Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
SẮC LỆNH
CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 77/SL NGÀY 22 THÁNG 5 NĂM 1950
CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Chiểu Sắc lệnh số 29-SL ngày 12 tháng 3 năm 1947 quy định chế độ lao động trong toàn cõi Việt Nam;
Chiểu Sắc lệnh số 118-SL ngày 18 tháng 10 năm 1949 ban hành cho công nhân các xí nghiệp quốc gia quyền cử Uỷ ban xí nghiệp;
Chiểu chế độ lương bổng hiện hành của các hạng công nhân giúp việc trong các cơ quan Chính phủ;
Xét tình thế hiện thời;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Lao động;
Theo quyết nghị của Hội đồng Chính phủ sau khi Ban thường trực Quốc hội thoả thuận;
RA SẮC LỆNH:
Điều 1: Trong thời kỳ kháng chiến công nhân giúp việc Chính phủ sẽ theo chế độ ấn định trong sắc lệnh này.
Chương 1
NGẠCH BẬC LƯƠNG BỔNG VÀ PHỤ CẤP
Điều 2: Công nhân giúp việc Chính phủ sẽ theo một thang lương chung gồm 18 bậc, ấn định trong bản số 1 đính theo sắc lệnh này.
Điều 4: Mỗi Bộ sẽ cùng với Bộ Lao động, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ dựa theo quy chế chung đặt thể lệ riêng cho những ngạch công nhân không có trong bảng tiêu chuẩn nói trên.
Thể lệ riêng sẽ quy định sự tổ chức, điều kiện tuyển bổ, nhiệm vụ và các bậc lương bổng.
Điều 5: Ngoài số lương tháng, công nhân giúp việc Chính phủ được hưởng những phụ cấp và tiền thưởng dưới đây:
1- Phụ cấp gia đình:
- Cho vợ chính thức,
- Cho những con dưới 16 tuổi hoặc dưới 18 tuổi, nếu con đi học hay bị tàng tật. Phụ cấp gia đình sẽ do nghị định Liên Bộ Lao động - Tài chính ấn định.
2- Phụ cấp khu vực khí hậu xấu: Cấp cho công nhân làm việc tại những nơi xếp vào khu vực khí hậu xấu theo nghị định Liên Bộ Nội vụ - Y tế - Tài chính. Phụ cấp này trả cho công nhân như công chức.
3- Phụ cấp nguy hiểm và bảo tồn sức khoẻ: Cấp cho công nhân làm những nghề nguy hiểm như thuốc súng, chất nổ hoặc có hại đến sức khoẻ như nấu a-xít, v.v... sẽ do nghị định Liên Bộ Tài chính - Lao động và Bộ quản trị ấn định.
4- Tiền thưởng năng suất: Trả cho những công nhân nào đã vượt mức sản xuất thường đã định. Sẽ do nghị định Liên Bộ Tài chính, Lao động và Bộ quản trị ấn định.
Điều 6: Những công nhân đàn bà, mà chồng không giúp việc Chính phủ được hưởng các thứ phụ cấp cho con như công nhân đàn ông và cả cho chồng, nếu chồng tàng tật không thể làm việc được.
Chương 2
VIỆC TUYỂN DỤNG CÔNG NHÂN
Điều 7:
Sự tuyển dụng công nhân sẽ căn cứ theo năng lực chuyên môn và tính chất công việc làm.
Điều 8: Công nhân muốn được tuyển vào giúp việc Chính phủ phải có những điều kiện dưới đây:
a) Phải được 15 tuổi trở lên, trừ trẻ em học nghề;
b) Không mất quyền công dân và có hạnh kiểm tốt;
c) Có đủ sức khoẻ theo giấy chứng nhận của y sĩ công.
Điều 9: Trước khi được tuyển vào chính ngạch, công nhân phải qua một thời kỳ tập sự từ 6 tháng đến 1 năm. Công nhân có nghề chỉ phải qua một thời kỳ thử thách không quá 3 tháng.
Trong thời kỳ tập sự hay thử thách, công nhân nào hạnh kiểm xấu, bất lực, phạm lỗi về kỷ luật hay về hình luật sẽ bị thải hồi bất cứ lúc nào.
Điều 10: Trong thời kỳ tập sự hay thử thách, công nhân tuỳ trường hợp được xếp vào bậc được tuyển.
Hết thời kỳ tập sự, công nhân sẽ được thực thụ và tuỳ theo năng lực:
- Hoặc được thăng lên bậc trên;
- Hoặc cứ ở bậc cũ;
- Hoặc xếp xuống một bậc dưới.
Điều 11: Công nhân ở bất cứ ngạch bậc nào cũng có thể dự những kỳ thi chuyên nghiệp để có thể được bổ lên ngạch bậc trên.
Thể lệ và chương trình thi chuyên nghiệp sẽ do nghị định Bộ Quốc gia giáo dục và Bộ Sở quản ấn định.
Điều 12: Công nhân trưng tập được xếp vào bậc với những công nhân có năng lực tương đương. Nếu thời hạn trưng tập quá một năm thì tuy vẫn ở chế độ trưng tập, thời hạn một năm đó sẽ kể như thời hạn tập sự để tăng lên bậc trên.
Hết hạn trưng tập, nếu tình nguyện vào chính ngạch, thì thời gian trưng tập được kể vào hạn thâm niên.
Điều 13: Công nhân được tuyển trước ngày ký sắc lệnh này sẽ được xếp vào ngạch và bậc mới, chiểu theo năng lực và thời gian làm việc, căn cứ theo những tiêu chuẩn ấn định trong bảng số 2 nói ở điều 3.
Hội đồng chuyển ngạch gồm có: 1 quản đốc xí nghiệp hay viên chức điều khiển cơ quan, 3 đại biểu công nhân (có thể là đại biểu Uỷ ban xí nghiệp hay đại biểu công đoàn), 1 đại biểu cơ quan lao động.
Chương 3
THĂNG THƯỞNG KHEN THƯỞNG
Điều 14: Việc thăng thưởng cho công nhận sẽ do một Hội đồng thăng thưởng xét, mỗi năm một kỳ, vào ngày 1 tháng 5 và ngày 19 tháng 12 dương lịch. Được đề nghị thăng thưởng những công nhân có thâm niên ít nhất là hai năm ở bậc của mình, tính đến ngày 1 tháng 5 dương lịch.
Điều 15: Hội đồng thăng thưởng gồm có:
- Đại diện của Bộ trưởng Bộ quản trị Chủ toạ.
- 1 đại diện của cơ quan quản đốc Hội viên,
- 3 đại biểu công nhân (có thể là đại biểu
Uỷ ban xí nghiệp hay đại biểu công đoàn) Hội viên.
Điều 16: Hội đồng thăng thưởng xét hồ sơ lý lịch các công nhân đủ hạn thâm niên, rồi lập bảng thăng thưởng theo thứ tự hơn kém.
Cấp quản trị sẽ căn cứ vào bảng nói trên mà cho thăng bậc.
Điều 17: Công nhân ở một bậc nào chỉ được thăng lên bậc liền trên trong ngạch mình.
Điều 18: Công nhân có công trạng và thành tích đặc biệt có thể được đặc cách cho thăng một hay nhiều bậc, hoặc cho chuyển lên ngạch trên, bất cứ lúc nào và không cần điều kiện thâm niên.
Điều 19: Thời hạn tại ngũ của công nhân tòng ngũ sẽ tính vào thâm niên trong ngạch bậc của mình.
Điều 20: Sự thăng thưởng có hiệu lực về phương diện lương bổng và thâm niên kể từ ngày 1 tháng 5 mỗi năm, hoặc kể từ ngày ký nghị định thăng thưởng đối với những trường hợp đặc cách thăng thưởng.
Điều 21: Những công nhân tận tuỵ với chức vụ, có công trạng hay thành tích về sản xuất, sáng chế, phát minh, v.v... sẽ được khen thưởng bằng:
- Thư khen,
- Bằng khen,
- Huân chương.
Chương 4
GIỜ LÀM VIỆC NGÀY NGHỈ NGHỈ PHÉP
Điều 22: Giờ làm việc: Thì giờ làm việc là 9 tiếng một ngày.
Điều 23: Công nhân có thể làm đêm, nếu tính chất công việc và điều kiện chuyên môn buộc phải làm đêm.
Công việc nào trong khoảng từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng đều gọi là công việc làm đêm:
Công việc làm đêm được hưởng phụ cấp về những giờ làm đêm ấn định như sau:
a) Nếu công nhân đã có làm ban ngày đủ 9 tiếng thì được hưởng thêm:
- 50% lương từ 9 giờ đến 12 giờ.
- 100% lương từ 12 giờ đến 5 giờ sáng.
b) Nếu công nhân làm theo từng kíp thì chỉ được hưởng 25% lương, bắt đầu từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng.
Điều 24: Nếu vì một duyên cớ gì bắt buộc phải làm thêm giờ để kịp thực hiện chương trình sản xuất đã định, thì công nhân phải làm thêm giờ.
Tuy vậy những giờ làm thêm đó, mỗi năm, mỗi người làm không được quá 150 giờ.
Những giờ làm thêm được trả phụ cấp tính theo giá giờ thường làm ban ngày.
Điều 25: Nếu gặp công việc gấp rút, bất thường, thời hạn làm việc mỗi ngày sẽ không hạn định, để làm cho xong công việc ấy.
Trong trường hợp này công nhân cũng được trả phụ cấp những giờ làm thêm, tính theo giá giờ thường làm ban ngày.
Điều 26: Nghỉ hàng tuần: Mỗi tuần công nhân được nghỉ một ngày. Ngày nghỉ hàng tuần có thể là ngày chủ nhật hay một ngày khác trong tuần.
Điều 27: Nghỉ lễ chính thức: Tất cả công nhân đều được nghỉ những ngày lễ chính thức đã định trong sắc lệnh số 29-SL ngày 12 tháng 3 năm 1947.
Công nhân phụ trách thường trực trong những ngày lễ chính thức nói trên sẽ được hưởng lương và phụ cấp gấp đôi.
Điều 28: Nghỉ hàng năm: Mỗi năm, những công nhân đã làm trong xí nghiệp đúng một năm, được nghỉ 15 ngày liền lĩnh cả lương và phụ cấp.
Điều 29: Nghỉ vì đau ốm: Một nghị định liên Bộ Lao động, Tài chính, Y tế sẽ quy định việc cho công nhân nằm điều trị tại bệnh viện, cho nghỉ dưỡng bệnh, cho nghỉ vì mắc bệnh lao, hay bệnh phong.
Điều 30: Nghỉ vì thai sản: Công nhân đàn bà trong thời kỳ thai sản, được nghỉ hai tháng lĩnh cả lương và phụ cấp, một tháng trước và một tháng sau ngày sinh đẻ.
Trong thời hạn một năm, kể từ ngày sinh đẻ, người công nhân đàn bà được phép nghỉ buổi sớm 30 phút, buổi chiều 30 phút cho con bú.
Chương 5
CÔNG NHÂN THÔI VIỆC
Điều 31: Công nhân thôi giúp việc Chính phủ trong trường hợp dưới đây:
1- Xin thôi việc,
2- Thôi việc vì thiếu sức khoẻ,
3- Vì thải hồi,
4- Chết,
5- Về hưu.
Điều 32: Xin thôi việc: Công nhân muốn xin thôi việc phải làm đơn trước hai tháng. Xét nhu cầu công việc, cơ quan quản trị có thể không chấp nhận.
Điều 33: Những công nhân phạm lỗi đang bị cấp chỉ huy đề nghị trừng phạt, truy tố trước toà án, không được xin thôi việc ngay, phải đợi quyết định của cơ quan quản trị hay bản án của toà án.
Điều 34: Thôi việc vì thiếu sức khoẻ: Công nhân không đủ sức khoẻ để tiếp tục công việc sẽ phải thôi việc, theo đề nghị của Hội đồng Giám định y khoa.
Điều 35: Công nhân thôi việc vì thiếu sức khoẻ được hưởng một khoản trợ cấp tính theo số năm làm việc. Trợ cấp mỗi năm bằng một tháng lương gồm cả phụ cấp gia đình; nhưng tổng số không được quá 6 tháng gồm cả phụ cấp gia đình.
Điều 36: Thải hồi: Những công nhân đã làm việc trên một năm mà bị thải hồi vì thiếu năng lực, sẽ được hưởng một khoản trợ cấp tính bằng hai tháng lương và phụ cấp gia đình.
Điều 37: Những công nhân bị thải hồi vì phạm kỷ luật không được tuyển dụng lại vào một cơ quan nào khác của Chính phủ. Công nhân thải hồi vì phạm về hình luật, tùy trường hợp có thể không được tuyển dụng lại.
Điều 38: Công nhân chết vì đau ốm: Khi một công nhân chết vì đau ốm, vợ hoặc chồng hoặc con được hưởng một khoản tiền tính theo cách thức nói ở điều 36 trên, cùng số lương công nhân chưa lĩnh tính đến ngày thôi việc.
Điều 39: Nếu công nhân chết vì một tai nạn lao động, vợ chồng hoặc con được hưởng một khoản tiền bằng một năm lương có phụ cấp gia đình.
Khoản tiền này sẽ tính căn cứ theo lương tháng cuối cùng mà công nhân được lĩnh.
Nếu không có vợ, chồng, hoặc con thì cha mẹ công nhân được hưởng khoản tiền ấy.
Điều 40: Trong lúc chờ đợi thành lập một quỹ bảo hiểm xã hội, công nhân bị tai nạn lao động mà một Hội đồng giám định y khoa chứng nhận phải chịu thương tật, thì tạm thời được hưởng một khoản trợ cấp bằng từ 3 tháng đến 1 năm lương, kể cả phụ cấp gia đình, tuỳ theo thương tật nặng hay nhẹ.
Điều 41: Tiền phí tổn để mai táng những công nhân chết vì đau ốm hay vì tai nạn lao động do cơ quan dùng công nhân chịu.
Điều 42: Về hưu: Sau khi làm việc được 30 năm, hoặc đã đủ 55 tuổi, công nhân được về hưu.
Điều 43: Trong trường hợp đặc biệt, công nhân đến hạn về hưu có thể được giữ lại giúp việc do quyết định của cơ quan quản trị.
Điều 44: Công nhân đã về hưu mà được gọi ra làm việc lại được hưởng lương bổng theo năng lực và công việc mới của mình.
Trong những trường hợp này công nhân không ở trong chính ngạch nữa mà coi như là công nhân tạm thời làm việc có giao kèo.
Điều 45: Công nhân đã đủ điều kiện về hưu mà được giữ lại giúp việc hay công nhân đã về hưu mà được gọi ra làm việc lại, được quyền lĩnh số phụ cấp thâm niên, ngoài sổ lương tháng được lĩnh.
Điều 46: Phụ cấp thâm niên do nghị định Bộ Tài chính, Lao động, Nội vụ quy định sau.
Chương 6
KỶ LUẬT
Điều 47: Tuỳ theo lỗi nặng nhẹ, công nhân phạm kỷ luật sẽ chịu một trong những trừng phạt dưới đây:
- Cảnh cáo,
- Khiển trách,
- Hoãn sự thăng thưởng trong thời hạn một hay hai năm,
- Xoá tên trên bảng thăng thưởng,
- Thải hồi.
Điều 48: Công nhân phạm kỷ luật sẽ bị đưa ra trước một Hội đồng kỷ luật gồm có:
- 1 đại diện của cấp quản trị hay của cơ quan quản đốc;
- 2 đại biểu công nhân (có thể là đại biểu Uỷ ban xí nghiệp hay
đại biểu Công đoàn).
Quyền hạn và thủ tục làm việc của Hội đồng kỷ luật sẽ do nghị định của Bộ trưởng Bộ Quản trị và Bộ Lao động ấn định.
Công nhân bị cáo có quyền được xem hồ sơ để tự bào chữa hoặc nhờ một người khác làm trong cơ quan bào chữa trước Hội đồng kỷ luật.
Điều 49: Công nhân phạm lỗi thuộc về hình luật sẽ bị truy tố trước toà án, đồng thời có thể buộc phải nghỉ việc. Trong thời gian đợi toà án xét xử, công nhân bị cáo được lĩnh phần nửa lương và phụ cấp.
Trong trường hợp phạm lỗi nhẹ, công nhân bị cáo có thể được phép tiếp tục công việc đợi toà xét xử.
Điều 50: Sau khi toà án xét xử, nếu công nhân được tha bổng thì sẽ được truy lĩnh số lương bổng từ khi buộc phải nghỉ việc.
Công nhân bị toà án kết án sẽ bị thải hồi kể từ ngày nghỉ việc.
Công nhân được toà án tha bổng hay phạt tiền có thể bị đưa ra một Hội đồng kỷ luật để trừng phạt về phương diện hành chính.
Điều 51: Công nhân giúp việc trong các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng vô cớ bỏ việc sẽ coi như quân nhân đào ngũ và sẽ bị truy tố trước toà án binh.
Chương 7
CHẾ ĐỘ HỌC NGHỀ
Điều 52: Người tình nguyện học nghề phải được 14 tuổi trở lên. Sau thời gian học nghề từ 6 tháng đến 1 năm người học nghề phải qua một kỳ khảo sát để được tuyển vào thợ tập sự. Hội đồng khảo sát gồm có:
- Một đại diện quản đốc,
- Một đại biểu Uỷ ban xí nghiệp hay Công đoàn,
- Một người thợ giỏi trong nghề.
Điều 53: Một ngày ít nhất phải có 3 giờ dạy về lý thuyết và văn hoá.
Điều 54: Trong lúc học nghề, người học nghề được cấp sinh hoạt phí.
Điều 55: Những người trên 18 tuổi mà vào học nghề được lĩnh lương tháng như một công nhân thường ở bậc bắt đầu của thang lương chung. Sau một thời gian học nghề không quá một năm thì người học nghề sẽ tuỳ theo năng lực được tuyển vào ngạch và xếp vào bậc của thang lương chung.
Chương 8
CÔNG NHÂN TUYỂN DỤNG THEO GIAO KÈO
Điều 56: Ngoài các hạng công nhân tuyển dụng theo quy chế này các cơ quan Chính phủ còn có thể dùng công nhân theo giao kèo, hoặc mướn theo công nhật.
Điều 57: Lương bổng và điều kiện làm việc của công nhân có giao kèo, sẽ quy định trong các bản giao kèo ký kết giữa công nhân và cơ quan dùng nhân công.
Lương bổng của công nhân công nhật sẽ trả theo thời giá.
Điều 58: Chi tiết thi hành sắc lệnh này sẽ do nghị định Bộ trưởng Bộ Lao động ấn định.
Điều 59: Những thể lệ trái với sắc lệnh này đều bãi bỏ.
Điều 60: Các ông Bộ trưởng các Bộ chiểu Sắc lệnh thi hành.
BẢNG LƯƠNG CÔNG NHÂN
(Kèm theo Sắc lệnh số 77-SL ngày 22 tháng 5 năm 1950)
LƯƠNG HÀNG THÁNG
Số bậc thang lương chung | Lương hàng tháng | Chú thích |
1 | Bằng giá 35 kilos 000 gạo | Giá gạo là giá |
2 | - 35 - 500 - | gạo tẻ hạng vừa |
3 | - 36 - 000 - | trên thị trường |
4 | - 36 - 500 - | được UBKCHC |
5 | - 37 - 000 - | huyện, thị xã |
6 | - 37 - 750 - | hay thành phố |
7 | - 38 - 500 - | công nhận |
8 | - 39 - 250 - |
|
9 | - 40 - 000 - |
|
10 | - 40 - 750 - |
|
11 | - 42 - 000 - |
|
12 | - 43 - 250 - |
|
13 | - 44 - 500 - |
|
14 | - 45 - 750 - |
|
15 | - 35 - |
|
16 | - 35 - |
|
17 | - 35 - |
|
18 | - 35 - |
|
2) Phụ cấp gia đình cho thợ chuyên nghiệp
- Cho vợ (vợ cả hay vợ kế): bằng giá 11 kilos gạo
- Cho mỗi con dưới 16 tuổi hay dưới 18 tuổi nếu con đi học hoặc bị tàn tật: bằng giá 5 kilos 500 gạo.
| Hồ Chí Minh (Đã ký)
|
- 1Quyết định 156-CP năm 1963 bãi bỏ Nghị định 594-TTg và Thông tư 37-NV-TT về chế độ trợ cấp thôi việc đối với công nhân, viên chức Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 650-TTg năm 1955 về việc đặt các thang lương để sắp xếp cán bộ, nhân viên và công nhân các cơ quan, xí nghiệp Chính phủ và doanh nghiệp quốc gia do Thủ Tướng ban hành.
- 3Thông tư 37-NV/TT năm 1957 về việc trợ cấp thôi việc do Bộ Nội vụ ban hành
- 4Bộ luật Lao động 1994
- 1Quyết định 156-CP năm 1963 bãi bỏ Nghị định 594-TTg và Thông tư 37-NV-TT về chế độ trợ cấp thôi việc đối với công nhân, viên chức Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 650-TTg năm 1955 về việc đặt các thang lương để sắp xếp cán bộ, nhân viên và công nhân các cơ quan, xí nghiệp Chính phủ và doanh nghiệp quốc gia do Thủ Tướng ban hành.
- 3Thông tư 37-NV/TT năm 1957 về việc trợ cấp thôi việc do Bộ Nội vụ ban hành
- 4Sắc lệnh số 29/SL về việc quy định những sự giao dịch về việc làm công, giữa các chủ nhân người Việt nam hay người ngoại quốc và các công nhân Việt nam làm tại các xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ, thương điếm và các nhà làm nghề tự do do Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà ban hành
- 5Sắc lệnh số 118/SL về việc lập các Uỷ ban xí nghiệp tại những xí nghiệp quốc gia Việt nam do Chủ tịch nước ban hành
- 6Bộ luật Lao động 1994
Sắc lệnh số 77/SL về việc quy định chế độ công nhân giúp việc Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến (thiếu trang 2) do Chủ tịch nước Việt nam Dân chủ cộng hoà ban hành
- Số hiệu: 77/SL
- Loại văn bản: Sắc lệnh
- Ngày ban hành: 22/05/1950
- Nơi ban hành: Chủ tịch nước
- Người ký: Hồ Chí Minh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra