Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị định 159/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa

Chương IV

NẠO VÉT VÙNG NƯỚC CẢNG BIỂN VÀ VÙNG NƯỚC ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA DO BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI, ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH QUẢN LÝ KẾT HỢP THU HỒI SẢN PHẨM

Mục 1: QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 23. Trình tự thực hiện dự án

Công tác nạo vét vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm phải được lập thành dự án và thực hiện theo các bước sau:

1. Lập và công bố danh mục khu vực nạo vét theo quy định tại Mục 2 Chương IV Nghị định này.

2. Lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo quy định tại Mục 3 Chương IV Nghị định này.

3. Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng dự án theo quy định tại Mục 4 Chương IV Nghị định này.

4. Triển khai thực hiện dự án và bàn giao dự án theo quy định tại Mục 5 Chương IV Nghị định này.

Điều 24. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án

1. Đối với các dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước đường thủy nội địa quốc gia: Bộ Giao thông vận tải phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đối với các nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 23 Nghị định này.

2. Đối với các dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước đường thủy nội địa địa phương: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đối với các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 23 Nghị định này.

3. Đối với các dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước cảng biển, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện quản lý cụ thể, Bộ Giao thông vận tải ủy quyền cho Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện một số hoặc toàn bộ các nhiệm vụ quy định tại Điều 23 Nghị định này.

4. Việc phân cấp hoặc ủy quyền quy định tại các khoản 1 và 3 Điều này phải được thực hiện bằng văn bản, trong đó xác định cụ thể nội dung, phạm vi, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan được phân cấp hoặc được ủy quyền.

5. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan được ủy quyền hoặc được phân cấp theo quy định tại Điều này chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và quản lý dự án theo quy định.

Điều 25. Chi phí chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án

1. Chi phí chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, bao gồm:

a) Chi phí lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án;

b) Chi phí lập, thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường;

c) Chi phí tổ chức lựa chọn nhà đầu tư;

d) Chi phí hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cơ quan quản lý dự án; chi phí giám sát dự án, chất lượng công trình;

đ) Chi phí công bố dự án;

e) Chi phí thuê tư vấn hỗ trợ thực hiện một số hoạt động thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý dự án;

g) Chi phí tổ chức hội nghị, hội thảo, đàm phán hợp đồng dự án và các hợp đồng có liên quan;

h) Chi phí khác.

2. Chi phí quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều này được bố trí từ các nguồn vốn sau:

a) Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp trong kế hoạch hàng năm của Bộ Giao thông vận tải, địa phương;

b) Nguồn thu từ việc bán hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư;

c) Nguồn vốn do nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án hoàn trả;

d) Các nguồn vốn hợp pháp khác.

3. Chi phí quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều này được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch chi sự nghiệp, nguồn đầu tư xây dựng cơ bản của bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Mục 2: LẬP VÀ CÔNG BỐ DANH MỤC KHU VỰC NẠO VÉT

Điều 26. Lập danh mục khu vực nạo vét

1. Đối với vùng nước đường thủy nội địa quốc gia: Hàng năm, Bộ Giao thông vận tải chủ trì tổ chức lập mới hoặc sửa đổi, bổ sung danh mục khu vực nạo vét trên cơ sở thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan.

Đối với vùng nước cảng biển: Hàng năm, Bộ Giao thông vận tải chủ trì tổ chức lập mới hoặc sửa đổi, bổ sung danh mục khu vực nạo vét.

2. Đối với vùng nước đường thủy nội địa địa phương: Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì tổ chức lập mới hoặc sửa đổi, bổ sung danh mục khu vực nạo vét.

3. Danh mục khu vực nạo vét phải có những nội dung chủ yếu sau:

a) Tên địa điểm, khu vực nạo vét;

b) Tóm tắt các thông số kỹ thuật, chuẩn tắc thiết kế chủ yếu của khu vực nạo vét;

c) Thời gian thực hiện.

Điều 27. Công bố danh mục khu vực nạo vét

1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày danh mục khu vực nạo vét được phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan quản lý chuyên ngành hàng hải, đường thủy nội địa thực hiện công bố danh mục khu vực nạo vét trên Trang thông tin điện tử của cơ quan theo quy định. Danh mục khu vực nạo vét được công bố phải có những nội dung chủ yếu quy định tại khoản 3 Điều 26 của Nghị định này.

2. Khi danh mục khu vực nạo vét được sửa đổi, bổ sung hoặc có sự thay đổi, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan quản lý chuyên ngành hàng hải, đường thủy nội địa thực hiện đăng tải trên Trang thông tin điện tử của cơ quan.

Mục 3: LẬP, THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI DỰ ÁN

Điều 28. Trách nhiệm lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án

1. Sở Giao thông vận tải các địa phương tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước đường thủy nội địa quốc gia, nạo vét vùng nước đường thủy nội địa địa phương làm cơ sở để lập hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán hợp đồng dự án, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước cảng biển làm cơ sở để lập hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán hợp đồng dự án, trình Bộ Giao thông vận tải.

Điều 29. Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án

Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Phân tích chi tiết về sự cần thiết đầu tư và những lợi thế của việc thực hiện dự án so với hình thức đầu tư khác; loại hợp đồng dự án.

2. Đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của ngành, địa phương.

3. Mục tiêu, quy mô và địa điểm thực hiện dự án; khối lượng nạo vét; mục đích và nhu cầu sử dụng sản phẩm nạo vét thu hồi.

4. Tiến độ, thời hạn thực hiện dự án; thời gian xây dựng, khai thác công trình; phương án tổ chức quản lý, phương án thi công, phương tiện thi công, vị trí đổ thải đối với sản phẩm không thu hồi.

5. Thiết kế cơ sở theo quy định hiện hành.

6. Phương án tổng thể bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).

7. Kinh phí nạo vét (bao gồm cả kinh phí hoàn trả cho Nhà nước đã thực hiện các công việc quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 25 Nghị định này); giá trị sản phẩm thu hồi; phương án thanh toán phần chênh lệch giữa kinh phí nạo vét và giá trị sản phẩm thu hồi.

8. Các chi phí khác như thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản liên quan đến dự án.

9. Khả năng huy động vốn để thực hiện dự án.

10. Phân tích rủi ro, trách nhiệm của các bên về quản lý rủi ro trong quá trình thực hiện dự án.

11. Kiến nghị ưu đãi, hỗ trợ chuyên môn (nếu có).

12. Hiệu quả kinh tế - xã hội và tác động của dự án đối với môi trường, xã hội.

Điều 30. Thẩm định tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước đường thủy nội địa quốc gia, dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước đường thủy nội địa địa phương theo quy định pháp luật hiện hành.

2. Bộ Giao thông vận tải tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước cảng biển theo quy định pháp luật hiện hành.

Điều 31. Phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án

Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án ngay sau khi hoàn thành việc thẩm định theo quy định tại Điều 30 Nghị định này.

Điều 32. Điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án

1. Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được xem xét điều chỉnh trong trường hợp sau đây:

a) Dự án bị ảnh hưởng bởi thiên tai hoặc các sự kiện bất khả kháng khác;

b) Xuất hiện các yếu tố đem lại hiệu quả cao hơn cho dự án;

c) Điều chỉnh quy mô, thiết kế của dự án;

d) Quy hoạch thay đổi gây ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu, địa điểm, quy mô của dự án;

đ) Dự án không lựa chọn được nhà đầu tư sau khi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư;

e) Yêu cầu của Chính phủ liên quan đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh;

g) Các quy định khác có liên quan.

2. Thủ tục thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thực hiện theo quy định tại Điều 30, Điều 31 Nghị định này.

Mục 4: LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ VÀ KÝ KẾT HỢP ĐỒNG DỰ ÁN

Điều 33. Lựa chọn nhà đầu tư

1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 24 Nghị định này tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

2. Điều kiện, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và ưu đãi đối với nhà đầu tư trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

3. Trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư để thực hiện dự án, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền căn cứ mức độ cần thiết của dự án để bố trí ngân sách nhà nước thực hiện, trình tự thủ tục thực hiện theo quy định tại Chương III Nghị định này.

Điều 34. Ký kết hợp đồng dự án

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 24 Nghị định này tổ chức đàm phán và ký kết hợp đồng dự án với nhà đầu tư trúng thầu.

Điều 35. Nội dung hợp đồng dự án

1. Hợp đồng dự án phải có các nội dung cơ bản sau:

a) Thông tin về các bên trong hợp đồng;

b) Mục tiêu, quy mô, địa điểm, thời hạn và tiến độ thực hiện dự án;

c) Yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình dự án;

d) Kinh phí thực hiện nạo vét, giá trị sản phẩm thu hồi; giá trị thanh toán hợp đồng; điều chỉnh kinh phí và giá trị sản phẩm thu hồi;

đ) Bàn giao mặt bằng xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có);

e) Thi công xây dựng, kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng, nghiệm thu, quyết toán dự án;

g) Chuyển giao dự án;

h) Bảo đảm thực hiện hợp đồng;

i) Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;

k) Xử lý vi phạm trong quá trình thực hiện dự án; phạt hợp đồng;

l) Sự kiện bất khả kháng và nguyên tắc xử lý;

m) Các hình thức ưu đãi và bảo đảm đầu tư (nếu có);

n) Khiếu nại và giải quyết tranh chấp hợp đồng;

o) Hiệu lực và thời hạn hợp đồng dự án; thanh lý hợp đồng;

p) Các nội dung khác theo thỏa thuận giữa các bên ký kết.

2. Các tài liệu kèm theo hợp đồng dự án bao gồm phụ lục, tài liệu và giấy tờ khác là bộ phận không tách rời của hợp đồng dự án.

3. Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn chi tiết nội dung hợp đồng dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.

4. Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết sử dụng khoản tiền phạt hợp đồng dự án.

Điều 36. Sửa đổi, bổ sung hợp đồng dự án

Hợp đồng dự án được sửa đổi, bổ sung do có sự thay đổi về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật công trình, tổng vốn đầu tư đã thỏa thuận hoặc do sự kiện bất khả kháng, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo quy định tại Điều 32 Nghị định này và các trường hợp khác theo quy định tại hợp đồng dự án.

Điều 37. Thời hạn hợp đồng dự án

1. Thời hạn hợp đồng dự án do các bên thỏa thuận phù hợp với quy mô, tính chất của dự án và trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được phê duyệt.

2. Hợp đồng dự án chấm dứt trong các trường hợp quy định tại Điều 422 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Điều 38. Bảo đảm thực hiện hợp đồng dự án

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 24 Nghị định này quy định hình thức, giá trị, thời gian hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Mục 5: TRIỂN KHAI THỰC HIỆN DỰ ÁN VÀ BÀN GIAO DỰ ÁN

Điều 39. Điều kiện triển khai và lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án

1. Dự án được triển khai sau khi hợp đồng dự án được ký kết và thực hiện đầy đủ các thủ tục về môi trường, khai thác tài nguyên và các thủ tục khác theo quy định.

2. Nhà đầu tư ban hành quy chế lựa chọn nhà thầu tư vấn, thi công và nhà thầu khác trên cơ sở bảo đảm công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế để áp dụng thống nhất trong quá trình thực hiện dự án.

Điều 40. Lập thiết kế xây dựng

1. Căn cứ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được duyệt và quy định của hợp đồng dự án, nhà đầu tư lập thiết kế bản vẽ thi công gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 24 Nghị định này để thống nhất trước khi phê duyệt và gửi sau khi phê duyệt xong để giám sát, kiểm tra. Việc thay đổi thiết kế bản vẽ thi công làm ảnh hưởng đến quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiến độ thực hiện dự án phải được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Việc lập, thẩm tra, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Điều 41. Giám sát thực hiện hợp đồng dự án

1. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, tiến độ của dự án; tổ chức lựa chọn tư vấn độc lập để giám sát thi công xây dựng, nghiệm thu các hạng mục và toàn bộ công trình theo thiết kế, phương án thi công quy định tại hợp đồng dự án; phê duyệt kết quả lựa chọn tư vấn để giám sát sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức giám sát việc tuân thủ các nghĩa vụ của nhà đầu tư theo quy định tại hợp đồng dự án và quy định tại Nghị định này. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức lựa chọn tư vấn đủ năng lực để hỗ trợ giám sát thực hiện hợp đồng dự án.

3. Kinh phí cho công tác tư vấn giám sát, tư vấn hỗ trợ giám sát quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được tính trong tổng mức đầu tư dự án, được nhà đầu tư chuyển vào tài khoản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện thanh toán cho tư vấn giám sát, tư vấn hỗ trợ giám sát.

4. Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết khoản 3 Điều này.

Điều 42. Bàn giao dự án

1. Sau khi hoàn thành thực hiện dự án, nhà đầu tư báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 24 Nghị định này để tổ chức đo đạc, nghiệm thu hoàn thành, bàn giao đưa công trình vào sử dụng.

2. Trách nhiệm tổ chức nghiệm thu, bàn giao dự án:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện dự án và nhận bàn giao từ nhà đầu tư; thanh quyết toán theo hợp đồng dự án; thanh lý hợp đồng dự án đối với dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước đường thủy nội địa quốc gia, dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước đường thủy nội địa địa phương và bàn giao cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức quản lý, khai thác;

b) Cục Hàng hải Việt Nam theo ủy quyền có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước cảng biển và nhận bàn giao từ nhà đầu tư; thanh quyết toán theo hợp đồng dự án; thanh lý hợp đồng dự án.

3. Sau khi tiếp nhận dự án, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức quản lý, vận hành công trình theo chức năng, thẩm quyền.

Nghị định 159/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa

  • Số hiệu: 159/2018/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 28/11/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1097 đến số 1098
  • Ngày hiệu lực: 11/01/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH