Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/1998/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 1 năm 1998

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 10/1998/NĐ-CP NGÀY 23 THÁNG 1 NĂM 1998 VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP KHUYẾN KHÍCH VÀ BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 12 tháng 11 năm 1996;
Nhằm khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư nước ngoài;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

1. Chính phủ Việt Nam bảo đảm thực hiện ổn định, lâu dài chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam; đồng thời sửa đổi, bổ sung chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài theo nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.

2. Chính phủ Việt Nam khuyến khích và dành ưu đãi đặc biệt đối với các dự án đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu, sử dụng công nghệ cao, dự án đầu tư thuộc Danh mục các dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư và Danh mục các địa bàn khuyến khích đầu tư được quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này.

3. Trong trường hợp các quy định mới của pháp luật làm thiệt hại đến lợi ích của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên hợp doanh (sau đây gọi là Doanh nghiệp) đã được quy định tại Giấy phép đầu tư thì các quy định đó sẽ không áp dụng đối với các dự án đã được cấp Giấy phép đầu tư.Các quy định mới ưu đãi hơn được ban hành sau khi Doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép đầu tư sẽ được Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư điều chỉnh cho Doanh nghiệp được hưởng theo quy định của Nghị định này.

Điều 2.

1. Các Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực và địa bàn quản lý; cải tiến việc điều hành, rà soát thủ tục đầu tư nhằm bảo đảm thủ tục đầu tư đơn giản, nhanh chóng theo nguyên tắc "một cửa", "một đầu mối".

Thủ trưởng các cơ quan có liên quan có trách nhiệm giám sát, kiểm tra và chịu trách nhiệm về hoạt động của các cơ quan, cán bộ thuộc quyền quản lý của mình và xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

2. Các Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài cần thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; trường hợp có ý kiến khác nhau phải kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chương 2:

HÌNH THÀNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ

Điều 3. Ngoài những lĩnh vực thuộc Danh mục không cấp phép đầu tư và những lĩnh vực đầu tư có điều kiện quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này, nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn dự án đầu tư, hình thức đầu tư, địa bàn, tỷ lệ góp vốn pháp định, thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn đối tác thuộc các thành phần kinh tế của Việt Nam để hợp tác đầu tư.

Điều 4. Đối với các dự án đầu tư có tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm từ 80% trở lên và một số lĩnh vực khác do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, nhà đầu tư đăng ký hồ sơ theo mẫu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư quyết định cấp Giấy phép đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Điều 5. Đối với những lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mà theo quy định phải có Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy phép hành nghề, Doanh nghiệp chỉ cần đăng ký với Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai hoạt động kinh doanh của mình theo mục tiêu, ngành nghề quy định tại Giấy phép đầu tư, không phải xin Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy phép hành nghề.

Chương 3:

KHUYẾN KHÍCH VÀ BẢO ĐẢM ĐẦU TƯ

Điều 6.

1. Đối với các dự án được cấp Giấy phép đầu tư trước ngày 23 tháng 11 năm 1996, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét điều chỉnh thuế suất thuế lợi tức ưu đãi và thời hạn miễn, giảm thuế lợi tức theo các tiêu chuẩn khuyến khích đầu tư quy định tại Nghị định 12/CP ngày 18 tháng 2 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là Nghị định 12/CP) hoặc quy định tại Quy chế Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao ban hành kèm theo Nghị định 36/CP ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ.

2. Thuế suất thuế lợi tức ưu đãi áp dụng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài hợp doanh đầu tư vào các dự án thuộc Danh mục các dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư và Danh mục địa bàn khuyến khích đầu tư được áp dụng trong suốt thời hạn hoạt động của dự án.

Điều 7. Ngoài những trường hợp được miễn thuế lợi tức 8 năm theo quy định tại khoản 4 Điều 56 Nghị định 12/CP, các dự án đầu tư vào các địa bàn khuyến khích đầu tư và các dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này được miễn thuế lợi tức trong 4 năm kể từ khi kinh doanh có lãi và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo.

Điều 8. Doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu được tạm chưa nộp thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu trong thời hạn được quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu.

Đối với một số sản phẩm xuất khẩu do yêu cầu sản xuất hoặc chu kỳ sản xuất, thì thời gian tạm chưa nộp thuế nói trên do Bộ Tài chính quyết định.

Điều 9. Giá tính thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu thuộc diện phải nộp thuế nhập khẩu được xác định trên giá ghi trong hoá đơn hàng hoá nhập khẩu. Trường hợp không có hoá đơn thì giá tính thuế nhập khẩu được xác định theo quy định của Bộ Tài chính.

Nghiêm cấm việc lợi dụng giá tính thuế nhập khẩu để gian lận thuế; mọi hành vi gian lận thuế nhập khẩu sẽ bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Điều 10.

1. Thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nhập khẩu để tạo tài sản cố định của Doanh nghiệp được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại Điều 63 Nghị định 12/CP được quy định tại Phụ lục II.A kèm theo Nghị định này. Ngoài việc được miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải nói trên, Doanh nghiệp còn được miễn thuế nhập khẩu đối với:

- Vật tư xây dựng nhập khẩu để tạo tài sản cố định mà trong nước chưa sản xuất được;

- Nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để chế tạo thiết bị, máy móc trong dây chuyền công nghệ hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, gá lắp, khuôn mẫu, phụ kiện đi kèm với thiết bị, máy móc.

Việc miễn thuế nhập khẩu đối với các loại vật tư, nguyên liệu nói trên được áp dụng cho cả trường hợp mở rộng quy mô dự án, thay thế, đổi mới công nghệ.

2. Ngoài những thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nhập khẩu để tạo tài sản cố định của Doanh nghiệp được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại Điều 63 Nghị định 12/CP, Doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn, văn phòng - căn hộ cho thuê, nhà ở, trung tâm thương mại, dịch vụ kỹ thuật, siêu thị, sân golf, khu du lịch, khu thể thao, khu vui chơi giải trí, cơ sở khám chữa bệnh, đào tạo, văn hoá, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, dịch vụ tư vấn còn được nhập khẩu miễn thuế một lần trang thiết bị quy định tại Phụ lục II.B kèm theo Nghị định này.

3. Các dự án đầu tư thuộc Danh mục dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư và các dự án đầu tư vào vùng núi, vùng sâu, vùng xa quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này được miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu sản xuất trong 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất.

Điều 11. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được chuyển khoản lỗ của bất kỳ năm tính thuế nào sang năm tính thuế tiếp theo và được bù khoản lỗ đó bằng lợi nhuận của những năm tiếp theo, nhưng không đuợc quá 5 năm.

Điều 12.

1. Lãi tiền vay của Doanh nghiệp được tính vào chi phí xây dựng cơ bản hoặc chi phí sản xuất của Doanh nghiệp và được xác định trên cơ sở hợp đồng tín dụng nhưng không cao hơn lãi suất trần tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố đối với các khoản vay trong nước và không cao hơn lãi suất và phí đối với các khoản vay nước ngoài đã được đăng ký tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài hợp doanh được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế các khoản tài trợ cho các hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam.

Điều 13.

1. Đối với dự án đầu tư phải có sản phẩm xuất khẩu thì tỷ lệ và tiến độ thực hiện tỷ lệ xuất khẩu được quy định tại Giấy phép đầu tư.

Trong quá trình kinh doanh, nếu chưa thực hiện được các điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu quy định tại Giấy phép đầu tư, Doanh nghiệp phải báo cáo Bộ Thương mại xem xét điều chỉnh kế hoạch tiêu thụ sản phẩm hàng năm. Trong trường hợp Doanh nghiệp 3 năm liên tục không thực hiện được tỷ lệ xuất khẩu quy định tại Giấy phép đầu tư, Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư sẽ xem xét điều chỉnh tỷ lệ xuất khẩu và các ưu đãi quy định tại Giấy phép đầu tư hoặc thu hồi Giấy phép đầu tư.

2. Doanh nghiệp bán sản phẩm do Doanh nghiệp sản xuất cho các doanh nghiệp khác để trực tiếp sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu và thuế doanh thu tương ứng đối với số sản phẩm nói trên.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được ủy thác và nhận uỷ thác xuất khẩu theo quy định của pháp luật.

3. Doanh nghiệp được mua hàng hoá, sản phẩm tại thị trường Việt Nam để chế biến xuất khẩu hoặc để xuất khẩu theo quy định của Bộ Thương mại.

Điều 14.

1. Số sản phẩm được phép tiêu thụ tại thị trường Việt Nam do Doanh nghiệp trực tiếp thực hiện hoặc thông qua đại lý và không bị giới hạn về địa bàn tiêu thụ sản phẩm.

2. Giá bán sản phẩm do Doanh nghiệp quyết định. Đối với những hàng hoá, dịch vụ Nhà nước thống nhất quản lý giá thì giá bán theo khung giá do Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố.

Điều 15.

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo đảm cân đối ngoại tệ cho Doanh nghiệp trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu thiết yếu và các công trình đầu tư quan trọng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố. Việc đảm bảo bán ngoại tệ đối với các Doanh nghiệp nói trên được áp dụng ổn định suốt thời gian hoạt động của Doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất có nghĩa vụ xuất khẩu sản phẩm và các Doanh nghiệp khác không thuộc đối tượng nói tại Khoản 1 Điều này được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ một phần nhu cầu ngoại tệ trong trường hợp thật sự cần thiết và hợp lý trong 3 năm đầu kể từ khi Doanh nghiệp bắt đầu sản xuất kinh doanh theo thứ tự ưu tiên sau:

- Nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất trong năm;

- Nhập khẩu phụ tùng thay thế;

- Trả lãi tiền vay.

3. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ (du lịch, khách sạn, văn phòng cho thuê, vận tải công cộng, trường học, y tế, văn hoá, cho thuê thiết bị,...) được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét cho mua ngoại tệ phù hợp với các quy định về quản lý ngoại hối hiện hành.

4. Việc bán ngoại tệ của các ngân hàng cho các đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 16. Trong quá trình hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, Doanh nghiệp có quyền dùng tài sản của mình để cầm cố, thế chấp theo quy định của pháp luật.

Điều 17.

1. Trường hợp Doanh nghiệp thuê đất để thực hiện dự án đầu tư hoặc Bên Việt Nam góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất thì tiền thuê đất hoặc tiền nhận nợ với Nhà nước trong trường hợp Bên Việt Nam góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất được tính từ khi Doanh nghiệp được giao quyền sử dụng đất theo Hợp đồng thuê đất.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án đầu tư xác định chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định của Bộ Tài chính và chịu trách nhiệm tổ chức việc đền bù, giải phóng mặt bằng.

Điều 18.

1. Chính phủ bảo đảm hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đến hàng rào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc Khu công nghiệp. Trong trường hợp cần thiết, các doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh công trình hạ tầng kỹ thuật có thể thoả thuận với doanh nghiệp phát triển hạ tầng Khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về việc ứng trước vốn hoặc phương thức khác để xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật.

2. Ngoài việc cho các doanh nghiệp thuê lại đất để xây dựng doanh nghiệp, doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp được phép cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước thuê lại đất chưa cho thuê để các doanh nghiệp này cho các doanh nghiệp khác thuê lại.

Chương 4:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP

Điều 19.

1. Các Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật, chấn chỉnh và tăng cường chế độ phối hợp trong công tác quản lý Doanh nghiệp.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xử lý kịp thời các vấn đề thuộc thẩm quyền và hướng dẫn các Doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định tại Giấy phép đầu tư và quy định của pháp luật.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp cung cấp thông tin về tình hình đầu tư cho các Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan và định kỳ làm việc với các Bộ Tài chính, Thương mại, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục địa chính, Tổng cục Hải quan và ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, giải quyết các kiến nghị của Doanh nghiệp, đề xuất những chính sách, biện pháp cải thiện môi trường đầu tư.

Điều 20.

1. Việc kiểm tra hoạt động của Doanh nghiệp nhằm hỗ trợ Doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vấn đề phát sinh, thực hiện theo đúng quy định của Giấy phép đầu tư và quy định của pháp luật. Việc kiểm tra phải theo đúng các quy định sau:

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ban Quản lý Khu công nghiệp cấp tỉnh (đối với Doanh nghiệp trong Khu công nghiệp) xây dựng kế hoạch và chủ trì tổ chức kiểm tra định kỳ để đánh giá tình hình thực hiện các quy định của Giấy phép đầu tư, đánh giá hiệu quả hoạt động của Doanh nghiệp;

- Các Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng kế hoạch và chủ trì tổ chức kiểm tra chuyên ngành để đánh giá tình hình thực hiện các quy định của pháp luật liên quan tới lĩnh vực quản lý theo thẩm quyền;

- Các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức kiểm tra bất thường khi Doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc khi có sự cố.

2. Cơ quan kiểm tra có trách nhiệm thông báo trước với ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ban Quản lý Khu công nghiệp cấp tỉnh nơi có Doanh nghiệp về kế hoạch và nội dung kiểm tra.

Việc kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên ngành được thực hiện không quá một lần trong một năm đối với một Doanh nghiệp.

3. Cơ quan kiểm tra định kỳ và kiểm tra chuyên ngành có trách nhiệm thông báo kế hoạch, nội dung kiểm tra cho Doanh nghiệp ít nhất là 7 ngày làm việc trước khi tiến hành kiểm tra. Thời gian kiểm tra tại một Doanh nghiệp tối đa không quá 5 ngày làm việc; trường hợp thời gian kiểm tra đòi hỏi dài hơn thì Cơ quan kiểm tra phải thông báo cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ban Quản lý Khu công nghiệp cấp tỉnh.

Mọi hoạt động kiểm tra tuỳ tiện, không đúng pháp luật, lợi dụng kiểm tra gây phiền hà cho Doanh nghiệp đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có quyền khiếu nại về việc kiểm tra nếu thấy việc kiểm tra không đúng với quy định của pháp luật.

4. Trong thời hạn 30 ngày sau khi kết thúc kiểm tra, cơ quan kiểm tra gửi báo cáo kết quả kiểm tra đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21.

1. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

2. Trường hợp có các quy định khác nhau giữa Nghị định này và các Nghị định của Chính phủ liên quan đến đầu tư nước ngoài được ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì áp dụng các quy định của Nghị định này.

3. Các quy định của các Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trái với quy định của Nghị định này đều bị bãi bỏ.

Điều 22. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

PHỤ LỤC I

I. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ĐẶC BIỆT KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ

1.Các dự án xuất khẩu 100% sản phẩm;

2.Các dự án sản xuất các loại giống mới, giống lai có chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế và có hiệu quả kinh tế cao;

3.Các dự án chế biến nông, lâm, thuỷ sản xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu trong nước có trị giá gia tăng cao, sử dụng nhiều lao động;

4.Các dự án thuộc Danh mục các lĩnh vực khuyến khích đầu tư tại các địa bàn khuyến khích đầu tư;

5.Các dự án sản xuất vật liệu mới, vật liệu quý hiếm; các dự án ứng dụng công nghệ mới về sinh học; công nghệ điện tử; công nghệ mới để sản xuất thiết bị thông tin, viễn thông; công nghệ tin học;

6.Các doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp công nghiệp kỹ thuật cao trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;

7.Các dự án xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường, xử lý chế biến các chất thải;

8.Các dự án đầu tư theo hợp đồng BOT, BTO, BT.

II. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ

1. Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp:

- Chế biến nông, lâm, thuỷ sản để xuất khẩu;

- Công nghệ bảo quản thực phẩm; bảo quản nông sản sau thu hoạch; ứng dụng công nghệ, biện pháp sinh học trong nông, lâm, ngư nghiệp;

- Sản xuất các loại nguyên liệu thuốc trừ sâu bệnh hiệu qủa cao, an toàn đối với người, vật nuôi, môi trường;

- Sản xuất thiết bị, phụ tùng, máy nông nghiệp;

- Các dự án sử dụng nhiều lao động, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên sẵn có ở Việt Nam.

2. Lĩnh vực công nghiệp:

- Thăm dò, khai thác và chế biến sâu khoáng sản;

- Phát triển công nghiệp hoá dầu;

- Sản xuất thép cao cấp, hợp kim, kim loại mầu, kim loại đặc biệt, phôi thép, sắt xốp dùng trong công nghiệp.

- Sản xuất các máy công cụ gia công kim loại;

- Sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy; sản xuất, lắp ráp thiết bị, xe máy thi công xây dựng;

- Sản xuất động cơ diezen có công nghệ, kỹ thuật tiên tiến các loại; sản xuất máy,phụ tùng ngành động lực, thuỷ lực, máy áp lực;

- Đóng tàu thuỷ; sản xuất thiết bị phụ tùng cho các tàu vận tải, tàu đánh cá;

- Sản xuất thiết bị, cụm chi tiết trong khai thác dầu khí, mỏ năng lượng; sản xuất thiết bị nâng hạ cỡ lớn;

- Chế tạo thiết bị cơ khí chính xác, sản xuất khuôn mẫu;

- Sản xuất thiết bị xử lý nước thải.

- Sản xuất khí cụ điện trung, cao thế;

- Sản xuất các loại hoá chất cơ bản, hoá chất tinh khiết, thuốc nhuộm, các loại hoá chất chuyên dùng;

- Sản xuất xi măng đặc chủng, vật liệu composit, vật liệu cách âm, cách điện, cách nhiệt cao, vật liệu tổng hợp thay gỗ.

- Sản xuất tơ, sợi các loại, hàng dệt để xuất khẩu, vải đặc biệt dùng trong ngành công nghiệp;

- Sản xuất nguyên liệu cao cấp để sản xuất giầy, dép, quần áo xuất khẩu;

- Sản xuất bao bì cao cấp phục vụ hàng xuất khẩu;

- Sản xuất nguyên liệu thuốc;

- Sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP quốc tế; sản xuất dược phẩm mới bằng công nghệ sinh học;

III. DANH MỤC LĨNH VỰC ĐẦU TƯ CÓ KIỆN

1. Đầu tư theo hình thức doanh nghiệp liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh:

- Xây dựng, kinh doanh mạng viễn thông quốc tế, viễn thông nội hạt (chỉ thực hiện theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh)

- Khai thác, chế biến dầu khí, khoáng sản quý hiếm;

- Xây dựng, kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao;

- Kinh doanh xây dựng;

- Vận tải hàng không, đường sắt, đường biển; vận tải hành khách công cộng; xây dựng cảng, ga hàng không (các dự án BOT, BTO, BT có quy định riêng);

- Sản xuất xi măng, sắt thép;

- Sản xuất thuốc nổ công nghiệp;

- Trồng rừng, trồng cây công nghiệp lâu năm;

- Du lịch lữ hành;

- Văn hoá, thể thao, giải trí.

2. Các sản phẩm phải đảm bảo xuất khẩu ít nhất 80%:

Các sản phẩm công nghiệp mà sản xuất trong nước đã đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng, chất lượng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố trong từng thời kỳ.

3. Lĩnh vực đầu tư phải gắn với phát triển nguồn nguyên liệu:

- Sản xuất, chế biến sữa;

- Sản xuất dầu thực vật, đường mía;

- Chế biến gỗ.

IV. DANH MỤC CÁC LĨNH VỰC KHÔNG CẤP GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ

1.Các dự án gây nguy hại đến an ninh quốc gia, quốc phòng và lợi ích công cộng;

2.Các dự án gây phương hại đến di tích lịch sử, văn hoá, thuần phong mỹ tục của Việt Nam;

3.Các dự án gây tổn hại đến môi trường sinh thái; các dự án xử lý phế thải độc hại đưa từ bên ngoài vào Việt Nam;

4.Những dự án sản xuất các loại hoá chất độc hoặc sử dụng tác nhân độc hại bị cấm theo ước quốc tế.

V. DANH MỤC ĐỊA BÀN KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ

A. Địa bàn vùng núi, vùng sâu và vùng xa

I. Miền núi và trung du Bắc bộ:

1. Hà Giang;

2.Tuyên Quang;

3. Cao Bằng;

4. Lạng Sơn;

5. Lai Châu;

6. Lào Cai;

7. Sơn La;

8. Yên Bái;

9. Bắc Cạn;

10. Thái Nguyên;

11. Hoà Bình;

12. Quảng Ninh: huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Quang Hà, Hoành Bồ, Cẩm Phả, Tiên Yên, Đông Triều, Hải Ninh;

13. Phú Thọ;

14. Bắc Giang.

II. Đồng Bằng Sông Hồng:

1. Hải Dương: huyện Chí Linh;

2. Ninh Bình: huyện Nho Quan, Yên Mô, Gia Viễn.

III. Khu Bốn cũ:

1. Thanh Hóa: huyện Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Hóa, Bá Thước, Ngọc Lạc, Như Xuân, Cẩm Thủy, Thạch Thành;

2. Nghệ An: huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Tân Kỳ, Thanh Chương;

3. Hà Tĩnh;

4. Quảng Bình: trừ thị xã Đồng Hới;

5. Quảng Trị: trừ thị xã Đông Hà;

6. Thừa Thiên-Huế: trừ TP. Huế.

IV. Duyên Hải Miền Trung:

1. Quảng Nam: trừ thị xã Tam Kỳ;

2. Quảng Ngãi: trừ thị xã Quảng Ngãi;

3. Bình Định: trừ thị xã Quy Nhơn;

5. Phú Yên: trừ thị xã Tuy Hoà;

6. Khánh Hoà: huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh;

7. Bình Thuận: trừ thị xã Phan Thiết;

8. Ninh Thuận: trừ thị xã Phan Rang.

V. Tây Nguyên:

1. Gia Lai;

2. Kon Tum;

3. Đắc Lắc;

4. Lâm Đồng.

VI. Đông Nam Bộ:

1. Bình Phước;

2. Đồng Nai: huyện Tân Phú, Xuân Lộc, Đinh Quán.

VII. Đồng Bằng Sông Cửu Long:

1. Long An: trừ thị xã Long An;

2. Đồng Tháp;

3. Tiền Giang: trừ thành phố Mỹ Tho;

4. An Giang;

5. Vĩnh Long;

6. Bến Tre;

7. Trà Vinh;

8. Kiên Giang;

9. Cần Thơ: trừ TP. Cần Thơ;

10. Sóc Trăng;

11. Bạc Liêu;

12. Cà Mau.

B. Địa bàn có điều kiện kinh tế - Xã hội khó khăn

(Trừ các huyện đã nêu ở mục A)

I. Miền núi và trung du Bắc bộ:

1. Quảng Ninh: trừ thành phố Hạ Long, Thị xã Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái và các huyện Mục A;

2. Vĩnh Phúc: trừ thị xã Vĩnh Phúc và các huyện Mục A;

3. Bắc Ninh: huyện Quế Võ, Yên Phong;

II. Đồng Bằng Sông Hồng:

1. TP.Hà Nội: huyện Sóc Sơn;

2. Hải Phòng: huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng;

3. Hà Tây: huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ Quốc Oai, Thạch Thất, ứng Hoà;

4. Hưng Yên;

5. Hải Dương: Trừ thị xã Hải Dương;

5. Thái Bình;

6. Hà Nam;

7. Nam Định;

8. Ninh Bình: trừ thị xã Ninh Bình và các huyện Mục A.

III. Khu Bốn cũ:

1. Thanh Hóa: trừ TP. Thanh Hóa, Thị xã Sầm Sơn, Bỉm Sơn và các huyện Mục A;

2. Nghệ An: trừ TP. Vinh và các huyện Mục A;

3. Hà Tĩnh: trừ thị xã Hà Tĩnh và các huyện Mục A;

4. Quảng Bình: trừ thị xã Đồng Hới;

5. Quảng Trị: trừ thị xã Đông Hà;

6. Thừa Thiên-Huế: trừ thành phố Huế;

IV. Duyên Hải Miền Trung:

1. TP. Đà Nẵng: trừ quận Hải Châu, Sơn Trà;

2. Quảng Nam: trừ thị xã Tam Kỳ;

3. Quảng Ngãi: trừ thị xã Quảng Ngãi;

4. Bình Định: trừ TP. Quy Nhơn;

5. Phú Yên: trừ thị xã Tuy Hoà;

6. Khánh Hoà: trừ thành phố Nhà Trang và các huyện Mục A;

7. Ninh Thuận: trừ thị xã Phan Rang;

8. Bình Thuận: trừ thị xã Phan Thiết.

V. Tây Nguyên:

Trừ các tỉnh thuộc mục A.

VI. Đông Nam Bộ:

1. TP. Hồ Chí Minh: huyện Cần Giờ, Củ Chi;

2. Bình Dương: huyện Bến Cát, Tân Uyên;

3. Tây Ninh: trừ thị xã Tây Ninh;

4. Bà Rịa-Vũng Tàu: huyện Long Đất, Xuyên Mộc.

VII. Đồng Bằng Sông Cửu Long:

1. Long An: trừ thị xã Tân An;

2. Tiền Giang: trừ thị xã Mỹ Tho;

3. Cần Thơ: trừ thành phố Cần Thơ.

PHỤ LỤC II

A. DANH MỤC MÁY MÓC, THIẾT BỊ, PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI ĐƯỢC MIỄN THUẾ NHẬP KHẨU ĐỂ TẠO TÀI SẢN CỐ ĐỊNH CỦA DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀ CÁC BÊN THAM GIA HỢP ĐỒNG HỢP TÁC KINH DOANH

1. Máy móc thiết bị chính thuộc dây chuyền công nghệ bao gồm:

Máy móc, thiết bị sản xuất; vật tư, linh kiện, bộ phận rời đi kèm để lắp đặt hệ thống thiết bị; khuôn mẫu đi kèm với thiết bị máy móc, dụng cụ sản xuất... để hoàn chỉnh hoạt động sản xuất ra sản phẩm quy định tại Giấy phép đầu tư.

2. Máy móc thiết bị phụ trợ thuộc dây chuyền công nghệ bao gồm:

1. Hệ thống điện: toàn bộ thiết bị máy móc vật tư để lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống cấp điện.

2. Hệ thống cấp thoát nước: toàn bộ thiết bị máy móc vật tư đường ống... lắp đặt để hoàn chỉnh hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải.

3. Hệ thống chiếu sáng: toàn bộ thiết bị máy móc vật tư để lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống chiếu sáng.

4. Hệ thống điều hoà, thông gió của khu vực sản xuất.

5. Trang thiết bị Phòng thí nghiệm.

6. Trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, trang thiết bị chống sét, trang thiết bị an toàn lao động...

7. Hệ thống thông tin liên lạc.

8. Máy móc thiết bị cần thiết cho thiết kế sản phẩm hoặc quản lý sản xuất.

3. Phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ bao gồm:

1. Các phương tiện vận tải chuyên dùng cho hoạt động sản xuất quy định tại Giấy phép đầu tư.

2. Phương tiện vận tải để vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm trong dây chuyền công nghệ.

B. DANH MỤC CÁC NHÓM TRANG THIẾT BỊ MIỄN THUẾ NHẬP KHẨU MỘT LẦN CỦA CÁC DOANH NGHIỆP KHÁCH SẠN, VĂN PHÒNG - CĂN HỘ CHO THUÊ, NHÀ Ở, TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ KỸ THUẬT, SIÊU THỊ, SÂN GOLF, KHU DU LỊCH, KHU THỂ THAO, KHU VUI CHƠI GIẢI TRÍ, CƠ SỞ KHÁM CHỮA BỆNH, ĐÀO TẠO, VĂN HÓA, TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG, BẢO HIỂM, KIỂM TOÁN, DỊCH VỤ TƯ VẤN

1. Trang thiết bị văn phòng (máy tính, máy in, fax, telex, fotocopy, bàn ghế, tủ đựng tài liệu...).

2. Trang thiết bị phòng khách (bàn, ghế, thảm, vật trang trí...).

3. Trang thiết bị bếp, phòng ăn, nhà hàng, quầy bar (các loại bếp, lò vi sóng, máy hút khói, khử mùi, dụng cụ làm bếp, ly, đĩa, tách, chén...).

4. Trang thiết bị phòng khách sạn và trang trí nội thất (giường tủ, bàn ghế, tivi, tủ lạnh, điện thoại, tranh, tượng, thảm ...).

5. Thiết bị nghe nhìn (máy cassette, âm ly, loa, video, micro...).

6. Thiết bị vệ sinh (bồn tắm, bệ xí, lavabo, các vật tư lắp đặt hệ thống vệ sinh, gương...).

7. Hệ thống cung cấp nước các loại (máy bơm, máy lọc, đồng hồ nước, nồi hơi ...).

8. Hệ thống máy lạnh và thông gió (điều hoà trung tâm hoặc cục bộ và vật tư phụ tùng đồng bộ...).

9. Hệ thống phòng cháy và chống cháy.

10. Hệ thống điện và chiếu sáng (đèn các loại, đèn chiếu...).

11. Hệ thống xử lý rác và nước thải.

12. Hệ thống thông tin liên lạc.

13. Hệ thống vận chuyển (thang máy, xe điện, các loại xe đẩy).

14. Hệ thống giặt là.

15. Hệ thống bảo vệ.

16. Trang thiết bị phòng thể dục thể thao, bể bơi, sân tennis, cắt tóc, vũ trường, karaoke, vui chơi giải trí, vật lý trị liệu.

17. Máy móc thiết bị liên quan đến việc chăm sóc cỏ (cắt cỏ, phung thuốc trừ sâu...).

18. Hệ thống phun nước, tưới tiêu và thoát nước.

19. Dụng cụ đánh golf (găng tay, gậy đánh golf, quả golf...).

20. Máy móc, trang thiết bị của các khu thể thao, vui chơi giải trí

21. Máy móc, trang thiết bị, dụng cụ y tế, dụng cụ thí nghiệm.

22. Trang thiết bị giảng dạy và học tập (bao gồm cả bàn ghế, bảng, đồ dùng dạy học, thí nghiệm vv...).

23. Các loại phụ tùng kèm theo các loại máy móc, trang thiết bị nêu trên.

24. Máy móc, trang bị các loại chuyên áp dụng cho doanh nghiệp ngân hàng, tài chính (két bảo vệ, máy vi tính các loại, máy đếm tiền, máy kiểm tra tiền giả, hệ thống thông tin, máy móc bảo vệ, xe chở tiền).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 10/1998/NĐ-CP về một số biện pháp khuyến khích và bảo đảm hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam

  • Số hiệu: 10/1998/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 23/01/1998
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: 07/02/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 01/08/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản