Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 37/2023/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân

Chương II

KIỆN TOÀN TỔ CHỨC BỘ MÁY, HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ HỖ TRỢ NÔNG DÂN ĐÃ THÀNH LẬP VÀ THÀNH LẬP MỚI QUỸ HỖ TRỢ NÔNG DÂN

Mục 1. KIỆN TOÀN TỔ CHỨC BỘ MÁY, HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ HỖ TRỢ NÔNG DÂN ĐÃ THÀNH LẬP

Điều 6. Kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân đã thành lập trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành

1. Các Quỹ Hỗ trợ nông dân đã thành lập, hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải thực hiện quy trình kiện toàn tổ chức, hoạt động và trình cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Trường hợp cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân đánh giá Quỹ Hỗ trợ nông dân hoạt động không hiệu quả và/hoặc thuộc các trường hợp theo quy định tại Điều 39, Điều 40 Nghị định này thì thực hiện giải thể, chia tách hoặc sáp nhập Quỹ Hỗ trợ nông dân theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

2. Quy trình và thẩm quyền quyết định kiện toàn tổ chức, hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân:

a) Đối với Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương: Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương theo quy định tại khoản 3 Điều này, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành quyết định phê duyệt Đề án sau khi lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nội vụ;

b) Đối với Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh: Ban Thường vụ Hội nông dân cấp tỉnh xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 3 Điều này, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua. Sau khi Đề án được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án;

c) Đối với Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện: Ban Thường vụ Hội nông dân cấp huyện xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện theo quy định tại khoản 3 Điều này, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện để trình Hội đồng nhân dân cấp huyện thông qua. Sau khi Đề án được Hội đồng nhân dân huyện thông qua, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định phê duyệt Đề án. Đối với các đơn vị hành chính cấp huyện không tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phê duyệt Đề án.

3. Nội dung cơ bản của Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân:

a) Quyết định thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân;

b) Đánh giá kết quả hoạt động, hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước, hiệu quả kinh tế - xã hội của Quỹ Hỗ trợ nông dân kể từ khi thành lập đến khi xây dựng Đề án theo quy định tại Nghị định này;

c) Mục tiêu, sự cần thiết và tính khả thi của việc tiếp tục triển khai hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân; nhu cầu hỗ trợ nông dân tại địa phương; quy mô, phạm vi, nội dung hoạt động và tác động của việc kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân đến sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương;

d) Phương án về nguồn vốn hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân trong 05 năm tiếp theo gồm: Mức vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp, khả năng vận động vốn ngoài ngân sách;

đ) Phương án chia tách hoặc sáp nhập Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện đã thành lập và đang hoạt động đến trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực vào Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh theo quy định tại Điều 39 Nghị định này (nếu có);

e) Phương án sử dụng lao động của Quỹ Hỗ trợ nông dân trong trường hợp chia tách, sáp nhập Quỹ Hỗ trợ nông dân (nếu có) đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của người lao động theo quy định của pháp luật;

g) Dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân theo quy định tại Điều 8 Nghị định này;

h) Thuyết minh cụ thể về cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân;

i) Danh sách dự kiến các nhân sự gồm: Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản lý; Ban Kiểm soát; Giám đốc và các nhân sự chủ chốt khác của Quỹ Hỗ trợ nông dân, đáp ứng theo các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Nghị định này;

k) Dự kiến phương án hoạt động, quản lý, tài chính của Quỹ Hỗ trợ nông dân trong vòng 05 năm tiếp theo kể từ thời điểm xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Mục 2. THÀNH LẬP MỚI QUỸ HỖ TRỢ NÔNG DÂN

Điều 7. Điều kiện thành lập mới Quỹ Hỗ trợ nông dân

1. Điều kiện thành lập mới Quỹ Hỗ trợ nông dân tại các địa phương chưa thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành gồm:

a) Có nhu cầu thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân;

b) Có khả năng bố trí ngân sách địa phương để cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ nông dân;

c) Có khả năng bố trí nhân sự đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 10, Điều 11, Điều 12 Nghị định này;

2. Quy trình và thẩm quyền quyết định thành lập mới Quỹ Hỗ trợ nông dân thực hiện như quy trình kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân đã thành lập quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này.

3. Nội dung cơ bản của Đề án thành lập mới của Quỹ Hỗ trợ nông dân:

a) Mục tiêu, sự cần thiết và tính khả thi của việc thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhu cầu hỗ trợ nông dân tại địa phương; quy mô, phạm vi, nội dung hoạt động và tác động của việc thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân đến phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương;

b) Phương án hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân chứng minh Quỹ Hỗ trợ nông dân có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước;

c) Các nội dung quy định tại điểm d, điểm g, điểm h, điểm i, điểm k khoản 3 Điều 6 Nghị định này.

Điều 8. Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân

1. Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân bao gồm các nội dung cơ bản sau:

a) Tên gọi và địa điểm đặt trụ sở chính;

b) Địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân, người đại diện pháp luật;

c) Nguyên tắc và phạm vi hoạt động;

d) Vốn điều lệ;

đ) Cơ cấu tổ chức và quản lý;

e) Chức năng, nhiệm vụ;

g) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý, Ban điều hành và Ban Kiểm soát;

h) Tiêu chuẩn, điều kiện, quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh người quản lý;

i) Việc tuyển dụng lao động, quy hoạch và bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo khác;

k) Chế độ kế toán, tài chính và kiểm toán;

l) Quy trình sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động;

m) Mối quan hệ và trách nhiệm giữa Quỹ Hỗ trợ nông dân với các cơ quan quản lý nhà nước và các khách hàng vay vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân;

n) Xử lý tranh chấp, chia tách, sáp nhập và giải thể;

o) Các nội dung khác theo yêu cầu quản lý.

2. Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân xây dựng dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân trình Ban Thường vụ Hội nông dân cùng cấp phê duyệt trên cơ sở Điều lệ mẫu theo quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động mẫu áp dụng cho toàn bộ hệ thống Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Nghị định 37/2023/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân

  • Số hiệu: 37/2023/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 24/06/2023
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phạm Minh Chính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 807 đến số 808
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH