Hệ thống pháp luật

Điều 11 Nghị định 81/2019/NĐ-CP về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt

Điều 11. Nhiệm vụ của Cơ quan đầu mối quốc gia

1. Tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức, triển khai thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

2. Nhận và triển khai, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật, yêu cầu của các nghị quyết thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc theo quy định của Nghị định này.

3. Tiếp nhận thông tin nghi ngờ liên quan đến hoạt động phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt từ các quốc gia, tổ chức quốc tế và bộ, ngành, địa phương báo cáo; phối hợp với Đơn vị đầu mối liên quan xác minh làm rõ và đề xuất phương án xử lý theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan hoặc nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hướng dẫn Đơn vị đầu mối xử lý tài sản có liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt như sau:

a) Trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp trong trường hợp tài sản đó bị người khác chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép vào hoạt động phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;

b) Chi phí, sử dụng cho các khoản chi thiết yếu phục vụ sinh hoạt của cá nhân có tiên, tài sản bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, tạm giữ, xử lý và chi phí cho các nghĩa vụ hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân có tài sản bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, tạm giữ, xử lý;

c) Giải tỏa, trả lại nếu tổ chức, cá nhân được đưa ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định hoặc do bị xác định sai là tổ chức, cá nhân thuộc danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định.

4. Tiếp nhận thông tin nghi ngờ về vật liệu liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt từ các quốc gia, tổ chức quốc tế và từ các bộ, ngành, địa phương báo cáo; phối hợp với Bộ Công an, Đơn vị đầu mối và các cơ quan, tổ chức liên quan xác minh làm rõ và đề xuất phương án xử lý. Trường hợp nghi ngờ về vật liệu liên quan có tính chất, mức độ nguy hiểm thì chủ trì chỉ đạo lực lượng chuyên ngành phối hợp với các Đơn vị đầu mối và các cơ quan chủ trì phát hiện, bắt giữ xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của vật liệu liên quan; nếu có các yếu tố nguy hại của tác nhân hóa học, sinh học, phóng xạ hoặc hạt nhân thì chủ trì phối hợp với chủ thể phát hiện xử lý theo quy trình chuyên ngành để đảm bảo an toàn cho xã hội; trường hợp không có tính chất nguy hiểm của các yếu tố nguy hại trên thì giao cho cơ quan chủ trì phát hiện, bắt giữ xử lý theo quy định của pháp luật liên quan.

5. Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được thông qua tại Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên liên quan đến phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, có nhiệm vụ:

a) Duy trì tuyên bố công khai rõ ràng trên trang web của Cơ quan đầu mối quốc gia về các nghĩa vụ của Nghị định này áp dụng đối với tất cả các cơ quan, tổ chức và cá nhân tại Việt Nam trong việc tạm ngừng lưu thông, tạm giữ và phong tỏa tài sản không chậm trễ và không cần thông báo trước đối với tài sản hoặc tài sản có liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt của tổ chức, cá nhân bị chỉ định;

b) Việc tạm ngừng lưu thông, tạm giữ và phong tỏa tài sản không chậm trễ và duy trì thực hiện sau 24 giờ kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông báo, Cơ quan đầu mối quốc gia sẽ cung cấp một liên kết trực tiếp đến trang web của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về nghĩa vụ đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam trong việc áp dụng và theo dõi trang web đó một cách thường xuyên để tuân thủ nghĩa vụ đối với việc tạm ngừng lưu thông, tạm giữ và phong tỏa tài sản;

c) Trong vòng 24 giờ kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua, phải thông báo danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định tới tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh biết để chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý phải thực hiện ngay lập tức các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với tổ chức, cá nhân bị chỉ định và thực hiện các biện pháp ngăn chặn phù hợp theo quy định của Nghị định này;

d) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; trao đổi thông tin và đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả đê các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện không chậm trễ các biện pháp trừng phạt liên quan đến việc phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;

đ) Nhận báo cáo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của các bộ, ngành, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi báo cáo quốc gia lên Ủy ban trừng phạt của các nghị quyết thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hoặc các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên;

e) Tiếp nhận yêu cầu của quốc gia khác và phối hợp với Đơn vị đầu mối của bộ, ngành, địa phương về việc xác định tổ chức, cá nhân liên quan hoặc không liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; trả lời quốc gia khác khi có kết quả xác minh theo quy định của pháp luật;

g) Tiếp nhận thông tin liên quan và phối hợp với Đơn vị đầu mối đưa vào hoặc đưa ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo hoặc kiến nghị lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa vào danh sách, đưa ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định và công bố công khai danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định theo quy định;

h) Chủ trì, phối hợp với các Đơn vị đầu mối kiểm tra, giám sát, thanh tra theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này; kiến nghị xử lý hình sự, hành chính hoặc dân sự theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân không tuân thủ.

6. Cho phép những tổ chức, cá nhân trong danh sách bị chỉ định được kiến nghị yêu cầu hủy niêm yết tại Đơn vị đầu mối hoặc thông báo cho những cá nhân hoặc tổ chức bị chỉ định kiến nghị trực tiếp với Cơ quan đầu mối quốc gia. Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân thuộc danh sách bị chỉ định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhưng không thỏa mãn tiêu chí để xác định là tổ chức, cá nhân liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được ban hành trên cơ sở Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc thì chủ trì, phối hợp với các Đơn vị đầu mối liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Liên hợp quốc đưa tổ chức, cá nhân đó ra khỏi danh sách bị chỉ định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

7. Khi nhận được yêu cầu của quốc gia khác về việc xác định tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc không liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, thì chủ trì, phối hợp với các Đơn vị đầu mối liên quan xác minh, xem xét. Nếu có căn cứ hợp pháp để cho rằng tổ chức, cá nhân đó có liên quan hoặc không liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thì đưa ra quyết định đưa hoặc không đưa tổ chức, cá nhân đó vào danh sách bị chỉ định và thông báo cho quốc gia có yêu cầu biết.

8. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân thỏa mãn tiêu chí để xác định là tổ chức, cá nhân liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được ban hành trên cơ sở Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc thì có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Đơn vị đầu mối liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc đề nghị Liên hợp quốc và quốc gia có liên quan đưa tổ chức, cá nhân đó vào danh sách bị chỉ định.

9. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân của Việt Nam bị quốc gia khác xác định là tổ chức, cá nhân liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng không phù hợp với tiêu chí quy định trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được ban hành trên cơ sở Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc thì chủ trì, phối hợp với các Đơn vị đầu mối liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ có văn bản đề nghị Liên hợp quốc và quốc gia có liên quan đưa tổ chức, cá nhân đó ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định.

10. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đánh giá rủi ro quốc gia về phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt 05 năm một lần; xem xét các xu thế hoạt động phổ biến, tài trợ phổ biến và các loại tội phạm có liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong nước và quốc tế nhằm đưa ra các giải pháp trong công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt báo cáo Thủ tướng Chính phủ và phổ biến kết quả đánh giá, phân tích nhằm phát triển những định hướng chung, các tiêu chuẩn và biện pháp, bao gồm những thực tiễn hoạt động hiệu quả trong việc phòng, chống phổ biến, tài trợ phổ biến và hành vi bất hợp pháp liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt cho các bộ, ngành, địa phương; chia sẻ thông tin với các tổ chức quốc tế, khu vực và các quốc gia thành viên khác.

Nghị định 81/2019/NĐ-CP về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt

  • Số hiệu: 81/2019/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 11/11/2019
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 907 đến số 908
  • Ngày hiệu lực: 11/11/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH