Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 9 Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán

Mục 2. ÁP DỤNG BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM AN NINH, AN TOÀN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TRONG PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ CHỨNG KHOÁN VÀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Điều 306. Các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán

1. Các biện pháp quy định tại điểm e, điểm g khoản 1 Điều 7 Luật Chứng khoán sau đây gọi chung là các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.

2. Biện pháp cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn quy định tại điểm e khoản 1 Điều 7 Luật Chứng khoán được áp dụng đối với các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng thành viên, Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Giám đốc tài chính, Kế toán trưởng, Trưởng Ban kiểm soát và thành viên Ban kiểm soát (Kiểm soát viên), thành viên Ban kiểm toán nội bộ và các chức danh quản lý tương đương do Đại hội đồng cổ đông bầu hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm.

3. Biện pháp cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn quy định tại điểm e khoản 1 Điều 7 Luật Chứng khoán được áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động cháo bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại khoản 14 Điều 4 Luật Chứng khoán, bao gồm các biện pháp sau:

a) Cấm chào bán, phát hành chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn;

b) Cấm niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn;

c) Cấm hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ về chứng khoán và thị trường chứng khoán, hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn;

d) Cấm thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn;

đ) Cấm giao dịch chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn.

4. Biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán, yêu cầu người có thẩm quyền phong tỏa tài khoản tiền có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán được áp dụng trong các trường hợp sau:

a) Khi cần xác minh tình tiết làm căn cứ để ban hành quyết định xử lý vi phạm về chứng khoán và thị trường chứng khoán;

b) Khi có căn cứ xác định tổ chức, cá nhân đang thực hiện vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán và biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán, phong tỏa tài khoản tiền là cần thiết nhằm ngăn chặn tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện vi phạm hoặc khi cần ngăn chặn ngay hành vi tẩu tán tiền, chứng khoán có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;

c) Theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

5. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính do thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại Điều 12 Luật Chứng khoán thì bị cấm thực hiện một hoặc một số hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn từ 02 năm đến tối đa 03 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn từ 02 năm đến tối đa 03 năm.

Tổ chức, cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính do thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại Điều 12 Luật Chứng khoán mà tái phạm, vi phạm từ 02 lần trở lên hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội danh về chứng khoán được quy định tại Bộ luật Hình sự thì bị cấm thực hiện một hoặc một số hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn từ 03 năm đến tối đa 05 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn từ 03 năm đến tối đa 05 năm.

6. Tổ chức, cá nhân đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội danh về chứng khoán được quy định tại Bộ luật Hình sự mà tiếp tục thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại Điều 12 Luật Chứng khoán thì bị cấm tham gia một hoặc một số hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán vĩnh viễn, bị cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán vĩnh viễn.

Điều 307. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn

1. Căn cứ vào quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc căn cứ vào bản án có hiệu lực của Tòa án, kiến nghị của cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vụ việc, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước áp dụng một hoặc một số biện pháp quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 306 Nghị định này nhằm phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

2. Việc áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 306 Nghị định này được thể hiện dưới hình thức quyết định của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong quyết định phải nêu rõ các thông tin: căn cứ áp dụng; tên và địa chỉ đối tượng bị áp dụng; biện pháp áp dụng; thời hạn áp dụng và thời điểm bắt đầu áp dụng; các tổ chức, cá nhân phối hợp thực hiện và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân này; người chịu trách nhiệm theo dõi đôn đốc thi hành.

3. Quyết định áp dụng biện pháp cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn phải được gửi cho đối tượng bị áp dụng, tổ chức, cá nhân liên quan và được công bố trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong vòng 02 ngày làm việc kể từ ngày ban hành. Trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định, tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán nơi có cá nhân bị áp dụng là người nội bộ hoặc người hành nghề chứng khoán phải công bố trên trang thông tin điện tử của mình quyết định này.

4. Trường hợp bị áp dụng biện pháp cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn, tổ chức, cá nhân phải dừng ngay việc đảm nhiệm chức vụ hoặc dừng ngay việc thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán bị cấm. Trong thời gian bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, tổ chức, cá nhân không được cấp mới giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản chấp thuận liên quan đến hoạt động chứng khoán.

5. Trường hợp bị áp dụng biện pháp cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán vĩnh viễn, tổ chức, cá nhân bị thu hồi, hủy bỏ, từ chối cấp mới giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản chấp thuận liên quan đến hoạt động chứng khoán, chứng chỉ hành nghề chứng khoán. Tổ chức, cá nhân không được đảm nhiệm chức vụ, thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán bị cấm cho tới khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ việc áp dụng biện pháp này.

Điều 308. Trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán, yêu cầu người có thẩm quyền phong tỏa tài khoản tiền có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán

1. Biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán được thực hiện như sau:

a) Khi có căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 306 Nghị định này, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán, nêu rõ các thông tin: căn cứ áp dụng; tên và địa chỉ đối tượng bị áp dụng; thông tin về các tài khoản chứng khoán bị phong tỏa; thời hạn áp dụng và thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp phong tỏa; các tổ chức, cá nhân phối hợp thực hiện và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân này; người chịu trách nhiệm theo dõi đôn đốc thi hành;

b) Trong vòng 01 ngày làm việc kể từ ngày ban hành, quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán phải được gửi cho đối tượng bị áp dụng, công ty chứng khoán nơi có tài khoản bị phong tỏa, tổ chức, cá nhân liên quan, Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;

c) Trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định, công ty chứng khoán nơi có tài khoản bị phong tỏa phải thực hiện phong tỏa tài khoản giao dịch, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam phải thực hiện phong tỏa chứng khoán trên tài khoản lưu ký chứng khoán liên quan đồng thời thông báo cho chủ tài khoản về việc này;

d) Khi hết thời hạn phong tỏa ghi tại quyết định của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, công ty chứng khoán nơi có tài khoản bị phong tỏa thực hiện giải tỏa tài khoản giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện giải tỏa chứng khoán trên tài khoản lưu ký chứng khoán liên quan đồng thời thông báo cho chủ tài khoản về việc này.

2. Biện pháp yêu cầu người có thẩm quyền phong tỏa tài khoản tiền được thực hiện như sau:

a) Khi có căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 306 Nghị định này, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng, người có thẩm quyền tại tổ chức tín dụng nơi đối tượng bị đề nghị áp dụng có tài khoản tiến hành phong tỏa tài khoản, nêu rõ các thông tin: căn cứ áp dụng; tên và địa chỉ đối tượng bị đề nghị áp dụng; thông tin về các tài khoản bị đề nghị phong tỏa; thời hạn áp dụng và thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp phong tỏa; các tổ chức, cá nhân có liên quan;

b) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ban hành, văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng, người có thẩm quyền tại tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản phải gửi cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền liên quan;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổ chức tín dụng, người có thẩm quyền tại tổ chức tín dụng phải quyết định về việc phong tỏa tài khoản đồng thời thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đối tượng có tài khoản bị phong tỏa biết. Trường hợp từ chối thực hiện hoặc chỉ thực hiện một phần yêu cầu phong tỏa tài khoản, tổ chức tín dụng, người có thẩm quyền tại tổ chức tín dụng phải nêu rõ lý do và chịu trách nhiệm về quyết định của mình;

d) Việc phong tỏa, giải tỏa tài khoản của tổ chức tín dụng, người có thẩm quyền tại tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan.

Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán

  • Số hiệu: 155/2020/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 31/12/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: 15/01/2021
  • Số công báo: Từ số 45 đến số 46
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH