Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 4 Nghị định 86/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại

Mục 1. HÀNH VI LẨN TRÁNH BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI

Điều 81. Mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Phạm vi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại có thể được mở rộng đối với hàng hóa lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại như sau:

1. Hàng hoá lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.

2. Hàng hóa lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua sản xuất, lắp ráp tại nước thứ ba.

3. Hàng hóa lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua thay đổi không đáng kể hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

4. Hàng hóa lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại bằng việc chuyển tải thông qua một hoặc nhiều nước khác nhau.

5. Hàng hóa lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua thay đổi nhà sản xuất để hưởng lợi từ chênh lệch mức độ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Điều 82. Lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam

1. Hàng hóa được quy định tại khoản 1 Điều 81 Nghị định này bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau:

a) Hàng hóa tương tự với hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam từ nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư nhập khẩu từ nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được bán tại Việt Nam với giá thấp hơn giá thông thường trong thời kỳ điều tra ban đầu của hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;

b) Hoạt động sản xuất, lắp ráp gia tăng đáng kể tại Việt Nam sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra hoặc quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu;

c) Nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư có xuất xứ từ nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu chiếm ít nhất 60% tổng giá trị nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư để sản xuất, lắp ráp hàng hóa tương tự với hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu tại Việt Nam;

d) Giá trị sản xuất, lắp ráp gia tăng tại Việt Nam của hàng hóa tương tự với hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu là không đáng kể.

2. Giá trị sản xuất, lắp ráp gia tăng tại Việt Nam của hàng hóa tương tự với hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu là không đáng kể quy định tại điểm d, khoản 1 Điều này căn cứ các yếu tố sau:

a) Tỷ lệ giá trị sản xuất, lắp ráp gia tăng tại Việt Nam chiếm ít hơn 25% tổng chi phí sản xuất hàng hóa tương tự;

b) Mức độ đầu tư phục vụ sản xuất tại Việt Nam không đáng kể;

c) Mức độ nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại Việt Nam không đáng kể;

d) Các trang thiết bị đầu tư thêm để phục vụ sản xuất tại Việt Nam không đáng kể;

đ) Các yếu tố khác biệt cấu thành quy trình sản xuất hàng hoá tại Việt Nam không đáng kể.

Điều 83. Lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua sản xuất, lắp ráp tại nước thứ ba

Hàng hóa được quy định tại khoản 2 Điều 81 Nghị định này bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại khi có đủ các điều kiện sau:

1. Giá xuất khẩu của hàng hóa bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại từ nước thứ ba vào Việt Nam thấp hơn giá thông thường trong thời kỳ điều tra ban đầu của hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

2. Khối lượng, số lượng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đáng kể sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra hoặc quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu.

3. Hàng hoá là nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư có xuất xứ từ nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu chiếm ít nhất 60% tổng giá trị nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư của hàng hóa bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại xuất khẩu vào Việt Nam.

4. Hàng hóa bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được xác định là không có xuất xứ từ nước thứ ba theo các quy tắc về xuất xứ không ưu đãi được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Điều 84. Lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua thay đổi không đáng kể hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

1. Hàng hóa được quy định tại khoản 3 Điều 81 Nghị định này bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại khi có đủ các điều kiện sau:

a) Khối lượng, số lượng nhập khẩu hàng hóa gia tăng đáng kể so với khối lượng, số lượng nhập khẩu hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại vào Việt Nam sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra hoặc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu;

b) Khối lượng, số lượng nhập khẩu hàng hóa gia tăng đáng kể sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra hoặc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu.

2. Hàng hóa bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được xem là có sự thay đổi không đáng kể so với hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại dựa trên việc đánh giá các yếu tố sau:

a) Đặc tính vật lý, hóa học chung;

b) Mục đích sử dụng cuối cùng;

c) Khả năng thay thế lẫn nhau;

d) Quy trình sản xuất;

đ) Chi phí sản xuất;

e) Xu hướng tiêu dùng của khách hàng;

g) Phương thức tiếp thị;

h) Kênh thương mại và phân phối;

i) Mô hình thương mại;

k) Thay đổi giá.

Điều 85. Lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại bằng việc chuyển tải thông qua một hoặc nhiều nước, vùng lãnh thổ khác nhau

Hàng hóa được quy định tại khoản 4 Điều 81 Nghị định này bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại bằng việc chuyển tải thông qua một hoặc nhiều nước, vùng lãnh thổ khác nhau khi có đủ các điều kiện sau:

1. Hàng hóa là đối tượng áp dụng của biện pháp phòng vệ thương mại được sản xuất bởi nhà sản xuất, xuất khẩu đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu.

2. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam từ một nước, vùng lãnh thổ không bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu.

3. Hàng hóa có điểm xuất phát đầu tiên từ một nước, vùng lãnh thổ đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu.

4. Hàng hóa đã chuyển tải qua một hoặc một số nước,vùng lãnh thổ khác nhau trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Điều 86. Lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua thay đổi nhà sản xuất để hưởng lợi từ chênh lệch mức độ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Hàng hóa được quy định tại khoản 5 Điều 81 Nghị định này bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua thay đổi nhà sản xuất để hưởng lợi từ chênh lệch mức độ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khi có đủ các điều kiện sau:

1. Hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam từ một nước hoặc vùng lãnh thổ đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

2. Hàng hóa được nhập khẩu từ nhà sản xuất nước ngoài thuộc một trong hai trường hợp sau:

a) Biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu không áp dụng đối với hàng hóa của nhà sản xuất nước ngoài đó; hoặc

b) Biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu có áp dụng đối với hàng hóa của nhà sản xuất nước ngoài đó với mức thuế thấp hơn mức thuế của nhà sản xuất nước ngoài khác nêu tại khoản 3 Điều này.

3. Hàng hóa do nhà sản xuất nước ngoài mua từ một nhà sản xuất nước ngoài khác đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu để xuất khẩu sang Việt Nam.

4. Hàng hóa bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là đối tượng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nếu được nhập khẩu vào Việt Nam từ nhà sản xuất nước ngoài khác nêu tại khoản 3 Điều này.

Nghị định 86/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại

  • Số hiệu: 86/2025/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 11/04/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Bùi Thanh Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH