Hệ thống pháp luật

Chương 6 Nghị định 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài

Chương VI

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VỐN ODA, VỐN VAY ƯU ĐÃI

Điều 57. Nội dung quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi

1. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho từng thời kỳ để hỗ trợ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; các giải pháp, chính sách quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn này.

3. Cung cấp thông tin về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

4. Giám sát, đánh giá tình hình, kết quả quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định hiện hành của pháp luật về giám sát, đánh giá đầu tư công và quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

5. Xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

6. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và các nhà tài trợ nước ngoài có thành tích trong hoạt động cung cấp, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Điều 58. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi, có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Là cơ quan đầu mối về vận động, điều phối, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; chủ trì soạn thảo chiến lược, chính sách hợp tác phát triển với nhà tài trợ nước ngoài; quy hoạch, kế hoạch thu hút, điều phối, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; phân tích và đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn vốn này.

2. Chủ trì soạn thảo, trình ban hành hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo thẩm quyền.

3. Chủ trì chuẩn bị nội dung và tổ chức vận động, điều phối vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo thẩm quyền; tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ các Đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi; phối hợp với nhà tài trợ xây dựng kế hoạch nguồn vốn cho Đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (đối với nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế và ngân hàng quốc tế khác mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện) thẩm định nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng và khả năng cân đối các nguồn vốn này.

5. Tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trừ dự án nhóm A; gửi văn bản chính thức đề nghị nhà tài trợ nước ngoài tài trợ cho chương trình, dự án sau khi chủ trương đầu tư chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền quyết định.

6. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế khung về vốn ODA, vốn vay ưu đãi, điều ước quốc tế cụ thể về vốn ODA viện trợ không hoàn lại theo quy định tại khoản 4 Điều 32 Nghị định này; đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết thỏa thuận về vốn ODA viện trợ không hoàn lại quy định tại khoản 4 Điều 35 Nghị định này.

7. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính:

a) Tổng hợp và lập kế hoạch thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trung hạn 5 năm, kế hoạch thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi hàng năm của cả nước; cân đối đầy đủ và bố trí vốn đối ứng từ nguồn vốn ngân sách hàng năm để chuẩn bị thực hiện và thực hiện đối với chương trình, dự án đầu tư xây dựng thuộc diện cấp phát từ ngân sách trung ương trong kế hoạch vốn hàng năm;

b) Xử lý nhu cầu bổ sung vốn trong kế hoạch dự toán ngân sách hàng năm của chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định tại khoản 5 Điều 48 và Điều 49 Nghị định này.

8. Phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan xác định cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với chương trình, dự án theo quy định của pháp luật.

9. Thực hiện giám sát và đánh giá chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định của pháp luật về giám sát và đánh giá đầu tư công và quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

10. Làm đầu mối giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình, dự án, những vấn đề liên quan đến nhiều Bộ, ngành để đảm bảo tiến độ thực hiện và thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp xử lý các vấn đề về vốn ODA, vốn vay ưu đãi thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Trong trường hợp cần thiết, chủ trì thành lập đoàn công tác liên ngành làm việc trực tiếp với cơ quan chủ quản, chủ dự án, Ban quản lý dự án và nhà tài trợ nước ngoài để xem xét, đánh giá và giải quyết kịp thời những vướng mắc theo thẩm quyền.

11. Trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo tổng hợp theo định kỳ (6 tháng, một năm) và đột xuất về tình hình vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; kiến nghị các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình, dự án.

12. Chủ trì tổ chức thực hiện các biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

13. Biên soạn và phổ biến tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ về vận động, chuẩn bị, thẩm định, tổ chức quản lý thực hiện, giám sát và đánh giá chương trình, dự án; hỗ trợ công tác đào tạo quản lý chương trình, dự án theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.

Điều 59. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính

1. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan xây dựng chiến lược, chính sách hợp tác phát triển với nhà tài trợ nước ngoài, quy hoạch, kế hoạch thu hút, điều phối, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; phân tích và đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn vốn này.

2. Hướng dẫn chuẩn bị nội dung liên quan đến điều kiện sử dụng vốn, cơ chế tài chính trong nước, quản lý tài chính của chương trình, dự án; công tác thẩm định tài chính các dự án vay lại.

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc đăng ký các khoản vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, đảm bảo trong các chỉ tiêu giới hạn nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia đã được Quốc hội phê chuẩn.

4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này; đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định này.

5. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (đối với nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế và ngân hàng quốc tế khác mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện) thẩm định nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng và khả năng cân đối các nguồn vốn này.

6. Đại diện chính thức cho “bên vay” đối với các khoản vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ với nhà tài trợ nước ngoài, trừ các khoản vay do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là đại diện cho Việt Nam và được ủy quyền ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về khoản vay đó.

7. Quản lý tài chính đối với chương trình, dự án:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn về quản lý tài chính đối với chương trình, dự án;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan xác định cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với chương trình, dự án theo quy định của pháp luật;

c) Quy định cụ thể thủ tục rút vốn và quản lý rút vốn của chương trình, dự án trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành và quy định tại điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã ký với nhà tài trợ nước ngoài;

d) Chủ trì hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và phí đối với chương trình, dự án; giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan đến thuế và phí;

đ) Bố trí vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác để trả nợ các khoản vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi khi đến hạn;

e) Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định và công bố danh sách ngân hàng thương mại đủ tiêu chuẩn thực hiện việc giao dịch thanh toán đối ngoại đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi;

g) Theo dõi, kiểm tra công tác quản lý tài chính trong việc sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi và tổ chức hạch toán ngân sách nhà nước đối với các nguồn vốn này;

h) Tổng hợp theo định kỳ (6 tháng, một năm) số liệu giải ngân, rút vốn và trả nợ đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo cho các cơ quan có liên quan;

i) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và lập kế hoạch thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng trung hạn 5 năm, kế hoạch thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng hàng năm của cả nước; xử lý nhu cầu bổ sung vốn trong kế hoạch dự toán ngân sách hàng năm của chương trình, dự án theo quy định tại khoản 5 Điều 48 và Điều 49 Nghị định này;

k) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng nguồn hành chính sự nghiệp để chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án thuộc diện cấp phát từ ngân sách trung ương trong kế hoạch vốn hàng năm;

l) Tổ chức cho vay lại và thu hồi phần vốn cho vay lại của chương trình, dự án áp dụng cơ chế ngân sách nhà nước cho vay lại.

Điều 60. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

1. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan xây dựng chiến lược, chính sách hợp tác phát triển với nhà tài trợ nước ngoài, quy hoạch, kế hoạch thu hút, điều phối, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; phân tích và đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn vốn này.

2. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng và khả năng cân đối các nguồn vốn này (đối với nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế và ngân hàng quốc tế khác mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện).

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về vốn ODA, vốn vay ưu đãi quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định này; đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi quy định tại khoản 3 Điều 35 Nghị định này.

4. Đại diện chính thức cho “bên vay” trong các khoản vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ đối với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế, tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế và ngân hàng quốc tế khác mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện và được ủy quyền ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về khoản vay đó.

5. Bàn giao hồ sơ và toàn bộ các thông tin liên quan đến chương trình, dự án cho Bộ Tài chính sau khi điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi có hiệu lực, trừ thỏa thuận vay với Quỹ Tiền tệ quốc tế.

6. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xác định và công bố danh sách ngân hàng thương mại đủ tiêu chuẩn thực hiện việc giao dịch thanh toán đối ngoại đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi, làm cơ sở để cơ quan chủ trì đàm phán điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi lựa chọn ngân hàng phục vụ cho chương trình, dự án.

7. Tổng hợp theo định kỳ (6 tháng, một năm) và thông báo cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan về tình hình rút vốn và thanh toán thông qua hệ thống tài khoản của chương trình, dự án mở tại các ngân hàng.

Điều 61. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp

1. Thẩm định dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định của pháp luật.

2. Tham gia đàm phán, góp ý xây dựng nội dung dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

3. Tham gia ý kiến đối với Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án hợp tác với nhà tài trợ nước ngoài về pháp luật.

4. Thẩm định văn kiện chương trình, dự án hợp tác với nhà tài trợ nước ngoài về pháp luật thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật.

5. Tham gia ý kiến về các vấn đề pháp lý đối với dự thảo khung chính sách tái định cư trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

6. Cấp ý kiến pháp lý cho điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Điều 62. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Ngoại giao

1. Phối hợp với các cơ quan có liên quan, trên cơ sở chính sách đối ngoại chung, xây dựng và thực hiện chủ trương, phương hướng vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi, chính sách đối tác; tham gia vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan chỉ đạo cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước ngoài hoặc tại tổ chức quốc tế tiến hành vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi, phù hợp với chủ trương, phương hướng vận động, quy hoạch, kế hoạch thu hút, điều phối, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong từng thời kỳ.

3. Tham gia đàm phán, góp ý kiến đối với dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi; kiểm tra đề xuất ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

4. Thực hiện các thủ tục đối ngoại về việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi; tổ chức lưu trữ, sao lục, công bố điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

5. Tham gia đánh giá chương trình, dự án theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

6. Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện thủ tục ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Điều 63. Nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Chính phủ

1. Giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thống nhất quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

2. Tham gia ý kiến về nội dung trong quá trình chuẩn bị chương trình, dự án theo yêu cầu của cơ quan chủ quản hoặc chủ dự án; thẩm tra và đề xuất, kiến nghị về chính sách, cơ chế, cách thức tổ chức thực hiện chương trình, dự án trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

3. Giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị định này.

Điều 64. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

1. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thu hút, điều phối, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; xây dựng chính sách, biện pháp điều phối và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thuộc lĩnh vực phụ trách.

2. Xây dựng Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoặc Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình cấp có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định này.

3. Phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án do mình làm chủ quản theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 32 Nghị định này và thực hiện điều ước quốc tế đó theo quy định của pháp luật về điều ước quốc tế; phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án do mình làm chủ quản quy định tại khoản 2, 3 Điều 35 Nghị định này và thực hiện thỏa thuận đó theo quy định của pháp luật.

4. Đề xuất trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về vốn ODA viện trợ không hoàn lại theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định này và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế đó theo quy định của pháp luật về điều ước quốc tế; đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết thỏa thuận về vốn ODA không hoàn lại quy định tại khoản 1 Điều 35 Nghị định này và tổ chức thực hiện thỏa thuận đó theo quy định của pháp luật.

5. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo ngành, lĩnh vực phụ trách theo quy định của pháp luật.

6. Bảo đảm công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của chương trình, dự án do mình trực tiếp quản lý và thực hiện.

Điều 65. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thu hút, điều phối, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; xây dựng các chính sách, biện pháp điều phối và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên địa bàn tỉnh, thành phố.

2. Xây dựng Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoặc Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình cấp có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định này.

3. Phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án do mình làm chủ quản quy định tại khoản 2, 3 Điều 32 Nghị định này và thực hiện điều ước quốc tế đó theo quy định của pháp luật về điều ước quốc tế; phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án do mình làm chủ quản quy định tại khoản 2, 3 Điều 35 Nghị định này và thực hiện thỏa thuận đó theo quy định của pháp luật.

4. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về vốn ODA viện trợ không hoàn lại quy định tại khoản 4 Điều 32 Nghị định này và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế đó theo quy định của pháp luật về điều ước quốc tế; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết thỏa thuận về vốn ODA viện trợ không hoàn lại quy định tại khoản 4 Điều 35 Nghị định này và tổ chức thực hiện thỏa thuận đó theo quy định của pháp luật.

5. Chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng cho chương trình, dự án trên địa bàn theo quy định của pháp luật, điều ước quốc tế về vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

6. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

7. Bảo đảm công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của chương trình, dự án do mình trực tiếp quản lý và thực hiện.

8. Bố trí vốn trả nợ ngân sách trung ương đầy đủ, đúng hạn để trả nợ nước ngoài đối với chương trình, dự án áp dụng cơ chế ngân sách trung ương cho ngân sách cấp tỉnh vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Nghị định 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài

  • Số hiệu: 16/2016/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 16/03/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 30/03/2016
  • Số công báo: Từ số 259 đến số 260
  • Ngày hiệu lực: 02/05/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH