Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 603/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 22 tháng 3 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI CHO THUÊ MÔI TRƯỜNG RỪNG ĐỂ KINH DOANH DU LỊCH SINH THÁI, NGHỈ DƯỠNG, GIẢI TRÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ các Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: số 2016/QĐ-UBND ngày 09/10/2018 về việc phê duyệt kết quả điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 03 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến 2030; số 503/QĐ-UBND ngày 08/3/2021 về việc sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 1 Quyết định số 2016/QĐ-UBND ngày 09/10/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng;

Căn cứ các Văn bản của Tổng cục Lâm nghiệp: số 1772/TCLN-ĐDPH ngày 26/11/2020 về việc cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; số 228/TCLN-ĐDPH ngày 05/3/2021 về việc giải đáp một số nội dung về cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và trồng dược liệu;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp; Thanh tra tỉnh; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc; Giám đốc/Thủ trưởng các đơn vị quản lý rừng trên địa bàn tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ NN&PTNT;
- Bộ VHTT&DL;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Như Điều 3;
- Đài PT-TH tỉnh; Báo Lâm Đồng;
- LĐVP;
- TT Công báo - Tin học;
- Website VPUBND tỉnh;
- Các CV: VX2, ĐC, XD2;
- Lưu: VT, LN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm S

 

QUY ĐỊNH

TẠM THỜI CHO THUÊ MÔI TRƯỜNG RỪNG ĐỂ KINH DOANH DU LỊCH SINH THÁI, NGHỈ DƯỠNG, GIẢI TRÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành theo Quyết định số 603/QĐ-UBND ngày 22/3/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định tạm thời việc cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

2. Đối với trường hợp các chủ rừng tự sử dụng môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí thực hiện theo quy định tại Điều 53, Điều 56, Điều 60 Luật Lâm nghiệp năm 2017; Điều 14, Điều 23, Điều 32 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp (Nghị định số 156/2018/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Chủ rừng nhà nước cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; bao gồm: Ban quản lý rừng, Vườn Quốc gia, Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp.

2. Tổ chức, cá nhân trong nước có nguồn lực và nhu cầu thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Môi trường rừng là một bộ phận của hệ sinh thái rừng; bao gồm các yếu tố vật chất tạo nên cảnh quan môi trường rừng, như: đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, cây rừng, thác nước...

2. Thuê môi trường rừng là việc tổ chức, cá nhân thỏa thuận với chủ rừng để được sử dụng môi trường rừng trong một thời gian nhất định thông qua hợp đồng cho thuê môi trường rừng theo quy định của pháp luật.

3. Hợp đồng cho thuê môi trường rừng là hợp đồng dân sự giữa chủ rừng với bên thuê môi trường rừng (tổ chức, cá nhân), trong đó thể hiện và ràng buộc rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của các bên liên quan; biện pháp xử lý, chế tài xử lý đối với các bên khi có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng các nội dung cam kết giữa các bên được thể hiện trong hợp đồng hoặc quy định của pháp luật có liên quan.

4. Các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong quy định này; bao gồm: dịch vụ lữ hành, vận chuyển hành khách du lịch nội bộ trong rừng và lưu trú du lịch trong rừng; dịch vụ ăn uống, thể thao, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, thăm quan và các dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch trong phạm vi khu vực được thuê môi trường rừng.

5. Phương án quản lý rừng bền vững là hồ sơ được xây dựng và có nội dung đúng quy định tại Điều 27 Luật Lâm nghiệp; quy chế quản lý rừng theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP và Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững.

6. Đất trống là những diện tích không có cây rừng (kể cả cây gỗ mục đích tái sinh), có diện tích lớn hơn 0,3 ha (> 0,3 ha) và được thể hiện thành một lô trạng thái riêng trong hồ sơ kiểm kê tài nguyên rừng theo quy định. Những vị trí đất trống có diện tích nhỏ hơn 0,3 ha (< 0,3 ha) không thể hiện thành lô trạng thái riêng trong hồ sơ kiểm kê tài nguyên rừng nhưng được xác định là những địa điểm xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong đề án, dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được xây dựng các công trình theo đúng vị trí, quy mô, cấu trúc được duyệt theo quy định tại Điều 14, Điều 23 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP (không phải chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng sang mục đích khác để xây dựng các công trình phục vụ các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí).

7. Tỷ lệ xây dựng công trình có mái che là tỷ lệ phần trăm (%) diện tích được phép xây dựng, lắp đặt các công trình có mái che phục vụ hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

8. Vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường là các loại vật liệu, như: gỗ, tre, lồ ô, song, mây; các loại ván ghép, ván ép có nguyên liệu đầu vào từ gỗ, tre, lồ ô, song, mây; và các loại vật liệu khác thân thiện với môi trường.

9. Hội đồng thẩm định dự án và lựa chọn tổ chức, cá nhân cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí (Hội đồng thẩm định) được Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND tỉnh) thành lập do lãnh đạo UBND tỉnh làm Chủ tịch, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm phó chủ tịch thường trực, thủ trưởng các sở, ngành, địa phương có liên quan làm thành viên. Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng.

Điều 4. Nguyên tắc cho thuê môi trường rừng

1. Việc cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải vừa đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng vừa bảo vệ và phát huy hiệu quả môi trường rừng, tăng thu nhập cho tổ chức, cá nhân và Nhà nước, góp phần nâng cao giá trị của rừng, đất rừng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; phát huy trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị chủ rừng và đơn vị được thuê môi trường rừng.

2. Việc cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững và đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí (Đề án) của đơn vị chủ rừng đã được phê duyệt; không làm thay đổi quyền sở hữu của Nhà nước về rừng, tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất và dưới lòng đất; không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử - văn hóa, các công trình công cộng và không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các đối tượng nhận khoán quản lý bảo vệ rừng (QLBVR).

Không điều chỉnh Đề án theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng mà việc điều chỉnh Đề án đó làm ảnh hưởng đến phương án quản lý rừng bền vững của khu rừng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; làm suy thoái tài nguyên rừng, đa dạng sinh học; ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và các chức năng khác của khu rừng.

3. Tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải đảm bảo năng lực về tài chính, quản trị, nhân lực để thực hiện dự án và phải chịu sự kiểm tra, giám sát về hoạt động kinh doanh, trật tự xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; về QLBVR của đơn vị chủ rừng và các cơ quan, cấp có thẩm quyền.

4. Các công trình xây dựng phục vụ hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải xây dựng theo đúng vị trí, địa điểm, quy mô, cấu trúc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong Đề án, dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; kiến trúc công trình dạng Bungalow, được làm bằng các loại vật liệu thân thiện với môi trường nhưng phải đảm bảo an toàn, phù hợp với điều kiện tự nhiên, độ dốc của khu đất, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên (không sử dụng kết cấu bê tông, bê tông cốt sắt/thép); không gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, cảnh quan khu rừng; không san gạt mặt bằng; không tác động tiêu cực đến cây rừng. Khuyến khích sử dụng các công trình được kết cấu bằng hình thức lắp ghép sẵn, đa chức năng. Quá trình xây dựng công trình phục vụ hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí thì tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí không phải lập quy hoạch tổng mặt bằng và thiết kế xây dựng (theo quy định tại Điều 14, Điều 23 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP).

5. Tỷ lệ tác động xây dựng công trình có mái che để phục vụ hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tùy thuộc vào diện tích đất trống và diện tích được thuê môi trường rừng; cụ thể:

a) Diện tích thuê môi trường rừng từ 10 ha đến dưới 30 ha thì tỷ lệ tác động xây dựng công trình có mái che không quá 3,0% tổng diện tích được thuê môi trường rừng.

b) Diện tích thuê môi trường rừng từ 30 ha đến dưới 60 ha thì tỷ lệ tác động xây dựng công trình có mái che không quá 2,5% tổng diện tích được thuê môi trường rừng.

c) Diện tích thuê môi trường rừng từ 60 ha đến 100 ha thì tỷ lệ tác động xây dựng công trình có mái che không quá 2,0% tổng diện tích được thuê môi trường rừng.

Tỷ lệ tác động xây dựng công trình có mái che phải được thể hiện cụ thể trong Đề án, dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6. Trường hợp có từ 02 tổ chức, cá nhân trở lên cùng đề nghị thuê môi trường rừng tại một địa điểm/diện tích thì tổ chức đấu giá cho thuê môi trường rừng.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Hạn mức và thời hạn cho thuê môi trường rừng

1. Hạn mức cho thuê môi trường rừng tối thiểu là 10 ha, tối đa là 100 ha.

2. Thời gian cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí không quá 30 năm (theo quy định tại khoản 6 Điều 14, khoản 6 Điều 23 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP); thời gian cho thuê môi trường rừng tối thiểu do Hội đồng thẩm định quyết định.

3. Sau khi hết thời hạn thuê môi trường rừng, trường hợp tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng thực hiện đúng hợp đồng và có nhu cầu thì được xem xét ưu tiên để tiếp tục cho thuê chu kỳ sau nhưng không quá thời gian cho thuê theo như chu kỳ trước.

Điều 6. Mức giá cho thuê môi trường rừng

Mức giá cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí do các bên tự thỏa thuận nhưng không thấp hơn 1,5% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê môi trường rừng trong phạm vi diện tích thuê môi trường rừng. Trường hợp phương án thuê môi trường rừng có doanh thu thấp thì giá thuê môi trường rừng không nhỏ hơn mức giá cho thuê rừng tại cùng vị trí.

Điều 7. Tiền cho thuê môi trường rừng

Tiền thu được từ hoạt động cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí là nguồn thu của ngân sách của nhà nước; đồng thời được cân đối và trích tỷ lệ phù hợp cấp lại cho chủ rừng để đảm bảo cho hoạt động quản lý việc cho thuê môi trường rừng.

Điều 8. Thẩm quyền phê duyệt dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và ký hợp đồng thuê môi trường rừng

1. UBND tỉnh phê duyệt dự án cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên cơ sở kết quả thẩm định và đề xuất của Hội đồng thẩm định.

2. Các đơn vị chủ rừng ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng với các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo quyết định phê duyệt dự án cho thuê môi trường rừng của UBND tỉnh.

Điều 9. Trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí

1. Sau khi phương án quản lý rừng bền vững, đề án được phê duyệt; đơn vị chủ rừng hướng dẫn tổ chức, cá nhân xin thuê môi trường rừng lập dự án đầu tư thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Nội dung chủ yếu của dự án, gồm:

a) Hiện trạng tài nguyên thiên nhiên; tài nguyên du lịch và các loại sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

b) Thuyết minh chi tiết phương án phát triển các tuyến, địa điểm tổ chức du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, gồm: vị trí, diện tích, hiện trạng, mục đích, thời gian và phương thức tổ chức thực hiện.

c) Địa điểm, quy mô xây dựng, vật liệu xây dựng, cấu trúc các công trình xây dựng phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

d) Các giải pháp bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và duy trì các chức năng của rừng.

đ) Năng lực thực hiện dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của tổ chức, cá nhân.

e) Nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án; phương án kinh doanh; phương án bảo vệ môi trường; hiệu quả của dự án.

g) Tổ chức giám sát các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

h) Các loại bản đồ tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/10.000 theo hệ quy chiếu VN2.000, gồm: bản đồ hiện trạng tài nguyên thiên nhiên, du lịch trong phạm vi khu vực lập dự án; bản đồ quy hoạch các tuyến, điểm du lịch, tổ chức không gian kiến trúc và hạ tầng du lịch của khu rừng.

2. Hồ sơ xin thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, gồm:

a) Tờ trình của tổ chức, cá nhân xin thuê môi trường rừng (bản chính).

b) Dự án kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí quy định tại khoản 1 Điều này (bản chính).

3. Trình tự thẩm định, phê duyệt dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí:

a) Tổ chức, cá nhân gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính 02 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng). Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo cho tổ chức, cá nhân để hoàn thiện.

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ tại điểm a khoản này tham mưu Hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

c) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Hội đồng thẩm định tổ chức và hoàn thành việc thẩm định hồ sơ dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

d) Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày hoàn thành công tác thẩm định, Hội đồng thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

đ) Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ do Hội đồng thẩm định trình, UBND tỉnh phê duyệt dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

4. Nội dung thẩm định dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng, gồm:

a) Hiện trạng tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch và các loại sản phẩm du lịch.

b) Địa điểm, quy mô, cấu trúc công trình xây dựng, vật liệu xây dựng các công trình phục vụ hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

c) Thời gian, phương thức tổ chức thực hiện.

d) Các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và duy trì các chức năng của rừng.

đ) Tổ chức giám sát hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

đ) Năng lực thực hiện dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của tổ chức, cá nhân.

e) Mức giá cho thuê môi trường rừng.

g) Nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án; phương án kinh doanh; phương án bảo vệ môi trường; hiệu quả của dự án.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của các cấp, sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan

1. Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Thành lập Hội đồng thẩm định dự án, lựa chọn tổ chức/cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

b) Quyết định phê duyệt dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của tổ chức, cá nhân được thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thẩm định.

b) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng lập dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên diện tích thuê môi trường rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP và các văn bản quy định/hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

c) Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của các tổ chức, cá nhân; tham mưu Hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

d) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, UBND cấp huyện/thành phố hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng ở những khu vực cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; đôn đốc các chủ rừng thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý hoặc đề nghị xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng việc thuê môi trường rừng để gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất, hủy hoại cây rừng, kể cả cây con tái sinh, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép và các hành vi vi phạm khác làm thiệt hại tài nguyên rừng.

đ) Thông báo cho đơn vị chủ rừng ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí với các tổ chức, cá nhân theo kết quả phê duyệt của UBND tỉnh.

e) Giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định này.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

b) Phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, UBND cấp huyện/thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng theo quy định.

4. Sở Tài chính:

a) Hướng dẫn cụ thể về: mức giá cho thuê môi trường rừng; đơn vị thu tiền, thời gian thu tiền và phương thức quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc cho thuê môi trường rừng.

b) Phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, UBND cấp huyện/thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện kinh phí thu được từ hoạt động thuê môi trường rừng.

5. Sở Xây dựng:

a) Hướng dẫn cụ thể về: vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường; quản lý không gian kiến trúc và hạ tầng du lịch của tổ chức, cá nhân trong diện tích được thuê môi trường rừng.

b) Phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, UBND cấp huyện/thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng; trường hợp phát hiện những nội dung không phù hợp quy định này và quy định về quản lý quy hoạch, xây dựng có liên quan thì kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý, giải quyết.

6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

a) Hướng dẫn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng thực hiện các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; giải pháp, tiêu chuẩn đảm bảo an toàn cho du khách khi tham gia các hoạt động du lịch sinh thái, giải trí.

b) Phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, UBND cấp huyện/thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng; trường hợp phát hiện các hoạt động liên quan đến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí không phù hợp với quy định này và các quy định về văn hóa, thể thao, du lịch liên quan thì kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết, xử lý.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Hướng dẫn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng lập, thực hiện phương án, thủ tục bảo vệ môi trường, quản lý đất đai trong thực hiện các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

b) Phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, UBND cấp huyện/thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học liên quan đến hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng.

8. Sở Giao thông vận tải:

a) Hướng dẫn tổ chức, cá nhân thuê môi trường thực hiện việc thi công các tuyến đường phục vụ hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; hoàn thiện quy trình, thủ tục kết nối hạ tầng giao thông (đấu nối) trên các tuyến quốc lộ ủy thác, đường tỉnh và phương án vận chuyển hành khách du lịch (nếu có).

b) Phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, UBND cấp huyện/thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động giao thông vận tải liên quan đến hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng.

9. Sở Tư pháp căn cứ các quy định để phối hợp, hướng dẫn mẫu hợp đồng cho thuê môi trường rừng chung, trong đó quy định, ràng buộc rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan, chế tài, biện pháp xử lý sai phạm, vi phạm (nếu có).

10. UBND huyện/thành phố:

a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện nội dung Quy định này trên địa bàn quản lý.

b) Chỉ đạo đơn vị chủ rừng thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; QLBVR của tổ chức, cá nhân được thuê môi trường rừng theo dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được phê duyệt và hợp đồng thuê môi trường rừng.

11. Đơn vị chủ rừng cho thuê môi trường rừng:

a) Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên diện tích được giao quản lý trình cơ quan, cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; thống kê, tổng hợp đơn/tờ trình đề nghị thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo diện tích quản lý.

b) Phối hợp với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê môi trường rừng lập dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí gửi Hội đồng thẩm định.

c) Ký hợp đồng thuê môi trường với các tổ chức, cá nhân theo kết quả phê duyệt dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của UBND tỉnh theo mẫu hợp đồng được Sở Tư pháp hướng dẫn.

d) Trước khi ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng, chủ rừng phải điều tra thống kê kỹ lưỡng tài nguyên rừng trên diện tích cho thuê (quay video, chụp hình để lưu dữ liệu) để làm căn cứ cho thuê và giám sát, đánh giá việc thực hiện hợp đồng.

đ) Chịu hoàn toàn trách nhiệm về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trên diện tích cho thuê môi trường rừng; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng trong thực hiện công tác QLBVR và các hoạt động khác liên quan đến kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

e) Kịp thời tổng hợp các vấn đề phát sinh trong quá trình cho thuê môi trường rừng cần điều chỉnh, bổ sung, kịp thời đề xuất phương án xử lý/giải quyết phù hợp. Sau 03 năm, tổ chức đánh giá việc thực hiện Quy định tạm thời cho thuê môi trường rừng; tổng hợp báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.

Điều 11. Tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng

1. Tổ chức lập dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên diện tích thuê môi trường rừng theo hướng dẫn của đơn vị chủ rừng; kịp thời báo cáo những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của đơn vị chủ rừng, các cơ quan, cấp thẩm quyền về hoạt động quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và công tác QLBVR.

2. Thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo đúng nội dung dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được UBND tỉnh phê duyệt và hợp đồng thuê môi trường rừng; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn lao động và các yêu cầu khác có liên quan.

Điều 12. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân được thuê môi trường để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí thực hiện dự án chậm tiến độ, thực hiện không đúng nội dung hợp đồng thuê môi trường, vi phạm pháp luật trong thực hiện các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, QLBVR, quản lý đất đai và các vi phạm liên quan khác trên diện tích được thuê môi trường rừng sẽ bị xem xét, chấm dứt hợp đồng thuê môi trường trước thời hạn ký kết.

2. Tổ chức, cá nhân được thuê môi trường để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí lợi dụng việc thuê môi trường rừng để thực hiện các hoạt động, hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành./.