- 1Quyết định 1233/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 2Quyết định 985/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 3Quyết định 1010/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi, thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Điện Biên
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2042/QĐ-UBND | Bình Định, ngày 07 tháng 6 năm 2024 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045;
Căn cứ Quyết định số 1625/QĐ-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1740/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1741/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1368/QĐ-BNN-CN ngày 01/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 174/TTr-SNN ngày 21/5/2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Ngân hàng nhà nước tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Kèm theo Quyết định số 2042/QĐ-UBND ngày 07/6/2024 của UBND tỉnh)
Tình hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư phát triển chăn nuôi. UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh động vật. Nhờ đó, đưa giá trị sản xuất chăn nuôi luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ) và phát triển theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng; là địa phương có tổng đàn vật nuôi đứng đầu khu vực Duyên hải Nam Trung bộ. Hình thức chăn nuôi được chuyển dịch dần từ nhỏ lẻ sang trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số và bước đầu hình thành các vùng sản xuất chăn nuôi. Tuy nhiên, với tổng đàn lớn, mật độ chăn nuôi tương đối cao (0,97 năm 2018, trong khi đó, Chính phủ quy định đến năm 2030 mật độ chăn nuôi là 1); phát triển chăn nuôi có nhiều chuyển biến tích cực nhưng xét toàn diện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế và định hướng phát triển của tỉnh; do đó tiếp tục hoạch định kế hoạch để có lộ trình phát triển chăn nuôi phù hợp, đáp ứng và vượt chỉ tiêu phát triển chăn nuôi quốc gia. Tình hình phát triển chăn nuôi hiện nay, cụ thể như sau:
1. Công tác phát triển đàn vật nuôi
Bình Định đã tập trung phát triển 03 loại vật nuôi chủ lực của tỉnh là con bò, con lợn và con gà.
1.1. Đối với chăn nuôi bò: Thực hiện chương trình lại tạo đàn bò, triển khai Chính sách phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ gắn với phát huy nhãn hiệu “Bò thịt chất lượng cao Bình Định”.
Hiện nay, tổng đàn bò của tỉnh 308.000 con, tỷ lệ bò lai đạt 91%, trong đó đàn bò thịt chất lượng cao (BBB, Red Angus) ước đạt 79.800 con, chiếm 25,9% tổng đàn.
1.2. Đối với chăn nuôi lợn: Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Đến cuối năm 2023, tổng đàn khoảng 700 ngàn con, trong đó đàn lợn nuôi trang trại (bao gồm chăn nuôi quy mô nhỏ, vừa, lớn) chiếm khoảng 40%; tổng đàn lợn chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 17,5%; xây dựng 02 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lợn hơi với thị trường Đà Nẵng.
1.3. Đối với chăn nuôi gà: Năm 2023, tổng đàn gà khoảng 8,5 triệu con. Bình Định có 02 doanh nghiệp sản xuất giống gà thương phẩm 01 ngày tuổi với các dòng gà đã được Cục Chăn nuôi công nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật. Chăn nuôi gà chuyển dần sang quy mô trang trại, ứng dụng công nghệ cao; nhất là các doanh nghiệp sản xuất gà giống. Chăn nuôi công nghệ cao chiếm 27%.
2. Về phương thức chăn nuôi và liên kết, tiêu thụ sản phẩm
2.1. Phương thức chăn nuôi có sự chuyển dần từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, giảm dần quy mô chăn nuôi nông hộ. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có trên 275.000 cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ và trên 1.750 trang trại chăn nuôi, trong đó 74 trang trại quy mô vừa, 38 trang trại quy mô lớn tập trung ở các địa phương An Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân, Vân Canh, Tuy Phước; 47 trang trại ứng dụng công nghệ cao, đàn vật nuôi trong các trang trại ứng dụng công nghệ cao khoảng 120.000 con lợn chiếm 17,5% tổng đàn; 2,274 triệu con gà, chiếm gần 27% tổng đàn.
2.2. Công tác xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi được chú trọng thực hiện. Trong đó nổi bật là chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lợn hơi với thành phố Đà Nẵng hơn 500.000 con/năm, chuỗi liên kết chăn nuôi gà thịt của Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh với quy mô 800.000 con/năm, Công ty TNHH Giống gia cầm Lệ Khánh với quy mô 100.000 con; chuỗi liên kết chăn nuôi lợn thảo mộc của HTX Nhơn Khánh với Công ty TNHH Pecofood với quy mô 2.000 con lợn thịt hướng thảo mộc, mỗi tháng cung cấp hơn 400 con tiêu thụ ở thị trường Đà Nẵng. Bên cạnh đó, một số công ty tổ chức liên kết chăn nuôi gia công lợn thịt, gà thịt với nông dân như: Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam gia công quy mô 60.000 lợn thịt, Công ty TNHH CJ VINA AGRI gia công 30.000 lợn thịt….
3.1. Đối với giống bò: Thực hiện chương trình lai cải tạo đàn bò và Đề án bò thịt chất lượng cao, tỷ lệ bò lai đạt 91%, trong đó, tỷ lệ bò thịt chất lượng cao (BBB, Red Angus) chiếm 25,9% tổng đàn.
3.2. Đối với giống lợn, công tác giống được đẩy mạnh xã hội hóa, tỷ lệ lợn lai, lợn ngoại đạt trên 93%. Hiện có 14 trang trại quy mô vừa trở lên đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giống lợn cao sản với số lợn nái chiếm khoảng 25% tổng đàn nái cả tỉnh.
3.3. Đối với gà, công tác giống được đẩy mạnh xã hội hóa mang lại hiệu quả rất cao, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 10 cơ sở sản xuất giống gà, trong đó có 02 doanh nghiệp lớn sản xuất gà giống thương phẩm 01 ngày tuổi là Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh với các dòng gà ta chọn lọc được Cục Chăn nuôi công nhận tiến bộ kỹ thuật, chiếm hơn 30% thị phần gà lông màu cả nước, đảm bảo cung cấp gà giống trong, ngoài tỉnh và đang hướng đến xuất khẩu.
4. Xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung
- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 06 cơ sở giết mổ động vật tập trung tại Quy Nhơn và An Nhơn; trong đó có 04 cơ sở giết mổ hỗn hợp, công suất 400 con lợn, 30 con bò, 2.000 con gia cầm/ngày và 02 cơ sở giết mổ gia cầm, công suất 1.000 con/ngày.
- Công ty TNHH San Hà đầu tư Dự án xây dựng Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm tại huyện Phù Cát và đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo Quyết định số 2209/QĐ-UBND ngày 16/9/2023 và phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 theo Quyết định số 1534/QĐ-UBND ngày 02/5/2024; quy mô dự án: 40.000 con gia cầm/ngày, 500 con gia súc/ngày, 10 tấn sản phẩm chế biến/ngày. Dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động Quý III/2025 và Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến thực phẩm Quy Nhơn đã đầu tư Dự án xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung tại Hoài Nhơn và đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo Quyết định số 3699/QĐ-UBND ngày 09/11/2022. Doanh nghiệp đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư, dự kiến đi vào hoạt động năm 2025.
Kế hoạch phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2045
1. Mục tiêu chung
Triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu: (1) Phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại ứng dụng công nghệ cao, nâng cao tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi, gắn với giết mổ tập trung công nghiệp và phát triển công nghiệp chế biến, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và hướng tới xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. (2) Phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Đến năm 2030
a) Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đối với 03 loại vật nuôi chủ lực của tỉnh là bò, lợn, gà gắn với việc phát triển chăn nuôi trang trại tập trung theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, với tổng đàn bò: 350.000 con, đàn lợn: 01 triệu con, đàn gà: 12 triệu con. Duy trì mức tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2026 - 2030 trung bình từ 4,5 đến 5%/năm.
b) Sản lượng thịt các loại 300.000 tấn/năm. Sản lượng trứng: 650 triệu quả trứng/năm.
c) Tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung đạt tương ứng khoảng 80% và 70%. Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 25 đến 30%.
d) Xây dựng vùng chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh tại một số địa phương thuộc Hoài Ân, An Nhơn, Hoài Nhơn, Phù Cát; vùng an toàn dịch bệnh Dại tại Quy Nhơn, một số địa phương thuộc An Nhơn, Hoài Nhơn; vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh tại một số địa phương thuộc Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ; vùng chăn nuôi bò an toàn dịch bệnh tại một số địa phương thuộc Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ;
đ) Toàn tỉnh phấn đấu đạt 90 trang trại quy mô lớn, 200 trang trại quy mô vừa, trong đó chăn nuôi ứng dụng công công nghệ cao, chuyển đổi số với 100% trang trại quy mô lớn và 50% trang trại quy mô vừa.
e) Tiếp tục hình thành và nhân rộng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi.
2.2. Đến năm 2045
a) Không chú trọng phát triển tổng đàn gia súc mà tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thịt gia súc; chú trọng phát triển đàn gà thịt, gà trứng; phát triển chăn nuôi trang trại tập trung theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường; phát huy hiệu quả hoạt động các chuỗi liên kết.
b) Sản lượng thịt các loại từ 350.000 đến 370.000 tấn/năm. Sản lượng trứng: 900 triệu quả trứng/năm.
c) 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 30% được chế biến sâu.
d) Tập trung phát triển các vùng nguyên liệu sản phẩm chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học phục vụ tiêu dùng, chế biến, xuất khẩu.
II. Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện
1. Rà soát, ban hành, phổ biến các cơ chế, chính sách phát triển chăn nuôi
Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi của Trung ương và của Tỉnh đã được ban hành. Đồng thời, rà soát, bổ sung một số quy định, cơ chế, chính sách phù hợp tình hình địa phương theo từng giai đoạn phát triển.
1.1. Về đất đai
a) Sử dụng hiệu quả quỹ đất chăn nuôi đã đưa vào quy hoạch, được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ưu tiên giao đất, thuê đất với chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai cho các cơ sở chăn nuôi trang trại đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, chợ đầu mối, trung tâm thu gom gia súc, gia cầm, cơ sở giết mổ tập trung, chế biến công nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi.
b) Chuyển phần lớn diện tích ở những nơi phù hợp và một phần diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang thâm canh trồng cỏ và cây làm thức ăn chăn nuôi.
c) Khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi tại các huyện trung du, miền núi của tỉnh.
1.2. Về chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh động vật
a) Tiếp tục duy trì phát huy các chính sách đã được UBND tỉnh ban hành: (1) Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao; (2) Chính sách phát triển nuôi gà thả đồi tại các huyện trung du, miền núi; (3) Chính sách khuyến khích xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; (4) Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; (5) Chính sách phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ.
b) Đề xuất xây dựng các cơ chế chính sách: (1) Cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh; (2) Chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. (3) Chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các dự án đầu tư phát triển chăn nuôi, giết mổ, bảo quản, chế biến công nghiệp các sản phẩm chăn nuôi.
2. Giải pháp phát triển sản xuất chăn nuôi
2.1. Phát triển đàn vật nuôi chủ lực
a) Đối với phát triển chăn nuôi bò: Tiếp tục đẩy mạnh công tác lai tạo phát triển bò thịt chất lượng cao (BBB, Red Angus), phát huy hiệu quả nhãn hiệu “Bò thịt chất lượng cao Bình Định”. Xây dựng chuỗi liên kết, sản xuất, tiêu thụ bò thịt chất lượng cao tại Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ.
- Khuyến khích phát triển chăn nuôi bò quy mô trang trại; ưu tiên khu vực trung du, miền núi; hình thành vùng trồng cỏ gắn với chăn nuôi bò thịt. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa và liên kết tiêu thụ sữa bò tại huyện Tây Sơn.
- Hình thành các vùng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại các địa phương như: Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn; ưu tiên kêu gọi đầu tư tại An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân. Khuyến khích phát triển sản phẩm bò vàng đặc sản.
b) Đối với phát triển chăn nuôi lợn:
- Duy trì và khuyến khích nâng cấp chuồng trại, công nghệ các cơ sở chăn nuôi, sản xuất con giống hiện có trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích đầu tư chuyển giao ứng dụng các giống lợn cao sản, năng suất chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Nhân rộng quy mô đàn lợn chăn nuôi theo hướng hữu cơ, truyền thống với các giống lợn bản địa đặc sản (lợn đen) tại các huyện miền núi. Xây dựng vùng chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm gắn liền với giết mổ, chế biến hiện đại tại một số địa phương thuộc Hoài Ân, An Nhơn, Hoài Nhơn, Phù Cát.
- Tiếp tục hình thành và nhân rộng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lợn; đôn đốc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ thịt lợn Phú Hưng, phát huy hiệu quả chuỗi sản xuất cung ứng lợn hơi, lợn hướng hữu cơ cho thị trường Đà Nẵng, mở rộng thị trường Quảng Nam, Huế và các tỉnh phía Bắc.
- Hình thành các vùng chăn nuôi lợn trọng điểm tạo vùng nguyên liệu sản phẩm lợn an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm tại các địa phương Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Cát, An Nhơn, Tây Sơn cung ứng thịt lợn cho thị trường Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, phục vụ nhà máy chế biến San Hà.
c) Đối với phát triển chăn nuôi gà: Tập trung phát triển chăn nuôi gà theo phương thức trang trại, công nghệ cao; áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học theo tiêu chuẩn VietGAHP, tạo ra các sản phẩm thịt và trứng gà an toàn, đáp ứng nhu cầu chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu. Tiếp tục thực hiện chính sách phát triển nuôi gà thả đồi tại các huyện trung du, miền núi, hình thành vùng nguyên liệu sản phẩm gà an toàn sinh học, tiến tới xây dựng nhãn hiệu “Gà đồi Bình Định”; đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu cung ứng cho Công ty TNHH San Hà khi đi vào hoạt động.
- Khuyến khích 02 doanh nghiệp sản xuất gà giống thương phẩm 01 ngày tuổi (Minh Dư, Cao Khanh) tăng cường xuất khẩu gà theo đường chính ngạch. Đồng thời, tiếp tục nguyên cứu, chuyển giao các dòng gà đặc sản, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.
- Xây dựng các vùng chăn nuôi gia cầm trọng điểm, đảm bảo an toàn dịch bệnh tại một số địa phương thuộc Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ.
d) Về thức ăn chăn nuôi: Khuyến khích phát triển các mô hình chế biến các loại thức ăn chăn nuôi hữu cơ bằng công nghệ, thiết bị nghiền trộn nhỏ và cơ động phù hợp với loại hình chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và vừa, đặc biệt phục vụ chăn nuôi lợn bản địa, gà thả đồi; phát triển mô hình thâm canh trồng cỏ, ngô dày, lúa chín sáp... kết hợp công nghệ chế biến thức ăn thô xanh hỗn hợp (TMR) để chăn nuôi và vỗ béo các loại gia súc ăn cỏ.
đ) Khuyến khích xây dựng mô hình phát triển các sản phẩm chăn nuôi truyền thống, đặc sản, uy tín, bảo đảm chất lượng cao, an toàn thực phẩm, tiện dụng, giá cả cạnh tranh.
2.2. Phát triển các vùng chăn nuôi
a) Khu vực đồng bằng: Tập trung phát triển các dự án chăn nuôi công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào các trang trại chăn nuôi hiện có; giảm dần quy mô chăn nuôi nông hộ, đảm bảo khoảng cách theo quy định cho từng vùng quy mô chăn nuôi; phát triển nghề nuôi chim yến có sự kiểm soát.
b) Khu vực trung du: Phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, ưu tiên trang trại chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với các loại vật nuôi, như: Bò thịt chất lượng cao, lợn và gà cao sản; phát triển chăn nuôi gà thả đồi; phát triển nghề nuôi chim yến có sự kiểm soát.
c) Khu vực miền núi: Phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, ưu tiên trang trại chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với các loại vật nuôi, như: Bò thịt chất lượng cao; lợn đen địa phương; phát triển chăn nuôi gà thả đồi; phát triển nghề nuôi chim yến có sự kiểm soát.
3. Giải pháp nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh động vật
a) Tổ chức tiêm phòng đầy đủ, đạt tỷ lệ các loại vaccine phòng bệnh bắt buộc cho vật nuôi theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT và duy trì giám sát lưu hành mầm bệnh, giám sát sau tiêm phòng. Chú trọng các loại vaccine phòng bệnh: Cúm gia cầm; Lở mồm long móng trâu, bò, lợn; Viêm da nổi cục trâu, bò; Dịch tả lợn Châu Phi. Xây dựng bản đồ dịch tễ để kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mới nổi, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
b) Kết hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và người chăn nuôi triển khai xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, nhất là ở các vùng chăn nuôi trọng điểm, vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ xuất khẩu; kiểm soát và phòng, chống kháng thuốc. Từng bước thay đổi cách tiếp cận về phương thức quản lý sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm để người sản xuất, kinh doanh tự chủ động trong việc kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm của mình trước khi đưa ra thị trường
c) Đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống kiểm dịch động vật; thống nhất điều hành hoạt động trên toàn quốc, vừa bảo đảm hiệu quả cho công tác kiểm soát dịch bệnh vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông giống vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi thúc đẩy phát triển chăn nuôi và cung ứng con giống, thực phẩm cho thị trường; thiết lập hệ thống nhận dạng và truy xuất nguồn gốc động vật.
d) Ứng dụng các loại công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gắn với sản xuất phân bón hữu cơ, chế biến chế phẩm nuôi trồng thủy sản... góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường theo hướng kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái sử dụng và tái chế chất thải.
4. Giải pháp nâng cao năng lực giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi
- Tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung tại các địa phương chưa có nhà đầu tư. Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động giết mổ động vật, sản phẩm động vật, truy xuất nguồn gốc. Xây dựng hệ thống quản lý kiểm soát truy xuất nguồn gốc.
- Khuyến khích phát triển hệ thống giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu chăn nuôi hàng hóa, bảo đảm yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Đôn đốc Công ty TNHH San Hà sớm đưa dự án đi vào hoạt động theo tiến độ cam kết. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức lại hệ thống tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gắn với các chuỗi liên kết. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ đầu mối, sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm giới thiệu, quảng bá, đấu giá giống vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi. Chú trọng củng cố và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực chăn nuôi làm cầu nối giữa các nông hộ, trang trại với các doanh nghiệp lớn và thị trường. Phát triển chuỗi liên kết sản xuất, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gà đồi, gà hữu cơ thảo dược Bình Định, lợn Hoài Ân, lợn đen An Lão, bò thịt chất lượng cao Bình Định, heo Bình Định…
- Nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành.
- Lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch, dự án khác.
- Nguồn vốn vay ưu đãi, vốn ODA (nếu có).
- Tổ chức, cá nhân đầu tư và các nguồn vốn huy động khác.
1. Sở Nông nghiệp và PTNT
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai Kế hoạch này. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch tại các địa phương; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất các giải pháp cho UBND tỉnh chỉ đạo.
- Chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi của Trung ương và tỉnh đã được ban hành. Đồng thời, tham mưu đề xuất ban hành một số cơ chế, chính sách của tỉnh để đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan, đơn vị liên quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, bố trí vốn đầu tư công để thực hiện các hạng mục đầu tư thuộc Kế hoạch theo quy định.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong đó có các dự án xây dựng phát triển trại chăn nuôi, liên kết sản xuất, giết mổ, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các Sở, ngành có liên quan đề xuất bố trí kinh phí thực hiện từ nguồn vốn tại Mục III nêu trên để triển khai các nhiệm vụ Kế hoạch đề ra đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.
4. Sở Công Thương
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách và hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi và các sản phẩm từ chăn nuôi tham gia chuỗi cung ứng kết nối tiêu thụ sản phẩm, thương mại điện tử.
- Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan đề xuất các giải pháp thu hút các dự án đầu tư hạ tầng - thương mại gắn với dịch vụ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi như chợ nông sản, các trung tâm dịch vụ logistics theo quy hoạch.
5. Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở, ngành liên quan ưu tiên các đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ phát triển chăn nuôi. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ, quản lý, bảo vệ và khai thác, phát triển sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các địa phương lập phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí quỹ đất cho chăn nuôi. Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức cá nhân thực hiện các thủ tục về đất đai để phát triển chăn nuôi, xây dựng cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến công nghiệp trong chăn nuôi.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương trong công tác quản lý nhà nước về môi trường, phối hợp kiểm tra quy trình xử lý chất thải trong chăn nuôi đảm bảo quy chuẩn về môi trường theo quy định.
7. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh
- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ chăn nuôi, cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để các thành phần kinh tế đầu tư vào chăn nuôi theo quy định của Hội sở chính đảm bảo đúng quy định của pháp luật và của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, tăng cường kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân nhằm tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
8. Các sở, ngành liên quan: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh; đề xuất UBND tỉnh những vấn đề liên quan đến lĩnh vực của ngành quản lý, kịp thời giải quyết các vướng mắc để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này.
9. Các tổ chức chính trị - xã hội: Tham gia thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ hội viên, nông dân hợp tác, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác, bảo vệ lợi ích của hội viên trong quá trình ký kết và thực hiện các hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
10. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn quản lý.
- Tăng cường phối kết hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong công tác chỉ đạo, phát triển chăn nuôi; có cơ chế hỗ trợ từ ngân sách địa phương gắn với các chương trình, dự án, chính sách của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi.
- Vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách của tỉnh để khuyến khích đầu tư phù hợp với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của địa phương, thu hút vốn đầu tư xã hội cho phát triển chăn nuôi trên địa bàn.
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN TRANG TRẠI CHĂN NUÔI ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
STT | Địa phương | SỐ TRANG TRẠI CHĂN NUÔI | |||||
Năm 2023 | Đến năm 2025 | Đến năm 2030 | |||||
Lớn | Vừa | Lớn | Vừa | Lớn | Vừa | ||
1 | Huyện Vân Canh | 2 | 0 | 3 | 3 | 4 | 20 |
2 | Huyện Vĩnh Thạnh | 0 | 5 | 1 | 7 | 4 | 20 |
3 | Huyện Tây Sơn | 5 | 5 | 6 | 9 | 10 | 30 |
4 | Huyện Phù Mỹ | 0 | 7 | 0 | 8 | 7 | 20 |
5 | Huyện Phù Cát | 4 | 9 | 4 | 12 | 15 | 20 |
6 | Huyện Tuy Phước | 1 | 0 | 2 | 1 | 2 | 5 |
7 | Huyện Hoài Ân | 3 | 22 | 5 | 28 | 15 | 30 |
8 | Thị xã An Nhơn | 23 | 16 | 23 | 17 | 25 | 20 |
9 | Thị xã Hoài Nhơn | 0 | 9 | 1 | 11 | 5 | 20 |
10 | Huyện An Lão | 0 | 0 | 0 | 3 | 3 | 15 |
11 | TP Quy Nhơn | 0 | 1 | 0 | 1 | 0 | 0 |
| Tổng | 38 | 74 | 45 | 100 | 90 | 200 |
- 1Quyết định 1233/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 2Quyết định 985/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 3Quyết định 1010/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi, thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Quyết định 2042/QĐ-UBND năm 2024 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh Bình Định
- Số hiệu: 2042/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 07/06/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
- Người ký: Nguyễn Tuấn Thanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/06/2024
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực