Hệ thống pháp luật

Mục 6 Chương 3 Nghị định 83/1998/NĐ-CP về việc đăng ký hộ tịch

MỤC 6: ĐĂNG KÝ VIỆC NHẬN CHA, MẸ, CON

Điều 47. Thẩm quyền đăng ký việc nhận cha, mẹ, con

Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người con công nhận và đăng ký việc nhận cha, mẹ, con, nếu việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp.

Điều 48. Thủ tục đăng ký việc cha, mẹ nhận con

Người xin nhận con phải nộp đơn và xuất trình các giấy tờ sau đây:

1. Giấy khai sinh của người con;

2. Sổ hộ khẩu gia đình của người con;

3. Chứng minh nhân dân của người có đơn yêu cầu;

4. Các giấy tờ cần thiết khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con. Trong trường hợp không có đủ các giấy tờ theo quy định tại điểm 1, 2, 3 trên đây, thì phải có giấy tờ hợp lệ thay thế.

Đơn xin nhận con phải có sự đồng ý của người hiện đang nuôi dưỡng trẻ em đó. Nếu người được nhận làm con từ 9 tuổi trở lên, thì phải được sự đồng ý của người con đó.

Trong trường hợp một người mà tính mạng bị cái chết đe doạ do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác, không thể đến Uỷ ban nhân dân cấp xã yêu cầu công nhận người khác là con mình, thì đơn được thay thế bằng văn bản có xác nhận của hai người làm chứng về nguyện vọng nhận con của người đó. Trong trường hợp người đó đã có đơn xin nhận con, thì người thân thích hoặc người được uỷ quyền thay mặt người đó làm thủ tục đăng ký việc cha, mẹ nhận con.

Điều 49. Thủ tục đăng ký việc con nhận cha, mẹ

Người xin nhận cha, mẹ phải nộp đơn và xuất trình các giấy tờ sau đây:

1. Giấy khai sinh của người xin nhận cha, mẹ;

2. Sổ hộ khẩu gia đình của người xin nhận cha, mẹ;

3. Các giấy tờ cần thiết khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con. Trong trường hợp không có đủ các giấy tờ theo quy định tại điểm 1, 2 trên đây, thì phải có giấy tờ hợp lệ thay thế.

Đơn xin nhận cha hoặc mẹ phải được người hiện đang là mẹ hoặc cha, và người được nhận là cha, hoặc mẹ đồng ý.

Trong trường hợp người xin nhận cha hoặc mẹ dưới 15 tuổi, thì đơn do mẹ, cha, hoặc người đang nuôi dưỡng viết, nếu trẻ em từ 9 tuổi trở lên, thì phải có sự đồng ý của người đó, nếu từ đủ 15 tuổi trở lên, thì đơn phải do chính người đó viết.

Điều 50. Thời hạn đăng ký việc nhận cha, mẹ, con

Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải tiến hành xác minh và niêm yết công khai việc xin nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Uỷ ban nhân dân. Trong trường hợp cần phải xác minh thêm thì thời hạn kéo dài không quá 7 ngày.

Sau thời hạn nói trên, nếu xét thấy việc xin nhận cha, mẹ, con có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về Hôn nhân và gia đình và không có khiếu nại, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã phải thông báo cho các bên về ngày đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.

Khi đăng ký việc nhận cha, mẹ, con, thì cả cha, mẹ và người được nhận làm con phải có mặt. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên một bản chính Quyết định công nhận việc cha, mẹ nhận con hoặc con nhận cha, mẹ, cán bộ hộ tịch tư pháp ghi vào Sổ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con. Bản sao và số lượng bản sao Quyết định công nhận được cấp theo yêu cầu của các bên cha, mẹ, con.

Điều 51. Từ chối đăng ký việc nhận cha, mẹ, con

Trong trường hợp không có đủ cơ sở để công nhận việc nhận cha, mẹ, con, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã mời người xin nhận cha, mẹ, con đến Uỷ ban nhân dân để thông báo việc từ chối đăng ký, lý do từ chối phải ghi rõ bằng văn bản.

Nghị định 83/1998/NĐ-CP về việc đăng ký hộ tịch

  • Số hiệu: 83/1998/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 10/10/1998
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 33
  • Ngày hiệu lực: 25/10/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH