Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1010/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 09 tháng 6 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21/11/2017;

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19/11/2018;

Căn cứ Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045; Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 1368/QĐ-BNN-CN ngày 01/4/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045; Quyết định số 1960/QĐ-BNN-TCTS ngày 06/5/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị quyết số 186/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 5 năm giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi, thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- TT Tỉnh ủy (b/c);
- TT HĐND tỉnh (b/c);
- LĐ UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Điện Biên Phủ;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, KTN(TVH).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lò Văn Tiến

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
(Kèm theo Quyết định số 1010/QĐ-UBND ngày 09/6/2022 của UBND Điện Biên)

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu và nhiệm vụ của Chiến lược phát triển chăn nuôi, Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo điều kiện để phát triển chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi, thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Điện Biên với các nội dung như sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

- Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển chăn nuôi, thủy sản hiệu quả, bền vững, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

- Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, thủy sản, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động chăn nuôi, thủy sản phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

- Định hướng phát triển chăn nuôi, thủy sản phải phù hợp với quy hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của trung ương.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Phát triển chăn nuôi, thủy sản hiệu quả, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đưa chăn nuôi, thủy sản thành ngành sản xuất có tỷ trọng đáng kể trong ngành nông nghiệp, cung cấp các sản phẩm chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu trong và ngoài tỉnh, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập của người sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.

- Tập trung phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với các loài chủ lực, đặc trưng của địa phương tại các vùng có tiềm năng, lợi thế cho việc sản xuất. Chuyển dần từ sản xuất phân tán, quy mô nhỏ sang phương thức sản xuất chăn nuôi tập trung, trang trại, nuôi trồng thủy sản bán thâm canh, thâm canh theo hướng sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, đối xử nhân đạo với vật nuôi, bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu đến năm 2025

a) Phát triển chăn nuôi

- Tốc độ phát triển đàn gia súc bình quân đạt từ 3,5%/năm; đàn gia cầm từ 5%/năm trở lên; đàn ong từ 2%/năm trở lên. Đến năm 2025, đàn trâu đạt 142.445 con, đàn bò 116.625 con, đàn dê 70.090 con, đàn lợn 356.755 con, đàn gia cầm 5.439,7 nghìn con, đàn ong đạt 7.845 tổ.

- Tổng sản lượng thịt hơi đạt 29,924 nghìn tấn, trong đó: Sản lượng thịt trâu 4,102 nghìn tấn; thịt bò 3,327 nghìn tấn; thịt dê 0,785 nghìn tấn; thịt lợn đạt 15,983 nghìn tấn; thịt gia cầm 5,727 nghìn tấn. Sản lượng trứng đạt 102.395 nghìn quả; sản lượng mật ong đạt 59 nghìn lít.

- Tăng tỷ trọng chăn nuôi tập trung trong trang trại, giảm tỷ trọng chăn nuôi nông hộ. Phấn đấu 100% các trang trại chăn nuôi được quản lý, giám sát dịch bệnh, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.

b) Phát triển thủy sản

- Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng bình quân từ 1,1%/năm trở lên. Đến năm 2025, diện nuôi trồng thủy sản đạt 2.796 ha; thể tích lồng nuôi thủy sản đạt trên 46.468 m3.

- Sản lượng thủy sản tăng bình quân từ 4-5%/năm. Đến năm 2025, tổng sản lượng thủy sản đạt 4.960 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng 4.678 tấn, sản lượng khai thác thủy sản 282 tấn. Giá trị sản xuất 01 ha thủy sản tăng thêm từ 20% trở lên.

- Chủ động sản xuất, dịch vụ cung ứng 100% giống thủy sản truyền thống là giống sạch bệnh, đảm bảo đáp ứng được 80% nhu cầu giống thủy sản trong tỉnh.

- 100% các cơ sở nuôi lồng bè thực hiện đầy đủ thủ tục hành chính về cấp, cấp lại giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Xây dựng và thành lập 03 cơ sở áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, an toàn sinh học.

2.2. Mục tiêu đến 2030

a) Phát triển chăn nuôi

- Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng đàn vật nuôi như giai đoạn trước, đàn trâu đạt 152.040 con, đàn bò 152.425 con, đàn dê 80.795 con, đàn lợn 455.320 con, đàn gia cầm 6.942,6 nghìn con, đàn ong đạt 8.660 tổ.

- Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt từ 39,842 nghìn tấn trở lên, trong đó: Sản lượng thịt trâu 5,838 nghìn tấn; thịt bò 5,213 nghìn tấn; thịt dê đạt 1,062 nghìn tấn; thịt lợn 20,398 nghìn tấn; thịt gia cầm 7,331 nghìn tấn. Sản lượng trứng đạt 135.755 nghìn quả; sản lượng mật ong đạt 65 nghìn lít.

- Chuyển dịch chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, hướng sản xuất hàng hóa; Phấn đấu chăn nuôi tập trung, trang trại, hướng sản xuất hàng hóa đối với đàn gia cầm đạt 3%; đàn trâu đạt 15%; đàn bò đạt 20%; đàn lợn đạt 30% và đối với đàn dê thực hiện chăn nuôi bán công nghiệp kết hợp chăn thả có kiểm soát đạt 70%. Phấn đấu xây dựng được ít nhất từ 01 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật.

b) Phát triển thủy sản

- Diện tích nuôi thủy sản đến năm 2030 đạt 2.938 ha; Thể tích lồng nuôi cá đạt 52.728 m3.

- Tổng sản lượng thủy sản đạt trên 6.258 tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 289 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 5.969 tấn.

- Chủ động sản xuất, dịch vụ cung ứng 100% giống thủy sản truyền thống là giống sạch bệnh, đảm bảo đáp ứng được 90% nhu cầu giống thủy sản trong tỉnh.

- 100% các cơ sở nuôi lồng bè thực hiện đầy đủ thủ tục hành chính về cấp, cấp lại giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Xây dựng được từ 06-08 cơ sở áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, an toàn sinh học.

III. ĐỊNH HƯỚNG, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

1. Định hướng phát triển đến năm 2030

1.1.Phát triển chăn nuôi, thủy sản

- Tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại, công nghiệp, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bán thâm canh, thâm canh. Áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn sinh học, quy trình thực hành tốt (GAP), an toàn dịch bệnh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đồng thời đẩy mạnh các mô hình sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hữu cơ. Phát triển kinh tế nông hộ theo hướng hợp tác, liên kết giữa các hộ, cơ sở sản xuất để tạo sản phẩm hàng hóa. Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương để phát triển chăn nuôi, thủy sản:

- Xác định đối tượng vật nuôi chủ lực, tiềm năng để tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi là gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) và lợn; duy trì và phát triển các loại vật nuôi bản địa, đặc sản có năng suất, chất lượng cụ thể:

Phát triển chăn nuôi lợn với các giống cao sản theo hướng trang trại công nghiệp tại các xã vùng ngoài của huyện Điện Biên, huyện Tuần Giáo, huyện Mường Ảng và một số vùng có điều kiện phát triển sản xuất chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa; phát triển chăn nuôi đàn lợn lai, đàn lợn bản địa đặc sản tại các địa phương.

Phát triển đàn bò thịt theo hướng hàng hóa, chăn nuôi tập trung, trang trại, tăng cường công tác cải tạo giống, lai tạo, zebu hóa đàn bò (với các giống bò lai, bò chuyên thịt, bò địa phương như bò H’mông), ứng dụng công nghệ tăng năng suất, chất lượng thịt hơi. Tập trung phát triển đàn bò tại các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo và một số xã thành phố Điện Biên Phủ. Thực hiện thí điểm phát triển chăn nuôi bò sữa tại một số địa phương có tiềm năng, lợi thế.

Duy trì ổn định đàn trâu bản địa đặc biệt là giống trâu ngố, phát triển chăn nuôi trâu theo hướng trang trại trại tập trung tại các huyện: Mường Chà, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên.

Phát triển đàn dê theo hướng trang trại kết hợp nuôi nhốt và bán chăn thả tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Chà, Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Nậm Pồ.

Phát triển chăn nuôi gia cầm chuyển dần từ chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi tập trung, trang trại tại các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa và một số vùng có điều kiện phát triển sản xuất chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung. Phát triển chăn nuôi các giống gia cầm bản địa đặc sản của các địa phương.

Phát triển nuôi ong tại các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Nậm Pồ và các vùng có lợi thế về nguồn hoa để tạo mật cho ong theo hướng tập trung đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Phát triển nuôi một số loại vật nuôi khác như hươu sao, thỏ,... tại những vùng có tiềm năng, lợi thế.

- Phát triển nuôi trồng các đối tượng chủ lực lĩnh vực thủy sản như các loài cá truyền thống (trắm, chép, trôi,...), cá rô phi đơn tính, cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) và các loại thủy sản có lợi thế cạnh tranh: cá bỗng, cá lăng, cá chiến...

Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bán thâm canh, thâm canh tại các huyện có diện tích nuôi ao, hồ lớn: Điện Biên, Tuần Giáo, thành Phố Điện Biên Phủ.

Phát triển nuôi cá lồng tại các huyện: Điện Biên, Tủa Chùa, Mường Chà và thị xã Mường Lay, thành phố Điện Biên Phủ.

Phát triển nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) trong bể, lồng tại các huyện: Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ.

- Khai thác thủy sản hợp lý, gắn phát triển sinh kế của cộng đồng với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, nghề cá giải trí. Giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi các nghề xâm hại lớn đến nguồn lợi sang các nghề thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản.

- Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản: Điều tra, phối hợp điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống các loài thủy sản. Bảo vệ môi trường sống, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của loài thủy sản, các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm; thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực sông, suối, hồ chứa. Phát triển bảo tồn nguồn lợi thủy sản gắn với du lịch sinh thái và nông thôn mới. Xem xét việc thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản, huy động các nguồn lực tài chính cho bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

1.2. Phòng chống thiên tai, dịch bệnh, quản lý môi trường chăn nuôi, thủy sản

- Triển khai các phương án ứng phó với thiên tai trên địa bàn tương ứng với cấp độ rủi ro thiên tai theo Kế hoạch đã phê duyệt để tăng tính thích ứng với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai và không làm phát sinh nguy cơ, rủi ro mới ở trước mắt cũng như lâu dài.

- Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh ở vật nuôi, thủy sản, nhất là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở vật nuôi, thủy sản, bệnh lây từ động vật sang người. Tiến tới kiểm soát, khống chế một số dịch bệnh nguy hiểm ở động vật, thủy sản.

- Nâng cao năng lực kiểm soát môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi, thủy sản đáp ứng các quy định của pháp luật về môi trường.

1.3.Thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y

Tăng cường quản lý thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, thuốc thú y, chế phẩm sinh học,... sử dụng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

1.4. Giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm

- Quản lý chặt chẽ công tác kiểm soát giết mổ, giảm dần các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm trong các khu dân cư hướng tới thực hiện giết mổ tập trung, có kiểm soát theo đúng quy định, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi.

- Chế biến sản phẩm chăn nuôi, thủy sản hướng tới quy mô hàng hóa, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến. Củng cố, đổi mới, phát triển các tổ, đội, hợp tác xã, doanh nghiệp trong liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, thủy sản khai thác, nuôi trồng đảm bảo hiệu quả, theo chuỗi giá trị.

- Nâng cao năng lực kiểm soát chất lượng vật tư, an toàn thực phẩm sản phẩm chăn nuôi, thủy sản nhất là kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật, tồn dư chất cấm, lạm dụng kháng sinh, hóa chất trong chăn nuôi, thủy sản, thú y, giết mổ, chế biến thực phẩm.

2. Tầm nhìn đến năm 2045

Đến năm 2045, ngành chăn nuôi - thủy sản là ngành kinh tế giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, bảo đảm an ninh dinh dưỡng, an sinh xã hội. Sản xuất hàng hóa, tập trung, chuyên nghiệp, hiện đại gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ sản phẩm; sản phẩm chăn nuôi - thủy sản chủ yếu được sản xuất trong các trang trại được kiểm soát, quản lý chặt chẽ. Khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản nhất là các bệnh có khả năng lây nhiễm sang người.

IV. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHỦ YẾU

1. Rà soát, ban hành, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách

- Tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật Thú y 2015, Luật Thủy sản 2017, Luật Chăn nuôi 2018, Luật Bảo vệ môi trường 2020... và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về chủ trương, chính sách phát triển chăn nuôi, thủy sản. Đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền qua truyền thanh, truyền hình, báo, đài, loa phát thanh địa phương, các cuộc họp,... nhằm từng bước thay đổi nhận thức và các thói quen chưa phù hợp trong chăn nuôi, hướng tới phát triển chăn nuôi, thủy sản tập trung, trang trại theo chuỗi giá trị gắn với giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

- Rà soát, sửa đổi, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh căn cứ vào chỉ đạo của Trung ương, tình hình thực tế tại địa phương; xây dựng quy định về mật độ chăn nuôi, quy định vùng không được phép chăn nuôi trong khu vực nội thành, nội thị...

2. Hoàn thiện các nhóm chính sách

2.1. Chính sách đất đai, mặt nước

Rà soát, chuyển đổi diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi và trồng cây thức ăn chăn nuôi. Ưu tiên dành quỹ đất, giao đất, cho thuê đất, mặt nước với chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai cho các cơ sở sản xuất tập trung, trang trại, công nghiệp đủ điều kiện trong vùng phát triển chăn nuôi, thủy sản, cơ sở giết mổ tập trung, chế biến, thương mại trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản.

2.2. Chính sách tài chính và tín dụng

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ:

Xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm đường, điện, nước và xử lý môi trường cho cơ sở sản xuất giống, cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến sản phẩm chăn nuôi thuộc khu vực chăn nuôi đã được xác định trong các quy hoạch phát triển; phát triển cơ sở hạ tầng ngành thủy sản.

Hàng năm, giám định, bình tuyển, loại thải và thay thế đàn giống vật nuôi trong sản xuất. Hỗ trợ thông qua con giống cho phát triển chăn nuôi đối với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn.

Bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Hỗ trợ chuyển đổi nghề từ sản xuất chăn nuôi, thủy sản không hiệu quả, ảnh hưởng tới môi trường, nguồn lợi thủy sản sang các ngành nghề khác.

Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất, chế biến nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tạo giống thủy sản.

Đầu tư hạ tầng cơ sở xây dựng các trung tâm hội chợ, chợ đầu mối giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi; hỗ trợ việc tổ chức hội chợ, triển lãm, hội thi con giống và sản phẩm chăn nuôi.

Đào tạo, nâng cao năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực ngành chăn nuôi, thủy sản.

- Thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động trong các lĩnh vực của ngành chăn nuôi, thủy sản nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất hàng hóa, tập trung, bền vững; tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan nhằm thu hút, khuyến khích đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ để phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hiện đại, theo chuỗi khép kín, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

- Tín dụng đầu tư phát triển, nhà nước cho vay đầu tư dự án phát triển sản xuất chăn nuôi, thủy sản, giống vật nuôi, giống thủy sản, cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến sản phẩm chăn nuôi, thủy sản theo hướng công nghiệp, cơ sở sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học.

- Các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân vay vốn theo chính sách ưu đãi của nhà nước để đầu tư con giống, cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và cơ sở giết mổ tập trung theo phương thức hiện đại, bảo quản, chế biến công nghiệp. Căn cứ điều kiện cụ thể để nghiên cứu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các dự án đầu tư phát triển chăn nuôi; dự án giết mổ, bảo quản, chế biến công nghiệp các sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn.

- Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi, thủy sản an toàn sinh học hoặc cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến gia súc, gia cầm tập trung, công nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất về thuế theo quy định.

- Thúc đẩy nhanh việc phát triển và nhân rộng các chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; khuyến khích hình thức hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào chăn nuôi, thủy sản có gắn kết với các trang trại, nông hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

2.3.Chính sách thương mại

- Tăng cường công tác quảng bá thông tin về tình hình chăn nuôi, thủy sản và thị trường các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản trong nước và quốc tế; xúc tiến thương mại ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho việc giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản có thương hiệu, gắn với các chuỗi liên kết, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường.

- Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, sản phẩm OCOP, đặc sản của từng địa phương. Khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, thủy sản cùng người sản xuất tham gia vào chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm gắn với cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

3. Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và bảo vệ môi trường

- Cập nhật kịp thời diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động dự báo, cảnh báo và triển khai các phương án ứng phó với thiên tai như rét đậm, rét hại, sương muối, nắng nóng, dông lốc, sét, mưa đá, mưa lũ, sạt lở đất, sụn lún đất do mưa lũ, ... để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, kịp thời khôi phục, ổn định phát triển sản xuất chăn nuôi, thủy sản khi xảy ra thiên tai trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai xây dựng bản đồ dịch tễ để kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mới phát sinh trên đàn vật nuôi, thủy sản.

- Xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản; kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi thủy sản để làm căn cứ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

- Tăng cường củng cố hệ thống giám sát, khai báo và thông tin dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản tại cơ sở, phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh phát sinh, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

- Triển khai có hiệu quả công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và các biện pháp phòng, chống dịch khác để kiểm soát, ngăn chặn các dịch bệnh ở gia súc, gia cầm (Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Dịch tả lợn Châu Phi, ...) và thủy sản; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm tra giám sát động vật, thủy sản, sản phẩm của động vật, thủy sản nhập tỉnh, kiểm soát giết mổ, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y.

- Kết hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và người sản xuất triển khai xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, giám sát dịch bệnh, chăn nuôi hữu cơ, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, thân thiện với môi trường.

- Đảm bảo khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại, ứng dụng quy trình khoa học, công nghệ chuồng, trại phù hợp với từng loại vật nuôi và loại hình chăn nuôi; các giải pháp về công nghệ xử lý chất thải, xử lý môi trường, xử lý nguồn nước trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, xử lý chất thải chế biến gắn với sản xuất phân bón hữu cơ, tái sử dụng các phụ phẩm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

4. Khoa học công nghệ và hợp tác

- Tăng cường đầu tư và xã hội hóa hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ trong chăn nuôi, thủy sản, chế biến theo hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng. Đẩy nhanh việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công nghệ hiện đại khác trong quản lý nhà nước và quản trị sản xuất trong đó khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Ưu tiên, khuyến khích nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ sinh học vào các lĩnh vực sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản như: Lĩnh vực giống vật nuôi, giống thủy sản, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc, chế phẩm sinh học, điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, quản lý hoạt động chăn nuôi, thủy sản...

- Áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm chăn nuôi, thủy sản đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu.

- Đẩy mạnh chương trình khuyến nông chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Ưu tiên phát triển các dự án, mô hình khuyến nông về chăn nuôi, thủy sản áp dụng quy trình, công nghệ, sản xuất an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; sản xuất chăn nuôi, thủy sản hữu cơ, tuần hoàn để lan tỏa, nhân rộng các mô hình, cách sản xuất, nuôi trồng tiên tiến trong cộng đồng; chuyển giao quy trình, công nghệ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho nông hộ, trang trại phù hợp với từng đối tượng vật nuôi và vùng sinh thái.

- Khuyến khích phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất và công nghệ sinh học để cung cấp các thiết bị ao nuôi, chuồng trại, giết mổ, chế biến, hóa chất, chế phẩm sinh học phục vụ hoạt động sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

- Tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học, đào tạo và thương mại với các Trường Đại học, các Viện nghiên cứu, các tổ chức trong nước và quốc tế về chăn nuôi, thú y, thủy sản.

5. Nâng cao năng suất, chất lượng giống

5.1. Phát triển chăn nuôi

- Cùng với việc bổ sung các nguồn giống vật nuôi cao sản, giống chất lượng, tập trung phục tráng, nhân thuần các giống bản địa có nguồn gen tốt cung cấp vật liệu di truyền để nhân giống, lai tạo giống phù hợp với nhu cầu sản xuất. Tổ chức việc nuôi, giữ và cung ứng giống gốc với các giống vật nuôi để cung cấp con giống chất lượng phục vụ nhu cầu sản xuất trong và ngoài tỉnh.

- Đẩy mạnh công tác cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò, chọn lọc giống bò đực nội (bò H'Mông) có tầm vóc để phối giống trực tiếp với bò cái tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng không áp dụng được thụ tinh nhân tạo để tạo đàn bò giống thương phẩm có năng suất, chất lượng cao. Thực hiện công tác cải tạo đàn bò địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (sử dụng tinh bò đực các giống Sind, Sahiwal, Brahman, Red Angus, Senepol, H'Mông...) để nâng cao tầm vóc, thể trạng, tạo ra đàn bò lai Zebu; giám định, bình tuyển, chọn lọc bò cái lai Zebu có tầm vóc, thể trạng để làm bò cái nền nhằm tiếp tục nhân giống với các giống bò chuyên thịt có năng suất, chất lượng cao như Brahman, Red Angus, Drought Master, BBB,... để phục vụ phát triển chăn nuôi bò thịt theo hướng hàng hóa.

- Thực hiện giám định, bình tuyển, chọn lọc đàn trâu cái nền, trâu đực giống; sử dụng một số giống trâu tốt đã được bình tuyển, chọn lọc để cải tạo nâng cao tầm vóc giống trâu địa phương bằng phương pháp phối giống trực tiếp hoặc bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu cái nền, sử dụng tinh trâu giống tốt (trâu Ngố hoặc tinh trâu Murrah đông lạnh để phối cho đàn trâu cái nền được chọn lọc).

- Cải tạo đàn dê cỏ địa phương, tạo đàn cái nền. Sử dụng giống dê Boer đực lai với đàn dê cái nền (Bách Thảo) để nâng cao năng suất, chất lượng và nhằm phát huy khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên, khí hậu và điều kiện chăm sóc của người dân.

- Khuyến khích phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc với các giống lợn cao sản quy mô trang trại đảm bảo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, gắn tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết. Nhân thuần, chọn lọc, cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng đàn lợn thông qua phương pháp thụ tinh nhân tạo hoặc lai tạo với lợn đực giống ngoại cao sàn Yorkshire, Landrace, Pietrain, Duroc,... Phát triển đàn lợn lai, lợn bản địa theo hướng hữu cơ, truyền thống quy mô nông hộ áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.

- Phát triển các giống gia cầm theo hướng siêu thịt, siêu trứng phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Bảo tồn và phát triển các giống gia cầm bản địa, đặc sản, quý hiếm của các địa phương như gà xương đen thịt đen, vịt cổ xanh.

- Các loại vật nuôi khác: Căn cứ vào lợi thế, điều kiện từng địa phương, từng vùng sinh thái để phát triển các đối tượng nuôi như hươu, ong, thỏ, ... theo hướng tập trung, liên kết trong sản xuất để hình thành vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm.

5.2. Phát triển thủy sản

- Hoàn thiện xây dựng Trại thực nghiệm và sản xuất giống thủy sản tỉnh Điện Biên để đưa vào nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất giống đảm bảo cho nhu cầu cung cấp tại chỗ giống chất lượng cao, hạ giá thành hỗ trợ hiệu quả người dân phát triển kinh tế.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng đàn cá bố mẹ tại các cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh. Xây dựng mô hình ương dưỡng giống chất lượng cao. Nuôi thử nghiệm, sản xuất một số giống cá bản địa, đặc hữu, quý, hiếm, chất lượng cao phục vụ nhu cầu thị trường.

- Thực hiện lưu giữ giống gốc, bảo tồn, khai thác hiệu quả nguồn gen các loài thủy sản bản địa, đặc hữu, quý, hiếm. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ sản xuất con giống cấp ông bà, bố mẹ để chủ động sản xuất con giống chất lượng cao tại chỗ, hạn chế thấp nhất dịch bệnh lây lan.

6. Quản lý, nâng cao chất lượng thức ăn, thuốc thú y

- Tăng cường công tác kiểm soát chất lượng, nhất là các chỉ tiêu an toàn đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học vào sản xuất nguyên liệu, chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất; chế biến, bảo quản thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhằm nâng cao chất lượng thức ăn, sử dụng tối đa các nguyên liệu về thức ăn sẵn có, tại chỗ trong sản xuất thức ăn.

- Phát triển mô hình chế biến các loại thức ăn chăn nuôi, thủy sản tự nghiền, phối trộn để giảm chi phí giá thành sản xuất bằng công nghệ, thiết bị nghiền trộn nhỏ và cơ động phù hợp với quy mô nông hộ, hợp tác xã; Phát triển các mô hình thâm canh trồng cỏ, ngô sinh khối, các giống cây thức ăn xanh có năng suất, chất lượng dinh dưỡng cao cho chăn nuôi gia súc ăn cỏ, tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp chế biến nâng cao giá trị dinh dưỡng để làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

- Kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về kinh doanh, buôn bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn, ngăn chặn việc sử dụng các chất cấm, kháng sinh cho mục đích tăng trưởng, sản phẩm không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng để đảm bảo an toàn thực phẩm.

7. Quản lý giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi, thủy sản

- Triển khai các chính sách hỗ trợ, kêu gọi, khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng cơ sở giết mổ tập trung và phấn đấu xây dựng ít nhất 01 cơ sở giết mổ tập trung tại vùng lòng chảo Điện Biên với công suất từ 20-50 con trâu, bò, dê; 100 con lợn; 30 con gia súc khác và 1.000 con gia cầm gắn với bảo quản, chế biến bảo đảm yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chế biến phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

- Tăng cường các biện pháp quản lý đối với công tác giết mổ, nhất là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, để phát hiện, xử lý các cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Hỗ trợ nâng cấp các cơ sở, các tổ hợp tác, hợp tác xã chế biến sản phẩm nâng cao công suất chế biến sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, thủy sản.

- Áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.

8. Thị trường và xúc tiến thương mại

- Xây dựng chiến lược phát triển thị trường trong nước và thị trường nước ngoài dựa trên tiềm năng phát triển và nhu cầu về các sản phẩm nông lâm thủy sản, các sản phẩm chế biến từ sản phẩm nông lâm thủy sản.

- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm; quảng bá giới thiệu sản phẩm thông qua các Hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ, triển lãm thương mại, trang thương mại điện tử.

- Mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản, trước hết ở các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, khu công nghiệp, bếp ăn tập thể và các cửa hàng bán lẻ nông lâm thủy sản trong và ngoài tỉnh; khuyến khích nông hộ, trang trại, tổ Hợp tác liên kết với các doanh nghiệp, Hợp tác xã trong việc cung ứng vật tư, bao tiêu tiêu sản phẩm, đảm bảo bền vững, có kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm; mở rộng liên kết với các tỉnh thành trong nước trao đổi thông tin, dự báo thị trường, tìm nguồn đối tác, ... giảm bớt các khâu trung gian trong quá trình lưu thông hàng hóa trên thị trường, đảm bảo giá sản phẩm bình ổn tới người tiêu dùng.

- Thử nghiệm phát triển một số mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản gắn với du lịch (du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, trải nghiệm và văn hóa).

- Xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, ưu tiên cho những sản phẩm chủ lực, đặc sản, có giá trị kinh tế cao đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nhãn mác, mẫu mã và quy cách sản phẩm của các thị trường tiêu thụ đáp ứng yêu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu.

9. Tổ chức sản xuất

- Tổ chức liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm ở tất cả các lĩnh vực và đối tượng sản phẩm nhằm tạo sự gắn kết chia sẻ lợi nhuận, rủi ro giữa các doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã.

- Phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung, trang trại, thâm canh tại các vùng, khu vực trọng điểm có tiềm năng, lợi thế phát triển; áp dụng các quy trình thực hành sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tốt, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Duy trì sản xuất chăn nuôi, thủy sản quy mô nông hộ theo hướng liên kết, bền vững; phát triển mô hình kết hợp cá - lúa để nâng cao giá trị trên một đơn vị đất sản xuất nông nghiệp, khuyến khích nuôi thủy sản lồng bè bằng hệ thống lồng, vật liệu bền vững thân thiện với môi trường, hạn chế ô nhiễm môi trường với quy mô phù hợp để đảm bảo sinh kế cho người nông dân, tiến tới lâu dài là giảm tỷ lệ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ, nông hộ truyền thống, tăng tỷ lệ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo phương thức tập trung, trang trại.

- Khai thác thủy sản hợp lý, hiệu quả tiến tới giảm dần cường lực khai thác. Tổ chức bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển nuôi trồng thủy sản gắn kết chặt chẽ, hài hòa lợi ích với phát triển các ngành kinh tế khác như du lịch, năng lượng, giao thông và phát triển đô thị, công nghiệp.

- Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đủ khả năng đầu tư vào ngành chăn nuôi theo chuỗi khép kín và hỗ trợ, hướng dẫn người chăn nuôi sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Chú trọng củng cố và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực chăn nuôi làm cầu nối giữa các nông hộ, trang trại với các doanh nghiệp lớn và thị trường.

- Hình thành và phát triển các tổ chức hội chăn nuôi, thú y, thủy sản với phương thức hoạt động phù hợp với nền kinh tế thị trường. Hội phải thực sự là đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, là đầu mối tạo diễn đàn kết nối các nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp và người sản xuất trong và ngoài tỉnh.

- Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi, thủy sản để quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất, quy hoạch, định hướng phát triển.

10. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

- Kiện toàn, củng cố hệ thống tổ chức bộ máy và cơ chế, chính sách quản lý ngành chăn nuôi, thú y, thủy sản tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả quả theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, quy định của pháp luật.

- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ chăn nuôi, thú y, thủy sản các cấp, nhất là cấp cơ sở. Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền cho chủ trang trại, người chăn nuôi, cán bộ kỹ thuật về các quy định nhà nước liên quan đến hoạt động chăn nuôi, thủy sản, quản lý dịch bệnh, ứng dụng khoa học, công nghệ, chế biến, quản lý chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn qua việc quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan như vật tư, con giống, thức ăn, thuốc thú y, kiểm dịch, phòng chống dịch bệnh, môi trường,... phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật. Thực hiện các thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với trang trại quy mô lớn; cơ sở nuôi chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh ... theo quy định.

- Hoạt động chăn nuôi, thú y, thủy sản là hoạt động sản xuất, kinh doanh có điều kiện, cơ sở có hoạt động chăn nuôi, thú y, thủy sản phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về điều kiện sản xuất, môi trường, an toàn sinh học và đối xử nhân đạo với vật nuôi.

- Xã hội hóa các dịch vụ công về chăn nuôi, thú y, thủy sản để mọi thành phần kinh tế có đủ điều kiện có thể tham gia nhằm công khai, minh bạch các hoạt động quản lý, giảm áp lực về biên chế, ngân sách nhà nước và cung cấp cho người dân chất lượng dịch vụ tốt nhất.

V. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN ƯU TIÊN

- Triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/7/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 186/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 của HĐND tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 4469/KH-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh về kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 3413/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án Phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

- Xây dựng và triển khai các chương trình, Kế hoạch, dự án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bao gồm:

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động khoa học, công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi, thủy sản và tăng cường quản lý nhà nước về chăn nuôi, thủy sản.

Hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.

Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Quy định về mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2030.

Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền quyết định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thiện xây dựng Trại thực nghiệm và sản xuất giống thủy sản tỉnh Điện Biên.

Thực hiện các chương trình, dự án lưu giữ giống gốc, bảo tồn và phát triển các giống loài vật nuôi, thủy sản bản địa, đặc hữu, quý hiếm của tỉnh Điện Biên.

Thực hiện chương trình ghi nhớ hợp tác với Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Điện Biên trong lĩnh vực thả giống phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xây dựng các mô hình phát triển sản phẩm thủy sản truyền thống, đặc sản, sản phẩm có thương hiệu, uy tín, đảm bảo chất lượng cao, an toàn thực phẩm, tiện dụng, giá cả cạnh tranh.

VI. KINH PHÍ

1. Các nguồn vốn thực hiện

- Nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

- Nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, nguồn vốn lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu, chương trình, kế hoạch và dự án khác.

- Nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật các nguồn vốn hợp pháp khác.

- Nguồn vốn vay ưu đãi, vốn ODA (nếu có).

2. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư

- Ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực quản lý ngành chăn nuôi, thú y, thủy sản; phòng chống thiên tai, dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo tồn và phát triển nguồn gen giống vật nuôi, giống thủy sản quý, nguồn gen bản địa; dự trữ sản phẩm chăn nuôi, thủy sản thiết yếu phù hợp với từng thời kỳ.

- Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực chăn nuôi, thú y, thủy sản, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm theo quy định của pháp luật.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; phối hợp tham mưu xây dựng, triển khai các kế hoạch, chương trình, đề án có liên quan; kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện; tổng hợp, báo cáo, đề xuất, kiến nghị, trình UBND tỉnh quyết định những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền, bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo nội dung quy định của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương; cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ kinh phí thuộc nguồn vốn đầu tư để thực hiện Kế hoạch.

3. Sở Tài chính

- Hàng năm, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn từ Trung ương hỗ trợ, nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, các nguồn vốn hợp pháp khác và căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương bố trí kinh phí sự nghiệp theo phân cấp ngân sách hiện hành để tổ chức thực hiện Kế hoạch theo quy định.

- Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định hiện hành.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển chăn nuôi, thủy sản, đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nghiên cứu triển khai các giải pháp, ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển chăn nuôi, thủy sản theo định hướng của Kế hoạch. Hướng dẫn, hỗ trợ việc xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Ưu tiên lựa chọn và bố trí kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ hàng năm cho các đề tài, dự án phát triển chăn nuôi, thủy sản theo chuỗi giá trị bền vững.

5. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương triển khai các chính sách, giải pháp thúc đẩy thị trường, xúc tiến thương mại cho sản phẩm chăn nuôi, thủy sản. Tăng cường các hoạt động về xúc tiến quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đặc sắc của tỉnh tại các hội chợ, triển lãm thương mại, chương trình kết nối cung cầu giữa các tỉnh; hướng dẫn và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích mở rộng mạng lưới kinh doanh, phát triển các tổ chức liên kết lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi thủy sản tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các sàn thương mại điện tử...

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố lập kế hoạch sử dụng đất, cập nhật quỹ đất, mặt nước cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trong Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm tỉnh Điện Biên (2021 - 2025), Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện và chính sách về đất đai cho tổ chức, cá nhân thuê đất phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, xây dựng cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi, thủy sản; kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi, thủy sản.

7. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Xây dựng và chỉ đạo triển khai chương trình đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người chăn nuôi, khai thác, nuôi trồng thủy sản và chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho những người sản xuất chăn nuôi, thủy sản không còn khả năng sản xuất hoặc có nhu cầu chuyển đổi sang lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác thuận lợi hơn.

8. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh củng cố, kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về chăn nuôi, thú y, thủy sản các cấp theo đúng quy định, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương đảm bảo số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức sản xuất lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản.

9. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Điện Biên

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn; tạo cơ chế thông thoáng về hồ sơ, thủ tục để các tổ chức, cá nhân tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi, thủy sản.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tỉnh

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phối hợp với các sở, ngành chức năng và địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, tổ chức, cá nhân, người chăn nuôi tham gia Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

11. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Điện Biên Phủ

Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền chủ trương, định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng các tin bài, chuyên đề, mô hình sản xuất mới, có hiệu quả để nhân dân tham khảo, nhân rộng phát triển.

12. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi, thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn quản lý đảm bảo mục tiêu của Kế hoạch và phù hợp với điều kiện thực tiễn tại từng địa phương, khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển các đối tượng vật nuôi đặc thù, đặc trưng gắn với xây dựng nhãn hiệu phục vụ nhu cầu ẩm thực, du lịch trải nghiệm nông nghiệp.

- Triển khai, áp dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách nhất là hỗ trợ trong chăn nuôi trang trại, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo chuỗi liên kết gắn với giết mổ, chế biến tập trung, công nghiệp và thị trường.

- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, UBND các xã tuyên truyền và triển khai các nội dung của kế hoạch đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra đánh giá tiến độ và kết quả triển khai các nội dung kế hoạch.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao các Sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan định kỳ hàng năm sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định./.

 

PHỤ LỤC 1:

PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
(Kèm theo Quyết định số 1010/QĐ-UBND ngày 09/6/2022 của UBND tỉnh Điện Biên)

TT

Nội dung thực hiện

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian

I

Rà soát, ban hành và phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản

1

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cơ chế chính sách về chăn nuôi, thú y, thủy sản

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các huyện, thị xã, thành phố

Các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan

Hàng năm

2

Xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất lĩnh vực chăn nuôi, thú y, thủy sản trên địa bàn tỉnh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố

Hàng năm

3

Hoàn thiện các nhóm chính sách phát triển chăn nuôi

 

 

 

-

Chính sách đất đai

Sở Tài nguyên và Môi trường

UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan

Hàng năm

-

Chính sách tài chính và tín dụng

Sở Tài chính

UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan

Hàng năm

-

Chính sách thương mại

Sở Công Thương

UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan

Hàng năm

II

Tổ chức sản xuất chăn nuôi, thủy sản

1

Kiện toàn, củng cố hệ thống tổ chức bộ máy chăn nuôi, thú y, thủy sản

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Nội vụ; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan

Hàng năm

2

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các huyện, thị xã, thành phố

Các cơ quan, đơn vị liên quan

Hàng năm

3

Tổ chức sản xuất chăn nuôi, thủy sản

1) Quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu về chăn nuôi, thủy sản.

2) Thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai (nắng nóng, mưa lũ, rét đậm, rét hại, sương muối,...)

3) Quản lý, nâng cao chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y...

4) Xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với giết mổ, chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, tạo các chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ.

5) Bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Nghiên cứu thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các huyện, thị xã, thành phố

Các cơ quan, đơn vị liên quan

Hàng năm

4

Hợp tác trong nghiên cứu khoa học, đào tạo và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ và các địa phương

Sở Ngoại vụ, Các Trường Đại học, các Viện Nghiên cứu về chăn nuôi, thú y, thủy sản và các đơn vị liên quan

Hàng năm

5

Xúc tiến thương mại, quảng bá với sản phẩm chăn nuôi, thủy sản

Sở Công Thương

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan

Hàng năm

III

Xây dựng và triển khai các chương trình, Kế hoạch, dự án ưu tiên

1

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động khoa học, công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi, thủy sản và tăng cường quản lý nhà nước về chăn nuôi, thủy sản

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan

Năm 2022-2025

2

Hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan

Năm 2022-2025

3

Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan

Hàng năm

4

Kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan

Hàng năm

5

Quyết định Quy định về mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2030.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan

Năm 2022

6

Tham mưu trình cấp có thẩm quyền quyết định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan

Năm 2023-2025

7

Hoàn thiện xây dựng Trại thực nghiệm và sản xuất giống thủy sản tỉnh Điện Biên

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố, đơn vị liên quan

Năm 2022-2025

8

Lưu giữ, bảo tồn và phát triển các giống loài vật nuôi, thủy sản bản địa, đặc hữu, quý hiếm trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan

Hàng năm

9

Thực hiện Chương trình Ghi nhớ hợp tác với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Điện Biên trong lĩnh vực thả giống phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan

Hàng năm

10

Xây dựng các mô hình phát triển sản phẩm thủy sản truyền thống, đặc sản, sản phẩm có thương hiệu, uy tín, đảm bảo chất lượng cao, an toàn thực phẩm, tiện dụng, giá cả cạnh tranh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan

Hàng năm

IV

Đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện

1

Sơ kết thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi, thủy sản

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan

Định kỳ (trước 15/11 hàng năm)

2

Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi, thủy sản giai đoạn 2021-2025 và Tổng kết 10 năm giai đoạn 2021-2030

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan

Quý IV/2025, Quý IV/2030

 

PHỤ LỤC 2:

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 1010/QĐ-UBND ngày 09/6/2022 của UBND tỉnh Điện Biên)

1. Phát triển đàn vật nuôi

TT

Huyện, thị xã, thành phố

Năm 2021

Năm 2025

Năm 2030

Trâu (con)

Bò (con)

Dê (con)

Lợn (con)

Gia cầm (con)

Ong (đàn)

Trâu (con)


(con)

Dê (con)

Lợn
(con)

Gia cầm (con)

Ong
(đàn)

Trâu
(con)


(con)


(con)

Lợn
(con)

Gia cầm (con)

Ong
(đàn)

I

Tổng đàn

134.082

94.266

62.569

303.357

4.624.030

7.239

142.445

116.625

70.090

356.755

5.439.700

7.845

152.040

152.425

80.795

455.320

6.942.590

8.660

1

TP. Điện Biên Phủ

5.625

3.525

1.065

15.422

456.230

1.799

5.684

4.367

1.197

18.195

561.432

1.950

5.827

5.707

1.388

23.222

716.545

2.151

2

TX Mường Lay

1.571

356

473

5.986

70.810

133,0

1.664

441

532

7.252

87.138

145,0

1.749

576

617

9.255

111.213

160,1

3

Mường Nhé

11.080

5.423

2.940

9.474

147.310

20

12.764

6.563

3.309

12.753

181.278

25

13.648

8.578

3.836

16.276

231.362

28

4

Mường Chà

14.825

5.410

7.050

26.750

192.580

62

15.516

6.702

7.935

30.488

236.987

70

16.591

8.759

9.199

38.912

302.462

77

5

Tủa Chùa

14.716

3.501

18.045

45.420

262.020

46

16.421

4.337

20.310

54.569

313.314

50

17.560

5.668

23.545

69.645

399.876

55

6

Tuần Giáo

18.636

18.041

13.146

50.263

1.024.850

388

19.463

22.350

14.412

60.771

1.102.880

420

20.813

29.210

16.712

77.561

1.407.585

464

7

Điện Biên

23.291

15.390

2.202

48.403

1.681.210

1.833

24.947

19.066

2.778

59.308

2.068.879

1.985

26.675

24.921

3.219

75.695

2.640.474

2.191

8

Điện Biên Đông

13.542

27.132

7.668

36.540

339.620

1.631

14.134

33.612

8.384

33.892

334.766

1.765

15.115

43.929

9.257

43.255

427.256

1.949

9

Mường Ảng

6.676

9.615

4.701

21.585

243.570

52

5.511

11.911

5.291

26.490

299.734

55

5.894

15.568

6.134

33.809

382.545

61

10

Nậm Pồ

24.120

5.873

5.279

43.514

205.830

1.275

26.341

7.276

5.942

53.037

253.292

1.380

28.168

9.509

6.888

67.690

323.272

1.524

 

2. Sản phẩm chăn nuôi

TT

Huyện, thị xã, thành phố

Năm 2021

Năm 2025

Năm 2030

Tổng sản lượng thịt (tấn)

Sản lượng thịt trâu (tấn)

Sản lượng thịt bò (tấn)

Sản lượng thịt dê (tấn)

Sản lượng thịt lợn (tấn)

Gia cầm

Mật ong (nghìn lít)

Tổng sản lượng thịt (tấn)

Sản lượng thịt trâu (tấn)

Sản lượng thịt bò (tấn)

Sản lượng thịt dê (tấn)

Sản lượng thịt lợn (tấn)

Gia cầm

Mật ong (nghìn lít)

Tổng sản lượng thịt (tấn)

Sản lượng thịt trâu (tấn)

Sản lượng thịt bò (tấn)

Sản lượng thịt dê (tấn)

Sản lượng thịt lợn (tấn)

Gia cầm

Mật ong (nghìn lít)

Sản lượng thịt GC (tấn)

Trứng (nghìn quả)

Sản lượng thịt GC (tấn)

Trứng (nghìn quả)

Sản lượng thịt GC (tấn)

Trứng (nghìn quả)

II

Sản lượng

25.015

3.572

2.842

719

13.001

4.881

85.545

54

29.924

4.102

3.327

785

15.983

5.727

102.395

59

39.842

5.838

5.213

1.062

20.398

7.331

135.755

65

1

TP. Điện Biên Phủ

1.430

145

106

12

663

504

8.440

11

1.708

164

125

13

815

591

10.386

12

2.234

224

195

18

1.040

757

13.614

13

2

TX. Mường Lay

400

42

11

5,4

264

78

1.310

0,8

484

48

13

6,0

325

92

1.612

0,9

627

67

20

8,1

415

117

2.113

1,0

3

Mường Nhé

1.128

306

160

34

465

163

2.725

0,1

1.354

368

187

37

571

191

3.354

0,1

1.841

524

293

50

729

244

4.396

0,1

4

Mường Chà

1.958

390

163

81

1.111

213

3.563

0,8

2.342

447

191

89

1.366

249

4.384

1,0

3.120

637

300

121

1.743

319

5.747

1,1

5

Tủa Chùa

2.997

413

106

208

1.989

281

4.847

0,7

3.599

473

124

227

2.445

330

5.797

0,8

4.720

674

194

309

3.120

422

7.598

0,8

6

Tuần Giáo

4.388

490

545

148

2.215

990

18.960

4,3

5.242

560

637

161

2.723

1.161

21.016

4,8

6.979

799

999

220

3.475

1.486

28.081

5,3

7

Điện Biên

5.138

628

465

28

2.161

1.856

31.103

15

6.126

717

543

31

2.657

2.178

39.422

16

8.098

1.025

853

42

3.390

2.790

52.678

18

8

Điện Biên Đông

2.798

356

819

88

1.235

300

6.283

6,5

3.330

407

959

94

1.518

352

6.193

7,2

4.593

580

1.502

122

1.938

451

8.118

7,9

9

Mường Ảng

1.717

139

290

54

965

269

4.506

0,7

2.062

159

340

60

1.187

316

5.545

0,7

2.758

226

532

81

1.515

404

7.268

0,8

10

Nậm Pồ

3.061

663

177

61

1.933

227

3.808

14

3.677

759

208

67

2.376

267

4.686

15

4.872

1.082

325

91

3.033

341

6.142

17

 

PHỤ LỤC 3:

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 1010/QĐ-UBND ngày 09/6/2022 của UBND)

TT

Huyện, thị xã, thành phố

Năm 2021

Năm 2025

Năm 2030

Số lượng nuôi trồng

Sản lượng (tấn)

Số lượng nuôi trồng

Sản lượng (tấn)

Số lượng nuôi trồng

Sản lượng (tấn)

Tổng diện tích (ha)

Trong đó Thể tích nuôi lồng bè (m3)

Tổng

Trong đó

Tổng diện tích (ha)

Trong đó Thể tích nuôi lồng bè (m3)

Tổng

Trong đó

Tổng diện tích (ha)

Trong đó Thể tích nuôi lồng bè (m3)

Tổng

Trong đó

Nuôi trồng

Khai thác

Nuôi trồng

Khai thác

Nuôi trồng

Khai thác

Tổng số

2.680

40.498

4.232

3.958

274

2.796

46.468

4.960

4.678

282

2.938

52.728

6.258

5.969

289

1

TP. Điện Biên Phủ

976,0

17.435,0

1.443,1

1.427,0

16,1

1.024,4

18.875,0

1.690,6

1.674,0

16,6

1.076,6

20.675,0

2.153,1

2.136,1

17,0

2

TX. Mường Lay

38,4

480,0

230,7

115,4

115,3

39,7

480,0

261,5

142,9

118,6

41,7

480,0

303,9

182,3

121,6

3

Mường Nhé

147,2

-

192,5

183,8

8,7

155,0

-

226,5

217,6

9,0

162,7

-

286,8

277,6

9,2

4

Mường Chà

35,8

600,0

61,7

54,6

7,1

37,2

825,0

72,6

65,3

7,3

39,1

825,0

90,8

83,3

7,5

5

Tủa Chùa

70,0

12.043,0

135,0

87,0

48,0

72,3

14.089,0

154,8

105,4

49,4

76,0

17.141,0

185,1

134,5

50,6

6

Tuần Giáo

295,0

-

418,0

405,0

13,0

304,8

-

492,6

479,3

13,3

320,4

-

625,2

611,5

13,7

7

Điện Biên

622,4

9.940,0

1.025,0

976,9

48,1

643,2

10.759,0

1.205,9

1.156,5

49,4

676,0

11.879,0

1.526,4

1.475,7

50,6

8

Điện Biên Đông

174,0

-

255,8

251,7

4,1

185,0

288,0

301,2

297,0

4,2

194,4

288,0

383,3

379,0

4,3

9

Mường Ảng

159,4

-

232,0

226,5

5,5

165,5

1.152,0

273,5

267,8

5,7

174,0

1.440,0

347,5

341,7

5,8

10

Nậm Pồ

162,2

-

238,3

230,4

7,9

168,9

-

280,4

272,3

8,1

177,5

-

355,8

347,4

8,4

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1010/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi, thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Điện Biên

  • Số hiệu: 1010/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/06/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Lò Văn Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/06/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản