Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2024/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 13 tháng 3 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;

Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông; Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT ngày 03 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Thông tư số 12/2022/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông;

Căn cứ Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 341/TTr-SGDĐT ngày 23 tháng 02 năm 2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông (sau đây gọi chung là các cơ sở giáo dục), các tổ chức và cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Điều 2. Quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

1. Tiêu chí 1: Phù hợp với việc học tập của học sinh

a) Sách giáo khoa được trình bày cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, đảm bảo tính thẩm mĩ, tạo được sự hứng thú cho học sinh và phù hợp với đặc trưng môn học/hoạt động giáo dục;

b) Nội dung mỗi bài học/chủ đề trong sách giáo khoa được thiết kế phù hợp với hoạt động học của học sinh; tạo cơ hội cho học sinh phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo thông qua các hoạt động học cả trong và ngoài lớp học;

c) Nội dung sách giáo khoa chú trọng đến việc rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự tìm tòi kiến thức, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, vận dụng kiến thức thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong mỗi bài học/chủ đề;

d) Các hoạt động học trong sách giáo khoa có sự phân hóa theo năng lực học sinh; đảm bảo tính dân chủ trong tiếp cận nội dung các bài học/chủ đề; tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả học sinh các dân tộc trong tỉnh; phát huy được tối đa tiềm năng của mỗi học sinh;

đ) Nội dung sách giáo khoa có hệ thống câu hỏi, bài tập thực hành, vận dụng sát với thực tiễn địa phương; giúp học sinh ôn tập, củng cố phát triển năng lực, phẩm chất và đánh giá kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

2. Tiêu chí 2: Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của giáo viên

a) Các bài học/chủ đề trong sách giáo khoa được thiết kế, trình bày đa dạng các hoạt động, tạo điều kiện cho giáo viên linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực;

b) Nội dung sách giáo khoa chú trọng tới việc tích hợp kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương;

c) Nội dung sách giáo khoa với các yêu cầu cụ thể, giúp giáo viên có thể đánh giá được mức độ cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh cũng như đánh giá được kết quả giáo dục;

d) Mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá nêu trong mỗi bài học/chủ đề phải liên quan và hỗ trợ cho nhau;

đ) Nguồn tài nguyên, học liệu bổ sung cho việc triển khai thực hiện sách giáo khoa đa dạng, phong phú, dễ khai thác;

e) Nội dung sách giáo khoa thuận lợi cho việc chủ động, linh hoạt xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của các cơ sở giáo dục;

g) Nội dung sách giáo khoa đảm bảo tạo điều kiện cho giáo viên điều chỉnh để phù hợp với khả năng học tập của từng đối tượng học sinh;

h) Cấu trúc sách giáo khoa thuận tiện cho cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục và tạo điều kiện cho tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên bổ sung những nội dung và hoạt động đặc thù, thích hợp với thực tế địa phương.

3. Tiêu chí 3: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương

a) Nội dung sách giáo khoa gần gũi với văn hóa, lịch sử, địa lí, nghề nghiệp, phong tục, tập quán, hoạt động sản xuất của người dân tỉnh Thái Nguyên hoặc vùng Trung du và Miền núi phía Bắc;

b) Nội dung sách giáo khoa phải đảm bảo tính kế thừa chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; ngôn ngữ và cách thức thể hiện phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lí, phong tục tập quán của địa phương;

c) Nội dung sách giáo khoa đảm bảo khả năng tích hợp được nội dung giáo dục địa phương; ý thức bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; ứng phó với biến đổi khí hậu, an toàn giao thông và những yêu cầu khác của địa phương;

d) Phù hợp với thực tiễn cơ sở vật chất, thiết bị, các điều kiện dạy học khác và việc xây dựng kế hoạch giáo dục của các cơ sở giáo dục.

4. Tiêu chí 4: Đảm bảo các điều kiện cho việc sử dụng sách giáo khoa trong quá trình dạy và học

a) Đồng bộ với các ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh trong quá trình khai thác, sử dụng sách giáo khoa;

b) Phù hợp với phương pháp tập huấn, hỗ trợ giáo viên và cán bộ quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc sử dụng sách giáo khoa;

c) Đảm bảo tính kịp thời, thuận lợi trong việc phân phối, phát hành sách giáo khoa phục vụ năm học mới.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai Quyết định này đến các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh; căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa tại Quyết định này chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên theo đúng quy định.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố; người đứng đầu các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Đài PTTH tỉnh; Báo Thái Nguyên;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Trung tâm Thông tin tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX.
Pvk.QĐ2.GDĐT

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Xuân Trường