Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 182-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 04 năm 1958

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ LƯƠNG CHO KHU VỰC SẢN XUẤT

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Chiếu Nghị định số 650-TTg ngày 30 tháng 12 năm 1955 đặt các thang lương của cán bộ, công nhân và nhân viên các cơ quan và xí nghiệp Nhà nước;
Căn cứ Nghị quyết Hội đồng Chính phủ họp ngày 17, 18 tháng 03 năm 1958 ấn định các nguyên tắc, yêu cầu và phương châm cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương trong năm 1958 cho cán bộ, công nhân và viên chức các cơ quan xí nghiệp Nhà nước;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Để đạt ba mục đích:

a) Cải thiện một phần đời sống cho công nhân cán bộ, viên chức; khuyến khích mọi người ra sức đẩy mạnh sản xuất và công tác phấn đấu thực hiện kế hoạch Nhà nước;

b) Căn bản thống nhất chế độ lương, giảm bớt tính chất bình quân và những điểm không hợp lý trong chế độ tiền lương hiện hành, dần dần thực hiện chế độ tiền lương xã hội chủ nghĩa theo nguyên tắc phân phối theo lao động;

c) Bước đầu kế hoạch hóa quỹ tiền lương, lập quỹ lương riêng, quỹ xã hội riêng, tiến tới quản lý chặtchẽ quỹ lương;

Nay quy định chế độ lương cho khu vực sản xuất như sau:

Điều 2. – Nay đặt hai thang lương sau đây:

1) Thang lương của công nhân cơ khí xí nghiệp gồm 8 bậc, để sắp xếp công nhân cơ khí làm việc trong các xí nghiệp của Nhà nước;

2) Thang lương nhân viên kỹ thuật gồm 14 bậc để sắp xếp những nhân viên kỹ thuật thực sự làm công tác kỹ thuật trong các xí nghiệp và cơ quan Nhà nước.

………………………………………………………………………………………

Điều 3. – Các công nhân khác như công nhân chuyên nghiệp các ngành mỏ, địa chất, kiến thiết cơ bản, lái xe vận tải, công nhân các nghề thuộc công nghiệp nhẹ, các nghề thổ mộc, công nhân nông trường, lâm trường quốc doanh, v.v… được sắp xếp vào các thang lương riêng do các Bộ sở quan ấn định, sau khi được sự đồng ý của Bộ Lao động và Ban Lương trung ương thông qua.

Sơ cấp bậc lương và mức lương của các thang lương này ấn định dựa vào thang lương 8 bậc của công nhân cơ khí và mức lương bình quân do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước định cho mỗi loại xí nghiệp Nhà nước.

Điều 4. – Nhân viên hành chính, quản lý xí nghiệp Nhà nước được xếp vào những thang lương riêng do các Bộ sở quan ấn định sau khi được Bộ Lao động đồng ý và Ban Lương trung ương thông qua. Việc xây dựng các thang lương riêng cho nhân viên hành chính, quản lý xí nghiệp phải dựa vào thang lương công nhân sản xuất trong ngành và tình hình sắp xếp nhân viên cơ quan hành chính Nhà nước.

Điều 5. – Lương thấp nhất định là 27.300 đồng một tháng.

Lương cao nhất của thang lương 8 bậc của công nhân cơ khí xí nghiệp gấp 3,16 lần lương thấp nhất.

Lương cao nhất của thang lương 14 bậc của nhân viên kỹ thuật gấp 5,31 lần lương thấp nhất.

Lương cao nhất của thang lương nhân viên hành chính, quản lý xí nghiệp không được vượt quá 5 lần lương thấp nhất.

Điều 6. – Căn cứ vào ba yếu tố: tính chất quan trọng của mỗi ngành sản xuất trong nền kinh tế quốc dân; tính chất phức tạp của kỹ thuật; và điều kiện lao động khác nhau trong mỗi ngành sản xuất để phân biệt đãi ngộ giữa các loại xí nghiệp, nay chia các loại xí nghiệp công nghiệp thành ba loại sản nghiệp như sau:

Loại I: mỏ than và các khoáng sản khác.

Loại II: điện lực, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng.

Loại III: công nghiệp nhẹ.

Đối với các xí nghiệp khác, việc sắp xếp vào một trong những loại sản nghiệp nói trên do Bộ sở quan ấn định căn cứ vào ba yếu tố nói ở đoạn 1 điều này và phải được sự đồng ý của Bộ Lao động .

Điều 7. - Để tiến tới quy định các khu vực lương, căn cứ vào ba yếu tố: điều kiện công tác khó khăn, xa xôi, khí hậu xấu; điều kiện sinh hoạt khó khăn, vật giá đắt đỏ có tính chất thường xuyên; sự cần thiết khuyến khích nhiều người vào làm việc tại các khu vực công nghiệp quan trọng, nay điều chỉnh các loại khu vực và định suất phụ cấp khu vực như sau:

KHU VỰC

Khu vực đặc biệt

Khu vực I

Khu vực II

Khu vực III

Khu vực IV

Khu vực V

ĐỊNH SUẤT

35% lương cấp bậc

25% lương cấp bậc

20% lương cấp bậc

12% lương cấp bậc

10% lương cấp bậc

6% lương cấp bậc

Bộ Lao động sẽ cùng Bộ Nội vụ sắp xếp các địa phương và các cơ sở sản xuất vào các khu vực nói trên.

Điều 8. - Để giảm bớt các thứ phụ cấp có tính chất phụ vào lương và không hợp lý, nay bỏ các khoản phụ cấp thường xuyên về hao mòn sức khỏe mà thực chất là đã được tính vào các mức lương cấp bậc mới.

Điều 9. – Nay bỏ khoản phụ cấp kỹ thuật hiện hành đã được tính vào các mức lương trong thang lương nhân viên kỹ thuật 14 bậc.

Điều 10. - Để thống nhất dần chế độ tiền lương, nay bỏ dần chế độ bán cung cấp:

- Về nhà ở, điện nước: những người đang ở trong tập thể sẽ phải trả một khoản tiền theo tiêu chuẩn được sử dụng và mức độ sử dụng;

- Về chế độ ăn tập thể theo lối cung cấp: sẽ chuyển dần thành chế độ phúc lợi tập thể.

Điều 11. – Nay thành lập một quỹ xã hội để đài thọ các khoản trợ cấp có tính chất xã hội như: trợ cấp khi sinh đẻ, trợ cấp cho gia đình đông con , trợ cấp khi ốm đau, khi bị thương tật, khi về hưu hoặc chết.

Nhiệm vụ cụ thể và tổ chức quỹ xã hội sẽ do một nghị định riêng quy định.

Điều 12. - Kể từ ngày thi hành nghị định này, chế độ phụ cấp con hiện hành không áp dụng nữa đối với công nhân, nhân viên kỹ thuật nhân viên hành chính và quản lý xí nghiệp Nhà nước.

Để chiếu cố đến những người có đông con ở trong hoàn cảnh khó khăn, nay đặt một khoản trợ cấp là 5.000 đồng một tháng cho mỗi con chưa quá 16 tuổi, kể từ con thứ ba trở đi. Nếu con còn đi học thì được hưởng trợ cấp này cho đến khi con đủ 18 tuổi.

Điều 13. – Công nhân sản xuất ở khu vực sản xuất được hưởng lương trả theo lương ngày.

Bộ Lao động sẽ dựa trên cơ sở chế độ lương đã được cải tiến mà điều chỉnh và mở rộng dần việc thi hành từng bước, có lãnh đạo, chế độ lương theo sản phẩm.

Điều 14. - Bộ Lao động sẽ quy định nguyên tắc xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật và ấn định bản tiêu chuẩn kỹ thuật tiêu biểu cho công nhân cơ khí làm căn cứ để xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật công nhân trong các ngành.

Tiêu chuẩn để sắp xếp cho các loại công nhân do các Bộ sở quan ấn định dựa vào các tiêu chuẩn tiêu biểu, đặc điểm sản xuất và trình độ kỹ thuật của mỗi ngành.

Bộ Lao động sẽ giúp đỡ các Bộ khác trong việc xây dựng và cân đối các tiêu chuẩn kỹ thuật của công nhân trong các ngành sản xuất.

Điều 15. - Nghị định này thi hành kể từ ngày 01 tháng 03 năm 1958 đối với công nhân, nhân viên kỹ thuật và nhân viên hành chính, quản lý (kể cả công nhân, viên chức lưu dụng nguyên lương) hiện công tác ở các xí nghiệp Nhà nước.

Ngày thi hành đối với công nhân, nhân viên kỹ thuật làm việc trong các cơ quan hành chính và sự nghiệp của Nhà nước sẽ do một nghị định sau ấn định.

Điều 16. – Khi thi hành nghi định này, những người mà mức lương mới (gồm lương chính, phụ cấp khu vực và trợ cấp con nếu có) thấp hơn mức lương hiện lĩnh (gồm lương chính, phụ cấp khu vực, phụ cấp con, phụ cấp ăn ở ngoài nếu có) sẽ được hưởng khoản tiền chênh lệch.

Điều 17. - Bộ Lao động sẽ hướng dẫn việc sắp xếp cho công nhân, nhân viên kỹ thuật và nhân viên hành chính, quản lý các xí nghiệp Nhà nước vào các thang lương quy định trong nghị định này.

Điều 18. – Nghị định số 650-TTg ngày 30 tháng 12 năm 1955 đặt các thang lương của cán bộ, công nhân và nhân viên, các cơ quan và xí nghiệp Nhà nước nay không áp dụng đối với những người được hưởng chế độ lương mới quy định trong nghị định này.

Điều 19. – Các ông Bộ trưởng và các Ủy ban hành chính khu, tỉnh và thành phố chịu trách nhiệm thi hành nghị này.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 182-TTg năm 1958 quy định chế độ lương cho khu vực sản xuất do Thủ tướng Chính Phủ ban hành

  • Số hiệu: 182-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 07/04/1958
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản