Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 650-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 1955

NGHỊ ĐỊNH

ĐẶT CÁC THANG LƯƠNG ĐỂ SẮP XẾP CÁN BỘ, NHÂN VIÊN VÀ CÔNG NHÂN CÁC CƠ QUAN, XÍ NGHIỆP CHÍNH PHỦ VÀ DOANH NGHIỆP QUỐC GIA

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Chiếu Sắc lệnh số 76-SL ngày 20 tháng 5 năm 1950 ấn định quy chế công chức và Sắc lệnh 77-SL ngày 22 tháng 5 năm 1960 ấn định quy chế công nhân giúp việc Chính phủ;
Chiếu các Sắc lệnh số 81-SL, 82-SL, 83-SL, 91-SL, 92-SL, 94-SL và 98-SL ngày 22/5/1950 ấn định thang lương và mức lương của công nhân và nhân viên giúp việc Chính phủ;
Để khuyến khích cán bộ, công nhân, nhân viên tích cực sản xuất, và tăng hiệu suất công tác, đồng thời để bước đầu cải thiện sinh hoạt cho cán bộ, cán bộ và nhân viên giúp việc Chính phủ;
Theo đề nghị của Bộ Lao động, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính;
Theo nghị quyết của Hội đồng Chính phủ, sau khi Ban thường trực Quốc hội thỏa thuận.

NGHỊ ĐỊNH:

THANG LƯƠNG CHUNG

Điều 1. Tất cả cán bộ dân cử cán bộ công nhân viên hành chính, cán bộ nhân viên kỹ thuật và công nhân làm việc ở các cơ quan, các xí nghiệp Chính phủ và doanh nghiệp quốc gia, đều xếp vào 4 thang lương chung kèm theo nghị định này.

1. Thang lương 17 bậc: Để xếp tất cả cán bộ dân cử (từ bậc 13 đến bậc 1). Cán bộ và nhân viên hành chính các cơ quan (từ bậc 17 đến bậc 6).

2. Thang lương 11 bậc: Để xếp tất cả cán bộ và nhân viên kỹ thuật làm công tác kỹ thuật ở các cơ quan, xí nghiệp Chính phủ và doanh nghiệp quốc gia.

3. Thang lương 8 bậc: Để xếp tất cả công nhân ở các xí nghiệp Chính phủ, doanh nghiệp quốc gia và ở các cơ quan.

4. Thang lương 6 bậc: Để xếp tất cả lao động thường ở các xí nghiệp Chính phủ và doanh nghiệp quốc gia.

MỨC LƯƠNG THẤP NHẤT VÀ CAO NHẤT

Điều 2. Lương thấp nhất định là 26.000 đồng một tháng.

- Lương cao nhất của thang lương 17 bậc gấp 6,15 lần lương thấp nhất. Tính mức lương bậc 6 là lương cao nhất của cán bộ và nhân viên hành chính thì gấp 2,65 lần lương thấp nhất.

- Lương cao nhất của thang lương 11 bậc gấp 3,00 lần lương thấp nhất.

- Lương cao nhất của thang lương 8 bậc gấp 2,10 lần lương thấp nhất.

- Lương cao nhất của thang lương 6 bậc gấp 1,40 lần lương thấp nhất.

Mức lương của các bậc trong các thang lương định mức bằng chỉ số. Chỉ số của lương thấp nhất là 100.

CÁC MỨC LƯƠNG VÀ THANG LƯƠNG RIÊNG CỦA CÔNG NHÂN, CỦA CÁN BỘ VÀ NHÂN VIÊN KỸ THUẬT

Điều 3. Để phân biệt về mức lương đối với công nhân, cán bộ và nhân viên kỹ thuật, căn cứ vào thứ tự quan trọng và tính chất nghề nghiệp của các ngành sản xuất hiện tại, nay chia ra làm 5 loại sản nghiệp như sau:

- Loại 1: Gồm các loại mỏ.

- Loại 2: Hóa chất điện, chế tạo máy móc, quân giới, giao thông đường biển, đường sắt, xi măng, chế biến phốt phát.

- Loại 3: Kiến trúc, cầu đường, vô tuyến điện, khí tượng, nước, vận tải ô tô, thủy lợi, điện tín, giao thông sông (canô), lâm nghiệp, xe điện.

- Loại 4: Dệt, giầy da, điện ảnh, in, chế tạo gỗ, chế biến dược phẩm.

- Loại 5: Chế biến thực phẩm, chè, thuốc lá, xà phòng, quốc doanh nông nghiệp.

Mức lương của từng loại theo như những bảng thang lương 11 bậc và 8 bậc.

Điều 4. Trong mỗi loại sản nghiệp, sẽ căn cứ vào tính chất và quy mô sản xuất để chia ra các hạng xí nghiệp.

Căn cứ vào loại, hạng của xí nghiệp và dựa vào các thang lương chung 8 bậc và 11 bậc, Bộ Lao động sẽ cùng Bộ sở quan định thang lương và mức lương riêng cho từng hạng xí nghiệp.

Thang lương và mức lương này chỉ áp dụng cho những cán bộ, công nhân viên chủ yếu, là những người trực tiếp phục vụ cho sản xuất của xí nghiệp.

PHỤ CẤP KHU VỰC

Điều 5. Để chiếu cố đến tình hình sinh hoạt ở thủ đô, cán bộ, nhân viên ở Hà Nội được lĩnh một khoản phụ cấp khu vực bằng 5,8% lương bản thân.

Đối với những địa phương mà điều kiện sinh hoạt và hoàn cảnh công tác khó khăn (như một số châu thuộc khu tự trị Thái Mèo) thì Bộ Lao động, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính sẽ quy định một khoản phụ cấp khu vực thích hợp.

Điều 6. Dựa theo thang lương 17 bậc, Bộ Lao động sẽ cùng các Bộ sở quan, căn cứ vào đặc điểm sản xuất của từng xí nghiệp mà định thang lương riêng cho cán bộ, nhân viên hành chính và quản trị ở các xí nghiệp.

Điều 7. Những thợ chuyên môn như thợ mộc, thợ nề, tài xế, thợ máy nổ… làm việc ở các cơ quan, nếu làm đúng nghề của mình thì được xếp theo loại sản nghiệp thứ 5 nói ở điều 3.

Điều 8. Công nhân, nhân viên và lao động thường làm việc ở các doanh nghiệp quốc doanh quốc gia mới khôi phục hoặc mới xây dựng cũng được xếp vào các thang lương định ở điều 1. Nhưng về mức lương thì các Bộ sở quan sẽ cùng Bộ Lao động và Bộ Tài chính ấn định như sau.

Điều 9. Công nhân lưu dụng ở các xí nghiệp và doanh nghiệp quốc gia cũng xếp vào thang lương 8 bậc định ở điều 1. Sau khi sắp xếp, nếu mức lương thấp hơn lương hiện lĩnh, thì được tiếp tục hưởng lương hiện lĩnh. Nếu mức lương mới cao hơn, thì được hưởng theo mức lương mới.

Điều 10. Các Bộ Lao động, Nội vụ, Tài chính sẽ quy định chi tiết thi hành nghị định này.

Điều 11. Những điều quy định trước đây trái với nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 12. Các ông Bộ trưởng thi hành nghị định này.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 650-TTg năm 1955 về việc đặt các thang lương để sắp xếp cán bộ, nhân viên và công nhân các cơ quan, xí nghiệp Chính phủ và doanh nghiệp quốc gia do Thủ Tướng ban hành.

  • Số hiệu: 650-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 30/12/1955
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: 14/01/1956
  • Ngày hết hiệu lực: 01/05/1958
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản