Hệ thống pháp luật

Chương 5 Nghị định 86/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại

Chương V

XỬ LÝ BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI ÁP DỤNG ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM

Điều 104. Nguyên tắc xử lý

1. Hoạt động trợ giúp thương nhân Việt Nam bị nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại quy định tại Điều 76 của Luật Quản lý ngoại thương được thực hiện trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của thương nhân Việt Nam, hiệp hội ngành, nghề liên quan.

2. Việc khởi kiện nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu quy định tại Điều 108 Nghị định này được Bộ Công Thương thực hiện dựa trên cơ sở thông tin thu thập và sau khi phối hợp, trao đổi các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án khởi kiện.

3. Bộ Tài chính bảo đảm ngân sách cho các hoạt động trợ giúp thương nhân theo quy định tại Điều 76 của Luật Quản lý ngoại thương.

4. Các hoạt động trợ giúp thương nhân Việt Nam theo quy định tại Điều này phải phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 105. Cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc

Thông tin cung cấp cho thương nhân theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 76 của Luật Quản lý ngoại thương là các thông tin được cơ quan có liên quan của nước nhập khẩu công bố hoặc được phép công bố theo các quy định tại Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 106. Hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

1. Bộ Công Thương xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm khả năng xảy ra vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam để thông tin cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành, nghề để phòng, tránh và chuẩn bị ứng phó với các vụ kiện.

2. Bộ Công Thương quy định việc tổ chức và vận hành hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Điều 107. Trao đổi với nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

Việc trao đổi với nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu đang điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Luật Quản lý ngoại thương được thực hiện thông qua các hình thức thích hợp do Bộ Công Thương chủ trì, phù hợp quy định pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 108. Khởi kiện nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu khi phát hiện có vi phạm Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên

1. Trên cơ sở thông tin thu thập hoặc theo đề nghị bằng văn bản của thương nhân Việt Nam, hiệp hội, tổ chức đại diện doanh nghiệp có liên quan, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác xem xét xây dựng phương án khởi kiện theo khoản 1 Điều 76 Luật Quản lý ngoại thương, lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ.

2. Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ gồm:

a) Tờ trình về sự cần thiết, mục đích và căn cứ pháp lý của việc khởi kiện; nội dung phương án và đánh giá tác động của việc khởi kiện;

b) Báo cáo tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến tại khoản 3 Điều này;

c) Các văn bản, tài liệu có liên quan khác.

3. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Bộ Công Thương, các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến phải có ý kiến bằng văn bản về hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp không nhận được trả lời đúng thời hạn, Bộ Công Thương căn cứ các thông tin sẵn có hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ.

4. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt phương án khởi kiện trên cơ sở hồ sơ trình của Bộ Công Thương.

5. Bộ Công Thương chủ trì, tiến hành khởi kiện nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo quy trình, thủ tục được quy định trong các Điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

6. Thương nhân Việt Nam, hiệp hội, tổ chức đại diện doanh nghiệp có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong quá trình khởi kiện nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Điều 109. Hoạt động phối hợp trong trường hợp thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp

Trường hợp thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp quy định tại khoản 2 Điều 76 của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương chủ trì xây dựng phương án phối hợp với Cơ quan điều tra của nước ngoài như sau:

1. Thực hiện tham vấn với Cơ quan điều tra nước ngoài về các chương trình trợ cấp bị cáo buộc của Việt Nam.

2. Cung cấp các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan điều tra nước ngoài đối với Chính phủ liên quan đến các chương trình trợ cấp bị cáo buộc của Việt Nam theo đề nghị bằng văn bản của thương nhân Việt Nam, hiệp hội, tổ chức đại diện doanh nghiệp có liên quan và trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

3. Tổ chức làm việc theo đề nghị của cơ quan điều tra nước ngoài trong quá trình điều tra tại chỗ về các chương trình trợ cấp bị cáo buộc của Việt Nam.

4. Thực hiện các hoạt động phù hợp khác.

Điều 110. Xây dựng phương án yêu cầu bồi thường trong trường hợp thương nhân Việt Nam bị nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ

1. Trường hợp thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng phương án yêu cầu bồi thường, trong trường hợp cần thiết, lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ gồm:

a) Tờ trình về sự cần thiết, mục đích và căn cứ pháp lý của yêu cầu bồi thường; nội dung phương án và đánh giá tác động của yêu cầu bồi thường;

b) Báo cáo tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến tại khoản 3 Điều này;

c) Các văn bản, tài liệu liên quan.

3. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Bộ: Công Thương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến phải có ý kiến bằng văn bản về hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp không nhận được trả lời đúng thời hạn, Bộ Công Thương căn cứ các thông tin sẵn có hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ.

4. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt phương án yêu cầu bồi thường trên cơ sở hồ sơ trình của Bộ Công Thương.

5. Bộ Công Thương chủ trì, tiến hành tham vấn với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu về phương án yêu cầu bồi thường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

6. Trường hợp đạt được thỏa thuận về yêu cầu bồi thường, Bộ Công Thương chủ trì, giám sát việc thực hiện thỏa thuận.

7. Quy trình, thủ tục tiến hành phương án yêu cầu bồi thường thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 111. Xây dựng phương án trả đũa trong trường hợp thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ

1. Trường hợp không đạt được thỏa thuận về yêu cầu bồi thường quy định tại khoản 5 Điều 110 Nghị định này, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng phương án trả đũa, trong trường hợp cần thiết, lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ bao gồm:

a) Tờ trình về kết quả tham vấn theo quy định tại khoản 5 Điều 110 Nghị định này; sự cần thiết, mục đích và căn cứ pháp lý của phương án trả đũa; nội dung phương án và đánh giá tác động của phương án trả đũa;

b) Báo cáo tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Dự thảo quyết định về việc tiến hành phương án trả đũa;

d) Các văn bản, tài liệu liên quan.

3. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến phải có ý kiến bằng văn bản về hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp không nhận được trả lời đúng thời hạn, Bộ Công Thương căn cứ các thông tin sẵn có hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ.

4. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt phương án trả đũa trên cơ sở hồ sơ trình của Bộ Công Thương.

5. Quy trình, thủ tục tiến hành phương án trả đũa thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 112. Tham gia bên liên quan trong các vụ việc phòng vệ thương mại, bên thứ ba trong các vụ việc giải quyết tranh chấp tại Tổ chức thương mại thế giới liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại

1. Bộ Công Thương xem xét đăng ký tham gia bên liên quan khi nước ngoài điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

2. Bộ Công Thương xem xét đăng ký tham gia bên thứ ba trong các vụ việc giải quyết tranh chấp tại Tổ chức thương mại thế giới trong trường hợp vụ việc có liên quan đến quyền, lợi ích của Việt Nam trong lĩnh vực phòng vệ thương mại. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương tham khảo ý kiến các bộ, ngành liên quan để xem xét đăng ký tham gia.

3. Bộ Công Thương có thể xem xét cung cấp các thông tin, tài liệu trong quá trình tham gia bên thứ ba tại khoản 2 Điều này trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của tổ chức, cá nhân với điều kiện các tài liệu, thông tin đó được phép công bố theo quy định của các Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 113. Sử dụng dịch vụ pháp lý

1. Bộ Công Thương được sử dụng luật sư, tổ chức hành nghề luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý trong quá trình thực thi các quy định tại Điều 76 của Luật Quản lý ngoại thương. Các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong quá trình lựa chọn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý trong trường hợp Bộ Công Thương có đề nghị bằng văn bản.

2. Bộ Công Thương quy định tiêu chí lựa chọn dịch vụ pháp lý.

3. Bộ Tài chính bảo đảm ngân sách cho việc sử dụng dịch vụ pháp lý trong các hoạt động trợ giúp thương nhân Việt Nam theo quy định tại Điều 76 của Luật Quản lý ngoại thương.

Điều 114. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành, nghề, thương nhân

1. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành, nghề, thương nhân dựa trên nguyên tắc sau:

a) Bộ Công Thương chủ trì, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp kịp thời với Bộ Công Thương trong các hoạt động quy định tại Điều 76 của Luật Quản lý ngoại thương;

b) Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, ý kiến đánh giá trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương khi xử lý các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

2. Nội dung phối hợp được thực hiện như sau:

a) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, trong phạm vi quyền hạn, chức năng cung cấp thông tin, tài liệu, ý kiến đánh giá đúng thời hạn trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương, giải trình các nội dung khi cơ quan điều tra nước ngoài điều tra tại chỗ theo sự điều phối của Bộ Công Thương;

b) Hiệp hội ngành, nghề phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi các thông tin về thị trường xuất khẩu để đánh giá nguy cơ nước ngoài điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thông báo các thông tin liên quan đến vụ việc nước ngoài điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tới các thành viên, xem xét tham gia bên liên quan trong vụ việc, thực hiện các hoạt động khác theo đề nghị của Bộ Công Thương;

c) Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong phạm vi chức năng, quyền hạn, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn, trợ giúp thương nhân Việt Nam khi bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, thực hiện các hoạt động trợ giúp khác theo đề nghị của Bộ Công Thương;

d) Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thu thập, theo dõi thông tin, thông báo của cơ quan liên quan của nước nhập khẩu về các biện pháp phòng vệ thương mại và kịp thời thông báo về Bộ Công Thương, hỗ trợ tìm hiểu các dịch vụ pháp lý theo đề nghị của Bộ Công Thương;

đ) Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương trong các hoạt động quy định tại chương này, cung cấp kịp thời số liệu xuất khẩu, nhập khẩu theo đề nghị của cơ quan có liên quan của Bộ Công Thương;

e) Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công Thương trong các hoạt động quy định tại chương này, chỉ đạo cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chủ động làm việc với cơ quan có liên quan nước nhập khẩu để tìm hiểu, theo dõi, tổng hợp thông tin vụ việc, thông báo kịp thời về Bộ Công Thương và phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng phương án xử lý;

g) Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công Thương trong các hoạt động quy định tại chương này, phối hợp nghiên cứu, đánh giá các quy định pháp lý của Tổ chức thương mại thế giới, của các nước về các biện pháp phòng vệ thương mại;

h) Thương nhân Việt Nam có văn bản đề nghị trợ giúp có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong quá trình xử lý vụ việc, chịu trách nhiệm về các thông tin, tài liệu cung cấp cho Bộ Công Thương.

Nghị định 86/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại

  • Số hiệu: 86/2025/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 11/04/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Bùi Thanh Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH