Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 206/2013/NĐ-CP quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Chương 3.

QUẢN LÝ VÀ XỬ LÝ CÁC KHOẢN NỢ PHẢI TRẢ CỦA DOANH NGHIỆP

MỤC 1. QUẢN LÝ CÁC KHOẢN NỢ PHẢI TRẢ CỦA DOANH NGHIỆP

Điều 10. Trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc quản lý nợ phải trả

1. Ban hành và thực hiện Quy chế quản lý nợ của doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này, phân công và xác định rõ trách nhiệm trong việc theo dõi, thanh toán các khoản nợ phải trả; mở sổ theo dõi đầy đủ các khoản nợ phải trả gồm cả các khoản lãi phải trả; phân loại theo thời gian các khoản nợ phải trả (nợ chưa đến hạn thanh toán, nợ đến hạn thanh toán, nợ đã quá hạn thanh toán); phân loại theo tính chất khoản nợ (nợ dài hạn, nợ ngắn hạn, nợ vay ưu đãi, vay thương mại, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ...); theo dõi đầy đủ đối với các khoản cam kết bảo lãnh của doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp phải đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp không vượt quá 3 lần theo quy định của Chính phủ về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Khi có nhu cầu huy động vốn vượt quy định để đầu tư các dự án quan trọng, doanh nghiệp phải xây dựng phương án cụ thể, xác định rõ kế hoạch trả nợ, cân đối dòng tiền trả nợ, báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định trên cơ sở các dự án huy động vốn phải đảm bảo khả năng trả nợ và có hiệu quả. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án và đảm bảo khả năng trả nợ, Chủ sở hữu chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước pháp luật.

3. Xây dựng kế hoạch trả nợ, cân đối dòng tiền đảm bảo nguồn trả nợ; Thanh toán các khoản nợ phải trả theo đúng thời hạn đã cam kết. Thường xuyên xem xét, đánh giá, phân tích khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp, không để phát sinh các khoản nợ quá hạn. Các khoản nợ phải trả mà không có đối tượng để trả thì hạch toán vào thu nhập của doanh nghiệp.

4. Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên (Chủ tịch công ty) Tổng giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp phải quản lý và điều hành doanh nghiệp bảo đảm khả năng thanh toán các khoản nợ; có trách nhiệm phát hiện sớm tình hình khó khăn trong thanh toán nợ để có giải pháp khắc phục kịp thời không để phát sinh các khoản nợ quá hạn; nếu không xử lý kịp thời để phát sinh tình trạng nợ phải trả quá hạn không thanh toán trên 06 tháng, căn cứ vào hậu quả của việc không xử lý kịp thời, chủ sở hữu quyết định hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc; nếu không xử lý kịp thời dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ thì phải chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu và trước pháp luật.

5. Doanh nghiệp chỉ được chi các quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ thưởng Viên chức quản lý doanh nghiệp cho các chức danh Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), Kế toán trưởng và các cá nhân có liên quan đến khoản nợ sau khi thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả (tính theo thời hạn trả nợ ban đầu, không kể thời gian gia hạn trả nợ).

Điều 11. Trách nhiệm của doanh nghiệp khi thực hiện huy động vốn

1. Doanh nghiệp thực hiện việc huy động vốn để đầu tư, sản xuất kinh doanh theo các quy định của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

2. Việc huy động vốn của doanh nghiệp phải được tính toán, cân nhắc kỹ về hiệu quả kinh tế. Vốn huy động chỉ sử dụng, đầu tư vào mục đích kinh doanh được phê duyệt, trong đó phải tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, không dùng vào mục đích khác, vốn huy động phải được quản lý chặt chẽ, kinh doanh có hiệu quả. Doanh nghiệp phải trả nợ gốc và lãi theo đúng cam kết khi huy động vốn.

3. Doanh nghiệp phải xây dựng phương án huy động vốn, đảm bảo khả năng thanh toán nợ; trường hợp vượt quá thẩm quyền của doanh nghiệp thì phương án phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước, đảm bảo khả năng thanh toán nợ. Người phê duyệt phương án huy động vốn phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đảm bảo vốn huy động được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và có hiệu quả.

4. Việc bảo lãnh cho công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ, các công ty có vốn góp của công ty mẹ huy động vốn, vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện theo các quy định của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu. Các dự án mà công ty mẹ thực hiện bảo lãnh phải được thẩm định, đánh giá đảm bảo hiệu quả, khả năng trả nợ của các công ty được bảo lãnh. Công ty mẹ có trách nhiệm giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay đúng mục đích và trả nợ đúng hạn đối với các khoản vay do công ty mẹ bảo lãnh cho các doanh nghiệp.

5. Trường hợp huy động vốn không có hiệu quả hoặc thực hiện việc huy động vốn không đúng quy định, sử dụng vốn không đúng mục đích dẫn đến tổn thất tài sản, gây thiệt hại cho doanh, nghiệp thì Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường vật chất tương ứng với thiệt hại, tổn thất đã gây ra cho doanh nghiệp, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

6. Chủ sở hữu giám sát chặt chẽ việc huy động và sử dụng vốn huy động tại các doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời những sai sót và không gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

7. Hàng năm, đồng thời với việc lập kế hoạch tài chính cho năm kế tiếp, doanh nghiệp phải lập kế hoạch huy động vốn; xác định kế hoạch trả nợ các khoản nợ đến hạn trả trong năm tài chính kế tiếp gửi chủ sở hữu, cơ quan tài chính trước ngày 31 tháng 7 của năm báo cáo để theo dõi, giám sát.

MỤC 2. XỬ LÝ CÁC KHOẢN NỢ PHẢI TRẢ TỒN ĐỌNG CỦA DOANH NGHIỆP

Điều 12. Các khoản nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước

1. Việc xử lý các khoản nợ thuế và các khoản nộp Ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí.

2. Đối với các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi theo Nghị định số 109/2008/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2008 về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, thực hiện xử lý các khoản nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan.

3. Đối với các khoản vay, tạm ứng của ngân sách nhà nước, doanh nghiệp có trách nhiệm trả nợ cho ngân sách nhà nước theo quy định. Nếu không trả được nợ do nguyên nhân khách quan doanh nghiệp báo cáo cơ quan có thẩm quyền để giải quyết từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Các khoản nợ doanh nghiệp vay của tổ chức tín dụng

1. Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động có khó khăn về khả năng thanh toán các khoản nợ quá hạn vay của các tổ chức tín dụng do kinh doanh thua lỗ thì xử lý nợ theo quy định của Chính phủ và pháp luật hiện hành có liên quan về xử lý nợ của tổ chức tín dụng.

2. Đối với các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi (theo Nghị định số 109/2008/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2008 về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần) có khó khăn về khả năng thanh toán các khoản nợ quá hạn vay của các tổ chức tín dụng do kinh doanh thua lỗ thì xử lý nợ theo quy định pháp luật hiện hành về xử lý nợ tồn đọng; chủ động phối hợp với ngân hàng chủ nợ và các tổ chức có chức năng mua bán nợ để xử lý phần nợ quá hạn theo các hình thức phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Việc xử lý các khoản nợ quá hạn của các doanh nghiệp vay tại Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Việt Nam được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 14. Xử lý nợ phải trả có bảo lãnh

Tổ chức, cá nhân bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn, mua trả chậm vật tư hàng hóa đã quá hạn thanh toán mà doanh nghiệp được bảo lãnh chưa trả được nợ thì tổ chức và cá nhân bảo lãnh phải trả nợ thay. Doanh nghiệp được trả nợ thay có trách nhiệm nhận nợ và trả nợ với tổ chức, cá nhân đã bảo lãnh cho mình theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 15. Xử lý khoản nợ Bảo hiểm xã hội

1. Đối với doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi, trước khi thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán dứt điểm khoản nợ đối với Bảo hiểm xã hội.

2. Đối với các doanh nghiệp thực hiện bán và không kế thừa nợ: Được ưu tiên sử dụng tiền thu được khi thực hiện bán doanh nghiệp để thanh toán số nợ của doanh nghiệp đối với cơ quan Bảo hiểm xã hội.

3. Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, đã thực hiện chuyển đổi, việc thanh toán các khoản nợ Bảo hiểm xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Xử lý các khoản nợ phải trả của các tổ chức, cá nhân

1. Doanh nghiệp có quyết định chuyển đổi, trước khi thực hiện chuyển đổi phải thanh toán dứt điểm khoản nợ đến hạn, quá hạn đối với chủ nợ là tổ chức, cá nhân trong và ngoài doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có khó khăn chưa trả được nợ phải có văn bản cam kết trả nợ và được chủ nợ chấp thuận hoặc doanh nghiệp có nhu cầu huy động thêm vốn, cơ cấu lại nợ và được chủ nợ chấp thuận thì được chuyển thành cổ phần trong doanh nghiệp chuyển đổi nhưng phải đảm bảo các quy định của pháp luật về số cổ đông tối thiểu và quyền được mua cổ phần lần đầu trong các doanh nghiệp cổ phần hóa.

2. Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, đã thực hiện chuyển đổi, việc thanh toán các khoản nợ phải trả thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Xử lý doanh nghiệp không có khả năng trả nợ

Doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ lớn kéo dài, đã được tổ chức lại sản xuất nhưng vẫn không có khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn thì chủ sở hữu có quyền quyết định bán doanh nghiệp hoặc tiến hành phá sản theo quy định của pháp luật. Trường hợp cần thiết phải tiếp tục duy trì hoạt động, doanh nghiệp phải xây dựng phương án trả nợ, xử lý nợ xấu, phương án kinh doanh hiệu quả được cơ quan có thẩm quyền hoặc chủ sở hữu phê duyệt. Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm phục hồi khả năng thanh toán nợ đến hạn và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; trường hợp vượt thẩm quyền phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Nghị định 206/2013/NĐ-CP quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

  • Số hiệu: 206/2013/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 09/12/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 915 đến số 916
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH