Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 248-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 07 năm 1975

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC ÁP DỤNG CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN XUẤT NGŨ CÓ THỜI GIAN PHỤC VỤ TRONG QUÂN ĐỘI DƯỚI 5 NĂM ĐƯỢC TUYỂN DỤNG VÀO CÁC CƠ QUAN, XÍ NGHIỆP NHÀ NƯỚC, HOẶC VÀO HỌC Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, TRUNG HỌC, SƠ HỌC CHUYÊN NGHIỆP, CÁC TRƯỜNG DẠY NGHỀ

Ngày 20 tháng 07 năm 1974, Hội đồng Chính phủ đã ban hành quyết định số 178-CP về việc sữa đổi chính sách đối với quân nhân chuyển ngành và phục viên. Theo quyết định trên, những quân nhân có thời gian phục vụ trong quân đội dưới 5 năm (trừ quân nhân hoạt động ở chiến trường A, B, C bị thương được xếp hạng thương tật, hoặc đang hoạt động ở chiến trường B, C mà bị bệnh kinh niên, mãn tính) khi chuyển ngành sang các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước hoặc về địa phương thì hưởng chế độ xuất ngũ quy định trong thông tư số 95-TTg ngày 11-03-1961 của Thủ tướng Chính phủ.

1. Những quân nhân phục vụ trong quân đội dưới 5 năm khi xuất ngũ có lý do chính đáng:

a) Nếu được tuyển dụng vào cơ quan, xí nghiệp nhà nước đều phải qua thời gian làm thử và làm việc gì hưởng lương theo việc ấy (áp dụng theo điều lệ tuyển dụng và cho thôi việc đối với công nhân viên chức Nhà nước ban hành theo nghị định số 24-CP ngày 13-03-1963 của Hội đồng Chính phủ). Trường hợp lương mới thấp hơn sinh hoạt phí của quân đội, cũng chi hưởng theo lương mới. Thời gian phục vụ trong quân đội được tính là thời gian công tác liên tục để hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, phúc lợi tập thể.

Các cơ quan xí nghiệp Nhà nước cần chú ý sắp xếp công việc thích hợp với trình độ, khả năng, sức khoẻ của anh chị em để việc đãi ngộ được hợp lý.

b) Nếu được tuyển vào học các trường đại học, trung học, sơ học chuyên nghiệp hoặc trường dạy nghề thì tùy theo thời gian phục vụ trong quân đội, mà được hưởng sinh hoạt phí thống nhất hoặc học bổng như sau:

Vào các trường đại học và trung học, sơ học chuyên nghiệp.

Nếu tính đến ngày ghi trong quyết định cho xuất ngũ mà thời gian hoạt động trong quân đội từ 3 năm tròn đến dưới 5 năm thì được hưởng sinh hoạt phí thống nhất quy định tại thông tư số 49-TTg ngày 25-05-1964; cụ thể là: đại học 28 đồng/tháng; trung học chuyên nghiệp 26 đồng /tháng; sơ học chuyên nghiệp 24 đồng / tháng.

Nếu trường học đóng ở những nơi có phụ cấp khu vực từ 10% trở lên, thì mỗi phí thống nhất sinh hoạt phí nói trên được cộng thêm 2 đồng.

Nếu tính đến ngày ghi trong quyết định cho xuất ngũ, mà thời gian phục vụ trong quân đội chưa đủ 3 năm tròn, thì được hưởng học bổng theo quyết định số 104-CP ngày 05-07-1968 của Hội đồng Chính phủ; cụ thể là: đại học 22 đồng / tháng; trung học chuyên nghiệp: 20 đồng /tháng.

Vào các trường dạy nghề:

Nếu tính đến ngày ghi trong quyết định cho xuất ngũ mà thời gian phục vụ cho quân đội từ 1 năm tròn trở lên, thì được hưởng sinh hoạt phí học nghề quy định tại thông tư số 60-TTg ngày 01-06-1962 của Thủ tướng Chính phủ; cụ thể là:

- Học nghề thuộc ngành công nghiệp nhẹ: mỗi tháng 28 đồng và phụ cấp khu vực nếu có.

- Học nghề thuộc ngành công nghiệp nặng mỗi tháng 31 đồng và phụ cấp khu vực nếu có.

Trường hợp học nghề mà mức sinh hoạt phí của nghề đó cao hơn 28 đồng hay 31 đồng thì được hưởng sinh hoạt phí theo nghề đang học như quy định chung của Nhà nước.

2. Những quân nhân nguyên là học sinh, sinh viên các trường đại học, trung học, sơ học chuyên nghiệp, trường dạy nghề v.v…đi làm nghĩa vụ quân sự khi được xuất ngũ trở về trường tiếp tục học tập thì cũng được hưởng chế độ sinh hoạt phí như những quân nhân xuất ngũ nói ở điểm 1.

3. Những quân nhân xuất ngũ được tuyển vào học các trường đại học, trung học, sơ học chuyên nghiệp, các trường dạy nghề nói ở các điểm 1 và 2 trên đây nếu vì lý do nào đó mà không thể tiếp tục học tập được và được thôi học, thì chỉ được hưởng chế độ thôi học áp dụng như đối với học sinh phổ thông (vì những quân nhân này lúc ra khỏi quân đội đã được hưởng chế độ xuất ngũ rồi).

4. Những quân nhân xuất ngũ đã được tuyển vào các cơ quan xí nghiệp Nhà nước và đã được xếp lương rồi mới được cơ quan, xí nghiệp cử đi học, thì được áp dụng chế độ đãi ngộ như đối với cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước được cử đi học. Thời gian phục vụ trong quân đội được cộng với thời gian công tác tại các cơ quan, xí nghiệp để tính tỷ lệ phần trăm sinh hoạt phí được hưởng trong thời gian đi học.

5. Những quân nhân xuất ngũ nguyên là cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước nhập ngũ, thì vẫn áp dụng theo các chế độ quy định tại thông tư số 71-TTg ngày 30-07-1968 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng việc sắp xếp lương thì áp dụng như sau:

- Nếu có thời gian phục vụ trong quân đội dưới 5 năm, thì hưởng chế độ quy định tại tiết a, điểm 2, mục C phần II tại thông tư số 71-TTg ngày 30-07-1968 của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp hưởng theo chế độ chuyển ngành mà thấp hơn lương cũ thì hưởng theo lương cũ.

Thông tư này thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 1974. Những quân nhân xuất ngũ đã được tuyển vào các cơ quan xí nghiệp Nhà nước hoặc được tuyển vào các cơ quan xí nghiệp Nhà nước hoặc được tuyển vào học các trường đại học, trung học, sơ học chuyên nghiệp, trường dạy nghề từ ngày 01 tháng 07 năm 1974 đến ngày ban hành thông tư này, nếu chưa được hưởng theo đúng chế độ quy định trong thông tư này, thì được truy lĩnh số tiền chênh lệch, nếu đã hưởng cao hơn thì sửa lại cho đúng, nhưng không phải truy hoàn số tiền đã lĩnh cao hơn.

K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hữu Dực

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 248-TTg-1975 về việc áp dụng chế độ đối với quân nhân xuất ngũ có thời gian phục vụ trong quân đội dưới 5 năm được tuyển dụng vào các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, hoặc vào học ở các trường Đại học, Trung học, Sơ học chuyên nghiệp, các trường dạy nghề do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 248-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/07/1975
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trần Hữu Dực
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: 01/07/1974
  • Ngày hết hiệu lực: 04/07/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản