Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1006/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 24 tháng 09 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN GIAO RỪNG, CHO THUÊ RỪNG ĐỂ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG BỀN VỮNG KẾT HỢP VỚI KINH DOANH CẢNH QUAN DU LỊCH, SẢN XUẤT NÔNG LÂM NGHIỆP DƯỚI TÁN RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ Luật Đất đai năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn;

Căn cứ Thông tư số 20/2016/TT-BNN ngày 27/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư: 38/2007/TT-BNNPTNT, 78/2011/TT-BNNPTNT, 25/2011/TT-BNNPTNT, 47/2012/TT-BNNPTNT, 80/2011/TT-BNNPTNT, 99/2006/TT-BNN;

Thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 19/7/2018 của HĐND tỉnh thông qua Phương án giao rừng, cho thuê rừng để bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp với kinh doanh cảnh quan du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 166/TTr-SNN ngày 05/9/2018 (kèm theo hồ sơ).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án giao rừng, cho thuê rừng để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, kết hợp với kinh doanh cảnh quan du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum, với các nội dung sau:

1. Mục tiêu: Giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn và các tổ chức kinh tế để quản lý bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng bền vững; kết hợp kinh doanh cảnh quan du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng theo quy định hiện hành nhằm phát huy thế mạnh của rừng, bảo vệ và phát triển được vốn rừng; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và tăng thu nhập người dân sống gần rừng trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo rừng có chủ thực sự, góp phần đạt mục tiêu Nghị quyết số 09/2017/NQ-HĐND ngày 21/7/2017 của HĐND tỉnh.

2. Địa điểm thực hiện: Toàn bộ diện tích đất có rừng chưa có chủ thực sự đang tạm giao chính quyền địa phương quản lý (UBND cấp xã) và một phần diện tích rừng do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông quản lý.

3. Quy mô phương án: 92.643,97 ha, bao gồm rừng phòng hộ 11.075,41 ha, rừng sản xuất 74.991,13 ha và rừng ngoài quy hoạch 6.749,43 ha.

4. Đối tượng rừng đưa vào phương án: Rừng tự nhiên và rừng trồng quy hoạch chức năng sản xuất và phòng hộ. Đối với diện tích rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp sẽ đưa vào quy hoạch trước khi thực hiện giao, cho thuê.

5. Đối tượng, điều kiện được giao, thuê rừng:

5.1. Đối tượng: Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn có nhu cầu giao rừng, thuê rừng để quản lý bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng bền vững có kết hợp với kinh doanh cảnh quan du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng theo quy định.

5.2. Điều kiện được giao, thuê rừng:

- Phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với quy hoạch 03 loại rừng.

- Đối với tổ chức kinh tế phải có Quyết định chủ trương đầu tư dự án của cấp thẩm quyền phê duyệt; Phương án quản lý bảo vệ bền vững tài nguyên rừng được giao, thuê theo đúng của quy định hiện hành; chứng minh đủ năng lực thực hiện quản lý bảo vệ rừng và triển khai dự án đã được duyệt.

- Đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn phải có khả năng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Các chủ đầu tư phải đảm bảo điều kiện theo quy định tại khoản 3, Điều 58 Luật Đất đai và khoản 2, Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Điều 2: Tổ chức thực hiện:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố xây dựng Phương án giao rừng, cho thuê rừng để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, kết hợp kinh doanh cảnh quan du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng đối với hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn phù hợp với quy định hiện hành.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh quyết định giao rừng, cho thuê rừng đối với tổ chức theo đúng quy định.

- Kiểm tra, giám sát việc quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng của các chủ rừng sau khi đã được giao, được thuê rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cập nhật cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin và lưu trữ cơ sở dữ liệu theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; tổng hợp báo cáo theo quy định hiện hành.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện công tác giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp gắn liền với giao rừng, cho thuê rừng.

- Thực hiện thủ tục cho thuê đất lâm nghiệp gắn liền với cho thuê rừng; lập và quản lý hồ sơ đất đai theo quy định.

- Kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất của người sử dụng đất lâm nghiệp sau khi đã được giao, thuê đất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thanh tra xử lý các vi phạm và tranh chấp trong việc sử dụng đất lâm nghiệp của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

3. Các Sở, ban, ngành liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí, cân đối nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện phương án.

4. UBND các huyện, thành phố:

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt nhiệm vụ giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn đối với tổ chức kinh tế.

- Xây dựng Phương án giao rừng, cho thuê rừng để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, kết hợp kinh doanh cảnh quan du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng đối với hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn theo đúng quy định tại Thông tư số 20/2016/TT-BNNPTNT ngày 27/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các văn bản hướng dẫn liên quan.

- Chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với các ngành trong công tác tổ chức triển khai thực hiện phương án giao rừng, cho thuê rừng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông, thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NNTN3, Cổng TTĐT tỉnh.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tháp

 

 

 

 

PHƯƠNG ÁN

GIAO RỪNG, CHO THUÊ RỪNG ĐỂ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG BỀN VỮNG, KẾT HỢP KINH DOANH CẢNH QUAN DU LỊCH, SẢN XUẤT NÔNG LÂM NGHIỆP DƯỚI TÁN RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

 

PHẦN I

MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN

Giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (gọi tắt là giao đất, giao rừng) cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân quản lý, sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích bảo vệ và phát triển rừng kết hợp sản xuất lâm nghiệp - nông nghiệp - ngư nghiệp, kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, làm cho đất, rừng có chủ thực sự.

Thực hiện chủ trương trên, thời gian qua tỉnh Kon Tum đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã giao và cho thuê được 571.761,67 ha rừng và đất lâm nghiệp (trong đó diện tích có rừng là 516.227,09 ha, diện tích chưa có rừng là 55.534,58 ha) cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý sử dụng; diện tích rừng và đất lâm nghiệp chưa giao hiện do Ủy ban nhân dân xã quản lý là 221.887,91 ha (trong đó diện tích có rừng là 100.725,3 ha, diện tích chưa có rừng là 121.162,61 ha). Đã thu hút được nhiều chương trình, dự án đầu tư trong nước và quốc tế cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần làm cho diện tích, chất lượng rừng ngày càng được nâng cao, độ che phủ rừng toàn tỉnh đến cuối năm 2017 là 62,3%.

Tuy nhiên, công tác giao đất, giao rừng và việc quản lý đất, rừng trong thời gian qua còn có nhiều bất cập, hạn chế, như: hiệu quả sử dụng còn thấp, một số diện tích sử dụng chưa đúng mục đích, nguồn thu nhập từ rừng chưa tương xứng với tiềm năng; các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các Công ty lâm nghiệp được giao diện tích đất, rừng lớn nhưng việc quản lý, sử dụng hiệu quả thấp; quỹ đất, rừng chưa giao hiện do Ủy ban nhân dân xã quản lý còn rất lớn, trong khi nhu cầu giao rừng, cho thuê rừng để quản lý, bảo vệ kết hợp với kinh doanh cảnh quan du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư chưa theo nguyện vọng.

Để tạo điều kiện cho chủ thể có nhu cầu được giao rừng, thuê rừng để bảo vệ phát triển rừng bền vững, kết hợp kinh doanh cảnh quan du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng nhằm phát huy thế mạnh của rừng, tiềm năng lao động ở địa phương, bảo vệ và phát triển được vốn rừng, đồng thời cải thiện đời sống cho người dân. Do đó việc đẩy mạnh công tác giao, cho thuê rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển ổn định, lâu dài là rất cần thiết.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ ĐỂ XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN

Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;

Luật Đất đai năm 2013;

Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đất đai;

Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước;

Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020;

Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 09/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng phòng hộ;

Quyết định số 49/2016/QĐ-TTg, ngày 01/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý rừng sản xuất;

Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;

Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25/4/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình cá nhân và cộng đồng dân cư thôn;

Thông tư liên tịch số 07/2011/TT-BNNPTNT-BTNMT ngày 29/01/2011 về việc hướng dẫn một số nội dung về giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp;

Thông tư 20/2016/TT-BNNPTNT ngày 27/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư: 38/2007/TT-BNNPTNT, 78/TT-BNNPTNT, 25/2011/TT-BNNPTNT, 47/2012/TT-BNNPTNT, 80/2011/TT-BNNPTNT, 99/2006/TT-BNN;

Quyết định số 112/2008/QĐ-BNN ngày 19/11/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật giao rừng, cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mục đích lâm nghiệp gắn với việc lập hồ sơ quản lý rừng;

Kế hoạch số 34-KH/TU ngày 28/4/2017 của Ban chấp hành Tỉnh đảng bộ về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-01-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;

Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 07/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh;

Nghị quyết 09/2017/NQ-HĐND ngày 27/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Đề án phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum;

Quyết định số 30/2008/QĐ-UBND, ngày 24/7/2008 của UBND tỉnh Kon Tum về việc ban hành quy định, trình tự, thủ tục giao, cho thuê, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum;

Quyết định 01/2008/QĐ-UBND ngày 09/01/2008 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt kết quả rà soát 3 loại rừng;

Niên giám thống kê tỉnh Kon Tum năm 2017 và các văn bản, tài liệu có liên quan khác.

PHẦN II

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ XÃ HỘI VÀ TÀI NGUYÊN RỪNG

I. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, KINH TẾ XÃ HỘI

1. Khái quát đặc điểm tự nhiên

1.1. Vị trí địa lý

- Tỉnh Kon Tum nằm ở cực bắc Tây Nguyên, tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 967.418,35 ha, có đường biên giới chung với hai nước Lào và Campuchia, gồm 10 huyện, thành phố. Có tọa độ địa lý như sau:

+ Từ 13°55’30” đến 15°25’30” vĩ độ Bắc;

+ Từ 107°20’15” đến 108°33’00” kinh độ Đông.

- Địa giới hành chính:

+ Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam;

+ Nam giáp tỉnh Gia Lai;

+ Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi;

+ Tây giáp nước CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia.

1.2. Địa hình, địa mạo

1.2,1. Địa hình

Địa hình tỉnh Kon Tum bao gồm các kiểu địa hình chính sau:

a. Kiểu địa hình núi cao: Chiếm 0,7 % diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở huyện Đắk Glei và Tu Mơ Rông. Địa hình chia cắt mạnh, độ dốc bình quân từ 25°- 30°. Độ cao bình quân 1.500m. Tỷ lệ che phủ rừng lớn, tập trung diện tích rừng có trữ lượng cao, có nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm.

b. Kiểu địa hình núi trung bình: Chiếm 61,6% diện tích tự nhiên, phân bố tập trung ở các huyện Đắk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông và Đắk Hà. Địa hình khá phức tạp, chia cắt mạnh, độ dốc bình quân từ 200- 250. Độ cao bình quân 1.200m. Tỷ lệ che phủ rừng cao, là nơi tập trung diện tích rừng có trữ lượng cao.

c. Kiểu địa hình núi thấp: Chiếm 20,4% diện tích tự nhiên, phân bố tập trung huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đắk Tô và phía nam các huyện Đắk Hà, Kon Plông. Đây là vùng chuyển tiếp giữa kiểu địa hình núi trung bình và vùng thung lũng, độ dốc bình quân từ 150- 200, độ cao trung bình từ 600 - 800 m. Độ che phủ của rừng không cao, rừng tự nhiên còn ít, rừng trồng manh mún.

d. Kiểu địa hình thung lũng và máng trũng: Chiếm 17,3% diện tích tự nhiên, phân bố ở thành phố Kon Tum, Huyện Đắk Glei, Ngọc Hồi và Sa Thầy, nằm dọc theo các triền sông Đắk Pô Kô, Đăk Pxi và Đăk Bla. Vùng này có địa hình tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình từ 400 - 600m, độ dốc trung bình từ 50 - 100.

Nhìn chung, địa hình Kon Tum tương đối đa dạng với nhiều kiểu và bị chia cắt bởi các hệ sông lớn. Đây là Điều kiện khó khăn đối với các ngành kinh tế khác, nhưng lại thuận lợi cho các ngành sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, phát triển cây công nghiệp thế mạnh,...

1.2.2. Địa thế

Nhìn chung địa hình của Kon Tum cao ở phía Bắc và thấp dần xuống phía Nam, đỉnh cao nhất là ngọn núi Ngọc Linh cao 2.598m. Địa hình rất đa dạng và phức tạp, với nhiều kiểu địa hình, núi cao, núi trung bình, núi thấp và vùng thung lũng đan xen nhau.

1.3. Khí hậu, thủy văn

1.3.1. Khí hậu

Kon Tum nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhưng do nằm trên nhiều kiểu địa hình khác nhau nên Kon Tum có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, có thể phân thành các tiểu vùng sau:

a. Tiểu vùng khí hậu núi cao Ngọc Linh: Nằm ở phía Bắc của tỉnh, gồm các huyện Đắk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông. Đặc điểm khí hậu là lạnh và ẩm ướt, do ảnh hưởng trực tiếp của vùng Đông Trường Sơn nên vùng có lượng mưa rất lớn, đạt trên 3.000 mm/năm, tập trung vào tháng 7, 8 và 9, về mùa khô vẫn nhận được một lượng mưa đáng kể. Nhiệt độ trung bình từ 13°C- 17°C, tháng lạnh nhất tháng 1, nhiệt độ trung bình từ 11°C- 15°C.

b. Tiểu vùng khí hậu núi thấp Sa Thầy: Gồm phía Nam của huyện Sa Thầy, lượng mưa trung bình từ 2000 mm - 3000 mm, nhiệt độ trung bình từ 20°C-23°C.

c. Tiểu vùng khí hậu máng trũng Kon Tum: Gồm Thành phố Kon Tum và huyện Đắk Hà, mang đậm nét khí hậu của vùng địa hình máng trũng, lượng mưa hàng năm ít, chỉ đạt từ 1.700 - 2.200 mm/năm. Nhiệt độ trung bình năm cũng cao hơn so với hai tiểu vùng trên, trung bình 23°C - 25°C.

1.3.2. Thủy văn

a. Nguồn nước mặt: Kon Tum có nguồn nước mặt khá dồi dào, được dự trữ từ 4 hệ thống sông lớn và các hồ chứa nước.

- Hệ thống sông Sê San có lưu vực chiếm phần lớn diện tích của tỉnh, có tiềm năng thủy điện lớn. Tổng lượng dòng chảy của sông từ 10-11 tỷ m3 nước.

- Phía Đông Bắc là đầu nguồn sông Trà Khúc, phía Bắc là đầu nguồn sông Thu Bồn và sông Vu Gia. Các sông này đều chảy về các tỉnh Duyên Hải và đổ ra biển Đông, diện tích lưu vực của 3 con sông này chiếm 1/4 diện tích của toàn tỉnh.

- Ngoài nguồn nước mặt từ các hệ thống sông suối, Kon Tum còn có nguồn nước mặt khá dồi dào được chứa từ các hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện như hồ thủy điện Plei Krông, hồ thủy lợi Đăk Krông, Đăk Uy.

b. Nguồn nước ngầm

Nguồn nước ngầm là nguồn tài nguyên quý giá, phục vụ cho các hoạt động sản xuất và đời sống con người, ngoài ra nó còn có nhiệm vụ điều tiết cho nguồn nước mặt. Bắt đầu từ nguồn nước mưa lớn, cùng với khả năng thẩm thấu và giữ nước ở một số thành tạo địa chất, tạo nên quỹ nước ngầm trên địa bàn tỉnh. Qua thực tế cho thấy, nguồn nước ngầm của tỉnh đang có nguy cơ giảm xuống, đồng nghĩa với mực nước ngầm ở vị trí sâu hơn trong lòng đất, nguyên nhân chủ yếu là do diện tích rừng bị suy giảm, vấn đề này gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong vùng, đặc biệt là sản xuất nông, lâm nghiệp. Để khắc phục vấn đề này, việc khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng là hết sức quan trọng, vừa góp phần giải quyết nhu cầu lâm sản xã hội và nâng cao sự ổn định nguồn nước ngầm giữa hai mùa.

1.4. Địa chất thổ nhưỡng

1.4.1. Địa chất

Kon Tum nằm trong địa khối cổ phía nam hay gọi là địa khối cổ Kon Tum. Nền địa chất được cấu tạo từ 4 nhóm đá mẹ chủ yếu: Nhóm đá Macma axít, nhóm đá sét biến chất, nhóm đá Macma kiềm, nhóm nền địa chất bồi, dốc tụ.

1.4.2. Thổ nhưỡng

Đất đai tỉnh Kon Tum có 5 nhóm đất gồm 16 đơn vị đất, trong đó nhóm đất đỏ vàng và nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi chiếm khoảng 96% tổng diện tích, phân bố các nhóm đất như sau:

- Nhóm đất phù sa: gồm 4 đơn vị đất (đất phù sa được bồi chua Pbc, đất phù sa không được bồi chua Pc, đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng Pf, đất phù sa ngòi suối Py) với tổng diện tích 16.663 ha chiếm tỷ lệ 1,73%.

- Nhóm đất xám bạc màu: gồm 2 đơn vị đất (đất xám trên phù sa cổ X và đất xám trên đá Macma axit Xa) với tổng diện tích là 5.066 ha chiếm 0,53%.

- Nhóm đất đỏ vàng: gồm 6 đơn vị đất (đất nâu đỏ trên đá macma bazơ và trung tính Fk, đất nâu vàng trên đá macma bazơ và trung tính Fu, đất đỏ vàng trên đá sét và biến chất Fs, đất vàng đỏ trên đá macma axit Fa, đất vàng nhạt trên đá cát Fq, đất nâu vàng trên phù sa cổ Fp) với tổng diện tích 579.788 ha chiếm 60,3%.

- Nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi: gồm 3 đơn vị đất (đất mùn nâu đỏ trên đá macma bazơ và trung tính Hk, đất mùn đỏ vàng trên đá sét và biến chất Hs, đất mùn vàng đỏ trên đá macma axit Ha) với tổng diện tích 343.288 ha chiếm 35,7%.

- Nhóm đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ: gồm 1 đơn vị đất là đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ D, với tổng diện tích 1.679 ha chiếm 0,17%.

2. Đặc điểm kinh tế, xã hội

2.1. Dân số, dân tộc, lao động

Kon Tum có 9 huyện và 01 thành phố với 102 xã, phường, thị trấn. Dân số trung bình năm 2017 của tỉnh Kon Tum là hơn 520.000 người tăng 2,42% so với năm 2016. Trong đó phần lớn sống ở vùng nông thôn với 335.283 người, chiếm 64,47% dân số, khu vực thành thị có 184.765 người chiếm 35,53%. Mật độ dân số trung bình 54 người/km2. Thành phố Kon Tum có mật độ dân cư đông nhất (390 người/km2). Huyện la H’Drai có mật độ dân cư thấp nhất (7 người/km2).

Kon Tum có 28 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc kinh chiếm đa số tỷ lệ 46,8%, các dân tộc thiểu số chiếm trên 53%, có 07 dân tộc ít người sinh sống lâu đời bao gồm: Xơ Đăng, Bana, Giẻ-Triêng, Gia Rai, Brâu và Rơ Măm, Hrê.

1.1.2. Lao động

Theo số liệu thống kê năm 2017, số lao động trên địa bàn toàn tỉnh là 293.238 người, chiếm 59,14%, dân số, trong đó lao động nam 159.112 người, chiếm 54,26%, lao động nữ 134.126 người chiếm 45,74% số lao động của tỉnh. Lao động đang làm việc tại thành thị 106.340 người, chiếm tỷ lệ 36,3%, tại nông thôn 186.898, chiếm 63,7% số lao động.

2.2. Thực trạng về kinh tế, xã hội

2.2.1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế

Những năm qua, nền kinh tế của tỉnh đã không ngừng tăng trưởng với tốc độ khá. Năm 2017, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,68%, cao hơn mức bình quân chung cả nước. Nếu xét theo nhóm ngành, nhóm ngành công nghiệp và xây dựng đạt chỉ số (đạt 12,54%) tăng trưởng cao nhất, tiếp đến là nhóm ngành dịch vụ (đạt 7,24%), nhóm ngành nông lâm nghiệp là thấp hơn cả (đạt 5,22%). Tổng thu nhập bình quân/người 34,24 triệu đồng/năm.

Bảng 1:  Tốc độ phát triển GDP phân theo ngành kinh tế năm 2013 - 2017.

(Theo giá so sánh 2010, năm trước = 100%)

STT

Ngành kinh tế

2010

2014

2015

2016

2017

 

Tổng số

109,09

107,27

108,32

108,07

107,68

1

Nông, Lâm, Thủy sản

107,18

104,28

105.56

104,18

105,22

2

Công nghiệp và X.dựng

118,56

111.05

110,86

114,31

112,54

3

Dịch vụ

104,14

107,33

109,08

108,00

107,24

2.2.2. Ngành Nông nghiệp

Diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt năm 2017 là 30.187 ha, chiếm 3,17% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó cây lúa chiếm 79,4% diện tích cây lương thực có hạt. Trong những năm qua, ngành đã có những bước chuyển biến tích cực, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành. Diện tích bình quân đầu người đạt 0,06 ha, sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt 222,8 kg/năm. Kinh tế nông thôn, kinh tế trang trại đã phát triển theo hướng kết hợp nông nghiệp với phát triển ngành nghề phi nông nghiệp và dịch vụ, đồng thời thực hiện phương thức đa dạng hóa ngành nông nghiệp.

- Trồng trọt:

+ Về cây lúa, năm 2017 có 23.985 ha, lúa trồng hàng năm bao gồm lúa Đông Xuân được trồng tập trung ở các huyện Đăk Hà, Kon Plông, Đăk Glei, Ngọc Hồi, TP. Kon Tum, các huyện còn lại diện tích gieo trồng ít hơn. Ngoài ra có lúa rẫy trồng rải rác khắp các khu vực đồi núi của các huyện, nhưng gần đây loại lúa này đang dần được thay thế bởi những loài cây công nghiệp có giá trị cao hơn.

+ Cây màu lương thực năm 2017, diện tích ngô trồng được 6.202 ha, sắn 38.634 ha, khoai lang 155 ha,... Có thể coi cây sắn và ngô là cây có vị trí quan trọng sau lúa trong sản xuất lương thực, với những loài ngô lai cho năng suất cao.

+ Cây thực phẩm, với những loài cây đậu các loại và rau, củ các loại, hàng năm cung cấp sản phẩm cho nội tỉnh và những vùng lân cận ngoại tỉnh.

+ Cây công nghiệp hàng năm, bao gồm các loài cây như cây mía 1.636 ha (TP. Kon Tum, huyện Sa Thầy, Kon Rẫy, Đăk Hà); cây mỳ 38.634 ha, nhiều nhất là huyện Sa Thầy, Đăk Tô, Ngọc Hồi.

+ Cây công nghiệp lâu năm có diện tích 97.154 ha với những loại cây chủ yếu là cao su, cà phê, cây ăn quả, tiêu với tổng diện tích trồng chiếm khoảng trên 60% tổng diện tích gieo trồng. Cụ thể: cây cao su (được trồng tập trung ở các huyện: Sa Thầy, thành phố Kon Tum, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà); cây cà phê trồng nhiều nhất ở huyện Đăk Hà, Đăk Tô và thành phố Kon Tum. Với quỹ đất Ba zan, đất đỏ vàng hiện có, cùng với giá cả sản phẩm loài cây này đã lên cao và dần ổn định, thì đây là một trong những thế mạnh của tỉnh trên con đường phát triển kinh tế trong thời đại mới.

+ Ngoài ra còn một số loài cây ăn quả có diện tích 2.089 ha, được trồng trong các vườn hộ gia đình, trang trại, chủ yếu là các loại sầu riêng, bơ, mít... là cây được trồng phân tán theo hộ gia đình là chính. Loài cây này được trồng nhiều ở các huyện: Sa Thầy, Đăk Hà, thành phố Kon Tum, Ngọc Hồi. Nhìn chung tốc độ phát triển chậm chưa tương xứng với tiềm năng, cần có định hướng trồng một số cây ăn quả có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng của tỉnh.

- Chăn nuôi: Kết quả sản xuất ngành chăn nuôi đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, nhìn chung phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của điều kiện tự nhiên với những cánh đồng cỏ tự nhiên có thể chăn nuôi, nhất là đại gia súc dưới tán rừng, bên cạnh đó còn có điều kiện phát triển những cây lương thực phụ, cây họ đậu như ngô, khoai lang, sắn, đậu tương, lạc,... để làm thức ăn cho gia súc. Các loại gia súc ở một số nơi đã tập trung thành đàn trong trang trại, nhưng nhìn chung chủ yếu còn phát triển trong các hộ gia đình với quy mô nhỏ, ít có những vùng chăn nuôi tập trung với quy mô sản xuất hàng hóa lớn. Sơ bộ năm 2017, số lượng trâu có 23.120 con, bò có 73.880 con, lợn có 132.880 con, dê có 12.860 con, gà 940.000 con. Trong mấy năm qua, có một số dịch bệnh đã làm ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi như dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm, long móng ở lợn và bò đã gây thiệt hại không nhỏ.

2.2.3. Ngành Công nghiệp và Xây dựng

Trong giai đoạn 2010 - 2017, ngành Công nghiệp và Xây dựng có chiều hướng giảm. Chỉ số phát triển tăng từ 20,26% năm 2010 xuống 12,54% năm 2017.

2.2.4. Dịch vụ

- Về tổng mức bán lẻ tăng từ 2.980,15 tỷ đồng năm 2010 lên 12.440,43 tỷ đồng năm 2017, trong đó loại hình kinh tế ngoài nhà nước chiếm 100%.

- Về dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng từ 412,809 tỷ đồng năm 2010 lên 1.726,47 tỷ đồng năm 2017, loại hình kinh tế ngoài nhà nước chiếm 100%.

- Về du lịch tăng từ 30,757 tỷ đồng năm 2010 lên 99,48 tỷ đồng năm 2017.

Tỉnh Kon Tum hiện có 03 cửa khẩu, gồm 01 cửa khẩu quốc tế Bờ Y và 02 cửa khẩu phụ: Đăk Long - Văn Tách (Lào), Đăk Plô - Đăk Ba (Lào).

2.2.5. Thực trạng xã hội và cơ sở hạ tầng

a. Giáo dục - đào tạo

Tính đến cuối năm 2017, số trường học mầm non là 138 trường với 1.757 phòng học, số giáo viên mầm non là 2.186 để phục vụ cho 40.080 cháu nhỏ. Số trường học phổ thông là 384 trường (trong đó tiểu học 147 trường, trung học cơ sở 108 trường, trung học phổ thông 17 trường, phổ thông cơ sở 2 trường, trung học 10 trường) với số lớp học là 4.224, có 7.135 giáo viên để đáp ứng cho 111.656 học sinh trên địa bàn toàn tỉnh.

b. Công tác y tế

Tính đến năm 2017, trên toàn tỉnh có 300 cơ sở y tế, trong đó có 13 bệnh viện, 12 phòng khám đa khoa khu vực, 102 trạm y tế xã/ phường, 03 trạm y tế của cơ quan xí nghiệp, các cơ sở y tế khác 170. Tổng số có 2.418 giường bệnh, trong đó tập trung ở bệnh viện là 62,8% số giường, còn lại là ở các trung tâm y tế của xã phường và các phòng khám đa khoa khu vực.

Về cán bộ tế, ngành y có tổng số 2.532 cán bộ, trong đó có 568 bác sỹ, 376 y sỹ, 781 điều dưỡng, 256 nữ hộ sinh, 151 kỹ thuật viên y, lực lượng khác 400. Ngành dược có tổng số 311 cán bộ, trong đó có 51 dược sỹ, 251 dược sỹ trung cấp và 9 dược tá.

Các chương trình y tế cộng đồng được triển khai đều khắp như Chương trình tiêm chủng mở rộng hàng năm, phòng chống sốt rét, hoạt động truyền thông về phòng chống Lao, HIV-AIDS, phòng chống bướu cổ, kế hoạch hóa gia đình,... tỷ lệ người bị mắc sốt rét giảm mạnh. Hoạt động y tế đang được xã hội hóa và ngày càng được quan tâm hơn.

c. Văn hóa, thông tin

Kon Tum là một tỉnh Tây Nguyên nên về văn hóa có những nét riêng của khu này với đa dạng về dân tộc thiểu số. Bản sắc văn hóa độc đáo là các lễ hội như lễ hội cồng chiêng, lễ đâm trâu, lễ mừng lúa mới,...

Hệ thống thông tin liên lạc đã được trang bị khắp toàn tỉnh, từ trung tâm các huyện có thể liên lạc tới tất cả các vùng trong nước và quốc tế. Hiện nay, 100% xã phường đã được trang bị điện thoại với tỷ lệ 15 máy điện thoại/100 dân. Về phát thanh và truyền hình, 100% số xã được phủ sóng truyền thanh, 97,9% được phủ sóng truyền hình, tỷ lệ hộ được xem đài truyền hình Việt Nam là 84% và tỷ lệ hộ nghe được đài tiếng nói Việt Nam là 100%.

d. Quốc phòng - An ninh

Kon Tum có đường biên giới chung với 2 quốc gia là Lào và Cam Pu Chia, với nhiều dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn rộng nên công tác Quốc phòng - An ninh luôn được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác tuyên truyền giáo dục các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước luôn được đẩy mạnh, các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu dân cư được xây dựng. Công tác quốc phòng toàn dân được tăng cường, an ninh biên giới được giữ vững. Trong vài năm qua tuy tình hình trật tự xã hội có những biến động, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Trung Ương, Tỉnh đã triển khai giải quyết kịp thời. Tình hình an ninh trật tự xã hội, công tác quốc phòng tiếp tục được củng cố và giữ vững.

II. TÀI NGUYÊN RỪNG VÀ THỰC TRẠNG QUẢN LÝ

1. Tài nguyên rừng.

1.1. Diện tích, phân bố và các kiểu rừng.

a. Diện tích:

Theo số liệu công bố hiện trạng rừng năm 20171, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh là: 779.913,12 ha, chiếm 80,6% diện tích tự nhiên. Trong đó:

Tổng diện tích có rừng:

- Tổng diện tích rừng tự nhiên:

- Tổng diện tích rừng trồng:

Trong đó có tổng diện tích cây Cao su, đặc sản:

602.334,02 ha;

545.807,33 ha

56.526,69 ha

35.466,18 ha

- Diện tích đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp: 176.679,19 ha

- Độ che phủ rừng: 62,3 %.

b. Phân bố.

Rừng phân bố ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên không đồng đều. Các huyện có nhiều rừng, độ che phủ của rừng cao chủ yếu là ở huyện Kon Plông, Đăk Glei, Sa Thầy và Tu Mơ Rông, các huyện còn lại độ che phủ của rừng còn khá thấp, điển hình là thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà, Đăk Tô.

c. Các kiểu rừng.

Rừng tự nhiên hiện có ở Kon Tum chủ yếu là rừng gỗ lá rộng thường xanh và nửa rụng lá với diện tích: 441.788,7 ha (chiếm 80,9%), rừng gỗ lá rộng rụng lá với diện tích: 481,4 ha (chiếm 0,1%), rừng gỗ lá kim: 13.366,9 ha (chiếm 2,4%), rừng hỗn giao gỗ lá rộng và lá kim: 15.903,79 ha (chiếm 2,9%), rừng hỗn giao gỗ và tre nứa: 52.620,7 ha (9,6%) và rừng tre nứa: 21.714,5 ha (chiếm 4%).

1.2. Tiềm năng của rừng:

Tài nguyên rừng của Kon Tum rất giàu tiềm năng cung cấp gỗ, lâm sản, có giá trị phòng hộ môi trường to lớn và tính đa dạng sinh học cao.

a. Khả năng cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ:

Trên cơ sở chỉ tiêu trữ lượng của các loại rừng ở địa bàn tỉnh Kon Tum2, tổng trữ lượng gỗ rừng tự nhiên của tỉnh khoảng 83,4 triệu m3 gỗ và 1,1 tỷ cây tre nứa các loại. Tính toán trên quan điểm khai thác rừng bền vững thì hàng năm có thể khai thác được từ 30.000-35.000m3 gỗ tròn từ rừng tự nhiên và 23.310 ha rừng trồng sản xuất có thể khai thác cung cấp gỗ nguyên liệu.

Ngoài sản lượng gỗ kể trên, rừng tự nhiên của Kon Tum còn có khả năng cung cấp nhiều loại lâm sản khác như tre nứa, song mây, bông đót, hạt ươi, hạt cà na, chai cục và các loại dược liệu quý hiếm như Sâm Ngọc Linh, Đảng Sâm, Vàng đắng... tạo một lượng giá trị không kém sản phẩm gỗ.

b. Giá trị phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch.

Tỉnh Kon Tum là điểm khởi nguồn sinh thủy của các con sông lớn chảy về vùng Duyên hải miền Trung, các tỉnh hạ Lào và Campuchia, trên đó có nhiều công trình thủy lợi và thủy điện lớn như: Ialy, Sê san 3, Sê san 3A, Sê san 4, Plei krông. Do có trên 75% diện tích đất phân bố trên những vùng có độ dốc lớn hơn 150, nằm trong vùng có lượng mưa tương đối lớn, phân bố không đều với 80% lượng mưa tập trung vào các tháng mùa mưa cho nên vấn đề chống xói mòn đất và điều tiết nguồn nước là đặc biệt quan trọng. Hệ thống rừng của tỉnh Kon Tum là nơi nuôi dưỡng nguồn nước cho các dòng sông, bảo vệ đất, bảo vệ môi trường sống cho người dân trong vùng và tạo nhiều vùng sinh thái cảnh quan phong phú, đa dạng.

c. Về giá trị đa dạng sinh học.

Rừng Kon Tum có tính đa dạng sinh học cao, là nơi sinh sống của rất nhiều loài động vật, thực vật có giá trị. Theo thống kê chưa đầy đủ, rừng Kon Tum có khoảng 1.610 loài thực vật thuộc 734 chi của 175 họ thực vật trong đó có nhiều loài thực vật quý như Sâm Ngọc linh, Pơ mu, Trầm hương, Vàng đắng, Trắc, Cẩm lai, Gõ đỏ,... và các loài khác. Về hệ động vật, có trên 100 loài thú, 350 loài chim và nhiều loài động vật khác, trong đó có thể kể đến một số loài quý hiếm như Hổ, Bò rừng, Gấu, Trĩ, Sao, ... và các loài khác.

2. Tổ chức quản lý rừng.

2.1. Quy hoạch rừng theo chức năng sử dụng.

Diện tích đất lâm nghiệp đã được quy hoạch theo 3 chức năng: phòng hộ, đặc dụng và sản xuất, được định vị trên bản đồ và thực địa theo một hệ thống quản lý thống nhất. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để lập quy hoạch, kế hoạch phát triển lâm nghiệp, tổ chức hệ thống quản lý rừng phù hợp. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp tỉnh Kon Tum tính đến 31/12/2015 phân chia theo 3 loại rừng:

Bảng 1. Hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp tỉnh Kon Tum

Phân loại rừng

Tổng diện tích

Đặc dụng

Phòng hộ

Sản xuất

Ngoài quy hoạch

TỔNG CỘNG

 

793.649,6

93.627,4

186.086,5

514.481,9

12.243,9

DIỆN TÍCH ĐẤT CÓ RỪNG, trong đó:

1000

616.952,4

88.459,4

160.405,2

369.658,7

11.219,3

1. Rừng gỗ tự nhiên

1310

471.473,64

72.674,35

141.112,24

251.781,32

5.905,73

- Rừng gỗ lá rộng TX hoặc nửa rụng lá

1311

441.721,80

67.333,92

124.816,94

244.101,41

5.469,53

- Rừng gỗ lá rộng rụng lá

1312

481,39

125,56

1,23

299,86

54,74

- Rừng gỗ lá kim

1313

13.366,76

2.348,00

7.779,54

3.017,81

221,41

- Rừng gỗ hỗn giao lá rộng và là kim

1314

15.903,69

2.866,87

8.514,53

4.362,24

160,05

2. Rừng tre nứa

1320

21.713,36

3.306,81

4.363,57

13.293,88

749,10

3. Rừng hỗn giao gỗ và tre nứa

1330

52.620,33

12.073,10

7.711,45

31.603,83

1.231,95

4. Rừng trồng

1120

56.526,7

23,84

3.778,0

50.127,2

2.597,6

- Trồng mới trên đất chưa có rừng

1121

18.258,05

13,74

3.523,17

12.973,19

1.747,95

- Trồng lại trên đất đã từng có rừng

1122

38.234,20

10,10

254,86

37.119,59

849,65

II. ĐẤT CHƯA CÓ RỪNG QH CHO LN

2000

176.697,19

5.167,99

25.681,31

144.823,27

1.024,62

(Chi tiết có phụ biểu 01 kèm theo)

2.2. Tổ chức hệ thống quản lý rừng.

Hệ thống quản lý rừng được tổ chức thống nhất theo quy chế quản lý rừng của Chính phủ quy định.

- Tổ chức quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp.

+ Ở cấp tỉnh: UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn, trực tiếp là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường.

+ Ở cấp huyện: UBND huyện và các phòng chuyên môn trực thuộc, Hạt kiểm lâm huyện.

+ Ở cấp xã: UBND xã và cán bộ kiểm lâm địa bàn.

- Tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh giao cho các chủ thể quản lý và sử dụng (gọi là các chủ rừng) thể hiện tại bảng 2.

Bảng 2. Diện tích các loại rừng giao cho các chủ thể quản lý sử dụng.

Phân loại rừng

Tổng

BQL Rừng ĐD

BQL rừng PH

Tổ chức kinh tế

Tổ chức KH&CN, DT, DN về LN

Doanh nghiệp có vốn nước ngoài

Đơn vị vũ trang

Hộ gia đình, cá nhân

Cộng đồng

Các tổ chức khác

UBND

TỔNG CỘNG

793.649,6

94.531,3

132.954,5

235.951,0

33.207,4

2.034,8

33.790,2

26.557,6

7,158,2

5.576,6

221.887,9

I. Đất có rừng

616.952,4

89.842,6

125.150,9

209.382,8

26.859,2

886,73

30.822,1

22.927,5

5.860,7

4.494,5

100.725,3

1. Rừng tự nhiên

545.807,3

89.569,2

122.022,6

192.457,5

8.695,5

415.46

30.417,8

22.814,8

776.4

1.663,2

76.974,9

2. Rừng trồng

56.526,7

22,8

1.995,8

14.331,8

15.831,3

439,43

389,46

81,0

5.023,1

2.457,8

15.954,0

Trong đó rừng trồng cao su và cây đặc sản

35.466,2

9,79

13,1

315,3

15.827,8

31,09

238,67

13,0

5.023,1

2.396,4

11.597,8

II. Đất chưa có rừng

176.697,2

4.688.8

7.803,6

26.568,2

6.348,2

1.148,1

2.968,1

3.630,1

1.297,5

1.082,1

121.162,6

(Chi tiết có phụ biểu 02 kèm theo)

- Đối với diện tích rừng đặc dụng: Toàn bộ diện tích 94.531,3 ha đã được giao cho 3 Ban quản lý rừng đặc dụng quản lý là Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh và Khu rừng đặc dụng Đăk Uy, được tổ chức quản lý theo quy chế quản lý rừng đặc dụng.

- Đối với diện tích rừng phòng hộ: Toàn bộ diện tích 186.086,5 ha rừng phòng hộ của tỉnh là rừng phòng hộ đầu nguồn, hiện có nhiều chủ thể quản lý khác nhau. Trong đó 132.954,4 ha chiếm gần 71,4% diện tích rừng liền vùng liền khoảnh đã giao cho 08 BQL rừng phòng hộ quản lý bảo vệ. Diện tích còn lại do các Công ty Lâm nghiệp quốc doanh, hộ gia đình, UBND xã và các tổ chức kinh tế quản lý.

- Đối với diện tích rừng sản xuất: Đây là đối tượng rừng có diện tích lớn nhất với 514.481,9 ha, được giao cho nhiều chủ thể quản lý khác nhau, bao gồm: Các Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tạm thời quản lý 7.296 ha chiếm tỷ lệ 1,4%; Các công ty Lâm nghiệp quốc doanh quản lý 235.951,0 ha chiếm trên 45,9% diện tích rừng sản xuất của tỉnh; Diện tích còn lại có 285.047,0 ha do cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, UBND xã và các tổ chức kinh tế khác quản lý, chiếm 52,7%.

III. CÔNG TÁC GIAO RỪNG, CHO THUÊ RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.

1. Kết quả giao đất, giao rừng trên địa bàn tỉnh:

1.1. Kết quả giao đất giao rừng cho cộng đồng dân cư.

- Theo số liệu thống kê giai đoạn 2006-2016 đã giao 3.745,2 ha rừng và đất rừng cho 23 cộng đồng thôn, làng để quản lý bảo vệ chiếm tỷ lệ 0,5% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

+ Dự án hỗ trợ dân làng quản lý rừng bền vững ở Tây Nguyên (JICA) giao 808 ha cho cộng đồng thôn Vi Chring, xã Hiếu của huyện Kon Plông.

+ Phương án giao đất giao rừng UBND huyện Đăk Glei giao 2.851,1 ha/18 cộng đồng.

+ Dự án GĐGR tại xã Hơ Moong do Viện tư vấn phát triển (CODE) hỗ trợ đã giao 86,1 ha/4 cộng đồng

- Toàn bộ diện tích được giao đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Trong 3.745,2 ha rừng và đất lâm nghiệp được giao cho cộng đồng có 3.536,5 ha rừng tự nhiên thứ sinh và 208,7 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng.

1.2. Kết quả giao đất giao rừng cho hộ gia đình

- Theo số liệu thống kê giai đoạn 2006-2016 đã giao 62.655,8 ha rừng và đất rừng cho 4.607 hộ gia đình để quản lý bảo vệ chiếm tỷ lệ 8,1% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh, toàn bộ diện tích được giao đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cụ thể giao theo các chương trình như sau:

+ Theo Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg: 13.316,4 ha/731 hộ.

+ Theo Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg: 16.574,7 ha/722 hộ.

+ Theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP: 8.326,8 ha/695 hộ gia đình.

+ Theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP: 24,5 ha/01 hộ gia đình.

+ Theo Quyết định số 1264/QĐ-UBND Giao đất, giao rừng cho hộ gia đình: 24.413,4 ha/2.458 hộ.

- Trong 62.655,8 ha rừng và đất lâm nghiệp được giao cho hộ gia đình có 50.240,4 ha đất có rừng (rừng tự nhiên thứ sinh 49.769,9 ha; rừng trồng 470,5 ha) và 12.415,4 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng.

1.3. Kết quả thực hiện cho thuê rừng:

Đã thực hiện thu hồi và cho các tổ chức kinh tế thuê rừng để thực hiện các dự án trồng dược liệu, kinh doanh cảnh quan, du lịch, nghỉ dưỡng với tổng diện tích là 5.097,51 ha, trong đó quy hoạch phòng hộ 3.443,59 ha; rừng sản xuất 1.432,59 ha; đất khác 221,66 ha. Nhìn chung các dự án đang triển khai theo đúng phương án quản lý sử dụng rừng và dự án đầu tư đã được phê duyệt.

2. Đánh giá tình hình QLBVR và sử dụng rừng sau khi giao

2.1. Công tác tổ chức quản lý rừng của hộ gia đình và cộng đồng.

Thông qua chính sách giao đất giao rừng người dân đã quan tâm nhiều hơn về công tác quản lý bảo vệ rừng, thường xuyên tổ chức kiểm tra, tuần tra trên diện tích rừng và đất rừng được giao, phát hiện, ngăn chặn và phản ánh kịp thời các tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng, tình trạng phá rừng trái phép không xảy ra, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên diện tích rừng và đất rừng đã giao cho cộng đồng đã được hạn chế. Hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng của người dân trên diện tích rừng được giao ngày càng tốt hơn, tài nguyên rừng đã được bảo vệ phát triển tốt.

2.2. Hiệu quả tác động sau khi thực hiện công tác giao đất giao rừng.

Chính sách giao đất giao rừng đã góp phần tăng thu nhập nâng cao đời sống của người dân, các hộ gia đình và cộng đồng đã được hưởng lợi từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng qua các năm bình quân mỗi hộ thu nhập hơn 11 triệu đồng.

Rừng được bảo vệ tốt hơn, nhận thức của các cấp chính quyền và người dân địa phương về công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng được nâng lên rõ rệt, thay đổi quan niệm bảo vệ rừng, phát triển rừng là việc của các cơ quan Nhà nước như lâm trường, kiểm lâm, mà việc bảo vệ rừng, phát triển rừng là sự nghiệp của toàn dân. Đất rừng được sử dụng hiệu quả hơn, diện tích rừng có tăng lên thông qua các hoạt động hỗ trợ hoạt động của dự án KfW10 và Viện nghiên cứu phát triển (CODE)

Rừng đã có chủ thật sự, thông qua các hoạt động hỗ trợ sau giao đất giao rừng đã góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, huy động các nguồn lực là các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư buôn làng tham gia bảo vệ diện tích rừng hiện có, phát huy tối đa lợi thế của rừng, sử dụng tiềm năng lao động ở địa phương để bảo vệ rừng gắn với phát triển bền vững tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống người dân miền núi, xây dựng nông thôn mới.

3. Những thuận lợi, khó khăn:

3.1. Những thuận lợi

Việc đẩy mạnh công tác giao rừng, thuê rừng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư nhằm đảm bảo rừng có chủ thực sự phù hợp với chủ trương của Đảng. Giao đất giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng là xu hướng hiện nay trong quản lý rừng ở nhiều nước trên thế giới, phù hợp với quy luật tất yếu, khách quan trong quản lý tài nguyên rừng. Công tác giao rừng, thuê rừng có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh Ủy, UBND tỉnh và lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương.

3.2. Những khó khăn bất cập.

a) Những bất cập trong cơ chế chính sách.

- Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 đã bộc lộ những hạn chế trong ngăn chặn tình trạng phá rừng, suy giảm chất lượng rừng tự nhiên, lấn chiếm đất; sản xuất lâm nghiệp bị chia cắt, thiếu liên kết, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; công nghiệp chế biến lâm sản trong nước vẫn chủ yếu quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng suất, giá trị gia tăng thấp; đóng góp của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế, thu nhập của người làm nghề rừng thấp...

Quyền hưởng lợi trực tiếp từ rừng của người dân chưa có, chỉ được hưởng lợi gián tiếp từ cung ứng dịch vụ môi trường rừng và hỗ trợ từ các dự án. Chính sách hưởng lợi theo quy định khó thực hiện, đối tượng rừng giao cho người dân chủ yếu là rừng nghèo kiệt, phần lớn các hộ gia đình nhận đất, nhận rừng là hộ nghèo, không có khả năng tự đầu tư trên diện tích được giao, việc được hưởng lợi về khai thác gỗ từ lượng tăng trưởng của rừng thì phải cần một thời gian khá dài để cho rừng tăng trưởng, do đó, người nhận rừng chưa có được nhiều lợi ích từ khi nhận rừng, nhưng phải tốn công để quản lý bảo vệ.

b) Bất cập trong tổ chức quản lý, bảo vệ rừng và sử dụng đất sau khi giao.

- Quyền hưởng lợi hiện hành chưa khuyến khích được người dân tích cực tham gia thực hiện tốt công tác QLBVR trên diện tích được giao, có nhiều hộ dân trả lại diện tích rừng, đất rừng được giao, không muốn tiếp tục quản lý bảo vệ.

- Hộ gia đình, cá nhân nhận rừng không được Nhà nước hỗ trợ tiền để quản lý bảo vệ trên diện tích được giao đối với diện tích không nằm trong lưu vực các công trình thủy điện được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

- Việc kiểm tra, đôn đốc của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng về thực hiện công tác QLBVR của các hộ dân đã được giao rừng chưa được chú trọng. Việc thực hiện công tác QLBVR của các hộ dân trên lâm phần được giao chưa được chủ động.

- Một số chủ thể đã được Nhà nước giao rừng, thuê rừng chưa thực sự hiểu các quyền và nghĩa vụ, còn thiếu tinh thần trách nhiệm trên lâm phần được giao, thậm chí có một số hộ có dấu hiệu chuyển nhượng, cho thuê lại rừng và đất rừng trái phép; phá rừng trái phép hoặc để cho người khác vào lâm phần được giao để phá rừng trái phép.

4. Một số bài học kinh nghiệm rút ra từ giao đất giao rừng.

- Cần làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Nhà nước bằng những hình thức đa dạng để các chủ rừng thấy rõ mục đích yêu cầu, hiểu rõ mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài trong việc bảo vệ và phát triển rừng.

- Giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn phải dựa vào nhu cầu thực sự và giao những khu vực có vai trò gắn kết với cộng đồng (rừng bảo vệ nguồn nước, rừng gắn với văn hóa, tâm linh, tập quán... của cộng đồng).

- Trước khi cho tổ chức kinh tế thuê rừng cần phải xem xét về năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý bảo vệ rừng; tính khả thi và hiệu quả của dự án đầu tư. Tránh tình trạng cho thuê diện tích vượt khả năng quản lý.

- Việc GĐGR cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn để bảo vệ rừng và phát triển rừng cho thấy hình thức giao rừng cho cộng đồng là hiệu quả nhất, vì cộng đồng có đủ lực lượng để thường xuyên kiểm tra giám sát công tác quản lý bảo vệ rừng; có sự đồng thuận của mọi người dân trong cộng đồng, có sự lồng ghép hài hòa giữa luật tục (quy ước) và luật pháp trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, cùng chia sẻ lợi ích giữa cộng đồng và các hộ dân, phát huy được uy tín của già làng, hội đồng già làng, uy tín của trưởng họ để tập hợp cộng đồng tham gia nhằm giải quyết các mâu thuẫn về đất đai xảy ra trong và ngoài cộng đồng. Đây là mô hình cần được nhân rộng và triển khai thực hiện trong năm 2018 và các năm tiếp theo.

PHẦN III

NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN GIAO RỪNG, CHO THUÊ RỪNG

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU:

1. Mục tiêu:

Giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn và các tổ chức kinh tế để quản lý bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng bền vững; kết hợp kinh doanh cảnh quan du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng theo quy định hiện hành nhằm phát huy thế mạnh của rừng, bảo vệ và phát triển được vốn rừng; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và tăng thu nhập người dân sống gần rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đảm bảo rừng có chủ thực sự, góp phần đạt mục tiêu của Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 02 tháng 3 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết số 09/2017/NQ-HĐND ngày 21 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Đề án phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

2. Yêu cầu:

- Giao rừng, cho thuê rừng phải gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

- Việc giao rừng, cho thuê rừng phải căn cứ vào diện tích rừng và đất rừng hiện có của từng địa phương; trình tự thủ tục, đối tượng, hạng mức đúng theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

- Gắn với việc giữ vững ổn định an ninh chính trị, không làm xáo trộn đời sống của nhân dân tại các địa phương.

- Ưu tiên giao rừng, cho thuê rừng đối với các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn làng sinh sống gần rừng có nhu cầu; các tổ chức kinh tế trong nước thường trú tại địa phương đã quản lý rừng trên thực tế hoặc có dự án phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng và quy hoạch sử dụng đất của địa phương.

- Phải căn cứ vào kết quả quy hoạch 03 loại rừng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn tỉnh.

- Việc giao rừng, cho thuê rừng chỉ với mục đích quản lý bảo vệ rừng bền vững kết hợp với kinh doanh du lịch, dịch vụ và sản xuất dưới tán rừng; không đặt vấn đề sản xuất kinh doanh gỗ rừng tự nhiên (khai thác gỗ rừng tự nhiên), thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng tự nhiên theo Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

- Phương án chỉ quy định việc giao rừng, thuê rừng gắn với giao đất, thuê đất lâm nghiệp đối với diện tích đang tạm giao cho UBND xã quản lý; diện tích mà chủ rừng không có nhu cầu sử dụng, tự nguyện trả lại hoặc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi. Đối với diện tích đã có chủ thực sự không thuộc đối tượng quy định của Phương án này.

II. NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN

1. Quy mô, địa điểm, hiện trạng và quy hoạch:

1.1. Quy mô:

a. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện đang tạm giao cho UBND xã quản lý là 212.783,03 ha, gồm:

- Diện tích đất có rừng tự nhiên: 76.846,32 ha;

- Diện tích đất rừng trồng: 16.531,45 ha;

- Đất không có rừng: 120.106,49 ha.

b. Diện tích đưa vào phương án là 92.934,37 ha, bao gồm: toàn bộ diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng do UBND các xã, thị trấn đang tạm quản lý: 92.634,37 ha; Diện tích rừng thuộc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông đang quản lý bảo vệ có khả năng phát triển du lịch, dịch vụ và sản xuất nông lâm ngư nghiệp dưới tán rừng mà một số tổ chức kinh tế có nhu cầu thuê: 300,0 ha.

c. Dự kiến giao, cho thuê rừng như sau:

- Diện tích giao, cho thuê đối với các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn là: 67.934,73 ha.

- Diện tích cho thuê đối với tổ chức: 25.000 ha.

1.2. Địa điểm giao rừng, cho thuê rừng:

Toàn bộ các xã trên địa bàn tỉnh Kon Tum có rừng và đất lâm nghiệp đang quản lý, chưa có chủ thực sự.

(Có phụ biểu 03 kèm theo)

1.3. Theo quy hoạch 03 loại rừng:

- Rừng quy hoạch chức năng phòng hộ: 11.224,41 ha;

- Rừng quy hoạch chức năng sản xuất: 74.960,53 ha;

- Rừng ngoài quy hoạch: 6.749,43 ha.

* Diện tích rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp: Diện tích rừng ngoài quy hoạch 03 loại rừng là diện tích nằm trong số 39.929,9 ha dự phòng cho lâm nghiệp theo quy hoạch 03 loại rừng năm 2007 (số liệu kèm theo Quyết định 01/2008/QĐ-UBND ngày 09/01/2008). Thực hiện Quyết định số 845/QĐ-BNN-TCLN ngày 16/3/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng, trong đó đã đưa toàn bộ diện tích đất có rừng vào quy hoạch 03 loại rừng. Hiện quy hoạch điều chỉnh 03 loại rừng đang lấy ý kiến thẩm định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, sau khi có ý kiến, UBND tỉnh sẽ phê duyệt điều chỉnh trước khi thực hiện giao rừng, cho thuê rừng.

III. NGUYÊN TẮC, ĐIỀU KIỆN, ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC GIAO, THUÊ

1. Nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng

- Việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng thực hiện theo quy định tại Điều 22 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

- Không giao, cho thuê đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp có tranh chấp.

- Việc giao, cho thuê, thu hồi rừng phải có sự tham gia của người dân địa phương và được công bố công khai.

2. Đối tượng giao rừng, thuê rừng:

- Tổ chức kinh tế theo quy định tại Điều 25 của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng có dự án bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp với kinh doanh cảnh quan du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

- Hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn có nhu cầu giao rừng, cho thuê rừng để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, kết hợp với kinh doanh cảnh quan du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng. Trong trường hợp này, UBND các huyện, thành phố phải xây dựng Phương án giao rừng, cho thuê rừng để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, kết hợp với kinh doanh cảnh quan du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng trên địa bàn huyện, thành phố trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi triển khai thực hiện.

3. Điều kiện giao rừng, cho thuê rừng

- Phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với quy hoạch 03 loại rừng đã được xác lập.

- Đối với tổ chức kinh tế phải có Quyết định chủ trương đầu tư dự án của cấp thẩm quyền phê duyệt; Phương án quản lý bảo vệ bền vững tài nguyên rừng được giao, thuê theo đúng của quy định hiện hành; chứng minh đủ năng lực thực hiện quản lý bảo vệ rừng và triển khai dự án đã được duyệt.

- Các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn có khả năng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Các chủ đầu tư phải đảm bảo điều kiện theo quy định tại khoản 3, Điều 58 Luật Đất đai năm 2013 và khoản 2, Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

4. Đối tượng được giao rừng, cho thuê rừng: Tổ chức kinh tế, hộ gia đình cá nhân và cộng đồng dân cư thôn theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng có nhu cầu giao rừng, thuê rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp phát triển cây dược liệu dưới tán rừng và đầu tư, phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

5. Thời gian và tiến độ giao rừng, cho thuê rừng: Thời gian giao rừng, cho thuê rừng thực hiện theo quy định của Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ và theo thời gian thực hiện dự án đầu tư được cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với trường hợp là tổ chức.

6. Hình thức giao rừng, cho thuê rừng:

- Đối với các trường hợp giao rừng thì thực hiện theo quy định tại Điều 24 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và hướng dẫn tại Điều 20 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ.

- Đối với các trường hợp thuê rừng thì trả tiền thuê rừng hằng năm theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Giá thuê rừng thực hiện theo quy định hiện hành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

7. Tiến độ thực hiện phương án: Từ năm 2018.

IV. THỦ TỤC, GIẢI PHÁP VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN:

4.1. Thủ tục thực hiện thuê rừng

4.1.1. Xác định đặc điểm khu rừng giao, cho thuê và hoàn thiện hồ sơ giao rừng, thuê rừng

- Xác định vị trí, ranh giới khu rừng.

- Xác định loại rừng.

- Xác định diện tích khu rừng.

- Xác định trạng thái rừng.

- Xác định trữ lượng rừng.

4.1.2. Trình tự thủ tục giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp lần đầu:

- Bước 1: Chuẩn bị;

- Bước 2: Tiếp nhận đơn và xét duyệt đơn;

- Bước 3: Thẩm định và hoàn thiện hồ sơ;

- Bước 4: Quyết định việc giao rừng, thuê rừng;

- Bước 5: Thực hiện quyết định giao rừng, thuê rừng;

(Chi tiết các bước thực hiện có phụ lục kèm theo Phương án)

4.1.3. Đối tượng rừng, đất lâm nghiệp được giao và thuê

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện đang tạm giao cho UBND xã quản lý; diện tích rừng và đất lâm nghiệp của chủ rừng tự nguyện trả lại hoặc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi.

4.2. Giải pháp thực hiện

4.2.1. Công tác tuyên truyền

- Tổ chức tuyên truyền cho các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn là đối tượng được giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp.

- Nội dung tuyên truyền đi sâu phổ biến chủ yếu về chủ trương, chính sách, quyền lợi, nghĩa vụ để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn nắm vững và thực hiện tốt chính sách về giao rừng, thuê rừng gắn với giao đất, thuê đất lâm nghiệp.

4.2.2. Về khoa học kỹ thuật

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giao rừng, thuê rừng gắn với giao đất, thuê đất lâm nghiệp như: Ảnh viễn thám để xác định hiện trạng rừng; hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để xác định ranh giới khu rừng; phần mềm chuyên dụng (forest tool) số hóa kết quả đo đạc ngoài thực địa lên bản đồ VN2000 tỷ lệ theo quy định và phần mềm Mapinfo để tính toán diện tích khu rừng; phần mềm quản lý hồ sơ cơ sở dữ liệu giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp ở cấp tỉnh, cấp huyện và các ngành.

4.2.3. Về chính sách giao rừng, cho thuê rừng

- Việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất phải đồng thời với việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất và phải đúng thẩm quyền.

- Thời hạn, hạn mức giao đất, cho thuê đất phải phù hợp với thời hạn, hạn mức giao rừng, cho thuê rừng theo quy định của pháp luật và phù hợp với quy hoạch chung, liên kết với vùng phát triển cây nguyên liệu và chế biến.

- Đảm bảo ổn định, hạn chế tối đa việc xáo trộn, tránh xung đột và đảm bảo quyền lợi cho các hộ gia đình cá nhân sống ven rừng.

- Chưa giao những diện tích đất, rừng đang có tranh chấp.

4.3. Kinh phí thực hiện phương án:

Kinh phí thực hiện phương án: Từ nguồn vốn sự nghiệp đã bố trí cho các đơn vị, địa phương theo khả năng cân đối ngân sách tỉnh, huyện hàng năm theo phân cấp và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Hướng dẫn các tổ chức có nhu cầu thuê rừng trả tiền hàng năm để bảo vệ và phát triển rừng kết hợp sản xuất lâm nghiệp - nông nghiệp - ngư nghiệp, kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định.

- Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố xây dựng Phương án quản lý, sử dụng rừng bền vững kết hợp với kinh doanh cảnh quan du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn phù hợp với quy định hiện hành.

- Tổ chức triển khai công tác thông tin tuyên truyền về giao rừng, thuê rừng gắn với giao, thuê đất lâm nghiệp.

- Phối hợp với cơ quan Tài nguyên và Môi trường để cung cấp, trao đổi thông tin cần thiết phục vụ cho công tác giao rừng, thuê rừng và giao đất, thuê đất lâm nghiệp; đảm bảo thông tin về rừng trong hồ sơ giao rừng, thuê rừng phù hợp với hồ sơ địa chính và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Tổ chức xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin và lưu trữ cơ sở dữ liệu về giao rừng, thuê rừng; tổng hợp báo cáo theo quy định hiện hành;

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường giúp UBND tỉnh kiểm tra, nghiệm thu giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp; thanh tra xử lý các vi phạm và tranh chấp trong việc sử dụng đất lâm nghiệp của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện công tác giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp gắn liền với giao rừng, cho thuê rừng;

- Thực hiện công tác giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp gắn liền với giao rừng, cho thuê rừng; quản lý hồ sơ địa chính ở địa phương;

- Tổ chức triển khai công tác thông tin tuyên truyền về giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp;

- Kiểm tra, giám sát việc quản lý, bảo vệ và sử dụng đất lâm nghiệp của người sử dụng đất lâm nghiệp sau khi đã được giao, thuê đất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

- Tổ chức xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin và lưu trữ cơ sở dữ liệu về giao đất, thuê đất lâm nghiệp, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tổng hợp báo cáo theo quy định hiện hành;

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cung cấp, trao đổi thông tin về giao đất, thuê đất lâm nghiệp gắn liền với giao rừng, thuê rừng; đảm bảo thông tin về rừng trong hồ sơ địa chính và Giấy chứng nhận thống nhất với hồ sơ giao rừng, thuê rừng;

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, nghiệm thu giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp đối với tổ chức; thanh tra xử lý các vi phạm và tranh chấp trong việc sử dụng đất lâm nghiệp của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

3. Các Sở, ban, ngành có liên quan: Căn cứ chức năng nhiệm vụ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí, cân đối nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện phương án.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện tốt nhiệm vụ cho tổ chức thuê rừng trên địa bàn.

Xây dựng Phương án bảo vệ và phát triển rừng bền vững, kết hợp với kinh doanh cảnh quan du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng cho đối tượng là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn theo quy định.

Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã phối hợp với các ngành trong công tác tổ chức triển khai thực hiện giao rừng, cho thuê rừng.

PHẦN IV

HIỆU QUẢ PHƯƠNG ÁN, KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

I. HIỆU QUẢ PHƯƠNG ÁN:

1. Về kinh tế

Triển khai Phương án giao rừng, cho thuê rừng để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, kết hợp với kinh doanh cảnh quan du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng nhằm phát huy thế mạnh của rừng, bảo vệ và phát triển được vốn rừng, tăng hiệu quả sử dụng đất đai, tạo thu nhập cho doanh nghiệp, người lao động, tăng nguồn thu cho địa phương, tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, PCCC rừng.

2. Về xã hội:

Phương án khi đi vào hoạt động sẽ sử dụng một lượng lớn lao động phổ thông và có khả năng tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động với thu nhập ổn định trên 5 triệu đồng/tháng. Các tổ chức sẽ ưu tiên tối đa trong việc sử dụng lao động đối với người dân địa phương. Bên cạnh đó người dân được giao rừng, thuê rừng sẽ kết hợp với sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng, kinh doanh cảnh quan du lịch để tạo ra nguồn thu nhập mới góp phần ổn định đời sống, tiến tới làm giàu từ hoạt động nghề rừng.

Thực hiện phương án sẽ tạo điều kiện phát triển đồng bộ các cơ sở hạ tầng, các ngành kinh doanh dịch vụ tại các xã trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Sự phát triển của dự án sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của đồng bào thiểu số; đồng thời đem lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp, và ngân sách cho địa phương.

3. Về môi trường

Rừng trên địa bàn được bảo vệ tốt sẽ phát huy chức năng phòng hộ giữ nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, tăng độ che phủ của rừng; môi trường sinh thái khu vực Dự án sẽ được cải thiện; hạn hán, lũ lụt sẽ giảm thiểu nhờ tính năng phòng hộ của rừng được phát huy.

II. KẾT LUẬN

Phương án giao rừng, cho thuê rừng để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, kết hợp với kinh doanh cảnh quan du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum được xây dựng dựa trên các văn bản quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Việc triển khai phương án sẽ phát huy thế mạnh của rừng, bảo vệ và phát triển được vốn rừng, tăng hiệu quả sử dụng đất đai, tạo thu nhập cho doanh nghiệp, người lao động, tăng nguồn thu cho địa phương, tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng bền vững./.

 

BIỂU 01: DIỆN TÍCH RỪNG VÀ ĐẤT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN RỪNG THEO MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG

Đơn vị tính: ha

Phân loại rừng

Diện tích đầu kỳ

Diện tích thay đổi

Diện tích cuối kỳ

Đặc dụng

Phòng hộ

Sản xuất

Ngoài quy hoạch

Cộng

Vườn quốc gia

Khu bảo tồn thiên nhiên

Khu rừng nghiên cứu

Khu bảo vệ cảnh quan

Cộng

Đầu nguồn

Chắn gió, cát

Chắn sóng

Bảo vệ môi trường

(1)

 

 

(3)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)

(13)

(14)

(15)

(16)

DIỆN TÍCH ĐẤT CÓ RỪNG (bao gồm diện tích rừng trồng chưa thành rừng)

617.165,79

-213,40

616.952,39

88.459,39

50.876,17

37.583,22

 

 

160.405,16

160.405,16

 

 

 

369.658,67

11.219,31

I. RỪNG PHÂN THEO NGUỒN GỐC

602.533,97

-199,95

602.334,02

88.078,10

50.746,79

37.331,31

 

 

156.965,29

156.965,29

 

 

 

346.806,25

10.484,38

1- Rừng tự nhiên

545.875,07

-68,55

545.807,33

88.054,26

50.736,69

37.317,57

 

 

153.187,26

153.187,26

 

 

 

296.679,03

7.886,78

- Rừng nguyên sinh

18.166.85

0,00

18.166,85

18.166,85

18.166,85

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Rừng thứ sinh

527.709,03

-68,55

527.640,48

69.887,41

32.569,84

37.317,57

 

 

153.187,26

153.187,26

 

 

 

296.679,03

7.886,78

2. Rừng trồng

56.658,09

-131,40

56.526,69

23,84

10,10

13,74

 

 

3.778,03

3.778,03

 

 

 

50.127,22

2.597,60

- Trồng mới trên đất chưa có rừng

18.357,10

-99,05

18.258,05

13,74

 

13,74

 

 

3.523,17

3.523,17

 

 

 

12.973,19

1.747,95

- Trồng lại trên đất đã từng có rừng

38.266,55

-32,35

38.234,20

10,10

10,10

 

 

 

254,86

254,86

 

 

 

37.119,59

849,65

- Tái sinh chồi từ rừng trồng đã khai thác

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó:

35.466,22

-0,04

35.466,18

10,10

10,10

 

 

 

270,49

270,49

 

 

 

35.185,59

 

- Cây cao su

35.458,77

-0.04

35.458,73

10.10

10,10

 

 

 

267,38

267.38

 

 

 

35.181,25

 

- Cây đặc sản

7,45

 

7,45

 

 

 

 

 

3,11

3,11

 

 

 

4,34

 

II. RỪNG PHÂN THEO KIỆN LẬP ĐỊA

602.533,97

-199,95

602.334,02

88.078,10

50.746,79

37.331,31

 

 

156.965,29

156.965,29

 

 

 

346.806,25

10.484,38

1. Rừng trên núi đất

602.464,37

-199,95

602.264,42

88.078,10

50.746,79

37.331,31

 

 

156.965,29

156.965,29

 

 

 

346.736,65

10.484,38

2. Rừng trên núi đá

69,60

 

69,60

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

69,60

 

3. Rừng trên đất ngập nước

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Rừng ngập mặn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Rừng trên đất phèn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Rừng ngập nước ngọt

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4. Rừng trên cát

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

III. RỪNG TN PHÂN THEO LOÀI CÂY

545.875,88

-68,55

545.807,33

88.054,26

50.736,69

37.317,57

 

 

153.187,26

153.187,26

 

 

 

296.679,03

7.886,78

1. Rừng gỗ tự nhiên

471.540,72

-67,08

471.473,64

72.67435

36.675,29

35.999,06

 

 

141.112,24

141.112,24

 

 

 

251.781,32

5.905,73

- Rừng gỗ lá rộng TX hoặc nửa rụng lá

441.788,69

-66,89

441.721,80

67.333,92

36.549,73

30.784,19

 

 

124.816,94

124.816,94

 

 

 

244.101,41

5.469,53

- Rừng gỗ lá rộng rụng lá

481,39

 

481,39

125,56

125,56

 

 

 

1,23

1,23

 

 

 

299,86

54,74

- Rừng gỗ lá kim

13.366,85

-0,09

13.366,76

2.348,00

 

2.348,00

 

 

7.779,54

7.779,54

 

 

 

3.017,81

221,41

- Rừng gỗ hỗn giao lá rộng và lá kim

15.903,79

-0,10

15.903,69

2.866,87

 

2.866,87

 

 

8.514,53

8.514,53

 

 

 

4.362,24

160,05

2. Rừng tre nứa

21.714,45

-1.09

21.713,36

3.306,81

2.838,33

468,48

 

 

4.363,57

4.363,57

 

 

 

13.293,88

749,10

- Nứa

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Vầu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Tre/luồng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Lồ ô

13,54

 

13,54

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

13,54

 

- Các loài khác

21.700.91

-1,09

21.699,82

3.306,81

2.838,33

468,48

 

 

4.363,57

4.363,57

 

 

 

13.280,34

749,10

3. Rừng hỗn giao gỗ và tre nứa

52.620,71

-0,38

52.620,33

12.073,10

11.223,07

850,03

 

 

7.711,45

7.711,45

 

 

 

31.603,83

1.231,95

- Gỗ là chính

38.830,39

-0,38

38.830,01

7.146,22

6.317,46

828,76

 

 

6.355,37

6.355,37

 

 

 

24.360,07

968,35

- Tre nứa là chính

13.790,32

 

13.790,32

4.926,88

4.905.61

21,27

 

 

1.356,08

1.356,08

 

 

 

7.243,76

263,60

4. Rừng cau dừa

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

IV. ĐẤT CHƯA CÓ RỪNG QH CHO LN

176.749,05

-51,86

176.697,19

5.167,99

3.831,03

1.336,96

 

 

25.681,31

25.681,31

 

 

 

144.823,27

1.024,62

1. Đất đã trồng rừng chưa đạt tiêu chí thành rừng

14.631,82

-13,45

14.618,37

267,75

129,38

138,37

 

 

1.747,74

1.747,74

 

 

 

11.867,95

734,93

2. Đất có cây gỗ tái sinh chưa đạt tiêu chí thành rừng

31.352,27

-68,91

31.283,36

1.027,77

943,68

84,09

 

 

5.988,00

5.988,00

 

 

 

24.267,59

 

3. Đất có cây bụi, thảm cỏ

45.322,61

42,63

45.365,24

2.764,13

2.449,98

314.15

 

 

7.995,69

7.995,69

 

 

 

34.587,47

17,95

4. Núi đá

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5. Đất có cây nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản

72.270,63

-4,07

72.266,56

837,73

194,98

642,75

 

 

8.433,06

8.433,06

 

 

 

62.995,77

 

6. Đất khác

13.171,72

-8.06

13.163,66

270,61

113,01

157,60

 

 

1.516,82

1.516,82

 

 

 

11.104,49

271,74

 

Biểu 02: DIỆN TÍCH RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP QUY HOẠCH  PHÂN THEO CHỦ RỪNG VÀ TỔ CHỨC ĐƯỢC GIAO QUẢN LÝ RỪNG

Đơn vị tính: ha

Phân loại rừng

Tổng

BQL Rừng ĐD

BQL rừng PH

Tổ chức kinh tế

Tổ chức KH&CN, DT, DN

Doanh nghiệp có vốn

Đơn vị vũ trang

Hộ gia đình, cá nhân

Cộng đồng

Các tổ chức khác

UBND

(1)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(11)

(9)

(10)

(12)

(13)

DIỆN TÍCH ĐẤT CÓ RỪNG (bao gồm diện tích rừng trồng chưa thành rừng)

616.952,39

89.842,61

125.150,91

209.382,83

26.859,25

886,73

30.822,09

22.927,48

5.860,71

4.494,48

100.725,30

I. RỪNG PHÂN THEO NGUỒN GỐC

602.334,02

89.592,00

124.018,36

206.789,28

24.526,83

854,89

30.807,25

22.895,82

5.799,52

4.121,10

92.928,97

1- Rừng tự nhiên

545.807,33

89.569,17

122.022,60

192.457,48

8.695,47

415,46

30.417,79

22.814,80

776.39

1.663,25

76.974,92

- Rừng nguyên sinh

18.166,85

18.166,85

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Rừng thứ sinh

527.640,48

31.402,32

122.022,60

192.457,48

8.695,47

415,46

30.417,79

22.814,80

776,39

1.663,25

76.974,92

2. Rừng trồng

56.526,69

22,83

1.995,76

14.331,80

15.831,36

439,43

389,46

81,02

5.023,13

2.457,85

15.954,05

- Trồng mới trên đất chưa có rừng

18.258.05

13,04

1.995,76

10.422,79

49,41

328,33

97,35

81,02

0,00

0,00

5.270,35

- Trồng lại trên đất đã từng có rừng

38.234.20

9,79

 

3.877,64

15.781,95

111,10

292,11

0,00

5.023,13

2.457,85

10.680,63

- Tái sinh chồi từ rừng trồng đã khai thác

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó:

35.466,18

9,79

13,11

315,32

15.827,85

31,09

238,67

12,99

5.023,13

2.396,42

11.597,81

- Cây cao su

35.458,73

9,79

13,11

312,48

15.827,85

31,09

238,20

12,99

5.023,13

2.396,42

11.593,67

- Cây đặc sản

7,45

 

 

2,84

 

 

0,47

 

 

 

4,14

II. RỪNG PHÂN THEO KIỆN LẬP ĐỊA

602.334,02

89.592,00

124.018,36

206.789,28

24.526,83

854,89

30.807,25

22.895,82

5.799,52

4.121,10

92.928,97

1. Rừng trên núi đất

602.264,42

89.592,00

124.018,36

206.720,68

24.526,83

854,89

30.807,25

22.895,82

5.799,52

4.121,10

92.927,97

2. Rừng trên núi đá

69,60

 

 

68,60

 

 

 

 

 

 

1,00

3. Rừng trên đất ngập nước

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Rừng ngập mặn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Rừng trên đất phèn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Rừng ngập nước ngọt

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4. Rừng trên cát

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

III. RỪNG TN PHÂN THEO LOÀI CÂY

545.807,33

89.569,17

122.022,60

192.457,48

8.695,47

415,46

30.417,79

22.814,80

776,39

1.663,25

76.974,92

1. Rừng gỗ tự nhiên

471.473,64

73.766,75

115.696,73

169.853,26

4.432,92

278,12

25.902,01

20.257,39

389,74

681,15

60.215,57

- Rừng gỗ lá rộng TX hoặc nửa rụng lá

441.721,80

68.426,32

99.628,59

164.068,28

4.432,92

278,12

25.626,23

19.247,83

389,74

681,15

58.942,62

- Rừng gỗ lá rộng rụng lá

481,39

125,56

 

 

 

 

189,97

 

 

 

165,86

- Rừng gỗ lá kim

13.366,76

2.348,00

7.813,13

2.040,91

 

 

67,64

567,76

 

 

529,32

- Rừng gỗ hỗn giao lá rộng và lá kim

15.903,69

2.866,87

8.255,01

3.744,07

 

 

18,17

441,80

 

 

577,77

2. Rừng tre nứa

21.713,36

3.338,20

2.978,26

5.410,04

883,61

68,14

1.639,27

1.012,41

103,61

64,35

6.215,47

- Nứa

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Vầu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Tre/luồng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Lồ ô

13,54

 

 

13,54

 

 

 

 

 

 

 

- Các loài khác

21.699,82

3.338,20

2.978,26

5.396,50

883,61

68,14

1.639,27

1.012,41

103,61

64,35

6.215,47

3. Rừng hỗn giao gỗ và tre nứa

52.620,33

12.464,22

3.347,61

17.194,18

3.378,94

69,20

2.876,51

1.545,00

283,04

917,75

10.543,88

- Gỗ là chính

38.830,01

7.464,13

3.297,29

13.083,57

2.703,90

62,99

1.549,23

1.466,42

274,03

886,76

8.041,69

- Tre nứa là chính

13.790,32

5.000,09

50,32

4.110,61

675,04

6,21

1.327,28

78,58

9,01

30,99

2.502,19

4. Rừng cau dừa

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

IV. ĐẤT CHƯA CÓ RỪNG QH CHO LN

176.697,19

4.688,68

7.803,63

26.568,20

6.348,18

1.148,09

2.968,09

3.630,11

1.297,49

1.082,11

121.162,61

1. Đất đã trồng rừng chưa đạt tiêu chí thành rừng

14.618,37

250,61

1.132,55

2.59,55

2.332,42

31,84

14,84

31,66

61,19

373,38

7.796,33

2. Đất có cây gỗ tái sinh chưa đạt tiêu chí thành rừng

31.283,36

1.024,65

2.260,48

5.133,74

764,71

334,29

528,58

986,17

222,19

105,24

19.923,31

3. Đất có cây bụi, thảm cỏ

45.365,24

2.887,29

3.123,95

7.267,55

2.108,79

588,81

834,48

1.723,53

584,35

381,92

25.864,57

4. Núi đá

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5. Đất có cây nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản

72.266,56

297,14

883,80

9.948,91

604,46

174,97

1.403,09

607,35

169,87

36,74

58.140,23

6. Đất khác

13.163,66

228,99

402,85

1.624,45

537,80

18,18

187,10

281,40

259,89

184,83

9.438,17

 

Biểu 03. TỔNG HỢP DIỆN TÍCH RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP DO ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ, THỊ TRẤN QUẢN LÝ

HUYỆN/XÃ

TỔNG

NGOÀI QUY HOẠCH 3LR

TRONG QUY HOẠCH 3LR

PHÒNG HỘ

SẢN XUẤT

TỔNG

RTN

RT

TỔNG

RTN

RT

CCR

TỔNG

RTN

RT

CCR

TỔNG CỘNG

212.740,86

6.749,43

5.068,69

1.680,74

23.875,55

10.764,65

459,76

12.651,14

182.115,88

60.995,70

13.664,83

107.455,35

HUYỆN KON PLONG

35.076,45

774,59

504,56

270,03

5.494,71

3.071,13

58,70

2.364,88

28.807,15

17.823,07

564,14

10.419,94

Đắk Long

2.682,87

623,23

366,37

256,86

 

 

 

 

2.059,64

927,00

2,20

1.130,44

Đắk Nên

6.948,99

 

 

 

130,19

38,29

0,27

91,63

6.818,80

5.863,35

123,48

831,97

Đắk Ring

2.948,23

7,82

0,25

7,57

1.818,74

825,88

36,85

956,01

1.121,67

676,46

68,59

376,62

Đắk Tăng

1.021,32

10,03

10,03

 

 

 

 

 

1.011,29

124,60

2,42

884,27

Hiếu

3.822,56

25,31

25,31

 

 

 

 

 

3.797,25

2.597,92

167,08

1.032,25

Măng Buk

1.563,61

27,22

26,22

1,00

 

 

 

 

1.536,39

173,99

3,01

1.359,39

Măng Cành

5.121,81

80,98

76,38

4,60

 

 

 

 

5.040,83

3.549,74

17,35

1.473,74

Ngok Tem

6.836,52

 

 

 

1.122,89

193,09

2,46

927,34

5.713,63

2.941,73

145,11

2.626,79

Pờ Ê

4.130,54

 

 

 

2.422,89

2.013,87

19,12

389,90

1.707,65

968,28

34,90

704,47

HUYỆN KON RẪY

16.865,09

641,32

522,03

119,29

130,16

112,66

17,50

 

16.093,61

2.935,48

654,30

12.503,83

Đăk Pne

2.021,99

115,70

105,97

9,73

 

 

 

 

1.906,29

330,82

 

1.575,47

Tân Lập

2.850,48

45,25

21,05

24,20

8.30

8,30

 

 

2.796,93

231,54

15,33

2.550,06

Đăk Ruồng

2.758,73

46,46

43,61

2,85

 

 

 

 

2.712,27

650,74

96,43

1.965,10

Đăk Tờ Re

2.118,81

23,23

23,23

 

 

 

 

 

2.095,58

257,91

17.39

1.820,28

Đăk Kói

2.297,68

262,00

214,46

47,54

51,94

51,94

 

 

1.983,74

226,35

290,83

1.466,56

Đăk Tơ Lung

3.712,68

115,99

101,07

14,92

 

 

 

 

3.596,69

1.235,41

185,21

2.176,07

TT Đăk Rve

1.104,72

32,69

12,64

20,05

69,92

52,42

17,50

 

1.002,11

2,71

49,11

950,29

HUYỆN ĐĂK HÀ

18.275,86

627,57

613,39

14,18

1.797,62

746,73

33,13

1.017,76

15.850,67

5.074,94

858,55

9.917,18

Đăk La

268,41

2,28

2,28

 

0,00

 

 

 

266,13

7,20

152,65

106,28

Đăk HRing

1.706,57

48,65

41,47

7,18

248,75

171,25

8,51

68,99

1.409,17

793,39

56,09

559.69

Đăk Long

2.939,54

28,79

28,23

0,56

0,13

 

 

0,13

2.910,62

1.072,47

28,50

1.809,65

Đăk Mar

576,26

61,46

60,18

1,28

322,82

265,44

 

57,38

191,98

32,57

0,63

158.78

Đăk Ngọk

820,23

46,76

46,76

 

333,64

79,28

23,28

231,08

439,83

133,14

20,78

285,91

Đăk Pxi

3.739,71

206,94

204,90

2,04

198,08

53,72

 

144,36

3.334,69

1.371,09

102,09

1.861,51

Đăk Ui

3.403,68

115,65

112,53

3,12

217,55

96,51

 

121,04

3.070,48

1.219,99

21,63

1.828,86

Ngọc Réo

3.632,74

34,90

34,90

 

476,65

80,53

1,34

394,78

3.121,19

265,88

374,28

2.481,03

Ngọc Wang

1.188,72

82,14

82,14

 

 

 

 

 

1.106,58

179,21

101,90

825,47

HUYỆN TU MƠ RÔNG

23.632,82

1.405,29

1.355,58

49,71

4.561,20

1.365,16

219,06

2.976,98

17.666,33

6.068,24

551,25

11.046,84

Đăk Na

2.397,53

62,36

62,36

 

867,18

240,14

152,51

474,53

1.467,99

434,65

40,05

993,29

Đăk Sao

1.616,56

79,91

69,22

10,69

210,24

33,93

1,88

174.43

1.326,41

222,44

164,44

939,53

Đăk Rơ Ông

2.638,23

36,86

35,59

1,27

207,46

50,49

 

156,97

2.393,91

268,97

60,87

2.064,07

Đăk Tờ Kan

2,310.50

12,23

12,23

 

221,83

77,49

 

144,34

2.076,44

440,88

6,89

1.628,67

Đăk Hà

3.861,44

210,01

197,11

12,90

 

 

 

 

3.651,43

1.733,82

115,62

1.801,99

Tu Mơ Rông

2.469,82

109,16

107,86

1,30

1.119,93

274,59

4,12

841,22

1.240,73

873,66

11,51

355,56

Văn Xuôi

1.628,49

254,88

254,52

0,36

 

 

 

 

1.373,61

351,14

10,08

1.012,39

Ngọc Yêu

2.907,61

234,72

234,72

 

1.273,10

369,26

0,92

902,92

1.399,79

800,65

30,40

568,74

Ngọc Lây

1.262,49

128,28

121,94

6,34

496,31

250,04

55,94

190.33

637,90

148,97

65,37

423,56

Tê Xăng

1.817,38

177,68

173,75

3,93

 

 

 

 

1.639,70

652,76

24,89

962,05

Măng Ri

722,77

99,20

86,28

12,92

165,15

69,22

3,69

92,24

458,42

140,30

21,13

296,99

HUYỆN IA H’DRAI

23.789,73

0,00

0,00

0,00

0,00

0,00

0,00

0,00

23.789,73

17.320,35

4.176,07

2.293,31

la Đal

9.953,29

 

 

 

 

 

 

 

9.953,29

7.170,66

1.933.76

848,87

la Dom

8.679,30

 

 

 

 

 

 

 

8.679,30

6.924,54

1.101,43

653,33

la Tơi

5.157.14

 

 

 

 

 

 

 

5.157,14

3.225,15

1.140.88

791,11

HUYỆN ĐĂK TÔ

16.775,68

220,63

118,17

102,46

1.274,21

599,61

6,31

668,29

15.280,84

1.064,13

1.710,94

12.505,77

Thị trấn Đăk Tụ

1.485,83

16,40

 

16,40

 

 

 

 

1.469,43

99,57

278,03

1.091,83

Diờn Bỡnh

1.278,54

29,53

28,67

0,86

 

 

 

 

1.249,01

108,78

73,73

1.066,50

Pụ Kụ

3.540,14

0,00

 

 

 

 

 

 

3.540,14

41,37

507,38

2.991,39

Tôn Cảnh

1.560,55

39,28

10,60

28,68

 

 

 

 

1.521.27

227,24

323,14

970,89

Kon Đào

1.318,11

1,39

 

1,39

 

 

 

 

1.316,72

10,22

139,62

1.166,88

Ngọc Tụ

1.068,21

57,23

26,89

30,34

 

 

 

 

1.010,98

10,51

93,24

907,23

Đăk Rơ Nga

2.084,28

47,88

39,78

8,10

135,97

1,72

4,05

130,20

1.900,43

22,46

198,50

1.679,47

Đăk Trăm

1.798,03

2,44

1,69

0,75

40,58

2,00

 

38,58

1.755,01

238,20

40,32

1.476,49

Văn Lem

2.641,99

26,48

10,54

15,94

1.097,66

595,89

2,26

499,51

1.517,85

305,78

56,98

1.155,09

HUYỆN NGỌC HỒI

16.639,53

0,00

0,00

0,00

0,00

0,00

0,00

0,00

16.639,53

1.826,38

1.214,45

13.598,70

Đăk Ang

4.098,03

 

 

 

 

 

 

 

4.098,03

1.425,04

21,66

2.651,33

Đăk Dục

941,25

 

 

 

 

 

 

 

941,25

51,91

11,37

877,97

Đăk Nông

882,60

 

 

 

 

 

 

 

882,60

49,37

90,68

742,55

Đăk Xú

1.554,59

 

 

 

 

 

 

 

1.554,59

18,56

112,18

1.423,85

Bờ Y

3.509,52

 

 

 

 

 

 

 

3.509,52

8,49

681,37

2.819,66

Đăk Kan

1.928,26

 

 

 

 

 

 

 

1.928,26

31,41

297,19

1.599,66

Sa Loong

3.725,28

 

 

 

 

 

 

 

3.725,28

241,60

 

3.483,68

TT Plei Kần

0,00

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THÀNH PHỐ KONTUM

8.489,28

646,98

107,32

539,66

1.322,48

149,00

0,00

1.173,48

6.519,82

286,21

1.011,99

5.221,62

Xã Chư Hreng

1.560,98

21,51

0,00

21,51

0,00

0,00

0,00

0,00

1.539,47

80,46

57,99

1.401,02

Xã Đắk Blà

1.190,84

300,31

59,84

240,47

0,00

0,00

0,00

0,00

890,53

39,68

30,69

820,16

Xã Đăk Cấm

2.819,15

14,92

6,26

8,66

0,00

0,00

0,00

0,00

2.804,23

20,12

817,39

1.966,72

Xã Đăk Rơ Wa

305,43

127,90

17,85

110,05

0,00

0,00

0,00

0,00

177,53

0,00

19,29

158,24

Xã Đoàn Kết

44,37

19,55

0,00

19,55

0,00

0,00

0,00

0,00

24,82

0,00

2,39

22,43

Xã Hòa Bình

2.099,33

 

 

 

1.322,48

149,00

 

1.173,48

776,85

99,80

 

677,05

Xã la Chim

285,98

95,96

23,37

72,59

0,00

0,00

0,00

0,00

190,02

46,15

17,84

126,03

Xã Kroong

58,07

50,88

0,00

50,88

0,00

0,00

0,00

0,00

7,19

0,00

2,16

5,03

Xã Ngọk Bay

12,20

8,71

0,00

8,71

0,00

0,00

0,00

0,00

3,49

0,00

0,00

3,49

Xã Vinh Quang

37,53

0,00

0,00

0,00

0,00

0,00

0,00

0,00

37,53

0,00

33,44

4,09

Phường Duy Tân

10,79

2,86

0,00

2,86

0,00

0,00

0,00

0,00

7,93

0,00

3,96

3,97

Phường Ngô Mây

64,61

4,38

0,00

4,38

0,00

0,00

0,00

0,00

60,23

0,00

26,84

33,39

HUYỆN SA THẦY

32.746,02

886,34

420,95

465,39

8.088,13

4.713,38

119,83

3.254,92

23.771,55

6.564,96

2.857,73

14.348,86

TT.Sa Thầy

57,48

16,26

1,64

14,62

 

 

 

 

41,22

16,68

13,59

10,95

Rờ Kơi

4.861,83

8,89

0,27

8,62

 

 

 

 

4.852,94

466,07

1.210,77

3.176,10

Sa Nhơn

1.133,05

44,89

7.30

37,59

 

 

 

 

1.088,16

37,35

244,08

806,73

Hơ Moong

2.412,50

319,82

8,22

311,60

 

 

 

 

2.092,68

3,16

157,43

1.932,09

Mô Rai

12.532,23

301,60

301,60

 

4.140,41

3.286,63

11,44

842.34

8.090,22

5.596,78

303,56

2.189,88

Sa Sơn

283,19

44,42

39,19

5,23

 

 

 

 

238,77

33,25

61,84

143,68

Sa Nghĩa

945,10

14,12

8,20

5,92

 

 

 

 

930,98

40,88

328,43

561,67

Sa Bình

951,97

12,16

4,61

7,55

140,61

3,40

12,28

124,93

799,20

26,02

56,58

716 60

Ya Xiêr

1.894.84

26,46

13,26

13,20

731,32

143,01

4,83

583,48

1.137,06

27,44

110,68

998,94

Ya Tăng

7.057,39

58,69

35,71

22,98

3.075,79

1.280,34

91,28

1.704,17

3.922,91

242,89

247,64

3.432,38

Ya Ly

616,44

39,03

0,95

38,08

 

 

 

 

577,41

74,44

123,13

379,84

HUYỆN ĐĂK GLEI

20.450,40

1.546,71

1.426,69

120,02

1.207,04

6,98

5,23

1.194,83

17.696,65

2.031,94

65,41

15.599,30

Đăk Choong

1.246,30

244,82

239,99

4,83

 

 

 

 

1.001,48

21,67

0,00

979,81

Đăk Kroong

2.374,82

108,79

66,20

42,59

 

 

 

 

2.266,03

154,32

 

2.111,71

Đăk Long

4.632,40

101,42

100,49

0,93

76,63

1,98

5,21

69,44

4.454,35

602,52

3,20

3.848,63

Đăk Man

714,18

189,88

185,17

4,71

 

 

 

 

524,30

46,08

0,70

477,52

Đăk Môn

1.174,39

54,15

54,15

0,00

 

 

 

 

1.120,24

68,51

3,76

1.047,97

Đăk Nhoong

1.389,81

143,56

143,56

0,00

479,13

 

 

479,13

767,12

 

0,00

767,12

Dăk Pét

2.550,97

25,64

12,29

13,35

238,39

 

 

238,39

2.286,94

148,65

8,67

2.129,62

Đăk BLô

562,82

130,52

130,52

0,00

412,89

5,00

0,02

407,87

19,41

 

1,20

18,21

Mường Hoong

1.485,51

208,91

192,45

16,46

 

 

 

 

1.276,60

377,65

12,91

886,04

Ngọc Linh

812,35

220,23

219,22

1,01

 

 

 

 

592,12

156,69

0,00

435,43

TT. Đăk Glei

2.876,38

90,88

59,59

31,29

 

 

 

 

2.785,50

305,38

31,82

2.448,30

Xốp

630,47

27,91

23,06

4,85

 

 

 

 

602,56

150,47

3,15

448,94

BIỂU 04. TỔNG HỢP DIỆN TÍCH ĐẤT CÓ RỪNG TỰ NHIÊN ĐƯA VÀO PHƯƠNG ÁN

HUYỆN/XÃ

TỔNG

Trong quy hoạch

Ngoài quy hoạch

Đối tượng giao

Ghi chú

Phòng hộ

Sản xuất

Hộ gia đình, cộng đồng

Tổ chức

TỔNG CỘNG

92.934,37

11.224,41

74.960,53

6.749,43

67.934,37

25.000,00

 

HUYỆN KON PLONG

22.591,63

3.129,83

18.687,21

774,59

12.591,63

10.000,00

 

Đắk Long

1.652,43

 

1.029,20

623,23

652,43

1.000,00

 

Đắk Nên

6.025,39

38,56

5.986,83

 

4.025,39

2.000,00

 

Đắk Ring

1.615,60

862,73

745,05

7,82

1.115,60

500.00

 

Đắk Tăng

137,05

 

127,02

10,03

137,05

 

 

Hiếu

2.790,31

 

2.765,00

25,31

1.790,31

1.000,00

 

Măng Buk

204,22

 

177,00

27,22

204,22

 

 

Măng Cành

3.848,07

 

3.767,09

80,98

848,07

3.000,00

 

Ngọk Tem

3.282,39

195,55

3.086,84

 

1.782,39

1.500,00

 

Pờ Ê

3.036,17

2.032,99

1.003,18

 

2.036,17

1.000,00

 

HUYỆN KON RẪY

4.361,26

130,16

3.589,78

641,32

3.861,26

500,00

 

Đăk Pne

446,52

 

330,82

115,70

446,52

 

 

Tân Lập

300,42

8,30

246,87

45,25

300,42

 

 

Đăk Ruồng

793,63

 

747,17

46,46

293,63

500,00

 

Đăk Tờ Re

298,53

 

275,30

23,23

298,53

 

 

Đăk Kôi

831,12

51,94

517,18

262,00

831,12

 

 

Đăk Tơ Lung

1.536,61

 

1.420,62

115,99

1.536,61

 

 

TT Đăk Rve

154,43

69,92

51.82

32,69

154,43

 

 

HUYỆN ĐĂK HÀ

7.340,92

779,86

5.933,49

627,57

5.140,92

2.200,00

 

Đăk La

162,13

 

159,85

2,28

162,13

 

 

Đăk HRing

1.077,89

179.76

849,48

48,65

1.077,89

 

 

Đăk Long

1.129,76

 

1.100,97

28,79

629,76

500,00

 

Đăk Mar

360,10

265,44

33,20

61,46

360,10

 

 

Đăk Ngọk

303,24

102,56

153,92

46.76

303,24

 

 

Đăk Pxi

1.733,84

53,72

1.473,18

206,94

733,84

1.000,00

 

Đăk Ui

1.453,78

96,51

1.241,62

115,65

753,78

700,00

 

Ngọc Réo

756,93

81,87

640,16

34,90

756,93

 

 

Ngọc Wang

363,25

 

281,11

82,14

363,25

 

 

HUYỆN TU MƠ RÔNG

9.609,00

1.584,22

6.619,49

1.405,29

6.609,00

3.000,00

 

Đăk Na

929,71

392,65

474,70

62,36

929,71

 

 

Đăk Sao

502,60

35,81

386,88

79,91

502,60

 

 

Đăk Rơ Ông

417,19

50,49

329,84

36,86

417,19

 

 

Đăk Tờ Kan

537,49

77,49

447,77

12,23

537,49

 

 

Đăk Hà

2.059,45

 

1.849,44

210,01

1.059,45

1.000,00

 

Tu Mơ Rông

1.273,04

278,71

885,17

109,16

873,04

400,00

 

Văn Xuôi

616,10

 

361,22

254,88

316,10

300,00

 

Ngọc Yêu

1.435,95

370,18

831,05

234,72

935,95

500,00

 

Ngọc Lây

648,60

305,98

214.34

128,28

348,60

300,00

 

Tê Xăng

855,33

 

677,65

177,68

355,33

500,00

 

Măng Ri

333,54

72,91

161,43

99,20

333,54

 

 

HUYỆN IA H'DRAI

21.496,42

 

21.496,42

 

13.496,42

8.000,00

 

la Đal

9.104,42

 

9.104,42

 

6.104,42

3.000,00

 

Ia Dom

8.025,97

 

8.025,97

 

5.025.97

3.000,00

 

la Tơi

4.366,03

 

4 366,03

 

2.366,03

2.000,00

 

HUYỆN ĐĂK TÔ

3.601,62

605,92

2.775,07

220,63

3.601,62

 

 

Thị trấn Đăk Tô

394,00

 

377,60

16,40

394,00

 

 

Diên Bình

212,04

 

182,51

29,53

212,04

 

 

Pô Kô

548,75

 

548,75

 

548,75

 

 

Tân Cảnh

589,66

 

550,38

39,28

589,66

 

 

Kon Đào

151,23

 

149,84

1,39

151,23

 

 

Ngọc Tụ

160,98

 

103,75

57,23

160,98

 

 

Đăk Rơ Nga

274,61

5,77

220,96

47,88

274,61

 

 

Đăk Trăm

282,96

2,00

278,52

2,44

282,96

 

 

Văn Lem

987,39

598,15

362,76

26,48

987,39

 

 

HUYỆN NGỌC HỒI

3.040,83

 

3.040,83

 

3.040,83

 

 

Đăk Ang

1.446,70

 

1.446,70

 

1.446,70

 

 

Đăk Dục

63,28

 

63,28

 

63,28

 

 

Đăk Nông

140,05

 

140,05

 

140,05

 

 

Đăk Xú

130,74

 

130,74

 

130,74

 

 

Bờ Y

689,86

 

689,86

 

689,86

 

 

Đăk Kan

328,60

 

328,60

 

328,60

 

 

Sa Loong

241,60

 

241,60

 

241,60

 

 

THÀNH PHỐ KON TUM

2.094,18

149,00

1.298,20

646,98

2.094,18

 

 

Xã Chư Hreng

159,96

 

138,45

21,51

159,96

 

 

Xã Đắk Blà

370,68

 

70.37

300,31

370,68

 

 

Xã Đắk Cấm

852,43

 

837,51

14,92

852,43

 

 

Xã Đắk Rơ Wa

147,19

 

19,29

127,90

147,19

 

 

Xã Đoàn Kết

21,94

 

2,39

19,55

21,94

 

 

Xã Hòa Bình

248,80

149,00

99,80

 

243,80

 

 

Xã Ia Chim

159,95

 

63,99

95,96

159,95

 

 

Xã Kroong

53,04

 

2,16

50,88

53,04

 

 

Xã Ngọk Bay

8,71

 

 

8,71

8,71

 

 

Xã Vinh Quang

33,44

 

33,44

 

33,44

 

 

Phường Duy Tân

6,82

 

3,96

2,86

6,82

 

 

Phường Ngô Mây

31,22

 

26,84

4,38

31,22

 

 

HUYỆN SA THẦY

15.142,24

4.833,21

9.422,69

886,34

15.142,24

 

 

TT.Sa Thầy

46,53

 

30,27

16,26

46,53

 

 

Rờ Kơi

1.685,73

 

1.676,84

8,89

1.685,73

 

 

Sa Nhơn

326,32

 

281,43

44,89

326,32

 

 

Hơ Moong

480,41

 

160,59

319,82

480,41

 

 

Mô Rai

9.500,01

3.298,07

5.900,34

301,60

9.500,01

 

 

Sa Sơn

139,51

 

95,09

44,42

139,51

 

 

Sa Nghĩa

383,43

 

369,31

14,12

383,43

 

 

Sa Bình

110,44

15,68

82,60

12,16

110,44

 

 

Ya Xiêr

312,42

147,84

138,12

26,46

312,42

 

 

Ya Tăng

1.920,84

1.371,62

490,53

58,69

1.920,84

 

 

Ya Ly

236,60

 

197,57

39,03

236,60

 

 

HUYỆN ĐĂK GLEI

3.656,27

12,21

2.097,35

1.546,71

2.356,27

1.300,00

 

Đăk Choong

266,49

 

21,67

244,82

266,49

 

 

Đăk Kroong

263,11

 

154,32

108,79

263,11

 

 

Đăk Long

714,33

7,19

605,72

101,42

714,33

 

 

Đăk Man

236,66

 

46,78

189,88

236,66

 

 

Đăk Môn

126,42

 

72,27

54,15

126,42

 

 

Đăk Nhoong

143,56

 

 

143,56

143,56

 

 

Đăk Pét

182,96

 

157,32

25,64

182,96

 

 

Đăk BLô

136,74

5,02

1,20

130,52

136,74

 

 

Mường Hoong

599,47

 

390,56

208,91

-400,53

1.000,00

 

Ngọc Linh

376,92

 

156,69

220,23

76,92

300,00

 

TT. Đăk Glei

428,08

 

337,20

90,88

428,08

 

 

Xốp

181,53

 

153,62

27,91

181,53

 

 

 



1 Quyết định số 198/QĐ-SNN ngày 31/01/2018 của Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt kết quả theo dõi diễn biến rừng và đất quy hoạch phát triển rừng tỉnh Kon Tum năm 2017.

2 Tài liệu: Kết quả kiểm kê rừng năm 2014.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1006/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Phương án giao rừng, cho thuê rừng để bảo vệ và phát triển rừng bền vững kết hợp với kinh doanh cảnh quan du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum

  • Số hiệu: 1006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/09/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Nguyễn Hữu Tháp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản