Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 83/1998/NĐ-CP về việc đăng ký hộ tịch

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Hộ tịch và đăng ký hộ tịch

Hộ tịch là những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết.

Đăng ký hộ tịch theo quy định của Nghị định này là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

1. Xác nhận các sự kiện: Sinh; kết hôn; tử; nuôi con nuôi; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; thay đổi họ, tên, chữ đệm; cải chính họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh; xác định lại dân tộc; đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn; đăng ký lại các việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi;

2. Căn cứ vào quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ghi vào sổ đăng ký hộ tịch các việc về ly hôn, xác định cha, mẹ, con, thay đổi quốc tịch, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, huỷ hôn nhân trái pháp luật, hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc những sự kiện khác do pháp luật quy định. Giấy tờ hộ tịch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo thủ tục, trình tự được quy định tại Nghị định này là bằng chứng công nhận các sự kiện về hộ tịch, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức.

Điều 2. Mục đích quản lý hộ tịch Quản lý hộ tịch là công việc thường xuyên của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện để theo dõi thực trạng và sự biến động về hộ tịch, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, tại cơ sở xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình.

Điều 3. Quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch Các sự kiện hộ tịch đều phải được đăng lý tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Nghị định này.

Cá nhân, tổ chức có quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có nghĩa vụ đăng ký hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch và có trách nhiệm tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch.

Điều 4. Nguyên tắc đăng ký, kiểm tra và xử lý các vi phạm về hộ tịch

Việc đăng ký, kiểm tra và xử lý các vi phạm về hộ tịch phải được thực hiện kịp thời, khách quan, chính xác theo quy định của Nghị định này và những quy định khác của pháp luật về hộ tịch.

Điều 5. Đăng ký và quản lý hộ tịch có yếu tố nước ngoài

Việc đăng ký và quản lý hộ tịch có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo quy định của Nghị định này và những quy định khác của pháp luật về hộ tịch. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với Nghị định này và những quy định khác của pháp luật về hộ tịch, thì áp dụng điều ước quốc tế đó.

Điều 6. Việc lưu sổ đăng ký hộ tịch

Sổ đăng ký hộ tịch được lưu ở hai cấp: một bộ sổ lưu tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi đăng ký hộ tịch và một bộ sổ lưu tại Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh).

Điều 7. Lệ phí hộ tịch

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi đăng ký hộ tịch được thu lệ phí. Mức thu lệ phí, việc miễn, giảm lệ phí và chế độ sử dụng lệ phí do Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định.

Nghị định 83/1998/NĐ-CP về việc đăng ký hộ tịch

  • Số hiệu: 83/1998/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 10/10/1998
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 33
  • Ngày hiệu lực: 25/10/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH