Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 32-LĐ/TL

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 1958

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC TRẢ LƯƠNG NGÀY CHO CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC THUỘC KHU VỰC SẢN XUẤT

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Các ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Thái – Mèo và Việt Bắc, khu Hồng Quảng, các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh.
- Các ông Giám đốc Khu, Sở và Trưởng Ty Lao động
- Các Bộ,
- Tổng Liên đoàn
- Văn phòng Thủ tướng phủ

Điều 13 nghị định 182-TTg ngày 07-04-1958 của Thủ tướng Chính phủ quy định: "Công nhân sản xuất ở khu vực sản xuất được hưởng lương trả theo lương ngày..." nhằm thực hiện một hình thức tiền lương thích hợp với chế độ hạch toán của các xí nghiệp. Trong hoàn cảnh các xí nghiệp chưa thực hiện được chế độ tiền lương theo sản phẩm thì "hình thức trả lương ngày tiến bộ hơn lương tháng" (Thông tư số 197-TTg ngày 17-04-1958 của Thủ tướng phủ).

Vì vậy Bộ Lao động ra thông tư này để hướng dẫn và giải thích cách áp dụng trả lương ngày như sau:

I. – PHƯƠNG PHÁP TÍNH LƯƠNG NGÀY

Lấy lương cấp bậc một tháng chia cho 25 ngày rưỡi. Nơi nào có phụ cấp khu vực thì được cộng thêm định xuất phụ cấp khu vực nữa.

Ví dụ:

1. Anh A, công nhân tiện xếp bậc 2 thang lương cơ khí 8 bậc. Lương tháng theo cấp bậc là 40.000đ. Anh A làm việc nơi không có phụ cấp khu vực, lương ngày của anh là:

40.000đ

= 1.568đ

25,5

2. Cũng anh A trên đây, nếu làm việc nơi có phụ cấp khu vực 12% thì lương ngày của anh là:

40.000đ + (40.000đ x 12%)

= 1.756đ

25,5

II. ĐỐI TƯỢNG THI HÀNH TRẢ LƯƠNG NGÀY VÀ QUYỀN LỢI NHỮNG NGƯỜI HƯỞNG LƯƠNG NGÀY

1. Những công nhân, viên chức được tính trả lương ngày:

a) Những công nhân, viên chức làm việc có giờ tiêu chuẩn cố định hàng ngày trong các xí nghiệp công nghiệp, các công trình kiến thiết cơ bản, nông trường, lâm trường, các cửa hàng Mậu dịch quốc doanh v.v...

Giờ tiêu chuẩn làm việc trong xí nghiệp công nghiệp hiện nay là 8 giờ một ngày. Riêng các ngành khai thác về mỏ, lâm trường, nông trường, các công trình kiến thiết cơ bản, cửa hàng Mậu dịch v.v... tùy theo đặc điểm về sản xuất và điều kiện lao động các ngành sở quan sẽ hướng dẫn cụ thể áp dụng về thời gian làm việc của thích hợp (có thể ngắn hơn hoặc dài hơn 8 giờ một ngày theo thể lệ hiện hành).

b) Những công nhân, viên chức ngoài biên chế Nhà nước làm việc thường xuyên hoặc tạm thời, theo vụ, theo mùa, đều trả lương ngày.

2. Những công nhân, viên chức chưa thực hiện trả lương ngày:

Những công nhân, viên chức làm việc không nhất thiết chỉ trong số giờ tiêu chuẩn nhất định hàng ngày, mà khi cần thiết phải có mặt để làm việc, thì chưa trả lương ngày mà vẫn trả lương tháng.

Ví dụ: Công nhân lái xe ô-tô, tàu hỏa, công nhân viên chức làm việc trên các tàu thủy, công nhân viên chức thường đi công tác lưu động luôn, ban Quản đốc xí nghiệp, Ban chỉ huy công trường v.v...

Các Bộ, các ngành, các Ủy ban Hành chính địa phương căn cứ tính chất sản xuất và công tác của từng loại công nhân viên chức trong các đơn vị thuộc mình quản lý để quy định cụ thể những người nào, loại công việc nào được trả lương ngày hoặc trả lương tháng mà áp dụng cho sát.

III. - QUYỀN LỢI CỦA NHỮNG NGƯỜI HƯỞNG LƯƠNG NGÀY VÀ HƯỞNG LƯƠNG THÁNG

- Những người ở trong biên chế Nhà nước hưởng lương ngày cũng như những người hưởng lương tháng đều được hưởng các quyền lợi về chế độ xã hội và phúc lợi như nhau.

- Trường hợp ngừng việc, không sản xuất thì tiền lương của người lương ngày và lương tháng đều áp dụng như nhau chừ không phân biệt (trừ những người thuê mướn tạm thời ít ngày, không thường xuyên liên tục, có việc thì làm, không có việc thì nghỉ).

- Những ngày có sản xuất, có công tác, những ngày nghỉ lễ và nghỉ phép do Chính phủ quy định v.v... được trả đủ lương ngày. Ngày chủ nhật nghỉ không có lương vì đã tính trả vào ngày làm việc rồi.

- Những người hưởng lương ngày nói chung nếu có làm thêm giờ được hưởng phụ cấp làm thêm giờ.

Trong khi thi hành, các Bộ, các ngành, các Ủy ban Hành chính địa phương cần có kế hoạch lãnh đạo chặt chẽ hướng dẫn học tập chu đáo và quy định rõ những công việc, những người được trả lương ngày và trả lương tháng để cơ sở thực hiện cho thống nhất.

Thông tư này thi hành trong tất cả đơn vị thuộc khu vực sản xuất từ ngày 01-01-1959. Các điểm quy định thuộc các văn bản trước đây trái với phương pháp tính lương ngày của thông tư này đều phải sửa lại và thi hành đúng thông tư này. Trong lúc tính lại lương ngày, nếu có chênh lệch về tiền lương so với cách tính trước không đặt vấn đề truy lĩnh hoặc truy hoàn những ngày trước 01-01-1959.

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG




Nguyễn Văn Tạo

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 32-LĐ/TL năm 1958 về việc trả lương ngày cho công nhân viên chức thuộc khu vực sản xuất do Bộ Lao Động ban hành

  • Số hiệu: 32-LĐ/TL
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/12/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Nguyễn Văn Tạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản