Hệ thống pháp luật

Chương 4 Luật Tài nguyên nước 1998

Chương 4:

PHÒNG, CHỐNG, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ LŨ, LỤT VÀ TÁC HẠI KHÁC DO NƯỚC GÂY RA

Điều 36. Trách nhiệm, nghĩa vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ, lụt và tác hại khác do nước gây ra

1. Cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi cá nhân có nghĩa vụ tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ, lụt và tác hại khác do nước gây ra.

2. Chính phủ quyết định và chỉ đạo các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ, lụt và tác hại khác do nước gây ra.

3. Các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ, lụt và tác hại khác do nước gây ra.

Điều 37. Lập tiêu chuẩn và phương án phòng, chống lũ, lụt

1. Cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có trách nhiệm lập tiêu chuẩn phòng, chống lũ, lụt cho từng vùng của lưu vực sông để làm cơ sở cho việc lập quy hoạch, xây dựng công trình và phương án phòng, chống lũ, lụt của lưu vực sông.

2. Các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp căn cứ vào tiêu chuẩn phòng, chống lũ, lụt cho từng vùng của lưu vực sông và quy hoạch phòng, chống lũ, lụt của lưu vực sông để xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt của Bộ, ngành và địa phương.

3. Căn cứ vào phương án phòng, chống lũ, lụt, các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác để xử lý khi lũ, lụt xảy ra.

4. Cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn có trách nhiệm tổ chức quan trắc, dự báo và thông báo kịp thời về mưa, lũ và nước biển dâng trong phạm vi cả nước.

Điều 38. Quy hoạch bố trí dân cư, bố trí sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng ngập lũ

Việc quy hoạch bố trí dân cư, bố trí sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng ngập lũ phải tuân theo quy hoạch phòng, chống lũ, lụt của lưu vực sông và phù hợp với đặc điểm lũ, lụt của từng vùng.

Việc xây dựng các kho chứa lương thực, chất độc hại, chất nổ, nhiên liệu, vật tư thiết yếu và tài sản quan trọng khác trong vùng phân lũ, chậm lũ, vùng thường bị ngập lũ phải tuân theo quy hoạch phòng, chống lũ, lụt của lưu vực sông và phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 39. Hồ chứa nước và phòng, chống lũ, lụt

1. Việc xây dựng hồ chứa nước phải tuân theo quy định tại Điều 5 của Luật này và bảo đảm tiêu chuẩn phòng, chống lũ.

2. Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác và bảo vệ hồ chứa nước phải có phương án bảo đảm an toàn công trình, phòng, chống lũ, lụt cho hạ lưu phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ, lụt của lưu vực sông và phải thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Chính phủ quy định việc phân công, phân cấp điều hành các hồ chứa nước lớn.

Điều 40. Quyết định phân lũ, chậm lũ

1. Trong tình huống khẩn cấp khi hệ thống đê bị uy hiếp nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp phân lũ, chậm lũ có liên quan đến hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên theo phương án đã được Chính phủ phê duyệt; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định biện pháp phân lũ, chậm lũ trong địa phương theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Chính phủ quy định cụ thể các tình huống khẩn cấp cần phân lũ, chậm lũ, các biện pháp di dân an toàn, bảo đảm sản xuất và đời sống của nhân dân, khắc phục hậu quả ngập lụt, trợ cấp cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng phân lũ, chậm lũ.

Điều 41. Huy động lực lượng, phương tiện cho việc phòng, chống và khắc phục hậu quả lũ, lụt

1. Trong tình huống khẩn cấp, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có quyền huy động lực lượng, vật tư, phương tiện của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để cứu hộ người, cứu hộ công trình và tài sản bị lũ, lụt uy hiếp hoặc gây hư hại và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

2. Tổ chức, cá nhân được huy động phải chấp hành các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Tổ chức, cá nhân có vật tư, phương tiện được huy động theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu bị thiệt hại thì được bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Trong trường hợp đê điều, công trình phòng, chống lũ, lụt hoặc công trình có liên quan đến phòng, chống lũ, lụt đang bị sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố thì chính quyền địa phương phải huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để bảo vệ và cứu hộ theo quy định tại Điều 51 của Luật này, đồng thời báo cáo cơ quan quản lý công trình và chính quyền cấp trên.

5. Chính phủ quyết định và chỉ đạo các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện việc khắc phục hậu quả lũ, lụt.

6. Các Bộ, ngành và ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả lũ, lụt.

Điều 42. Tiêu nước cho vùng ngập úng

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có vùng thường bị ngập úng phải xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch tiêu úng phù hợp với quy hoạch lưu vực sông, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

2. Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện việc tiêu úng theo sự phân công trong quy hoạch tiêu úng của địa phương.

3. Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho việc xây dựng, khai thác, bảo vệ công trình tiêu úng, ưu tiên cho các vùng đặc biệt quan trọng.

Điều 43. Phòng, chống và khắc phục hậu quả hạn hán

1. Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho việc xây dựng các công trình thủy lợi ở các vùng thường xuyên xảy ra hạn hán để có nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất và phòng, chống cháy rừng.

2. Tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả hạn hán .

3. Cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước, Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm lập phương án và tổ chức, chỉ đạo có hiệu quả việc phòng, chống và khắc phục hậu quả hạn hán.

4. Cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn có trách nhiệm cung cấp kịp thời thông tin, dự báo về khí tượng thủy văn để phục vụ phòng, chống hạn hán.

Điều 44. Phòng, chống xâm nhập mặn, nước biển dâng, tràn

1. Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho việc xây dựng đê biển, cống ngăn mặn, giữ ngọt, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ chắn sóng để phòng, chống xâm nhập mặn và nước biển dâng, tràn.

2. Việc quản lý, vận hành các cống ngăn mặn, giữ ngọt và các hồ chứa nước, công trình điều tiết dòng chảy phải tuân theo quy trình, quy phạm bảo đảm phòng, chống xâm nhập mặn.

3. Việc thăm dò, khai thác nước dưới đất vùng ven biển phải bảo đảm phòng, chống xâm nhập mặn cho các tầng chứa nước dưới đất.

Điều 45. Phòng, chống mưa đá, mưa axít

1. Cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn có trách nhiệm cung cấp kịp thời thông tin, dự báo về khả năng xuất hiện mưa đá và thông báo kịp thời cho nhân dân biết để có biện pháp phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại.

2. Tổ chức, cá nhân phải có biện pháp xử lý khí thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để tránh gây mưa axít; trường hợp khí thải chưa xử lý tạo ra mưa axít gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 46. Nguồn tài chính để phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ, lụt, hạn hán và các tác hại nghiêm trọng khác do nước gây ra

Nguồn tài chính để phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại nghiêm trọng do nước gây ra bao gồm:

1. Ngân sách nhà nước để xây dựng, tu bổ đê điều, công trình phòng, chống lũ, lụt, hạn hán và các tác hại nghiêm trọng khác do nước gây ra;

2. Ngân sách nhà nước dự phòng chi cho việc khắc phục hậu quả lũ, lụt, hạn hán và các tác hại nghiêm trọng khác do nước gây ra;

3. Quỹ phòng, chống lụt, bão của địa phương do nhân dân đóng góp theo quy định của Chính phủ;

4. Các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước; của các Chính phủ; của tổ chức, cá nhân ngoài nước và tổ chức quốc tế.

Luật Tài nguyên nước 1998

  • Số hiệu: 08/1998/QH10
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 20/05/1998
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 21
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH