Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

---------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc
-------------------

Số : 24-CP

Hà Nội, ngày 13 tháng 03 năm 1963

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TUYỂN DỤNG VÀ CHO THÔI VIỆC ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Để tăng cường việc quản lý đội ngũ công nhân, viên chức Nhà nước;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ và ông Bộ trưởng Bộ Lao động;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 08 tháng 11 năm 1962,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. – Nay ban hành, kèm theo nghị định này, điều lệ tuyển dụng và cho thôi việc đối với công nhân, viên chức Nhà nước.

Điều 2. – Các ông Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

ĐIỀU LỆ

TUYỂN DỤNG VÀ CHO THÔI VIỆC ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC

Trong thời gian qua, ở các ngành, các cấp, việc tuyển dụng và cho thôi việc đã bắt đầu vào nề nếp, góp phần củng cố đội ngũ công nhân, viên chức Nhà nước. Tuy nhiên ở một số xí nghiệp, nông trường, lâm trường, công trường, trường học và cơ quan Nhà nước… (gọi tắt là xí nghiệp, cơ quan Nhà nước) vẫn còn tình trạng tuyển dụng và cho thôi việc một cách tùy tiện, không đúng chính sách và chế độ của Nhà nước. Chế độ tuyển dụng và chế độ cho thôi việc hiện nay đối với công nhân, viên chức Nhà nước ở khu vực sản xuất và khu vực hành chính, sự nghiêp cũng còn có những điểm khác nhau, do chưa có quy định thống nhất.

Những thiếu sót nói trên đây đã ảnh hưởng không tốt đến việc củng cố đội ngũ công nhân, viên chức Nhà nước, làm cho việc quản lý đội ngũ đó thiếu chặt chẽ, gây lãng phí về nhân lực, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân làm cho biên chế của các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước tăng lên quá mức, ảnh hưởng đến sự phát triển cân đối của nền kinh tế quốc dân. Mặt khác, những thiếu sót đó trong nhiều trường hợp có gây thiệt hại đến quyền lợi của người lao động.

Tình hình đó đòi hỏi phải có quy định thống nhất về chế độ tuyển dụng và chế độ cho thôi việc đối với công nhân, viên chức Nhà nước nhằm:

- Bảo đảm việc tuyển dụng và cho thôi việc đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

- Tăng cường việc quản lý đội ngũ công nhân, viên chức Nhà nước, làm cho đội ngũ đó ngày càng thuần khiết, vững mạnh;

- Bảo đảm lợi ích của xí nghiệp, cơ quan Nhà nước đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đánh của công nhân, viên chức.

Chương 1:

TUYỂN DỤNG

Điều 1. - Việc tuyển dụng người vào các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước phải căn cứ vào:

- Nhu cầu sản xuất và công tác;

- Chỉ tiêu lao động và chỉ tiêu biên chế đã được Chính phủ quy định cho xí nghiệp, cơ quan.

Xí nghiệp, cơ quan chỉ tuyển dụng người khi được cơ quan chủ quản ở trung ương hoặc Ủy ban hành chính địa phương cho phép sau khi đã cố gắng điều chỉnh ở trong ngành hoặc ở địa phương mà không được.

Khi tuyển dụng người làm việc lâu dài thì theo đúng những điều quy định trong văn bản này. Khi tuyển dụng người làm việc tạm thời, thì theo chế độ hợp đồng có thời hạn.

Điều 2. – Trong việc tuyển dụng, trước hết, phải tuyển những học sinh đã tốt nghiệp các trường, các lớp đào tạo cán bộ, công nhân chuyên nghiệp, nhân viên kỹ thuật của Nhà nước (gọi tắt là trường, lớp đào tạo cán bộ, công nhân).

Đối với nhu cầu cấp thiết mà không tuyển được người đã tốt nghiệp các trường, lớp này, thì phải tuyển người do cơ quan lao động có thẩm quyền đưa đến.

Trong khi tuyển người vào các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, cần chú trọng tuyển dụng thương binh còn khả năng lao động vào các ngành, nghề thích hợp.

Điều 3. – Trong việc xét người để tuyển dụng vào các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước, phải căn cứ vào những điều kiện sau đây:

a) Có quyền công dân, lý lịch rõ ràng, tự nguyện phục vụ,

b) Có trình độ thích hợp với công việc,

c) Có đủ sức khỏe và đã đủ 18 tuổi. (Những ngành, nghề được tuyển dụng người dưới 18 tuổi sẽ do Bộ Lao động và Bộ Nội vụ quy định cụ thể).

Khi tuyển dụng học sinh tốt nghiệp các trường các lớp đào tạo cán bộ, công nhân chuyên nghiệp, nhân viên kỹ thuật của Nhà nước cũng phải theo đúng những điều trên đây.

Điều 4. – Ngoài những điều kiện chung nói ở điều 3 trên đây, các ngành ở trung ương có thể thỏa thuận với Bộ Lao động để quy định những điều kiện riêng đối với những người được tuyển dụng vào làm những công việc có tính chất đặc biệt của ngành mình.

Điều 5. - Ở trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, không được sắp xếp những người có quan hệ thân thích với nhau như vợ chồng, anh chị em, cùng làm những việc mà nhiệm vụ của người này là kiểm soát việc của người kia (ví dụ: chồng làm kế toán, vợ làm thủ quỹ; anh giữ kho, em kế toán)

Điều 6. - Người xin tuyển dụng phải nộp cho xí nghiệp, cơ quan những giấy tờ sau đây theo mẫu thống nhất của Nhà nước :

a) Đơn xin tuyển dụng

b) Bản khai lý lịch

c) Giấy chứng nhận sức khỏe

d) Giấy chứng nhận trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật v .v…

Điều 7. - Trước khi xét để tuyển dụng và đưa người xin tuyển dụng vào tập sự hoặc làm thử như quy định ở điều 8 dưới đây, xí nghiệp, cơ quan tuyển người phải thẩm tra lý lịch và thẩm tra chính trị của người đó.

Điều 8. - Trước khi được tuyển dụng chính thức, học sinh tốt nghiệp các trường, các lớp đào tạo cán bộ, công nhân phải qua một thời gian tập sự. Đối với những người không qua các trường, các lớp này và những người đã thôi việc nay xin tuyển lại, thì có thể phải qua một thời gian làm thử.

Thời gian tập sự nói chung không được quá hai năm. Bộ Lao động và Bộ Nội vụ sẽ quy định cụ thể thời gian tập sự áp dụng cho học sinh tốt nghiệp của từng loại trường, lớp đào tạo cán bộ, công nhân.

Thời gian làm thử, nói chung, không được quá 30 ngày. Xí nghiệp, cơ quan tuyển người sẽ quyết định làm thử hoặc miễn thời gian làm thử tùy theo tính chất phức tạp hay giản đơn của công việc mà người đó sẽ nhận.

Những người tập dự hoặc làm thử đều được hưởng lương và các chế độ đãi ngộ hiện hành kể từ ngày bắt đầu nhận việc.

Điều 9. - Trước khi giao việc cho người tập sự hoặc làm thử, xí nghiệp, cơ quan tuyển người phải cho người đó biết những điều cần thiết như: thời gian tập sự hoặc làm thử (nếu có), quy trình sản xuất, chế độ công tác, nội quy bảo hộ lao động, v .v…

Đối với người tập sự hoặc làm thử ở bộ phận trực tiếp sản xuất, thì trước khi giao việc, xí nghiệp, cơ quan tuyển người phải hướng dẫn cho người đó nắm được những hiểu biết tối thiểi về quy tắc an toàn lao động, về vệ sinh công nghiệp và những điều cần thiết khác.

Điều 10. – Trong thời gian làm thử, nếu xét thấy đương sự có đủ năng lực làm tốt công việc được giao, thì xí nghiệp, cơ quan tuyển người có thể xét để tuyển dụng chính thức trước khi hết hạn làm thử; nếu xét thấy người đó không có đủ điều kiện tuyển dụng thì xí nghiệp; cơ quan không tuyển và trả lại hồ sơ xin tuyển dụng cho đương sự; nếu đương sự không muốn làm việc nữa, thì được rút đơn và hồ sơ xin tuyển dụng.

Điều 11.- Khi hết hạn tập sự hoặc làm thử, nếu xét thấy đương sự có đủ điều kiện để làm việc thì xí nghiệp, cơ quan sở quan phải làm mọi thủ tục cần thiết để tuyển dụng chính thức. Ngày tuyển dụng chính thức được tính liền sau thời gian tập sự hoặc làm thử; kể từ ngày ấy, đương sự được hưởng lương và các chế độ đãi ngộ theo chế độ chung đối với công nhân, viên chức Nhà nước.

Điều 12. – Công nhân, viên chức Nhà nước có nghĩa vụ:

- Tuân theo kỷ luật lao động, chế độ công tác và nội quy của xí nghiệp, cơ quan;

- Hoàn thành tốt mọi công tác được xí nghiệp, cơ quan giao cho theo đúng nhiệm vụ, chức trách của mình;

- Không ngừng học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt.

Chương 2:

THÔI VIỆC

Điều 13.Công nhân, viên chức Nhà nước có thể xin thôi việc trong các trường hợp sau đây:

a) Khi cần thôi việc để vào học các trường lớp đào tạo cán bộ, công nhân.

b) Khi gặp hoàn cảnh khó khăn riêng.

Đối với các trường hợp xin thôi việc trên đây, xí nghiệp, cơ quan phải xem xét, cân nhắc kỹ để giải quyết cho thỏa đáng. Thời hạn xét để trả lời đương sự không được chậm quá 30 ngày.

Điều 14.Công nhân, viên chức Nhà nước bị buộc thôi việc trong những trường hợp sau đây:

a) Khi công nhân, viên chức bị phạt giam về tội có liên quan đến công tác của mình trong xí nghiệp, cơ quan.

b) Khi công nhân, viên chức bị phạt giam trên sáu tháng về tội không có liên quan đến công tác của mình, hoặc tuy bị phạt giam dưới sáu tháng về tội không có liên quan đến công tác của mình, nhưng kèm theo phạt giam còn bị phạt tước quyền công dân hay là cấm không được làm nghề cũ trong một thời gian.

Điều 15.Xí nghiệp, cơ quan có quyền cho công nhân, viên chức thôi việc trong các trường hợp sau đây:

a) Khi công nhân, viên chức phạm kỷ luật lao động một cách nghiêm trọng hoặc phạm những sai lầm nghiêm trọng khác, tuy đã được giáo dục nhiều lần nhưng không chịu sửa chữa;

b) Khi công nhân, viên chức không nhận sự điều động của xí nghiệp, cơ quan;

c) Khi công nhân, viên chức làm giấy tờ giả mạo hoặc khai man lý lịch để được tuyển dụng. Nếu việc giả mạo hoặc khai man có tính chất nghiêm trọng, thì đương sự còn có thể bị truy tố trước pháp luật.

Các trường hợp cho thôi việc nói trên đây phải được đưa ra Hội đồng kỷ luật của xí nghiệp, cơ quan xét. Khi quyết định cho công nhân, viên chức thôi việc vì kỷ luật, xí nghiệp, cơ quan sở quan phải báo cho Ủy ban hành chính biết.

Điều 16.Khi xí nghiệp, cơ quan nào vì hoàn cảnh đặc biệt mà phải giải thể hoặc phải giảm bớt biên chế, thì đối với số công nhân, viên chức thừa ra, xí nghiệp, cơ quan ấy phải cố gắng sắp xếp công việc cho những người đó đúng với khả năng của đương sự và có lợi ích thật sự. Nếu xí nghiệp, cơ quan không sắp xếp được, thì phải báo cáo kịp thời cho Ủy ban hành chính địa phương, hoặc cơ quan chủ quản ở trung ương để giải quyết theo phương hướng:

1. đưa những người đủ khả năng làm việc hợp với yêu cầu đến những nơi cần người.

2. chuyển đi sản xuất (khai hoang).

Trước khi quyết định cho công nhân, viên chức thôi việc vì cơ quan giải thể hoặc giảm biên chế, xí nghiệp, cơ quan sở quan phải hỏi ý kiến Ban chấp hành công đoàn của xí nghiệp, cơ quan và phải được sự thỏa thuận của Ủy ban hành chính địa phương; đối với công nhân viên chức là Ủy viên Ban chấp hành công đoàn, thì phải được sự thỏa thuận của Ban chấp hành công đoàn.

Khi cho thôi việc, xí nghiệp, cơ quan phải báo cho người đương sự biết trước 30 ngày. Công nhân, viên chức thôi việc trong trường hợp này, nếu có đủ điều kiện, được ưu tiên xét tuyển vào học các trường, lớp đào tạo cán bộ, công nhân hoặc được ưu tiên tuyển lại khi Nhà nước cần tuyển thêm người.

Điều 17.Xí nghiệp, cơ quan không được cho công nhân, viên chức thôi việc theo quy định ở các điều 15 và 16 trên đây trong thời gian họ nghỉ phép, thai nghén gần đến ngày đẻ, nghỉ đẻ, ốm đau.

Điều 18. – Công nhân, viên chức thôi việc được trả lại sổ lao động, được cấp giấy chứng nhận thôi việc, được trả lương và các khoản phụ cấp khác (nếu có) cho đến ngày thôi việc theo chế độ hiện hành. Nếu xí nghiệp, cơ quan nào không thi hành đúng quy định của Nhà nước làm cho công nhân, viên chức phải chờ đợi, thì cơ quan, xí nghiệp ấy phải trả lương cho người đương sự về thời gian chờ đợi. Công nhân, viên chức thôi việc phải trả lại những giấy tờ, tài liệu do xí nghiệp, cơ quan đã cấp cho mình để làm việc.

Chương 3:

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC XÍ NGHIỆP, CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC CHẤP HÀNH CHẾ ĐỘ TUYỂN DỤNG VÀ CHẾ ĐỘ CHO THÔI VIỆC ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT CÁC VIỆC KHIẾU NẠI, TỐ GIÁC VỀ TUYỂN DỤNG VÀ CHO THÔI VIỆC

Điều 19. - Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định việc tuyển dụng và cho thôi việc đối với công nhân, viên chức Nhà nước thuộc phạm vi mình quản lý theo chế độ phân cấp quản lý cán bộ hiện nay; hướng dẫn và kiểm tra việc chấp hành chế độ tuyển dụng và chế độ cho thôi việc đối với công nhân, viên chức Nhà nước trong các xí nghiệp, cơ quan thuộc ngành mình, địa phương mình.

Các Vụ, Phòng Tổ chức cán bộ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các cơ quan lao động địa phương (Sở, Ty, Phòng Lao động) và Phòng Tổ chức cán bộ của Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là những cơ quan chuyên môn có trách nhiệm giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, hoặc Ủy ban hành chính địa phương thực hiện tốt chế độ tuyển dụng và chế độ cho thôi việc đối với công nhân, viên chức Nhà nước.

Điều 20. - Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc chấp hành chế độ tuyển dụng và chế độ cho thôi việc đối với công nhân, viên chức Nhà nước trong các cơ quan thuộc khu vực hành chính, sự nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Lao động có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc chấp hành chế độ tuyển dụng và chế độ cho thôi việc đối với công nhân, viên chức Nhà nước trong các cơ sở thuộc khu vực sản xuất, các cơ sở kinh doanh thương nghiệp, vận tải, bưu điện và các xí nghiệp phục vụ.

Điều 21. - Thủ trưởng các xí nghiệp, cơ quan quyết định việc tuyển dụng và cho thôi việc đối với công nhân, viên chức trong xí nghiệp,cơ quan mình theo chế độ phân cấp quản lý cán bộ hiện nay.

Bộ phận Tổ chức cán bộ của xí nghiệp, cơ quan có trách nhiệm giúp Thủ trưởng thực hiện tốt chế độ tuyển dụng và chế độ cho thôi việc đối với công nhân, viên chức trong xí nghiệp, cơ quan.

Điều 22. – Các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước có trách nhiệm xét và giải quyết kịp thời (hoặc đề nghị cấp trên giải quyết nếu mình không có thẩm quyền) những việc khiếu nại, tố giác về tuyển dụng và cho thôi việc theo đúng nguyên tắc và thủ tục đã được Nhà nước quy định.

Điều 23. – Trong khi giải quyết các việc khiếu nại, tố giác nói trên, cũng như trong khi quyết định cho công nhân, viên chức thôi việc theo quy định ở điều 15, 16 trên đây, Thủ trưởng xí nghiệp, cơ quan phải thỏa thuận với Ban Chấp hành Công đoàn xí nghiệp, cơ quan. Nếu hai bên không thỏa thuận được với nhau, thì quyết định của Thủ trưởng xí nghiệp, cơ quan được tạm thời thi hành, nhưng hai bên phải báo cáo kịp thời lên cơ quan cấp trên của mình để giải quyết.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. - Điều lệ này áp dụng đối với những người làm việc lâu dài trong các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước và các xí nghiệp công tư hợp doanh.

Điều 25. – Các quy định trước đây trái với điều lệ này đều bãi bỏ.

Điều 26. – Ông Bộ trưởng Bộ Lao động và Bộ trưởng Bộ Nội vụ giải thích và hướng dẫn thi hành điều lệ này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 24-CP năm 1963 điều lệ tuyển dụng và cho thôi việc đối với công nhân, viên chức Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 24-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 13/03/1963
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản