Hệ thống pháp luật

TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17-TT3B

Hà Nội, ngày 20 tháng 09 năm 1973

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH BỔ SUNG, SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỂM VỀ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐÔNG CON

Ngày 14-10-1968 , Hội đồng Chính phủ ban hành thông tư số 158-CP, bổ sung chính sách đối với gia đình quân dân, trong đó có quy định việc áp dụng chế độ trợ cấp việc áp dụng việc trợ cấp đông con( sau đây gọi tắt là trợ cấp con). Đối với công nhân viên chức Nhà nước tham gia quân đội nhân dân Việt Nam như: “Những công nhân, viên chức trước đây được hưởng trợ cấp con... thì nay vẫn được hưởng trợ cấp đó cho tới khi người công nhân , viên chức ra khỏi quân đội hoặc khi người công nhân, viên chức ra khỏi quân đội hoặc khi người con được hưởng trợ cấp ấy được hưởng các khoản trợ cấp khác cao hơn như : học bổng, trợ cấp gia đình những người đi công tác đặc biệt v.v....

Để thống nhất chế độ trợ cấp con đối với công nhân, viên chức theo quy định nói trên của Hội đồng Chính phủ và sửa đổi, bổ sung một số trường hợp cụ thể và trợ cấp con cho được hợp lý, sau khi có ý kiến của Phủ Thủ tướng trong công văn số 1591- VP14 ngày 5-7-1973 và Bộ Tài chính trong công văn số 1.631-14 ngày 16-7-197, Tổng công đoàn Việt Nam quy định như sau:

1. Đối tượng được hưởng trợ cấp con.

Đối tượng được hưởng trợ cấp con theo quy định hiện hành là những công nhân , viên chức trước đây gọi là trong biên chế Nhà nước và sau gọi là công nhân viên chức thuộc lực lượng lâu dài ( điều 1 của điều lệ tuyển dụng và cho thôi việc ban hành theo nghị định số 24-CP ngày 13-3-1963 của Hội đồng Chính phủ ).

Nay bổ sung thêm những công nhân, viên chức Nhà nước đã làm việc thường xuyên từ 2 năm trở lên cũng được hưởng trợ cấp con nếu có từ 3 con trở lên thuộc diện tính trợ cấp con.

Về cách tính thời gian làm việc thường xuyên để áp dụng trợ cấp con, thi hành theo quy định về cách tính thời gian công tác liên tục để hưởng trợ cấp bảo hiễm xã hội.

2. Hạn tuổi của con và cách tính trợ cấp con.

Tại điểm 3, mục II, thông tư số 11-TT/LB ngày 2-5-1958, của Liên Bộ Lao động- Nội vụ và điểm 2 , thông tư số 26-NV/CB ngày 9-5-1959 của Bộ Nội vụ đã quy định về hạn tuổi của con người công nhân,viên chức được tính trong diện trợ cấp con là tính hết năm 16 tuổi . Nếu con còn đi học hoặc bị tàn tật mất sức lao động thì được tính trong diện trợ cấp đến hết năm 18 tuổi . Quy định đó, đến nay vẫn còn hiệu lực thi hành.

Về cách tính trợ cấp, người công nhân, viên chức đã được tính số con của mình trong hạn tuổi quy định trên để hưởng trợ cấp kể từ con thứ 3 trở đi chứ không phải trợ cấp cho người con thứ ba, thứ tư... đến khi những người con đó hết hạn tuổi, Thí dụ : Ông A có 4 con, một con lớn đi học đã quá 18 tuổi và một con thứ hai 17 tuổi nghỉ học . Như vậy hai người con thứ nhất và thứ hai của ông A không thuộc diện tính trợ cấp nữa nên ông A không được hưởng trợ cấp con. Chứ không phải người con thứ ba, thứ tư của ông A được hưởng trợ cấp đến khi những người con đó đủ 16 hoặc 18 tuổi.

3. Những con không được tính trong diện trợ cấp con.

Điểm 5, mục III, thông tư số 11-TT/LB đã quy định “ Những con chết, hết hạn tuổi... đều không được tính trong diện trợ cấp con”

Nay quy định thêm: “ Những con công nhân, viên chức tuy chưa quá hạn tuổi quy định tại điểm 2 thông tư nhưng đã được tính để hướng một trong số các khoản trợ cấp sau đây thì thôi không được tính trong diện trợ cấp con:

- Con công nhân, viên chức đi học được cấp học bỗng hay sinh hoạt phí học nghề ở các trường, lớp học trong nước và nước ngoài;

- Con công nhân, viên chức đã được tính để hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng;

- Con công nhân, viên chức tham gia quân đội, nhân dân Việt Nam, được hưởng sinh hoạt phí trong quân đội.

- Con công nhân, viên chức đã được hưởng trợ cấp theo chế độ trợ cấp gia đình những người đi công tác đặc biệt ( B,C....);

- Con công nhân, viên chức đã được hưởng trợ cấp hàng tháng từ 7 đồng đến 12 đồng theo chế độ trợ cấp cứu tế hiện hành.

Những con con công nhân, viên chức đã hưởng trợ cấp mất sữa và trợ cấp gửi trẻ tuy mức trợ cấp có cao hơn trợ cấp con, nhưng do mục đích và thời gian trợ cấp của các khoản ấy nên chúng vẫn được tính trong diện trợ cấp con.

4. Con nuôi.

Theo quy định tại điểm 1, mục III, thông tư số 11-TT/LB nói trên thì công nhân, viên chức nuôi con nuôi, phải là trường hợp cha mẹ đẻ đứa trẻ chết cả , thì người công nhân, viên chức mới được tính chung trong diện để hưởng trợ cấp con.

Nhưng điều 24 của Luật hôn nhân và gia đình đã ghi : “con nuôi, có quyền lợi và nghĩa vụ như con đẻ, việc nhận nuôi con nuôi phải được Ủy ban Hành chính cơ sở nơi trú quán của người nuôi hoặc của đứa trẻ công nhận và ghi vào sổ hộ tịch...”

Để phù hợp với điều quy định nói trên của Luật hôn nhân và gia đình, nay quy định: “ Những công nhân, viên chức nhận nuôi con nuôi theo đúng quy định tại điều 24 của Luật hôn nhân và gia đình đều được tính số con nuôi đó trong diện trợ cấp con theo chế độ trợ cấp con hiện hành, không phân biệt cha mẹ đẻ của đứa trẻ còn sống hay đã chết”.

5. Con ngoài giá thu.

Tuy không có hôn thú là vợ chồng, nhưng hai người chung sống với nhau và sinh con, những con đó Luật hôn nhân và gia đình gọi đó là con ngoài giá thú, điều 23 của Luật hôn nhân và gia đình đã xác nhận “ con ngoài giá thú được cha mẹ nhận hoặc Toàn án nhân dân cho nhận cha mẹ, có quyền lợi và nghĩa vụ như con chính thức”.

Vì vậy, những công nhân, viên chức có con ngoài giá thú điều được tính trong diện trợ cấp con.

6. Thời gian hưởng trợ cấp.

Công nhân, viên chức sinh con, nuôi con nuôi không kể ngày nào trong tháng, hoặc công nhân, viên chức được xác nhận là đối tượng hưởng trợ cấp con không kể ngày nào trong tháng, đều được tính để hưởng trợ cấp cả định suất 5đ trong tháng đó ( không tính nửa định suất như trước nữa).

Người công nhân, viên chức được hưởng trợ cấp con cho đến khi tình hình con cái có những thay đổi sau đây thì trợ cấp con phải tính lại để cắt bớt hoặc thôi không hưởng trợ cấp con kể từ tháng sau trở đi;

- Một trong tổng số con bị chết, hết hạn tuổi trong diện trợ cấp con;

- Những con cho người công nhân, viên chức khác nhận làm con nuôi mà người đó đã tính chung trong diện trợ cấp con;

- Những con đã được tính để hưởng một trong số các khoản trợ cấp quy định tại điểm 3 thông tư này.

7. Giấy tờ làm căn cứ để trợ cấp.

Muốn được hưởng trợ cấp đông con theo quy định, người công nhân, viên chức phải nộp cho cơ quan, xí nghiệp sử dụng mình những giấy tờ sau đây:

- Giấy khai sinh của các con;

- Nếu nuôi con nuôi, có thêm giấy chứng nhận của Ủy ban Hành chính xã, khu phố theo điều 24 của Luật hôn nhân và gia đình;

- Nếu nuôi con riêng của vợ hay của chồng, hoặc có con ngoài giá thú thì thêm bản tự khai của đương sự.

8. Điều khoản thi hành.

Thông tư này thay thế cho những quy định trong các văn bản sau đây:

- Thông tư số 15-TT3a ngày 29-5-1965 và điểm 1, công văn số 39-HC3a ngày 15-1-1968 của Tổng công đoàn Việt Nam , về trường hợp trợ cấp con đối với con có học bổng;

- Điếm1A, mục III, thông tư số 11- TT/LB ngày 2-5-1958 của Liên Bộ Lao động- Nội vụ, về trợ cấp đối với con nuôi, và điểm 1C, mục III, thông tư đó về trường hợp tính cả định suất hoặc nửa định suất trợ cấp con.

Các điều mới quy định trong thông tư này được thi hành từ ngày 1-9-1973.

Kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành, ai chưa được hưởng đầy đủ; ai hưởng quá không đúng quy định thì phãi truy hoàn lại công quỹ.

Những quy định định cũ trái với văn bản này, nay không thi hành nữa.

Đề nghị các cấp, các ngành phổ biến rộng rãi thông tư này trong công nhân, viên chức để việc chấp hành được đúng. Nếu có vấn đề gút mắc hoặc mới phát sinh, đề nghị phản ánh kịp thời cho Tổng công đoàn để hướng dẫn thêm.

K.T CHỦ TỊCH
TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Thị Mỹ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 17-TT3b năm 1973 sửa đổi một số điểm về chế độ trợ cấp đông con do Tổng Công đoàn Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 17-TT3b
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/09/1973
  • Nơi ban hành: Tổng Công đoàn Việt Nam
  • Người ký: Trương Thị Mỹ
  • Ngày công báo: 15/10/1973
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: 01/09/1973
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản