Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2015/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 24 tháng 7 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V GIAO SỐ LƯỢNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN; QUY ĐỊNH SỐ LƯỢNG, CHỨC DANH, MỨC PHỤ CẤP ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN VÀ Ở THÔN, BẢN, TỔ DÂN PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân số 11/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân số 31/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Pháp lệnh Công an xã ngày 21 tháng 11 năm 2008; Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh công an xã;

Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 23/11/2009; Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quan tự vệ;

Căn cứ Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ về bảo vệ dân phố;

Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Căn cứ Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 8 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về sử đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Căn cứ Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế;

Căn cứ Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng chính phủ về quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn bản; Căn cứ Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT/BNV-BTC-BLĐTB& XH ngày 27/5/2010 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Căn cứ Nghị quyết số 368/2015/NQ-HĐND ngày 08/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên về việc quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Giao số lượng, bố trí, sử dụng và chế độ chính sách đối với cán bộ công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

1. Số lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã):

a. Cấp xã loại 1 được bố trí tối đa 25 cán bộ, công chức;

b. Cấp xã loại 2 được bố trí tối đa 23 cán bộ, công chức;

c. Cấp xã loại 3 được bố trí tối đa 21 cán bộ, công chức;

2. Bố trí, sử dụng cán bộ, công chức ở cấp xã.

a) Cán bộ cấp xã:

Mỗi chức danh cán bộ cấp xã được bố trí tối đa không quá 01 người đảm nhiệm, riêng chức danh Phó Chủ tịch UBND cấp xã được bố trí theo số lượng quy định hiện hành của pháp luật.

b) Công chức cấp xã:

Đối với các chức danh công chức: Trưởng Công an, Chỉ huy Trưởng Quân sự được bố trí 01 người đối với mỗi chức danh đảm nhiệm.

Chức danh Văn hóa - Xã hội và chức danh Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường đối với xã được bố trí 02 người đối với mỗi chức danh đảm nhiệm.

Các chức danh công chức: Văn phòng - Thống kê, Tài chính - Kế toán, Tư pháp - Hộ tịch đối với xã, phường, thị trấn và chức danh Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường (đối với phường, thị trấn) được bố trí phù hợp theo yêu cầu nhiệm vụ và có thể bố trí thêm nếu thực sự cần thiết, nhưng không vượt quá số lượng cán bộ, công chức được giao.

c) Nguyên tắc bố trí cán bộ, công chức cấp xã

Việc bố trí cán bộ, công chức phải đảm bảo có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt; đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và năng lực công tác. Đồng thời phải phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, số lượng theo quy định. Phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ ở cơ sở, phải thực sự cần thiết mới bố trí cán bộ để đảm nhiệm.

Việc bố trí cán bộ, công chức cấp xã (bao gồm cả cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về làm cán bộ, công chức cấp xã) phải đảm bảo các lĩnh vực công tác, nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền cấp xã đều có người đảm nhiệm. Ngoài các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành, khi bố trí cần ưu tiên những người có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên để giới thiệu giữ các chức vụ là cán bộ cấp xã.

Đối với việc bố trí công chức cấp xã, ngoài quy định nêu trên thì phải đảm bảo về số lượng, yêu cầu về trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí đảm nhiệm.

3. Chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở cấp xã

a) Cán bộ, công chức cấp xã được hưởng chế độ tiền lương và phụ cấp theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10 của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP.

b) Cán bộ, công chức cấp xã thực hiện chế độ Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế, chế độ đào tạo, bồi dưỡng theo quy định tại Điều 11, Điều 12 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP.

c) Riêng đối với Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cấp xã là người được hưởng chế độ hưu trí, ngoài lương hưu hiện hưởng, hàng tháng được hưởng 100% mức lương bậc 01 của chức danh đảm nhiệm theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 5 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP và không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Sau thời gian đủ 5 năm (60 tháng) xếp bậc 1 nếu hoàn thành nhiệm vụ được giao và không bị kỷ luật trong suốt thời gian này thì được hưởng 100% mức lương bậc 2 của chức danh đảm nhiệm.

Điều 2. Quy định số lượng, chức danh, bố trí, sử dụng và mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn

1. Số lượng:

a) Cấp xã loại 1 tối đa 24 người;

b) Cấp xã loại 2 tối đa 23 người;

c) Cấp xã loại 3 tối đa 22 người;

2. Chức danh:

a) Chủ tịch Hội người cao tuổi;

b) Chủ tịch Hội chữ thập đỏ;

c) Phó Trưởng Công an (nơi chưa bố trí lực lượng công an chính quy);

d) Phó Chỉ huy trưởng Quân sự;

đ) Kế hoạch - Giao thông - Thủy lợi - Nông, lâm, ngư nghiệp;

e) Lao động -Thương binh và xã hội;

g) Tổ chức Đảng;

h) Kiểm tra Đảng;

i) Tuyên giáo;

k) Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc;

l) Phó Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

m) Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ.

n) Phó chủ tịch Hội Nông dân.

o) Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh.

p) Văn phòng Đảng ủy.

q) Thủ quỹ - Văn thư – Lưu trữ.

r) Thi đua – Khen thưởng – Dân tộc – Tôn giáo.

s) Phụ trách Đài truyền thanh (nơi có đài truyền thanh).

t) Quản lý Nhà văn hóa (nơi có nhà văn hóa).

u) Phó chủ tịch Hội người cao tuổi.

v) Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ.

x) Công an viên thường trực.

3. Bố trí, sử dụng:

Chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã được bố trí 01 người. Căn cứ vào tình hình thực tế và khối lượng công việc tại địa phương, xét thấy thực sự cần thiết thì có thể bố trí thêm nhưng không vượt quá 02 người.

Chức danh Phó Trưởng Công an và Phó chỉ huy Trưởng Quân sự thuộc xã trọng điểm về quốc phòng – an ninh, xã biên giới và cấp xã loại 1, loại 2 theo quyết định về phân loại đơn vị hành chính cấp xã được bố trí 02 người với mỗi chức danh đảm nhiệm; xã loại 3 chỉ được bố trí 01 người với mỗi chức danh đảm nhiệm. Chức danh công an viên thường trực mỗi xã được bố trí 02 người.

Các chức danh còn lại chỉ được bố trí 01 người cho mỗi chức danh đảm nhiệm.

4. Mức phụ cấp:

a) Chủ tịch Hội người cao tuổi; Chủ tịch Hội chữ thập đỏ; Phó trưởng Công an (nơi chưa bố trí được lực lượng công an chính quy); Phó chỉ huy trưởng quân sự; Kế hoạch - Giao thông - Thủy lợi - Nông, lâm, ngư nghiệp; Lao động Thương binh và Xã hội. Mỗi chức danh hưởng mức phụ cấp hệ số 1,0 so với mức lương cơ sở.

b) Tổ chức Đảng; Kiểm tra Đảng; Tuyên Giáo; Phó chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc; Phó Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ; Phó chủ tịch Hội Nông dân; Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh; Văn phòng Đảng ủy; Thủ quỹ - Văn thư – Lưu trữ; Thi đua – Khen thưởng - Dân tộc - Tôn giáo. Mỗi chức danh hưởng mức phụ cấp hệ số 0,7 so với mức lương cơ sở.

c) Phụ trách Đài truyền thanh (nơi có đài truyền thanh); Quản lý Nhà văn hóa (nơi có nhà văn hóa); Phó chủ tịch Hội người cao tuổi; Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ; Mỗi chức danh hưởng mức phụ cấp hệ số 0,5 so với mức lương cơ sở.

Điều 3. Quy định số lượng, chức danh, bố trí, sử dụng và mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố.

1. Số lượng:

- Đối với những thôn bản thuộc xã trọng điểm về quốc phòng an ninh; xã biên giới, xã loại 1, loại 2; thôn, bản còn khó khăn về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em theo danh sách được UBND tỉnh phê duyệt và Tổ dân phố được bố trí tối đa 19 người.

- Đối với những thôn bản, tổ dân phố thuộc xã còn lại được bố trí tối đa 17 người.

2. Chức danh:

a) Bí thư chi bộ.

b) Trưởng thôn bản, tổ dân phố.

c) Công an viên.

d) Trưởng Ban công tác Mặt trận ở thôn, bản, tổ dân phố.

đ) Chi Hội Trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ.

e) Bí thư Chi Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

g) Chi hội Trưởng Hội Cựu chiến binh.

h) Chi hội Trưởng Hội Nông dân.

i) Nhân viên y tế thôn, bản.

k) Cô đỡ thôn bản.

l) Thôn Đội trưởng.

m) Trưởng ban bảo vệ dân phố.

n) Phó trưởng ban bảo vệ dân phố

o) Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố.

p) Tổ viên tổ bảo vệ dân phố.

3. Bố trí, sử dụng:

Việc bố trí những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố phải căn cứ vào nhu cầu thực tế, sự cần thiết về công việc để bố trí cho phù hợp, có thể bố trí kiêm nhiệm trên cơ sở khuyến khích người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực công tác. Riêng chức danh Công an viên được bố trí theo quy định tại Nghị định số 73/2009/NĐ-CP; Quyết định số 127/QĐ-UBND ngày 11/8/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo vệ an ninh, trật tự của lực lượng công an xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2014-2020”.

4. Mức phụ cấp:

a) Bí thư chi bộ; Trưởng thôn bản, tổ dân phố. Mỗi chức danh hưởng mức phụ cấp hệ số 0,65 so với mức lương cơ sở (đối với những thôn, bản thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; xã biên giới; xã loại 1, loại 2); Hưởng mức phụ cấp hệ số 0,6 so với mức lương cơ sở ( đối với những thôn, bản thuộc xã còn lại; tổ dân phố).

b) Công an viên. Công an viên thường trực. Mỗi chức danh hưởng mức phụ cấp hệ số 0,5 so với mức lương cơ sở.

c) Trưởng Ban công tác Mặt trận ở thôn, bản, tổ dân phố được hưởng mức phụ cấp hệ số 0,3 so với mức lương cơ sở (đối với những thôn, bản thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; thôn, bản thuộc xã biên giới; xã loại 1, loại 2); Hưởng mức phụ cấp hệ số 0,25 so với mức lương cơ sở ( đối với những thôn, bản thuộc xã còn lại và các tổ dân phố).

d) Trưởng các Đoàn thể ở thôn, bản, tổ dân phố bao gồm: Chi Hội Trưởng Hội Phụ nữ; Bí thư Chi Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Chi hội Trưởng Hội Cựu chiến binh; Chi hội Trưởng Hội Nông dân. Mỗi chức danh hưởng mức phụ cấp hệ số 0,25 so với mức lương cơ sở (đối với những thôn, bản thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; thôn, bản thuộc xã biên giới; xã loại 1, loại 2); Hưởng mức phụ cấp hệ số 0,2 so với mức lương cơ sở ( đối với những thôn, bản thuộc xã còn lại và các tổ dân phố).

đ) Nhân viên y tế thôn, bản hưởng mức phụ cấp hệ số 0,5 so với mức lương cơ sở (đối với những thôn, bản tại các xã vùng khó khăn theo Quyết định số 1049/2014/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ); Hưởng mức phụ cấp hệ số 0,3 so với mức lương cơ sở ( đối với những thôn, bản tại các xã còn lại).

e) Cô đỡ thôn bản (đối với những thôn, bản còn khó khăn về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em theo danh sách được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt) hưởng mức phụ cấp hệ số 0,3 so với mức lương cơ sở (trường hợp được hỗ trợ thấp hơn từ các nguồn kinh phí khác, ngân sách địa phương chi phần chênh lệch đảm bảo mức hưởng theo hệ số quy định trên).

g) Thôn Đội trưởng. Hưởng mức phụ cấp hệ số 0,5 so với mức lương cơ sở.

h) Trưởng ban bảo vệ dân phố. Hưởng mức phụ cấp hệ số 0,7 so với mức lương cơ sở.

i) Phó trưởng ban bảo vệ dân phố. Hưởng mức phụ cấp hệ số 0,5 so với mức lương cơ sở.

k) Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố. Hưởng mức phụ cấp hệ số 0,4 so với mức lương cơ sở.

l) Tổ viên tổ bảo vệ dân phố. Hưởng mức phụ cấp hệ số 0,3 so với mức lương cơ sở.

Điều 4. Chế độ phụ cấp kiêm nhiệm chức danh hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và các chức danh ở thôn, bản, tổ dân phố

Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn. Những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn kiêm nhiệm các chức danh hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn hoặc một trong các chức danh quy định tại Khoản 2, Điều 3 Quyết định này bố trí kiêm nhiệm mà giảm được một người trong quy định số lượng các chức danh trên thì kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 20% mức phụ cấp hiện hưởng của chức danh kiêm nhiệm (trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp bằng 20%).

Điều 5. Chế độ đào tạo, bồi dưỡng và chế độ bảo hiểm y tế đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, bản, tổ dân phố

1. Chế độ đào tạo, bồi dưỡng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, bản, tổ dân phố thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Thực hiện chế độ bảo hiểm y tế đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Giao Sở Nội vụ:

a) Chủ trì phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tổ chức triển khai Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành trung ương có liên quan.

b) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã rà soát, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã và ở thôn, bản, tổ dân phố theo quy định.

c) Thực hiện việc thanh tra, kiểm tra bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã và ở thôn, bản, tổ dân phố theo quy định.

d) Căn cứ vào số lượng quy định và nhu cầu cần thiết theo đề nghị của UBND cấp huyện để xem xét, phê duyệt số lượng cụ thể cần tuyển dụng đối với đội ngũ công chức cấp xã trên toàn tỉnh.

2. Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Sở Nội vụ cân đối ngân sách để thực hiện chế độ chính sách theo quy định tại Nghị định số 29/2013/NĐ-CP và Quyết định này.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng phương án bố trí số lượng cán bộ, công chức; số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, bản, tổ dân phố trình cấp có thẩm quyền quyết định. Giải quyết chế độ chính sách liên quan đối với cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, bản, tổ dân phố.

Điều 7. Thời gian áp dụng thực hiện mức phụ cấp đối với chức danh mới bổ sung; chức danh được nâng phụ cấp, hưởng từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

Điều 8. Nguồn kinh phí thực hiện: Ngân sách Trung ương.

Điều 9. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ban hành và thay thế Quyết định số 08/2009/QĐ-UBND ngày 27/7/2009 về việc phê duyệt điều chỉnh mức phụ cấp cho nhân viên y tế thôn bản; Quyết định số 22/2009/QĐ-UBND ngày 31/12/2009 về việc thành lập bảo vệ dân phố và chế độ chính sách đối với bảo vệ dân phố; Quyết định số 12/2010/QĐ-UBND ngày 3/8/2010 về việc giao số lượng cán bộ, công chức và quy định chức danh, số lượng, chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, bản, tổ dân phố; thay thế Điểm 2 Khoản 3 Điều 1 Quyết định số 25/2011/QĐ-UBND ngày 5/9/2011 về việc ban hành một số chế độ chính sách đối với lực lượng Dân quân tự vệ khi thực hiện nhiệm vụ; thay thế khoản 3.1, 3.2 mục 3, mục 4 phần I Điều 1 Quyết định số 127/QĐ-UBND ngày 11/8/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo vệ an ninh, trật tự của lực lượng Công an xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2014-2020”.

Điều 10. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở Nội vụ, Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các tổ chức cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra Văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam;
- Như Điều 10;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Báo Điện Biên Phủ;
- Lưu VT, TM1, NCNV.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Mùa A Sơn

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 10/2015/QĐ-UBND về giao số lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, bản, tổ dân phố tỉnh Điện Biên

  • Số hiệu: 10/2015/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/07/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Mùa A Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/08/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 07/10/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản