Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1817/1999/TT-BKHCNMT

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 1999

THÔNG TƯ

CỦA BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG SỐ 1817/1999/TTBKHCNMT NGÀY 21 THÁNG 10 NĂM 1999 VỀ HƯỚNG DẪN XÁC NHẬN CÁC DỰ ÁN ĐẶC BIỆT KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ QUY ĐỊNH TẠI KHOẢN 7 DANH MỤC I PHỤ LỤC I, NGHỊ ĐỊNH SỐ10/1998/NĐ-CP NGÀY 23/01/1998 CỦA CHÍNH PHỦ

(dự án xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường, xử lý chế biến các chất thải)
Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 10/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 1 năm 1998 của Chính phủ về một số biện pháp khuyến khích và bảo đảm hoạt động đầu trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là Nghị định 10/1998);
Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường hướng dẫn việc xác nhận các dự án xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường, xử lý chế biến các chất thải thuộc danh mục các dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư quy định tại Danh mục I khoản 7 Phụ lục 1 Nghị định 10/1998 như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng điều chỉnh và phạm vi áp dụng

1.1. Thông tư này áp dụng đối với các dự án của doanh nghiệp hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 12 tháng 11 năm 1996 tiến hành hoạt động sản xuất và/hoặc kinh doanh một hoặc các lĩnh vực sau :

a) Xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường

b) Xử lý, chế biến các chất thải.

1.2 Thông tư này không áp dụng đối với các dự án do doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh mà dự án này có bộ phận xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm do chính quá trình sản xuất của mình tạo ra nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Giải thích các thuật ngữ

2.1. "Xử lý ô nhiễm môi trường" là hoạt động của con người nhằm làm giảm độ ô nhiễm môi trường, để đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.

2.2. "Xử lý, chế biến chất thải" là việc áp dụng công nghệ, giải pháp kỹ thuật để biến chất thải thành sản phẩm hữu ích và/hoặc làm giảm ô nhiễm môi trường.

2.3. "Ô nhiễm môi trường" là sự làm thay đổi tính chất môi trường theo chiều hướng xấu đi, vi phạm tiêu chuẩn môi trường.

2.4. "Bảo vệ môi trường" là những hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp, cải thiện môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái, ngăn chặn, khắc phục các hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

2.5. "Chất thải" là chất được loại ra trong sinh hoạt, trong quá trình sản xuất hoặc trong các hoạt động khác tại Việt Nam. Chất thải có thể ở dạng rắn, khí, lỏng hoặc các dạng khác.

3. Chế độ ưu đãi

Các doanh nghiệp thực hiện các dự án đạt các điều kiện quy định tại Thông tư này là dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư, được hưởng các ưu đãi quy định tại Nghị định số 12/CP ngày 18/02/1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định 10/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 về một số biện pháp khuyến khích và bảo đảm hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

II. ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC XÁC NHẬN DỰ ÁN ĐẶC BIỆT KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ

Dự án được đặc biệt khuyến khích đầu tư theo Khoản 7 Danh mục I Phụ lục 1 Nghị định số 10/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 phải đạt đồng thời các điều kiện sau :

1. Dự án phải được hạch toán độc lập, trong đó có 70% tổng doanh thu trở lên, thu được từ hoạt động sản xuất và/hoặc kinh doanh xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường, xử lý chế biến các chất thải.

2. Lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án phải phù hợp với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh quy định tại Phụ lục 1 Thông tư này. Đối với dự án xử lý, chế biến chất thải thì phải sử dụng khối lượng từ 50% trở lên nguyên liệu là chất thải.

3. Dự án phải phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hồ sơ xin hưởng đặc biệt khuyến khích đầu tư

a) Đối với dự án mới :

Hồ sơ dự án xin hưởng đặc biệt khuyến khích đầu tư là hồ sơ xin cấp giấy phép đầu tư. Tuy nhiên trong bản giải trình kinh tế-kỹ thuật (hoặc nghiên cứu khả thi) chủ dự án cần nêu rõ quy trình công nghệ xử lý ô nhiễm, xử lý chế biến chất thải, tỷ lệ doanh thu thu được từ hoạt động sản xuất và/hoặc kinh doanh xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường, xử lý chế biến các chất thải; sự phù hợp của lĩnh vực hoạt động sản xuất và/hoặc kinh doanh của dự án so với Phụ lục 1 Thông tư này. Nếu là dự án xử lý chế biến, chất thải cần nêu rõ tỷ lệ chất thải được sử dụng làm nguyên liệu cho quá trình xử lý chế biến. Nội dung đơn xin cấp giấy phép đầu tư, chủ đầu tư cần ghi rõ : xin đặc biệt khuyến khích đầu tư.

Hồ sơ dự án xin hưởng đặc biệt khuyến khích đầu tư được gửi tới cơ quan cấp giấy phép đầu tư (nêu tại mục 2 phần III Thông tư này). Cơ quan này có trách nhiệm làm đầu mối gửi tới các cơ quan có liên quan trong quá trình thẩm định, xem xét dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư.

b) Đối với dự án đang hoạt động nhưng chưa đề nghị được hưởng đặc biệt khuyến khích đầu tư hoặc dự án mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh xin hưởng đặc biệt khuyến khích đầu tư, hồ sơ xin hưởng đặc biệt khuyến khích đầu tư bao gồm :

- Đơn xin đặc biệt khuyến khích đầu tư;

- Giải trình kinh tế- kỹ thuật (hoặc nghiên cứu khả thi) với nội dung như đã nêu tại mục a trên đây;

- Bản sao hợp lệ Giấy phép đầu tư.

Hồ sơ xin đặc biệt khuyến khích đầu tư đối với dự án đang hoạt động được gửi tới cơ quan cấp giấy phép đầu tư và cơ quan khoa học công nghệ và môi trường (như nêu tại mục 2 phần III Thông tư này) để xem xét đặc biệt khuyến khích đầu tư.

2. Thẩm quyền xem xét, quyết định dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư

2.1. Việc phân cấp quyết định cấp giấy phép đầu tư quy định tại Nghị định số12/CP ngày 18/3/1997 quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam .

Đối với dự án mới, việc xem xét, xác nhận dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư tiến hành đồng thời với việc xem xét cấp giấy phép đầu tư.

Đối với dự án đang hoạt động nhưng chưa đề nghị được đặc biệt khuyến khích đầu tư hoặc dự án mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh xin hưởng đặc biệt khuyến khích đầu tư việc xem xét như đối với việc xin điều chỉnh giấy phép đầu tư.

2.2. Đối với các dự án do Bộ kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư : Trên cơ sở các điều kiện nêu tại Thông tư này và ý kiến thẩm định dự án của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định mức đặc biệt khuyến khích đầu tư trong giấy phép đầu tư.

2.3. Đối với dự án đầu tư thuộc diện phân cấp cấp giấy phép : Trên cơ sở các điều kiện nêu tại phần II của Thông tư này và ý kiến thẩm định dự án của Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cơ quan được phân cấp cấp giấy phép đầu tư của địa phương (hoặc Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao) quyết định mức đặc biệt khuyến khích đầu tư trong giấy phép đầu tư.

2.4. Cơ quan quản lý khoa học, công nghệ và môi trường trả lời cho cơ quan cấp giấy phép đầu tư trong thời hạn 30 ngày đối với trường hợp dự án đủ điều kiện để được hưởng đặc biệt khuyến khích đầu tư.

2.5. Trong trường hợp dự án không đủ điều kiện để được hưởng dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý khoa học, công nghệ và môi trường (nêu tại mục 2.2 và 2.3 trên đây) phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan cấp giấy phép đầu tư biết rõ lý do.

2.6. Trong quá trình hoạt động, nếu doanh nghiệp không còn đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định tại Phần II của Thông tư này thì sẽ bị đình chỉ việc hưởng ưu đãi đầu tư.

2.7.Chủ dự án (hoặc doanh nghiệp có dự án) có quyền khiếu nại lên cấp có thẩm quyền về việc không được hưởng mức khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có vấn đề gì vướng mắc, đề nghị các cơ quan phản ánh để Bộ khoa học, Công nghệ và Môi trường nghiên cứu, xử lý.

Chu Tuấn Nhạ

(Đã ký)

PHỤ LỤC 1

CÁC LĨNH VỰC SẢN XUẤT, KINH DOANH CỦA DỰ ÁN ĐƯỢC ĐẶC BIỆT KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ NÊU TẠI DANH MỤC I KHOẢN 7 PHỤ LỤC 1 NGHỊ ĐỊNH 10/1998

1. Dự án xử lý ô nhiễm

1.1. Dự án làm sạch các vùng nước, hồ, sông, kênh, rạch bị ô nhiễm nặng có nguy cơ dẫn đến suy thoái môi trường, sự cố môi trường.

1.2. Dự án làm sạch các vùng đất bị ô nhiễm nặng có nguy cơ dẫn đến suy thoái môi trường, sự cố môi trường.

1.3. Dự án xử lý, khắc phục ô nhiễm về không khí và/hoặc tiếng ồn.

1.4. Dự án xử lý nước thải bệnh viện

2. Dự án xử lý chất thải

2.1. Dự án thu gom và xử lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp.

2.2. Dự án xử lý nước thải của các khu công nghiệp, khu chế xuất, các đô thị.

2.3. Dự án xử lý, tiêu hủy các loại chất thải nguy hại, chất thải y tế.

2.4. Dự án sử dụng chất thải làm nhiên liệu cho quá trình sản xuất.

2.5. Dự án xử lý chất thải công nghiệp.

3. Dự án tái chế, chế biến các chất thải thành sản phẩm có ích

3.1. Dự án tái chế các chất thải là các loại sản phẩm bao bì bằng giấy, nhựa, gỗ, kim loại,...

3.2. Dự án chế biến các loại chất thải thành phân bón.

3.3. Dự án chế biến các loại chất thải công nghiệp, chất thải nông nghiệp, chất thải sinh hoạt thành các sản phẩm có ích.

3.4. Dự án phục hồi các sản phẩm hư hỏng thành các sản phẩm có các chỉ tiêu chất lượng như ban đầu.

4. Dự án sản xuất các sản phẩm dùng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Dự án sản xuất các chất hoặc các tấm, sợi hút dầu, hấp phụ dầu.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 1817/1999/TT-BKHCNMT hướng dẫn khoản 7 danh mục I phụ lục I Nghị định 10/1998/NĐ-CP về xác nhận các dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 1817/1999/TT-BKHCNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 21/10/1999
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
  • Người ký: Chu Tuấn Nhạ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 45
  • Ngày hiệu lực: 05/11/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 02/03/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản