Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số: 270-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 05 năm 1958

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ LƯƠNG CHO KHU VỰC HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Chiếu nghị định số 650-TTg ngày 30 tháng 12 năm 1955 đặt các thang lương của cán bộ, công nhân và viên chức các cơ quan và xí nghiệp Nhà nước;
Căn cứ nghị quyết Hội đồng Chính phủ họp ngày 17, 18 tháng 3 năm 1958 ấn định các nguyên tắc, yêu cầu và phương châm cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương trong năm 1958 cho cán bộ, công nhân và viên chức các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước;
Chiếu nghị định số 182-TTg ngày 7 tháng 4 năm 1958 quy định chế độ lương cho khu vực sản xuất;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Để đạt 3 mục đích:

a) Cải thiện một phần đời sống cho cán bộ, công nhân, viên chức khuyến khích mọi người ra sức đẩy mạnh sản xuất và công tác, phấn đấu thực hiện kế hoạch Nhà nước;

b) Căn bản thống nhất chế độ lương, giảm bớt tính chất bình quân và những điểm không hợp lý trong chế độ tiền lương hiện hành, dần dần thực hiện chế độ tiền lương xã hội chủ nghĩa theo nguyên tắc phân phối theo lao động;

c) Bước đầu kế hoạch hóa quỹ tiền lương, lập quỹ lương riêng, quỹ xã hội riêng, tiến tới quản lý chặt chẽ tiền lương;

Nay quy định chế độ lương cho khu vực hành chính, sự nghiệp như sau:

Điều 2. – Nay đặt năm thang lương sau đây:

1) Thang lương 21 bực để sắp xếp cán bộ, nhân viên hiện đang công tác ở cơ quan hành chính, sự nghiệp từ trung ương đến huyện.

2) Thang lương 16 bậc để sắp xếp cán bộ, nhân viên chuyên môn ngành giáo dục.

3) Thang lương 16 bậc để sắp xếp cán bộ, nhân viên chuyên môn ngành y tế.

4) Thang lương 12 bậc để sắp xếp cán bộ, nhân viên phiên dịch.

5) Thang lương 8 bậc để sắp xếp công nhân công tác ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp.

Thang lương để sắp xếp các diễn viên văn công sẽ do Bộ Văn hóa, dựa vào thang lương 21 bậc trên đây, ấn định sau khi được Bộ Nội vụ đồng ý và được Ban Lương thông qua.

Điều 3. – Lương thấp nhất định là 27.300 đồng một tháng

Lương cao nhất của thang lương 21 bậc gấp 7,3 lần lương cao nhất.

Lương cao nhất của thang lương 16 bậc ngành y tế gấp 5,1 lần lương thấp nhất.

Lương cao nhất của thang lương 16 bậc ngành giáo dục gấp 5,2 lần lương thấp nhất.

Lương cao nhất của thang lương 12 bậc của cán bộ phụ trách và nhân viên phiên dịch gấp 4,1 lần lương thấp nhất.

Lương cao nhất của thang lương 8 bậc của công nhân cơ quan gấp 2,5 lần lương thấp nhất.

Điều 4. – Những điều sau đây trong nghị định số 182-TTg ngày 7 tháng 4 năm 1958 quy định chế độ tiền lương cho khu vực sản xuất cũng áp dụng đối với cơ quan hành chính, sự nghiệp kể từ ngày thi hành nghị định này:

- Điều 7 về phụ cấp khu vực;

- Điều 9 về việc bỏ khoản phụ cấp kỹ thuật;

- Điều 10 về việc bỏ dần chế độ bán cung cấp;

- Điều 11 về thành lập quỹ xã hội;

- Điều 12 về việc bỏ chế độ phụ cấp con hiện hành và đặt khoản trợ cấp 5.000 đồng một tháng cho mỗi con chưa quá 16 tuổi kể từ con thứ ba;

- Điều 16 về việc những người lĩnh lương mới mà mức lương thấp hơn lương hiện lĩnh được hưởng khoản phụ cấp chênh lệch

Điều 5. – Nghị định này thi hành kể từ 1 tháng 5 năm 1958 đối với cán bộ, công nhân, viên chức hiện đang công tác ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp.

Công chức lưu dụng mà mức lương hiện nay thấp hơn hoặc ngang với mức lương ở thang lương mới thì sẽ sắp xếp dần vào thang lương ban hành theo nghị định này.

Điều 6. – Bộ Nội vụ sẽ hướng dẫn việc sắp xếp cho cán bộ, công nhân, viên chức hiện đang công tác ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp theo các thang lương quy định trong nghị định này.

Điều 7. – Nghị định số 650-TTg ngày 30-12-1956 và nghị định số 747-TTg ngày 23-4-1956 ban hành các thang lương 17 bậc, 11 bậc của các ngành y tế, văn hóa, giáo dục không áp dụng nữa kể từ ngày thi hành nghị định này.

Điều 8. – Các ông Bộ trưởng và các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 270-TTg năm 1958 quy định chế độ lương cho khu vực hành chính, sự nghiệp do Thủ tướng ban hành

  • Số hiệu: 270-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 31/05/1958
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 28
  • Ngày hiệu lực: 01/05/1958
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản