Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

SỐ 67/CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 1996

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 67/CP NGÀY 31 THÁNG 10 NĂM 1996 BAN HÀNH "QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN, BÁO CHÍ CỦA PHÒNG VIÊN NƯỚC NGOÀI, CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM"

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989; Căn cứ Luật Xuất bản ngày 07 tháng 7 năm 1993;
Để bảo đảm quyền tự do báo chí, đồng thời thống nhất quản lý hoạt động thông tin, báo chí của phóng viên nước ngoài, của các cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này:

"Quy chế hoạt động thông tin, báo chí của phóng viên nước ngoài, các cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam".

Điều 2.

1- Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động hợp pháp trên lãnh thể Việt Nam có nghĩa vụ chấp hành Quy chế này.

2- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Quy chế này thì tuỳ theo mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Điều 3. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 12 năm 1996. Những quy định của Chính phủ trước đây trái với Quy chế ban hành kèm theo Nghị định này đều bãi bỏ.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có trách nhiệm ra Thông tư trước ngày 31 tháng 12 năm 1996 hướng dẫn thi hành Quy chế ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ tưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Nguyễn Khánh

(Đã ký)

QUY CHẾ

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN, BÁO CHÍ CỦA PHÓNG VIÊN NƯỚC NGOÀI, CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Nghị định số 67/CP, ngày 31 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Các hoạt động thông tin, báo chí nước ngoài tại Việt Nam nêu trong Quy chế này gồm:

1. Hoạt động nghiệp vụ báo chí của phóng viên nước ngoài; lập văn phòng báo chí thường trú, cử phòng viên thường trú; sử dụng phương tiện nghiệp vụ báo chí.

Hoạt động nghiệp vụ báo chí của phóng viên nước ngoài là: quay phim thời sự, chụp ảnh báo chí, phỏng vấn, ghi âm, ghi hình, đi thăm các địa phương, cơ sở.

2. Hoạt dộng thông tin, báo chí của các cơ quan đại diện nước ngoài, các cơ quan nước ngoài: xuất bản và lưu hành bản tin, họp báo; trưng bày tủ ảnh; chiếu phim, triển lãm, hội thảo và các hoạt động khác có liên quan đến hoạt động báo chí.

Điều 2. Các đối tượng nêu tại Quy chế này gồm:

1. Phóng viên nước ngoài thường trú hoặc vào hoạt động ngắn hạn ở Việt Nam; Văn phòng thường trú của các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam.

2. Cơ quan đại diện Ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế liên Chính phủ tại Việt Nam (sau đây gọi là "Cơ quan đại diện nước ngoài").

3. Cơ quan đại diện tổ chức phi Chính phủ, tổ chức kinh tế, văn hoá, khoa học, tổ chức tư vấn nước ngoài; công ty, xí nghiệp của nước ngoài (sau đây gọi là "Cơ quan nước ngoài").

4. Các đoàn đại biểu nước ngoài thăm Việt Nam theo lời mời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội hoặc Bộ Ngoại giao.

5. Các đoàn đại biểu nước ngoài thăm Việt Nam theo lời mời của các cơ quan không nêu ở khoản 4 của Điều này.

Điều 3. Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi là Bộ Ngoại giao) là cơ quan được Chính phủ uỷ nhiệm thực hiện chức năng quản lý và cấp phép cho các hoạt động báo chí nếu tại khoản 1 Điều 1 của Quy chế này.

Điều 4. Bộ Văn hoá - Thông tin nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi là Bộ Văn hoá - Thông tin) là cơ quan thực hiện chức năng quản lý và cấp phép cho các hoạt động thông tin, báo chí nêu tại khoản 2 Điều 1 của Quy chế này.

Điều 5. Mọi hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam của đối tượng nêu tại Điều 2 của Quy chế này phải được tiến hành phù hợp với luật pháp và các quy định hiện hành của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; với các quy định về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời các hoạt động nói trên phải theo đúng khoản 5 Điều 6 và Điều 10 của Luật báo chí Việt Nam.

Chương 2:

HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ CỦA PHÓNG VIÊN NƯỚC NGOÀI

Điều 6. Phóng viên nước ngoài muốn vào Việt Nam hoạt động báo chí ngắn hạn phải gửi đơn xin phép đến Bộ Ngoại giao (Vụ Thông tin - Báo chí) hoặc qua các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài ít nhất 15 ngày trước ngày dự định vào.

Trong đơn, ngoài phần sơ lược lý lịch cá nhân theo quy định của Bộ Ngoại giao, phải nêu rõ mục đích, chương trình cụ thể và thời gian hoạt động cần thiết tại Việt Nam.

Phóng viên chỉ được vào Việt Nam hoạt động báo chí sau khi được cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam.

Điều 7. Trong thời gian ở Việt Nam, phóng viên nước ngoài vào hoạt động báo chí ngắn hạn phải mang theo "Giấy phép hoạt động báo chí" do Bộ Ngoại giao cấp; phải hoạt động theo đúng mục đích và chương trình đã được duyệt trong giấy phép, đồng thời dưới sự hướng dẫn của một cơ quan chuyên trách của Việt Nam.

Mọi hình thức hướng dẫn khác đều không được chấp nhận.

Chương trình đã đăng ký nêu trên có thể được bổ sung hoặc sửa đổi về thời gian hoặc nội dung sau khi được phép của Bộ Ngoại giao.

Điều 8. Cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài muốn lập Văn phòng báo chí thường trú tại Việt Nam phải có đơn do người đứng đầu cơ quan ký gửi Bộ Ngoại giao. Trong đơn cần cung cấp đầy đủ những thông tin cơ bản về cơ quan; tên của Văn phòng báo chí thường trú sẽ được thiết lập tại Việt Nam; chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng.

Điều 9. Trong vòng 90 ngày, kể từ ngày ghi trong thông báo cho phép lập Văn phòng báo chí thường trú tại Việt Nam, cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài liên quan phải có đơn do người đứng đầu cơ quan ký gửi Bộ Ngoại giao xin phép cử phóng viên thường trú. Trong đơn cần ghi rõ số lượng phóng viên thường trú cần thiết và sơ lược lý lịch cá nhân, tóm tắt tiểu sử của từng phóng viên.

Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo chấp nhận, phóng viên thường trú của Văn phòng phải đến Bộ Ngoại giao trao thư bổ nhiệm của cơ quan thông tấn, báo chí chủ quản, và nhận giấy phép lập Văn phòng báo chí thường trú tại Việt Nam do Bộ Ngoại giao cấp.

Trường hợp cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài và phóng viên thường trú không thực hiện những thủ tục quy định trong thời hạn nêu tại đoạn 1 và 2 của Điều này, giấy phép lập Văn phòng báo chí thường trú và chấp nhận phóng viên thường trú sẽ mặc nhiên mất hiệu lực.

Điều 10. Khi có nhu cầu thay thế phóng viên hoặc thay đổi số lượng phóng viên, Văn phòng báo chí thường trú phải thông báo cho Bộ Ngoại giao chậm nhất trước 15 ngày và làm đầy đủ các thủ tục cần thiết nêu tại Quy chế này đối với việc xin cho phóng viên thường trú vào hoạt động báo chí tại Việt Nam.

Điều 11. Văn phòng báo chí thường trú được phép sử dụng các nhân viên kỹ thuật để phục vụ nghiệp vụ.

Trong thời gian phóng viên thường trú làm việc tại Việt Nam, thân nhân của phóng viên gồm cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con được phép cư trú ở Việt Nam theo các quy định hiện hành của Việt Nam.

Các nhân viên kỹ thuật, thân nhân của phóng viên không được hưởng quy chế phóng viên, phải tuân thủ luật pháp và mọi quy định hiện hành của Việt Nam.

Điều 12.- Phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam được Bộ Ngoại giao cấp "Thẻ phóng viên nước ngoài" có giá trị 6 tháng. Chậm nhất 15 ngày trước khi "Thẻ phóng viên nước ngoài" hết hạn, phóng viên phải làm thủ tục gia hạn "Thẻ phóng viên nước ngoài" nếu có nhu cầu tiếp tục làm phóng viên thường trú tại Việt Nam.

Điều 13. Để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ báo chí nêu tại Quy chế này, phóng viên thường trú phải gửi yêu cầu về từng trường hợp một tới Bộ Ngoại giao ít nhất trước 5 ngày và chỉ được thực hiện sau khi được Bộ Ngoại giao cấp "Giấy phép hoạt động báo chí".

Điều 14. Văn phòng báo chí thường trú và phóng viên thường trú tại Việt Nam được phép thuê trụ sở làm việc và công dân Việt Nam làm việc tại Văn phòng thông qua cơ quan chuyên trách của Việt Nam, phù hợp với các quy định hiện hành của Việt Nam.

Điều 15. Văn phòng báo chí thường trú và phóng viên thường trú tại Việt Nam có nhu cầu thuê cộng tác viên phải tuân theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Văn bản hợp đồng thuê cộng tác viên phải được đăng ký với Bộ Ngoại giao.

Điều 16. Văn phòng báo chí thường trú phải thông báo cho Bộ Ngoại giao về việc đóng cửa Văn phòng của mình chậm nhất trước 30 ngày, và nộp lại giấy phép lập Văn phòng báo chí thường trú cho Bộ Ngoại giao. Phóng viên thường trú nước ngoài phải thông báo bằng văn bản về việc xuất cảnh với Bộ Ngoại giao chậm nhất 15 ngày trước khi kết thúc nhiệm kỳ và rời Việt Nam; phải nộp lại "Thẻ phóng viên nước ngoài" cho Bộ Ngoại giao trước khi rời Việt Nam.

Điều 17. Đối với phóng viên nước ngoài đi cùng với các đoàn đại biểu nêu tại các khoản 4, 5 Điều 2 của Quy chế này, cơ quan chủ quản đón đoàn cần làm thủ tục với Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Điều 18. Để phục vụ cho nghiệp vụ báo chí của mình, phóng viên nước ngoài thường trú và phóng viên nước ngoài vào hoạt động báo chí ngắn hạn tại Việt Nam được phép mang theo các phương tiện cần thiết phục vụ nghiệp vụ báo chí như máy ảnh, máy quay hình, máy ghi âm... Việc đưa các phương tiện nói trên vào và ra khỏi lãnh thổ Việt Nam được tiến hành phù hợp với luật pháp và các quy định hiện hành của Việt Nam.

Trường hợp các đối tượng nêu tại Điều này có nhu cầu mang theo hoặc lắp đặt, sử dụng các phương tiện thu, phát tin, hình qua vệ tinh, phải xin phép và được sự chấp thuận của Bộ Ngoại giao và Tổng cục Bưu điện Việt Nam.

Điều 19. Các sản phẩm báo chí như phim, ảnh, băng ghi hình, băng ghi âm... do phóng viên nước ngoài thường trú hoặc vào hoạt động ngắn hạn tại Việt Nam thực hiện theo chương trình đã đăng ký với Bộ Ngoại giao chỉ được đưa ra khỏi Việt Nam với giấy phép của Bộ Ngoại giao.

Điều 20. Phóng viên nước ngoài vào Việt Nam với mục đích du lịch, thăm thân nhân không được hoạt động báo chí. Trường hợp đặc biệt cần được sự đồng ý của Bộ Ngoại giao.

Chương 3:

HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN, BÁO CHÍ CỦA CÁC CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NƯỚC NGOÀI, CÁC CƠ QUAN NƯỚC NGOÀI

Điều 21. Xuất bản và lưu hành bản tin, tài liệu, ấn phẩm:

Việc xuất bản, lưu hành bản tin, tài liệu, ấn phẩm của các đối tượng nêu tại Chương này phải được tiến hành phù hợp với Luật báo chí, Luật xuất bản và các quy định hiện hành của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

1. "Cơ quan đại diện nước ngoài" có nhu cầu xuất bản, lưu hành tài liệu, sách báo, tranh ảnh, bản tin hay phụ trương bản tin, băng ghi hình, băng ghi âm, các chương trình phần mềm... bằng tiếng Việt Nam hoặc tiếng nước ngoài phải gửi công hàm thông báo cho Bộ Ngoại giao về mục đích, nội dung, tên gọi, định kỳ phát hành, khuôn khổ, nơi in, số lượng, đối tượng nhận các loại tuyên truyền phẩm nói trên để xem xét và giới thiệu làm thủ tục xin phép về các yêu cầu trên tại Bộ Văn hoá - Thông tin.

2. "Cơ quan nước ngoài" có nhu cầu xuất bản, lưu hành tài liệu, sách báo, tranh ảnh, bản tin hay phụ trương bản tin, băng ghi hình, băng ghi âm, các chương trình phần mềm... bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài phải làm thủ tục xin phép về các yêu cầu trên tại Bộ Văn hoá - Thông tin.

Việc xuất bản, lưu hành các loại bản tin, tài liệu, ấn phẩm nói trên chỉ được tiến hành sau khi có giấy phép của Bộ Văn hoá - Thông tin.

Điều 22. Họp báo có mời công dân Việt Nam tham dự:

1. "Cơ quan đại diện nước ngoài" có nhu cầu tổ chức họp báo phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Ngoại giao chậm nhất trước 48 giờ về nội dung, thời gian, địa điểm, thành phần dự, người chủ trì và các chi tiết khác có liên quan như trưng bày tài liệu, hiện vật... để Bộ Ngoại giao xem xét và đăng ký với Bộ Văn hoá - Thông tin.

2. "Cơ quan nước ngoài" có nhu cầu tổ chức họp báo phải đăng ký họp báo với Bộ Văn hoá - Thông tin.

Sau 24 giờ kể từ khi nhận được văn bản xin phép, Bộ Văn hoá - Thông tin phải trả lời nếu Bộ Văn hoá - Thông tin không có ý kiến thì việc họp báo coi như được chấp nhận.

Việc họp báo của các đoàn đại biểu nước ngoài thăm Việt Nam nêu tại các khoản 4, 5 Điều 2 của Quy chế này được thực hiện theo thoả thuận giữa Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan chủ quản đón đoàn với Bộ Văn hoá - Thông tin trong khuôn khổ chương trình hoạt động của đoàn.

Điều 23. Trưng bày tủ ảnh trước trụ sở cơ quan:

1. "Cơ quan đại diện nước ngoài" có nhu cầu đặt tủ ảnh trước trụ sở của mình phải có công hàm đề nghị gửi Bộ Ngoại giao. Trong công hàm cần nói rõ mục đích, nội dung ảnh, kích thước, nơi đặt tủ ảnh bảo đảm phù hợp với cảnh quan và môi trường đô thị.

Việc đặt tủ ảnh và mọi sự thay đổi khác với đề nghị ban đầu về đặt tủ ảnh chỉ được tiến hành sau khi có sự chấp thuận của Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao làm việc với Bộ Văn hoá - Thông tin xem xét quyết định trước khi thông báo cho đương sự.

2. "Cơ quan nước ngoài" có nhu cầu đặt tủ ảnh trước trụ sở của mình phải đề nghị và làm thủ tục xin phép với Bộ Văn hoá - Thông tin về việc trưng bày tủ ảnh.

Điều 24. Chiếu phim, triển lãm, hội thảo và các hoạt động khác có liên quan đến báo chí có mời công dân Việt Nam tham dự:

1. "Cơ quan đại diện nước ngoài" có nhu cầu tổ chức chiếu phim, triển lãm, hội thảo và tổ chức các hoạt động khác có liên quan đến báo chí có mời công dân Việt Nam tham dự phải có công hàm thông báo cho Bộ Ngoại giao về nội dung, địa điểm, danh sách khách mời. Bộ Ngoại giao xem xét và đăng ký với Bộ Văn hoá - Thông tin.

2. "Cơ quan nước ngoài" có nhu cầu tổ chức chiếu phim, triển lãm, hội thảo phải đăng ký với Bộ Văn hoá - Thông tin.

Các hoạt động chỉ được tiến hành sau khi có sự chấp thuận của Bộ Văn hoá - Thông tin.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 67-CP năm 1996 ban hành "Quy chế hoạt động thông tin, báo chí của phóng viên nước ngoài, các cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam"

  • Số hiệu: 67-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 31/10/1996
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: 01/12/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 20/12/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản