Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị định 86/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại

Chương IV

ĐIỀU TRA CHỐNG LẨN TRÁNH BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI

Mục 1. HÀNH VI LẨN TRÁNH BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI

Điều 81. Mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Phạm vi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại có thể được mở rộng đối với hàng hóa lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại như sau:

1. Hàng hoá lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.

2. Hàng hóa lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua sản xuất, lắp ráp tại nước thứ ba.

3. Hàng hóa lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua thay đổi không đáng kể hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

4. Hàng hóa lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại bằng việc chuyển tải thông qua một hoặc nhiều nước khác nhau.

5. Hàng hóa lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua thay đổi nhà sản xuất để hưởng lợi từ chênh lệch mức độ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Điều 82. Lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam

1. Hàng hóa được quy định tại khoản 1 Điều 81 Nghị định này bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau:

a) Hàng hóa tương tự với hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam từ nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư nhập khẩu từ nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được bán tại Việt Nam với giá thấp hơn giá thông thường trong thời kỳ điều tra ban đầu của hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;

b) Hoạt động sản xuất, lắp ráp gia tăng đáng kể tại Việt Nam sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra hoặc quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu;

c) Nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư có xuất xứ từ nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu chiếm ít nhất 60% tổng giá trị nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư để sản xuất, lắp ráp hàng hóa tương tự với hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu tại Việt Nam;

d) Giá trị sản xuất, lắp ráp gia tăng tại Việt Nam của hàng hóa tương tự với hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu là không đáng kể.

2. Giá trị sản xuất, lắp ráp gia tăng tại Việt Nam của hàng hóa tương tự với hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu là không đáng kể quy định tại điểm d, khoản 1 Điều này căn cứ các yếu tố sau:

a) Tỷ lệ giá trị sản xuất, lắp ráp gia tăng tại Việt Nam chiếm ít hơn 25% tổng chi phí sản xuất hàng hóa tương tự;

b) Mức độ đầu tư phục vụ sản xuất tại Việt Nam không đáng kể;

c) Mức độ nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại Việt Nam không đáng kể;

d) Các trang thiết bị đầu tư thêm để phục vụ sản xuất tại Việt Nam không đáng kể;

đ) Các yếu tố khác biệt cấu thành quy trình sản xuất hàng hoá tại Việt Nam không đáng kể.

Điều 83. Lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua sản xuất, lắp ráp tại nước thứ ba

Hàng hóa được quy định tại khoản 2 Điều 81 Nghị định này bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại khi có đủ các điều kiện sau:

1. Giá xuất khẩu của hàng hóa bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại từ nước thứ ba vào Việt Nam thấp hơn giá thông thường trong thời kỳ điều tra ban đầu của hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

2. Khối lượng, số lượng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đáng kể sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra hoặc quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu.

3. Hàng hoá là nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư có xuất xứ từ nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu chiếm ít nhất 60% tổng giá trị nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư của hàng hóa bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại xuất khẩu vào Việt Nam.

4. Hàng hóa bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được xác định là không có xuất xứ từ nước thứ ba theo các quy tắc về xuất xứ không ưu đãi được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Điều 84. Lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua thay đổi không đáng kể hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

1. Hàng hóa được quy định tại khoản 3 Điều 81 Nghị định này bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại khi có đủ các điều kiện sau:

a) Khối lượng, số lượng nhập khẩu hàng hóa gia tăng đáng kể so với khối lượng, số lượng nhập khẩu hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại vào Việt Nam sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra hoặc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu;

b) Khối lượng, số lượng nhập khẩu hàng hóa gia tăng đáng kể sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra hoặc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu.

2. Hàng hóa bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được xem là có sự thay đổi không đáng kể so với hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại dựa trên việc đánh giá các yếu tố sau:

a) Đặc tính vật lý, hóa học chung;

b) Mục đích sử dụng cuối cùng;

c) Khả năng thay thế lẫn nhau;

d) Quy trình sản xuất;

đ) Chi phí sản xuất;

e) Xu hướng tiêu dùng của khách hàng;

g) Phương thức tiếp thị;

h) Kênh thương mại và phân phối;

i) Mô hình thương mại;

k) Thay đổi giá.

Điều 85. Lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại bằng việc chuyển tải thông qua một hoặc nhiều nước, vùng lãnh thổ khác nhau

Hàng hóa được quy định tại khoản 4 Điều 81 Nghị định này bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại bằng việc chuyển tải thông qua một hoặc nhiều nước, vùng lãnh thổ khác nhau khi có đủ các điều kiện sau:

1. Hàng hóa là đối tượng áp dụng của biện pháp phòng vệ thương mại được sản xuất bởi nhà sản xuất, xuất khẩu đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu.

2. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam từ một nước, vùng lãnh thổ không bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu.

3. Hàng hóa có điểm xuất phát đầu tiên từ một nước, vùng lãnh thổ đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu.

4. Hàng hóa đã chuyển tải qua một hoặc một số nước,vùng lãnh thổ khác nhau trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Điều 86. Lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua thay đổi nhà sản xuất để hưởng lợi từ chênh lệch mức độ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Hàng hóa được quy định tại khoản 5 Điều 81 Nghị định này bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua thay đổi nhà sản xuất để hưởng lợi từ chênh lệch mức độ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khi có đủ các điều kiện sau:

1. Hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam từ một nước hoặc vùng lãnh thổ đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

2. Hàng hóa được nhập khẩu từ nhà sản xuất nước ngoài thuộc một trong hai trường hợp sau:

a) Biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu không áp dụng đối với hàng hóa của nhà sản xuất nước ngoài đó; hoặc

b) Biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu có áp dụng đối với hàng hóa của nhà sản xuất nước ngoài đó với mức thuế thấp hơn mức thuế của nhà sản xuất nước ngoài khác nêu tại khoản 3 Điều này.

3. Hàng hóa do nhà sản xuất nước ngoài mua từ một nhà sản xuất nước ngoài khác đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu để xuất khẩu sang Việt Nam.

4. Hàng hóa bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là đối tượng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nếu được nhập khẩu vào Việt Nam từ nhà sản xuất nước ngoài khác nêu tại khoản 3 Điều này.

Mục 2. ĐIỀU TRA ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG LẨN TRÁNH BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI

Tiểu mục 1. HỒ SƠ YÊU CẦU

Điều 87. Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

1. Các bên liên quan theo Điều 74 Luật Quản lý ngoại thương có quyền nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng điều tra biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

2. Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại gồm các thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan sau:

a) Tên, địa chỉ và thông tin cần thiết khác của tổ chức, cá nhân yêu cầu;

b) Thông tin mô tả hàng hóa nhập khẩu bị yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm tên khoa học, tên thương mại, tên thường gọi; thành phần; các đặc tính vật lý, hóa học cơ bản; mục đích sử dụng chính; quy trình sản xuất; tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc tế và Việt Nam (nếu có); mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; nước sản xuất hàng hóa, nước xuất khẩu, xuất xứ của hàng hóa;

c) Mô tả khối lượng, số lượng của hàng hóa nhập khẩu quy định tại Điều 81 Nghị định này;

d) Khối lượng, số lượng của hàng hóa tương tự được sản xuất trong nước;

đ) Thông tin về giá xuất khẩu của hàng hóa được quy định tại điểm b khoản này tại thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam trong thời gian tối thiểu 12 tháng trước khi nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại;

e) Thông tin, số liệu, chứng cứ về các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà bên yêu cầu cáo buộc;

g) Tên, địa chỉ và thông tin cần thiết khác của nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu liên quan đến hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại;

h) Thông tin về thiệt hại hoặc sự suy giảm hiệu quả của biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực đối với ngành sản xuất trong nước;

i) Yêu cầu cụ thể về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, thời hạn áp dụng và mức độ áp dụng.

3. Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại trong trường hợp Cơ quan điều tra lập hồ sơ cung cấp bằng chứng chứng minh sự cần thiết phải điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Điều 88. Thẩm định hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

1. Việc xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được thực hiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định này.

2. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu đầy đủ, hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét quyết định điều tra hoặc không điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

3. Nội dung thẩm định hồ sơ yêu cầu bao gồm:

a) Xác định dấu hiệu về việc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định tại Nghị định này;

b) Xác định dấu hiệu về sự thay đổi về lượng, giá trị hàng hoá nhập khẩu từ các nước xuất xứ hoặc nước xuất khẩu hàng hóa sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định khởi xướng điều tra hoặc quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu;

c) Xác định chứng cứ về việc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là nguyên nhân gây thiệt hại hoặc sự suy giảm hiệu quả của biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực đối với ngành sản xuất trong nước.

Tiểu mục 2. QUY TRÌNH VÀ THỦ TỤC ĐIỀU TRA CHỐNG LẨN TRÁNH BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI

Điều 89. Quyết định điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại gồm các nội dung sau:

1. Thông tin cơ bản về biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng.

2. Tên của tổ chức, cá nhân yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

3. Các nội dung điều tra cụ thể.

4. Trình tự, thủ tục tiến hành điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Điều 90. Nội dung điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

Việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại gồm một hoặc một số nội dung sau:

1. Xác định dấu hiệu lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định tại Điều 81 Nghị định này.

2. Xác định sự gia tăng tuyệt đối của khối lượng, số lượng hàng hóa lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nhập khẩu vào Việt Nam sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra hoặc quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu.

3. Đánh giá về thiệt hại hoặc sự suy giảm hiệu quả của biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực đối với ngành sản xuất trong nước.

4. Đánh giá sự thay đổi về lượng, giá trị hàng hoá nhập khẩu từ các nước xuất xứ hoặc nước xuất khẩu hàng hóa sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định khởi xướng điều tra hoặc quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu có hiệu lực và sự thay đổi này có nguyên nhân từ việc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực.

Điều 91. Đánh giá sự suy giảm hiệu quả biện pháp phòng vệ thương mại

1. Việc đánh giá sự suy giảm hiệu quả biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực dựa trên cơ sở xem xét một hoặc một số nội dung sau:

a) Chênh lệch giá của hàng hóa bị điều tra so với giá của hàng hóa nhập khẩu tương ứng trong vụ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu;

b) Chênh lệch giá của hàng hóa bị điều tra so với giá bán không bị thiệt hại của hàng hóa tương tự sản xuất trong nước;

c) Tác động của hàng hóa bị điều tra đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước, bao gồm: thị phần, doanh thu, lượng bán hàng, lợi nhuận, sản lượng, tồn kho;

d) Các yếu tố tác động khác.

2. Việc đánh giá sự suy giảm hiệu quả biện pháp phòng vệ thương mại phải dựa trên những chứng cứ cụ thể.

Điều 92. Thời hạn điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

1. Thời hạn điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại không quá 09 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra.

2. Trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể quyết định gia hạn điều tra nhưng không quá 03 tháng.

Điều 93. Bản câu hỏi điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra, Cơ quan điều tra gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan, bao gồm:

a) Các nhà sản xuất trong nước;

b) Các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài;

c) Các nhà nhập khẩu hàng hóa bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại;

d) Các bên có liên quan khác.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản câu hỏi điều tra, bên nhận được bản câu hỏi gửi bản trả lời đầy đủ cho Cơ quan điều tra. Trường hợp cần thiết hoặc các bên liên quan có văn bản đề nghị xin gia hạn với lý do hợp lý, Cơ quan điều tra có thể gia hạn nhưng không quá 30 ngày.

3. Bản câu hỏi điều tra được coi là nhận được sau 07 ngày kể từ ngày Cơ quan điều tra gửi đi. Ngày gửi được xác định căn cứ theo dấu của bưu điện hoặc ngày Cơ quan điều tra đăng tải công khai bản câu hỏi điều tra tại cổng thông tin điện tử của Cơ quan điều tra.

Tiểu mục 3. ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG LẨN TRÁNH BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI

Điều 94. Áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời

1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra gửi kết luận điều tra sơ bộ, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời.

2. Quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời gồm các nội dung sau:

a) Mô tả hàng hóa nhập khẩu là đối tượng bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời trong đó bao gồm tên khoa học, tên thương mại, tên thường gọi; thành phần; các đặc tính vật lý, hóa học cơ bản; quy trình sản xuất; tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc tế và Việt Nam; mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;

b) Tên và các thông tin cần thiết khác của các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa là đối tượng bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời;

c) Tên nước sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời;

d) Kết luận sơ bộ cho thấy sự cần thiết phải áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời;

đ) Biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời;

e) Hiệu lực và thời hạn áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời;

g) Thủ tục, hồ sơ kiểm tra và áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời.

3. Trường hợp Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời, biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực sẽ được mở rộng áp dụng đối với hàng hoá của các nhà sản xuất, xuất khẩu được quy định tại Điều 81 Nghị định này khi xác định có việc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

4. Thời hạn áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời chấm dứt khi biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chính thức có hiệu lực hoặc khi biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu hết hiệu lực.

5. Biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời là thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp hoặc thuế tự vệ theo mức thuế áp dụng cho tất cả nhà sản xuất, xuất khẩu khác của từng nước hoặc vùng lãnh thổ trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu.

Điều 95. Áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chính thức

1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày Cơ quan điều tra gửi kết luận điều tra cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chính thức.

2. Trường hợp Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chính thức, quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chính thức gồm các nội dung sau:

a) Mô tả hàng hóa nhập khẩu là đối tượng bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chính thức trong đó bao gồm tên khoa học, tên thương mại, tên thường gọi; thành phần; các đặc tính vật lý, hóa học cơ bản; quy trình sản xuất; tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc tế và Việt Nam (nếu có); mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;

b) Tên và các thông tin cần thiết khác của các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa là đối tượng bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chính thức;

c) Tên nước sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chính thức;

d) Kết luận chính thức cho thấy sự cần thiết phải áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chính thức;

đ) Biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chính thức;

e) Hiệu lực và thời hạn áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chính thức;

g) Mức chênh lệch về thuế áp dụng đối với biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời và xử lý tiền thuế nộp thừa (nếu có);

h) Thủ tục, hồ sơ kiểm tra và áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chính thức.

3. Trường hợp Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định không áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chính thức và chấm dứt điều tra vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, quyết định không áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và chấm dứt điều tra vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại gồm các nội dung sau:

a) Mô tả hàng hóa nhập khẩu không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chính thức và được chấm dứt điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó bao gồm tên khoa học, tên thương mại, tên thường gọi; thành phần; các đặc tính vật lý, hóa học cơ bản; quy trình sản xuất; tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc tế và Việt Nam (nếu có); mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;

b) Tên và các thông tin cần thiết khác của các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chính thức và được chấm dứt điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại;

c) Tên nước sản xuất, xuất khẩu hàng hóa không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chính thức và tên nước sản xuất, xuất khẩu hàng hóa được chấm dứt điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại;

d) Kết luận chính thức cho thấy không cần thiết phải áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chính thức;

đ) Hướng dẫn xử lý tiền thuế nộp thừa áp dụng đối với biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời (nếu có).

4. Trường hợp quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chính thức, biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực sẽ được mở rộng áp dụng đối với hàng hoá của các nhà sản xuất, xuất khẩu được quy định tại Điều 81 Nghị định này khi xác định có việc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

5. Thời điểm chấm dứt việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chính thức khi biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu hết hiệu lực.

6. Thời hạn áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chính thức được gia hạn theo thời hạn của biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu đã được gia hạn.

7. Biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chính thức là thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp hoặc thuế tự vệ theo mức thuế áp dụng cho tất cả nhà sản xuất, xuất khẩu khác của từng nước hoặc vùng lãnh thổ trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu.

8. Việc xử lý tiền thuế nộp thừa áp dụng đối với biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thực hiện theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 68 của Luật Quản lý ngoại thương.

Điều 96. Quy trình giám sát việc thực thi áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

1. Sau khi có quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, định kỳ 06 tháng trong thời hạn áp dụng biện pháp, các nhà sản xuất, xuất khẩu không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương phải thông báo tới Cơ quan điều tra về sản lượng sản xuất, trị giá, số lượng bán hàng nội địa, trị giá và số lượng hàng hóa xuất khẩu sang Việt Nam của nhà sản xuất, xuất khẩu đó.

2. Tài liệu thông báo đối với hàng hóa của các nhà sản xuất, xuất khẩu không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương gồm:

a) Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa thể hiện tiêu chí xuất xứ rõ ràng theo yêu cầu của Bộ Công Thương;

b) Giấy chứng nhận của nhà sản xuất, xuất khẩu cho việc nhập khẩu từng lô hàng vào lãnh thổ Việt Nam theo đúng mẫu giấy chứng nhận của nhà sản xuất, xuất khẩu đã thông báo tới Cơ quan điều tra trước khi biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại có hiệu lực. Trường hợp có sự thay đổi mẫu giấy chứng nhận, nhà sản xuất, xuất khẩu phải thông báo tới Cơ quan điều tra và Cơ quan hải quan trước 15 ngày làm thủ tục thông quan lô hàng.

3. Trường hợp cần thiết để đối chiếu và xác minh các tài liệu trong hồ sơ nhập khẩu, Cơ quan điều tra và Cơ quan hải quan có quyền yêu cầu nhà sản xuất, xuất khẩu gửi giấy chứng nhận của nhà sản xuất, xuất khẩu bản điện tử cho từng lô hàng trước 15 ngày làm thủ tục thông quan lô hàng bằng phương thức điện tử.

4. Việc kiểm tra tính xác thực, hợp lệ của giấy chứng nhận quy định tại điểm b khoản 2 Điều này được thực hiện như sau:

a) Cơ quan điều tra chủ trì, phối hợp với Cơ quan hải quan kiểm tra tính xác thực, hợp lệ của giấy chứng nhận trong quá trình áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo thẩm quyền và quy định pháp luật về quản lý ngoại thương.

b) Cơ quan hải quan chủ trì, phối hợp với Cơ quan điều tra kiểm tra tính xác thực, hợp lệ của giấy chứng nhận theo thẩm quyền và quy định pháp luật về hải quan.

5. Việc xác minh tính xác thực, hợp lệ của giấy chứng nhận quy định tại khoản 4 Điều này phải được hoàn thành trong thời gian sớm nhất nhưng không quá 90 ngày kể từ thời điểm cơ quan thực hiện việc xác minh.

6. Trong thời gian tiến hành xác minh, nếu doanh nghiệp nhập khẩu đề nghị được thông quan, giải phóng hàng hóa thì hàng hóa tạm thời áp dụng mức thuế dành cho tất cả các nhà sản xuất, xuất khẩu khác trong vụ việc phòng vệ thương mại ban đầu. Sau khi có kết quả xác minh, Cơ quan hải quan thực hiện thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành.

Mục 3. RÀ SOÁT VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG LẨN TRÁNH BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI

Điều 97. Rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

1. Bên yêu cầu rà soát có thể nộp hồ sơ yêu cầu rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực trong thời gian Cơ quan điều tra tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 51 Nghị định này hoặc trong bất kỳ thời điểm nào sau khi biện pháp tự vệ ban đầu có hiệu lực.

2. Rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại gồm các nội dung sau:

a) Xác định thông tin, số liệu về số lượng, khối lượng của hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nhập khẩu vào Việt Nam kể từ khi biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng;

b) Xác định sự tồn tại của hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại;

c) Đánh giá việc tiếp tục áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là cần thiết hoặc không cần thiết để khắc phục hoặc ngăn chặn thiệt hại hoặc sự suy giảm hiệu quả của biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực.

3. Trường hợp nhà sản xuất, xuất khẩu không thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều 96 Nghị định này hoặc không hợp tác, không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không chính xác trong quá trình cơ quan có thẩm quyền kiểm tra tính xác thực, hợp lệ của các tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 96 Nghị định này, Cơ quan điều tra có quyền ngay lập tức kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương khởi xướng rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với nhà sản xuất, xuất khẩu đó.

4. Trong thời gian tiến hành rà soát, hàng hóa nhập khẩu của nhà sản xuất, xuất khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều này tạm thời bị áp dụng mức thuế dành cho tất cả các nhà sản xuất, xuất khẩu khác trong vụ việc phòng vệ thương mại ban đầu. Sau khi có kết quả rà soát, Cơ quan hải quan thực hiện thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành.

Điều 98. Bên yêu cầu rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

Cá nhân, tổ chức có quyền nộp hồ sơ yêu cầu rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại gồm:

1. Nhà sản xuất trong nước.

2. Nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài.

3. Nhà xuất khẩu mới.

4. Nhà nhập khẩu.

5. Các tổ chức, cá nhân sử dụng hàng hóa nhập khẩu.

Điều 99. Hồ sơ yêu cầu rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

Hồ sơ yêu cầu rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại gồm các thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan sau:

1. Tên, địa chỉ và thông tin cần thiết khác của bên yêu cầu rà soát.

2. Tên, địa chỉ và thông tin khác của bên bị yêu cầu rà soát (nếu có).

3. Thông tin về biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được yêu cầu rà soát.

4. Các nội dung yêu cầu rà soát cụ thể.

5. Các thông tin, tài liệu khác.

Điều 100. Thẩm định hồ sơ yêu cầu rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

1. Việc xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ yêu cầu rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được thực hiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Cơ quan điều tra thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát đầy đủ và hợp lệ, Cơ quan điều tra thẩm định nội dung hồ sơ, gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét quyết định rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

3. Thẩm định nội dung hồ sơ yêu cầu rà soát gồm:

a) Xác định tư cách của bên yêu cầu rà soát;

b) Xác định thông tin, tài liệu và chứng cứ trong hồ sơ phù hợp với nội dung yêu cầu rà soát.

Điều 101. Quyết định rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại gồm các nội dung sau:

1. Thông tin cơ bản về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

2. Cơ sở tiến hành rà soát.

3. Thông tin về các tổ chức, cá nhân yêu cầu rà soát.

4. Các nội dung rà soát cụ thể.

5. Trình tự, thủ tục tiến hành rà soát.

Điều 102. Bản câu hỏi điều tra rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định rà soát, Cơ quan điều tra gửi bản câu hỏi điều tra rà soát cho các bên liên quan.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản câu hỏi điều tra rà soát, bên nhận được bản câu hỏi phải gửi bản trả lời đầy đủ cho Cơ quan điều tra. Trường hợp cần thiết hoặc các bên liên quan có văn bản đề nghị gia hạn với lý do hợp lý, Cơ quan điều tra có thể gia hạn nhưng không quá 30 ngày.

3. Bàn câu hỏi điều tra rà soát được coi là được nhận sau 07 ngày kể từ ngày Cơ quan điều tra gửi đi. Ngày gửi được xác định căn cứ theo dấu của bưu điện hoặc ngày Cơ quan điều tra đăng tải công khai bản câu hỏi điều tra rà soát tại cổng thông tin điện tử của Cơ quan điều tra.

Điều 103. Quyết định về kết quả rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

Căn cứ kết luận rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành một trong các quyết định sau đây:

1. Duy trì việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

2. Điều chỉnh đối tượng, phạm vi và hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

3. Chấm dứt việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Nghị định 86/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại

  • Số hiệu: 86/2025/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 11/04/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Bùi Thanh Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH