Hệ thống pháp luật

Chương 5 Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán

Chương V

ĐĂNG KÝ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM ĐỐI VỚI CHNG KHOÁN ĐÃ ĐĂNG KÝ TẬP TRUNG TẠI TNG CÔNG TY LƯU KÝ VÀ BÙ TRỪ CHNG KHOÁN VIỆT NAM

Điều 169. Đối tượng, phạm vi và nguyên tắc thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm

1. Chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong các giao dịch bảo đảm được đăng ký biện pháp bảo đảm tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Việc đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán khác thực hiện tại các Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản của Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư Pháp theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.

2. Việc đăng ký biện pháp bảo đảm tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc chung của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm và các nguyên tắc sau đây:

a) Chứng khoán được đăng ký biện pháp bảo đảm phải là loại chứng khoán tự do chuyển nhượng, không dùng để ký quỹ trong các giao dịch chứng khoán, không bị phong tỏa, tạm giữ và phải lưu ký trước khi thực hiện. Trong thời hạn đăng ký biện pháp bảo đảm, chứng khoán đăng ký biện pháp bảo đảm phải được phong tỏa tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;

b) Thông tin về chứng khoán thuộc sở hữu của bên bảo đảm trọng hồ sơ đăng ký phải thống nhất với thông tin được lưu giữ tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;

c) Thời điểm đăng ký biện pháp bảo đảm có hiệu lực là thời điểm Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam ghi nội dung đăng ký vào sổ đăng ký thông tin biện pháp bảo đảm;

d) Khi thực hiện xóa đăng ký biện pháp bảo đảm, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện giải tỏa các chứng khoán đã đăng ký biện pháp bảo đảm.

3. Các bên yêu cầu đăng ký phải có văn bản đồng ý để Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam phong tỏa, cung cấp thông tin chứng khoán đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định tại Nghị định này.

4. Khi chứng khoán đã đăng ký biện pháp bảo đảm bị hủy đăng ký tập trung theo quy định pháp luật, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thông báo cho thành viên lưu ký nơi lưu ký chứng khoán dùng làm tài sản bảo đảm để thông báo cho các bên làm thủ tục xóa đăng ký biện pháp bảo đảm. Trường hợp các bên không làm thủ tục xóa đăng ký biện pháp bảo đảm, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam tự động thực hiện xóa biện pháp bảo đảm vào ngày hiệu lực hủy đăng ký chứng khoán.

5. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của pháp luật về chứng khoán và pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm và các văn bản hướng dẫn thi hành thì áp dụng quy định của pháp luật về chứng khoán. Trường hợp Nghị định này không có quy định mà pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm có quy định thì áp dụng quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Điều 170. Hồ sơ, thủ tục thực hiện đăng ký, thay đổi, sửa chữa biện pháp bảo đảm; xóa đăng ký biện pháp bảo đảm

1. Hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm bao gồm:

a) Phiếu yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm theo Mẫu số 52 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bảng kê chứng khoán đề nghị đăng ký biện pháp bảo đảm theo Mẫu số 53 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Văn bản ủy quyền trong trường hợp các bên yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền.

2. Hồ sơ đăng ký thay đổi, sửa chữa sai sót biện pháp bảo đảm bao gồm:

a) Phiếu yêu cầu thay đổi, sửa chữa sai sót biện pháp bảo đảm theo Mẫu số 54 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bảng kê chứng khoán đề nghị thay đổi, sửa chữa sai sót theo Mẫu số 55 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này (trong trường hợp nội dung thay đổi/sửa chữa sai sót là chứng khoán đăng ký).

3. Hồ sơ xóa đăng ký biện pháp bảo đảm trong trường hợp theo thỏa thuận của hai bên bao gồm:

a) Phiếu yêu cầu xóa đăng ký biện pháp bảo đảm theo thỏa thuận của hai bên theo Mẫu số 56 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bảng kê chứng khoán đề nghị xóa đăng ký biện pháp bảo đảm theo thỏa thuận của hai bên theo Mẫu số 57 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

4. Hồ sơ xóa đăng ký biện pháp bảo đảm trong trường hợp theo yêu cầu của một bên hoặc theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự bao gồm:

a) Phiếu yêu cầu xóa đăng ký biện pháp bảo đảm theo yêu cầu của một bên hoặc theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự theo Mẫu số 58 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bảng kê chứng khoán đề nghị xóa đăng ký biện pháp bảo đảm theo yêu cầu của một bên hoặc theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự theo Mẫu số 59 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Hợp đồng thế chấp chứng khoán, trong đó có điều khoản quy định một bên có quyền được đề nghị Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam xóa đăng ký biện pháp bảo đảm (trường hợp theo yêu cầu của một bên);

d) Văn bản về việc xử lý tài sản bảo đảm là chứng khoán đăng ký biện pháp bảo đảm của cơ quan thi hành án dân sự (trường hợp theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự).

5. Hồ sơ xóa đăng ký biện pháp bảo đảm trong trường hợp theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm và hai bên có ký hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý và xử lý tài sản bảo đảm với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam bao gồm:

a) Phiếu yêu cầu xóa đăng ký biện pháp bảo đảm theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm và hai bên có ký hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý và xử lý tài sản bảo đảm với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo Mẫu số 60 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bảng kê chứng khoán đề nghị xóa đăng ký biện pháp bảo đảm theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm và hai bên có ký hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý và xử lý tài sản bảo đảm với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo Mẫu số 61 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

6. Phương thức nộp hồ sơ và thời hạn giải quyết hồ sơ

a) Hồ sơ đăng ký, thay đổi, sửa chữa sai sót, xóa biện pháp bảo đảm gửi lên Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thông qua thành viên lưu ký nơi lưu ký chứng khoán dùng làm tài sản bảo đảm bằng hình thức nộp trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc qua hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm trực tuyến. Đối với trường hợp xóa đăng ký biện pháp bảo đảm quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này, bên yêu cầu nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;

b) Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm giải quyết hồ sơ, cấp văn bản xác nhận việc đăng ký, thay đổi biện pháp bảo đảm, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm theo Mẫu số 62 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này trong ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ; nếu nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ sau 15 giờ cùng ngày, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hoàn thành việc giải quyết hồ sơ trong ngày làm việc tiếp theo; trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện không quá 03 ngày làm việc.

7. Trả văn bản xác nhận việc đăng ký, thay đổi biện pháp bảo đảm, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm

a) Đối với các trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trả văn bản xác nhận thông qua thành viên lưu ký theo một trong các phương thức sau đây: trực tiếp tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; qua đường bưu điện hoặc qua hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm trực tuyến;

b) Đối với các trường hợp quy định tại khoản 4, 5 Điều này, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trả trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho bên yêu cầu.

Điều 171. Cung cấp thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm

1. Cá nhân, tổ chức có quyền tìm hiểu hoặc yêu cầu cung cấp thông tin về chứng khoán đăng ký biện pháp bảo đảm tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

2. Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác có quyền yêu cầu Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cung cấp thông tin về chứng khoán đăng ký biện pháp bảo đảm để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý của cơ quan mình.

3. Thông tin về chứng khoán đăng ký biện pháp bảo đảm do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cung cấp bao gồm: bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm; mã chứng khoán, số lượng chứng khoán đăng ký biện pháp bảo đảm; thời điểm đăng ký biện pháp bảo đảm.

4. Hồ sơ, thủ tục, phương thức cung cấp thông tin

a) Cá nhân, tổ chức có nhu cầu cung cấp thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm gửi Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin theo Mẫu số 63 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này đến Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thông qua thành viên lưu ký bằng các hình thức nộp trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc qua hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm trực tuyến;

b) Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác có nhu cầu cung cấp thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm gửi công văn trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;

c) Thời hạn Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam giải quyết hồ sơ cung cấp thông tin thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 170 Nghị định này;

d) Việc trả kết quả cung cấp thông tin cho cá nhân, tổ chức được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 170 Nghị định này và việc trả kết quả cho Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác được thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 170 Nghị định này.

Điều 172. Xử lý tài sản bảo đảm là chứng khoán đã đăng ký biện pháp bảo đảm

Việc xử lý tài sản bảo đảm là chứng khoán đã đăng ký biện pháp bảo đảm tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự, pháp luật chứng khoán và pháp luật có liên quan khác. Trường hợp xử lý tài sản bảo đảm dẫn đến chuyển quyền sở hữu chứng khoán đã đăng ký biện pháp bảo đảm tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thì Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện việc chuyển quyền sở hữu theo các quy định của Luật Chứng khoán và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 173. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam về hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm

1. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc đăng ký biện pháp bảo đảm, quản lý đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định của Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2. Xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về đăng ký biện pháp bảo đảm tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và hướng dẫn việc sử dụng, truy cập, khai thác thông tin trên hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm trực tuyến tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

3. Hướng dẫn việc phong tỏa, giải tỏa chứng khoán đăng ký biện pháp bảo đảm.

4. Cung cấp thông tin về chứng khoán đã đăng ký biện pháp bảo đảm theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân, hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Chuyển dữ liệu về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng chứng khoán được đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cho Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp để cập nhật và đồng bộ dữ liệu vào cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay, tàu biển).

6. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thu tiền dịch vụ (giá dịch vụ) đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán theo quy định của Bộ Tài chính căn cứ pháp luật về giá.

7. Báo cáo định kỳ hằng năm cho Bộ Tư pháp về việc đăng ký biện pháp bảo đảm bằng chứng khoán được đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán

  • Số hiệu: 155/2020/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 31/12/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 45 đến số 46
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH