Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước

Chương III

THỰC HIỆN ĐẦU TƯ

Điều 33. Nội dung công việc trong giai đoạn thực hiện đầu tư dự án ứng dụng công nghệ thông tin

Nội dung công việc trong giai đoạn thực hiện đầu tư gồm:

1. Thực hiện việc khảo sát bổ sung (nếu cần thiết) phục vụ lập thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán.

2. Xin thỏa thuận sử dụng tần số, tài nguyên số quốc gia (nếu yêu cầu phải có thỏa thuận về sử dụng tần số, tài nguyên số theo quy định của Nhà nước).

3. Lập và phê duyệt hồ sơ thiết kế thi công.

4. Lập và phê duyệt hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu.

5. Tổ chức lựa chọn nhà thầu, thương thảo hợp đồng với nhà thầu trúng thầu và ký hợp đồng giao nhận thầu.

6. Thực hiện các hợp đồng.

7. Kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các hợp đồng.

8. Quản lý thực hiện dự án.

Việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện các nội dung quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định trong Quyết định đầu tư dự án, quy định của pháp Luật về đấu thầu và các văn bản pháp Luật có liên quan.

Điều 34. Khảo sát bổ sung phục vụ lập thiết kế thi công dự án ứng dụng công nghệ thông tin

1. Chủ đầu tư có trách nhiệm xem xét, quyết định việc khảo sát bổ sung phục vụ lập thiết kế thi công.

2. Nhiệm vụ khảo sát bổ sung được lập theo các nội dung nêu tại khoản 2 Điều 12 Nghị định này.

2. Việc giám sát công tác khảo sát bổ sung, báo cáo, nghiệm thu kết quả khảo sát bổ sung được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 và khoản 2 Điều 15 Nghị định này.

3. Trường hợp kết quả khảo sát bổ sung thực hiện đúng hợp đồng nhưng không đáp ứng được Mục tiêu đề ra của Chủ đầu tư thì Chủ đầu tư vẫn phải thanh toán phần đã nghiệm thu theo hợp đồng. Chi phí khảo sát bổ sung được tính vào chi phí tư vấn đầu tư trong tổng mức đầu tư, tổng dự toán của dự án.

Điều 35. Thiết kế thi công

1. Chủ đầu tư tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế thi công và tổng dự toán. Việc thẩm định, phê duyệt thiết kế thi công và tổng dự toán chỉ thực hiện một bước, không tách riêng thiết kế thi công với tổng dự toán. Riêng các dự án do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định đầu tư theo thẩm quyền được Ủy ban nhân dân cấp trên giao, Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định, phê duyệt thiết kế thi công và tổng dự toán.

Tùy Điều kiện cụ thể của dự án, Chủ đầu tư có thể ký kết hợp đồng với các cá nhân, tổ chức có đủ năng lực để lập, tư vấn thẩm định thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán. Tuỳ theo yêu cầu của Chủ đầu tư, việc tư vấn thẩm định thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán có thể thực hiện đối với toàn bộ hoặc một phần các nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 37 Nghị định này.

Chi phí lập, tư vấn thẩm định thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán được tính vào chi phí tư vấn đầu tư trong tổng mức đầu tư, tổng dự toán của dự án.

Hồ sơ thiết kế thi công được phê duyệt là cơ sở để Chủ đầu tư quản lý chất lượng, tiến độ thi công, biện pháp thi công và quản lý đầu tư dự án.

Trường hợp thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán, hoặc kết quả tư vấn thẩm định thực hiện đúng hợp đồng nhưng không đáp ứng được Mục tiêu đề ra của Chủ đầu tư thì Chủ đầu tư vẫn phải thanh toán phần đã nghiệm thu theo hợp đồng.

2. Thiết kế thi công phải phù hợp với thiết kế sơ bộ trong dự án được duyệt. Trong quá trình thiết kế, có thể sử dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố để triển khai lập thiết kế thi công.

Trường hợp Điều chỉnh dự án dẫn tới phải Điều chỉnh thiết kế thi công và tổng dự toán, các nội dung Điều chỉnh phải được phê duyệt lại.

3. Tài liệu làm căn cứ để thiết kế thi công:

a) Tài liệu khảo sát quy trình nghiệp vụ cần tin học hóa, xác định yêu cầu người sử dụng, yêu cầu về lắp đặt, cài đặt thiết bị và các văn bản có liên quan;

b) Quyết định phê duyệt dự án đầu tư và nội dung thiết kế sơ bộ trong dự án được duyệt;

c) Danh Mục tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin được áp dụng;

d) Báo cáo kết quả khảo sát bổ sung phục vụ lắp đặt, cài đặt, đấu nối thiết bị, đi dây cho mạng, các kết quả khảo sát bổ sung về quy trình nghiệp vụ cần tin học hóa, các yêu cầu của người sử dụng, và các yêu cầu khác (nếu cần thiết).

4. Nội dung hồ sơ thiết kế thi công:

a) Đối với xây lắp mạng, lắp đặt thiết bị công nghệ thông tin và các phụ kiện:

- Các chỉ tiêu kỹ thuật áp dụng trong triển khai lắp đặt, cài đặt, kiểm tra và hiệu chỉnh thiết bị;

- Danh Mục thiết bị lắp đặt, cài đặt và các thông số kỹ thuật của thiết bị;

- Thống kê khối lượng công tác xây lắp, vật liệu, vật tư, thiết bị của các hạng Mục đầu tư chính và phụ;

- Chỉ dẫn biện pháp thi công (đối với trường hợp thi công phức tạp);

- Sơ đồ mặt bằng hiện trạng;

- Sơ đồ và thuyết minh giải pháp thiết kế mạng, bảo mật, an toàn dữ liệu, cấp điện, chống sét;

- Sơ đồ lắp đặt thiết bị: vị trí, khoảng cách, cao độ lắp đặt; các vị trí đấu nối; thống kê vật liệu, vật tư phục vụ lắp đặt, cài đặt thiết bị;

- Sơ đồ xây lắp mạng: đi dây, lắp đặt máng cáp bảo vệ, chống sét lan truyền, sử dụng vật tư, vật liệu trong lắp đặt mạng, liên kết giữa các phân hệ mạng với nhau và kết nối ra hệ thống bên ngoài với các kích thước và vật liệu chủ yếu;

- Đối với mạng xây lắp theo tuyến: thể hiện phương án tuyến, góc đổi hướng tuyến, cao độ và tọa độ lắp đặt, sự giao cắt chính trên tuyến, hành lang bảo vệ tuyến với các kích thước và vật liệu chủ yếu;

b) Đối với thiết bị đặc biệt là phần mềm nội bộ:

- Nội dung mô tả yêu cầu kỹ thuật cần đáp ứng của thiết bị đặc biệt là phần mềm nội bộ trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư;

- Bảng mô tả bằng lời của từng trường hợp sử dụng trong Biểu đồ về các trường hợp sử dụng;

- Biểu đồ hoạt động của từng trường hợp sử dụng;

- Yêu cầu về việc đào tạo, chuyển giao công nghệ; yêu cầu về bảo hành, bảo trì (nếu có);

- Yêu cầu về mức độ chịu đựng sai hỏng đối với các lỗi cú pháp lập trình, lỗi xử lôgic trong xử lý dữ liệu, lỗi kiểm soát tính đúng đắn của dữ liệu đầu vào, yêu cầu về bảo mật, an toàn dữ liệu;

c) Tổng dự toán được lập theo quy định tại Điều 36 Nghị định này.

5. Mỗi thiết kế thi công phải có người chủ trì thiết kế thi công (trường hợp công tác thiết kế thi công do cá nhân thực hiện thì cá nhân đó đóng vai trò là chủ trì thiết kế thi công).

Người chủ trì thiết kế thi công chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư và trước pháp Luật về chất lượng sản phẩm thiết kế và kết quả tính toán (bao gồm cả tính chính xác của tiên lượng, dự toán) và phải bồi thường thiệt hại khi sử dụng thông tin, tài liệu, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, giải pháp công nghệ thông tin không phù hợp gây ảnh hưởng đến chất lượng của hạng Mục đầu tư, của cả dự án và các hành vi vi phạm khác gây ra thiệt hại.

6. Tổ chức, cá nhân thiết kế thi công phải thực hiện công tác giám sát tác giả trong suốt quá trình thi công và nghiệm thu sản phẩm của dự án; Đối với thi công thi công xây lắp, lắp đặt hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, giám sát tác giả được thực hiện tại hiện trường thi công.

Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân thiết kế thi công mượn danh nghĩa của các tổ chức, cá nhân thiết kế thi công khác dưới bất kỳ hình thức nào.

7. Tổ chức, cá nhân thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán phải bàn giao cho Chủ đầu tư hồ sơ thiết kế thi công với số lượng đủ đảm bảo phục vụ cho công tác quản lý đầu tư và lưu trữ nhưng không ít hơn 8 bộ hồ sơ.

8. Hồ sơ thiết kế thi công được duyệt phải được lưu trữ theo quy định của pháp Luật về lưu trữ.

Điều 36. Tổng dự toán

1. Tổng dự toán được xác định theo từng dự án cụ thể bằng cách cộng dự toán của các hạng Mục đầu tư thành phần thuộc dự án. Tổng dự toán không được lớn hơn tổng mức đầu tư được duyệt.

Tổng dự toán là một nội dung trong hồ sơ thiết kế thi công; dự toán chi tiết hạng Mục đầu tư được duyệt là cơ sở để xác định giá gói thầu đối với trường hợp chỉ định thầu hoặc tự thực hiện và các công việc thực hiện không thông qua hợp đồng.

2. Nội dung tổng dự toán gồm: chi phí xây lắp, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư, chi phí khác và chi phí dự phòng.

a) Chi phí xây lắp:

Chi phí xây lắp được xác định bằng cách lập dự toán trên cơ sở định mức, đơn giá, phương pháp lập định mức, đơn giá do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, và các quy định có liên quan của nhà nước. Chi phí xây lắp bao gồm chi phí trực tiếp, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước và thuế giá trị gia tăng;

b) Chi phí thiết bị được xác định trên cơ sở khối lượng, số lượng, chủng loại thiết bị cần mua sắm, phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa và giá mua sắm hoặc chi phí phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa thiết bị theo phương pháp so sánh hoặc bằng cách áp dụng phương pháp tính giá trị. Chi phí đào tạo và chuyển giao công nghệ, chi phí lắp đặt thiết bị, chi phí thí nghiệm, hiệu chỉnh và các chi phí khác có liên quan (nếu có) được xác định bằng cách lập dự toán;

c) Chi phí quản lý dự án và chi phí tư vấn đầu tư được xác định trên cơ sở tham khảo định mức tỷ lệ, hoặc theo phương pháp so sánh hoặc bằng cách lập dự toán;

d) Chi phí khác bao gồm các chi phí chưa quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này và được xác định theo phương pháp so sánh, hoặc lập dự toán;

đ) Chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng các chi phí quy định tại điểm a, b, c, d khoản 2 Điều này. Chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được tính trên cơ sở độ dài thời gian đầu tư của dự án.

3. Việc áp dụng các phương pháp: so sánh, lập dự toán, tính giá trị, xác lập định mức, đơn giá trong từng thời kỳ được thực hiện theo các công bố, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính.

Điều 37. Thẩm định thiết kế thi công, dự toán, tổng dự toán

1. Nội dung thẩm định thiết kế thi công:

a) Sự phù hợp với thiết kế sơ bộ trong dự án được duyệt;

b) Sự tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng;

c) Đánh giá mức độ bảo mật, an toàn dữ liệu;

d) Sự hợp lý của việc lựa chọn giải pháp, thiết bị, nếu có;

đ) Biện pháp an toàn vận hành, phòng chống cháy nổ.

2. Nội dung thẩm định dự toán, tổng dự toán gồm:

a) Sự phù hợp giữa khối lượng thiết kế thi công và khối lượng dự toán;

b) Tính đúng đắn của việc áp dụng các định mức kinh tế - kỹ thuật, mức chi phí, đơn giá; việc vận dụng định mức, đơn giá, phương pháp tính, các chế độ, chính sách có liên quan và các khoản Mục chi phí trong dự toán theo quy định;

c) Xác định giá trị dự toán, tổng dự toán.

3. Nội dung thẩm định thiết kế thi công, dự toán, tổng dự toán được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Điều 38. Thay đổi thiết kế thi công

1. Thiết kế thi công đã được phê duyệt chỉ được thay đổi trong các trường hợp sau đây:

a) Khi dự án ứng dụng công nghệ thông tin được Điều chỉnh và có yêu cầu phải thay đổi thiết kế;

b) Trong quá trình triển khai thi công phát hiện thấy những yếu tố bất hợp lý nếu không thay đổi thiết kế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu tư của dự án, tiến độ thi công, biện pháp thi công và hiệu quả đầu tư của dự án;

2. Trường hợp thay đổi thiết kế thi công trái với thiết kế sơ bộ trong dự án được duyệt, Chủ đầu tư phải trình thẩm định lại thiết kế sơ bộ, trước khi phê duyệt thay đổi thiết kế thi công.

3. Tùy Điều kiện cụ thể của dự án, Chủ đầu tư có thể thuê các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để thay đổi thiết kế thi công, Điều chỉnh thiết kế sơ bộ. Trường hợp kết quả thay đổi thiết kế thi công, Điều chỉnh thiết kế sơ bộ thực hiện đúng hợp đồng nhưng không đáp ứng được Mục tiêu đề ra của Chủ đầu tư thì Chủ đầu tư vẫn phải thanh toán phần đã nghiệm thu theo hợp đồng.

Chi phí thay đổi thiết kế thi công, Điều chỉnh thiết kế sơ bộ được tính vào chi phí tư vấn đầu tư trong tổng mức đầu tư, tổng dự toán của dự án.

Điều 39. Các trường hợp Điều chỉnh dự toán, tổng dự toán

1. Chủ đầu tư tổ chức lập dự toán, tổng dự toán Điều chỉnh trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 31 và khoản 1 Điều 38 Nghị định này.

2. Trường hợp thay đổi cơ cấu chi phí trong tổng dự toán nhưng không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt, kể cả chi phí dự phòng, Chủ đầu tư tự tổ chức Điều chỉnh dự toán các hạng Mục đầu tư của dự án.

3. Tùy Điều kiện cụ thể của dự án, Chủ đầu tư có thể thuê các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để lập dự toán, tổng dự toán Điều chỉnh. Trường hợp dự toán, tổng dự toán Điều chỉnh thực hiện đúng hợp đồng nhưng không đáp ứng được Mục tiêu đề ra của Chủ đầu tư thì Chủ đầu tư vẫn phải thanh toán phần đã nghiệm thu theo hợp đồng.

4. Nội dung dự toán, tổng dự toán Điều chỉnh được Chủ đầu tư phê duyệt là một phần của hồ sơ thiết kế thi công.

Điều 40. Điều kiện triển khai đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin

1. Có hợp đồng giao nhận thầu hợp pháp.

2. Bảo đảm có vốn để thanh toán theo tiến độ thực hiện hợp đồng.

3. Có các tài liệu cơ sở của dự án để phục vụ cho công tác quản lý, kiểm soát thanh toán vốn đầu tư.

Điều 41. Bảo hiểm trong quá trình đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin

1. Đối tượng bảo hiểm, mức bảo hiểm, thời gian bảo hiểm và trách nhiệm bảo hiểm của các bên trong quá trình đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin phải được quy định rõ trong hợp đồng.

2. Nhà thầu phải mua các loại bảo hiểm cần thiết để bảo đảm cho hoạt động của mình.

Điều 42. Quản lý tiến độ thực hiện

1. Dự án ứng dụng công nghệ thông tin trước khi triển khai thực hiện phải được lập tiến độ thực hiện.

2. Đối với dự án có quy mô lớn và thời gian thực hiện kéo dài trên một năm thì tiến độ thực hiện phải được lập cho từng giai đoạn, quý, năm.

3. Nhà thầu có nghĩa vụ lập tiến độ thực hiện đầu tư chi tiết, bố trí xen kẽ kết hợp các công việc cần thực hiện nhưng phải bảo đảm phù hợp với tiến độ đầu tư của dự án đã được phê duyệt.

4. Chủ đầu tư, giám sát thi công, chỉ huy thi công tại hiện trường và các bên liên quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát, Điều chỉnh tiến độ trong trường hợp một số giai đoạn của tiến độ đầu tư dự án bị kéo dài. Trường hợp xét thấy tiến độ đầu tư của cả dự án bị kéo dài thì Chủ đầu tư phải báo cáo Người có thẩm quyền quyết định đầu tư để quyết định việc Điều chỉnh tiến độ thực hiện đầu tư dự án hoặc cho phép chấm dứt dự án.

5. Khuyến khích việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trên cơ sở đảm bảo chất lượng đầu tư.

Điều 43. Giải quyết sự cố trong quá trình thực hiện đầu tư, bảo hành, vận hành

1. Trường hợp xảy ra sự cố trong quá trình thực hiện đầu tư, bảo hành, vận hành, Chủ đầu tư, đơn vị thụ hưởng đầu tư (chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng sản phẩm của dự án) có trách nhiệm bảo vệ hiện trường, báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ thông tin theo phân cấp ủy quyền và tiến hành lập hồ sơ sự cố.

Tùy từng trường hợp, Chủ đầu tư, đơn vị thụ hưởng đầu tư có thể thuê các cá nhân, tổ chức có đủ Điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện tư vấn khảo sát, đánh giá và xác định nguyên nhân sự cố, làm rõ trách nhiệm của người gây ra sự cố. Chi phí thuê tư vấn được trích từ kinh phí sự nghiệp thuộc các cơ quan hành chính sự nghiệp hoặc trích từ vốn ngân sách nhà nước đã bố trí cho Chủ đầu tư để thanh toán.

2. Hồ sơ sự cố bao gồm:

a) Biên bản kiểm tra hiện trường sự cố lập theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Mô tả diễn biến của sự cố;

c) Kết quả khảo sát, đánh giá, xác định mức độ và nguyên nhân sự cố;

d) Các tài liệu về thiết kế và thi công liên quan đến sự cố.

3. Nội dung giải quyết sự cố do Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất với Bộ Tư pháp hướng dẫn.

Điều 44. Thanh toán vốn đầu tư cho dự án ứng dụng công nghệ thông tin

Việc thanh toán vốn cho các dự án ứng dụng công nghệ thông tin được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Nghị định 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước

  • Số hiệu: 102/2009/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 06/11/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 22/11/2009
  • Số công báo: Từ số 529 đến số 530
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH