Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1941/QĐ-UBND

Gia Nghĩa, ngày 10 tháng 12 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN GIAO RỪNG, CHO THUÊ RỪNG GIAI ĐOẠN 2009 - 2011

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/02/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Quyết định số 2740/QĐ-BNN-KL ngày 20/9/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2007 - 2010;
Căn cứ Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25/4/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn trình tự thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn;
Trên cơ sở Biên bản họp tham vấn của các cấp, các ngành và đơn vị liên quan ngày 01/12/2009;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 114/TTr-SNN, ngày 04 tháng 12 năm 2009
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2009 - 2011 trên địa bàn tỉnh Đăk Nông (kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Giao các Sở, ngành và địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao tại phần 1, Mục IV của Đề án để tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo Đề án giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn tỉnh thực sự có chất lượng, hiệu quả.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Thế Nhữ

 

ĐỀ ÁN

GIAO RỪNG VÀ CHO THUÊ RỪNG GIAI ĐOẠN 2009 – 2011
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1941/QĐ-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2009 của Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông)

ĐẶT VẤN ĐỀ

Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng nhằm phát huy sức mạnh của toàn xã hội. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để thúc đẩy tiến trình quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng bền vững, kết hợp giữa bảo vệ rừng với phát triển kinh tế, xã hội; an ninh, quốc phòng và xóa đói, giảm nghèo.

Giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn, buôn, bon để quản lý, bảo vệ và sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích phát triển lâm nghiệp là một chủ trương, chính sách lớn có tính chiến lược của Đảng và Nhà nước. Đây là bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, làm cho rừng có chủ thực sự, người dân bảo vệ được rừng, yên tâm quản lý và đầu tư phát triển rừng trên diện tích rừng, đất rừng được giao, được thuê. Tuy nhiên, hiệu quả của việc tổ chức thực hiện công tác này trong thời gian qua còn nhiều hạn chế như giao rừng, cho thuê rừng nhưng chưa có chính sách quy định cụ thể và phù hợp về quyền hưởng lợi trên diện tích rừng được giao, được thuê; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chậm và chưa gắn với việc giao rừng, còn lúng túng trong triển khai thực hiện; việc quản lý hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng còn chưa được chặt chẽ; nhiều diện tích rừng giàu, trung bình chưa được khai thác và sử dụng hợp lý, trong khi đó áp lực dân số ngày càng gia tăng, đời sống của phần lớn người dân sống ở trong rừng và gần rừng còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng rừng bị phá, bị khai thác trái phép, đất rừng bị xâm lấn, tranh chấp và sử dụng không theo quy hoạch, kế hoạch.

Từ thực trạng nêu trên, để phát huy thế mạnh của rừng, tiềm năng lao động ở địa phương nhằm bảo vệ và phát triển được vốn rừng, đồng thời góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động sản xuất kinh doanh rừng thì việc đẩy mạnh công tác giao, cho thuê rừng gắn với giao đất lâm nghiệp tới các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn, buôn, bon để quản lý, bảo vệ và sử dụng ổn định, lâu dài là việc làm rất cần thiết để đến năm 2011, về cơ bản tất cả diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng và đất lâm nghiệp được giao, cho thuê đến các chủ rừng thuộc mọi thành phần kinh tế, ưu tiên cho khu vực cộng đồng dân cư, cá nhân và hộ gia đình như định hướng trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg , ngày 05/02/2007.

Phần I

CƠ SỞ LẬP ĐỀ ÁN

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ.

- Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;

- Luật Đất đai (sửa đổi bổ sung năm 2003);

- Nghị định số 23/NĐ-CP ngày 03/3/2006 về hướng dẫn thi hành luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

- Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;

- Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh;

- Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;

- Quyết đinh số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020;

- Quyết định số 178/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp;

- Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng;

- Quyết định số 100/2007/QĐ-TTg ngày 6/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng;

- Quyết định 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015;

- Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng;

- Quyết định số 2740/QĐ-BNN-KL ngày 20/9/2007 của Bộ trưởng Bộ NN & PTNT về việc phê duyệt Đề án giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2007 - 2010;

- Quyết định số 40/QĐ-BNN ngày 07/7/2005 của Bộ trưởng Bộ NN & PTNT về việc ban hành quy chế về khai thác gỗ và lâm sản khác;

- Quyết định số 112/2008/QĐ-BNN ngày 19/11/2008 của Bộ trưởng Bộ NN & PTNT về việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật giao rừng, cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mục đích lâm nghiệp gắn với việc lập hồ sơ quản lý rừng;

- Chỉ thị số 3318/CT-BNN-KL ngày 06/11/2008 của Bộ NN & PTNT về việc tăng cường các biện pháp cấp bách trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và chống người thi hành công vụ;

- Thông tư liên tịch số 80/2003/TTLT/BNN-BTC ngày 03/9/2003 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp;

- Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25/4/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn;

- Thông tư liên tịch số 58/2008/TTLT-BNN-KHĐT-TC ngày 02/5/2008 hướng dẫn thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 2007 - 2010;

- Quyết định số 569/QĐ-UBND ngày 30/4/2008 của UBND tỉnh Đăk Nông về việc công bố hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp tỉnh Đăk Nông năm 2007;

- Quyết định số 702/QĐ-UBND ngày 04/6/2007 của UBND tỉnh Đăk Nông về việc phê duyệt kết quả rà soát Quy hoạch ba loại rừng tỉnh Đăk Nông;

- Quyết định số 1847/QĐ-UBND ngày 12/12/2008 của UBND tỉnh Đăk Nông về việc hướng dẫn tạm thời về trình tự, thủ tục giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn và nhóm hộ;

- Văn bản số 164/UBND-NL ngày 23/01/2008 của UBND tỉnh Đăk Nông về việc tổ chức triển khai thực hiện việc giao rừng, cho thuê rừng và quản lý nương rẫy.

II. KHÁI QUÁT ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI.

1. Đặc điểm tự nhiên.

1.1. Vị trí địa lý.

Tỉnh Đăk Nông nằm về phía Tây Nam khu vực Tây Nguyên, có tổng diện tích tự nhiên 651.345 ha. Tọa độ địa lý từ 11045’ đến 14017’ độ vĩ Bắc và từ 107008’ đến 1080 10 ’độ Kinh đông.

- Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Đăk Lăk.

- Phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Bình Phước.

- Phía Đông Nam giáp tỉnh Lâm Đồng.

- Phía Tây giáp nước bạn Cam-pu-chia với 130 km đường biên giới.

Nằm về phía Tây Nam khu vực Tây Nguyên, có đường biên giới phía Tây kéo dài giáp với nước bạn Campuchia nên có một vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng, đồng thời có các quốc lộ 14 và 28 đi qua tỉnh đã tạo điều kiện nối kết Đăk Nông với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ, do vậy có nhiều tiềm năng và thuận lợi trong phát triển kinh tế xã hội.

1.2. Địa hình:

Đăk Nông là vùng đất phía Tây Nam và cuối dãy Trường Sơn, nằm trọn trong khối cao nguyên cổ Đăk Nông - Đăk Mil, địa hình cao dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông Bắc sang Tây Nam, độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 160 m - 1982 m. Địa hình bị chia cắt mạnh, bao gồm các dãy núi cao hùng vĩ, hiểm trở nối với các cao nguyên rộng lớn, dốc thoải, lượn sóng, khá bằng phẳng xen kẽ các dải đồng bằng thấp trũng dọc theo các sông chính. Bao gồm ba dạng địa hình chính như sau:

- Cao nguyên bazan: Phân bố ở khu vực trung tâm và Tây Nam tỉnh thuộc địa bàn các huyện Đăk Mil, Đăk Song, Đăk Glong, Đăk R’Lấp và Tuy Đức. Phần đỉnh của cao nguyên tương đối ít dốc, sườn cao nguyên rất dốc và chia cắt mạnh. Đây là khu vực phân bố chủ yếu các khu rừng lá rộng thường xanh, năng suất và tổng sinh khối cao;

- Địa hình gò đồi: Phân bố ở khu vực phía Bắc thuộc địa bàn các huyện Cư Jút và Krông Nô. Với địa hình thấp, kèm theo chế độ mưa thấp đã hình thành nhiều diện tích rừng khộp và nửa rụng lá;

- Địa hình thung lũng được bồi tụ: Phân bố ven các sông, suối nhỏ, hẹp; các khu vực này thường là kiểu rừng nửa rụng lá, rừng ven sông suối phát triển tốt, có nhiều loài cây gỗ quý hiếm phân bố.

1.3. Khí hậu:

Đăk Nông nằm trong vùng khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm đồng thời chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam khô nóng do vậy khí hậu được chia làm 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 cho đến tháng 10 (chiếm đến 90% tổng lượng mưa của cả năm) và mùa khô bắt đầu từ tháng 11 cho đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa của tỉnh chia thành 2 vùng khác biệt rõ rệt: i) Vùng phía nam của tỉnh có lượng mưa cao, trung bình năm khoảng 2.400mm, có nơi lượng mưa cao như khu vực thị xã Gia Nghĩa, huyện Đăk Glong, Đăk R’Lấp, ở đây lượng mưa trung bình năm lên đến 2.500 - 2.700mm; tập trung nhiều nhất vào các tháng 7, 8, 9 và ít nhất là vào các tháng 1 và 2; ii) Trong khi đó ở các vùng phía bắc, giáp Camphuchia có lượng mưa thấp, như khu vực phía bắc huyện Cư Jút (giáp với huyện Buôn Đôn tỉnh Đăk lăk), lượng mưa trung bình năm của khu vực này chỉ đạt 1.600 - 1.700mm.

Nhiệt độ trung bình năm là 22 - 230C . Nhiệt độ cao nhất là 350C, nhiệt độ thấp nhất vào khoảng 120C. Tháng nóng nhất là tháng 4 và tháng 12 là tháng lạnh nhất. Tổng số giờ nắng trong năm vào khoảng 2.000 - 2.300 giờ. Tổng tích ôn khoảng 8.0000C. Chế độ nhiệt ẩm rất phong phú đã hình thành nên các kiểu thảm thực vật rừng phong phú với sự đa dạng cao về loài và phân bố theo nhiều dạng địa hình.

Tuy thuộc dạng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhưng do sự nâng lên đáng kể của địa hình, nên nhiệt độ của Đăk Nông bị hạ thấp so với các vùng có cùng vĩ độ. Biên độ nhiệt giữa các tháng trong năm biến động từ 4 - 60C, trong khi đó biên độ nhiệt ngày đêm lại rất cao, đặc biệt là vào mùa khô biên độ nhiệt giữa ngày và đêm có thể lên đến 200C.

Đồng thời với nó là độ ẩm không khí trung bình cao 84%. Độ bốc hơi mùa khô từ 14,6 -15,7mm/ngày, độ bốc hơi mùa mưa từ 1,5 - 1,7mm/ngày. Như vậy ngoài việc thuận lợi với chế độ nhiệt ẩm cao, thì sự khắc nghiệt của biên độ nhiệt cũng làm khó khăn hơn trong canh tác nông lâm nghiệp ở từng khu vực.

Hướng gió thịnh hành trong mùa mưa là gió mùa Tây Nam và trong mùa khô là gió mùa Đông Bắc. Gió cũng là một nhân tố ảnh hưởng quan trọng đến canh tác nông lâm nghiệp tại địa phương như làm tăng nhanh lượng bốc hơi, gió mạnh gây ngã đổ cây trồng, cây rừng và đặc biệt phải chú ý tăng cường các biện pháp PCCCR khi tiến hành trồng rừng.

1.4. Thủy văn và tài nguyên nước:

Tài nguyên nước và tài nguyên rừng có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau và đều có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế nông lâm nghiệp và kinh tế xã hội của tỉnh.

Đăk Nông có mạng lưới sông suối khá dày và phân bố tương đối đều khắp, trong đó có nhiều sông suối lớn như sông Sêrêpôk, Đồng Nai, Krông Nô, suối Đăk Rung, Đăk Nông, Đăk Bur So, Đăk R’Lấp, Đăk Rtih,... Nhiều công trình thuỷ điện đã và đang được xây dựng trên địa bàn tỉnh như công trình thủy điện Buôn Kuôp, thuỷ điện Buôn Tua Sarh, thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4...

Qua tài liệu khoan thăm dò cho thấy khả năng nguồn nước dưới đất của tỉnh Đăk Nông không thật sự dồi dào, khó có khả năng khai thác phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp. Nhìn chung tỉnh Đăk Nông có điều kiện nguồn nước khó khăn, cả về nguồn nước mặt và nước ngầm.

Trong những năm trước đây, do tình trạng chặt phá rừng diễn ra khá phức tạp làm cho diện tích và chất lượng rừng không ngừng bị suy giảm, điều đó đã có những tác động đáng kể đến tài nguyên nước làm cho tình trạng khô hạn trong mùa khô ngày càng gay gắt hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn. Do vậy việc quản lý bảo vệ và phát triển vốn rừng, việc thiết lập một cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp hợp lý, bền vững sẽ góp phần quản lý và sử dụng tài nguyên nước một cách có hiệu quả hơn.

1.5. Tài nguyên đất:

Theo tài liệu nghiên cứu của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp Việt Nam thì Đăk Nông có 11 nhóm đất, với 49 đơn vị đất phụ. Trong đó chủ yếu là nhóm đất đỏ có diện tích 393.154 ha, chiếm đến 60,34% diện tích tự nhiên và nhóm đất xám có diện tích 184.149 ha, chiếm 28,26% diện tích tự nhiên. Nhóm đất đỏ hình thành trên đá mẹ bazan có diện tích khá lớn và phân bố trên diện rộng, tầng đất dày, độ phì cao là một điều kiện cực kỳ thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông lâm nghiệp. Tuy nhiên do địa hình chia cắt mạnh nên trong quá trình sản xuất cần đặc biệt chú trọng đến các giải pháp hạn chế xói mòn, rửa trôi đất.

1.6. Tài nguyên thực, động vật rừng:

a) Thực vật rừng:

Với sự đa dạng của các yếu tố địa lý, địa hình, khí hậu và cấu tạo nền địa chất do vậy rừng Đăk Nông là nơi hội tụ của nhiều luồng thực vật khác nhau:

- Luồng thực vật Malayxia - Indonexia, tiêu biểu là các loài cây họ Dầu (Dipterocar paceae), phân bố trên kiểu địa hình núi thấp và cao nguyên.

- Luồng thực vật Ấn Độ - Mianmar với đại diện là những loài cây thuộc họ Bàng (Combretaceae), họ Tử vi (Lythraceae).

- Luồng thực vật Hymalaya - Vân Nam - Quí Châu (Trung Quốc) chủ yếu là các loài cây lá kim thuộc ngành phụ hạt trần như Thông ba lá, Thông hai lá,...

- Luồng thực vật bản địa Bắc Việt Nam - Nam Trung Hoa, phổ biến là những loài cây thuộc các họ Giẻ (Fagaceae), họ Long não (Lauraceae), họ Chè (Thecaeae), họ Mộc Lan (Magnoliaceae), họ Dâu tằm (Moraceae)...

Hệ thực vật rừng Đăk Nông rất phong phú, có tính ĐDSH cao, bước đầu đã thống kê được khoảng 4.000 loài thực vật với trên 700 loài cây gỗ thuộc 90 họ của 2 ngành hạt trần và hạt kín. Các loài gỗ kinh tế và quí hiếm trong rừng Đăk Nông được đánh giá là khá cao so các tỉnh trong khu vực, cũng như trong cả nước. Nhóm gỗ quí hiếm như: Cà te, Gụ mật, Cẩm lai, Cẩm thị, Giáng hương, Hoàng đàn,... Nhóm gỗ gia dụng và đóng tàu thuyền như: Sao đen, Dầu, Chò, Kiền kiền, Giổi, Thông nàng, Bằng lăng, Vên vên...

Nhóm gỗ dán lạng như: Vạng trứng, Trám, Sữa, Thông nàng, Cóc đá, Hồng tùng, Chò xót... Ngoài ra rừng Đăk Nông còn có rất nhiều loài cây đặc sản có giá trị như: Song, Mây, Bời lời, Hoàng đằng...

Với sự đa dạng về các yếu tố địa lý, địa hình và khí hậu đã tạo cho Đăk Nông nhiều tiểu vùng sinh thái khác nhau gắn liền với sự hình thành và phát triển của các kiểu rừng, trong đó phải kể đến hai kiểu rừng chính là kiểu rừng kín và kiểu rừng thưa cây lá rộng rụng lá họ dầu (rừng khộp).

- Kiểu rừng kín chiếm phần lớn diện tích rừng của toàn tỉnh, có cấu trúc tầng thứ phức tạp, mật độ cây dầy với tổ thành loài phong phú và đa dạng, độ tàn che cao nên kiểu rừng này có tác dụng phòng hộ rất tốt. Bao gồm các kiểu rừng như: Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới núi thấp, Rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi trung bình và núi cao, Rừng kín nửa rụng lá hơi ẩm nhiệt đới.

- Kiểu rừng thưa cây lá rộng rụng lá (rừng khộp) chiếm tỷ lệ ít, phân bố tập trung ở các huyện Cư Jút và một phần ở huyện Đăk Mil, Krông Nô có cấu trúc tầng thứ ít phức tạp, mật độ cây thưa với tổ thành chủ yếu là các loài cây họ Dầu. Tác dụng phòng hộ và khả năng điều tiết nước của kiểu rừng này rất thấp.

Ngoài ra còn có một số kiểu rừng khác như: Kiểu rừng thưa cây lá kim, Kiểu rừng hỗn giao cây lá rộng với lá kim nhiệt đới, Kiểu rừng hỗn giao cây lá rộng và tre nứa, Kiểu rừng tre nứa, rừng trồng các loại và trảng cỏ. Phân bố rải rác trên địa bàn toàn tỉnh.

b) Động vật rừng:

Đăk Nông có hệ động vật rừng khá phong phú, kết quả điều tra và thống kê ban đầu của Viện sinh thái tài nguyên sinh vật cho thấy hệ động vật tại Đăk Nông có 375 loài chim thuộc 42 họ, 18 bộ; 107 loài thú thuộc 30 họ, 12 bộ; 94 loài bò sát thuộc 16 họ, 3 bộ; 48 loài lưỡng cư thuộc 6 họ, 2 bộ; 96 loài cá và hàng nghìn loài côn trùng,... trong đó có nhiều loài đặc hữu, quí hiếm được ghi nhận trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như Hổ, Voi, Mang lớn, Vượn má hung, Vọc vá chân đen, Hươu vàng, Gà tiền mặt đỏ, Khướu đầu đen, Bò rừng, Bò tót,... phân bố tùy thuộc vào hoàn cảnh sinh thái và mật độ dân cư. Những nơi còn nguyên rừng, xa dân cư thì số lượng loài động vật tập trung nhiều hơn ở những nơi rừng bị tàn phá và gần khu dân cư.

2. Đặc điểm kinh tế xã hội:

2.1. Dân số, dân tộc, lao động:

Dân số Đăk Nông tính đến 01/4/2009 là 490.000 khẩu. Trong đó dân số đô thị là chiếm 15,2%; khu vực nông thôn chiếm 84,8%. Mật độ dân số là 75,3 người/km2; dân cư phân bố không đều, huyện Đăk Mil có mật độ dân số cao nhất với 121,71 người/km2, huyện Đăk Glong có mật độ dân số thấp nhất là 20,18 người/km2.

Về thành phần dân tộc, trên địa bàn tỉnh hiện có 31 dân tộc đang sinh sống, trong đó chủ yếu là người Kinh, M’Nông, Tày, Thái, Ê Đê, Nùng…

Nhìn chung nguồn nhân lực của tỉnh rất dồi dào, người dân cần cù lao động song trình độ lao động còn chưa cao, số lượng lao động kỹ thuật đã qua đào tạo còn thấp, chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng số lao động (khoảng 15,7%).

2.2. Tình hình kinh tế chung của tỉnh:

Hiện nay, nền kinh tế của tỉnh đã bước đầu đi vào ổn định và từng bước phát triển, nhịp độ tăng trưởng kinh tế năm 2007 tăng khá cao, đạt 15,74%/năm. Trong đó, nông lâm nghiệp tăng 9,90%/năm; công nghiệp, xây dựng tăng 3,13%/năm và các ngành dịch vụ tăng 2,71%/năm. GDP bình quân đạt 9,893 triệu đồng/người/năm.

Trong cơ cấu kinh tế, ngành nông lâm nghiệp giữ vai trò then chốt. Trong đó lâm nghiệp đóng góp thông qua sản lượng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên, rừng trồng; chế biến gỗ và các loại lâm sản ngoài gỗ. Sản xuất nông lâm nghiệp đang có bước chuyển dịch về cơ cấu cây trồng. Diện tích cây lương thực, cây công nghiệp và rừng trồng nguyên liệu tăng khá nhanh, đã hình thành một số vùng cây công nghiệp ngắn và dài ngày khá tập trung như đậu tương, mía, bông vải, cà phê, cao su,...

Công nghiệp cũng đang có những bước chuyển biến đáng kể, nhiều công trình thủy điện đang được triển khai xây dựng. Một số khu công nghiệp tập trung như Tâm Thắng, Nhân Cơ, Đăk Ha đang được hình thành và từng bước đi vào hoạt động.

2.3. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật:

Hầu hết các huyện thuộc tỉnh Đăk Nông đều có cơ sở hạ tầng kém phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội tại địa phương trong tình hình mới.

Trong những năm gần đây với chương trình 135 của Chính phủ và nhiều chương trình, dự án đầu tư khác của Chính Phủ và tỉnh nhiều thôn buôn vùng sâu, vùng xa đã có đường, điện, thuỷ lợi,…. Tuy nhiên việc phát triển cơ sở hạ tầng với phát triển kỹ thuật canh tác chưa đồng bộ, do đó nhiều nơi các cộng đồng dân cư vẫn còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, đời sống phụ thuộc vào rừng, thiên nhiên.

2.4. Tình hình xã hội và an ninh:

Đăk Nông là một tỉnh biên giới với sự phân bố dân cư thưa thớt ở vùng cao, hẻo lánh. Vì vậy việc bảo vệ an ninh quốc phòng là hết sức quan trọng, trong đó ngành lâm nghiệp với đặc thù là rừng và đất rừng phân bố hầu hết ở nơi xa xôi, do đó những hoạt động của ngành lâm nghiệp sẽ góp phần gián tiếp thu hút người dân tham gia vào nghề rừng, ổn định trật tự và góp phần phát triển kinh tế, văn hóa xã hội cho các thôn, buôn đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

III. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC GIAO RỪNG, CHO THUÊ RỪNG

1. Diễn biến tài nguyên rừng:

Theo số liệu thống kê về diễn biến rừng và đất lâm nghiệp năm 2007 của Chi cục Kiểm lâm đã được UBND tỉnh phê duyệt, công bố tại Quyết định số 569/QĐ-UBND ngày 30/4/2008 thì tỉnh Đăk Nông có 325.005,55 ha rừng bao gồm 314.133,05 ha rừng tự nhiên và 10.872,50 ha rừng trồng. Trong đó có 28.277,71 ha rừng đặc dụng, 36.359,26 ha rừng phòng hộ và 260.368,58 ha rừng sản xuất. Độ che phủ rừng năm 2007 đạt 49,4% diện tích toàn tỉnh; số liệu chi tiết thể hiện tại phụ biểu 1.

Bảng 1: Diện tích rừng và đất lâm nghiệp tỉnh Đăk Nông năm 2007 Phân theo chức năng quản lý, sử dụng

ĐVT: Ha

Loại đất, loại rừng

Tổng cộng

Phân theo chức năng

Đặc dụng

Phòng hộ

Sản xuất

Đất quy hoạch cho lâm nghiệp

390.061,13

33.248,41

40.523,30

316.289,42

- Rừng tự nhiên

314.133,05

28.273,61

35.190,10

250.669,34

- Rừng trồng

10.872,50

4,10

1.169,16

9.699,24

- Đất không rừng QH cho LN

65.055,58

4.970,70

4.164,04

55.920,84

(Nguồn: Diễn biến tài nguyên rừng và đất LN Chi cục Kiểm lâm Đăk Nông)

Trong 4 năm, giai đoạn từ 2004 - 2007 diện tích rừng của tỉnh bị suy giảm mạnh, giảm 45.530,45 ha. Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng này là do phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, cháy rừng,… (số liệu chi tiết xem phụ biểu 2). Diễn biến diện tích rừng qua các năm đã được công bố thể hiện tại hình 1:

Hình 1: Diễn biến tài nguyên rừng tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2004 - 2007

(Nguồn: Diễn biến tài nguyên rừng và đất LN Chi cục Kiểm lâm Đăk Nông)

Ngoài ra do ảnh hưởng của những tác động không hợp lý (nhất là việc khai thác lạm dụng vốn rừng,…) nên chất lượng rừng hiện nay đa số thấp và ngày càng giảm sút (diện tích rừng lô ô, tre nứa và rừng hỗn giao gỗ + tre nứa, lô ô và lô ô, tre nứa + gỗ chiếm đến 25,3% tổng diện tích rừng tự nhiên).

2. Tình hình giao rừng, cho thuê rừng:

2.1. Giao rừng, cho thuê rừng:

Công tác giao rừng, cho thuê rừng là một chủ trương lớn có tính chiến lược của Đảng và Nhà nước nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào tiến trình quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển vốn rừng với phương châm là đảm bảo rừng có chủ thực sự, tài nguyên rừng được giữ vững, đồng thời từng bước nâng cao thu nhập mức sống của người dân thông qua việc sản xuất kinh doanh nghề rừng. Theo số liệu thống kê về diễn biến rừng và đất lâm nghiệp (được UBND tỉnh phê duyệt, công bố tại Quyết định số 569/QĐ-UBND ngày 30/4/2008); cũng như kết quả kiểm kê, rà soát hiện trạng quản lý, sử dụng rừng đối với các đơn vị chủ rừng giữa 02 ngành NN & PTNT và TN & MT của tỉnh cho thấy diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã được giao, cho thuê đến các chủ quản lý, sử dụng cụ thể như sau: Doanh nghiệp Nhà nước 206.210,66 ha, BQL rừng phòng hộ 31.006,80 ha; BQL rừng đặc dụng 38.149,53 ha; Hộ gia đình và Cộng động 3.181,19 ha; Đơn vị vũ trang 15.040,23 ha; Doanh nghiệp ngoài quốc doanh 30.690,28 ha; Tổ chức khác 3.310,93 ha và Ủy ban nhân dân các cấp 60.299,45 ha gồm cả diện tích dôi dư sau quy hoạch 200 (số liệu chi tiết xem phụ biểu 3). Diện tích rừng và đất lâm nghiệp phân theo chủ quản lý, sử dụng thể hiện tại hình 2 dưới đây:

Hình 2: Diện tích rừng và đất lâm nghiệp phân theo chủ quản lý, sử dụng tính đến tháng 12/2008

2.2. Về giao đất lâm nghiệp gắn với giao rừng, cho thuê rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp:

Giao đất lâm nghiệp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo ra sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội trong nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là cộng đồng các dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa; xây dựng nông thôn mới.

Theo số liệu kiểm kê, rà soát giữa hai ngành NN & PTNT và TN & MT của tỉnh cho thấy, tính đến nay diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh là 181.939,84 ha, đạt 55,5% diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã được giao cho các chủ quản lý, sử dụng. Trong đó các doanh nghiệp nhà nước là 140.301,75 ha; BQL rừng phòng hộ 14.180,0; BQL rừng đặc dụng là 22.100,40 ha; Hộ gia đình và Cộng đồng là 1.215,69 ha; Đơn vị vũ trang là 1.181,50 ha và Doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 2.960,50 ha (số liệu chi tiết xem phụ biểu 3). Hiện tại tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp có nhu cầu cần cấp giấy chứng nhận là 205.949,23 ha (trong đó có 145.649,78 ha đã giao và cho thuê chưa được cấp giấy chứng nhận).

Hình 3: Diện tích rừng và đất lâm nghiệp được cấp giấy chứng nhận phân theo chủ quản lý, sử dụng tính đến tháng 10/2008

2.3. Nhận xét chung về công tác giao rừng, cho thuê rừng và tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp:

* Những mặt tích cực:

Chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng đang được đẩy mạnh, đây là bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, làm cho rừng có chủ thực sự, gắn quyền lợi với trách nhiệm, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, đặc biệt là người dân bảo vệ được rừng, yên tâm quản lý và đầu tư phát triển rừng trên diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao, được thuê.

Các chính sách về Lâm nghiệp luôn được Nhà nước thường xuyên bổ sung, sửa đổi đã góp phần không nhỏ trong việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo và làm thay đổi nhận thức của người dân về tài nguyên rừng. Nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ rừng, phục hồi và phát triển rừng.

* Những mặt hạn chế và tồn tại:

Mặc dù trên danh nghĩa, phần lớn các diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã được giao cho các chủ quản lý, sử dụng nhưng thực tế công tác giao rừng, cho thuê rừng còn có những hạn chế và tồn tại như sau:

- Việc quy hoạch sử dụng đất, việc phân định ranh giới đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất rừng phòng hộ, đặc dụng chưa được thực hiện rõ ràng ở ngoài thực địa, phần lớn chỉ mới quy hoạch, xác định trên bản đồ. Quy hoạch thiếu tính thực tiễn và ít thu hút sự tham gia của các bên liên quan đã làm cho việc quản lý sử dụng đất thiếu tính ổn định lâu dài;

- Tỷ lệ diện tích rừng và đất lâm nghiệp giao cho các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng quản lý, sử dụng còn rất thấp, chỉ chiếm 1% dẫn đến làm giảm hiệu quả xã hội của chính sách giao rừng, cho thuê rừng của Nhà nước và chưa huy động được nguồn lực to lớn trong nhân dân;

- Hồ sơ giao đất, giao rừng, cho thuê rừng còn thiếu nhất quán, quản lý chưa chặt chẽ và không đồng bộ. Có những diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao, được thuê để quản lý, sử dụng đã bị chuyển đổi sang mục đích khác nhưng việc xử lý còn chưa được nghiêm theo quy định của pháp luật;

- Nhiều doanh nghiệp Nhà nước quản lý với diện tích rừng lớn nhưng không có khả năng kinh doanh và chưa được tạo điều kiện để sản xuất kinh doanh có hiệu quả các diện tích rừng được giao; các diện tích rừng do UBND các cấp quản lý thì cơ bản vẫn trong tình trạng vô chủ hoặc không được bảo vệ, quản lý tốt; các diện tích rừng và đất rừng giao cho các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng chưa phát huy hiệu quả kinh tế, người dân vẫn chưa thể sống được bằng nghề rừng;

- Sự phối kết hợp giữa ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và ngành Tài nguyên & Môi trường còn nhiều hạn chế, chưa thống nhất trong cách giao, phương thức giao đất lâm nghiệp, dẫn đến việc triển khai công tác giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp trong thời gian qua còn chậm; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng rừng còn chậm và thiếu đồng bộ, ở nhiều nơi chủ rừng sau khi được giao đất, giao rừng, thuê rừng trong một thời gian dài nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng rừng;

- Trong một thời gian dài, các diện tích đất lâm nghiệp có rừng được quy hoạch là rừng sản xuất (rừng tự nhiên có trữ lượng giầu và trung bình) chủ yếu được giao cho các doanh nghiệp nhà nước, nhưng hiệu quả sử dụng rừng rất thấp. Mặt khác, do các doanh nghiệp quản lý hầu hết các diện tích đất lâm nghiệp có rừng, nên các thành phần kinh tế khác như cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân chỉ được nhận diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng hoặc các diện tích rừng là trạng thái rừng nghèo kiệt, rừng non,... Vì vậy, việc phát triển sản xuất để cải thiện đời sống là rất khó khăn;

- Các hộ gia đình, cá nhân sinh sống ở vùng nông thôn đa số là hộ nghèo, quan tâm hàng đầu của họ là sản xuất lương thực để bảo đảm cuộc sống. Họ không có điều kiện để sản xuất, kinh doanh nghề rừng trên diện tích rừng, đất lâm nghiệp được giao, vẫn phải chờ đợi sự trợ giúp của nhà nước, trong khi đó ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác này rất hạn chế.

Nguyên nhân của những tồn tại:

- Nhận thức của một bộ phận cán bộ và lãnh đạo UBND các cấp, các ngành và đặc biệt là cấp xã, phường, thị trấn về công tác giao rừng, cho thuê còn hạn chế, chưa quán triệt đúng chủ trương về giao đất, giao rừng, cho thuê của Đảng và Nhà nước, vẫn còn tư tưởng cho rằng rừng là tài nguyên quốc gia, nếu giao rừng cho mọi thành phần kinh tế sẽ khó quản lý và mất rừng, vì vậy có biểu hiện né tránh và ít quan tâm đến công tác này;

- Công tác giao rừng, cho thuê rừng trong thời gian qua được thực hiện nhiều cách khác nhau, không theo một hệ thống thống nhất và nhất quán. Chính sách, quy định của Nhà nước về giao rừng, cho thuê rừng, trách nhiệm và quyền hưởng lợi của các chủ rừng vẫn chỉ mang tính định hướng, thiếu cụ thể nên các địa phương rất lúng túng trong triển khai thực hiện;

- Các chính sách về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp, sử dụng rừng, quyền hưởng lợi còn thiếu thống nhất. Chưa xác định rõ ràng các đối tượng rừng để giao, cho thuê rừng, thiếu các chính sách hỗ trợ các chủ rừng, đặc biệt là các cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân trong quản lý, kinh doanh nghề rừng;

- Công tác tổ chức triển khai thực hiện việc giao rừng, cho thuê rừng của các ngành, các cấp còn chậm, kém hiệu quả. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng rừng còn chậm và thiếu đồng bộ. Phân công, phân cấp trách nhiệm còn chồng chéo, không rõ ràng và thiếu thống nhất;

- Năng lực về tổ chức quản lý và chuyên môn kỹ thuật của các cơ quan Nhà nước các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở về giao rừng, cho thuê rừng rất hạn chế. Việc điều tra, quy hoạch các loại rừng và đánh giá chất lượng rừng để làm cơ sở cho việc giao rừng, cho thuê rừng chưa đáp ứng được yêu cầu;

- Công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật và cơ chế chính sách về lâm nghiệp còn hạn chế và chưa thực sự có hiệu quả. Người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa chưa tích cực tham gia nhận rừng, cũng như quản lý, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả diện tích rừng được giao;

- Việc giám sát, theo dõi và đánh giá hiệu quả công tác giao rừng, cho thuê rừng, sử dụng rừng sau khi giao, cho thuê chưa được làm thường xuyên;

Nhìn chung công tác giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa gắn kết với công tác giao rừng và các cơ chế hưởng lợi, chính sách hỗ trợ đi kèm, vì vậy hiệu quả của việc sử dụng rừng và đất rừng còn rất thấp, tài nguyên rừng vẫn bị suy giảm và đời sống của người dân vẫn chưa được cải thiện.

IV. SỰ CẦN THIẾT TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC GIAO RỪNG, CHO THUÊ RỪNG

Mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đăk Nông nói riêng, Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 và chủ trương phát triển nông thôn mới của Đảng và Nhà nước nói chung là tiếp tục triển khai các biện pháp bảo vệ có hiệu quả diện tích rừng hiện có và phát huy sử dụng tối đa lợi thế của rừng, tiềm năng lao động ở địa phương; bảo vệ rừng gắn với phát triển bền vững tài nguyên rừng góp phần nâng độ che phủ rừng toàn quốc từ 43% năm 2010 lên 47% vào năm 2020 và cải thiện đời sống người dân miền núi, xây dựng nông thôn mới.

Như vậy, để đạt được mục tiêu trên cần phải tăng cường công tác giao rừng, cho thuê rừng cho các thành phần kinh tế để phát triển sản xuất và tăng nguồn thu trong lâm nghiệp. Bên cạnh đó, áp lực về dân số ở các vùng có rừng tăng nhanh, đòi hỏi cao về đất ở và đất canh tác, những đối tượng này chủ yếu là những hộ nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn, sinh kế chủ yếu dựa vào phát nương làm rẫy, khai thác lợi dụng tài nguyên rừng. Trong khi đó diện tích rừng tăng đồng nghĩa với diện tích các loại đất khác bị thu hẹp, đây chính là sự mất cân đối cần có sự điều chỉnh thông qua việc giao rừng, cho thuê rừng cho các hộ gia đình và cá nhân ở các địa phương tạo nên cơ hội và động lực để cải thiện đời sống cho người dân.

Phần II

NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

I. TÊN GỌI, CẤP QUẢN LÝ, QUY MÔ VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN.

- Tên gọi: “Đề án giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn tỉnh Đăk Nông, giai đoạn 2009 - 2011”.

- Cấp quản lý:

Chủ quản đầu tư: UBND tỉnh Đăk Nông

Chủ đầu tư: Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở NN & PTNT

- Quy mô thực hiện: Là toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh (tập trung diện tích ngoài phương án 200 của các Công ty lâm nghiệp).

- Thời gian thực hiện: 3 năm từ 2009 - 2011.

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU VÀ NHIỆM VỤ CỦA CÔNG TÁC GIAO RỪNG, CHO THUÊ RỪNG.

1. Mục tiêu:

Đến năm 2011, về cơ bản hoàn thành việc giao, cho thuê 387.889,07 ha rừng và đất lâm nghiệp đến các chủ rừng thuộc mọi thành phần kinh tế để tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng, trong đó cụ thể:

- Rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng đối với các diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng rừng theo quy định hiện hành cho 181.939,84 ha rừng và đất lâm nghiệp đã giao, cho thuê cho các chủ rừng để quản lý, sử dụng rừng;

- Rà soát và hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng rừng cho 145.649,78 ha rừng và đất lâm nghiệp đã giao và cho thuê nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng rừng;

- Tổ chức thực hiện việc giao rừng, cho thuê rừng đối với 60.299,45 ha rừng và đất lâm nghiệp hiện do UBND cấp xã tạm quản lý (bao gồm cả các diện tích dôi dư sau quy hoạch phương án 200 của các Công ty lâm nghiệp trả về địa phương) đến các chủ rừng cụ thể, ưu tiên các chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn, buôn, bon là người địa phương; (số liệu chi tiết xem phụ biểu 3 và 4)

- Tiếp tục rà soát các diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện do các doanh nghiệp quản lý, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh kém hiệu quả để có kế hoạch thu hồi giao cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn, buôn, bon là người địa phương khi có nguyện vọng và nhu cầu nhận đất, nhận rừng trên các diện tích do các doanh nghiệp này quản lý.

2. Yêu cầu:

- Việc giao rừng, cho thuê rừng phải gắn với kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng đã được UBND tỉnh Đăk Nông phê duyệt tại Quyết định số 702/QĐ-UBND ngày 04/6/2007.

- Giao rừng, cho thuê rừng phải tiến hành đồng thời với giao đất lâm nghiệp. Những diện tích rừng chưa có điều kiện giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, thì tiến hành giao quyền sử dụng rừng trước và có quy chế quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật;

- Những diện tích giao mới phải đảm bảo sự bình đẳng đối với mọi thành phần kinh tế tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giảm thiểu mâu thuẫn có thể nảy sinh; ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc tại chỗ; cộng đồng thôn, buôn, bon theo tập quán đã quản lý rừng trên thực tế, các hộ gia đình, cá nhân đã nhận khoán bảo vệ rừng để cải thiện đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo trong các vùng lâm nghiệp trọng điểm;

- Tổ chức giao, cho thuê quỹ rừng và đất nhà nước đang quản lý cho các chủ rừng quản lý, bảo vệ và sử dụng ổn định theo quy chế quản lý 03 loại rừng và tập trung đẩy nhanh tiến độ giao và cho thuê rừng sản xuất, đặc biệt là diện tích rừng và đất rừng hiện đang tạm do UBND cấp xã quản lý. Việc giao rừng, cho thuê rừng được thực hiện theo 2 mức độ như sau:

+ Mức độ 1: Đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tập trung thì chỉ căn cứ ranh giới, diện tích đã được quy hoạch là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để làm cơ sở giao rừng cho các ban quản lý. Đối với diện tích rừng phòng hộ phân tán, thì tổ chức giao, cho thuê như mức độ 2;

+ Mức độ 2: Đối với rừng sản xuất thì phải đánh giá trữ lượng rừng hoặc giá trị đầu tư (đặc biệt là rừng trồng) để làm cơ sở giao rừng, cho thuê rừng cho các chủ rừng thuộc mọi thành phần kinh tế.

- Việc giao rừng, thuê rừng, thu hồi rừng phải được thực hiện trên nền bản đồ địa hình VN 2000. Tùy theo quy mô về diện tích khu rừng giao, cho thuê để sử dụng một trong các bản đồ có tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/10.000;

- Lồng ghép và phối kết hợp các chương trình, dự án trên địa bàn toàn tỉnh với công tác giao rừng để đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả.

3. Nhiệm vụ:

- Rà soát, thống kê, phân loại và xác định diện tích rừng đã giao, cho thuê, khoán quản lý bảo vệ theo các quy định ở các thời kỳ để làm cơ sở cho việc lập phương án giao rừng, cho thuê rừng, cân đối nhu cầu giao rừng, cho thuê rừng tới các chủ quản lý, sử dụng rừng, gồm các bước công việc sau:

+ Xác định vị trí, ranh giới, diện tích, loại rừng, trạng thái, trữ lượng, chất lượng rừng để giao rừng, cho thuê rừng đến mọi thành phần kinh tế tham gia quản lý. Trong đó quan trọng nhất là khâu đánh giá trạng thái, trữ lượng và chất lượng rừng;

+ Các chủ rừng đã được giao đất lâm nghiệp, giao rừng, cho thuê rừng, nhận khoán quản lý bảo vệ rừng; diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao, cho thuê;

+ Những diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao cho các chủ quản lý, sử dụng nhưng sử dụng sai mục đích, sử dụng kém hiệu quả hoặc chưa sử dụng phải tiến hành thu hồi;

+ Các đối tượng có nguyện vọng và có nhu cầu nhận rừng, thuê rừng và đất lâm nghiệp.

- Xác định cụ thể các khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên nhận rừng, thuê rừng và đất lâm nghiệp.

- Hoàn thiện các cơ chế chính sách quy định cụ thể và thống nhất về công tác giao rừng, cho thuê rừng; có quy định cụ thể, dễ áp dụng về các cơ chế hưởng lợi (gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các giá trị dịch vụ khác của rừng), chính sách hỗ trợ sau giao rừng, cho thuê rừng và cơ chế quản lý, giám sát sau giao rừng, cho thuê rừng.

- Tổ chức thực hiện việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng rừng đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng theo đúng quy định.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TRONG GIAO RỪNG, CHO THUÊ RỪNG.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, khi triển khai thực hiện Đề án cần có những giải pháp đồng bộ và toàn diện, có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành về tổ chức, nhân sự, cơ chế chính sách, quản lý nhà nước, quản lý kế hoạch, tài chính, đến khâu tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá… theo đúng quy định của luật pháp và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đáp ứng mục tiêu, yêu cầu và nhiện vụ trên, Đề án đề xuất các nhóm giải pháp thực hiện như sau:

1. Rà soát hiện trạng, quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp để giao, cho thuê:

- Trên cơ sở kết quả quy hoạch 3 loại rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tiến hành rà soát, xác định hiện trạng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện có; diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao, cho thuê, khoán ổn định lâu dài đến lô trạng thái, loại rừng, chất lượng rừng. Sau khi giao rừng, cho thuê cần thiết phải xác định ranh giới và đóng cọc mốc diện tích các loại rừng trên bản đồ và thực địa để quản lý;

- Rà soát, xác định các chủ rừng, chủ thể quản lý; xác định các đối tượng có nhu cầu nhận rừng, thuê rừng;

- Xây dựng kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng, căn cứ hiện trạng tài nguyên rừng và nhu cầu nhận rừng, thuê rừng, ưu tiên đối tượng là rừng sản xuất hiện chưa có chủ quản lý thực sự.

2. Quyền và nghĩa vụ của chủ rừng (đối tượng được giao, được thuê):

Quyền và nghĩa vụ của tất cả các chủ rừng chỉ thực hiện trong thời gian đã được giao, được thuê. Cụ thể được quy định chi tiết tại Điều 30 mục 3 Chương II và từ Điều 59 đến Điều 78 mục 1 đến mục 5 Chương V Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004; Điều 105 đến Điều 119 mục 1 đến mục 4 Chương IV Luật Đất đai và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng và thu hồi rừng:

3.1. Thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp:

- Thẩm quyền của UBND tỉnh: thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004; khoản 1 Điều 37 Luật Đất đai năm 2003;

- Thẩm quyền của UNBD huyện, thị xã: thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 28, điểm a khoản 3 Điều 29 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004; khoản 2, Điều 37 Luật Đất đai năm 2003;

Cơ quan có thẩm quyền quyết định giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp quy định tại mục này không được ủy quyền.

3.2. Thẩm quyền thu hồi rừng và đất lâm nghiệp:

- Các căn cứ để thu hồi rừng và đất lâm nghiệp được quy định cụ thể tại Điều 26 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004; Điều 38 đến Điều 43 Luật Đất đai năm 2003;

- Thẩm quyền thu hồi rừng và đất lâm nghiệp: Cơ quan có thẩm quyền giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp quy định tại mục 3.1 có quyền thu hồi rừng và đất lâm nghiệp.

4. Xác định hạn mức rừng được giao, cho thuê; thời gian giao, cho thuê rừng và các đối tượng được nhận rừng:

4.1. Hạn mức giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp:

- Đối với cá nhân, hộ gia đình tùy thuộc vào quỹ đất và quỹ rừng của địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định giao rừng, tối đa không quá 30 ha/hộ;

- Đối với cộng đồng dân cư thôn, làng, buôn, bản, ấp căn cứ vào quỹ rừng thực tế của địa phương và nhu cầu của cộng đồng, Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét năng lực của cộng đồng và xác định quy mô diện tích rừng giao cho cộng đồng theo thẩm quyền;

- Đối với các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các doanh nghiệp lâm nghiệp, chủ rừng thuộc nhà nước quản lý, căn cứ vào kết quả rà soát quy hoạch, UBND cấp tỉnh quyết định việc giao rừng theo thẩm quyền;

- Đối với các chủ rừng khác, trên cơ sở quỹ đất và quỹ rừng của từng địa phương Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ vào nhu cầu thực tế và năng lực của chủ rừng để quyết định hạn mức giao rừng và cho thuê rừng.

4.2. Thời gian giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp:

Thời gian giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp cho cá nhân, hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng và các tổ chức là 50 năm kể từ khi giao, cho thuê. Khi hết thời hạn, nếu người sử dụng (chủ rừng) có nhu cầu tiếp tục sử dụng và trong quá trình sử dụng rừng và đất lâm nghiệp chấp hành đúng pháp luật về đất đai, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét giao, cho thuê để tiếp tục sử dụng.

4.3. Đối tượng rừng và đất lâm nghiệp được giao, cho thuê:

- Toàn bộ quỹ rừng và đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng trồng bằng kinh phí Nhà nước, nhưng chưa được giao hoặc thuê;

- Diện tích rừng đã giao hoặc cho thuê nhưng chưa tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tiến hành hoàn thiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng rừng;

- Diện tích rừng và đất lâm nghiệp do Ủy ban nhân dân các cấp hiện đang tạm quản lý (gồm cả diện tích dôi dư sau khi quy hoạch phương án 200 các doanh nghiệp trả về địa phương quản lý);

- Diện tích rừng và đất lâm nghiệp (chủ yếu là rừng sản xuất) đã giao và cho thuê cho các doanh nghiệp (chủ rừng) quản lý, sử dụng nhưng sử dụng sai mục đích, sử dụng kém hiệu quả hoặc chưa sử dụng trong khi quỹ rừng và đất rừng của địa phương hạn hẹp và đối tượng (cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng và tổ chức xã hội) có nhu cầu sử dụng, thì tiến hành làm thủ tục thu hồi để giao, cho thuê theo quy định;

- Một số diện tích rừng phòng hộ phân tán giao cho doanh nghiệp, cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân.

4.4. Các đối tượng được nhận rừng và đất lâm nghiệp:

Căn cứ vào quy hoạch và quỹ rừng ở địa phương, đối tượng được nhận rừng và đất lâm nghiệp được xác định theo thứ tự ưu tiên như sau:

- Hộ gia đình, cá nhân thường trú tại địa phương;

- Hộ gia đình, cá nhân đã gắn bó lâu đời với những khu rừng cụ thể ở địa phương, được cộng đồng dân cư ở đó thừa nhận;

- Cộng đồng, nhóm hộ dân cư thôn, buôn, bon được giao những khu rừng thiêng, rừng bảo vệ nguồn nước hoặc những khu rừng đã gắn bó lâu đời với cộng đồng, nhóm hộ;

- Đơn vị vũ trang đóng quân ở gần rừng và trong rừng;

- Các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;

- Các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức khác.

5. Phương pháp tiếp cận trong giao rừng, cho thuê rừng:

Để triển khai thực hiện công tác này có hiệu quả, phương pháp đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia (PRA) phối hợp với điều tra đánh giá tài nguyên rừng có sự tham gia của người dân và các bên liên quan sẽ được triển khai áp dụng để xây dựng và lập phương án giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp.

Các bước tiến hành cũng như phương pháp tiếp cận, kỹ thuật chính được minh họa trong hình 4 và triển khai thực hiện theo đúng trình tự nội dung quy định tại Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25/4/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn.

Trên cơ sở thu hút sự tham gia của các bên liên quan từ cấp tỉnh đến huyện, thị, xã, phường và thôn, buôn vào công tác giao rừng, cho thuê rừng. Qua đó sẽ hình thành một hệ thống quản lý lâm nghiệp thống nhất để phục vụ cho công tác này nhằm hỗ trợ cho mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư tham gia nhận đất, nhận rừng để quản lý, bảo vệ và sản xuất kinh doanh rừng trên diện tích được giao, được thuê có hiệu quả; đồng thời năng lực chuyên môn của các bên lien quan sẽ từng bước được nâng cao.

Hình 4: Sơ đồ các bước tiếp cận trong giao rừng, cho thuê rừng

 

6. Xác định cơ chế hưởng lợi của chủ rừng:

6.1. Nguyên tắc xác định:

- Đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước và chủ thể trực tiếp quản lý, bảo vệ, sản xuất kinh doanh và phát triển rừng; giữa lợi ích kinh tế của rừng với lợi ích phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, giữa lợi ích trước mắt và lâu dài.;

- Quyền hưởng lợi trên diện tích rừng và đất rừng được giao, được thuê bao gồm:

Gỗ, củi, lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm nông nghiệp trồng xen, vật nuôi và các giá trị khác của rừng mang lại tương xứng với tiền của, công sức của chủ rừng đã đầu tư;

- Quyền hưởng lợi chỉ được thực hiện trong thời gian chủ rừng được giao, được thuê rừng và đất lâm nghiệp.

6.2. Cơ chế hưởng lợi:

a) Đối với cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng:

Về cơ chế và quyền hưởng lợi của cá nhân, hộ gia đình được quy định tại Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg , tuy nhiên mức hưởng lợi trong Quyết định này còn thấp do vậy việc thu hút người dân tham gia vào hoạt động nghề rừng vẫn còn hạn chế. Mặt khác cơ chế và quyền hưởng của cộng đồng chưa có văn bản nào quy định cụ thể, hiện nay vấn đề hưởng lợi của cộng đồng mới đang được triển khai áp dụng thí điểm thông qua mô hình rừng ổn định tại xã Đăk R’Tih, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông; xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình;…

Trên cơ sở vận dụng Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg và các mô hình rừng ổn định đã được triển khai áp dụng trong thực tế. Đề án đề xuất các cơ chế và quyền hưởng lợi cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng như sau:

- Đối với sản phẩm nông nghiệp trồng xen, vật nuôi,… chủ rừng được hưởng lợi 100% khi đến kỳ khai thác.

- Đối với lâm sản ngoài gỗ:

- Trường hợp khai thác phục vụ cho nhu cầu sử dụng tại chỗ như ăn, làm thuốc, đan lát, làm các công trình phụ thì chủ rừng tự chủ động việc khai thác, chỉ cần báo cáo UBND xã, phường, thị trấn sở tại;

- Trường hợp khai thác mang tính thương mại chủ rừng phải lập kế hoạch khai thác theo đúng quy định, trình UBND xã, phường, thị trấn và Kiểm lâm địa bàn sở tại xác nhận; UBND huyện, thị xã hoặc Sở NN & PTNT phê duyệt, cấp phép để thực hiện. Quá trình thực hiện chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Kiểm lâm và chính quyền sở tại. Giá trị lâm sản khai thác sau khi nộp thuế theo quy định, chủ rừng được hưởng 95% phần còn lại 5% nộp vào ngân sách Nhà nước;

Các trường hợp trên chỉ được khai thác các loài thông thường, nghiêm cấm khai thác các loài Thực vật, Động vật hoang dã quý, hiếm theo quy định của pháp luật. Chủ rừng tự chịu trách nhiệm về chi phí khai thác.

- Đối với lâm sản là gỗ:

 Gỗ rừng trồng:

- Đối với gỗ rừng trồng thuộc vốn ngân sách Nhà nước cấp (trồng trước khi giao, cho thuê) chủ rừng phải lập kế hoạch theo quy định, trình UBND xã, phường, thị trấn và Kiểm lâm địa bàn sở tại xác nhận; Chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã phê duyệt, cấp phép; thủ tục và trình tự khai thác thực hiện theo quy định hiện hành. Giá trị lâm sản khai thác sau khi nộp thuế theo quy định, chủ rừng được hưởng 80% phần còn lại 20% nộp vào ngân sách Nhà nước;

- Đối với gỗ rừng trồng thuộc vốn liên doanh, liên kết; vốn hỗ trợ của các Dự án. Chủ rừng cùng các bên liên quan tự thỏa thuận về thời điểm khai thác, cơ chế hưởng lợi và nộp thuế theo quy định. Thủ tục và trình tự khai thác thực hiện theo quy định hiện hành;

- Đối với gỗ rừng trồng mà chủ rừng tự bỏ vốn đầu tư thì được quyền tự quyết định việc khai thác và sử dụng lâm sản.

 Gỗ rừng tự nhiên:

- Đối với rừng thứ sinh nghèo kiệt chủ rừng được hưởng 100%;

- Đối với rừng phục hồi, rừng nghèo gồm các trạng thái IIA, IIB, … IIIA1 cây gỗ có đường kính phổ biến không vượt quá 20 cm, trữ lượng trung bình dưới 100 m3/ha. Giá trị lâm sản khai thác sau khi nộp thuế theo quy định chủ rừng được hưởng 85%, phần còn lại 15% nộp ngân sách Nhà nước;

- Đối với rừng trung bình gồm các trạng IIIA2, IIIA3 đã có một số cây gỗ có đường kính lớn hơn 35 cm, trữ lượng trung bình ≥ 100 m3/ha. Giá trị lâm sản khai thác sau khi nộp thuế theo quy định, mỗi năm chủ rừng được hưởng 20%, phần còn lại 80% nộp ngân sách Nhà nước;

- Đối với rừng giàu gồm các trạng IIIB, IVA, IVB khả năng cung cấp gỗ của rừng còn nhiều, trữ lượng trung bình ≥ 150 m3/ha. Giá trị lâm sản khai thác sau khi nộp thuế theo quy định, mỗi năm chủ rừng được hưởng 10%, phần còn lại 90% nộp ngân sách Nhà nước;

Các trường hợp trên chỉ được khai thác các loài gỗ thông thường từ nhóm 2 đến nhóm 8, nghiêm cấm khai thác các loài gỗ quý, hiếm theo quy định của pháp luật. Thủ tục và trình tự khai thác thực hiện theo quy định hiện hành, chủ rừng tự chịu trách nhiệm về chi phí khai thác.

Ngoài các phương thức hưởng lợi nêu trên, để có thể sản xuất kinh doanh rừng tự nhiên lâu dài và ổn định; đồng thời cân đối được giữa nhu cầu của chủ rừng với khả năng cung cấp lâm sản (gỗ) của các lô rừng mà họ đã nhận; mô hình cấu trúc phân bố số cây theo cỡ kính (N/D) ổn định được sử dụng, cấu trúc N/D được lập theo kiểu rừng, trạng thái rừng, điều kiện lập địa và bảo đảm định hướng có một vốn rừng ổn định để tiếp tục phát triển và kinh doanh bền vững theo định kỳ 5 năm.

Mô hình này là cơ sở giúp cho việc xác định các giải pháp kỹ thuật lâm sinh như: khai thác, chặt nuôi dưỡng rừng tự nhiên theo hướng dẫn dắt rừng về dạng ổn định và đáp ứng được mục tiêu quản lý rừng, kinh doanh rừng.

Hình 5: Mô hình số cây theo cỡ kính (N/D) rừng ổn định làm cơ sở xác định số cây chủ rừng được hưởng lợi theo định kỳ 5 năm

(Nguồn: Bảo Huy 2006, Hướng dẫn kỹ thuật lâm sinh đơn giản cho rừng tự nhiên Việt Nam, Dự án ETSP/helvetas - Bộ NN & PTNT)

Qua việc triển khai áp dụng mô hình này cho thấy khá thành công và phù hợp với tập quán của cộng đồng, lợi ích được chia sẻ trực tiếp khi cộng đồng tham gia các hoạt động quản lý rừng, vốn rừng vẫn được duy trì ổn định. Do vậy cần tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng mô hình này tới các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.

b) Đối với các doanh nghiệp và các tổ chức khác:

Sau khi được giao, thuê rừng thực hiện việc quản lý rừng theo quy chế quản lý 3 loại rừng và các quy định khác của pháp luật. Để hưởng lợi lâm sản từ rừng các đơn vị cần phải xây dựng phương án điều chế rừng theo đúng quy định tại Chỉ thị số 15-LSCNR ngày 19/7/1989 của Bộ Lâm nghiệp (cũ) về việc xây dựng phương án điều chế rừng đơn giản và các quy định hiện hành khác; thực hiện việc khai thác lâm sản theo quy định tại Quyết định số 40/2005-QĐ/BNN ngày 07/7/2005 của Bộ NN & PTNT về Ban hành quy chế khai thác gỗ và lâm sản, các quy định khác của pháp luật.

+ Đối với các hưởng lợi khác như kinh doanh du lịch sinh thái,… tất cả các chủ rừng đều phải xây dựng Dự án, Phương án khả thi, được cấp thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.

7. Đào tạo và tuyên truyền về giao rừng, cho thuê rừng:

- Đào tạo nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn cho các cơ quan, cán bộ quản lý và kỹ thuật để từng bước tự tổ chức, giám sát và thực hiện phương án giao rừng, cho thuê rừng;

- Tập huấn, huấn luyện kỹ thuật, nghiệp vụ bảo vệ rừng và các nội dung liên quan cho các lực lượng chuyên ngành, chủ rừng và các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng. Ưu tiên đào tạo cho lực lượng địa phương và cơ sở;

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về chính sách của nhà nước về giao rừng, cho thuê rừng; quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

8. Tổ chức và quản lý quá trình giao rừng, cho thuê rừng:

8.1. Xây dựng phương án giao rừng, cho thuê rừng:

Trên cơ sở loại rừng và đối tượng được giao rừng, thuê rừng đã được xác định, Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo các ngành liên quan xây dựng phương án giao rừng, cho thuê rừng với một số yêu cầu chủ yếu sau:

- Phương án giao rừng, cho thuê rừng phải được cụ thể hóa đến từng thôn, bản, có sự tham gia của các bên liên quan, chính quyền cơ sở và xây dựng lịch trình, tiến độ cụ thể;

- Giao rừng sản xuất (rừng tự nhiên và rừng trồng) trên cơ sở kiểm kê, xác định trữ lượng và đánh giá chất lượng rừng đến lô trạng thái. Trong từng trường hợp cụ thể, nghiên cứu sử dụng ảnh vệ tinh độ phân giải cao để làm cơ sở đánh giá chất lượng rừng.

- Giao rừng phòng hộ và đặc dụng trên cơ sở kết quả kiểm kê hiện trạng (ranh giới, diện tích) của từng khu rừng.

8.2. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sử dụng rừng:

- Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải tiến hành đồng thời với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng;

- Những nơi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm thì tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng trước.

8.3. Quản lý hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng:

Toàn bộ hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng phải được thiết lập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu của cấp tỉnh, huyện, xã. Hồ sơ giao và cho thuê rừng gồm 03 bộ: chủ rừng giữ 01 bộ; cơ quan lâm nghiệp cùng cấp (Kiểm lâm) giữ 01 bộ và cấp chính quyền ra quyết định giao rừng, cho thuê rừng giữ 01 bộ.

Hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng gồm có:

- Biên bản xác nhận về hiện trạng khu rừng được giao;

- Quyết định hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng;

- Bản đồ giao rừng tỷ lệ 1/10.000 (đối với tổ chức) hoặc sơ đồ giao rừng tỷ lệ 1/5.000 (đối với hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn); các thông tin về tọa độ, ranh giới và các mô tả khác về diện tích.

- Biên bản bàn giao rừng tại thực địa có xác nhận của các chủ rừng có chung ranh giới.

9. Giải pháp về khoa học công nghệ và hợp tác trong giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp:

- Xây dựng hệ thống hồ sơ, sổ sách và cơ sở dữ liệu về giao rừng, cho thuê rừng và các chủ rừng để quản lý và cập nhật;

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giao rừng, thuê rừng;

- Nghiên cứu ứng dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh đơn giải phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để giúp các chủ rừng sản xuất kinh doanh có hiệu quả trên các diện tích đã được giao, được thuê;

- Hợp tác, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực giao rừng, bảo vệ và phát triển rừng của các Dự án hiện đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

IV. TỔ CHỨC VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN.

1. Tổ chức thực hiện:

1.1. Ở cấp tỉnh:

Thành lập Ban chỉ đạo giao rừng, cho thuê rừng gồm: Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách nông lâm nghiệp làm Trưởng Ban; Phó giám đốc Sở NN & PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm làm Phó trưởng Ban; các thành viên: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Lâm nghiệp và các Ban, ngành liên quan khác. Văn phòng Ban chỉ đạo đặt tại trụ sở Chi cục Kiểm lâm tỉnh.

a) Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở NN & PTNT (đơn vị chủ trì):

Thành lập Tổ công tác thường trực nòng cốt là lực lượng Kiểm lâm, Chi cục lâm nghiệp và Sở Tài nguyên & Môi trường để tham mưu giúp việc cho Ban chỉ đạo thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng, có nhiệm vụ:

- Tham mưu cho Ban chỉ đạo tổ chức hội nghị triển khai công tác giao rừng, cho thuê rừng;

- Xây dựng kế hoạch rà soát quy hoạch, xác định hiện trạng tài nguyên rừng gắn với diện tích rừng, đất lâm nghiệp đã giao, cho thuê, khoán và các đối tượng chủ rừng nhận giao và thuê rừng trên phạm vi toàn tỉnh;

- Xây dựng chương trình, nội dung, kế hoạch tập huấn để tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho tổ công tác giao rừng, cho thuê rừng từ tỉnh đến huyện;

- Số hóa bản đồ thành quả giao đất lâm nghiệp lên nền VN 2000 để cấp cho đơn vị cơ sở thực hiện;

- Phối hợp với các địa phương xây dựng triển khai và thực hiện phương án giao và cho thuê rừng trên địa bàn toàn tỉnh;

- Hợp đồng với các đơn vị tư vấn có chức năng tư vấn về xây dựng phương án, dự án giao rừng, cho thuê rừng ở các cấp; điều tra, đánh giá hiện trạng rừng, giao rừng tại thực địa, quy trình sử dụng ảnh viễn thám để phục vụ công tác giao rừng, cho thuê rừng;

- Chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, nghiệm thu kết quả thực hiện giao rừng, cho thuê rừng; quản lý thành quả giao rừng, thuê rừng gắn với giao đất, thuê đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

b) Chi cục Lâm nghiệp thuộc Sở NN & PTNT:

Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án; đồng thời phối hợp với các Sở, ngành và Chi cục Kiểm lâm tổ chức thực hiện việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn, buôn.

c) Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Phối hợp với các Sở, ngành thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án; đồng thời phối hợp với các Sở, ngành và Chi cục Kiểm lâm tổ chức thực hiện việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn, buôn. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp gắn với tài sản trên đất.

- Chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã tham gia tích cực trong công tác giao rừng, cho thuê rừng đồng thời với công tác giao đất, thuê đất, thu hồi đất lâm nghiệp.

d) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

Phối hợp với các Sở, ngành thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt; đảm bảo kinh phí tổ chức thực hiện giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng hàng năm của tỉnh và thanh quyết toán theo quy định.

e) Các Ban, ngành có liên quan khác:

Tích cực tham gia tuyên tuyền, vận động, phổ biến chủ trương của Nhà nước và tham gia tích cực công tác giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn, buôn, bon.

1.2. Ở cấp huyện, thị xã:

- Thành lập các Ban chỉ đạo giao rừng, thuê rừng cấp huyện, thị xã; chỉ đạo thành lập Hội đồng giao rừng, thuê rừng cấp xã, phường, thị trấn; lập tổ công tác thường trực ở cấp huyện, thị xã; cụ thể:

+ Ban chỉ đạo cấp huyện, thị xã gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch làm Trưởng ban; Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm làm Phó ban trực; Phòng Nông nghiệp, Tài nguyên & Môi trường, Kế hoạch - Tài chính, UBND các xã, phường, thị trấn làm thành viên. Trụ sở văn phòng Ban chỉ đạo đặt tại Hạt Kiểm lâm.

+ Hội đồng cấp xã, phường, thị trấn gồm: Phó Chủ tịch làm Chủ tịch hội đồng, cán bộ Kiểm lâm địa bàn làm Phó Chủ tịch hội đồng, cán bộ địa chính, Hội nông dân, các trưởng thôn, buôn, bon làm thành viên.

+ Tổ công tác thường trực ở cấp huyện, thị xã gồm nòng cốt là lực lượng Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp, Tài nguyên & Môi trường thực hiện chức năng tham mưu trực tiếp cho ban chỉ đạo cấp huyện, thị xã trong giao rừng, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp.

Có nhiệm vụ:

Tổ chức hội nghị triển khai cấp huyện, thị xã; chỉ đạo UBND xã tổ chức hội nghị triển khai đến cán bộ chủ chốt cấp xã, thôn bản; đồng thời chỉ đạo UBND các xã tổ chức tuyên truyền sâu rộng chủ trương giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã;

Tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ về giao rừng, cho thuê rừng cho Hội đồng cấp xã, phường, thị trấn;

Rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp theo chủ quản lý, đối tượng tham gia nhận đất, nhận rừng, xác định và quy hoạch diện tích rừng và đất lâm nghiệp để giao, cho thuê. Chịu trách nhiệm xây dựng Phương án giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng toàn huyện, thông qua HĐND huyện, thị xã, trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện theo quy định.

2. Tiến độ thực hiện:

Từ 2009 đến 2011, các nội dung từng phần của Đề án sẽ được xây dựng theo các kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện.

+ Năm 2009:

- Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án giao rừng, thuê rừng cấp tỉnh;

- Rà soát quy hoạch, xác định hiện trạng tài nguyên rừng gắn với diện tích rừng, đất lâm nghiệp đã giao, cho thuê, khoán và các đối tượng chủ rừng nhận giao và thuê rừng trên phạm vi toàn tỉnh;

- Xây dựng chương trình, nội dung, kế hoạch và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho tổ công tác giao rừng, cho thuê rừng từ tỉnh đến huyện;

- Số hóa bản đồ thành quả giao đất lâm nghiệp lên nền VN 2000 để cấp cho đơn vị cơ sở thực hiện;

- Tổ chức triển khai thực hiện giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn trên cơ sở Đề án đã được phê duyệt.

Chọn 2 huyện triển khai toàn diện; các huyện còn lại, mỗi huyện, thị chọn từ 2 – 3 xã để thực hiện thí điểm; cụ thể:

+ Huyện Tuy Đức 3.177,53 ha; huyện Đăk Glong 3.103,93 ha;

+ Huyện Cư Jút: xã Trúc Sơn 350,0 ha; xã Cư K’Nia 271,45 ha;

+ Huyện Krông Nô: xã Quảng phú 750,0 ha; xã Đức Xuyên 822,4 ha;

+ Huyện Đăk Mil: xã Đăk Gằn 455,0 ha; xã Đăk Lao 502,41 ha;

+ Huyện Đăk Song: xã Trường Xuân 275,0 ha; xã Nam Bình 81,4 ha;

+ Thị xã Gia Nghĩa: xã Đăk Nia 820,0 ha; xã Đăk R’Moan 157,67 ha;

+ Huyện Đăk R’Lấp: xã Nghĩa Thắng 257,0 ha; xã Đăk Sin 295,39 ha.

Riêng đối với việc rà soát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng rừng đối với các diện tích đã có quyết định giao, cho thuê của cấp có thẩm quyền sẽ được triển khai đồng thời trên địa bàn các huyện, thị xã.

- Tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm.

+ Năm 2010 - 2011: tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ và phấn đấu đến hết năm 2011 toàn tỉnh cơ bản hoàn thành công tác giao rừng, cho thuê rừng.

(Số liệu chi tiết xem phụ biểu 5 và 9)

3. Kinh phí thực hiện:

3.1. Nguyên tắc thực hiện:

+ Nguồn kinh phí thực hiện do ngân sách Nhà nước cấp, đóng góp của các chủ

rừng và được sử dụng theo đúng các quy định hiện hành về chế độ thu - chi tài chính.

+ Ngân sách Nhà nước cấp chi cho các hoạt động: Rà soát quy hoạch, xác định hiện trạng tài nguyên rừng và diện tích rừng, đất lâm nghiệp để giao, cho thuê và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng rừng; Đào tạo, tập huấn nghiệp vụ và chi khác.

+ Định mức hỗ trợ và đối tượng được hỗ trợ:

- Đối với cá nhân, hộ gia đình và cộng động dân cư thôn, buôn, bon tại địa phương; các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; các tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang trong tỉnh ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí để nhận rừng, thuê rừng;

- Đối với các doanh nghiệp quốc doanh do Nhà nước quản lý, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí để nhận rừng, thuê rừng;

- Đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các tổ chức khác, tự chịu trách nhiệm về kinh phí để nhận rừng, thuê rừng;

3.2. Khái toán vốn đầu tư:

+ Tổng dự toán kinh phí: 28.582.876.760,66 đồng

Trong đó:

- Chi phí trực tiếp: 25.206.877.664,30 đồng

+ Chi phí giao rừng, cho thuê rừng: 24.495.173.700,04 đồng

+ Chi phí hỗ trợ cấp giấy CNQSD đất: 711.703.964,27 đồng

- Chi phí gián tiếp: 2.115.655.213,14 đồng

+ Chi phí tuyên truyền: 18.750.000,00 đồng

+ Chi phí đào tạo, tập huấn: 57.050.000,00 đồng

+ Chi phí xây dựng Đề án: 23.305.000,00 đồng

+ Chi phí quản lý chung: 2.016.550.213,00 đồng

- Chi phí dự phòng: 1.260.343.883,00 đồng

(Chi tiết xem phụ biểu từ 6 đến 9)

+ Nguồn vốn đầu tư: Vốn ngân sách trích từ nguồn vốn Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng (Chương trình 661) của tỉnh.

V. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN.

1. Về môi trường:

Đề án được thực thi sẽ góp phần bảo vệ, phát triển, phục hồi và nâng cao độ che phủ của rừng; duy trì và nâng cao giá trị sản xuất kinh tế cũng như chức năng tác dụng phòng hộ của rừng, đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái và bảo tồn tính ĐDSH của rừng;

2. Về kinh tế:

- Thực hiện thành công việc giao rừng, cho thuê rừng sẽ góp phần tích cực nhằm bảo vệ và phát triển có hiệu quả diện tích rừng hiện có; phát huy sử dụng tối đa tiềm năng lợi thế của rừng và đất rừng, tiềm năng lao động ở địa phương;

- Mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư đều được tham gia nhận đất, nhận rừng để ổn định sản xuất lâu dài, từng bước phát triển sinh kế và tạo ra thu nhập từ sản xuất kinh doanh nghề rừng góp phần quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

3. Về xã hội:

Giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất lâm nghiệp góp phần quan trọng trong việc ổn định trật tự xã hội tại địa phương; Giải quyết được các mâu thuẫn trong sử dụng đất, hạn chế tình trạng lấn chiếm, sang nhượng đất đai, phá rừng để lấy đất canh tác trái phép; Rừng và đất rừng có chủ thực sự và được quản lý đa dạng bởi nhiều chủ thể khác nhau, đặc biệt là có sự tham gia của người dân và cộng đồng, góp phần phát huy sức mạnh của toàn xã hội trong công tác Bảo vệ và Phát triển rừng.

Phần III

KẾT LUẬN

Đề án giao rừng, cho thuê rừng được xây dựng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và sự cần thiết thu hút sự tham gia mọi thành phần kinh tế vào tiến trình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương. Đây là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện phân cấp, phân quyền trong quản lý rừng cũng như bảo đảm cho rừng có chủ thực sự, góp phần giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng phá rừng cũng như lấn chiếm, sang nhượng đất đai trái phép đang diễn ra mà hiện nay chưa kiểm soát được trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở tính toán hiệu quả của 3 lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường cho thấy việc quản lý rừng thu hút được nhiều thành phần tham gia có tính khả thi cao khi gắn việc bảo vệ rừng với lợi ích của các chủ thể quản lý, gắn được bảo vệ và phát triển rừng với phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo, góp phần thiết thực thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển lâm nghiệp của tỉnh và chủ trương phát triển nông thôn mới của Đảng và Nhà nước./.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1941/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt đề án giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2009 - 2011 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành

  • Số hiệu: 1941/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/12/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
  • Người ký: Đỗ Thế Nhữ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản