Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 383/TT/LB

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 1960

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC TRẢ LƯƠNG CHO CÁN BỘ, CÔNG NHÂN VIÊN VÀ BỘ ĐỘI LÀM HAI KỲ

Lâu nay lương tháng của số đông cán bộ, công nhân, viên chức và bộ đội được trả một lần vào đầu tháng. Như vậy, ngân sách Nhà nước phải chi tập trung, tiền mặt phát ra tập trung, gây khó khăn cho việc cân đối thu chi của ngân sách, cho việc điều hòa lưu thông hàng hóa và tiền tệ, do đó, có lúc ảnh hưởng phần nào đến sinh hoạt chung của nhân dân.

Mặt khác, tiền lương tháng nào trả vào đầu tháng ấy là không đúng với nguyên tắc phân phối theo lao động trong chế độ xã hội chủ nghĩa, vì muốn phân phối theo lao động thì phải trả lương sau thời gian lao động.

Chấp hành thông tư số 229-TTg ngày 01-10-1960 của Thủ tướng Chính phủ, sau khi đã thống nhất ý kiến với Bộ Lao động, Bộ Nội vụ, Ban Lương và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Liên Bộ Tài chính – Ngân hàng Nhà nước giải thích thêm về việc phát lương của cán bộ, công nhân, viên chức và Quân đội làm 2 kỳ mỗi tháng như sau:

1. Sau khi việc thực hiện chủ trương trả lương làm 2 kỳ đã đi vào nề nếp và ngân quỹ gia đình, cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội cũng đã ổn định theo cách thu nhập mới, liên Bộ Tài chính – Ngân hàng Nhà nước sẽ có kế hoạch thực hiện dần chủ trương “trả lương sau lao động” của Chính phủ.

Hiện nay có một số xí nghiệp, cơ quan đã trả lương làm 2 kỳ hoặc trả làm một lần nhưng sau lao động.

Đề nghị các xí nghiệp, cơ quan này vẫn giữ cách trả lương sau lao động, nhưng có thể phân ra trả làm 2 kỳ, kỳ thứ 2 cách kỳ thứ nhất 15 ngày. Thí dụ: hiện nay xí nghiệp A trả lương mỗi tháng vào ngày cuối tháng đó (30 hay 31), thì từ nay có thể phân ra trả làm 2 kỳ: một nửa số lương vào ngày 15, một nửa số lương còn lại vào cuối tháng. Xí nghiệp B trả lương mỗi tháng vào ngày 1 tháng sau thì nay có thể trả nửa số lương vào ngày 16, còn lại sẽ trả vào ngày 1 tháng sau.

2. Những nơi trả lương trước, hoặc có một bộ phận được lĩnh lương trước lao động, nghĩa là trả vào đầu tháng, thì từ trước đến nay phát lương cho toàn thể hay cho bộ phận vào ngày nào (đầu tháng), này vẫn giữ nguyên ngày phát lương ấy, nhưng chỉ phát nửa tháng lương hoặc 60% thôi, số còn lại sẽ phát 15 ngày sau đó. Thí dụ:

- Xí nghiệp 2, cơ quan B, từ trước tới nay phát lương trước lao động vào ngày 3 đầu tháng thì nay ngày 3 mỗi tháng chỉ phát một nửa hoặc 60% lương thôi, số còn lại sẽ phát vào ngày 18 (15 ngày sau đó).

- Cơ quan C từ trước tới nay phát lương trước lao động vào ngày 5 đầu tháng, thì nay, ngày 5 mỗi tháng chỉ phát một nửa tháng lương hoặc 60% thôi. Số còn lại sẽ phát vào ngày 20 (15 ngày sau).

3. Phát lương làm 2 kỳ không gồm những khoản tiền phụ cấp xã hội, phúc lợi như trợ cấp con, trợ cấp mất sữa, v.v... và các khoản trợ cấp khác. Đối tượng của chủ trương trả lương làm 2 kỳ là lương chính và lương phụ.

4. Vì các gia đình phải chi vào đầu tháng toàn bộ số chi hàng tháng về tiền củi, tiền gạo, học phí cho con em, tiền giữ trẻ, điện nước, báo chí, v.v... và cũng để tránh cho kế toán, thủ quỹ khỏi phải tính nhiều lần những số lẻ, khi phân làm 2 kỳ, toàn bộ số lương (lương chính và lương phụ):

- Kỳ trả thứ nhất, có thể trả nhiều hơn kỳ trả thứ 2, nhưng không quá 60% lương chính và lương phụ (lương và phụ cấp lương).

- Những số lẻ hào, xu, có thể dồn vào một kỳ trả lương (trước hay sau cũng được) không phải chia đôi.

5. Tiền thuê nhà, nợ cơ quan cũng chỉ thu gọn một lần thôi, có thể thu hồi vào kỳ trả đầu hay kỳ trả sau cũng được.

6. Những khoản phụ cấp xã hội, kể cả phụ cấp con, phụ cấp thương tật và những khoản thu nhập phụ khác có thể trả dồn vào đầu tháng hay cuối tháng, tùy mỗi cơ quan, xí nghiệp, không cần phải chia đôi để phân trả làm 2 kỳ như lương, miễn không gây trở ngại cho người được hưởng và cũng gây thêm khó khăn cho kế toán, thủ quỹ.

7. Trường hợp đặc biệt, cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội phải đi công tác lâu ngày, có thể trả một lần cả tháng lương cho người đi công tác. Khi thuyên chuyển cán bộ trong tháng (giữa chừng chứ không phải đầu tháng), thì đơn vị cũ phải thanh toán xong cả tháng lương trước khi người được thuyên chuyển rời khỏi nơi cũ.

8. Những khoản phụ cấp tiêu vặt của các chiến sĩ trong Quân đội có thể trả vào đầu mỗi tháng và trả gọn làm một lần, vì số tiền chi cho mỗi người ít, không cần chia đôi. Những sinh hoạt phí của Quân đội, của sinh viên, học sinh (học bổng toàn phần), công nhân học nghề, thì cũng phải trả làm 2 kỳ.

Trong khi thi hành thông tư này, nếu gặp khó khăn, đề nghị phản ánh cho Ngân hàng Nhà nước giải quyết.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG





Trịnh Văn Bính

TỔNG GIÁM ĐỐC
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC





Lê Viết Lượng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 383/TT/LB năm 1960 về việc trả lương cho cán bộ, công nhân viên và bộ đội làm hai kỳ do Ngân Hàng Nhà Nước- Bộ Tài Chính ban hành.

  • Số hiệu: 383/TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/10/1960
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Trịnh Văn Bính, Lê Viết Lượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 47
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản