Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1102/2011/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 02 tháng 6 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ THỐNG NHẤT CÁC HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 28/2005/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Quyết định số 45/2006/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC;

Căn cứ Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Ngoại vụ tại Tờ trình số 27/TTr-SNgV ngày 25 tháng 4 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2182/QĐ-UBND ngày 22 tháng 8 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành Quy định về quản lý các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Ngoại vụ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, doanh nghiệp liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đàm Văn Bông

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ THỐNG NHẤT CÁC HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1102/2011/QĐ-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi áp dụng

Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung, thẩm quyền, trình tự, thủ tục về quản lý các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các sở, ban, ngành, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, các đơn vị lực lượng vũ trang, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh;

b) Các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh, cá nhân nước ngoài trên địa bàn tỉnh;

c) Các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nguyên tắc hoạt động đối ngoại

1. Bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của Tỉnh uỷ, sự giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh và sự quản lý, điều hành thống nhất của Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với các hoạt động đối ngoại của tỉnh, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, các đơn vị lực lượng vũ trang, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố. Các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh, cá nhân nước ngoài trên địa bàn tỉnh (gọi chung là các cơ quan, đơn vị trong tỉnh) nhằm thực hiện có hiệu quả đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

2. Phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động đối ngoại của Đảng, hoạt động ngoại giao của Nhà nước và hoạt động đối ngoại nhân dân; chính trị đối ngoại, kinh tế đối ngoại và văn hoá đối ngoại; hoạt động đối ngoại và hoạt động quốc phòng, an ninh, biên giới lãnh thổ; thông tin đối ngoại và thông tin trên địa bàn tỉnh.

3. Phân công, phân nhiệm rõ ràng, đề cao trách nhiệm và vai trò chủ động của các cấp, các ngành trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ có liên quan đến đối ngoại, bảo đảm sự đồng bộ, kiểm tra, giám sát chặt chẽ và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động đối ngoại.

4. Hoạt động đối ngoại được thực hiện theo chương trình hàng năm đã được duyệt, bảo đảm nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo; xin ý kiến tuân thủ theo Hiến pháp, Pháp luật và các quy định hiện hành về các hoạt động đối ngoại.

Điều 3. Nội dung của các hoạt động đối ngoại

1. Các hoạt động giao lưu với nước ngoài về chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục thể thao và các lĩnh vực khác…

2. Quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài (đoàn ra) và đón tiếp các đoàn nước ngoài, đoàn quốc tế đến Hà Giang (đoàn vào).

3. Quản lý các tổ chức, cá nhân người nước ngoài ở địa phương.

4. Ký kết và thực hiện các thoả thuận quốc tế.

5. Tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế.

6. Tiếp nhận huân chương, huy chương hoặc danh hiệu khác của tổ chức, cá nhân người nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế tặng.

7. Hoạt động kinh tế đối ngoại, trong đó có việc tiếp nhận các dự án nước ngoài.

8. Hoạt động đối ngoại liên quan đến biên giới lãnh thổ.

9. Tổng hợp tình hình và thông tin tuyên truyền đối ngoại.

10. Hoạt động đối ngoại với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây - Trung Quốc.

11. Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.

12. Bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại.

Chương II

XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI

Điều 4. Xây dựng và phê duyệt chương trình hoạt động đối ngoại

1. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chủ động xây dựng chương trình hoạt động đối ngoại hàng năm gửi về Sở Ngoại vụ tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Thời gian gửi chương trình hoạt động đối ngoại trước ngày 05 tháng 10 hàng năm. Đối với các vấn đề đối ngoại phức tạp, nhạy cảm Uỷ ban nhân dân tỉnh xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bộ Ngoại giao và các bộ ngành liên quan trước khi phê duyệt.

2. Sở Ngoại vụ có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại năm tiếp theo cho Uỷ ban nhân dân tỉnh xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh uỷ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (thông qua Bộ Ngoại giao) trước ngày 15/10 hàng năm.

3. Đối với việc sửa đổi, bổ sung chương trình hoạt động đối ngoại của Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể phải được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt cho từng trường hợp cụ thể. Trình tự thủ tục xin phép như xây dựng chương trình hoạt động đối ngoại hàng năm. Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ động đề xuất những vấn đề thuộc trách nhiệm và phạm vi công tác của Uỷ ban nhân dân tỉnh làm tờ trình báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh uỷ hoặc Thường trực Tỉnh uỷ, ý kiến bộ Ngoại giao và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trước khi thực hiện ít nhất 15 ngày làm việc.

Điều 5. Thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại đã được phê duyệt

1. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động đối ngoại theo chương trình hàng năm đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Đối với hoạt động đối ngoại phát sinh ngoài chương trình hàng năm đã được duyệt phải trình xin ý kiến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh trước khi thực hiện ít nhất 15 ngày làm việc.

2. Đối với việc đi công tác nước ngoài của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; việc đón tiếp các đoàn quốc tế đến thăm và làm việc với tỉnh theo lời mời của Uỷ ban nhân dân tỉnh từ cấp Bộ trưởng, Tỉnh trưởng trở lên, khi thực hiện Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh thông báo với Bộ Ngoại giao kế hoạch thực hiện cụ thể để xin ý kiến trước 15 ngày làm việc. Trường hợp đặc biệt cần phải thay đổi kế hoạch thì Bộ Ngoại giao trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Căn cứ vào chương trình hoạt động đối ngoại hàng năm đã được phê duyệt, Sở Ngoại vụ kiểm tra, đôn đốc, tham mưu tổ chức thực hiện; khi có các vấn đề phát sinh ngoài chương trình, chủ động đề xuất trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

4. Đối với việc đi công tác nước ngoài của cán bộ viên chức và việc đón tiếp các tổ chức nước ngoài theo phân cấp quản lý, khi thực hiện phải gửi thông báo bằng văn bản và kế hoạch thực hiện cụ thể tới Sở Ngoại vụ. Trường hợp đặc biệt phải trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

Chương III

THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH

Điều 6. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định về các hoạt động đối ngoại của tỉnh gồm các nội dung sau

1. Chỉ đạo xây dựng chương trình hoạt động đối ngoại hàng năm của tỉnh, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh uỷ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (thông qua Bộ Ngoại giao).

2. Chủ động triển khai, tổ chức thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại đã được phê duyệt theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, đảm bảo đúng các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực đối ngoại.

3. Xem xét và có ý kiến về nội dung chương trình đi công tác nước ngoài đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý, đang đi công tác tại các cơ quan khối chính quyền, các doanh nghiệp nhà nước, các hội nghề nghiệp, trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Cử cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý đi công tác nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Việc cử ra nước ngoài về việc công hoặc cho phép ra nước ngoài về việc riêng đối với cán bộ, công chức, nhân viên trong các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp nhà nước như: Cấp Trưởng, Phó các sở, ban, ngành; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện; Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước của tỉnh.

4. Việc mời các đoàn nước ngoài vào thăm, làm việc với tỉnh từ cấp Thứ trưởng, Phó Tỉnh trưởng nước ngoài trở xuống.

5. Chỉ đạo lĩnh vực kinh tế đối ngoại của tỉnh theo thẩm quyền, đối với những vấn đề quan trọng, dự án lớn về kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh cần xin ý kiến Thường trực Tỉnh uỷ hoặc Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

6. Việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế theo quy định tại Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.

7. Việc ký kết và thực hiện các thoả thuận quốc tế nhân danh Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định tại Pháp lệnh ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế số 33/2007/PL-UBTVQH ngày 20/4/2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

8. Việc tiếp nhận huân chương, huy chương và các danh hiệu khác của tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tặng cán bộ, công chức, cơ quan, tổ chức doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.

9. Quyết định tặng bằng khen, kỷ niệm chương của tỉnh cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài có thành tích đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tăng cường mối quan hệ, hữu nghị hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế.

Điều 7. Chủ tịch UBND tỉnh uỷ quyền cho

1. Giám đốc Sở Ngoại vụ

a) Xem xét, giải quyết cử cán bộ công chức, viên chức đi công tác nước ngoài đối với các đối tượng không phải là cấp Trưởng, Phó các sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch HĐND và UBND cấp huyện, thành phố, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước của tỉnh;

b) Quyết định cho cán bộ công chức, viên chức không thuộc diện Tỉnh uỷ quản lý đi nước ngoài thăm thân, chữa bệnh bằng tiền cá nhân.

2. Giám đốc các sở, ban, ngành, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh

a) Chủ động mời và đón tiếp các đối tác nước ngoài đồng cấp (mà Trưởng đoàn là cấp Phó trở xuống) đến thăm và làm việc với đơn vị mình;

b) Chủ động kêu gọi, tiếp nhận các dự án hỗ trợ hợp tác đầu tư nước ngoài có sự thông qua hoặc hướng dẫn và được sự đồng ý của các cấp, ngành chức năng.

Chương IV

QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI

Điều 8. Tổ chức quản lý đoàn đi công tác nước ngoài (đoàn ra)

1. Sở Ngoại vụ là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn làm thủ tục theo dõi, quản lý việc đi nước ngoài đối với các cán bộ công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

2. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý khi đi nước ngoài phải có báơ cáo Ban Thường vụ hoặc Thường trực Tỉnh uỷ xem xét cho ý kiến trước khi trình UBND tỉnh quyết định (qua Văn phòng Tỉnh uỷ và Ban Tổ chức Tỉnh uỷ tổng hợp).

3. Đối với lực lượng vũ trang thực hiện theo quy định riêng.

4. Quy trình giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh cho cán bộ công chức, viên chức tỉnh Hà Giang:

a) Các cơ quan, đơn vị, cá nhân tổ chức đi nước ngoài có văn bản gửi Sở Ngoại vụ, trong văn bản nêu rõ:

- Mục đích chuyến đi;

- Nước đến và thời gian lưu trú nước ngoài;

- Nguồn kinh phí cho chuyến đi (nêu rõ kinh phí từ nguồn nào, nếu do nước ngoài đài thọ thì phải có văn bản, thư mời chứng minh);

- Ý kiến chính thức của cơ quan chủ quản về việc cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài;

- Nếu là công chức, viên chức phải ghi rõ mã ngạch, loại, bậc, chức vụ của công chức, viên chức; cán bộ công chức do bầu cử thì ghi rõ thời hạn nhiệm kỳ được bầu; cán bộ công chức mới được tuyển dụng thì ghi rõ thời hạn dự bị hay thử việc; nếu thuộc doanh nghiệp nhà nước phải ghi rõ chức danh quản lý và tên đầy đủ của đơn vị trực thuộc doanh nghiệp đó.

b) Trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản hợp lệ, Sở Ngoại vụ sẽ ra quyết định cử cán bộ công chức, viên chức ra nước ngaòi đối với đối tượng thuộc thẩm quyền cho phép đi nước ngoài của Sở Ngoại vụ hoặc ra văn bản trình Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết.

Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, UBND tỉnh có quyết định đồng ý cử đi nước ngoài hoặc văn bản trả lời không đồng ý cho xuất cảnh.

5. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ

a) Sở Ngoại vụ là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra và đề nghị cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ theo quy định của pháp luật.

b) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý về hộ chiếu và nhân sự đi nước ngoài của cơ quan, đơn vị mình.

6. Cấp và quản lý thẻ doanh nhân APEC: Thực hiện theo Quyết định số 45/2006/QĐ-TTg ngày 28/2/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC.

Sở Ngoại vụ là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét cho phép sử dụng thẻ đi lại của doanh nhân APEC (gọi tắt là thẻ ABTC) cho doanh nhân và công chức, viên chức của tỉnh Hà Giang trong việc đi lại thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ; tham gia các hội nghị, hội thảo và các mục đích kinh tế khác tại các nước và các vùng lãnh thổ thuộc APEC tham gia chương trình. Người mang thẻ ABCT, khi nhập cảnh, xuất cảnh các nước và vùng lãnh thổ có tên ghi trong thẻ thì không cần phải có thị thực của các nước và vùng lãnh thổ đó.

Điều 9. Tổ chức đón tiếp và quản lý các đoàn nước ngoài đến thăm và làm việc tại tỉnh Hà Giang (đoàn vào)

1. Đối với các đoàn đến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh: Sở Ngoại vụ căn cứ vào tính chất, nội dung công việc, đối tượng khách và chỉ đạo của các cơ quan xây dựng chương trình đón tiếp và làm việc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Sau khi được phê duyệt, Sở Ngoại vụ tổ chức triển khai thực hiện. Các ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Ngoại vụ triển khai chương trình đón tiếp đảm bảo trọng thị, an toàn, chu đáo, tiết kiệm.

2. Đối với các đoàn đến thăm và làm việc với các ngành, địa phương, cơ quan trong tỉnh: Các ngành, địa phương, cơ quan có văn bản xin ý kiến cấp có thẩm quyền đồng thời gửi Sở Ngoại vụ ít nhất 07 ngày làm việc trước khi đoàn đến thăm. Sau khi có ý kiến, chủ trương đồng ý của cấp có thẩm quyền, ngành, địa phương, cơ quan xây dựng kế hoạch đón tiếp gửi Sở Ngoại vụ và trao đổi thống nhất với Sở Ngoại vụ để hướng dẫn công tác lễ tân khi cần thiết.

3. Đối với các dự án có nguồn vốn đầu tư nước ngoài; các tổ chức quốc tế đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt và triển khai tại tỉnh; Uỷ ban nhân dân tỉnh uỷ quyền cho Sở Ngoại vụ thẩm định và có quyền quyết định cho phép các tổ chức, các chuyên gia nước ngoài đồng cấp trở xuống đến làm việc tại tỉnh theo chương trình, dự án tài trợ, hợp tác cho những lần tiếp theo.

4. Sở Ngoại vụ là cơ quan đầu mối tiếp nhận về việc đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp kiến, làm việc với các tổ chức nước ngoài của các cơ quan, đơn vị.

Điều 10. Quản lý các tổ chức, cá nhân người nước ngoài trên địa bàn tỉnh

1. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp thực hiện quản lý nhà nước và kiểm tra trong công tác xuất cảnh, nhập cảnh của các tổ chức, cá nhân.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp thực hiện quản lý nhà nước công tác kiểm tra việc cư trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan giải quyết các vấn đề nảy sinh đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến an ninh trật tự và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Hàng quý tổng hợp, thống kê báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Ngoại vụ) tình hình người nước ngoài vào nhập cảnh, xuất cảnh, tạm trú dài hạn, làm ăn, sinh sống, kinh doanh, đầu tư trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Ngoại vụ hướng dẫn quản lý các vấn đề liên quan đến nhân thân, tài sản, đi lại, làm ăn, sinh sống, học tập, công tác, du lịch, hoạt động của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam; là đầu mối liên lạc với cơ quan đại diện Ngoại giao nước có công dân, pháp nhân và các cơ quan có liên quan tại Việt Nam giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác lãnh sự.

3. Các ngành, địa phương, cơ quan khác trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm cung cấp thông tin, phối hợp với Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh trong công tác quản lý hoạt động của tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Điều 11. Hoạt động kinh tế đối ngoại

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Ngoại vụ, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp & PTNT và các cơ quan liên quan tích cực hỗ trợ các ngành, các huyện, địa phương và doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại thông qua:

Cung cấp thông tin, tham mưu về các vấn đề quốc tế, pháp luật, tập quán kinh doanh và thương mại quốc tế.

Đột phá, mở quan hệ với các đối tác.

Đồng hành, hỗ trợ các ngành, địa phương, doanh nghiệp trong hợp tác quốc tế, tiến hành hoạt động quảng bá quốc gia, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, khai thác các nguồn vốn bên ngoài, thu hút đầu tư, du lịch, xuất khẩu lao động và đầu tư nước ngoài, hỗ trợ xử lý các tranh chấp kinh tế - thương mại để bảo vệ lợi ích của công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Đôn đốc thực hiện các cam kết, thoả thuận với các đối tác quốc tế.

Phát huy lợi thế mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế.

Điều 12. Tổ chức và quản lý các hoạt động đối ngoại liên quan đến biên giới lãnh thổ

1. Sở Ngoại vụ là cơ quan thường trực của Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác biên giới lãnh thổ quốc gia, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện các nhiệm vụ về biên giới lãnh thổ quốc gia tại địa phương theo quy định của pháp luật; theo dõi, tổng hợp và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Ngoại giao tình hình thực hiện các Điều ước quốc tế về biên giới quốc gia, quy chế quản lý biên giới trên đất liền và các tranh chấp nảy sinh trên đất liền; tổ chức các lớp tấp huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật, chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước về biên giới lãnh thổ quốc gia; hướng dẫn, kiểm tra và quản lý các văn bản, tài liệu, bản đồ và hồ sơ về biên giới thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Hà Giang.

2. Uỷ ban nhân dân các huyện biên giới tổng hợp, đánh giá tình hình công tác đối ngoại về quản lý biên giới lãnh thổ quốc gia do địa phương quản lý, trực tiếp phối hợp với Sở Ngoại vụ và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các ngành liên quan trong các hoạt động đối ngoại về biên giới lãnh thổ quốc gia theo quy định của pháp luật Việt Nam và các Hiệp định, Hiệp ước, Điều ước và Thoả thuận quốc tế về biên giới lãnh thổ mà Việt Nam đã ký kết với các nước hoặc tham gia.

Điều 13. Cơ chế gặp gỡ với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây - Trung Quốc

1. Căn cứ vào chương trình hoạt động đối ngoại đã được phê duyệt hàng năm, Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định cơ chế gặp gỡ giữa tỉnh Hà Giang với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây - Trung Quốc như sau:

a) Các cuộc thăm và làm việc do lãnh đạo cấp tỉnh giữa Hà Giang và Vân Nam, Quảng Tây được tổ chức mỗi năm ít nhất 01 lần. Giao cho Sở Ngoại vụ đảm nhiệm liên lạc, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh lên kế hoạch làm việc.

b) Cuộc gặp và làm việc của cơ quan Ngoại vụ cấp tỉnh với Ngoại vụ Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam và Ngoại vụ Quảng Tây - Trung Quốc được tổ chức luân phiên theo từng quý của năm. Ngoài ra, căn cứ vào nhu cầu và tính chất công việc có thể tổ chức cuộc gặp, làm việc đột xuất (kể cả với cấp thành phố và cấp huyện thuộc tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc).

c) Cuộc gặp của lãnh đạo cấp huyện, thành phố mỗi năm ít nhất 02 lần.

d) Việc trao đổi nghiệp vụ cùng ngành, cùng cấp giữa các ngành chức năng có thể được tiến hành theo nhu cầu công tác.

2. Đối với các huyện biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây - Trung Quốc

Uỷ ban nhân dân các huyện biên giới được chủ động quyết định cử đoàn đại biểu của địa phương mình sang thăm và làm việc với huyện, xã tiếp giáp của Vân Nam và Quảng Tây và mời đoàn đại biểu của phía bạn sang thăm và làm việc tại địa phương. Kết thúc đợt công tác Uỷ ban nhân dân huyện phải có báo cáo cấp có thẩm quyền.

Trường hợp thành phần đoàn đại biểu của huyện có sự tham gia của Bí thư, Phó Bí thư, các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện uỷ hoặc Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện và tương đương, trước khi thực hiện chuyến thăm và làm việc phải báo cáo và được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền.

3. Hội Hữu nghị Việt - Trung phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội…có trách nhiệm vận động các cơ quan, đoàn thể nhân dân tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân, đặc biệt là khu vực biên giới nhằm phát huy và tăng cường tình đoàn kết hữu nghị truyền thống của nhân dân hai bên biên giới, xây dựng biên giới hoà bình, ổn định và cùng phát triển.

Điều 14. Hoạt động đối ngoại liên quan đến công tác về người Việt Nam ở nước ngoài

1. Sở Ngoại vụ triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch và chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao. Phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh trong công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài; vận động, hướng dẫn và hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân của họ ở địa phương trong các hoạt động tại địa phương. Định kỳ tổng kết, đánh giá và đề xuất kiến nghị giải quyết các vấn đề liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân của họ tại địa phương.

2. Công an tỉnh phối hợp với Sở Ngoại vụ theo dõi công tác về người Hà Giang ở nước ngoài; có trách nhiệm xác minh các thông tin cần thiết phục vụ cho việc giải quyết thủ tục hồi hương, xác nhận gốc Việt Nam, kết hôn với người Việt Nam trong nước và phục vụ công tác vận động tranh thủ nguồn viện trợ.

3. Các ngành, địa phương, cơ quan triển khai thực hiện nghiêm túc các chính sách hiện hành về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Điều 15. Tổ chức hội nghị, hội thảo, ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế; tổ chức triển khai thực hiện điều ước quốc tế tại Hà Giang

1. Việc tổ chức, quản lý và quy trình tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế trên địa bàn tỉnh thực hiện theo các quy định của Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.

2. Sở Ngoại vụ là cơ quan đầu mối, giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý đối với hội nghị, hội thảo quốc tế trên địa bàn tỉnh; định kỳ hàng năm báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Ngoại giao về tình hình tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế trên địa bàn tỉnh.

Điều 16. Công tác thông tin đối ngoại

1. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại của tỉnh. Phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan liên quan về chủ trương cung cấp cho báo chí nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế. Tổng hợp báo cáo Chính phủ về việc thực hiện kế hoạch thông tin đối ngoại của Uỷ ban nhân dân tỉnh; theo dõi, tổng hợp kinh phí hàng năm cho các hoạt động thông tin đối ngoại nói chung.

2. Sở Ngoại vụ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai chương trình, kế hoạch thông tin tuyên truyền đối ngoại của địa phương được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Cung cấp thông tin liên quan đến địa phương để phục vụ công tác tuyên truyền đối ngoại cho Bộ Ngoại giao và các cơ quan có thẩm quyền. Tổ chức thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin về tình hình chính trị - an ninh, kinh tế quốc tế và các khu vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

3. Việc quản lý các hoạt động báo chí của phóng viên nước ngoài trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 67/1996/NĐ-CP ngày 31/10/1996 của Chính phủ và Thông tư số 84/TTLB ngày 31/12/1996 của Bộ Văn hoá thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) và Bộ Ngoại giao.

Phóng viên nước ngoài, các cơ quan, tổ chức nước ngoài trực tiếp xin phỏng vấn lãnh đạo tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì phối hợp với Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất ý kiến với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đề xuất với Thường trực Tỉnh uỷ cho ý kiến chỉ đạo.

Sở Ngoại vụ phối hợp với các cơ quan liên quan, thẩm định hồ sơ và trình văn bản cho phép hoạt động báo chí của phóng viên nước ngoài, các cơ quan, tổ chức nước ngoài đến hoạt động báo chí tại địa phương theo quy định hiện hành.

4. Quy trình cho phép các phóng viên nước ngoài, các cơ quan, tổ chức nước ngoài đến hoạt động tại địa phương

a) Các phóng viên nước ngoài, các cơ quan tổ chức nước ngoài hoặc các cơ quan chủ quản của các phóng viên nước ngoài đến hoạt động báo chí tại Hà Giang, trước khi đến hoạt động tại địa phương phải có văn bản gửi Sở Ngoại vụ ít nhất 07 ngày làm việc trước khi đoàn tới công tác. Trong văn bản phải nêu rõ: Mục đích, nội dung, thời gian, địa điểm hoạt động báo chí tại địa phương, thành phần đoàn (thành phần đoàn phải nêu rõ ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, cơ quan công tác của phóng viên nước ngoài).

b) Sau khi nhận được văn bản hợp lệ, trong vòng 02 ngày làm việc, Sở Ngoại vụ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định hồ sơ và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong vòng 05 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền ra văn bản đồng ý hoặc không đồng ý cho phép hoạt động báo chí tại địa phương.

Điều 17. Bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại

Sở Ngoại vụ có trách nhiệm đánh giá nhu cầu và xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ kiến thức đối ngoại cho cán bộ làm công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh gửi Sở Nội vụ tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Điều 18. Chế độ báo cáo

1. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm về hoạt động đối ngoại của cơ quan, đơn vị mình và gửi về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Ngoại vụ). Báo cáo định kỳ nêu trên gửi trước ngày 20 tháng 5 (đối với báo cáo 6 tháng) và trước ngày 20 tháng 11 (đối với báo cáo hàng năm). Sở Ngoại vụ chịu trách nhiệm tổng hợp và dự thảo báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh về tình hình hoạt động đối ngoại của địa phương gửi Bộ Ngoại giao trước ngày 01 tháng 6 (đối với báo cáo 6 tháng) và trước ngày 01 tháng 12 (đối với báo cáo hàng năm) để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.

2. Trong 05 ngày sau khi kết thúc một hoạt động đối ngoại, các cơ quan. Đơn vị có trách nhiệm báo cáo kịp thời với cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý đồng thời gửi Sở Ngoại vụ để tổng hợp, theo dõi và báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan

1. Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện Quy chế và các văn bản liên quan về công tác đối ngoại của tỉnh; hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan đơn vị tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung của các hoạt động đối ngoại cụ thể được quy định tại Quy chế này.

2. Các cơ quan, đơn vị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này; bố trí cán bộ theo dõi công tác đối ngoại của cơ quan, đơn vị mình.

3. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có vấn đề gì cần sửa đổi, bổ sung thì Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.