Hệ thống pháp luật

Điều 4 Nghị định 81/2019/NĐ-CP về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Vũ khí hủy diệt hàng loạt hay còn gọi là vũ khí hủy diệt lớn là các loại vũ khí được chế tạo, sản xuất có khả năng sát thương cao trên diện rộng, có khả năng hủy diệt, gây tổn thất lớn về sinh lực, phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất, môi trường sinh thái và gây hoảng loạn về tâm lý, tinh thần con người, bao gồm: vũ khí hạt nhân, vũ khí phóng xạ, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học và các vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí hủy diệt hàng loạt.

2. Vũ khí hạt nhân là vũ khí dựa trên cơ sở sử dụng năng lượng được giải phóng từ các phản ứng phân chia hạt nhân và phản ứng tổng hợp hạt nhân không điều khiển. Các nhân tố sát thương chủ yếu gồm sóng xung kích, bức xạ quang, bức xạ xuyên, phóng xạ và xung điện từ; đạn dược hạt nhân, phương tiện đưa chúng tới mục tiêu và phương tiện điều khiển là bộ phận không thể tách rời của vũ khí hạt nhân.

3. Vũ khí phóng xạ là vũ khí dùng chất phóng xạ để sát thương sinh lực bằng bức xạ ion hóa làm nhiễm xạ môi trường xung quanh, phương tiện kỹ thuật và các đối tượng khác. Chất phóng xạ có thể lấy từ sản phẩm của lò phản ứng hạt nhân hoặc điều chế nhân tạo. Vũ khí phóng xạ gồm đạn dược chứa chất phóng xạ, phương tiện đưa chúng tới mục tiêu hoặc các thiết bị phun rải khác. Vũ khí phóng xạ tác động bằng tia bức xạ do chiếu ngoài và chiếu trong cơ thể, gây tổn thương các bộ phận của cơ thể và gây bệnh phóng xạ.

4. Vũ khí hóa học là vũ khí dựa trên đặc tính gây độc cao và tác động nhanh của các loại hóa chất. Vũ khí hóa học bao gồm hóa chất độc và các phương tiện sử dụng như đạn dược, phương tiện đưa hóa chất độc đến mục tiêu. Vũ khí hóa học có phạm vi tác động lớn cả về tính chất, mức độ sát thương lẫn không gian, thời gian tác động; hiệu quả sát thương cao, khó phát hiện kịp thời, gây khó khăn, phức tạp cho việc phòng, chống và khắc phục hậu quả; gây thiệt hại lớn cho môi trường sinh thái và hậu quả xấu đến tính mạng và sức khỏe con người.

5. Vũ khí sinh học là vũ khí dựa trên đặc tính gây bệnh hoặc truyền bệnh của các tác nhân sinh học gây dịch giết hại hàng loạt cho người, động vật, thực vật. Thành phần của vũ khí sinh học là tác nhân sinh học như vi khuẩn, virut, nấm, độc to và các phương tiện sử dụng như đạn dược, phương tiện đưa tác nhân sinh học đến mục tiêu.

6. Phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt

a) Là hoạt động làm lan rộng kiến thức, công trình nghiên cứu khoa học, các thành phần tiền chất, vật liệu liên quan của chủ thể nhà nước hoặc phi nhà nước nhằm thực hiện các hoạt động liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt được quy định tại điểm b khoản này;

b) Hoạt động liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt bao gồm: nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sở hữu, mua lại, dự trữ, lưu trữ, phát triển, vận chuyển, bán, cung cấp, chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ, xuất khẩu, nhập khẩu, trung chuyển và sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc các hoạt động có liên quan được quy định trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có liên quan; hoặc cung cấp đào tạo kỹ thuật, tư vấn, dịch vụ, môi giới, hỗ trợ liên quan đến bất kỳ hoạt động nào được xác định trong điểm này.

7. Vật liệu liên quan tới vũ khí hủy diệt hàng loạt (sau đây gọi tắt là vật liệu liên quan) là các hạng mục, vật liệu, trang thiết bị, hàng hóa, hay công nghệ bao gồm cả vật liệu, công nghệ và thiết bị lưỡng dụng liên quan đến các hoạt động quy định tại điểm b khoản 6 Điều này, hoặc quy định trong các tài liệu của Liên hợp quốc và nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được thông qua theo Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc về phòng chống, triệt tiêu và phá vỡ hoạt động phổ biến và tài trợ cho phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

8. Vật liệu, công nghệ và thiết bị lưỡng dụng là vật liệu, công nghệ và thiết bị có thể dùng cho mục đích dân sự hoặc sản xuất, buôn bán, vận chuyển và các hoạt động khác liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

9. Tiền chất là đơn chất hoặc hợp chất đóng vai trò quyết định được sử dụng trong bất kỳ công đoạn nào của một quá trình công nghệ để tạo thành các tác nhân hóa học, sinh học, phóng xạ hoặc hạt nhân có tính chất gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe con người và môi trường.

10. Tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt là hoạt động cung cấp tiền, tài sản hoặc hỗ trợ tiền, tài sản cho các chủ thể nhà nước hoặc phi nhà nước để phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

11. Phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt là các hoạt động ngoại giao, kinh tế, quân sự, an ninh, thực thi pháp luật, tình báo, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác nhằm mục đích phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý, ứng phó, khắc phục hậu quả của hoạt động phổ biến, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, giảm thiểu rủi ro hoặc tác nhân nguy hiểm và tiến tới loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt.

12. Tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Phòng, chống rửa tiền.

13. Tài sản liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt bao gồm:

a) Tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp, một phần hoặc toàn bộ của tổ chức, cá nhân thuộc danh sách bị chỉ định;

b) Tài sản phát sinh từ tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp, một phần hoặc toàn bộ của tổ chức, cá nhân thuộc danh sách bị chỉ định;

c) Tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, kiểm soát của tổ chức, cá nhân được quyền nhân danh tổ chức, cá nhân thuộc danh sách bị chỉ định hoặc dưới sự điều hành của tổ chức, cá nhân này;

d) Tài sản được sử dụng hoặc nhằm để sử dụng vào mục đích phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc tài sản có được từ hành vi phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;

đ) Tài sản được sử dụng hoặc nhằm để sử dụng vào mục đích phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt có được từ hành vi chiếm đoạt hoặc hành vi vi phạm pháp luật khác mà có.

14. Tài khoản bao gồm:

a) Bất kỳ thể thức hoặc thỏa thuận nào mà một tổ chức tài chính chấp nhận việc ký gửi của một tài sản; cho phép rút hoặc chuyển nhượng một tài sản; thanh toán, nộp vào, rút ra trên một công cụ chuyển nhượng vô danh thay cho bất kỳ người nào khác; cung cấp hộp ký gửi an toàn hoặc bất kỳ hình thức ký gửi an toàn nào khác;

b) Bất kỳ tài khoản nào bị đóng hoặc không hoạt động hoặc có số dư bằng không.

15. Tổ chức, cá nhân bị chỉ định là một nhóm người, một người, pháp nhân hoặc chủ thể tham gia vào việc phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được liệt kê trong các nghị quyết, thông báo thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ban hành theo Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc hoặc do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác lập.

16. Xác lập danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam lập danh sách, đưa ra khỏi danh sách, công bố danh sách; đề nghị đưa vào danh sách, đưa ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định; tiếp nhận, xử lý yêu cầu của quốc gia khác về việc xác định tổ chức, cá nhân liên quan hoặc không liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Nghị định 81/2019/NĐ-CP về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt

  • Số hiệu: 81/2019/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 11/11/2019
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 907 đến số 908
  • Ngày hiệu lực: 11/11/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH