Hệ thống pháp luật

Mục 4 Chương 2 Nghị định 86/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại

Mục 4. RÀ SOÁT VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ, CHỐNG TRỢ CẤP

Tiểu mục 1. NỘI DUNG RÀ SOÁT

Điều 51. Rà soát theo yêu cầu của bên liên quan

1. Định kỳ hàng năm trong bốn năm đầu tiên kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức có hiệu lực hoặc quyết định gia hạn biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực, bên yêu cầu rà soát có quyền nộp hồ sơ yêu cầu rà soát.

2. Chậm nhất 60 ngày trước khi kết thúc tròn năm kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức có hiệu lực hoặc quyết định gia hạn biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực, Cơ quan điều tra thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát.

3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Cơ quan điều tra thông báo theo quy định tại khoản 2 Điều này, bên yêu rà soát có quyền nộp hồ sơ yêu cầu rà soát.

4. Cơ quan điều tra tiến hành rà soát một hoặc một số nội dung sau, căn cứ vào các nội dung rà soát mà bên liên quan yêu cầu:

a) Biên độ bán phá giá, mức trợ cấp của một, một số hoặc tất cả các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài;

b) Thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá, trợ cấp của các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước;

c) Các thay đổi trong hoạt động kinh doanh của nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài dẫn tới việc thay đổi tên, cấu trúc của nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài.

Điều 52. Rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp

1. Chậm nhất 15 tháng trước khi biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hết hiệu lực, Cơ quan điều ưa thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo của Cơ quan điều tra, bên yêu cầu rà soát có quyền nộp hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp.

3. Trường hợp hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ đáp ứng quy định tại khoản 5 Điều 57 Nghị định này, Cơ quan điều tra tiến hành rà soát các nội dung sau:

a) Khả năng tiếp tục hoặc tái diễn việc hàng hóa nhập khẩu bị bán phá giá, được trợ cấp nếu chấm dứt biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp;

b) Khả năng ngành sản xuất trong nước tiếp tục hoặc tái diễn bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây thiệt hại đáng kể nếu chấm dứt việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp;

c) Tác động kinh tế xã hội của việc tiếp tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp.

4. Trừ trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều này, Cơ quan điều tra tiến hành rà soát các nội dung sau:

a) Khối lượng, số lượng hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam kể từ khi áp dụng biện pháp;

b) Sự cần thiết, tính hợp lý, hiệu quả của biện pháp và tác động kinh tế xã hội của biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Điều 53. Rà soát nhà xuất khẩu mới

1. Bên yêu cầu rà soát là nhà xuất khẩu mới có quyền nộp hồ sơ yêu cầu rà soát vào bất cứ thời điểm nào sau khi thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức có hiệu lực.

2. Cơ quan điều tra tiến hành rà soát nhà xuất khẩu mới bao gồm các nội dung sau:

a) Biên độ bán phá giá riêng, mức trợ cấp riêng của nhà xuất khẩu mới;

b) Điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với nhà xuất khẩu mới.

Điều 54. Rà soát phạm vi hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp

1. Bên yêu cầu rà soát có quyền nộp hồ sơ yêu cầu rà soát vào bất cứ thời điểm nào sau khi thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức có hiệu lực.

2. Cơ quan điều tra tiến hành rà soát phạm vi hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp bao gồm các nội dung sau:

a) So sánh hàng hóa nhập khẩu được yêu cầu rà soát và hàng hóa tương tự sản xuất trong nước;

b) Năng lực sản xuất hàng hóa tương tự của ngành sản xuất trong nước.

Điều 55. Rà soát thay đổi hoàn cảnh việc áp dụng biện pháp chống trợ cấp

1. Đối với các trường hợp rà soát thay đổi hoàn cảnh, bên yêu cầu rà soát có quyền nộp hồ sơ yêu cầu rà soát vào bất cứ thời điểm nào sau khi biện pháp chống trợ cấp chính thức có hiệu lực.

2. Cơ quan điều tra tiến hành rà soát thay đổi hoàn cảnh bao gồm các nội dung quy định tại khoản 5 Điều 90 của Luật Quản lý ngoại thương.

Tiểu mục 2. QUY TRÌNH VÀ THỦ TỤC RÀ SOÁT VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ, CHỐNG TRỢ CẤP

Điều 56. Bên yêu cầu rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp

Bên yêu cầu rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp theo quy định tại Nghị định này gồm:

1. Nhà sản xuất trong nước theo quy định tại khoản 2 Điều 79 và khoản 2 Điều 87 của Luật Quản lý ngoại thương có quyền nộp hồ sơ yêu cầu rà soát theo quy định tại Điều 51, Điều 52 và Điều 55 Nghị định này.

2. Nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Quản lý ngoại thương có quyền nộp hồ sơ yêu cầu rà soát theo quy định tại Điều 51, Điều 52, Điều 53, Điều 54 và Điều 55 Nghị định này.

3. Nhà nhập khẩu hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Quản lý ngoại thương có quyền nộp hồ sơ yêu cầu rà soát theo quy định tại Điều 51, Điều 52, Điều 54 và Điều 55 Nghị định này.

4. Chính phủ của nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Quản lý ngoại thương có quyền nộp hồ sơ yêu cầu rà soát việc áp dụng biện pháp chống trợ cấp đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu nước đó theo quy định tại Điều 55 Nghị định này.

Điều 57. Hồ sơ yêu cầu rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp

1. Hồ sơ yêu cầu rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp gồm các thông tin, giấy tờ, tài liệu, chứng cứ liên quan sau:

a) Tên, địa chỉ và thông tin cần thiết khác của bên yêu cầu rà soát;

b) Thông tin về biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp được yêu cầu rà soát;

c) Các nội dung yêu cầu rà soát cụ thể;

d) Các thông tin bổ sung khác quy định tại các khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này tương ứng với từng trường hợp yêu cầu rà soát cụ thể.

2. Trường hợp rà soát theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 51 Nghị định này, hồ sơ yêu cầu rà soát gồm các thông tin bổ sung sau:

a) Tên, địa chỉ và thông tin cần thiết khác của nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài bị yêu cầu rà soát trong trường hợp bên yêu cầu rà soát là nhà sản xuất trong nước hoặc nhà nhập khẩu;

b) Thông tin về tình hình xuất khẩu hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp của nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài sang Việt Nam trong ít nhất 01 năm trước thời điểm nộp hồ sơ yêu cầu rà soát;

c) Thông tin về tình hình sản xuất, bán hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp của nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài tại thị trường nội địa của nước xuất khẩu (nếu có) trong ít nhất 01 năm trước thời điểm nộp hồ sơ yêu cầu rà soát;

d) Thông tin về trợ cấp, giá trị trợ cấp và mức trợ cấp trong trường hợp hồ sơ yêu cầu rà soát về mức trợ cấp;

đ) Các thông tin khác mà bên yêu cầu rà soát xác định là cần thiết.

3. Trường hợp rà soát theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 51 Nghị định này, hồ sơ yêu cầu rà soát bao gồm các thông tin bổ sung sau:

a) Thông tin về thiệt hại của ngành sản xuất trong nước;

b) Thông tin về mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá hoặc trợ cấp và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước;

c) Các thông tin khác mà bên yêu cầu rà soát xác định là cần thiết.

4. Trường hợp rà soát theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 51 Nghị định này, hồ sơ yêu cầu rà soát bao gồm các thông tin bổ sung sau:

a) Các tài liệu hợp pháp theo quy định của nước sở tại về việc thay đổi thông tin của công ty yêu cầu rà soát;

b) Các thông tin, tài liệu thể hiện sự thay đổi hoặc không thay đổi về cơ cấu tổ chức, năng lực sản xuất sau khi có thay đổi về cấu trúc công ty;

c) Các thông tin khác mà bên yêu cầu rà soát xác định là cần thiết.

5. Đối với trường hợp rà soát theo quy định tại Điều 52 Nghị định này, hồ sơ yêu cầu rà soát bao gồm các thông tin bổ sung sau:

a) Thông tin, số liệu, chứng cứ để xác định đại diện ngành sản xuất trong nước, bao gồm danh sách các tổ chức, cá nhân trong nước sản xuất hàng hóa tương tự; khối lượng, số lượng hàng hóa tương tự được sản xuất bởi các tổ chức, cá nhân trong danh sách;

b) Tên, địa chỉ của các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa tương tự ủng hộ hoặc phản đối vụ việc (nếu có);

c) Thông tin về khối lượng, số lượng và trị giá hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp trong thời kỳ 12 tháng trước khi nộp Hồ sơ;

d) Thông tin, số liệu, chứng cứ về khả năng hàng hóa nhập khẩu bị bán phá giá, được trợ cấp nếu chấm dứt biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp;

đ) Thông tin, số liệu, chứng cứ về khả năng ngành sản xuất trong nước tiếp tục hoặc tái diễn bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây thiệt hại đáng kể nếu chấm dứt việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp;

e) Các thông tin khác mà bên yêu cầu rà soát xác định là cần thiết.

6. Trường hợp rà soát theo quy định tại Điều 54 Nghị định này, hồ sơ yêu cầu rà soát bao gồm các thông tin bổ sung sau:

a) Thông tin, mô tả chi tiết về hàng hóa yêu cầu rà soát;

b) Thông tin, tài liệu chứng minh việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp với hàng hóa mô tả tại điểm a khoản này là không phù hợp;

c) Các thông tin khác mà bến yêu cầu rà soát xác định là cần thiết.

7. Trường hợp rà soát theo quy định tại Điều 55 Nghị định này, hồ sơ yêu cầu rà soát bao gồm các thông tin bổ sung sau:

a) Thông tin, tài liệu thể hiện những thay đổi sau khi biện pháp chống trợ cấp có hiệu lực;

b) Đề nghị thay đổi biện pháp chống trợ cấp của bên yêu cầu rà soát;

c) Các thông tin khác mà bên yêu cầu rà soát xác định là cần thiết.

Điều 58. Thẩm định hồ sơ yêu cầu rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp

1. Việc xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ yêu cầu rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp được thực hiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Cơ quan điều tra thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát đầy đủ và hợp lệ, Cơ quan điều tra thẩm định nội dung hồ sơ, gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét quyết định tiến hành rà soát biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp. Việc thẩm định nội dung hồ sơ yêu cầu rà soát bao gồm:

a) Xác định tư cách nộp hồ sơ của tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ theo quy định;

b) Xác định thông tin, tài liệu và chứng cứ trong hồ sơ thể hiện phù hợp với nội dung yêu cầu rà soát.

Điều 59. Rà soát cuối kỳ trong trường hợp không có hồ sơ yêu cầu rà soát hoặc hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ không đầy đủ và hợp lệ

1. Trường hợp không có hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ hoặc hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ không đầy đủ và hợp lệ, việc rà soát cuối kỳ biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 82 và khoản 2 Điều 90 Luật Quản lý ngoại thương.

2. Nội dung rà soát cuối kỳ theo quy định tại khoản 4 Điều 52 Nghị định này.

Điều 60. Quyết định rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp

Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương tiến hành rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp bao gồm các nội dung sau:

1. Thông tin cơ bản về việc áp dụng, biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp.

2. Cơ sở tiến hành rà soát.

3. Thông tin về Bên yêu cầu rà soát trừ trường hợp quy định tại Điều 59 Nghị định này.

4. Các nội dung rà soát cụ thể.

5. Thời kỳ rà soát.

6. Trình tự, thủ tục rà soát.

Điều 61. Bản câu hỏi rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp

1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định rà soát, Cơ quan điều tra gửi bản câu hỏi rà soát cho các bên liên quan đến việc rà soát.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản câu hỏi rà soát, bên nhận được bản câu hỏi gửi bản trả lời đầy đủ cho Cơ quan điều tra. Trường hợp cần thiết hoặc các bên liên quan có văn bản đề nghị gia hạn với lý do hợp lý, Cơ quan điều tra có thể gia hạn nhưng không quá 30 ngày.

3. Bản câu hỏi rà soát được coi là được nhận sau 07 ngày kể từ ngày Cơ quan điều tra gửi đi. Ngày gửi được xác định căn cứ theo dấu của bưu điện hoặc ngày Cơ quan điều tra đăng tải công khai bản câu hỏi điều tra rà soát tại cổng thông tin điện tử của Cơ quan điều tra.

Điều 62. Quyết định về kết quả rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp

1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra gửi kết luận rà soát, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định về kết quả rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp.

2. Căn cứ kết luận rà soát theo yêu cầu của bên liên quan của Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định bao gồm một hoặc một số nội dung sau:

a) Điều chỉnh hoặc không điều chỉnh việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp;

b) Chấm dứt việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp trong trường hợp kết luận rà soát xác định biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp không còn cần thiết để khắc phục thiệt hại của ngành sản xuất trong nước hoặc không đủ cơ sở để xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước tiếp tục hoặc tái diễn nếu chấm dứt biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp;

c) Điều chỉnh tên, mối quan hệ của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan và mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp áp dụng.

3. Căn cứ kết luận rà soát nhà xuất khẩu mới của Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định bao gồm một hoặc một số nội dung sau:

a) Áp dụng biện pháp chống bán phá giá riêng, chống trợ cấp riêng đối với nhà xuất khẩu mới;

b) Tiếp tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đang có hiệu lực trong trường hợp nhà xuất khẩu mới rút hồ sơ yêu cầu rà soát hoặc không hợp tác trong quá trình rà soát.

4. Căn cứ kết luận rà soát phạm vi hàng hoá của Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định bao gồm một hoặc một số nội dung sau:

a) Không điều chỉnh phạm vi hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp;

b) Thu hẹp phạm vi hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp.

5. Căn cứ kết luận rà soát thay đổi hoàn cảnh của Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định bao gồm một hoặc một số nội dung sau:

a) Chấm dứt việc áp dụng biện pháp chống trợ cấp trong trường hợp kết luận rà soát xác định biện pháp chống trợ cấp không còn cần thiết để khắc phục thiệt hại của ngành sản xuất trong nước hoặc không đủ cơ sở để xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước tiếp tục hoặc tái diễn nếu chấm dứt biện pháp chống trợ cấp;

b) Điều chỉnh hoặc không điều chỉnh việc áp dụng biện pháp chống trợ cấp;

c) Điều chỉnh tên, mối quan hệ của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan và mức thuế chống trợ cấp áp dụng.

6. Căn cứ kết luận rà soát cuối kỳ của Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định bao gồm một hoặc một số nội dung sau:

a) Điều chỉnh hoặc không điều chỉnh việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp;

b) Gia hạn việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp trong trường hợp kết luận rà soát cuối kỳ xác định rằng nếu không gia hạn biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp có thể dẫn đến việc tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá hoặc trợ cấp và gây thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước;

c) Không gia hạn việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp trong trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này;

d) Thu hẹp phạm vi hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp.

7. Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định không gia hạn việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp trong trường hợp kết luận rà soát cuối kỳ của Cơ quan điều tra có một hoặc một số nội dung sau:

a) Kết luận rà soát cuối kỳ của Cơ quan điều tra xác định nhà sản xuất trong nước không nộp hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ để gia hạn biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp trong thời hạn quy định;

b) Kết luận rà soát cuối kỳ của Cơ quan điều tra xác định hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ để gia hạn biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp không đầy đủ và hợp lệ trong thời hạn quy định;

c) Kết luận rà soát cuối kỳ của Cơ quan điều tra xác định không đủ cơ sở để khẳng định việc tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá, trợ cấp;

d) Kết luận rà soát cuối kỳ của Cơ quan điều tra xác định không đủ cơ sở để khẳng định ngành sản xuất trong nước tiếp tục hoặc tái diễn thiệt hại đáng kể nếu không gia hạn áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp.

8. Việc điều chỉnh áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều này; điểm a và điểm b khoản 3 Điều này; điểm a và điểm b khoản 4 Điều này; điểm b và điểm c khoản 5 Điều này không ảnh hưởng đến thời hạn áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đang có hiệu lực.

Nghị định 86/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại

  • Số hiệu: 86/2025/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 11/04/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Bùi Thanh Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH