Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 6 Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán

Mục 3. TỔ CHỨC LẠI, TẠM NGỪNG, THU HỒI GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CHỨNG KHOÁN, GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN

Điều 206. Điều kiện tổ chức lại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán

1. Việc tổ chức lại, phương án tổ chức lại được Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua.

2. Công ty chứng khoán hình thành sau tổ chức lại phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1, điểm c khoản 2, khoản 4, khoản 5 Điều 74 Luật Chứng khoán. Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hình thành sau tổ chức lại phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1, điểm c khoản 2, khoản 4, khoản 5 Điều 75 Luật Chứng khoán.

3. Trường hợp tổ chức lại để trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải tuân thủ quy định điểm a khoản 3 Điều 74, điểm a khoản 3 Điều 75 Luật Chứng khoán.

4. Việc tổ chức lại phải tuân thủ pháp luật khác có liên quan.

Điều 207. Hồ sơ, thủ tục chấp thuận tổ chức lại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán

1. Hồ sơ đề nghị chấp thuận tổ chức lại công ty bao gồm:

a) Giấy đề nghị chấp thuận tổ chức lại công ty theo Mẫu số 79 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Biên bản họp, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty về việc tổ chức lại công ty;

c) Hợp đồng nguyên tắc đối với trường hợp hợp nhất, sáp nhập theo Mẫu số 80 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

d) Phương án tổ chức lại đã được Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua theo Mẫu số 81 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

đ) Tài liệu chứng minh đáp ứng quy định tại các khoản 2, 3 Điều 206 Nghị định này.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định chấp thuận tổ chức lại; trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện tổ chức lại theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Trường hợp tổ chức lại công ty có kết hợp với chào bán cổ phần riêng lẻ, chào bán cổ phần ra công chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải tuân thủ các quy định về chào bán có liên quan.

4. Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán sau sáp nhập phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán theo quy định tại Điều 174 Nghị định này.

5. Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hình thành sau hợp nhất, chuyển đổi hình thức pháp lý công ty phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp lại Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán bao gồm:

a) Giấy đề nghị cấp lại Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán theo Mẫu số 82 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Báo cáo kết quả thực hiện phương án tổ chức lại, bao gồm Danh sách cổ đông, thành viên góp vốn của công ty sau tổ chức lại theo Mẫu số 68 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, kết quả thực hiện chuyển nhượng (nếu có), kết quả chào bán cổ phần (nếu có);

c) Thuyết minh cơ sở vật chất theo Mẫu số 65 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này kèm theo hợp đồng thuê trụ sở, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu trụ sở, quyền sử dụng trụ sở;

d) Danh sách Tổng giám đốc (Giám đốc) và người hành nghề chứng khoán tại trụ sở chính và mạng lưới hoạt động theo Mẫu số 66 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; Bản thông tin cá nhân của Tổng giám đốc (Giám đốc), Giám đốc chi nhánh theo Mẫu số 67 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này kèm theo Phiếu lý lịch tư pháp không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đối với trường hợp thay đổi Tổng giám đốc (Giám đốc), Giám đốc chi nhánh;

đ) Xác nhận về khoản vốn tăng thêm (nếu có) của ngân hàng nơi mở tài khoản phong toả hoặc báo cáo vốn chủ sở hữu được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận;

e) Dự thảo Điều lệ công ty sau chuyển đổi, hợp nhất;

g) Bản gốc Giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được tổ chức lại.

6. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiểm tra cơ sở vật chất nếu công ty sau hợp nhất, chuyển đổi có thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính hoặc cần làm rõ vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán mới hình thành sau tổ chức lại.

7. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định tại khoản 5 Điều này và kết quả kiểm tra cơ sở vật chất (nếu có), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp lại Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hợp nhất, sau chuyển đổi; trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

8. Các chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán mới hình thành sau tổ chức lại tiếp tục hoạt động phải thực hiện Điều chỉnh quyết định chấp thuận thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện trong và ngoài nước, công ty con, phòng giao dịch theo quy định tại Điều 174, Điều 197, Điều 205 Nghị định này hoặc thực hiện các thủ tục đóng cửa chi nhánh, văn phòng đại diện trong và ngoài nước, công ty con, phòng giao dịch theo quy định tại Điều 194, Điều 196, Điều 205 Nghị định này.

Điều 208. Điều kiện tạm ngừng hoạt động công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam

1. Việc tạm ngừng hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam không được ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng (nếu có).

2. Thời gian tạm ngừng hoạt động tại trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam không quá 90 ngày. Quá thời hạn trên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán hoặc quyết định thành lập có liên quan.

3. Có phương án tạm ngừng hoạt động, phương án xử lý các hợp đồng đã ký với khách hàng còn hiệu lực theo Mẫu số 84 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này đã được cấp có thẩm quyền thông qua.

Điều 209. Thủ tục chấp thuận tạm ngừng hoạt động công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam

1. Hồ sơ đề nghị chấp thuận tạm ngừng hoạt động bao gồm:

a) Giấy đề nghị theo Mẫu số 83 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Quyết định của cấp có thẩm quyền về việc tạm ngừng hoạt động;

c) Phương án xử lý các hợp đồng đã ký với khách hàng còn hiệu lực theo Mẫu số 84 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, biên bản thanh lý các hợp đồng còn hiệu lực ký với các khách hàng ủy thác hoặc các tài liệu hợp lệ xác nhận công ty quản lý quỹ đã hoàn thành việc bàn giao quyền, trách nhiệm quản lý tài sản ủy thác cho công ty quản lý quỹ thay thế.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định chấp thuận tạm ngừng hoạt động cho trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 24 giờ kể từ khi trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch hoạt động trở lại.

4. Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm báo cáo và gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các tài liệu có liên quan bảo đảm đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Chứng khoán trước khi khôi phục hoạt động.

Điều 210. Hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán và tất toán tài sản của khách hàng của công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam

1. Trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán đối với trường hợp công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam không chính thức hoạt động trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp hoặc bị rút toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán theo quy định tại khoản 2 Điều 94 Luật Chứng khoán:

a) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi hết thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 84 Luật Chứng khoán hoặc kể từ khi công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam bị rút toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán theo quy định tại khoản 2 Điều 94 Luật Chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán;

b) Công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam thực hiện thủ tục giải thể theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

2. Trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán đối với trường hợp công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam không khôi phục được hoạt động sau khi hết thời hạn tạm ngừng hoạt động đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận; chi nhánh công ty chứng khoán tại Việt Nam không khắc phục được tình trạng bị đình chỉ hoạt động quy định tại điểm b, điểm d khoản 1 Điều 94 Luật Chứng khoán trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày bị đình chỉ hoạt động; công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam không khắc phục được các vi phạm quy định tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều 94 Luật Chứng khoán trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày bị đình chỉ hoạt động; công ty chứng khoán giải thể; trường hợp có văn bản đề nghị rút Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán được thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam có quyết định giải thể, có văn bản đề nghị rút Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, bị buộc thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh được cấp phép của công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam để thực hiện thủ tục thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán;

b) Trong thời hạn 24 giờ kể từ ngày nhận được quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm công bố thông tin về quyết định này. Công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam phải chấm dứt hoàn toàn việc thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh được cấp phép, ngừng ký mới tất cả các hợp đồng có liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán;

c) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày công ty chứng khoán nhận được quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên công ty chứng khoán bị buộc thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán phải quyết định triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên bất thường, cấp có thẩm quyền của công ty mẹ họp bất thường để thông qua việc giải thể, quyết định phương án giải quyết nợ cho chủ nợ và những người có quyền lợi nghĩa vụ có liên quan. Trong thời hạn 24 giờ kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu, công ty mẹ ra quyết định giải thể công ty chứng khoán, công ty chứng khoán có trách nhiệm công bố thông tin về việc giải thể kèm theo phương án giải quyết nợ cho chủ nợ và những người có quyền lợi nghĩa vụ có liên quan;

d) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phương án xử lý tài khoản tự doanh, các hợp đồng đã ký với khách hàng còn hiệu lực theo Mẫu số 84 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Công ty chứng khoán thực hiện theo phương án đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thực hiện tất toán tài sản khách hàng trong thời hạn không quá 45 ngày;

đ) Trường hợp người đại diện theo pháp luật của công ty chứng khoán bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự, các thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc thành viên Ban kiểm soát còn lại (trường hợp công ty chứng khoán không còn thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên) của công ty chứng khoán có trách nhiệm chỉ định thành viên Hội đồng quản trị hoặc thành viên Ban Giám đốc hoặc nhân viên kiểm soát tuân thủ thực hiện các thủ tục để chuyển giao đầy đủ tài sản cho khách hàng;

e) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc thực hiện theo phương án đăng ký quy định tại điểm d khoản này, công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kết quả xử lý hợp đồng đã ký với khách hàng theo Mẫu số 70 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, các quyết định thu hồi Giấy chứng nhận thành viên của Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;

g) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được báo cáo theo quy định tại điểm e khoản này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán;

h) Công ty chứng khoán thực hiện thủ tục giải thể theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

3. Thủ tục thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán đối với trường hợp phá sản được thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi công ty chứng khoán nhận được quyết định mở thủ tục phá sản hoặc quyết định tuyên bố công ty chứng khoán phá sản theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 105 Luật Phá sản, công ty chứng khoán phải thực hiện công bố thông tin về các quyết định này;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày công bố theo quy định tại điểm a khoản này, công ty chứng khoán phải xây dựng phương án xử lý tài khoản tự doanh, hợp đồng đã ký với khách hàng theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều này;

c) Công ty chứng khoán thực hiện xử lý tài khoản khách hàng theo trình tự, thủ tục quy định tại điểm d khoản 2 Điều này;

d) Công ty chứng khoán thực hiện các thủ tục phá sản theo quy định tại Luật Phá sản;

đ) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố công ty chứng khoán phá sản, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán.

4. Thủ tục thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán đối với các trường hợp hợp nhất, sáp nhập quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 95 Luật Chứng khoán được thực hiện như sau:

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán tham gia hợp nhất, công ty bị sáp nhập đồng thời với việc cấp lại Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán hợp nhất theo quy định tại khoản 5 Điều 207 Nghị định này hoặc sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán theo quy định tại khoản 1 Điều 174 Nghị định này đối với trường hợp sáp nhập.

5. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm công bố thông tin về việc thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán và thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh để thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có liên quan của công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán tại Việt Nam.

Điều 211. Thủ tục giải thể, thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam

1. Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam giải thể trong các trường hợp sau đây:

a) Kết thúc thời hạn hoạt động ghi trong Điều lệ công ty mà không gia hạn;

b) Giải thể tự nguyện theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài;

c) Bị thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán theo quy định tại khoản 1 Điều 95 Luật Chứng khoán;

d) Các trường hợp khác theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.

2. Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán chỉ được giải thể khi đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.

3. Hồ sơ đề nghị chấp thuận giải thể bao gồm:

a) Giấy đề nghị chấp thuận giải thể;

b) Biên bản họp và nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên hoặc quyết định của chủ sở hữu công ty hoặc quyết định của tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài thông qua việc giải thể, phương án giải thể công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam. Phương án giải thể phải bao gồm các nội dung xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ các hợp đồng còn hiệu lực, hợp đồng lao động, kèm theo danh sách các công ty quản lý quỹ dự kiến thay thế.

4. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định tại khoản 3 Điều này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản chấp thuận việc giải thể công ty theo phương án đã được phê duyệt; trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Trình tự thanh lý và phân chia tài sản cho cổ đông, thành viên góp vốn theo quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp.

6. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn tất việc thanh lý tài sản, hoàn trả đầy đủ các khoản nợ, phân chia tài sản cho các cổ đông, thành viên góp vốn, người đại diện theo pháp luật của công ty phải báo cáo kết quả thanh lý tài sản cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Hồ sơ bao gồm:

a) Báo cáo về việc thanh lý tài sản của công ty, việc trả nợ và thực hiện các nghĩa vụ tài sản khác đối với các chủ nợ, những người có quyền lợi và nghĩa vụ khác, kể cả các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, các khoản nợ thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội. Báo cáo phải đính kèm danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán; danh sách cổ đông, thành viên góp vốn, tỷ lệ vốn góp và số tiền, khối lượng tài sản đã thanh toán;

b) Báo cáo có xác nhận của các ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát và Ban đại diện quỹ, Hội đồng quản trị công ty đầu tư chứng khoán, khách hàng ủy thác về việc thanh lý hợp đồng, kèm theo biên bản thanh lý hợp đồng, có xác nhận của ngân hàng giám sát, ngân hàng lưu ký; tài liệu về việc giải thể quỹ theo quy định của pháp luật về việc thành lập và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

Trường hợp bàn giao quyền, trách nhiệm và danh mục đầu tư của quỹ, công ty đầu tư chứng khoán, khách hàng ủy thác cho công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thay thế, báo cáo phải kèm theo các tài liệu về việc bàn giao quyền và nghĩa vụ đối với khách hàng ủy thác cho công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thay thế có xác nhận bởi các ngân hàng giám sát, ngân hàng lưu ký cũ và mới;

c) Danh sách người lao động và quyền lợi người lao động đã được giải quyết;

d) Văn bản xác nhận của cơ quan thuế về việc đã hoàn thành các nghĩa vụ về thuế; văn bản xác nhận đã nộp con dấu của cơ quan có thẩm quyền; bản gốc Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán và các giấy phép sửa đổi, bổ sung.

7. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định tại khoản 6 Điều này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán; trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

8. Thành viên Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát (nếu có), Tổng giám đốc (Giám đốc) chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ giải thể công ty. Trường hợp hồ sơ giải thể có thông tin không chính xác, tài liệu giả mạo, thì những cá nhân nêu trên phải liên đới thanh toán các khoản nợ chưa thanh toán, nghĩa vụ tài sản phát sinh quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nộp hồ sơ báo cáo kết quả thanh lý tài sản cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

9. Trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 95 Luật Chứng khoán được thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bị buộc thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh được cấp phép của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam để thực hiện thủ tục thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán;

b) Kể từ ngày quyết định chấm dứt có hiệu lực, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ thực hiện ngay các quy định tại khoản 3 Điều 95 Luật Chứng khoán; không được ký mới, ký gia hạn các hợp đồng kinh tế, hợp đồng có liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty, trừ trường hợp đó là các hợp đồng có mục đích chấm dứt hoạt động của công ty; chấm dứt hoàn toàn việc giao dịch và quản lý tài sản, tư vấn đầu tư chứng khoán dưới mọi hình thức cho các khách hàng và đối tác; bàn giao trách nhiệm quản lý và tài sản ủy thác cho công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thay thế theo yêu cầu của khách hàng, Đại hội nhà đầu tư và các quy định pháp luật khác nếu có liên quan;

c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày chấm dứt hoạt động, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có xác nhận của ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát về chi tiết danh mục đầu tư của từng khách hàng ủy thác, của các quỹ, công ty đầu tư chứng khoán do công ty quản lý;

d) Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày chấm dứt hoạt động, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm: thông báo và lấy ý kiến khách hàng ủy thác, Đại hội nhà đầu tư của quỹ, Đại hội đồng cổ đông công ty đầu tư chứng khoán về phương án xử lý; thực hiện tất toán tài khoản danh mục đầu tư (đóng hoặc chuyển khoản); chuyển toàn bộ số dư tiền và chứng khoán cho khách hàng mở tài khoản giao dịch, khách hàng ủy thác theo chỉ thị của khách hàng; thực hiện phương án xử lý đã được khách hàng mở tài khoản giao dịch, khách hàng ủy thác, Đại hội nhà đầu tư của quỹ, Đại hội đồng cổ đông công ty đầu tư chứng khoán thông qua; thanh lý hợp đồng, bàn giao trách nhiệm cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thay thế hoặc công ty hình thành sau hợp nhất, sáp nhập; tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, lấy ý kiến chủ sở hữu công ty về phương án giải thể công ty hoặc phá sản công ty;

đ) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày chấm dứt hoạt động, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về các phương án xử lý, việc đã hoàn tất bàn giao mọi quyền, nghĩa vụ quản lý tài sản cho công ty quản lý quỹ thay thế kèm theo biên bản thanh lý hợp đồng với khách hàng ủy thác; hoặc hợp đồng về việc bàn giao quyền, trách nhiệm quản lý danh mục đầu tư của khách hàng ủy thác, quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán cho công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thay thế (ký ba bên giữa khách hàng ủy thác và các công ty quản lý quỹ); phương án xử lý đối với tài sản có tranh chấp (nếu có) phát sinh từ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán được cấp phép;

e) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo hoàn tất bàn giao quyền và nghĩa vụ đối với khách hàng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản yêu cầu công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam và các bên liên quan tiến hành mở thủ tục giải thể chi nhánh, giải thể, phá sản công ty theo quy định tại Điều 96 Luật Chứng khoán. Trường hợp giải thể, trình tự thanh lý, báo cáo kết quả thanh lý tài sản, thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động thực hiện theo quy định tại khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này.

10. Thủ tục thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán đối với các trường hợp hợp nhất, bị chia, bị sáp nhập, phá sản quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 95 Luật Chứng khoán được thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc phá sản, người đại diện theo pháp luật của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, Giám đốc chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm gửi bản gốc Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán và toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan tới việc phá sản đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán;

b) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán tham gia hợp nhất, bị chia, bị sáp nhập đồng thời với việc cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán cho công ty quản lý quỹ hình thành sau chia tách, hợp nhất, sáp nhập.

Điều 212. Hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam

1. Văn phòng đại diện công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện trong các trường hợp sau:

a) Theo đề nghị của tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài;

b) Tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài, văn phòng đại diện vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối theo pháp luật Việt Nam, giao dịch nội bộ, thao túng thị trường và các giao dịch bị cấm khác theo quy định của pháp luật chứng khoán Việt Nam; không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, các nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật;

c) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện có những thông tin sai lệch, không chính xác hoặc bỏ sót những nội dung quan trọng theo quy định phải có trong hồ sơ;

d) Hoạt động sai mục đích, không đúng chức năng hoặc không đúng nội dung quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện hoặc các quy định pháp luật khác về hoạt động của văn phòng đại diện;

đ) Không gửi báo cáo theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

e) Tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể; hoặc tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất mà tổ chức hình thành sau khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất đề nghị chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam;

g) Văn phòng đại diện không tiến hành hoạt động trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

2. Trường hợp văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, tối thiểu 30 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hoạt động, tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hồ sơ đề nghị chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện. Hồ sơ bao gồm các tài liệu sau:

a) Thông báo về việc chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện;

b) Kế hoạch chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện bao gồm: trình tự, thủ tục thanh lý tài sản và thực hiện các nghĩa vụ của văn phòng đại diện; cách thức, thời hạn và kế hoạch thanh toán các nghĩa vụ nợ, thu hồi tài sản có, giải quyết các nghĩa vụ, quyền lợi với cá nhân, tổ chức có liên quan; kế hoạch chuyển tiền và tài sản của văn phòng đại diện ra nước ngoài;

c) Quyết định của cấp có thẩm quyền của tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài về việc chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện.

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều này, hoặc bị buộc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện theo quy định tại điểm b, c, d, đ, e, g khoản 1 Điều này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định chấm dứt mọi hoạt động của văn phòng đại diện.

4. Sau khi nhận được Quyết định quy định tại khoản 3 Điều này, văn phòng đại diện thực hiện các thủ tục đóng cửa văn phòng đại diện bao gồm:

a) Công bố thông tin trên phương tiện công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và 01 tờ báo điện tử hoặc báo in trong 03 số liên tiếp về việc chấm dứt hoạt động của mình để các tổ chức, cá nhân đến giải quyết quyền lợi liên quan;

b) Thanh lý hợp đồng thuê trụ sở, hợp đồng lao động với người lao động và các giao dịch khác (nếu có);

c) Hoàn thành các nghĩa vụ thuế, tài chính đối với Nhà nước theo quy định hiện hành của pháp luật;

d) Thanh toán hết các khoản nợ và các nghĩa vụ khác với tổ chức và cá nhân có liên quan tại Việt Nam; thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ, quyền lợi đối với các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

5. Kể từ ngày hoàn tất thủ tục theo quy định tại khoản 4 Điều này, tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc đã hoàn tất thủ tục chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam. Hồ sơ bao gồm các tài liệu sau:

a) Văn bản, tài liệu liên quan chứng minh tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài đã hoàn tất các thủ tục thanh lý, thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ, quyền lợi với các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định tại khoản 4 Điều này và các quy định liên quan của pháp luật Việt Nam;

b) Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

6. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định tại khoản 5 Điều này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

7. Sau khi nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp, tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài được chuyển ra nước ngoài tài sản còn lại của văn phòng đại diện (nếu có) theo quy định pháp luật hiện hành.

Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán

  • Số hiệu: 155/2020/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 31/12/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: 15/01/2021
  • Số công báo: Từ số 45 đến số 46
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH