Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 38/2005/CT-TTG

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2005 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC RÀ SOÁT, QUY HOẠCH LẠI 3 LOẠI RỪNG (RỪNG PHÒNG HỘ, RỪNG ĐẶC DỤNG VÀ RỪNG SẢN XUẤT)

Để góp phần triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã được Quốc hội Khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004, ngành lâm nghiệp cần phải khẩn trương thực hiện việc rà soát, quy hoạch lại, xác định rõ diện tích các loại rừng để làm cơ sở cho việc tổ chức sắp xếp lại sản xuất trong ngành lâm nghiệp, thực hiện các chủ trương chính sách về đầu tư, giao rừng, khoán bảo vệ rừng, sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh theo Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất trong ngành lâm nghiệp,… Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

I. BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CHỦ TRÌ, PHỐI HỢP VỚI CÁC BỘ, NGÀNH LIÊN QUAN KHẨN TRƯƠNG THỰC HIỆN TỐT CÁC NỘI DUNG CÔNG TÁC SAU ĐÂY:

1. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát, quy hoạch lại các loại rừng, xác định rõ quy mô, diện tích hợp lý, đúng mục tiêu, đối tượng, chủng loại rừng; theo đúng tiêu chí phân cấp rừng phòng hộ, tiêu chí phân loại rừng đặc dụng, tiêu chí rừng sản xuất là rừng tự nhiên (có trữ lượng giàu, trung bình cần phải đóng cửa để làm rừng dự trữ quốc gia); bảo đảm đủ diện tích để phát huy được chức năng của mỗi loại rừng.

a) Các loại rừng thuộc diện tích rừng quốc gia (sau đây gọi tắt là rừng quốc gia) bao gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên có trữ lượng giàu, trung bình nhưng phải đóng cửa (không khai thác) làm rừng dự trữ quốc gia;

b) Trên cơ sở quy hoạch rà soát lại các loại rừng thuộc rừng quốc gia nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành chức năng ký bàn giao về diện tích rừng và thực trạng rừng (cần ghi hình lưu trữ khi bàn giao) cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh để chỉ đạo quản lý theo thẩm quyền và phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý nhà nước đối với tài nguyên rừng quốc gia nằm trên địa bàn thuộc tỉnh quản lý. Khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thay đổi vị trí công tác phải bàn giao lại cho người kế nhiệm đầy đủ diện tích rừng và thực trạng rừng quốc gia thuộc địa phương quản lý.

2. Quy hoạch xác định rõ các loại rừng sản xuất và đất lâm nghiệp quy hoạch trồng rừng sản xuất, bao gồm:

a) Rừng tự nhiên đang được quy hoạch là rừng sản xuất;

b) Diện tích các loại rừng sau khi được rà soát, quy hoạch lại, chuyển thành rừng sản xuất, nhưng không thuộc các khu rừng quốc gia nêu trên;

c) Diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch để trồng rừng sản xuất;

d) Diện tích các loại rừng sản xuất do các nông, lâm trường quốc doanh quản lý được sắp xếp tổ chức lại theo Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ, rừng do các tổ chức khác quản lý…

đ) Rừng thiêng; rừng nghĩa trang; rừng phòng hộ bảo vệ mỏ nước của buôn, làng, dân tộc;… do Ủy ban nhân dân xã hoặc cộng đồng dân cư đang quản lý sử dụng.

3. Thành lập tổ công tác thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp kết quả rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng của các địa phương, phát hiện những vấn đề vướng mắc nảy sinh báo cáo các cơ quan chức năng xử lý kịp thời; bảo đảm việc rà soát quy hoạch 3 loại rừng phải hoàn thành trong quý II năm 2006 và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nông thôn tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước tháng 8 năm 2006.

II. CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG TRỰC TIẾP CHỈ ĐẠO VÀ KIỂM TRA, GIÁM SÁT VIỆC QUY HOẠCH 3 LOẠI RỪNG THUỘC ĐỊA PHƯƠNG:

1. Quy hoạch rừng đặc dụng: rà soát lại diện tích rừng đặc dụng hiện có, lựa chọn những diện tích rừng điển hình, đặc trưng, thực sự đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thì quy hoạch là rừng đặc dụng; không mở rộng thêm diện tích các khu rừng đặc dụng (trừ những trường hợp đặc biệt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định). Những diện tích đã được quy hoạch là rừng đặc dụng, nếu thực sự không đảm bảo tiêu chí thì đưa ra khỏi rừng đặc dụng, chuyển thành rừng sản xuất.

2. Quy hoạch rừng phòng hộ: khi quy hoạch rừng phòng hộ, ưu tiên quy hoạch các khu rừng phòng hộ cho công trình thủy điện, hồ đập thủy lợi lớn, rừng phòng hộ ven biển, rừng phòng hộ biên giới… theo tiêu chí phân cấp rừng phòng hộ đầu nguồn, đất lâm nghiệp được phân thành 3 cấp: rất xung yếu, xung yếu và ít xung yếu.

Sau khi cho điểm theo quy định của tiêu chí để quy hoạch, phân loại rừng, những diện tích rừng phòng hộ rất xung yếu và phòng hộ xung yếu, nhưng không thuận lợi cho việc phát triển rừng sản xuất thì quy hoạch là rừng phòng hộ; những diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu và những diện tích rừng phòng hộ trước đây đã quy hoạch không đúng tiêu chí thì kiên quyết chuyển sang thành rừng sản xuất.

3. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27; khoản 2 Điều 28 của Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004.

4. Quy hoạch rừng sản xuất: ngoài diện tích rừng được quy hoạch là rừng quốc gia nêu trên, diện tích đất lâm nghiệp và rừng còn lại được quy hoạch thành rừng sản xuất.

5. Sau khi đã quy hoạch, xác định rõ 3 loại rừng, phải tiến hành xác định rõ ranh giới trên bản đồ và đóng mốc ranh giới các loại rừng trên thực địa; đồng thời tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách của nhà nước về đầu tư xây dựng và phát triển đối với mỗi loại rừng; tập trung ưu tiên cho nhiệm vụ bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; sắp xếp, đổi mới và phát triển các lâm trường quốc doanh; đẩy mạnh việc giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp để khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Đối với rừng phòng hộ biên giới, có thể xem xét giao cho lực lượng bộ đội biên phòng quản lý bảo vệ, phát triển rừng…

III. BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ, BỘ TÀI CHÍNH CÂN ĐỐI KINH PHÍ, BẢO ĐẢM CHO VIỆC THỰC HIỆN VIỆC RÀ SOÁT QUY HOẠCH LẠI, XÁC ĐỊNH RÕ DIỆN TÍCH 3 LOẠI RỪNG ĐÚNG TIẾN ĐỘ, THEO PHƯƠNG ÁN ĐÃ ĐƯỢC CẤP CÓ THẨM QUYỀN PHÊ DUYỆT.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC,
Ban điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
Các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NN (5b), Trang (315b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG



 
Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 38/2005/CT-TTg về việc rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất) do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 38/2005/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 05/12/2005
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 05/12/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 20/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản