Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ LAO ĐỘNG-BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 11-TT-LB | Hà Nội, ngày 02 tháng 05 năm 1958 |
GIẢI THÍCH VIỆC THI HÀNH CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP CON THAY THẾ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP TRƯỚC ĐÂY
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Kính gửi: | -Các ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính khu, thành phố và tỉnh |
Nghị định số 182-TTG ngày 07 tháng 4 năm 1958 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định ở điều 12 về chế độ trợ cấp con cho những người có đông con, do quỹ xã hội đài thọ.
Liên bộ Lao động - Nội vụ ban hành thông tư này quy định chi tiết và giải thích để thi hành.
Từ năm 1955, ta đã bước đầu thi hành chế độ lương trả bằng tiền và bỏ một phần bán cung cấp, nhưng phụ cấp con cũng chưa được sửa đổi cho thích hợp. Qua quá trình thực hiện có những bất hợp lý như: có nhiều mức phụ cấp khác nhau, người được hưởng, người không được hưởng, đa số con của công nhân, viên chức thuộc khu vực sản xuất không được hưởng, còn khu vực hành chính sự nghiệp chỉ có dưới 7% số con không được hưởng. Riêng Hà Nội, Gia Lâm và ngoại thành Hà Nội mức phụ cấp con cao hơn các địa phương khác từ 20% đến 50%; khoản phụ cấp còn tính vào quỹ lương làm cho chế độ tiền lương thêm bất hợp lý, trái với nguyên tắc “phân phối theo lao động”.
Để giải quyết tình trạng bất hợp lý nói trên, đi đôi với việc cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương năm 1958, Chính phủ quyết định: Thành lập quỹ xã hội riêng, quỹ tiền lương riêng, bỏ chế độ phụ cấp con hiện nay, đặt khoản trợ cấp con cho những người có đông con do quỹ xã hội đài thọ, thi hành chung cho tất cả cán bộ, công nhân viên chức trong biên chế Nhà nước, nhằm thống nhất dần chế độ và bỏ dần những bất hợp lý trong chế độ phụ cấp con hiện nay.
Chủ trương trên đây có ý nghĩa:
Lương là trả theo lao động, tùy khả năng cống hiến của từng người mà đãi ngộ cho thích đáng; còn trợ cấp con là một khoản trợ cấp có tính chất xã hội. Cha hay mẹ có con phải dành dụm nuôi con, Nhà nước chỉ giúp đỡ thêm cho những người có đông con ở trong hoàn cảnh khó khăn. Quy định như thế cũng là để khuyến khích mọi người cố gắng trau dồi nghề nghiệp để tiến bộ và ra sức sản xuất để cải thiện đời sống.
Số tiền trả phụ cấp con trước đây đã cộng với quỹ tiền lương để cải tiến chế độ lương và phân phối theo nguyên tắc “hưởng theo lao động”. Nhưng trong hoàn cảnh tiền lương chưa được tăng nhiều, những gia đình đông con vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Để chiếu cố tình hình khó khăn của những người đông con, điều 12 của Nghị định số 182-TTg ngày 7/4/1958 quy định “những người có đông con còn gặp nhiều khó khăn. Để chiếu cố tình hình khó khăn của những người đông con ở trong hoàn cảnh khó khăn sẽ được hưởng một khoản trợ cấp là 5.000đ một tháng cho mỗi con chưa quá 16 tuổi, kể từ con thứ 3 trở đi. Nếu con còn đi học thì được hưởng trợ cấp này cho đến khi con đủ 18 tuổi”.
Việc cải tiến chế độ cấp bậc lương đi đôi với việc cải tiến chế độ phụ cấp con, đặt khoản trợ cấp gia đình đông con do quỹ xã hội đài thọ là một chủ trương hợp lý, hợp tình, có tác dụng đoàn kết nội bộ công nhân, viên chức, làm cho anh chị em an tâm và phấn khởi đẩy mạnh sản xuất.
1. Trợ cấp con trả cho người có đông con mà trực tiếp phải nuôi tính từ con thứ 3 trở lên, mỗi con 5.000đ một tháng, thi hành thống nhất cho những người công tác chính thức trong biên chế Nhà nước.
2. Mức trợ cấp định thống nhất cho gia đình có một người công tác cũng như hai vợ chồng cùng công tác; Trường hợp hai vợ chồng cùng làm công tác thì tiền trợ cấp tính cho người hưởng lương nhiều nhất trong gia đình.
3. Con không trực tiếp phải nuôi, con quá 16 tuổi (hoặc quá 18 tuổi nếu còn đi học) thì không được để tính trợ cấp.
4. Kể từ khi áp dụng chế độ lương mới và chế độ trợ cấp con này người nào lương mới (gồm lương chính, phụ cấp khu vực cộng với trợ cấp con nếu có) mà thấp hơn mức lương hiện lĩnh (gồm lương chính, phụ cấp khu vực; phụ cấp con, phụ cấp ăn ngoài nếu có) sẽ được hưởng khoản tiền chênh lệch.
A. - ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC TÍNH TRỢ CẤP:
Những người công tác chính thức trong biên chế Nhà nước thuộc khu vực sản xuất và hành chính sự nghiệp không phân biệt miền Nam, miền Bắc, bộ đội chuyển ngành, Việt Kiều mới về nước và Âu – Phi, v.v… không phân biệt những người trước đây hưởng chế độ lương khác nhau như: kháng chiến, khôi phục và nguyên lương, không phân biệt một người công tác hay cả hai vợ chồng cùng công tác cho Nhà nước, nếu đã sắp xếp cấp bậc lương mới năm 1958 và trực tiếp phải nuôi từ 3 con trở lên thì từ con thứ 3 trở lên mỗi con được trợ cấp 5.000đ một tháng.
B. - GIẢI QUYẾT MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CON NUÔI, CON RIÊNG…
1. Con nuôi:
- Nếu đã nuôi từ trước khi ban hành thông tư này dù đã được phụ cấp con hay chưa được phụ cấp, nhưng đến nay vẫn trực tiếp phải nuôi như con đẻ thì được coi như con đẻ để tính trợ cấp.
- Nếu là con không có cha hay mẹ thừa nhận chính thức mà nam, nữ cán bộ, công nhân, viên chức phải trực tiếp nuôi cũng được xét để tính trợ cấp như nuôi con.
- Nếu kể từ ngày ban hành thông tư này trở đi, ai nhận nuôi con nuôi phải là trường hợp đặc biệt như: cha mẹ chết cả, không còn bà con thân thích để nương tựa, người cán bộ, công nhân, viên chức phải nuôi như con đẻ mới được cộng với số con đẻ để tính hưởng trợ cấp.
2. Con riêng:
- Hai vợ chồng công tác, một người có con riêng và hay cả hai người đều có con riêng nếu trực tiếp phải nuôi như con đẻ thì cũng được xét để trợ cấp (không tính những con đã gửi bà con, họ hàng nuôi hộ).
- Hai vợ chồng có một người công tác mà bản thân người ấy phải trực tiếp nuôi đứa con riêng của người không công tác cũng được coi như con đẻ để tính trợ cấp (không tính những con đã gửi bà con, họ hàng nuôi hộ).
3. Trường hợp hai vợ chồng đang công tác mà một trong hai người thôi việc, ra ngoài biên chế hoặc chết thì trợ cấp con do người công nhân viên còn lại được tiếp tục lãnh.
Nếu cả hai người xin thôi việc, ra ngoài biên chế hoặc chết thì trợ cấp con tính theo tinh thần thể lệ quy định cho các trường hợp thôi việc, ra ngoài biên chế và trợ cấp chết.
4. Những người đi học hay đi chữa bệnh:
- Đối với những người đã sắp xếp và hưởng lương mới, nay đi chữa bệnh hay được cử đi học mà còn ở trong biên chế thì vẫn tiếp tục hưởng trợ cấp con (nếu có).
- Đối với những người chưa xếp bậc lương mới thì không áp dụng trợ cấp con mới mà hiện nay ai hưởng thế nào thì cứ giữ nguyên mức thu nhập về phụ cấp con cũ của những con đã được hưởng phụ cấp (chờ khi xếp lương sẽ giải quyết), còn những con đẻ sau cũng không được tính phụ cấp con theo chế độ cũ hoặc tính trợ cấp con theo chế độ mới.
5. Những con không được tính trợ cấp:
Những con chết, hết hạn tuổi, đi học mà đã được Chính phủ đài thọ một khoản tiền từ 5.000đ trở lên thì đều không được tính đầu con để cộng với số con trực tiếp phải nuôi để tính trợ cấp. Ví dụ: một công nhân có 5 con, đang hưởng trợ cấp 3 con, nay có 1 con chết, 1 con hết hạn tuổi và 1 con được cấp học bổng (mỗi tháng từ 5.000đ trở lên) thì người công nhân đó không đủ tiêu chuẩn được trợ cấp con nữa.
C. - THỜI GIAN HƯỞNG TRỢ CẤP:
1. - Tính trợ cấp cho những con mới đẻ mới nuôi hoặc cha mẹ mới nhận công tác chính thức trong biên chế quy định như sau:
- Nếu trong khoản từ ngày 1 đến ngày 15 trong tháng thì được hưởng cả định suất (5.000đ).
- Nếu trong khoản từ ngày 16 đến ngày cuối tháng thì được tính nửa định suất (2.500đ).
2. - Cắt trợ cấp của con chết, con được cấp học bổng và hết hạn tuổi, quy định kể từ tháng sau liền tháng hết hạn.
D. - CÁCH TÍNH SO SÁNH THU NHẬP CŨ VÀ THU NHẬP MỚI ĐỂ TRẢ KHOẢN TIỀN CHÊNH LỆCH (NẾU CÓ).
1) Thu nhập cũ của cán bộ, công nhân, viên chức hưởng chế độ lương khác nhau:
a) Những người hưởng chế độ lương kháng chiến gồm có:
- Lương cấp bậc.
- Tỷ lệ tăng lương 1956 (5%, 8%, 12%).
- Phụ cấp khu vực (nếu có).
- Phụ cấp kỹ thuật (nếu có).
- Phụ cấp con (nếu có).
- Phụ cấp 20%, 25%, 30% cho những cán bộ thủy thủ đi sông, đi biển (nếu có).
- Phụ cấp “hao mòn” thường xuyên phụ vào lương (nếu có).
- Phụ cấp tiền nhà ở Hà nội (nếu có)
b) Những người hưởng chế độ lương khôi phục gồm các khoản nói ở trên điểm a (nếu có) và thêm:
- Phụ cấp đặc biệt của xí nghiệp khôi phục (đã ghi trong bảng cấp bậc lương).
- Phụ cấp điều động cho Mỏ Apatite Lào Kay (12.000đ).
c) Những người hưởng chế độ lương tính theo sản phẩm (khoán) thì tính trên cơ sở lương cấp bậc như những người hưởng lương kháng chiến hay khôi phục nói trên chứ không tính theo thu nhập lương khoán.
d) Những người hưởng chế độ nguyên lương (lưu dụng) nếu chưa xếp bậc hay đã xếp bậc nhưng hiện đang giữ nguyên lương thì thu nhập cũ là số tiền nguyên lương; nếu đã xếp bậc và đã hưởng lương cấp bậc hay lương khoán thì tính trên cơ sở lương cấp bậc như những người hưởng lương kháng chiến hay lương khôi phục nói trên.
2) Thu nhập mới của những người hưởng lương mới, gồm các khoản sau đây:
- Lương cấp bậc.
- Phụ cấp khu vực (nếu có).
- Trợ cấp con (nếu có).
E. - CÁCH TÍNH TRỢ CẤP CON CHO TRƯỜNG HỢP HAI VỢ CHỒNG CÔNG TÁC TRONG BIÊN CHẾ NHÀ NƯỚC:
Nếu hai vợ chồng công tác đều ở trong viên chế Nhà nước thì trợ cấp con mới sẽ tính cho một trong hai người có lương cao hơn phụ cấp con cũ trước đây (nếu có) cũng tính cho người có lương cao hơn để áp dụng cách tính so sánh thu nhập cũ và mới để trả khoản tiền chênh lệch (nếu có). Cụ thể có những trường hợp sau đây:
1) Hai vợ chồng trước đây đều hưởng phụ cấp con nhưng đã do một người có lương thấp lĩnh cả thì nay sau khi thi hành lương mới, phụ cấp con cũ phải chuyển sang tính cho người có lương cao hơn, đồng thời trợ cấp con mới cũng phải tính cho người có lương cao hơn để so sánh.
2) Hai vợ chồng trước đây đều được hưởng phụ cấp con cũ nhưng do hai người cũng lĩnh ở hai cơ quan khác nhau thì khi thi hành lương mới, phụ cấp con cũ phải tính dồn cho một người lương cao hơn và trợ cấp con mới cũng phải tính cho người có lương cao hơn để so sánh.
3) Hai vợ chồng chỉ có một người được hưởng phụ cấp con cũ, khi thi hành lương mới nếu bản thân người đó lương cao hơn thì cứ dựa trên cơ sở lương mới tính trợ cấp con mới và so sánh với thu nhập cũ để trả tiền chênh lệch (nếu có). Nhưng nếu người được hưởng phụ cấp con cũ mà lương thấp hơn người kia thì phải chuyển khoản phụ cấp con cũ sang cộng với thu nhập cũ của người có lương cao hơn để so sánh trả tiền chênh lệch (nếu có).
4) Hai vợ chồng mà một người có công nhân viên và một người là quân nhân có tiêu chuẩn trợ cấp con, sau khi thi hành lương mới cũng tính cho người lương cao (theo điều 1 nói trên). Nhưng nếu người quân nhân không ở loại được trợ cấp con thì trợ cấp con tính riêng cho người cán bộ, công nhân, viên chức như trường hợp một người công tác được hưởng trợ cấp con.
F. - THỂ THỨC THANH TOÁN CHO TRƯỜNG HỢP HAI VỢ CHỒNG CÙNG CÔNG TÁC NHƯNG Ở ĐƠN VỊ KHÁC NHAU:
Cơ quan hay xí nghiệp nào trước đây đã trả cả định suất phụ cấp con cho một người lương thấp hoặc đã trả một phần định suất phụ cấp con cho người lương thấp thì bắt đầu từ ngày được hưởng lương mới khoản phụ cấp con cũ sẽ chuyển sang cho người có lương mới cao hơn (vợ hoặc chồng). Đơn vị sử dụng người vợ hoặc chồng có lương cao hơn phải thanh toán khoản phụ cấp con cũ của người kia chuyển sang và trợ cấp con mới (nếu có) cho người cao hơn từ tháng đơn vị bạn cắt phụ cấp con cũ và không tính trợ cấp mới cho người lương thấp.
G. - THỜI GIAN ĐƯỢC DUY TRÌ KHOẢN TIỀN CHÊNH LỆCH.
Những người được hưởng khoản tiền chênh lệch, sẽ được duy trì cho đến khi có thu nhập tăng lên hoặc có sự biến chuyển khác làm khoản chênh lệch đó giảm đi cho tới khi hết chênh lệch thì thôi. Cụ thể có những trường hợp sau đây:
1. - Những người được tăng lương, thang bậc, đẻ thêm con hoặc được điều động từ khu vực lương thấp đến khu vực lương cao thu nhập được tăng sẽ xóa dần tiền chênh lệch.
2. - Những người ở Hà Nội, Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội được hưởng phụ cấp con cũ trước đây có thêm 50%, 30%, 20% và khoản phụ cấp ăn ở ngoài ở Hà Nội (nếu có) nếu sau này chuyển về địa phương khác thì sẽ tính lại khoản tiền chênh lệch.
3. - Hai vợ chồng công tác đều được hưởng phụ cấp con cũ 20 cân gạo và 30 cân gạo, nhưng sau khi thực hiện lương mới có một người (trong hai vợ chồng) thôi việc thì sẽ tính lại tiêu chuẩn phụ cấp con cũ của một người (cụ thể là 12 cân gạo hay 18 cân gạo) để so sánh thu nhập cũ và mới.
Trường hợp một người chết thì phụ cấp con cũ sẽ tính lại như trường hợp thôi việc (giữ nguyên mức phụ cấp con cũ là 20 cân gạo hay 30 cân gạo).
IV. - NGÀY THI HÀNH CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP CON MỚI
a) Thông tư này thi hành kể từ ngày 1 tháng 3 năm 1958 cho khu vực sản xuất. Các văn bản quy định trước đây trái với thông tư này không áp dụng nữa đối với khu vực sản xuất kể từ ngày 01 tháng 3 năm 1958.
Trường hợp có những đứa con tuy đẻ sau ngày 1 tháng 3 năm 1958 nhưng vì chưa nhận được thông tư này nên đã lỡ thanh toán theo chế độ phụ cấp con cũ thì nay không phải truy hoàn, nhưng không được tiếp tục hưởng như trước nữa mà phải thi hành theo cách tính chế độ trợ cấp con mới. Số tiền đã lỡ thanh toán cho những đứa con đẻ sau 01 tháng 3 năm 1958 không được tính cộng vào thu nhập cũ để so sánh với thu nhập mới mà tính trả tiền chênh lệch.
b) Ngày thi hành thông tư này đối với khu vực hành chính sự nghiệp sẽ do Bộ Nội vụ quy định sau:
Các cơ quan có trách nhiệm thi hành quỹ xã hội cần kiểm tra và theo dõi việc áp dụng chế độ trợ cấp con cho đúng chính sách và những quy định trong thông tư này. Trong khi thi hành gặp khó khăn, các ngành các cấp cần báo cáo cho Liên bộ biết để kịp thời bổ khuyết.
K. T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ | BỘ TRƯỞNG |
- 1Thông tư 15-TT/3a năm 1965 thi hành chế độ trợ cấp con đối với con công nhân viên chức đã được cấp học bổng do Tổng Công đòan Việt Nam ban hành
- 2Thông tư 197-TTg năm 1958 hướng dẫn thi hành việc cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương thuộc khu vực sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 263-NV/LB năm 1958 quy định chế độ sinh hoạt phí cho cán bộ, công nhân viên, quân nhân được chọn cử đi học các trường đại học, trường chuyên nhgiệp và trường bổ túc văn hóa công nông do Bộ trưởng Bộ Nội Vụ- Bộ trưởng Bộ Giáo Dục- Bộ trưởng Bộ Lao Động- Bộ trưởng Bộ Tài Chính ban hành.
- 4Thông tư 01-NV/CB năm 1961 quy định thời gian truy lĩnh trợ cấp con do Bộ Nội Vụ ban hành.
- 5Thông tư 17-TT3b năm 1973 sửa đổi một số điểm về chế độ trợ cấp đông con do Tổng Công đoàn Việt Nam ban hành
- 1Thông tư 15-TT/3a năm 1965 thi hành chế độ trợ cấp con đối với con công nhân viên chức đã được cấp học bổng do Tổng Công đòan Việt Nam ban hành
- 2Nghị định 182-TTg năm 1958 quy định chế độ lương cho khu vực sản xuất do Thủ tướng Chính Phủ ban hành
- 3Thông tư 197-TTg năm 1958 hướng dẫn thi hành việc cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương thuộc khu vực sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Thông tư 78-TC/HCP năm 1958 về việc chuyển khoản phụ cấp con của người lương thấp sang người lương cao khi thi hành lương mới do Bộ Tài Chính ban hành
- 5Thông tư 26-NV/CB năm 1959 giải thích và bổ sung một số trường hợp cụ thể về chế độ trợ cấp con do Bộ Nội Vụ ban hành
- 6Nghị định 263-NV/LB năm 1958 quy định chế độ sinh hoạt phí cho cán bộ, công nhân viên, quân nhân được chọn cử đi học các trường đại học, trường chuyên nhgiệp và trường bổ túc văn hóa công nông do Bộ trưởng Bộ Nội Vụ- Bộ trưởng Bộ Giáo Dục- Bộ trưởng Bộ Lao Động- Bộ trưởng Bộ Tài Chính ban hành.
- 7Thông tư 01-NV/CB năm 1961 quy định thời gian truy lĩnh trợ cấp con do Bộ Nội Vụ ban hành.
- 8Thông tư 17-TT3b năm 1973 sửa đổi một số điểm về chế độ trợ cấp đông con do Tổng Công đoàn Việt Nam ban hành
Thông tư 11-TT-LB năm 1958 giải thích việc thi hành chế độ trợ cấp con thay thế chế độ phụ cấp trước đây do Bộ Lao động- Bộ Nội vụ ban hành
- Số hiệu: 11-TT-LB
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 02/05/1958
- Nơi ban hành: Bộ Lao động, Bộ Nội vụ
- Người ký: Nguyễn Văn Tạo, Tô Quang Đẩu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 17
- Ngày hiệu lực: 01/03/1958
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra