Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2182/2006/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 22 tháng 8 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 22/2005/TTLT-BNG-BNV ngày 22/12/2005 của Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại ở địa phương;

Căn cứ Quyết định số 122/2001/QĐ-TTg ngày 21/8/2001 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26/4/2001 về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài;

Căn cứ Quyết định số 28/2005/QĐ-TTg ngày 01/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Theo đề nghị của Giám đốc sở Ngoại vụ và Biên giới,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc sở Ngoại vụ và Biên giới, lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể, các lực lượng vũ trang, Chủ tịch UBND các Huyện, Thị xã và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2182/2006/QĐ-UBND ngày 22 tháng 8 năm 2006 của UBND tỉnh Hà Giang)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng: Áp dụng đối với việc tổ chức triển khai các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Điều 2. Đối tượng áp dụng:

- Các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, các đơn vị lực lượng vũ trang, Ủy ban nhân dân các Huyện, Thị xã trong Tỉnh.

- Các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn Tỉnh.

- Các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Nội dung của các hoạt động đối ngoại:

1. Các hoạt động giao lưu, hợp tác với nước ngoài về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao.

2. Quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài (đoàn ra) và đón tiếp các đoàn nước ngoài, đoàn quốc tế vào Việt Nam (đoàn vào).

3. Tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế.

4. Tiếp nhận huân, huy chương hoặc danh hiệu khác, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế tặng.

5. Hoạt động đối ngoại liên quan đến biên giới lãnh thổ; an ninh trật tự ở khu vực biên giới; giải quyết các tình huống phức tạp trong quan hệ với nước ngoài.

6. Hoạt động đối ngoại với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây - Trung Quốc và các nước khác.

7. Các hoạt động kinh tế nước ngoài.

8. Vận động ,quản lý và sử dụng nguồn viện trợ nước ngoài.

9. Tổng hợp tình hình và thông tin tuyên truyền đối ngoại.

10. Công tác hướng dẫn, quản lý hoạt động báo chí của phóng viên nước ngoài tại địa phương.

11. Quản lý các tổ chức, cá nhân người nước ngoài ở địa phương; giải quyết các vấn đề liên quan đến người nước ngoài và phương tiện của người nước ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

12. Hoạt động đối ngoại với người Việt Nam ở nước ngoài.

13. Bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại.

14. Các hoạt động đối ngoại khác có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động đối ngoại:

1. Bảo đảm sự lãnh đạo của Tỉnh ủy,sự giám sát của Hội đồng nhân dân và sự quản lý, điều hành thống nhất của Ủy ban nhân dân Tỉnh đối với công tác đối ngoại của Tỉnh, sự phối hợp đồng bộ giữa các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể, Mặt trận tổ quốc cấp Tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã. Tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan đối ngoại Trung ương nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh Hà Giang.

2. Kết hợp chặt chẽ giữa chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng và hoạt động đối ngoại.

3. Hoạt động đối ngoại được thực hiện theo chương trình hàng năm đã được duyệt, bảo đảm nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, xin ý kiến theo quy định của pháp luật.

4. Hoạt động đối ngoại phải chịu sự quản lý của cơ quan chuyên môn quản lý hoạt động đối ngoại tại địa phương. Tuân thủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật.

Chương II

THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH

Điều 5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh quyết định về các hoạt động đối ngoại của tỉnh gồm các nội dung sau:

1. Cử cán bộ thuộc thầm quyền quản lý đi công tác nước ngoài: Việc cử ra nước ngoài về việc công hoặc cho phép ra nước ngoài về việc riêng đối với cán bộ, công chức, nhân viên trong các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh (cấp Trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị, Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước của Tỉnh).

2. Việc mời các đoàn vào thăm, làm việc với tỉnh Hà Giang từ cấp Thứ trưởng, Phó Tỉnh trưởng nước ngoài trở xuống.

3. Việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế theo quy định tại khoản 2 điều 3 Quyết định số 122/2001/QĐ-TTG ngày 21 tháng 8 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.

4. Phê duyệt, tiếp nhận, ký kết và thực hiện các dự án của tổ chức phi chính phủ và cá nhân nước ngoài tài trợ đối với tỉnh Hà Giang.

5. Việc tiếp nhận huân chương, huy chương và các danh hiệu khác, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tặng cán bộ, công chức, cơ quan, tổ chức doanh nghiệp Nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh.

6. Quyết định tặng bằng khen, kỷ niệm chương của tỉnh cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài có thành tích đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tăng cường mối quan hệ, hữu nghị hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế.

Điều 6. Chủ tịch UBND Tỉnh ủy quyền cho Giám đốc (thủ trưởng) các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể, Mặt trận tổ quốc và Chủ tịch UBND các huyện, thị tự quyết định và chịu trách nhiệm các hoạt động đối ngoại sau đây:

1. Cử cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý đi công tác nước ngoài:

Việc cử ra nước ngoài về việc công hoặc cho phép ra nước ngoài về việc riêng của cán bộ, công chức, nhân viên từ cấp phó trở xuống thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của cấo, ngành, đơn vị.

2. Chủ động mời và đón tiếp các đối tác nước ngoài đồng cấp ( mà Trưởng đoàn là cấp phó) trở xuống đến thăm và làm việc với đơn vị mình.

3. Tổ chức các hoạt động giao lưu đối ngoại về văn hóa, thể thao.

4. Được phép tiếp nhận các khoản cứu trợ khẩn cấp đã có địa chỉ cụ thể.

5. Việc tiếp nhận huân chương, huy chương và các danh hiệu khác của tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tặng cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của đơn vị.

6. Giám đốc ( thủ trưởng) các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chủ động kêu gọi, tiếp nhận các dự án hợp tác đầu tư nước ngoài có sự thông qua hoặc hướng dẫn và được sự đồng ý của các cấp, các ngành chức năng.

Điều 7. Xây dựng và phê duyệt chương trình hoạt động đối ngoại:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị, các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể, Mặt trận tổ quốc chủ động xây dựng chương trình hoạt động đối ngoại hàng năm gửi về sở Ngoại vụ và Biên giới tổng hợp trình Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt. Đối với các vấn đề đối ngoại phức tạp, nhạy cảm Ủy ban nhân dân Tỉnh xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bộ Ngoại giao và các Bộ ngành liên quan trước khi phê duyệt. Thời gian gửi chương trình hoạt động đối ngoại trước ngày 05 tháng 10 hàng năm.

2. Sở Ngoại vụ và Biên giới có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại năm tiếp theo cho Ủy ban nhân dân Tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thông qua Bộ Ngoại giao.

3. Đối với việc sửa đổi, bổ sung chương trình hoạt động đối ngoại của Ủy ban nhân dân các huyện, thị và các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể, Mặt trận tổ quốc phải được Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt cho từng trường hợp cụ thể. Trình tự thủ tục xin phép như xây dựng chương trình hoạt động đối ngoại hàng năm.

Điều 8. Thực hiện chương trình đối ngoại đã được phê duyệt:

1. Các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể, Mặt trận tổ quốc, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động đối ngoại theo chương trình hàng năm của Tỉnh đã được Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt.

2. Đối với việc đi công tác nước ngoài của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh; việc đón tiếp các đoàn quốc tế đến thăm và làm việc với Tỉnh theo lời mời của Ủy ban nhân dân Tỉnh từ cấp Bộ trưởng, Tỉnh trưởng trở lên, khi thực hiện Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh thông báo tới Bộ Ngoại giao kế hoạch thực hiện cụ thể để xin ý kiến trước 02 tuần. Trường hợp đặc biệt cần phải thay đổi kế hoạch thì Bộ Ngoại giao trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Đối với việc đi công tác nước ngoài của cán bộ viên chức và việc đón tiếp các tổ chức nước ngoài theo phân cấp quản lý, khi thực hiện phải thông báo tới sở Ngoại vụ và Biên giới kế hoạch thực hiện cụ thể. Trường hợp đặc biệt phải trình Ủy ban nhân dân Tỉnh quyết định.

Chương III

THỰC HIỆN CÁC HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI CỤ THỂ

Điều 9. Tổ chức và quản lý đoàn đi công tác nước ngoài (Đoàn ra)

1. Sở Ngoại vụ và Biên giới là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn làm thủ tục, theo dõi, quản lý việc đi nước ngoài đối với cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Tỉnh quản lý.

2. Đối với trường hợp phải làm hộ chiếu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh ủy quyền cho Giám đốc sở Ngoại vụ và Biên giới xem xét, giải quyết thủ tục xuất cảnh cho cán bộ, công nhân, viên chức trong Tỉnh đi nước ngoài về việc công hoặc việc riêng mà không thuộc diện quản lý trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh (đối với các đối tượng không phải là cấp trưởng, phó các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị, Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước của Tỉnh).

3. Cán bộ công chức, viên chức đi nước ngoài để học tếp, nghiên cứu theo chuyên ngành và do ngân sách Nhà nước đài thọ, phải có ý kiến của sở Nội vụ.

4. Cán bộ công chức làm công tác Đảng thuộc diện Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đi nước ngoài phải có ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy.

5. Đối với Công an, Quân đội và Biên phòng, Hải quan thực hiện theo quy định riêng.

Điều 10. Tổ chức và quản lý các đoàn nước ngoài và quốc tế đến thăm và làm việc tại tỉnh Hà Giang (Đoàn vào)

1. Căn cứ vào nhu cầu trao đồi ngoại vụ cùng ngành, cùng cấp và chương trình giao lưu hợp tác với các đối tác quốc tế. Giám đốc ( thủ trưởng) các Sở, Ban, Ngành, Mặt trận tổ quốc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã chủ động mời và đón tiếp các đối tác nước ngoài đồng cấp trở xuống đến thăm, làm việc với đơn vị mình.

2. Đối với các dự án có nguồn vốn đầu tư nước ngoài; các tổ chức quốc tế đã được Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt và triển khai tại Hà Giang; Ủy ban nhân dân Tỉnh ủy quyền cho sở Ngoại vụ và Biên giới thẩm định và có quyền quyết định cho phép các tổ chức, chuyên gia nước ngoài đồng cấp trở xuống đến làm việc tại Tỉnh theo chương trình, dự án, tài trợ, hợp tác cho những lần tiếp theo.

3. Sở Ngoại vụ và Biên giới là cơ quan đầu mối tiếp nhận về việc đề nghị lãnh đạo Tỉnh tiếp kiến, làm việc với các tổ chức nước ngoài của các cơ quan, đơn vị.

Điều 11. Hoạt động đối ngoại với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây - Trung Quốc:

1. Căn cứ vào chương trình hoạt động đối ngoại đã được phê duyệt hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang quy định cơ chế gặp gỡ giữa tỉnh Hà Giang với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây - Trung Quốc như sau:

- Các cuộc thăm và làm việc do Lãnh đạo cấp Tỉnh giữa Hà Giang và Vân Nam, Quảng Tây được tổ chức mỗi năm ít nhất 01 lần. Giao cho sở Ngoại vụ và Biên giới đảm nhận liên lạc, tham mưu cho Lãnh đạo Tỉnh lên kế hoạch làm việc.

- Cuộc gặp và làm việc của các cơ quan Ngoại vụ cấp Tỉnh với Ngoại vụ châu Văn Sơn - Vân Nam và Ngoại vụ Quảng Tây - Trung Quốc được tổ chức luân phiên theo từng quý của năm. Ngoài ra, căn cứ vào nhu cầu và tính chất công việc có thể tổ chức cuộc gặp, làm việc đột xuất (kể cả với cấp Thành phố và cấp Huyện thuộc tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc).

- Cuộc gặp của Lãnh đạo cấp Huyện, Thị mỗi năm ít nhất 02 lần.

- Việc trao đổi nghiệp vụ cùng ngành, cùng cấp giữa các ngành chức năng có thể được tiến hành theo nhu cầu công tác.

2. Hội Hữu nghị Việt - Trung phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ... có trách nhiệm vận động các cơ quan, đoàn thể nhân dân tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân, đặc biệt là khu vực biên giới nhằm phát huy và tăng cường tình đoàn kết hữu nghị truyền thống của nhân dân hai bên biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định và cùng phát triển.

Điều 12. Hoạt động đối ngoại liên quan đến công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.

1. Ủy ban nhân dân Tỉnh giao cho sở Ngoại vụ và Biên giới phối hợp với Công an Tỉnh theo dõi công tác về người Việt Nam ở nước ngoài là người tỉnh Hà Giang, phối hợp với Ủy ban công tác về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao thực hiện tốt các chính sách về công tác này.

2. Sở Ngoại vụ và Biên giới có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Tỉnh, các cơ quan chức năng thực hiện việc hỗ trợ, hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền, vận động và thực hiện chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân của họ sinh sống trên địa bàn Tỉnh.

3. Công an Tỉnh có trách nhiệm xác minh các thông tin cần thiết phục vụ cho việc giải quyết thủ tục hồi hương, xác nhận gốc Việt Nam, kết hôn với người Việt Nam trong nước và phục vụ công tác vận động tranh thủ nguồn viện trợ.

Điều 13. Hoạt động kinh tế đối ngoại:

1. Sở Kế hoạch - Đầu tư:

- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Tỉnh về mọi hoạt động kinh tế đối ngoại trên địa bàn Tỉnh.

- Chủ động phối hợp với các ngành liên quan nắm bắt tình hình kinh tế trong và ngoài nước có tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của Tỉnh; tham mưu đề xuất với tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế đối ngoại của tỉnh trong từng thời kỳ; phối hợp với các ngành có liên quan tìm kiếm và lựa chọn đối tác đầu tư nước ngoài vào địa bàn Tỉnh; trực tiếp phụ trách công tác tư vấn và xúc tiến đầu tư.

- Chủ động trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, vận động đầu tư trực tiếp nước ngoài phù hợp với pháp luật và tình hình thực tế của địa phương.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan tham khảo ý kiến các Bộ ngành và cơ quan hữu quan đối với những vấn đề kinh tế đối ngoại đặc biệt phức tạp trước khi trình Ủy ban nhân dân Tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Sở Ngoại vụ và Biên giới:

- Phối hợp với sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở, Ban ngành liên quan giúp Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng chương trình hoạt động đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế địa phương; lựa chọn và thẩm tra các đối tác nước ngoài vào làm ăn và đầu tư tại Hà Giang.

- Phối hợp chặt chẽ với sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh trong việc khuyến khích các ngành, các cấp của Tỉnh vận động, tiếp nhận viện trợ, triển khai thực hiện và quản lý các dự án của các tổ chức phi chính phủ và cá nhân nước ngoài quy định tại Điều 5 của Quy định này.

- Tham gia vào công tác xúc tiến thương mại, du lịch, xây dựng môi trường đầu tư phù hợp với đặc điểm của địa phương.

3. Ủy ban nhân dân các Huyện, Thị xã:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các Huyện, Thị xã chủ động xúc tiến các hạng mục đầu tư, mở rộng phạm vi mậu dịch biên giới, thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu qua các cặp cửa khẩu biên giới Việt - Trung và các tổ chức quốc tế khác.

- Chủ động khuyến khích các xã, các đồn biên phòng tham gia tạo dựng và thúc đẩy quan hệ ngoại giao nhân dân.

Điều 14. Tổ chức quản lý Hội nghị, Hội thảo Quốc tế:

- Sở Ngoại vụ và Biên giới phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh trong công tác quản lý, tổ chức Hội nghị, Hội thảo Quốc tế trên địa bàn Tỉnh; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện việc tổ chức Hội nghị, Hội thảo quốc tế đúng quy định. Định kỳ 6 tháng và hàng năm phối hợp với sở Nội vụ tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh và bộ Nội vụ tình hình tổ chức và quản lý Hội nghị, Hội thảo Quốc tế trên địa bàn Tỉnh.

Điều 15. Quản lý hoạt động của cá nhân, tổ chức nước ngoài:

- Công an Tỉnh chủ trì, phối hợp thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài trên địa bàn Tỉnh. Hàng quý tổng hợp, thống kê báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh (thông qua sở Ngoại vụ và Biên giới) tình hình người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, tạm trú dài hạn, làm ăn, sinh sống, kinh doanh, đầu tư trên địa bàn Tỉnh.

- Sở Ngoại vụ và Biên giới phối hợp với Công an Tỉnh và các ngành hữu quan hướng dẫn, quản lý các hoạt động của cá nhân, tổ chức nước ngoài trên địa bàn Tỉnh; hướng dẫn cá nhân, tổ chức nước ngoài tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến việc làm ăn, sinh sống, học tập, công tác, du lịch, kinh doanh, đầu tư... tại Hà Giang và xử lý các tình huống nảy sinh liên quan đến cá nhân, tổ chức nước ngoài.

- Các cơ quan, tổ chức có liên quan: phối hợp với sở Ngoại vụ và Biên giới, Công an Tỉnh quản lý và chịu trách nhiệm về hoạt động của tổ chức, cá nhân người nước ngoài là khách do cơ quan, địa phương mình tổ chức đón tiếp.

Điều 16. Tổng hợp tình hình và thông tin tuyên truyền đối ngoại:

1. Sở Ngoại vụ và Biên giới phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc thu thập, phân tích, tổng hợp các thông tin về tình hình chính trị, an ninh, kinh tế quốc tế và các khu vực có tác động đến địa phương và hoạt động đối ngoại của Tỉnh, báo cáo và đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh hướng giải quyết và giải pháp thực hiện.

2. Sở Ngoại vụ và Biên giới tranh thủ ý kiến của bộ Ngoại giao và các cơ quan Trung ương trong việc đón tiếp và hướng dẫn các hãng thông tấn và phóng viên nước ngoài đến thăm, phỏng vấn các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính quyền địa phương.

Điều 17. Bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại: Sở Ngoại vụ và Biên giới có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức đối ngoại tại địa phương, phối hợp với bộ Ngoại giao và sở Nội vụ Tỉnh để đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại của Tỉnh.

Điều 18. Chế độ báo cáo:

1. Ủy ban nhân dân các Huyện, Thị và các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm báo cáo định lỳ 6 tháng, hàng năm và sau khi kết thúc một hoạt động đối ngoại của đơn vị mình gửi về Ủy ban nhân dân Tỉnh ( qua sở Ngoại vụ và Biên giới). Báo cáo định kỳ nêu trên gửi trước ngày 20 tháng 5 (đối với báo cáo 6 tháng) và trước ngày 20 tháng 11 (đối với báo cáo hàng năm).

2. Ùy ban nhân dân Tỉnh gửi báo cáo định kỳ đến bộ Ngoại giao trước ngày 01 tháng 6 (đối với báo cáo 6 tháng) và trước ngày 01 tháng 12 (đối với báo cáo hàng năm).

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Khen thưởng và xử lý vi phạm: Các cơ quan đơn vị, cá nhân thực hiện tốt quy định này thì được khen thưởng, nếu vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Tồ chức thực hiện: Sở Ngoại vụ và Biên giới có trách nhiệm phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể, Mặt trận tồ quốc, các đơn vị lực lượng vũ trang, Ùy ban nhân dân các Huyện, Thị xã tổ chức triển khai, thực hiện Quy định này./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2182/2006/QĐ-UBND về Quy định quản lý hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Hà Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành

  • Số hiệu: 2182/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/08/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản