Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 53/1999/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 26 tháng 3 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 53/1999/QĐ-TTG NGÀY 26 THÁNG 3 NĂM 1999 VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 12 tháng 11 năm 1996;
Nhằm khuyến khích và tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Giá hàng hoá và dịch vụ

Điều chỉnh giá một số hàng hoá và dịch vụ sau:

1. Giá bán điện

Từ ngày 01 tháng 7 năm 1999, giá bán điện cho sản xuất (giờ bình thường, cấp điện áp từ 6KV đến 20KV) của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 7,5 cent/kwh.

Căn cứ giá bán điện nói trên, Ban Vật giá Chính phủ quy định giá bán điện cụ thể áp dụng cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

2. Giá, cước viễn thông

- Từ ngày 01 tháng 7 năm 1999, giá lắp đặt điện thoại đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người nước ngoài áp dụng như mức quy định đối với doanh nghiệp trong nước và người Việt Nam.

- Từ ngày 01 tháng 7 năm 1999, cước thuê bao điện thoại đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người nước ngoài là 10 USD/máy/tháng; cước điện thoại nội hạt được tính theo biểu cước áp dụng đối với doanh nghiệp trong nước và người Việt Nam.

- Từ ngày 01 tháng 7 năm 1999, giảm bình quân 10% cước viễn thông quốc tế hiện hành từ Việt Nam đi các nước; từ ngày 01 tháng 7 năm 1999, mức phụ thu cước viễn thông từ khách sạn không qúa 15% so với cước tại bưu điện.

Tổng cục Bưu điện căn cứ vào các mức giá, cước nêu trên, sau khi trao đổi với Ban Vật giá Chính phủ, quy định cụ thể giá lắp đặt điện thoại, cước thuê bao điện thoại, cước điện thoại nội hạt và cước viễn thông quốc tế từ Việt Nam đi nước ngoài.

3. Giá nước sạch

Từ ngày 01 tháng 7 năm 1999, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện biểu giá bán nước sạch theo mục đích sử dụng không phân biệt doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam và người nước ngoài theo quy định tại Thông tư liên Bộ số 02/TTLB ngày 28 tháng 4 năm 1997 của Bộ Xây dựng và Ban Vật giá Chính phủ.

Điều 2. Phí và lệ phí

1. Từ ngày 01 tháng 7 năm 1999, áp dụng một biểu phí tham quan chung cho người Việt Nam và người nước ngoài tại từng điểm tham quan các di tích lịch sử, cách mạng; công trình văn hoá.

Bộ Tài chính, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quy định này.

2. Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 193/CP ngày 29 tháng 12 năm 1994 của Chính phủ theo hướng chỉ thu lệ phí hành chính đối với việc đăng ký trước bạ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 1999.

3. Từ ngày 01 tháng 7 năm 1999 thực hiện việc thu lệ phí đối với việc đặt văn phòng đại diện của tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam với mức 1 triệu đồng; không thu lệ phí đối với việc gia hạn.

4. Căn cứ Nghị định số 04/1999/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 1999 của Chính phủ, Bộ Tài chính quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ giảm hoặc bãi bỏ các phí, lệ phí do các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Ban quản lý Khu công nghiệp cấp tỉnh ban hành không đúng thẩm quyền, không đúng tính chất, mục đích của việc thu phí và lệ phí để thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 1999.

Điều 3. Đơn vị tiền để quy định giá dịch vụ, phí và lệ phí

Từ ngày 01 tháng 7 năm 1999, dùng tiền Đồng Việt Nam để quy định các loại giá dịch vụ, phí và lệ phí trừ trường hợp có quy định riêng. Các loại giá dịch vụ, phí và lệ phí quy định bằng Đô la Mỹ nêu tại Điều 1Điều 2 Quyết định này được quy đổi ra tiền Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

Điều 4. Lương của lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

1. Từ ngày 01 tháng 7 năm 1999, mức lương tối thiểu và lương của lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quy định và trả bằng tiền Đồng Việt Nam trên cơ sở quy đổi mức lương tối thiểu và lương quy định bằng Đô la Mỹ hiện hành sang Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

Từ ngày 01 tháng 7 năm 1999, khi chỉ số giá tiêu dùng tăng từ 10% trở lên so với lần điều chỉnh gần nhất thì mức lương tối thiểu và lương của lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được điều chỉnh tương ứng.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội điều chỉnh địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu theo quy định tại Quyết định số 385/LĐTBXH-QĐ ngày 01 tháng 4 năm 1996 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 1999.

Mức lương tối thiểu theo quy định tại khoản này áp dụng đối với các dự án được cấp Giấy phép đầu tư sau ngày Quyết định này có hiệu lực. Đối với các dự án đã được cấp giấy phép đầu tư trước ngày Quyết định này có hiệu lực, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và tập thể lao động thỏa thuận thực hiện việc trả lương theo quy định tại khoản này trên cơ sở tự nguyện, giữ ổn định sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động.

3. Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định cụ thể việc thực hiện điểm b khoản 2 Điều 16 Luật Công đoàn. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không áp dụng chế độ trích nộp kinh phí công đoàn từ quỹ lương.

Điều 5. Cấp giấy phép lao động

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 58/CP ngày 03 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ theo hướng ủy quyền cho các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Ban quản lý Khu công nghiệp cấp tỉnh cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với các thủ tục đơn giản, thuận tiện để thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 1999; thời hạn giấy phép lao động phù hợp với thời hạn hợp đồng lao động ký giữa doanh nghiệp và người lao động nước ngoài.

Điều 6. Tuyển dụng và đào tạo lao động

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuyển dụng lao động Việt Nam thông qua các tổ chức cung ứng lao động Việt Nam. Sau thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu cung ứng lao động của doanh nghiệp mà tổ chức cung ứng lao động Việt Nam không đáp ứng được, thì doanh nghiệp được trực tiếp tuyển dụng lao động Việt Nam. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 72/CP ngày 31 tháng 10 năm 1995 và Nghị định số 85/1998/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 1998 của Chính phủ để thực hiện quy định nói trên từ ngày 01 tháng 7 năm 1999.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sắp xếp, củng cố các tổ chức cung ứng lao động nhằm nâng cao chất lượng cung ứng lao động cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức việc đào tạo nghề để cung ứng lao động cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Điều 7. Một số trường hợp thực hiện thuế giá trị gia tăng

1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh được tạm chưa phải nộp thuế giá trị gia tăng đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu trong thời hạn tạm chưa phải nộp thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

2. Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 1998 và Nghị định số 102/1998/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 1998 của Chính phủ theo hướng quy định những đối tượng sau đây do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh nhập khẩu để tạo tài sản cố định (được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại Điều 63 Nghị định số 12/CP ngày 18 tháng 02 năm 1997 và Điều 10 Nghị định số 10/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ) là đối tượng không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng :

- Thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp;

- Vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp.

Điều 8. Mua, bán hàng hoá với doanh nghiệp chế xuất

1. Trừ những hàng hoá cấm xuất khẩu, các doanh nghiệp và cá nhân trong nước được bán hàng hoá cho doanh nghiệp chế xuất, được miễn thuế xuất khẩu và chỉ cần lập tờ khai với Hải quan Khu chế xuất.

2. Doanh nghiệp chế xuất được bán vào thị trường nội địa các sản phẩm sản xuất tại Doanh nghiệp :

- Nguyên liệu, bán thành phẩm cho các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất hàng xuất khẩu;

- Hàng hoá thuộc Danh mục hàng hoá thay thế hàng nhập khẩu thiết yếu mà trong nước có nhu cầu nhập khẩu;

- Phế liệu, phế phẩm còn giá trị thương mại.

Thủ tục và việc nộp thuế nhập khẩu đối với các hàng hoá nói trên thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 9. Quyền sử dụng đất của doanh nghiệp khu công nghiệp, doanh nghiệp chế xuất

Doanh nghiệp khu công nghiệp, doanh nghiệp chế xuất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời hạn Hợp đồng ký với doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất.

Tổng cục Địa chính ban hành văn bản cần thiết để thực hiện quy định nói trên.

Điều 10. Khuyến khích xây dựng nhà ở cho công nhân và các công trình hạ tầng ngoài rào

Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thuê đất với mức giá thấp nhất và được miễn, giảm tối đa các loại thuế để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và các công trình hạ tầng ngoài hàng rào các khu công nghiệp và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế...).

Điều 11. Một số biện pháp bổ sung về khuyến khích đầu tư

1. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đáp ứng được một trong các điều kiện sau đây được hưởng các ưu đãi như đối với dự án thuộc Danh mục dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư :

a) Xuất khẩu từ 80% sản phẩm trở lên;

b) Xuất khẩu từ 50% sản phẩm trở lên và sử dụng nhiều lao động, nguyên liệu, vật tư trong nước (có giá trị từ 30% chi phí sản xuất trở lên);

c) Đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đáp ứng một trong các điều kiện :

- Xuất khẩu từ 50% sản phẩm trở lên trong lĩnh vực nuôi, trồng, chế biến nông, lâm, thuỷ sản;

- Xuất khẩu từ 50% sản phẩm trở lên và sử dụng trên 500 lao động;

- Xuất khẩu từ 30% sản phẩm trở lên và sử dụng nhiều nguyên liệu, vật tư trong nước (có giá trị từ 30% chi phí sản xuất trở lên);

d) Sản xuất linh kiện, phụ tùng cơ khí, điện, điện tử có giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều nguyên liệu, vật tư trong nước;

e) Chế biến khoáng sản khai thác tại Việt Nam.

2. Các dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng cơ khí, điện, điện tử được miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu sản xuất trong 3 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất.

3. Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa được hưởng mức thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài 5%.

4. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc triển khai dự án phải tạm ngừng xây dựng hoặc tạm ngừng hoạt động được giảm hoặc miễn tiền thuê đất tương ứng với thời gian tạm ngừng.

5. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp hạn ngạch xuất khẩu gạo được phép thu mua trực tiếp lúa, gạo nguyên liệu của người sản xuất theo hướng dẫn của Bộ Thương mại.

Điều 12. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)