế

Thuế VAT

Giá trị sau thuế

I

Chi phí thiết kế, lập đề cương quy hoạch và dự toán

 

 

 

 

 

 

 

348.024.888

1

Chi phí thiết kế quy hoạch

ha

7.000

191.000.000

 

1,3

248.300.000

24.830.000

273.130.000

2

Chi phí xây dựng đề cương, nhiệm vụ

 

 

 

1,5%

 

37.864.561

3.786.456

41.651.017

3

Chi phí lập dự toán theo đề cương, nhiệm vụ

 

 

 

1,0%

 

25.243.040

2.524.304

27.767.344

II

Chi phí khác

 

 

 

 

 

 

 

288.073.576

4

Chi phí thẩm định đề cương, nhiệm vụ và dự toán

 

 

 

1,5%

 

37.864.561

 

37.864.561

5

Chi phí thẩm định quy hoạch

 

 

 

4,5%

 

113.593.682

 

113.593.682

6

Chi phí quản lý dự án quy hoạch

 

 

 

2,71%

 

68.307.667

 

68.307.667

7

Chi phí công bố quy hoạch

 

 

 

2,71%

 

68.307.667

 

68.307.667

III

Thu thập số liệu và khảo sát thủy văn, địa hình, điều tra lũ

 

 

 

 

 

1.122.065.599

112.206.560

1.234.272.159

IV

Thiết lập bộ công cụ mô hình thủy lực tính toán, mô phỏng các kịch bản tiêu thoát lũ và xây dựng bộ bản đồ ngập lụt

 

 

 

 

 

924.456.251

92.445.625

1.016.901.876

 

Tổng cộng

 

 

 

 

 

 

 

2.881.795.972

 

Làm tròn

 

 

 

 

 

 

 

2.881.795.000

Bằng chữ: (Hai tỷ, tám trăm tám mốt triệu, bảy trăm chín lăm nghìn đồng)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 596/QĐ-UBND năm 2016 về đề cương, nhiệm vụ và dự toán dự án Quy hoạch tiêu thoát lũ khu vực lòng chảo tỉnh Điện Biên đến 2025, định hướng đến 2035

  • Số hiệu: 596/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/04/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Lò Văn Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/04/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản